Thái Thanh – giọng ca muôn đời
Thái Thanh- giọng ca tiêu biểu, đặt nền móng cho tân nhạc Việt Nam vừa ra đi tại Mỹ ở tuổi 86. Bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn cho âm nhạc và để lại hàng trăm bản thu mẫu mực, thể hiện một kỹ thuật thanh nhạc độc đáo, đầy tìm tòi, sáng tạo. Lối nhả chữ, luyến láy như làm xiếc của bà diễn tả được đủ mọi cung bậc cảm xúc của con người cũng như tôn vinh vẻ đẹp của phát âm tiếng Việt.
Ðộc nhất vô nhị
Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934 ở quê nội, làng Bạch Mai, Hà Nội. Bà bắt đầu học hát từ năm 10 tuổi với anh trai Phạm Đình Chương và bước lên sân khấu cùng nhóm nhạc gia đình năm 12 tuổi. Giọng hát Thái Thanh và âm nhạc Phạm Duy (người lấy chị gái bà) gắn bó hòa quyện cùng nhau. Thái Thanh hát hầu hết các sáng tác của Phạm Duy, trừ mảng Tục ca.
“Có những lần anh Phạm Duy mới sáng tác được hai ba câu của một bài ca đã gọi tôi: “Em, em Thanh, hát thử cho anh nghe câu này”. Thế thì có nghĩa là bài của ông Phạm Duy chưa xong, Thái Thanh đã hát rồi… Tôi không nghĩ là anh Phạm Duy sửa đổi nhạc của anh ấy vì tiếng hát của tôi đâu. Tôi chỉ nghĩ là có nhạc Phạm Duy thì có tiếng hát Thái Thanh như thế này, và có tiếng hát Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy mới…”- bà bỏ lửng câu nói trong cuộc trò chuyện với Nguyễn Tiến Đức vào năm 2002. Chính Phạm Duy đã nói thay bà: “Nếu không có Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy cũng không được hay và nổi lên được như vậy.” Và cũng chẳng phải đợi đến tận bây giờ, ai cũng phải công nhận, hơn ai hết, Thái Thanh chuyển tải đến được tận hồn cốt âm nhạc của Phạm Duy.
Cách hát cường điệu của bà rất được ưa thích lúc mới xuất hiện và in dấu lên một số ca sĩ lớp sau. Nhưng thế hệ khán giả sau này lớn lên trong một môi trường cảm thụ khác không phải ai cũng có đủ trải nghiệm để ngấm được biểu cảm khác lạ này. Nhạc sĩ Tuấn Khanh mô tả: “Ngay cả trong giới sinh viên Nhạc viện, thậm chí là sinh viên thanh nhạc, cũng không phải ai cũng tiếp nhận được tiếng hát Thái Thanh. Để thưởng thức nhanh, những người học nhạc chúng tôi thường chia nhau giọng hát của những người thuộc hàng con cháu của bà như Thái Hiền, Duy Quang, Khánh Hà hoặc Ý Lan… chứ không thể bước ngay vào thánh đường âm nhạc của bà. Giọng hát của Thái Thanh kiêu hãnh như vậy đó. Hoặc để người tìm tới và chiêm ngưỡng, hoặc là cứ bước qua vô tình chứ không thể nhận mình là tiếng hát giải trí đơn giản”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng phải thốt lên: “Nếu ta nghiêng mình lệch đi một tí, bình diện với thời gian thay đổi, thì cô Thái Thanh đã ở bên kia tự bao giờ rồi, ví dụ năm ngàn năm về trước hoặc năm ngàn năm về sau.” Thực sự chỉ trong giai đoạn lịch sử giao thời đặc biệt đó, trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc như thế, mới hun đúc nên một giọng hát là sự kết hợp tinh hoa của cả Đông và Tây như Thái Thanh. Giờ đây nhìn lại có thể thấy Thái Thanh giống như làm một cú ngược dòng ngoạn mục, chắt chiu những gì thuộc về tinh túy của lối hát Việt, hòa vào trong kỹ thuật thanh nhạc của riêng mình. Càng về sau này, ca sĩ Việt càng rõ xu hướng Tây hóa.
Thái Thanh kể: “Cả bố tôi và mẹ tôi đều chơi đàn cổ như tranh, bầu, nhị, sáo… Cụ ông chơi những thứ đàn đó còn cụ bà thì chơi tỳ bà. Mẹ tôi giỏi về nhạc lắm. Tôi nhớ ngày xưa tôi có được nghe cụ hát ả đào thật tuyệt. Các bạn của bố tôi mỗi khi làm được những bài thơ hay là tới đưa cho cụ hát, rồi mọi người ngồi thưởng thức.” Người luyện cho Thái Thanh hát lối Tây chính là anh trai Phạm Đình Chương, như bà kể: “Anh ấy mua sách báo âm nhạc của Pháp bầy bán ở Sài Gòn hoặc đặt mua từ Paris, nói với tôi: Em ạ, em muốn hát hay thì em phải đọc sách này, và anh sẽ chỉ dạy cho em. Nếu em hát có phương pháp như trong sách thì em còn hát hay hơn thế nữa…”
Một số người mới nghe có thể cho rằng Thái Thanh hát bị điệu quá, kịch quá. Tuấn Khanh cũng từng có nghi ngại này: “Thỉnh thoảng, tôi cũng cũng giả định rằng liệu một nghệ sĩ xuất sắc như bà để có thể sống thật trong từng bài hát hay không… Nhưng khi nghe được chuyện bà vất vả thu hàng chục lần bài hát Bà mẹ Gio Linh do cứ ngừng vì khóc giữa bài, tôi hiểu được rằng tiếng hát Thái Thanh không hát chỉ cho hôm nay, mà hát cho hôm qua và cả mai sau”. Theo anh, Bà mẹ Gio Linh là một trong những ca khúc mà Thái Thanh trình bày xuất sắc nhất, nhưng bà cũng ít khi trình diễn nhất, vì nó quá đau thương.
Thái Thanh từng tâm sự với tác giả Đỗ Tăng Bí: “Ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó nữa… Đặc biệt tôi sinh ra ở Hà Nội thì khi đọc đên hai chữ “Hà Nội” tôi cảm thấy một tình cảm yêu mến vô bờ, đọc đến chữ “em bé quê” là mình cảm thấy dào dạt tình thương yêu các em nhỏ sống ở những vùng quê nghèo nàn…. Nếu mình không yêu chữ của nước mình thì giống như mình hát một bài hát ngoại quốc vậy”. Bà khẳng định bí quyết thành công của mình còn nằm ở tình yêu với khán giả và tình yêu với những gì trời đã phú cho mình. Được biết trong những năm không thể đi hát, bà vẫn thường xuyên luyện thanh để giữ giọng.
Thái Thanh có gần 10 năm hôn nhân với một tài tử màn bạc nổi tiếng thời bấy giờ là Lê Quỳnh. Bà có công nuôi 5 người con, trong đó người con trai út bị liệt nửa người dưới nhưng vẫn học hết đại học và có công việc ổn định tại Mỹ. Sau ly hôn, hai bên vẫn giữ mối quan hệ thân thiết. Vợ mới của Lê Quỳnh thậm chí còn là người rất hâm mộ giọng hát Thái Thanh. Năm 2000, bà từng bị tai biến não, mất trí nhớ, nhiều lúc không nhận ra người thân. Nhưng tới 2004 bà lên sân khấu trình diễn hết sức duyên dáng cùng con gái. Đó cũng là lần cuối bà xuất hiện trước công chúng một cách chính thức.
Khánh Ly nhớ Thái Thanh
Năm 1969, Khánh Ly mở phòng trà Queen Bee, mời Thái Thanh làm nòng cốt, cùng lúc đó Thái Thanh cũng là vedette tại phòng trà Đêm Màu Hồng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Những bài hit của Thái Thanh lúc bấy giờ là Kỷ vật cho em, Mùa thu chết, Ngậm ngùi, Nửa hồn thương đau… “Đừng nói gì là khán giả, đến chúng tôi còn mê nữa”, Khánh Ly chia sẻ với Tiền Phong.
“Lũ chúng tôi lúc đó còn trẻ lắm, nghịch ngợm chẳng ai bằng. Cô Thái Thanh lại rất thương chúng tôi nên chỉ mắng yêu mà thôi. Ở phòng trà tôi, giờ của cô Thái Thanh là giờ đỉnh. Cô rất đúng giờ và đến là hát, xong là đi. Ít khi cô ngồi lại trò chuyện. Tụi tôi chỉ đợi có thế để được nghe những bài mình thích. Thế là không nhường khán giả, tụi tôi mạnh đứa nào nấy hét: “Cô ơi Ngậm rồi Đau rồi Chết!” Tức là Ngậm ngùi, Nửa hồn thương đau, Mùa thu chết. Đêm nào tụi tôi cũng trù tréo lên như thế, mà khán giả cũng rất là hoan hô. Hát xong cô khẽ khàng đi xuống tủm tỉm điểm mặt chúng tôi: “Chúng mày quá lắm nhé! Bộ hát cho chúng mày à…”.
Cô nói xong lại nhẹ nhàng cười hạnh phúc, cầm cái ví nhỏ bước đi. Cho đến bây giờ, chúng tôi mỗi lần gặp nhau lại nhắc kỷ niệm này và những ngày tháng tới sẽ còn nhắc mãi rồi cùng nhau cười và chảy nước mắt. Ngọc Minh ơi, Hồng Vân ơi, Lan Ngọc ơi, cô Thái Thanh đâu rồi?!”.
Không ít người cho rằng Thái Thanh là bà hoàng độc tôn trong tân nhạc Việt. Khánh Ly nêu quan điểm: “Kể ra trên thế giới, diva không nhiều lắm đâu. Còn nói tới Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là diva, đó là cô Thái Thanh. Chấm hết.” Lệ Thu từng phát biểu: “Chúng tôi không là những giọng hát vượt thời gian được, nếu nói vượt thời gian chỉ duy nhất dành cho danh ca Thái Thanh mà thôi!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét