Sunday, 25 December 2016
Đỗ Hoàng Diệu
Đỗ Hoàng Diệu
(1976 Thanh Hóa - .......)
Nhà văn
Thụy Khuê
Nói chuyện với Đỗ Hoàng Diệu
Đỗ Hoàng Diệu sinh năm 1976 tại Thanh Hoá, đỗ cử nhân luật và cử nhân báo chí. Làm việc tại Hà Nội. Xuất hiện lần đầu trên văn đàn hải ngoại với truyện ngắn Tình chuột, in trên Họp Lưu số 74 (tháng 12/2003- 1/2004), rồi liên tiếp: Những sợi tóc màu tang lễ (HL 75), Cô gái điếm và năm người đàn ông (HL 76), Bóng đè (HL 78), Dòng sông hủi (HL 80) và Vu quy (HL 82). Nổi tiếng ngay. Âm vang vọng về trong nước. Nhà xuất bản Đà Nẵng nhận in tập Bóng đè, trong có ba truyện, Bóng đè, Vu Quy và Dòng sông hủi cùng với một số truyện ngắn khác. Tập truyện gây xôn xao dư luận và trở thành đối tượng bàn cãi và công kích nhất trong khoảng thời gian gần đây. Tại sao truyện của Đỗ Hoàng Diệu lại gây nên làn sóng chống đối như vậy? Câu trả lời nằm trong tác phẩm.
Qua cuộc nói chuyện dưới đây, chúng ta sẽ thấy đằng sau ngôn ngữ là một con người. Sẽ thấy những can đảm của một nhà văn trẻ có tài vừa bước vào văn giới, đã phải đem tài năng và chữ nghiã của mình để chống chọi với một áp lực xã hội... mà Diệu thấy như "thời Mã Viện".
Đỗ Hoàng Diệu quyết đem "linh cảm" của mình để nhìn và viết về đồng loại, mặc sóng gió, chà đạp. Và đó cũng là "lý do tồn tại" của một nhà văn đích thực.
Thụy Khuê: Lần đầu tiên Đỗ Hoàng Diệu xuất hiện ở hải ngoài là với truyện ngắn Tình Chuột đăng trên Hợp Lưu số 74, đầu năm 2004. Có thể nói truyện ngắn này đã xác định bản lĩnh văn chương của Diệu. Nhưng sự thực thì Diệu đã bắt đầu viết văn từ tuổi nào?
Đỗ Hoàng Diệu: Diệu sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo ở nông thôn, Thanh Hóa, nhưng rất may mắn là gia đình Diệu lại có một tủ sách... khổng lồ. Bố Diệu lại là người viết văn và Diệu là con út thành ra tuy ở nông thôn nhưng không phải làm gì cả, từ nhỏ, từ hồi biết đọc biết viết Diệu đã đắm chìm trong tủ sách gia đình. Câu chuyện đầu tiên Diệu viết là năm học lớp ba, lúc mới lên bảy. Năm mười bốn tuổi, Diệu tham gia cuộc thi viết truyện ngắn của báo Tiền Phong, trường viết văn Nguyễn Du. Diệu là tác giả trẻ nhất được giải truyện ngắn năm ấy, cùng với các anh Ngô Tự Lập, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Vĩnh Tiến, bây giờ là những người đã thành danh. Trong quãng đời sinh viên, Diệu sống bằng nghề viết báo, còn truyện ngắn thì hồi ấy Diệu cũng chỉ viết những truyện rất hiền lành với mục đích kiếm tiền.
T.K.: Truyện Tình chuột Diệu có gửi đăng ở trong nước trước khi gửi cho Hợp Lưu không?
Đ.H.D.: Dạ không. Khi viết xong Tình chuột Diệu đã nghĩ trong đầu rằng nếu gửi báo trong nước chắc khó đăng. Rồi tình cờ lúc đó Diệu biết ở bên ngoài có tạp chí Hợp Lưu, lại có trong tay một quyển Hợp Lưu do một người bạn ở Cali mang về. Diệu đọc và rất thích tạp chí này. Diệu nghĩ tại sao mình không thử gửi truyện ngắn đến đây xem và Diệu đã gửi Tình chuột đến Hợp Lưu. Mấy ngày sau nhận được hồi âm, Diệu rất vui. Và ít lâu sau Diệu cũng đã chứng minh được rằng cái suy nghĩ của mình là đúng: tình cờ đi giao dịch để in cho bố Diệu một cuốn truyện ở nhà xuất bản Văn Học, thì một người bạn của Diệu ở đấy nói rằng "Anh thấy em viết rất nhiều truyện, vậy em tập hợp lại đưa in luôn cùng với sách với bố em đi".Diệu cũng tập hợp mười hay mười hai truyện của Diệu, những truyện hết sức hiền lành nhưng trong số đó có truyện Tình chuột. Mấy ngày sau Diệu nhận được trả lời của ông Trưởng phòng văn học Việt nam của nhà xuất bản Văn Học qua điện thoại rằng: "Cháu ơi! Cháu viết thế này thì làm sao mà chú dám cấp giấy phép được".Điều đó chứng minh rằng ý nghĩ đầu tiên của Diệu không gửi đăng Tình chuột trong nước là rất đúng.
T.K.: Những nhân vật của Diệu đã được hình thành như thế nào và tại sao họ lại mang nhiều tính chất thời sự đến như vậy?
Đ.H.D.: Diệu luôn tự biết rằng mình viết văn bằng linh cảm. Diệu có thể khẳng định một điều là Diệu linh cảm đời sống và Diệu viết ra những linh cảm của mình về đời sống. Còn Nếu truyện ngắn của Diệu có trùng hợp với thời sự Việt nam bây giờ thì giản dị vì chính đó là những linh cảm hàng ngày của Diệu với xã hội. Diệu bị nhiều bài báo kết tội, mỗi lần như thế Diệu lại tự hỏi tại sao những linh cảm cá nhân của một con người như Diệu sống trong xã hội cũng bị xem là một trọng tội và Diệu không biết là mình đang sống trong thời đại nào? Có phải xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XXI? Nhiều khi Diệu nghĩ nó cứ giống như thời... Hán thuộc, Mã Viện ấy.
Cho đến bây giờ Diệu vẫn nghĩ là Diệu sẽ tiếp tục viết cái linh cảm của mình vì đó là cách duy nhất giúp Diệu tồn tại. Không ai có thể ngăn được một người linh cảm về xã hội và đồng loại mà mình đang sống. Diệu cũng nghĩ như nhân vật cô gái trong truyện Bóng đè, rằng: ước mơ có thể bị phá hủy nhưng linh cảm thì không.
T.K.: Ngoài sự linh cảm, Diệu đã tạo ra những nhân vật của mình như thế nào? Bằng cách quan sát những người thân? hay từ kinh nghiệm sống của mình? hay rút ra từ kiến thức sách vở? hay do trí tưởng tượng của Diệu?
Đ.H.D.: Thực ra Diệu ít va chạm với cuộc sống bên ngoài. Từ nhỏ Diệu đi học, học cũng nhiều, rồi sau Diệu đi làm và Diệu sống... rất khép kín. Chính vì thế có thể nói là không có một nguyên mẫu nào của người thân hoặc bạn bè được đưa vào truyện ngắn của Diệu cả. Cho đến bây giờ, những nhân vật ấy hoàn toàn là hư cấu, hoàn toàn do trí tưởng tượng của Diệu dệt ra. Nhưng không có nghĩa là những con người ấy, thân phận ấy không có thật. Cũng như những giấc mơ -nhiều khi mình mơ những giấc mơ rất kỳ quái- nhưng các nhà khoa học sẽ giải mã ra rằng đấy cũng bắt nguồn từ một sự day dứt, từ một sự việc nào đó trong cuộc sống của mình mà mình vẫn còn đang bị mắc. Diệu cũng nghĩ như thế với trường hợp các nhân vật truyện ngắn của Diệu, nó không phải là hiện thực xung quanh Diệu, nhưng nó bắt nguồn từ hiện thực. Diệu thành thật nói rằng sự đọc của Diệu cũng chưa đi đến đâu cả, cho đến bây giờ Diệu vẫn chưa tự đọc được sách nguyên bản tiếng Pháp hay tiếng Anh và đấy là một điều thiệt thòi. Vì thế tất cả những gì Diệu viết hầu như từ trí tưởng tượng của Diệu nhiều hơn là vốn sống hay vốn kiến thức.
T.K.: Người bênh Diệu thì ít mà người "đánh" Diệu rất đông, vậy những sự phê bình ác ý ấy có làm Diệu nhụt chí, mất phương hướng hay không?
Đ.H.D.: Tất cả những điều diễn ra từ khi Bóng đè ra đời đến nay cũng không tác động Diệu nhiều lắm. Đôi khi làm Diệu hơi nản một chút nhưng cái nản đó không nhiều. Vì, thứ nhất Diệu là người rất bướng bỉnh, ngay từ nhỏ đã rất bướng bỉnh, thích làm gì thì làm bằng được, ít khi nghe ý kiến của ai lắm. Thứ hai, Diệu nghĩ rằng Diệu cũng như tất cả các bạn trẻ đang viết văn ở Việt Nam bây giờ cũng đủ tỉnh táo để biết rằng là có nên nản lòng, có nên siêu lòng, có nên mất phương hướng vì cái kiểu phê bình ác như thế không.
Mình phải đủ tỉnh táo để nhận ra điều ấy.
T.K.: Diệu hay dùng tính dục để đạt tới mục đích khác trong tác phẩm nhưng đôi khi cũng hơi bị quá tay khiến cho người ta có cảm tưởng là Diệu lạm dụng tình dục trong tác phẩm. Vậy Diệu có nghĩ là tới một lúc nào đó, phải chuyển sang một kỹ thuật viết, một cách ẩn dụ khác hay không?
Đ.H.D.: Điều chị đang nói và hỏi Diệu là vấn đề mà Diệu đã và đang nghĩ từ sau khi viết xong Vu quy. Vì Diệu không thể mang tính dục ra để làm ẩn dụ hết truyện này đến truyện khác được. Diệu cũng tự nhận thấy là Bóng đè, Vu quy như thế là quá đủ rồi và đã hơi lạm dụng rồi. Chính vì thế mà những truyện sau này, Diệu sẽ phải dùng cái khác làm ẩn dụ chứ không thể là tính dục được nữa. Nói như thế không có nghĩa là Diệu sẽ loại trừ hoàn toàn tính dục ra khỏi những truyện sau này của Diệu, tại vì với Diệu, Diệu luôn luôn quan niệm rằng khi viết truyện ngắn, hoặc truyện dài thì yếu tố đầu tiên phải là hấp dẫn, nhưng nói như thế cũng không có nghĩa là cứ tình dục là hấp dẫn vì có nhiều truyện không có tình dục nhưng vẫn rất hấp dẫn. Diệu nghĩ rằng phải tìm một cách nào đấy có thể dung hòa kỹ thuật và nội dung tư tưởng, nội dung thông điệp mà mình muốn chuyển đến độc giả để nó không lẫn vào nhau. Một số bạn đọc nói rằng truyện của Diệu bị tính dục lấn át, không nhận ra tư tưởng nữa, vì thế Diệu sẽ phải suy nghĩ để cải thiện điều đó trong những truyện tiếp theo.
T.K.:Chính Trần Vũ đã khám phá ra Đỗ Hoàng Diệu, việc này xảy ra như thế nào xin Diệu kể lại.
Đ.H.D.: Tình cờ Diệu gửi tác phẩm đầu tiên của mình đến Hợp Lưu và trong thời điểm ấy nhà văn Trần Vũ đang chịu trách nhiệm chính về nội dung cho tờ Hợp Lưu. Đó là một may mắn cho Diệu bởi vì nếu không là Trần Vũ mà là một người khác chịu trách nhiệm nội dung Hợp Lưu thì chắc gì đã có một loạt truyện ngắn của Diệu được nhìn nhận và được in trên Hợp Lưu như thế, để rồi sau này nó âm vang về trong nước. Vì thế cho nên Diệu rất cám ơn nhà văn Trần Vũ. Thứ nhất là Trần Vũ đã động viên, khuyến khích Diệu viết truyện; giục Diệu viết truyện như người mẹ buổi sáng giục con dậy sớm đi học. Ngay khi Diệu viết xong Tình chuột gửi đến Hợp Lưu và Trần Vũ biên thư trả lời, Vũ đã nói, đã động viên, khuyến khích rằng Diệu viết như thế rất được và nên tiếp tục phát huy theo dòng như thế, ghi nhận những hình ảnh, chi tiết như thế, phải cố gắng viết nhiều, nếu không sẽ phí đi, sẽ nguội đi. Chính nhờ những lời động viên ấy, Diệu mới hăng say và viết, viết một loạt năm bảy truyện như thế. Nếu không có sự thúc đẩy của Trần Vũ thì chắc gì Diệu đã viết được Bóng đè, chắc gì Diệu đã viết được Vu quy trong một thời gian sớm như thế. Diệu cũng biết là không phải Trần Vũ chỉ làm như vậy với một mình Diệu mà Trần Vũ cũng làm như thế với Nguyễn Danh Bằng hay là với nhiều bạn văn thân thiết khác của Trần Vũ như chị Mai Ninh, như anh Nam Dao hay một số người khác ở Mỹ. Điều này Diệu phải cảm ơn Trần Vũ.
T.K.: Có dư luận đồn rằng Trần Vũ viết hộ Diệu truyện Bóng đè, chuyện này hư thực ra sao?
Đ.H.D.: Bây giờ trong nước và ngay cả trong hội nghị lý luận phê bình trung ương vừa rồi, ông Mai Quốc Liên còn đứng thẳng lên bục chủ tọa, ông ấy nói rằng Bóng đè liên quan một nhân vật hải ngoại là Trần Vũ. Có một sự cấu kết nào đó giữa Đỗ Hoàng Diệu và Trần Vũ để viết nên Bóng đè. Diệu thấy đó là một điều rất nực cười. Ở Sài Gòn chẳng hạn, lại có người nhầm Trần Vũ với Trần Trọng Vũ, con của Trần Dần nữa! Người ta nói với nhau là truyện đó do Trần Trọng Vũ viết chứ có phải Trần Vũ viết đâu! Diệu nghe rất buồn cười vì Trần Trọng Vũ chỉ vẽ tranh chứ đâu có viết văn. Người ta nhầm một cách cơ bản như thế. Trần Vũ làm công tác chủ biên, cho nên công việc biên tập của Vũ là chuyện đương nhiên. Ví dụ trong truyện Bóng đè chẳng hạn, bản thảo đầu tiên gửi đến cho Vũ dài 18 trang, sau đó Vũ biên tập, cắt bỏ một số câu, một số từ, còn lại 16 trang như đã in trên Hợp Lưu. Hoặc như Dòng sông hủi, Vũ cũng biên tập, cũng sửa một vài chỗ, bỏ đi một vài câu để thành nguyên bản như đã in trên Hợp Lưu. Còn Vu quy thì Vũ không cắt một chữ, Vũ không bỏ một chữ nào, Diệu gửi thế nào là Vũ in nguyên văn trên Hợp Lưu như thế. Và khi nhận được bản thảo Vu quy, Vũ nói ngay rằng truyện này Vũ sẽ không cắt một chữ nào và Diệu bây giờ đã không cần đến bàn tay biên tập của Vũ nữa, cứ thế mà viết đi. Đấy là một sự khuyến khích, động viên Diệu rất lớn. Điều cuối cùng qua việc này, Diệu muốn nói rằng: Để cho các tác phẩm xuất hiện và tạo nên không khí văn học ở trong nước cũng như ở bên ngoài, vai trò của người chủ biên các tạp chí văn học rất lớn.
T.K.: Xin thành thật cảm ơn nhà văn Đỗ Hoàng Diệu.
© Copyright Thuy Khue 2006
(...)
source: blog Phan Nguyên
----------------------------------------------
chúc mừng
nữ nhà văn ĐỖ HOÀNG DIỆU
tác giả tiểu thuyết BÓNG ĐÈ
vào tuổi 44
blog Virgil Gheorghiu
Saigon, August 9, 2020
-------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét