Những chuyện bên lề Văn học Sài Gòn 1954-1975
Nhà báo-nhà văn Lê Văn Nghĩa đã có hứng thú như một người ham thích văn chương bỏ công góp nhặt những câu chuyện “hữu tín hữu trưng”, nói có sách mách có chứng, dẫn nguồn khá đầy đủ, rị mọ từ tốn lấy ra từ trong mớ sách báo, tập hồi ký của rất nhiều tác giả, phần nhiều xuất bản trước 1975
VĂN HỌC SÀI GÒN 1954-1975: NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ
Cuốn sách mới nhất của Lê Văn Nghĩa vừa do NXB Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, độ dày gần 500 trang và in đẹp, với cái bìa trông có vẻ hiện đại và trang nhã, không phải một tập chuyên khảo về văn học Miền Nam được biên soạn một cách hệ thống như một cuốn văn học sử cận-hiện đại, mà như tên sách đã chỉ rõ, đó là những chuyện bên lề liên quan cả tính cách, lối sống, tình cảnh sống, thói quen sinh hoạt riêng tư lẫn những hoạt động sáng tác nghiên cứu công khai rất phong phú đa dạng của hầu hết văn nhân thi sĩ, nhà biên khảo tiêu biểu ở miền Nam, mà đất Sài Gòn tự do thoải mái là nơi thu hút tập trung đông đảo anh hào tứ xứ, lãng tử cũng nhiều, trong giai đoạn phân ly của đất nước 1954-1975.
Tuy nhiên, đây cũng không phải một bộ sưu tập giai thoại văn chương thuần túy, vì giai thoại thường xuất phát từ những câu chuyện truyền miệng hấp dẫn nhưng có thể không có bằng cớ đích xác. Ở đây, nhà báo-nhà văn Lê Văn Nghĩa đã có hứng thú như một người ham thích văn chương bỏ công góp nhặt những câu chuyện “hữu tín hữu trưng”, nói có sách mách có chứng, dẫn nguồn khá đầy đủ, rị mọ từ tốn lấy ra từ trong mớ sách báo, tập hồi ký của rất nhiều tác giả, phần nhiều xuất bản trước 1975 (như đã ghi trong “Tài liệu tham khảo và trích dẫn”, tr. 471), pha trộn với một phần kiến thức văn chương bụi đời “ngồi lê đôi mách” của bản thân anh. Cho nên, cuốn sách cũng không giống hẳn như hồi ký văn học của vài tác giả nổi tiếng như Nguyễn Vỹ, Tạ Tỵ…, là những người trực tiếp tham gia vào hoạt động văn học trong thời họ đang sống.
Với hàng trăm câu chuyện kể gắn trong tổng cộng 141 đề mục không sắp xếp theo hệ thống biên niên, theo tên tác giả, hoặc theo chủ đề, cuốn sách đã làm toát lên được bầu không khí sinh hoạt văn chương nghệ thuật tự do phóng khoáng sống động nhiều màu sắc thuộc nhiều trường phái thể loại khác nhau của một miền Nam thời trước. Hầu như không một tác giả tiêu biểu nào mà không được điểm qua nhắc đến, cũng như những tờ báo/ tạp chí mà các tác giả có bài cộng tác nhiều hoặc ít, với bên cạnh sự kiện được ghi chép còn kèm theo vài câu nhận xét/ bình luận ngắn gọn theo kiểu dí dỏm tếu tếu đặc thù rất quen thuộc của người góp nhặt Lê Văn Nghĩa: Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Kiên Giang, Bùi Giáng, Hoàng Trúc Ly, Tô Thùy Yên, Phạm Công Thiện, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Đức Sơn, Nhất Linh, Hồ Hữu Tường, Võ Phiến, Chu Tử, Nguyễn Ngu Í, Du Tử Lê, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Tạ Tỵ, Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Thị Vinh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Hoàng Ngọc Tuấn, Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Đình Toàn, Huỳnh Phan Anh … Vài tác giả chuyên về sách dịch cũng được đưa vào, như Ngọc Thứ Lang (“Người dịch Bố già vô đối”, tr. 14), Liêu Quốc Nhĩ (chuyên dịch tiểu thuyết Quỳnh Dao, trong bài “Lai rai về sách dịch”, tr. 94).... Không thể kể xiết!
Ngoài một số chuyện là lạ có thể gây tò mò người đọc, như “Một vụ đạo văn đáo tụng đình” (tr 12), “Những cặp vợ chồng nhà văn” (tr. 20), “Nơi tàng trữ thơ tình” (tr. 26), “Tự tử trên chồng sách “ (tr. 30), “Ba nhà văn quen của dưỡng trí viện Biên Hòa” (tr. 48), “Duyên Anh gửi thân xóm điếm” (tr. 111), “Bình Nguyê n Lộc nhậu cùng Thanh Nam” (tr. 18), “Cây sáo bên thi hài Nhất Linh”… còn có một vài câu chuyện có thể hữu ích cho những người trẻ lớp sau muốn theo nghiệp viết văn, như “Ai quyết định tác phẩm của nhà văn?” (tr. 59), “Duyên Anh và kỹ thuật viết truyện thiếu nhi” (tr. 83), “Hoàng Hải Thủy nói về feuilleton” (tr. 161), “Kinh nghiệm viết văn của Bình Nguyên Lộc” (tr. 194), “Nhà văn phải chịu trách nhiệm với bạn đọc” (tr. 407)…
Gần cuối sách (trang 458-470) có một phụ lục rất bổ ích cho việc tham khảo là sơ lược vài dòng tiểu sử của những tác giả đã đề cập trong sách. Phải chi soạn giả hoặc nhà xuất bản bỏ chút công phu cho thêm một bảng tra cứu (index) tên tác giả, tác phẩm nữa thì hay cho người sử dụng sách biết mấy?
Một người bạn tôi, hiểu biết khá nhiều về giới văn học Sài Gòn cho hay, trong sách vẫn còn một số sai sót nhỏ về tên gọi, sự kiện… Thiết nghĩ đây cũng là chuyện rất bình thường thông cảm được, vì soạn giả Lê Văn Nghĩa dù có ba đầu sáu tay và bỏ công ra thêm ba năm nữa để học hỏi, kiểm chứng cũng không thể nào quán xuyến đầy đủ trên một diện quá rộng liên quan đến một lĩnh vực hoạt động vốn dĩ phức tạp đa dạng và hơi có phần “lung tung” của dòng văn học Sài Gòn. Vấn đề quan trọng là điều soạn giả viết trong Lời nói đầu phải được tôn trọng: “Chắc chắn quyển sách nhỏ này còn rất nhiều điều chưa chính xác hoặc còn phải bàn cãi, mong được sự góp ý của các bậc thức giả để tác giả điều chỉnh. Xin thật lòng cám ơn tất cả sự đóng góp, phê bình của quý bạn đọc với tất cả sự cầu thị” (tr. 7).
Tóm lại, một cuốn sách đọc vui mà bổ ích, thuộc loại xuất hiện lần đầu tiên trên văn đàn Việt Nam hiện tại, có tác dụng bổ sung kiến thức, đặc biệt đối với thế hệ độc giả trẻ lớn lên sau 1975 và những người yêu thích văn nghệ gốc Bắc, về một mảng hoạt động văn học sôi nổi của miền Nam mà có thời gian gần như bị lãng quên và chưa được nhắc nhở đến nhiều trên những tác phẩm nghiên cứu văn học “chính thống”.
TRẦN VĂN CHÁNH
nguồn: blog Lê Thiếu Nhơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét