MONDAY, SEPTEMBER 7, 2020
1742. PHẠM CAO HOÀNG Nhà văn Mang Viên Long
Nhà văn Mang Viên Long - Photo by Phạm Cao Hoàng, Qui Nhơn, 9.2016)
Nhà văn Mang Viên Long sinh ngày 4 tháng 6 năm 1944 tại An Nhơn, Bình Định. Cha ông mất khi ông còn là một bào thai 6 tháng nằm trong bụng mẹ và mẹ ông mất khi ông lên 8 tuổi. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, ông trải qua một thời thơ ấu đầy tủi nhục và đau buồn.
Ông và người chị lớn hơn ông 4 tuổi sống với người anh tên Nguyên. Ông hoc lớp 1 và lớp 2 ở các lớp học bình dân vào ban đêm thời kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, Hiệp Định Genève được ký kết, hòa bình lập lại, ông vào học lớp ba ở trường làng. Ngoài giờ học, ông giúp anh Nguyên làm nhiều công việc ở tiệm chụp hình của anh ấy. Chỉ cần một sai sót là ông bị anh Nguyên nện cho một trận đòn chí tử. Có lần vì quá sợ đòn, ông trốn khỏi nhà, chạy vào ẩn nấp trong một ngôi chùa gần đó nhưng anh Nguyên vẫn tìm được và đưa về nhà.
Sau khi học xong bậc tiểu học, ông bắt đầu cuộc sống xa nhà, xuống Qui Nhơn ở trọ để theo học bậc trung học tại trường Cường Để. Bằng những nỗ lực và ý chí phi thường của bản thân, ông vượt qua mọi khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần, kiên trì theo đuổi việc học, và cuối cùng hoàn tất bậc trung học, đậu bằng Tú Tài II. Sau đó ông thi vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. (Sư Phạm Qui Nhơn là nơi đào tạo giáo viên tiểu học cho cả miền Trung. Thời gian đào tạo là 2 năm. Trịnh Công Sơn cũng từng được đào tạo ở trường này. Chỉ cần có văn bằng Tú Tài I là có thể thi vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Những sinh viên có bằng Tú Tài II sau này được cho về Sài Gòn đào tạo thêm 6 tháng để cải ngạch trở thành Giáo Sư Trung Học Đệ Nhất Cấp, dạy từ lớp 6 đến lớp 9 và Mang Viên Long nằm trong trường hợp này).
Năm 1966, Mang Viên Long tốt nghiệp Sư Phạm Qui Nhơn và được bổ nhiệm về dạy ở Tuy Hòa. Chính nơi đây, ông đã bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình. Từ một cậu bé mồ côi bị ngược đãi, bị bạo hành, ông đã vượt qua số phận để trở thành một nhà giáo, một nhà văn. Truyện và tạp bút của ông được đăng trên những tạp chí văn học danh tiếng thời bấy giờ ở Sài Gòn như Văn, Bách Khoa, Vấn Đề, Trình Bầy, Khởi Hành, Thời Tập, Ý Thức… Truyện ngắn DÌ LUCIA đăng trên tạp chí Bách Khoa số 304 (Tháng 11.1973) là một trong những truyện ngắn hay nhất của ông. Từ kinh nghiệm của bản thân, truyện và tạp bút của ông viết nhiều về những cảnh đời cơ cực ở vùng nông thôn. Mang Viên Long chịu ảnh hưởng triết lý Phật Giáo, chấp nhận số phận như một cái nghiệp do mình đã tạo ra, và truyện của ông kết thúc có hậu.
Mang Viên Long (1966), khi vừa tốt nghiệp SPQN
Giữa năm 1972, cuộc chiến trở nên khốc liệt. Lệnh tổng động viên được ban hành. Nhiều giáo chức trước đây được hoãn dịch nay không còn được hoãn dịch nữa và Mang Viên Long phải lên đường nhập ngũ. Sau khi rời quân trường với cấp bậc chuẩn úy, ông được Bộ Giáo Dục biệt phái về dạy ở trường cũ – trường trung học Nguyễn Huệ, Tuy Hòa.
Sau 1975, những giáo chức đã được huấn luyện quân sự như Mang Viên Long đều bị cho nghỉ dạy (mặc dù thời chiến tranh ông chưa ra mặt trận ngày nào) và đưa đi học tập cải tạo trong 9 tháng. Cuộc đời ông lại bắt đầu lận đận từ đây. Tính ra, trong suốt cuộc đời mình, Mang Viên Long chỉ có 9 năm được sống bình yên (1966-1975, thời dạy học ở Tuy Hòa). Còn lại là những tháng năm cơ cực.
Cuối năm 1977, Mang Viên Long cùng hai con nhỏ trở về quê cũ – An Nhơn, Bình Định, còn vợ ông tiếp tục ở lại Tuy Hòa dạy học. Không còn làm “thầy”, Mang Viên Long chuyển sang làm “thợ”. Ông làm đủ thứ công việc để kiếm sống: phụ hồ, chở gạch cho thợ xây, dọn vườn, cuốc đất, bắt điện, khuân vác, sửa xe đạp, sửa kính đeo mắt, bơm quẹt ga…
Tình cờ, trong một lần xuống Qui Nhơn, lang thang ở đường Tăng Bạt Hổ, ông gặp một bạn trẻ làm nghề sửa ổ khóa. Nghe ông trình bày hoàn cảnh khó khăn của mình, người bạn trẻ giới thiệu ông với “sư phụ” để học nghề. Chỉ trong một ngày học nghề, ông đã biết sửa ổ khóa và làm chìa khóa. Sau này, vừa học vừa làm, tay nghề càng ngày càng vững vàng, ông theo đuổi nghề này cho đến cuối đời. Trong tự truyện NHƯ ÁNG MÂY TRÔI, Mang Viên Long cho biết một điều thật oái oăm: ông mất 14 năm ăn học để có được nghề dạy học nhưng nghề này chỉ nuôi sống ông được 12 năm; trong khi nghề sửa ổ khóa làm chìa khóa chỉ học trong một ngày nhưng lại nuôi sống ông hơn 30 năm.
Bốn câu thơ dưới đây của Mang Viên Long ghi lại tâm sự của ông:
Phác thảo chân dung Mang Viên Long - Đinh Cường (2014)
“Chữ Thơ - chữ Thợ, cũng gần,
Làm Thơ, làm Thợ - ta mần cả hai!
Làm Thợ thì để sinh nhai.
Làm Thơ thì để… lai rai, đỡ buồn!”
Mang Viên Long đang làm chìa khóa cho khách hàng - Ảnh Huỳnh Văn Mỹ
Mang Viên Long lập gia đình và có hai đứa con trước 1975. Sau 1975, ông có thêm hai đứa con nữa. Tuy nhiên, đời sống hôn nhân của ông thì đầy sóng gió. Như đã viết ở trên, sau khi ông trở về An Nhơn, Bình Định, vợ ông vẫn tiếp tục ở lại Tuy Hòa dạy học. Một năm sau, vợ ông được thuyên chuyển về Bình Định, dạy ở một trường gần nhà. Vợ chồng sống êm ấm với nhau được vài năm thì những bất hòa, những xích mích bắt đầu xảy ra và xóa mờ dần tình yêu mà hai người đã có được trước đó. Mang Viên Long nhẫn nhục, chịu đựng, với hy vọng “chuyển được nghiệp” để hai vợ chồng lại hòa thuận với nhau. Nhưng rồi “duyên nghiệp” đã thay đổi, mọi cố gắng của ông đều bất thành. Buồn phiền, lo âu, trong 20 năm Mang Viên Long không còn sáng tác được nữa.
Chân dung Mang Viên Long - Nguyễn Sông Ba
Để tránh không khí ngột ngạt trong gia đình và những xung đột ảnh hưởng đến con cái, mỗi năm ông bỏ nhà nhiều lần, đi lang bạt nhiều nơi, tìm đến nhiều ngôi chùa để tâm được an. Cứ về rồi lại đi, đi rồi lại về. Ông kéo dài cuộc sống không đình đậu như vậy trong 10 năm. Cuối cùng, hai vợ chồng phải chia tay. Đời ông hết nỗi buồn này lại chồng chất thêm nỗi buồn khác. Những năm cuối đời, ông sống cùng vợ chồng một đứa con gái. Ngày 22 tháng 7 năm 2020, ông qua đời tại quê nhà – An Nhơn, Bình Định – sau một cơn đột quỵ và nhồi máu cơ tim, để lại cho đời 35 tác phẩm.
PHẠM CAO HOÀNG
Virginia, 24.7.2020
Các tác phẩm của Mang Viên Long trước 1975 - Ảnh Huỳn Văn Mỹ
DANH MỤC 35 TÁC PHẨM CỦA MANG VIÊN LONG
1 - Trên Đỉnh Sa Mù (Tập truyện - 1969)
2 - Mùa Thu Trống Trải (Tập truyện - 1970 )
3 - Phố Người (Tập truyện - 1971)
4 - Có Những Mùa Trăng (Tập truyện - 1972)
5 - Đóa Hồng Cho Người Yêu (Tùy bút - 1972)
6 - Biển Của Hai Người (Tập truyện - 2003)
7 - Hỏi Lại Chính Mình (Tập truyện - 2006)
8 - Trái Tim Còn Lại (Tập truyện - 2007)
9 - Ông Già Và Con Chim Hoàng Ly (Tập truyện - 2008)
10 - Điều Bất Ngờ Đã Đến (Tập truyện - 2008)
11 - Người Giữ Cầu Bến Sông (Tập truyện - 2009)
12 - Người Lưu Giữ Bản Thảo (Tập truyện - 2010)
13 - Một Thời Để Thương Yêu (Tập truyện - 2011)
14 - Mùa Xuân Ở Trên Cao (Tập truyện - 2012)
15 - Như Những Giọt Sương (Tiểu luận & Tạp bút /tập 1 - 2012)
16 - Như Những Giọt Sương (Tiểu luận & Tạp bút /tập 2 - 2013)
17 - Quán Café Tulip (Tập truyện - 2013)
17 - Quán Café Tulip (Tập truyện - 2013)
18 - Dì Lucia (Tập truyện - 2013)
19 - Cảm Ơn Nhau (Tập truyện - 2014)
20 - Như Những Giọt Sương (Tiểu luận & Tạp bút /tập 3 - 2014)
21 - Tôi Đến Với Phật (Tiểu luận & Tạp bút - 2014)
21 - Tôi Đến Với Phật (Tiểu luận & Tạp bút - 2014)
22 - Như Áng Mây Trôi (Hồi ký - 2015)
23 - Cũng Chỉ Là Giấc Mơ (Tập truyện - 2015)
24 - Xin Hãy Lắng Nghe… (Tạp bút - 2015)
25 - Tuyển Tập Truyện Ngắn (Tập I - 9.2015)
26 - Tuyển Tập Truyện Ngắn (Tập II - 12.2015)
27 - Tuyển Tập Truyện Ngắn (Tập III - 2016)
28 - Buổi Sáng Trước Hiên Nhà (Truyện ngắn & Tạp bút - 2016)
29 – Một Chữ Tình Để Lại (Truyện ngắn & Tạp bút - 2017)
30 – Hạt Sương Đêm (Nhật ký thơ 4 câu – 2017)
31 – Đôi Bờ Nhân Duyên (Truyện dài – 2018)
32 – Nhà Có Bông Vạn Thọ (Truyện ngắn & Tạp bút - 2018)
33 – Những Tháng Ngày Bình Yên (Bút ký – 2018)
34 – Những Gặp Gỡ Hình Như Là Tình Yêu (Tạp bút – 2019)
35 – Tắc Lòng Hiến Dâng (Truyện ngắn, in chung với Tiểu Nguyệt – 2020)
***
-------------------------------------------
tưởng nhớ
cựu sĩ quan VNCH, nhà giáo
MANG VIÊN LONG
blog Virgil Gheorghiu
Saigon, Sept. 8, 2020
----------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét