QUÁN CAFÉ “KIẾM CƠM”
B uổi sáng thứ bảy, Ngàn đem tấm biển hiệu tự tay trình bày, viết, từ ngày hôm trước “Quán café Kiếm Cơm” ra treo trước hiên, thì đã có nhiều người hiếu kỳ ghé vào. Sao vui vẻ chào khách, mời trà - rồi hỏi: “Thưa, các anh dùng café đen hay sữa?”.
Sao lại quầy pha café, còn Ngàn đến ngồi uống trà, tiếp chuyện với cậu em thân quen làm biên tập cho một nhà xuất bản vừa từ Sài Gòn về quê, ghé thăm.
Đến hơn 10 giờ một chút, thưa khách, đúng giờ đã bàn bạc với Sao từ mấy hôm trước, Ngàn đóng cửa quán - cười: “Em coi thử buổi sáng mở hàng đầu tiên được mấy đồng?”.
-Dạ, cũng kha khá anh à - Sao thoáng nhìn Ngàn âu yếm, giọng vui vẻ.
-Kha khá là bao nhiêu? - Ngàn nhìn Sao với ánh mắt đầy thương cảm - Em “báo cáo” cụ thể cho anh biết chút...
-Dạ, được chẵn một trăm ngàn...
-Em làm thử phép tính nhẩm xem, trừ “vốn liếng”, còn lại được mấy chục?
-Khoảng bốn năm chục, anh ạ!
Ngàn sấn lại, đột ngột ôm chặt lấy Sao:
-Em ơi, vậy là chúng mình kiếm đủ cơm rồi em nhỉ? Ngày khai trương như vậy là “giấc mơ của mình đã thành hiện thực!”…
-Dạ...
Ngàn luôn “Dạ” sau mỗi lời nói của anh, hay khi nghe người khác - nhất là người lớn tuổi nói; đã khiến Ngàn vừa thương Sao quá, nhưng cũng vừa ái ngại, lo lắng. Có lần Ngàn đã nói với Sao: “Dạ, là đồng ý, là thuận theo - em “dạ” mà chưa hiểu hết nghĩa đen, nghĩa bóng câu nói của người khác, đôi khi có thâm ý, thì sau sẽ trả lời sao đây?”. Nàng cười lớn: “dạ”.
Chỉ được gần Sao hơn hai năm, Ngàn đã nhận ra rất rõ điều này: Dầu trên 50, nhưng nàng vẫn giữ được tâm hồn trẻ thơ, hồn nhiên, chơn chất như xưa. Bình thường, tâm người thay đổi từng giây phút theo thân, theo mọi cảnh sống, theo dòng thời gian trôi nổi, ít có ai có thể giữ tâm yên một chỗ lâu dài. Có lần được Sao cho xem những tấm ảnh cũ của nàng trong album, thoáng nhìn thấy tấm ảnh nàng chụp năm 17 tuổi, Ngàn đã thốt lên: “Ôi! Tâm hồn em bây giờ, giống như tâm hồn của em trong tấm ảnh nầy quá!”. Nhìn nét mặt có vẻ hơi ngơ ngác của Sao - Ngàn cắt nghĩa thêm: “Nghĩa là sau ngần ấy năm, nếm trải bao thăng trầm, khổ đau, bất hạnh - nhưng tâm hồn em vẫn như xưa; trong sáng và chơn chất, cho dầu có khác nhiều ở hình hài, áo quần, mũ giầy...”.
Sao ôm chầm lấy Ngàn, hôn thật lâu lên mặt anh: “Dạ, Em rất cảm ơn anh!”.
***
Ngàn tốt nghiệp Trường Kỹ Thuật Phú Thọ năm 73, ngành Bưu chính Viễn thông, rồi bị gọi nhập ngũ ngay, theo lệnh Tổng Động Viên cả nước. Ngày khóa mãn, Ngàn được chuyển đến đơn vị Truyền tin của sư đoàn 22 Bộ binh. Sau 75, qua gần một năm tập trung học tập ở Trại 53, Tổng trại 5, Quân khu 5 - Ngàn được trở về quê. Khi đã qua hết thời gian quy định cho người trở về khá lâu, Ngàn mới xin được phép mở hiệu sửa radio nho nhỏ ở nhà để kiếm sống - nhất là để không mang tiếng thất nghiệp, hay bị liệt và danh sách những kẻ “ngồi mát ăn bát vàng”!
Được người bạn học cũ thương, nể tình, mai mối cho cô em gái đang làm kế toán tại một hợp tác xã mua bán ở xã, Ngàn chấp thuận. Việc sửa chữa máy thu thanh của Ngàn ngày càng vắng khách, vì ít ai có thời gian rảnh rỗi, thư thả, để ngồi bên chiếc radio ngoài trừ những người quá già; anh phải nhận đi bắt điện nhà, sửa máy quạt, bàn ủi, đèn pin - hay bất cứ việc gì có thể kiếm thêm thu nhập, để có thể giữ được ổn định của gia đình khi đã có một đứa con. Nga - vợ anh, bắt đầu u buồn, vì đơn xin đi học lớp kế toán trung cấp bị từ chối!
Từ buồn, đến chán - Nga hằn học, gây sự, rồi nguyền rủa anh nặng lời. Ngàn biết những gì sẽ phải đến cho đời mình và đứa con trai đầu lòng mới lên ba, nên ngày đêm cặm cụi làm việc, nhẫn nhịn. Khi tình yêu đã mất, lòng tôn trọng và sự chia sẻ, cảm thông không còn; sự đỗ vỡ đã nằm ngay dưới chân, là chuyện không ai có thể ngăn chặn lại được.
Sau khi ly hôn nửa năm, Nga được gọi đi học lớp kế toán ở Đà Nẵng hai năm. Nàng giao con lại cho Ngàn. Từ năm đó, Nga tự cắt đứt liên lạc với Ngàn và con, chuyển lên xin viẹc, và sống ở Daklak với người chú đang công tác ở tỉnh, rồi có chồng con, mãi cho đến ngày được người thân ở quê báo tin, đứa con trai của nàng sắp cưới vợ…
Cuộc đời của Sao cũng không suông sẻ gì hơn. Nàng vừa có thai bốn tháng, chồng đã bảo gom hết vàng bạc, giao nộp cho chủ tàu để anh vượt biển, thực hiện “ước mơ nghệ thuật”. Sao “dạ” và moi tìm số vàng cưới, góp nhặt, chạy vạy mượn thêm, để đưa cho chồng.
Hơn nửa năm nằm chờ ngoài quần đảo của Philippine, chồng nàng được chuyển vào nước Mỹ. Thời gian không lâu, người anh chồng đến thăm Sao, gợi ý qua câu nói bóng gió “Em nên tìm người khác, chớ nên chờ đợi mòn mỏi vây!”. Sao “dạ”. Lòng tràn ngạp nỗi lo, buồn!
Tình cờ đến thăm gia đình chồng trong dịp Tết, cô em gái của chồng, đã đem khoe mấy tấm ảnh của anh chụp ở Mỹ trong ngày cưới - xe hơi sáng loáng, áo quần lộng lẫy, đèn hoa tưng bừng, và “đôi cặp” rạng rỡ nụ cười, nắm tay nhau hạnh phúc bước lên sân khấu. Sao choáng váng, rồi suy sụp, rồi sau đó ngã bệnh. Nàng được đưa vào bệnh viện thành phố cấp cứu. Nằm viện hơn ba tháng, Sao được xuất viện, người gầy xanh như lá chuối non. Nàng trở về nhà một mình như một kẻ mất hồn.
Sao đã khóc trên vai Ngàn: “Nỗi đau đó, em chịu được, nhưng sau nầy, ngày đám cưới của bé Trang em phải nhờ người anh họ làm cha nó, phải nắm tay người anh họ đi giữa họ hàng, bạn bè, bước lên sân khấu cười chào mọi người - em tủi nhục quá, anh ạ!”. Ngàn gắng cười, giọng tỉnh táo: “Anh có hơn gì em! Ngày đám cưới của thằng Mẫn mẹ nó có về, cũng nắm tay anh đi giữa những tràn vỗ tay của mọi người…nhưng sau đêm ấy, đã biến mất tăm!”.
***
Ngàn không mấy tin vào chuyện duyên số, cho đến khi được tình cờ gặp Sao trong một buổi giới thiệu tác phẩm mới của người bạn; mới chợt hiểu ra. Sao là cô học trò ngoan hiền, học giỏi của anh ấy thời trung học. Ngàn được sắp xếp ngồi ờ hàng ghế trên, trước sân khấu, cùng với khách mời từ nhà xuất bản, từ vài tờ báo trong thành phố, dầu anh rất mong được ngồi gần Sao.
Người bạn đã gặp riêng Ngàn trước đó vài hôm, đề nghị anh viết cho đôi lời cảm nhận về tập truyện - nể tình, Ngàn đã nhận lời. Sao cũng đã được người dẫn chương trình mời lên ngâm hai bài thơ của nàng, để góp vui với thầy và các bạn học cũ.
Sau đêm được biết nhau thoáng qua như vậy, Ngàn đã cảm thấy không thể quên được hình bóng Sao. Nàng thường hiện về trong đầu anh, kể cả lúc anh đang ngồi viết. Rồi những hình ảnh rời rạc tình cờ ấy, đi dần vào giấc ngủ một cách rất bất chợt, đến nỗi, chính Ngàn, khi chợt thức dậy, cũng thấy lạ lùng! Anh phone hỏi thăm người bạn về Sao. Ngàn được người bạn trả lời rất ngắn gọn về cô học trò cũ của mình nay đã là một nhà thơ có ba tác phẩm - được đọc giả mến mộ; nhưng chỉ qua vài chi tiết nhỏ, Ngàn cũng đã cảm thấy được nhanh chóng cuộc đời và ước mơ của Sao rất đỗi giống mình.
Từ nỗi cảm thông thầm kín về đời sống, ước mơ ấy, đã dẫn dắt Ngàn đi sâu dần vào nỗi thấu hiểu tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của Sao nhiều hơn. Chính mối cảm thông thắm thiết nầy, đã làm Ngàn yêu thương Sao, và cảm thấy không thể rời xa được. Tình yêu, trước tiên, phải chăng là nỗi cảm thông sâu đậm, lặng lẽ ấy? Nhận ra điều nầy, chính Ngàn - một lần nữa, rất ngạc nhiên vì sự thay đổi của mình. Bấy lâu, sau lần dang dở, sau những năm tháng sống lận đận, khép kín với những trang viết đầy ắp những cảnh đời hẩm hiu, và tình yêu dang dở - anh cứ ngỡ trái tim mình đã chai mòn, sẽ ngủ yên…
***
Quán café Kiếm Cơm của họ đã hoạt động được mấy tháng rồi, nhưng chỉ mở cửa một buổi sáng từ 5 giờ, đến 10 giờ là đóng cửa. Chất lượng của đời sống, của tình yêu, không thể tính theo thời gian… ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét