Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

một truyện đặc sắc LÒ ẤP TRỨNG SÙNG / Lê Văn Nghĩa [1953 - ] -- nguồn: vanhocsaigon

truyện trào phúng Lê Văn Nghĩa: Lò ấp Trứng Sùng

VHSG- Trong đám bạn xuất thân từ cán bộ phường từ thời oảnh tẹc, chỉ có thằng Láu là thằng nhìn xa trông rộng. Hồi làm bên thanh niên, nó đã nhìn thấy con đường bên chính quyền là con đường có thể trường kỳ tiến tới bền vững cho bản thân. Vì thế từ cán bộ thanh niên, nó đã tìm đường chuyển sang làm cán bộ phường lèo tèo, suốt ngày chỉ ngồi đóng dấu cho các bản sao giấy tờ. Ấy vậy mà trong một thời gian nó đã nhảy lên phó chủ tịch phường. Nhiều người ngơ ngác tự hỏi “Sao thấy nó có thành tích gì đâu mà nhảy nhanh như vận dộng viên điền kinh vậy?”. Một thức giả, nhếch mép không râu cười mà rằng “Sao lại không có thành tích. Thành tích của nó là có ba làm chủ tịch quận!”


Trong đợt chuẩn bị sắp xếp ghế, thằng Láu được ba nó chuyển lên quận, đảm nhiệm chức vụ nhỏ nhoi là phó chủ tịch kinh tế của quận nhà. Nhiều ý kiến trong quận phản đối quyết liệt vì nó tốt nghiệp cử nhân môn cờ người (theo thơ của Hồ Xuân Hương là ‘Chàng Cùng thiếp năm canh trằn trọc/ Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người…’), rất giỏi chiêu ‘đem pháo đầu dú dí vô cung’ các em người mẫu nội y mà làm sao có thể phụ trách kinh tế được, phụ trách mảng sinh đẻ có kế hoạch còn mặc may’. Quyết liệt quá, thơ tay rơi tới cấp trên luôn nhe. Thế là chỉ trên 10 ngày ký tầm bậy, tầm bạ mấy cái công văn xin xỏ gì đó, nó lại được chuyển qua làm công tác xã hội, ngồi chơi chờ thời.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa
Tôi là bạn nối khố của nó thời học sinh, không xin ơn mưa móc của nó, thuần là bạn bia, nó biết tôi là thằng không hề quan trọng nên dốc hết bầu tâm sự trong cơn say buồn mất chức. “Buồn vào hồn không tên, cái ghế của em, nó bay đi mất rồi…”. Rồi nó kể tiếp cho tôi nghe:
– Mầy biết không, bố tao nói chí ‘ní’ nhắm – thằng nầy có tật ngọng chũ ‘l’ và ‘n’ đổi chỗ cho nhau – làm lãnh đạo kinh tế thì phải có tiến sĩ kinh tế, đố thằng đ, con phò ‘lào’ ‘lói’ được mình. Bởi vậy, mầy biết không… bố tao đã có cách…
– Cách gì? Cấp cho mầy cái bằng Tiến sĩ kinh tế hả?
– Ừ, bố tao mà cấp cái đ. gì! Ổng chỉ cấp ‘củ’ cho mấy cái con lính của ổng. Cái nầy là do tao gặp mấy thằng tiến sĩ, bạn tao thời học trong trường đại học Cờ Người… Nầy, để tao kể cho nghe…
***
Thằng bạn tớ nhá, tiến sĩ với ‘nuận án’ “Hành vi, và thái độ xin xỏ của quan chức về hưu”, dựa trên nghiên cứu đơn xin cấp nhà công vụ của một ông cán bộ nguyên thứ trưởng. Trong đơn xin mua nhà công vụ ‘não’ ta than rằng chưa bao giờ mua được nhà, ‘não’ nghèo lắm, suốt đời phục vụ cách mạng trên răng dưới ‘ca tút’. Nhưng ‘não’ ta lại quên khai rằng vợ ‘não’ là chủ tịch tỉnh, con gái là phó chủ tịch tỉnh, con trai ruột là giám đốc sở. ‘Nuận’ án này được điểm tối đa của hội đồng chấm ‘nuận’ án.
Theo lời nó kể thì không cần đến ngày ra hội đồng nó cũng biết là ‘nuận’ án của nó được điểm tối đa. Tớ bối rối hỏi “Tao biết gì đâu mà làm ‘nuận án’ Tiến sĩ kinh tế”. Nó cười hăng hắc “Tao cũng biết đ. gì đâu về chuyện xin xỏ nhà cửa gì đâu. Nè tao hỏi, mầy có khoảng 500 củ không?”
“500 củ? Số tiền lớn quá. Nhưng chi vậy?” “Thì để làm tiến sĩ chứ, mầy tưởng làm TS không tốn tiền à. Càng dốt như tao với mầy thì càng phải có nhiều tiền mới có bằng Tiến sĩ nhé. Thằng nào học giỏi thật cũng phải tốn ít nhất 300 củ. Tiền bố mầy kiếm được dễ dàng, chứ có thằng tiến sĩ là con đâu phải dễ mậy. Ít nhất ổng cũng được người ta trọng vọng vì bố tiến sĩ nhá…”
Nó dẫn tôi ra Hà Nội, đất ngàn năm văn vật, đất của tiến sĩ vì có cái gọi là Viện Hầm khoai lang không học xả hơi. Cái Viện nầy hàng năm sản xuất ra chừng vài trăm tiến sĩ đủ mọi chủng loại. Thằng bạn tôi dẫn tôi gặp một vị mặt vuông, má béo chất ngất, xệ tới cằm. Đầu hói (chứng tỏ thông minh), mắt hí (chứng tỏ học nhiều), môi vẫu (chứng tỏ mím môi, mím lợi vì chữ). Trước đó, thằng bạn tớ đã bảo nhỏ: “Lão nầy một năm hướng dẫn gần 40 nghiên cứu sinh, ra lò ấp hết nhá”. “Ủa, theo tớ được biết một GS chỉ được hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh thôi mà”. “Ủa, tao chưa cho mầy biết là lão nầy là một trong những vị lãnh đạo lò ấp này à? Dư luận bao lâu nay đã gọi nơi đây là lò ấp trứng sùng (TS) mầy không biết sao? Tao cũng thuộc loại trứng sùng nhưng kệ mẹ, có ai biết đâu. Mầy nên nhớ rằng đây là cái viện quan trọng của đất nước nầy nhé, cung cấp trứng sùng cho các ngành quan trọng như kinh tế, xã hội, ngoại giao. Mầy có cái bằng tiến sĩ của Viện nầy coi như là có dấu đỏ đó nha.”
Thằng bạn tớ và lão hói, béo thấy thương nầy thảo luận một hồi, và nhất là sau khi thằng nầy đưa cho lão một bì thư (tiền của tớ) thì tớ được biết là tớ cứ việc về nhà, an nhàn ăn chơi, nhưng ráng giữ sức khỏe đợi đến ngày ra cho hội đồng thấy mặt và nhận bằng tiến sĩ. Á, mà không quên ứng trước 300 củ, phần còn lại là 200 củ sẽ giao nộp sau khi nhận bằng tiến sĩ. Trước khi về lão hói nói với tao “Lầy, đề tài của cậu sẽ “nà” “Bước đầu nghiên cứu giá trị kinh hãi của các đề tài tiến sĩ kinh tế”.
  ***
Sau khi nó kể cho tôi nghe câu chuyện nầy thì tôi phải chuyển đi công tác tỉnh một thời gian thật dài, lấy vợ rồi sinh con luôn. Không còn quan tâm đến chuyện ở Sài Gòn nữa.
Mới đây, về Sài Gòn có chuyện liên quan đến một dự án kinh tế. Tôi cùng đi trong phái đoàn do một vị lãnh đạo tỉnh dẫn đầu, cần phải gặp cho được phó chủ tịch phụ trách kinh tế của quận. Té ra vị phó chủ tịch quận nầy là thằng bạn của tôi ngày xưa khi tôi đọc tấm danh thiếp thấy ghi rõ ‘TS. Tài Văn Láu. PCT …’
Nó thì không nhìn ra tôi vì sau bao năm đi về vùng cao tôi đã biến đổi khá nhiều cũng như nó, tôi  nhìn không ra một thằng bạn ngày xưa. Bây giờ nó cũng béo láng chất ngất…
Té ra nó đã tốt nghiệp ở cái lò ấp trứng sùng ấy và bây giờ trở thành người phát biểu chỉ đạo những nhà kinh tế thuần thành chúng tôi. Nghe nó nói về kinh tế thì tôi biết tương lai nền kinh tế của cái quận nầy sẽ đi về đâu rồi: “nền kinh tế công nghiệp chủ đạo của quận tôi sẽ tập trung chủ đạo dựa vào sản xuất mì gói, giấy vệ sinh, lời chào Whisper, Sakura… ôi, lãi lắm, lãi lắm nhé…”
Đúng là lời của nhà kinh tế của lò ấp Trứng Sùng!    ./.
LÊ VĂN NGHĨA

source: vanhocsaigon


          ==========================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét