Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Đám tang nhà thơ ở Sài Gòn : THƯƠNG TIẾC TÚ KẾU / bài viết : Nguyễn Thụy Long -- source : vietbao.com>

 Đám tang nhà thơ ở Saigon: Thương Tiếc Tú Kếu

NGUYỄN THỤY LONG


29/04/2002

Tin nhà thơ Tú Kếu qua đời làm nhiều anh em bằng hữu ở khắp mọi nơi bàng hoàng, nhưng tôi thì không. Anh mang căn bệnh khó trị này đã năm năm qua. Tôi từng lên xuống Sài Gòn-Bảo Lộc thăm hỏi anh suốt thời gian anh dưỡng bệnh ở Bảo Lộc. Sức khoẻ và chứng quên của anh ngày thêm tồi tệ. Gia đình anh đã tận lực để trị bệnh cho anh nhưng cũng đành chịu.


8giờ 30 phút sáng, Tú Kếu ra đi êm thấm, sau khi húp một thìa sữa, Chị Phượng vợ của anh, như thường lệ lên tiệm bán trà thì được điện gọi về. Rồi điện đi khắp nơi cho bạn bè. Trước đây hai ngày cũng có một nguồn tin "cá tháng tư " Tú Kếu đi dưỡng bệnh bên Mỹ, về đến Việt Nam thì chết. Tôi sững sờ và những anh em khác bên cạnh Tú Kếu bấy lâu nay cũng bị sững sờ vì nguồn tin ấy, hỏi ra thi ra một bạn nghe không rõ, làm xôn xao dư luận, chứng tỏ Tú Kếu được mọi người quan tâm, yêu qúy.


Bạn bè Tú Kếu có mặt ngay ở căn nhà bên cầu An Lộc ,Gò Vấp, mỗi người lo một việc trong lúc tang gia bối rối, rồi cũng xong. Bố mẹ vợ Tú Kếu là ông bà Tiêm cũng đứng trứơc quan tài Tú Kếu thành thật bộc bạch rằng, Tú Kếu trước đây là bạn của ông, sau thành tình nghĩa cha vợ con rể, chuyện đó cũng thường thôi, ông xin lỗi với linh hồn Tú Kếu rằng nếu gia đình ông có gì sơ xuất với Tú Kếu, thì xin bỏ qua, ông lo cho bạn cũng là rể hết lòng, nhất là khi Tú Kếu thời gian ở tù, thời gian bệnh hoạn, và lo cho các cháu ngoại nên người, bây giờ còn hai cháu út nữa còn nhỏ dại.


Trời bỗng nhiên đổ cơn mưa rào sau những ngày miền Nam nắng hạn. Chị Phượng và các con rũ rượi. Tôi có cái lo lắng của một người sống trong chế độ XHCN lâu năm, hỏi chị Phượng rằng lo được giấy tờ khai tử cho anh chưa, việc này ảnh hưởng đến lý lịch của hai cháu nhỏ tuổi còn đi học, chị nói xong cả rồi, vì tôi biết Tú Kếu sau ngày được phóng thích, không có giấy tờ gì ngoài giấy ra trại, tất nhiên không có hộ khẩu và Chứng Minh Thư nhân dân. Tôi tạm yên tâm. Nhưng khi tôi hỏi lại ông Tiêm về chuyện này, ông Tiêm nói không cần nữa vì Tú Kếu đã chết rồi, dù bao lâu nay Tú Kếu không có một mảnh giấy tờ để chứng minh là công dân của nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng khi nằm xuống Tú Kếu vẫn về với Chúa, theo lệnh người vẫy gọi, thì có quan trọng gì giấy tờ ở thế gian này.


Tôi chơi với Tú Kếu lâu năm, biết Tú Kếu là người theo đạo thờ ông bà tổ tiên, sau khi lấy vợ mới theo đạo Công Giáo, thành một tân tòng. Tú Kếu sinh tại Sơn Tây năm 1937, tên thật là Nguyễn Huy Nhiên. Di cư vào Nam năm 1954, sống tại trại Học Sinh di cư ở Phú Thọ, cũng trong địa phận Sài Gòn, rồi anh làm thơ, ký bút anh đầu tiên là Hoàng Bình Sơn, kế đến là Trần Đức Uyển, bút danh này anh dùng làm tên thật trong thẻ căn cước, và đổi lại năm sinh là năm 1936. Anh tuổi Sửu tính theo Âm lịch. Khi tung hoành trong trận văn, rừng bút anh mang tên Tú Kếu.

Tên anh, thế hệ sinh sau đẻ muộn sau năm 1975 không còn ai biết nữa. Không biết vì không được phép biết, chứ không phải quên. Thơ anh không được nhắc đến nữa. Cả tên tuổi nhà thơ lẫy lừng này cũng đã bị bôi nhọ, bị coi là tội phạm. Nhưng dù ai muốn gì đi nữa, bút danh Tú Kếu sẽ còn mãi, trong lòng người mà cả trong Văn Học Sử Việt Nam.


Trong cáo phó của gia đình Tú Kếu ghi như sau :


Phao Lồ Trần Đức Uyển
Sinh năm 1936
Tạ : Bình Xá-Thạch Thất-Hà Tây
Đã từ trần vào lúc : 8 giở 30 Ngày 25-4-2002
(nhằm ngày 13 tháng 3 năm Nhâm Ngọ)
Hưởng 66 tuổi


CHƯƠNG TRÌNH LỄ AN TÁNG

Ngày : 26-4-2002


Nhập quan lúc 8giờ ngày 26-4-2002
Thánh lễ tại tư gia lúc 8 giở 30,26-4-2002
Động quan lúc : 4 giờ ngày 27-4-2002
Thánh lễ an táng được cử hành tại: Nhà thờ Giáo xứ AN NHƠN lúc 5 giờ 27-4
Sau đó di chuyển linh cữu đến: Nghĩa trang giáo xứ KHIẾT TÂM-THỦ ĐỨC


4 giờ sáng ngày 27-4-2002, gia đình và anh em bạn bè của Tú Kếu đưa anh tới nơi an nghỉ. Khi đó còn tối trời. Anh em bạn bè chúng tôi cầu chúc cho linh hồn anh đời đời an nghỉ.


Trong số bạn bè cũ của Tú Kếu đến viếng thăm anh có những văn nghệ sĩ người miền Nam như thi sĩ Trần Tuấn Kiệt, thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà, nhà văn thi sĩ Lã Phi Khanh. Tất cả các anh đều có tấm lòng quí mến và thương tiếc Tú Kếu, bằng những vần thơ vô cùng cảm động.


Tôi xin ghi lại đây những bài thơ của anh em:


ĐƯA TIỄN TÚ KẾU


Ta đứng nhìn ngươi về Thiên Đường
Lòng ngùi ở lại mấy tà dương
Bạn bè dăm đứa còn hay mất
Mỗi kẻ nhìn nhau nhớ viễn phương

Bạn bè thuở nhỏ đã gần nhau
Tình nghĩa thâm sâu tự thuở nào
Nay đến lần ngươi vừa giã biệt
Khiến lòng ta lại nhớ Mặc Thu

Bao nhiêu người bạn đã ra đi
Mộng ảo trần gian có xá gì
Muốn rơi nước mắt đành ngăn lệ
Đứng nhìn hình bạn lúc ra đi.

Trần Tuấn Kiệt


Kiên Giang(Hà Huy Hà )& Phi Khanh khi nghe tin Tú Kếu mất cũng vội tới để đọc thơ trước quan tài của anh:


LÀNG VĂN TRẬN BÚT TRÒN DUYÊN NỢ


Sài Gòn nắng đốt như xông Lửa
Chỉ mát lòng khi bạn gặp nhau
Nhắc chuyện ngày xưa chìm quá khứ
Tình như bông bưởi mãi thơm lâu

Bỗng dưng nhận được hung tin thật
Tú Kếu vinh du, vượt cõi đời
Bè bạn đạp xe tìm gặp mặt
Cùng nhau bái biệt trước quan tài

Nửa vòng thế kỷ, thời vang bóng
Nhà báo nhà văn thuở thiếu thời
Viết lách lọc lừa phường cú vọ
Cho con người giữ vẹn tình người

TÚ KẾU tục danh TRẦN ĐỨC UYỂN
Viết thơ Chì , XÁM lẫn thơ ĐEN
Bút sa điểm mặt nhiều chân tướng
Nên dáng thanh cao, xóa mặt hèn

Nếu cuộc sống còn ĐEN, CHÌ , XÁM
Tâm hồn Tú Kếu vẫn phương phi
Làng văn trận bút tròn duyên nợ
Chuyển kiếp rồi : SANH KÝ TỬ QUI

Hãy rót chén trà mùi Tiến Đạt
Gom mây trong dáng khói Lâm Đồng
Ra Sơn Tây cúi chào nguyên quán
Rồi thả hồn lên cõi nhược bồng

Nghĩa tử người ơi là nghĩa tận
Một pho lý lịch : Nợ văn chương
THIÊN KIM NHỨT TỰ:Vàng hay chữ
Nhiều giọt nước làm nên đại dương


Sàigòn 26-4-2002
KIÊN GIANG


Và thơ của Phi Khanh.


KHÓC TÚ KẾU


Tú Kếu, Tú Kều, Tú Đụp ơi
Thơ đen thơ xám đã xa rồi
Một thời vung chữ trên đầu gió
Nửa kiếp ôm vần rịn máu tươi

Anh đi còn đấy bao lời chứa….
Cuồn cuộn trong tim của mọi người
Bẻ bút vì chồn ngoan lớp chó!
Khóc Anh nghĩ lại khóc mình thôi.


Sàigon, ngày 26/04/2002
PHI KHANH


Nguyễn Thụy Long

(bài viết từ Sài Gòn gửi Việt Báo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét