Những phát hiện thú vị về văn học Sài Gòn 1954 - 1975
Lê Văn Nghĩa xuất thân là nhà văn trào phúng nhưng khi chuyển sang lĩnh vực khảo cứu, ông say mê tìm tòi các tư liệu quý và nhiều phát hiện của ông qua tác phẩm mới Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) góp phần làm sáng tỏ những câu chuyện thú vị ít người biết.
Nhà văn ký vào sách đầu tiên cho độc giả
Vào những năm 1970, Sài Gòn có khu trung tâm thương mại Tam Đa (Crystal Palace) - sau này là tòa nhà ITC nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1, TP.HCM) với quầy sách “hoành tráng” của cây bút Tuổi Ngọc Duyên Anh ở tầng 1, thường ghi bảng giới thiệu sách mới luôn được chính tác giả đứng đây ký trực tiếp vào mỗi sáng chủ nhật. Vì vậy sau này mọi người cứ nhầm tưởng Duyên Anh là nhà văn đầu tiên ở Sài Gòn ký vào sách cho độc giả. Nhưng thật ra không phải, vì theo tài liệu mà tác giả Lê Văn Nghĩa sưu tầm được thì chính nhà văn Bình Nguyên Lộc trước đó từng ký tên đầu tiên vào sách cho bạn đọc từ tháng 5.1960. Tác giả Lê Văn Nghĩa dẫn chứng bằng tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy số ra tháng 5.1960, có ghi nhận sự việc này như sau: “Để o bế cho tác phẩm của mình, nhà văn Bình Nguyên Lộc phải đích thân tiếp xúc với độc giả nào chiếu cố đến Ký thác. Do đó mà từ ngày 4 - 11.5, ai đi ngang qua nhà sách Việt Hương ở đường Lê Lợi (Sài Gòn) khoảng từ 3 giờ rưỡi đến 6 giờ chiều đều gặp Bình Nguyên Lộc đứng bán lẻ tập truyện Ký thác với câu đề tặng đúng tên người mua với chữ ký và triện son thứ thiệt của tác giả”.
Ngược với sự rộng rãi dành cho độc giả, nhà văn Bình Nguyên Lộc lại là người thường kiệm lời với bạn văn chương nên nhà văn này chưa từng viết bài cho đồng nghiệp nào cùng thời. Vậy mà ông lại ngoại lệ ưu ái nhà văn Thanh Nam trong bài có tựa Thanh Nam dưới mắt Bình Nguyên Lộc (đăng Nghệ thuật số 36 ngày 18.6.1966). Theo nhà nghiên cứu Lê Văn Nghĩa, thì ra cả hai nhà văn là… bạn nhậu với nhau quá thân thiết. “Qua bài viết mới biết Bình Nguyên Lộc cũng nhậu thầy chạy phà phà, ve sầu kêu ve ve cùng với Thanh Nam. Ông cũng khai thiệt: “Có một đêm quất xong 6 chai dăm ba và hai cái công xôm ma xông, Thanh Nam lại lôi tôi đi tuốt vào quán La Cigale ở tận trong Đakao để quất thêm mỗi đứa một cái Martini và một cái Cinzanno nữa”, tác giả Lê Văn Nghĩa phát hiện.
Hẻm văn nghệ sĩ ở Sài Gòn vào tiểu thuyết
Vào thập niên 1960, cư xá Chu Mạnh Trinh ở 215 Chi Lăng, Q.Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là đường Đoàn Thị Điểm, Q.Phú Nhuận) từng được mệnh danh là “cái rốn của vũ trụ”. Tác giả Lê Văn Nghĩa lý giải: “Sở dĩ cư xá này nổi tiếng vì nhiều cư dân là văn nghệ sĩ “khủng”. Gia đình nghệ sĩ Năm Châu có lẽ đến sớm nhất từ năm 1957, rồi sau đó những nhà văn, nhạc sĩ cũng dần dần kéo về đây: “phù thủy âm nhạc” Phạm Duy, mẹ con ca sĩ Minh Trang - Quỳnh Giao, các nhạc sĩ: Hoàng Nguyên, Tuấn Khanh, Song Ngọc, Anh Tài (Tài ngò), nhà báo Hồng Tiêu - nhà văn Bà Tùng Long, nhà văn Vũ Mộng Long, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Chưa kể, Sài Gòn (thuộc địa phận Chợ Lớn khi đó) có xóm Lan Chi cũng nổi tiếng như cồn, vì có họa sĩ Tạ Tỵ mua nhà khu vực này, rồi nhiều nhân vật thành danh: Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư, Hồ Hữu Tường, nhà phê bình văn học Thượng Sỹ, nhạc sĩ Hoàng Trọng, Tô Kiều Ngân cũng an cư tại đây”.
Gần góc đường Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, TP.HCM) có con hẻm nhỏ phía trước gắn tấm bảng đúc bằng xi măng ghi chữ “Đình Phú Thạnh - 199 Lê Văn Duyệt”, gần khu chợ Đũi tập trung bà con lao động lầm lũi nhưng ít ai biết trước đây từng là “thủ phủ” văn nghệ của đất Sài Gòn. Theo nhà văn Lê Văn Nghĩa, nơi đây quy tụ nhiều anh tài của sân khấu cải lương miền Nam về mướn nhà và say mê... tập tuồng. “Chính trong con hẻm này, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đã sinh sống khi từ Vĩnh Long lên. Trong tùy bút Mái nhà khu phố (tuần báo Khởi hành, tháng 5.1969) bà có kể con đường về nhà mình. Đặc biệt, Cho trận gió kinh thiên từ trang đầu đã thấy khung cảnh y chang con hẻm Đình Phú Thạnh với những thân phận người, nào Nguyệt, Đồng, bà Tư, con Loan, cô gái bán hoa. Còn Bình Nguyên Lộc tiết lộ từng được gặp Nhất Linh ở đây. Bởi vậy, bây giờ tôi đã hết thắc mắc khi thấy cặp vợ chồng ca sĩ Quang Bình - Trang Thanh Lan cư ngụ tại đây vào khoảng năm 1982 - 1983”, nhà văn Lê Văn Nghĩa kể trong sách. Rồi chuyện Du Tử Lê thấy bút danh Hoài Thi Yên Thy của tác giả Nguyễn Hoàng Hải có vẻ hơi... cải lương nên đặt lại là Nguyễn Tất Nhiên bỗng dưng nổi tiếng; hay chuyện vui là nhà thơ - nhà văn Từ Kế Tường vì mê nhân vật Từ Kế Trường trong truyện Liêu trai của Bồ Tùng Linh nên lấy làm bút danh, ai ngờ khi thơ đăng trên tờ Huyền “bị thằng xếp ty-po làm rớt mất chữ r” thành ra “đóng đinh” bút danh luôn tới giờ...
Sách Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề của nhà văn Lê Văn Nghĩa còn có nhiều “bật mí” hấp dẫn, gây tò mò cho độc giả, như: Những cặp vợ chồng nhà văn, Ba nhà văn thân quen của Dưỡng trí viện Biên Hòa, Hai nhà văn nữ là chị em ruột, Cơm không lành canh không ngọt giữa Duyên Anh và Lê Hoàng Hoa, Bùi Giáng điên vì đâu, Nhà văn ứng cử dân biểu… Nhà văn Lê Văn Nghĩa cũng sẽ tiết lộ những câu chuyện thú vị xung quanh nội dung sách trong buổi giao lưu vào chiều 31.10 tại Đường sách TP.HCM. Buổi giao lưu còn có sự tham gia của nhiều khách mời: nhà văn Thế Phong, nhà văn - nhà nghiên cứu Phan Kim Thịnh, Giáo sư Huỳnh Như Phương, nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh, các nhà thơ: Phạm Chu Sa, Vũ Trọng Quang, Trần Hữu Dũng, Lê Thiếu Nhơn, Phan Hoàng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét