Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

bài đọc thêm (1) : Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời : " Chủ nhật buồn ..." / Nguyễn Đông Thức -- nguồn báo tuổi trẻ online

Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời: Chủ nhật buồn...

28/01/2013 07:30 GMT+7

TT - Sáng chủ nhật 27-1 vào Bệnh viện 115 thăm, thấy ông vẫn còn rất minh mẫn dù đang thở oxy. Ông nhận ra từng người, nói mình khỏe và cười khi nghe "thế nào cháu cũng đến chúc tết bác".


người Hà Nội, xuất hiện trước công chúng bao giờ ông cũng thật tinh tươm, vì thế khi ý thức tình trạng tiều tụy của mình, trong bệnh viện bao giờ ông cũng "xin lỗi tôi không tiếp chuyện lâu được" trước những người vào thăm, đặc biệt là với phụ nữ.
3ssDVpPk.jpg
Nhạc sĩ Phạm Duy trong chương trình giới thiệu Trường ca Hàn Mặc Tử tại Hà Nội ngày 27-5-2012 .
- ảnh: NGUYỄN ÐÌNH TOÁN
15g, nghe tin ông đã mất... Bên mình không một người thân...
Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời
Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5-10-1921 tại Hà Nội, từ trần lúc 14g30 ngày 27-1-2013 (nhằm 16 tháng chạp năm Nhâm Thìn).
Tang lễ tổ chức tại tư gia, 349/126 Lê Ðại Hành, P.15, Q.11, TP.HCM. Lễ nhập quan lúc 9g ngày 28-1-2013 (nhằm 17 tháng chạp năm Nhâm Thìn). Lễ động quan lúc 6g ngày 3-2-2013 (nhằm 23 tháng chạp năm Nhâm Thìn). An táng tại hoa viên nghĩa trang Bình Dương.
Là hàng xóm của ông từ thập niên 1960, quan tâm đến ông từ lúc ông bắt đầu nộp đơn xin về nước, theo ông suốt chuyến đi xuyên Việt thực hiện bộ phim tài liệu Phạm Duy - nhạc & đời (*) do tôi viết kịch bản với đạo diễn Ðinh Anh Dũng, làm MC trong nhiều chương trình của ông ở các cà phê sách Phương Nam..., giờ phút này tôi chỉ ấn tượng nhất về ông hai điều:
Thứ nhất, tôi chưa thấy người cha nào thương con bằng ông (lẽ dĩ nhiên còn vô số người cha thương con không kém ông, nhưng tôi chưa được gặp). Tám đứa con, nhắc tới đứa nào là mắt ông cũng sáng lên, giọng đầy tự hào. Ông chăm chút từng chút cho mỗi người, đến mức tôi luôn ngạc nhiên khi họ đã lớn vậy mà vẫn để cho ông phải lo như một đứa trẻ. Mỗi một sô của ông, thậm chí ông còn lo vé cho từng đứa con trở về. Nghề nghiệp của con cái đều do ông quyết định và xây đắp...
Ðối với ông, con cái là mối quan tâm lớn nhất. Chính tay ông đã dẫn dắt tất cả những người con của mình vào con đường âm nhạc. Dạy từng nốt nhạc, từng cách hát. Sáng tác cho con và vì con.
Với ông, những đứa con mãi mãi vẫn bé bỏng như những đứa trẻ. Dù đó đã là danh ca Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo vang bóng một thời, dù đó đã là Duy Cường tài hoa nổi tiếng. Hơn 80 tuổi, khi ca sĩ Duy Quang mở phòng trà, đều đặn mỗi tối ông vẫn đến để giúp con tiếp khách, góp ý biên tập chương trình. Hơn 90 tuổi ông vẫn chưa yên tâm vì còn vài người con chưa lập gia đình hoặc còn phải mưu sinh khó khăn. Mấy tháng trước, ngay cả lúc bệnh nặng, gặp người vào thăm, ông chẳng lo gì bản thân mà cứ nằn nì nhờ cậy tìm cách chữa chạy cho ca sĩ Duy Quang đang bị ung thư. Dù đã tuổi cao, sức yếu, hơi tàn ông vẫn yêu thương, lo lắng, chăm sóc cho từng người con, từng chút một. Một tình yêu thương vô bờ bến.
Chính vì biết ông rất thương con như vậy nên hơn một tháng trước đây, ngày 19-12-2012, khi người con trai cả của ông là ca sĩ Duy Quang mất vì bệnh ung thư ở Mỹ, thoạt đầu đã không có ai dám báo tin cho ông. Nhưng rồi ông cũng phải biết, bình tĩnh đến đáng ngạc nhiên. "Tôi không đau ở đây - ông đặt tay lên đầu - mà là đau ở đây - lên tim". Trái tim già nua và sử dụng hết công suất hơn rất nhiều người ở tuổi ngoài 90 có lẽ đã quá tải với cơn đau ấy. Một tháng qua ông phải vào bệnh viện mấy lần và cuối cùng đã gục ngã.
Ðiều thứ hai tôi ấn tượng về ông là về sức làm việc. Con số hơn 1.000 ca khúc để lại chưa đủ cho thấy sức làm việc đáng nể của người nhạc sĩ này. Mấy năm nay đến nhà, tôi luôn thấy ông thường ngồi trước máy vi tính. Ông nói: "Tôi mắc bệnh... nghiện làm việc, dù sức khỏe không còn được như xưa. Lúc trước tôi ngồi năm tiếng trước máy, giờ thì chỉ hai tiếng phải nghỉ tí rồi mới làm tiếp được". Trở về VN sau 30 năm sống tại Mỹ, ông vẫn tiếp tục công việc sáng tác, phổ nhạc, viết sách. Ông đang thực hiện một quyển sách tập hợp các kinh nghiệm mình học hỏi được trong nhiều năm ở xứ người, cũng như toàn bộ tinh hoa ông chắt lọc được trong hành trình đến với âm nhạc. Ðồng thời, ông còn dự định cho phát hành quyển sách mang tên Vang vọng một thời viết về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời các ca khúc của mình. Một sức làm việc và một tình yêu với công việc của đời mình thật đáng nể. Ði sô với ông, bao giờ tôi cũng thấy trước đó có vẻ như ông đang mệt hết hơi, chỉ cần tới giờ phải ra sân khấu là lại tươi tỉnh, tinh tươm và hoạt bát đầy năng lượng! Lòng yêu nghề và sức làm việc ấy là một bài học lớn cho tôi.
*
Thêm một ngày chủ nhật buồn!
Chợt nhớ tới lời Việt mà ông viết - có ai tìm ra nhạc sĩ nào của VN viết nhạc phổ thơ và viết lời Việt cho ca khúc nước ngoài hay bằng ông? - cho bài Sombre dimanche (**):
Chủ nhật nào tôi im hơi
vì đợi chờ không nguôi ngoai
bước chân người
nhớ thương tôi
đến với tôi thì muộn rồi
Trước quan tài khói hương mờ
bốc lên như vạn ngàn lời
dẫu qua đời mắt tôi cười
vẫn đăm đăm nhìn về người...
Trong Phạm Duy - nhạc & đời, ông cho biết mình thích nhất Tình ca trong những ca khúc đã viết, rồi nói về cái chết của mình: "Mộ tôi sẽ nằm trên môi những người hát Tình ca. Cứ mỗi lần có ai hát bài này, tôi tin là mình đang được tái sinh trong lòng họ".
Vâng. Trước quan tài khói hương mờ, ngày mai đây và nhiều ngày sau nữa sẽ vẫn còn rất nhiều người hát: Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời... Ðể tin ông sẽ còn sống rất lâu trong lòng người yêu nhạc VN.   ./.

NGUYỄN ĐÔNG THỨC
*************************
(*) Bộ phim tài liệu này chưa phát hành.
(**) Ca khúc gốc Szomorú Vasárnap của nhạc sĩ Rezso Seress (Hungary) viết năm 1932 đã từng khiến nhiều người tự tử khi nghe.


       nguồn: báo tuổi trẻ online


                                                =============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét