Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

bài đọc thêm: ' một bài báo viết về Lê Ngộ Châu & Tạ Tỵ ' / Trần Thị Bông Giấy -- source: tranthibonggiay.net > 2 - TTBG > Bac ...

TẤM LÒNG CỦA BÁC TẠ TỴ,

BẬC KỲ TÀI
TRONG LÀNG HỘI HỌA VN

(Trích “ÐIỆU MÚA CUỐI CÙNG CỦA CON THIÊN NGA”)


I.

Bác Tạ Tỵ sinh năm 1922 ở Hà Đông, qua đời năm 2004 tại thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (khóa chót) ở Hà Nội, chuyên về phái lập thể, bác được giải thưởng của Salon Unique ở Hà Nội năm 1942-43 và giải thưởng của Báo Chí Việt Nam tại cuộc Triển Lãm Hà Nội vào tháng 8/1946. Ngoài ra, bác còn viết rất nhiều truyện ngắn, truyện dài, phê bình văn học... đăng trên các báo ở Sàigòn trước 1975 và tại Mỹ sau 1975.
Từ Phan Diên đem về những quyển sách của TTBG mà trong lòng vợ chồng bác đã nẩy sinh một mối hảo cảm chân thành cho tôi. Những lá thư gửi đến tôi với nét chữ viết tay gẫy gọn và rất đẹp đã nói lên trọn vẹn tấm lòng thiết tha của bác. Những cú điện thoại viễn liên thường xuyên thăm hỏi phô bày rõ sự ân cần như tính cách của một người cha.
Hai lần từ nơi cư trú ở San Diego lên San Jose thăm con gái, bác đều gọi báo cho tôi biết. Hai lần tôi đến đón đưa hai bác về nhà chơi là hai dịp hãn hữu cho tôi học biết được nhiều câu chuyện lẽ ra tôi sẽ không bao giờ biết nếu không có cái duyên tri ngộ với bác xảy ra.
Dáng dấp cao lớn uy nghi, tính cách thâm trầm kín đáo, từ bác tỏa ra cái vẻ sang cả trang nghiêm của một nhà quý tộc hơn là nét phong trần bạt mạng của một nghệ sĩ. Đặc biệt một điều, vượt hẳn tài năng và tiếng tăm lừng lẫy, sự chăm chút của bác đối với người vợ bệnh hoạn đã khiến cho tôi thật lòng ngưỡng mộ. Trên con đường lái xe từ nhà con gái bác về đến nhà tôi (phải mất hơn nửa tiếng), tôi nghe bác nói:
“Bác gái không được khỏe, đi đâu cũng phải kèm theo túi thuốc và cứ phải nhắc chừng giờ giấc uống.”
(Tôi liên tưởng nhanh đến sự cô đơn của mẹ tôi hiện tại và của chính tôi một ngày trong tương lai...)
Cái tính cách này, tôi thấy rất hiếm khi xảy ra trong thế giới sống của những người làm nghệ thuật; những con người thường xem cái nghĩa tào khang là điều rất nhẹ; những con người ưa thích cởi ra và mặc vào thật nhanh cái áo hôn nhân khác nhau trong rất nhiều phen.
Tôi đáp lời bác:
“Con thật cảm động khi nhìn hai bác như vậy. Tài Hoa thường đi đôi với Mệnh Bạc. Nhưng cái Mệnh Bạc mà con viết trong cuộc đời những nghệ sĩ lớn của thế giới không phải từ chính họ tạo ra, mà là một cái gì không thể cưỡng nổi của Định Mệnh đã phủ trùm lên họ. Chữ Tài trong ý nghĩa như vậy cũng đi đôi với chữ Đức. Và chữ Đức này được biểu tỏ trên nhiều hình thức, từ trong nghệ thuật họ đã sáng tạo, ra đến ngoài cách sống cá nhân.”
Bác gật:
“Con nói rất đúng.”
Tôi tiếp:
“Cái Đẹp của những người nghệ sĩ như con vừa kể được sáng tạo không chỉ trên nghệ thuật thôi, còn lan cả bên ngoài vòm trời nghệ thuật của họ nữa. Nói tóm lại, họ sống rất đẹp một cuộc sống xứng đáng như bất cứ con người xứng đáng bình thường nào khác. Chỉ mỗi điều phân định giữa họ với những kẻ bình thường kia là họ làm nghệ thuật, và những người khác làm những công việc khác. Với tính cách như vậy, những người nghệ sĩ chẳng bao giờ cần vỗ ngực định danh mình với bất cứ ai.”
Liếc nghiêng nhìn bác, tôi nói:
“Với con, bác là người nghệ sĩ như thế. Con phải thú nhận, hình ảnh bác dìu bác gái ra xe một cách dịu dàng kiên nhẫn mà con nhìn thấy ban nãy đã là một bức tranh rất đẹp. Giá gì con là họa sĩ! Từ hình ảnh đẹp đó mà con đã tự cởi bỏ cho mình phần lớn những ý nghĩ đã trở thành như một cái nếp. Tự cho mình không may mắn, chứ trên đời không phải người đàn ông nào cũng xem thường cái nghĩa phu thê. Con cảm ơn bác.”
Giọng bác ngậm ngùi:
“Đọc sách con, biết rằng con đã đau khổ rất nhiều theo chuyện tình cảm, nên bác thông cảm được điều con vừa nói. Bác chỉ mong ngày nào đó, con gặp người đàn ông xứng đáng thì những cái gì đã qua sẽ không bao giờ còn trở về ám ảnh con.”
Tôi kêu lên:
“Không đâu bác! Con chưa từng nghĩ đến điều đó. Và sẽ không bao giờ muốn giam hãm cuộc đời mình lần nữa trong chuyện vợ chồng. Nhưng bây giờ, xin bác cho con trình bày tiếp ý nghĩ của mình ban nãy.“
Tiếng bác:
“Con cứ nói.”
Nhìn thẳng đoạnđường trước mặt, tôi bày tỏ:
“Do bởi nhìn về một người nghệ sĩ như vậy mà con đã có sự ngưỡng mộ rất lớn dành cho danh từ ‘nghệ sĩ’. Sở dĩ ngồi nghiền ngẫm biên soạn các tập Tài Hoa Mệnh Bạc là cũng do từ lòng ngưỡng mộ này mà ra. Hẳn nhiên, mỗi giới sống trong xã hội đều có một cách suy nghĩ, hành xử riêng. Ví dụ, không thể đem so sánh một người làm thương mại đã quen với sự chi li tiền bạc, hay một nhà chính trị đã quen với mưu lược thủ đoạn, với một người trong giới nghệ thuật lúc nào cũng chỉ thưởng thức cuộc đời qua những giấc mơ đẹp. Tâm tính nơi ba con người điển hình ấy có những điều hoàn toàn khác. Chính vì hay ‘sống trong mơ’ mà những người của giới nghệ thuật có một cách hành xử, một lối sống khác với những con người nằm ở hai giới trên. Họ bừa bãi, phóng túng hơn trong đời sống, họ lãng mạn mơ màng hơn trên tình cảm. Nhưng ở đời, cái gì cũng đều có thể xảy ra nạn lạm phát. Và chính trong sự lạm phát này của giới làm nghệ thuật mới khiến nẩy sinh tình trạng vàng thau lẫn lộn, thật giả khôn lường.”
Bác Tạ Tỵ bật tiếng khen:
“Hay! Những lời con nói xác đáng lắm.”
“Có điều, con nghĩ, dẫu lạm phát hay không thì một người nghệ sĩ chân chính vẫn có những dấu nét đặc thù riêng, không thể nào đồng hóa cùng ai khác. Họ vẫn là họ, trước sau như một, để không bất cứ ngoại cảnh nào có thể làm thay đổi họ. Họ làm nghệ thuật và sống đúng với vai trò ‘một người nghệ sĩ được ân sủng’. Họ quý trọng và không bao giờ dám làm ô danh những đặc ân đã được Thượng Đế ban cho.”
“Bác đồng ý với con như thế.”
Tôi kể:
“Bác biết, có lần một anh bạn hỏi con:
‘Trên nước Mỹ, nếu nói theo cái nhìn vật chất,giữa một vị bác sĩ và một nghệ sĩ, chị thấy người nào có sự hy sinh hơn cho nhân loại?’ Con đáp: ‘Nghệ sĩ.’
‘Tại sao?’
‘Lấy ví dụ con số mười năm giữa một sinh viên trường Thuốc và một sinh viên trường Nhạc (hay trường Mỹ Thuật, Hội Họa...). Ngay từ căn bản khởi sự của cái vòng mười năm âáy, anh sinh viên trường Thuốc có niềm tin vững mạnh rằng ‘sẽ hái được kết quả là tiền bạc’. Nhưng với anh trường Nhạc kia, kết quả này không nhắm tới (bởi một lý do rõ rệt làtrên thực tế cuộc đời, không mấy ai trong giới làm nghệ thuật lại được thành công mặt vật chất.) Anh ta lao vào nghệ thuật vì mê say cái Đẹp, cần cù dùi mài âm nhạc với chỉ một ước mơ mãnh liệt là cấu tạo nên những âm thanh quyến rũ cho đời.’
Anh bạn bị con ‘thuyết’ xuôi tai, phải gật gù công nhận. Con nói tiếp với anh ta:
‘Tuy nhiên, không phải anh sinh viên học Thuốc nào ra trường cũng trở thành bác sĩ giỏi. Và chẳng phải tất cả những sinh viên trường Nhạc khi tốt nghiệp đêàu trở thành những nhạc sĩ tài hoa. Vấn đề chỉ là cái Tâm chân thành hơn hay kém mà từng người đã đặt để cho con đường đã chọn. Thì trong giới bác sĩ thấy nảy sinh không ít những vị gian manh, xem đồng tiền cao hơn lương tâm nghề nghiệp; và trong giới nghệ sĩ cũng nhan nhản những con người làm ô danh nghệ thuật, mượn nghệ thuật chỉ để thỏa mãn cái Tôi riêng.’”
Bác Tạ Tỵ kêu lên:
“Con làm bác ngạc nhiên quá, BG ạ.”
“Anh bạn lại hỏi con:
‘Giữa vị tổng thống Mỹ với một nghệ sĩ nổi tiếng, ai có quyền lực hơn?”
Con khẳng định: “Nghệ sĩ!” Rồi giải thích:
“Khi vị tổng thống Mỹ đọc một bài diễn văn trên TV, người dân Mỹ lắng nghe, nhưng sự việc chỉ khởi nguồn từ quyêàn lợi của chính họ. Họ lắng nghe vì muốn biết cuộc sống họ dẫn đi về đâu dưới bài diễn văn đó. Trường hợp này, họ xử dụng khối óc. Nhưng khi quần chúng đến với một nghệ sĩ thì điều đó nẩy sinh từ lòng yêu mến trong trái tim mà tạo nên. Chữ quyền lực tôi nói nằm ở đó, dẫn đi từ sự so sánh: Một con người với khối óc bị ngừng hoạt động, hay hoạt động lệch lạc, họ vẫn cứ sống, dù sống trong tình trạng điên loạn, bệnh hoạn. Còn khi trái tim ngừng đập thì con người chỉ có chết mà thôi.’
Con hỏi anh bạn:‘Nhưng anh có biết cái quyền lực này do đâu mà có?”
Xong tự trả lời cho anh ta:‘Chỉ là do từ Thượng Đế. Ngài đã ban cho người nghệ sĩ một tài năng, thì đổi lại, họ phải làm sao cho xứng đáng với sự nhận lãnh kia.”

Liếc nghiêng nhìn bác Tạ Tỵ, tôi bật tiếng cười mai mỉa:
“Vậy mà ‘sự đáp đổi xứng đáng’ nói trên, trong giới văn nghệ VN hải ngoại, con nhận thấy rất ít người làm được bác ạ.”
Bác cười khan:
“Những người VN hải ngoại, có mấy ai làm nghệ thuật bằng trái tim chân chính. Đa số họ chỉ mượn danh nghệ thuật qua một cái tiểu xảo riêng mà họ tưởng lầm là nghệ thuật đó thôi.”
Tôi bật kêu:
“Cám ơn bác đã cho con nghe cụm từ ‘tiểu xảo mà tưởng lầm là nghệ thuật’ rất chính xác. Do bởi có cái nhìn sai lạc về nghệ thuật nên cách hành xử mọi cái gì liên quan trong đời sống làm ‘tiểu-xảo-tưởng-là-nghệ-thuật’ của họ cũng rất sai trái. Vì vậy mới có tình trạng chung là những con người này không bao giờ màng trau giồi cái phần quan trọng (hơn cả cái Tài) là cái Tâm.”
Giọng bác Tạ Tỵ khoan hòa:
“Hôm nay lên đây gặp con, bác thấy thật đáng công của bác. Đọc sách con đã nhận biết nhiều điều về con mà trong giới văn nghệ hải ngoại không dễ gì ai có. Bây giờ gặp con, nghe con nói chuyện, bác càng thấy cái nhìn của bác không sai.”
Tôi nói:
“Cảm ơn bác đã khen con. Nhưng từ lâu con vẫn nghĩ thế bác ạ. Hai chữ Tài Đức thường đi đôi với nhau mới làm nên nghiệp lớn. Điều này áp dụng cho tất cả mọi Con Người chứ không chỉ riêng ai. Mỗi con người là một vị lãnh đạo trên chính mình và trên người khác. Chữ lãnh đạo này con muốn nói theo nghĩa bóng, chứ không chỉ nhìn bằng nghĩa đen như sự lãnh đạo của các nhà lãnh đạo dân tộc, lãnh đạo quần chúng không thôi.”
Giọng bác Tạ Tỵ:
“Bác hiểu.”
Tôi nghiêng đầu:
“Với con, người nghệ sĩ cũng đóng vai trò lãnh đạo, nhưng không bằng luật lệ văn bản mà là bằng tài năng nghệ thuật. Lãnh đạo trong sự hướng dẫn quần chúng trên chiều hướng nhìn về cái Hay cái Đẹp của cuộc sống.”
“Con nói đúng!”
“Tác phẩm của người nghệ sĩ là những luật lệ còn hùng hồn gấp nhiều lần so với luật lệ của các nhà lãnh đạo dân tộc. Mà một tác phẩm thực sự có giá trị chỉ được nẩy sinh từ những con người làm nghệ thuật không chỉ bằng cái Tài mà còn luôn cả cái Tâm.”
Tôi cười:
“Bởi vì bác là họa sĩ nên con cũng xin phép nói lên nhận định riêng con về hai người nghệ sĩ thiên tài sống cùng thời điểm và đã từng là bạn hữu: Gauguin và Van Gogh. So sánh cả hai, sự vĩ đại của Van Gogh lưu lại trong lòng hậu thế sâu đậm hơn sự lưu lại của Gauguin do bởi Van Gogh đã làm nghệ thuật bằng cung cách Tài-Tâm tương xứng. Còn Gauguin làm nghệ thuật chỉ riêng trên cái Tài mà không với cái Tâm.”
Tiếng cười bác nghe thú vị:
“Con thông minh lắm!”
Tôi xấu hổ:
“Con chỉ nói ra cái gì con suy nghĩ. Nếu có sai, bác bỏ cho con. Thực sự con tin tưởng điều rằng, một nhà lãnh đạo có tài mà không có đức thì dân sẽ khổ. Một người nghệ sĩ có tài mà thiếu đức e còn nguy hiểm hơn một gã lưu manh.”
Bác bật cười to. Tôi hỏi:
“Bác đồng ý điều con vừa nói?”
“Đồng ý! Con nói tiếp về gã lưu manh cho bác nghe.”
“Dạ. Gã lưu manh, người ta có thể nhìn ra cái lưu manh của gã cách này cách khác để mà tránh né. Chứ còn với một nghệ sĩ, nếu có lưu manh thì điều này dễ dàng được che lấp đi bởi cái hào quang nghệ thuật bề ngoài họ tạo ra. Trường hợp nghệ sĩ loại này, bác cháu mình có thể lấy ông Phạm Duy ra làm điển hình cụ thể.”
Giọng bác hơi nhướn cao một chút:
“Với ông Phạm Duy mà chỉ dùng chữ ‘lưu manh’ không thì chưa đủ.”
Tôi thích thú vì sự chuyển giọng của bác:
“Vậy theo bác phải dùng chữ nào cho ông ta mới xứng?”
Bác phì cười:
“Bác chưa nghĩ ra, nhưng cái tính cách lưu manh của Phạm Duy phải kể vào hàng siêu đẳng thì dùng chữ bình thường cho ba cái thằng ăn cắp vặt thật còn là quá nhẹ với ông ta.”
Hai bác cháu cùng cất tiếng cười vang.

Xe đến nhà.
Bác Tạ Tỵ đưa tay ra cho tôi:
“Cho bác bắt tay con lần nữa. Con làm bác ngạc nhiên lắm. Nói thế, không phải bác chê con dở, mà ý bác là không ngờ cái nhìn của con về giới làm nghệ thuật lại sâu như kia.”
Tôi lắc đầu:
“Ở trên, con nói riêng về những người có Tài thực sự chứ chưa kể hạng-tiểu-xảo-tưởng-là-nghệ-thuật đâu nghe bác. Hôm nay lần đầu gặp bác, con vui quá mới dám ti toe đôi lời về cái nhìn của mình như thế. Con xin lỗi bác nếu có gì bác nghe mà không vừa ý. Nhưng con phải thú nhận, tất cả những điều vừa đưa ra, con suy nghĩ và nghiền ngẫm ngay từ lúc còn thơ ngây.”
Bác Tạ Tỵ nhìn tôi, vẻ thương xót ngời lên trong mắt:
“Con khổ không chỉ vì những cái ‘Bạc’ mà Định Mênh bắt con phải chịu, lại còn khổ vì cứ mãi để đầu óc triền miên trong những suy nghĩ như trên. Nhưng nói vậy chứ bác không bao giờ muốn con thay đổi. Con cứ hãy là con như thế, bởi chính đó mới là người để cho hai bác tìm đến hôm nay.”
Tôi cúi đầu:
“Con cảm ơn bác. “
*
* *
Tại nhà tôi.
Cái tên “Tạ Tỵ” vang lừng quá, nên khi biết ra bác đang hiện diện ở nhà tôi, trong suốt một ngày dài, đã có rất nhiều nhà văn nhà báo ở San Jose cũng xin quy tụ để vấn an hai bác.
Ở lần gặp lần thứ nhất, trước mặt nhiều người trong buổi tiệc, bác Tạ Tỵ đã hướng về tôi, giọng bùi ngùi thương cảm:
“Bác tiếc cho BG đã không ở cùng thời đại với bác khi mà trong tay bác còn nhiều quyền thế. Chứ nếu có, với tài năng thế này, tên tuổi BG không thể nào bị vùi chôn vì lòng đố kỵ của giới văn nghệ hải ngoại như hiện nay.”
Tôi cười, nói nửa đùa nửa thật:
“Con phải cảm ơn cái lòng đố kỵ ấy bởi từ đó mà con mới được một người như bác chiếu cố. Của hiếm vẫn là của quý. Cái hiếm ở đây chính là điều ấy. Bác thấy ở hải ngoại đâu có nhà văn nào nhận được hoàn toàn sự đố kỵ cô lập như con.”


Khi đưa hai bác về, dừng lại trước cửa nhà người con gái, bác đã bắt tay tôi thật lâu, và nói:
“Nhiều thì không có, chứ chừng dăm bảy trăm một ngàn, bất cứ lúc nào con cần, cứ gọi, bác sẽ gửi!”
Tôi cười xòa, điệu cười tinh nghịch:
“Bây giờ hai bác đã già, chỉ sống bằng sự nuôi dưỡng của con cái và sự trợ cấp của nhà nước; con còn trẻ, đã không biếu cho thì chớ, sao lại dám vòi xin hai bác?”
Từ trong đáy tim, nghe một nỗi ấm lòng lan ra rất mạnh. Nhìn thẳng bác, tôi tiếp:
“Những lời của bác hôm nay đã mang giá trị hơn khối món tiền con có thể nhận từ bất cứ ai.”
[]

II.
Lần thứ hai lên San Jose, bác điện thoại đến xin gặp tôi“nửa tiếng trước khi bắt đầu cuộc tiệc với anh em văn nghệ sĩ”.
Trong sự gặp gỡ chỉ riêng hai bác cháu, bác đưa ra hai lá thư, và nói:
“Bác thương và tội con nên đem cho con những lá thư này để dành làm tài liệu, nhỡ mai kia có dịp dùng đến.”
Đó là hai lá thư, một. viết tay của bác Lê Ngộ Châu, chủ nhiệm tạp. chí Bách Khoa trước 1975 gửi cho họa sĩ Tạ Tỵ, và một, đánh máy, của nhạc sĩ Phạm Duy gửi cho bác Lê Ngộ Châu, có chữ ký bằng tay của tác giả bức thư.
Trong lá thứ hai có kèm hai tấm ảnh của Phạm Duy, (một chụp tại nhà lưu niệm Mozart ở Austria; và một chụp trên sân khấu một buổi trình diễn tại San Jose, July 1998) đặt nằm bên dưới hàng chữ viết cho bác Lê Ngộ Châu: “Cậu thích ảnh nên tôi gửi ảnh ngay”.
Bác Tạ Tỵ kể với tôi:
“Ba người bác, bác Châu và Phạm Duy ngày trước là bạn thân của nhau; nhưng về sau qua Mỹ, thấy tư cách Phạm Duy quá bết, bác không giao thiệp nữa. Bác Châu vẫn cố gắng giải hòa giữa hai người nhưng không được. Bây giờ nhân bài viết về Phạm Duy của BG mà bác Châu muốn biết xem tác giả là ai, gửi thư hỏi Phạm Duy và được Phạm Duy trả lời bằng lá thư này.”
Và bác đưa cả hai lá cho tôi đọc:
1/ Thư bác Lê Ngộ Châu gửi bác Tạ Tỵ:
“Sàigòn, ngày 25 tháng 14/1999
Bác Sáu thân mến  (*)
Cách đây hơn một tháng, tôi rất mừng là tìm lại được tấm hình ngày trước, chụp khi cậu vừa xuất viện. Tôi vội chụp lại và muốn gửi cho cậu nhận được sớm. Nhân có người đi Bỉ, tôi nhờ họ về Bỉ bỏ bưu điện hộ. Tới hôm nay tôi vẫn chưa thấy thư trả lời của cậu, tôi ngờ là thư đó đã thất lạc rồi, nên đành chụp lại lần nữa. Thư trước mà mất thì uổng quá vì tôi gửi ngoài ảnh của cậu, còn có kèm ảnh Phạm Trọng Nhân chụp trong hoàn cảnh như cậu dạo đó; Nhân cười nên răng rụng trông thê thảm lắm. Tôi cũng gửi cho cậu cả ảnh Siêu nữa, rất rõ và đẹp, mất thì tiếc quá. Tôi dạo này trí óc thật tệ. Ảnh của cậu chụp lại, rồi để mất cái phim nên nay mới phải mất thì giờ scan lại lần nữa.
Tôi gửi cho cậu thư của Duy để cậu đọc lại cái giọng đểu cáng của nó cho vui, nhất là một version nữa về Trần Thị Bông Giấy, mà có người đã cho là đàn ông, là một thầy thuốc. Tôi chẳng hiểu Duy nói là con gái ông Trần Mưu ngày trước ở gánh Đức Huy có đúng không? Chắc cậu còn nhớ cô họa sĩ Văn Dương Thành có chồng người Thụy Điển quen với Phạm Duy? Cô Thành vừa về Sàigòn gặp tôi kể rằng lúc này Duy tọp đi như thằng bé con. Hôm qua có người ở Cali về cho tôi biết thêm là Thái Hằng bị ung thư phổi, nên Duy nó lo sợ quá người tọp đi như vậy. Nghe nói là Đại Tá Thuận cũng bị ung thư gan, tôi thương nó quá. Thảo nào viết thư cho tôi, nó bảo bệnh của cậu không ăn thua gì so với bệnh tôi đâu! Thế Uyên thì bị stroke, liệt nửa người rồi. Mong thỉnh thoảng nhận được thư cậu và chúc cậu mợ cùng gia đình mọi điều vui vẻ may mắn.
Thân, Lê Ngộ Châu.

*/ Thư của nhạc sĩ Phạm Duy gửi bác Lê Ngộ Châu:

Midway City, 31 January 1988
Châu,
Cám ơn cậu đã giúp tôi liên lạc với cụ Dã Lan về việc thế phả. Sau khi gửi thư cám ơn người làng và xin phép đưa ra một thắc mắc về cụ Vinh, tôi vẫn chưa nhận được thư trả lời dù rằng tôi đã gửi tí tiền còm để họ mua tem. Để coi... Có vẻ các cậu ở nhà, giống như các mụ concierge, thích đọc báo, thích nghe tin đồn về tôi... rồi rùng rợn mê ly về chuyện con Bông Giấy hay chuyện tôi dự đêm hát của bà Thanh Hải, cho nên tôi bèn lợi dụng thư này để mời cậu đọc những gì mà có thể tôi sẽ cho vào HỒI KÝ 4, khi in nó ra:
1/ Trần Thị Bông Giấy là con gái Trần Mưu, nhạc sĩ violon đã từng kéo đờn cò cho gánh Đức Huy khi đoàn hát tới Huế với cậu Cẩn (**)  Ông này đàn thì dở nhưng uống rượu thì giỏi kinh khủng và có lẽ bà mẹ Bông Giấy đã thụ thai khi ông Mưu đang trong cơn say rượu. Thành thử khi con nhỏ mới sinh ra là đã điên rồi. Nó qua Mỹ và lấy một anh chồng ở San Jose, hai vợ chồng có một tờ báo, từ số đầu tới số chót chỉ có chửi và chửi, chửi hết người này tới người nọ. Nó chửi tới tôi vì lúc đó tôi đang bị các thằng làm chính trị ảo tưởng và mị dân tố cáo là không chống Cộng nữa! Những người Việt trầm lặng ở San Jose đã phản ứng bằng cách mời tôi tới đó BA lần để trình diễn và họ cho biết Trần Thị Bông Giấy (...) (***) khi còn ở Dalat, nhà văn này đã làm cái nghề cao quý đó rồi..
Nhờ nó mà tôi được mời tới hát ở San Jose, có lẽ tôi phải cảm ơn nó đấy. Ha ha...
2/ Lê Ngộ Châu cũng đã biết Kiều Loan (con Hoàng Cầm) là con nuôi của tôi rồi. Con nhỏ này là một đệ tử rất say mê của bà Thanh Hải. Qua con gái nuôi, tôi được gặp khá nhiều đệ tử khác mà tôi rất có cảm tình vì bốn lý do:
a/ Đó là những người ăn chay, ngồi thiền quanh năm.
b/ Họ không nói xấu ai cả.
c/ Họ toàn làm việc thiện, như giúp nạn nhân bão lụt ở VN, nạn nhân động đất ở nước Mỹ La Tinh.. v.v...
d/ Họ là khách hàng rất đáng yêu của Phạm Duy Productions.
Tôi chưa hề gặp bà Thanh Hải trước khi nhận trình diễn trong buổi văn nghệ khi đám đệ tử ngỏ ý mời gia đình tôi tham gia và nói rằng số tiền thu được sẽ gửi tặng các văn nghệ sĩ nghèo trong nước. Very good, moa thấy đó là một việc đáng tham gia dù cũng thừa biết thiên hạ (vốn ghét bà Thanh Hải) sẽ dị nghị. Nhưng tham gia vài đêm diễn xong là chị đi đường chị, tôi đường tôi, chứ moa có chạy theo bà Thanh Hải đâu? Nhờ cậu nhắc thì tôi mới nhớ ra là đã tham gia buổi văn nghệ đó. Ha ha... Thôi ô-voa, lần sau sẽ kể những chuyện thối khác.
Phạm Duy.
[]
Đợi tôi đọc xong hai lá thư, bác Tạ Tỵ hỏi:
“BG định thế nào? Có nên viết thêm một bài ‘quất’ tên ‘lưu manh, đểu cáng’ này chăng?”
“Thật có nên chăng? ”, tôi hỏi lại bác.
Bác gật đầu mạnh mẽ:
“Nên lắm! Chỉ BG mới làm nổi điều đó. Bài viết về Phạm Duy trước kia là một bài rất được độc giả ủng hộ, luôn chính bác và nhiều người quen của bác. Nhưng bài ấy vẫn chưa đủ để vạch trần những cái thối tha vô liêm sỉ của hắn.”


( tiếp theo ...)

( tiếp ... )

Tôi lắc đầu:
“Ông Phạm Duy phỉ báng bố con, một người mà vào khoảng đầu thập niên 1940 ở Huế đã dạy ông ta từng note ký âm pháp đầu tiên khi ông ta chỉ là một anh chàng hát rong với cây đàn guitare và vài ba cái accord xập xình lui tới, chứ chẳng biết gì là âm nhạc. Thời gian này Phạm Duy chưa lấy vợ, ăn dầm nằm dề cả tháng trời trong nhà bà ngoại con để chỉ chực học của bố con những bài học ký âm. Điều này, khi còn nhỏ, con đã được nghe mẹ con và các người bạn của bố con như bác Trần Văn Tín, nhạc trưởng ban nhạc Ngự Lâm Quân, bác Nguyễn Hữu Nhuận, nhạc sĩ trompette, và bác Nguyễn Hữu Oai, nhạc sĩ clarinette & saxo ténor trong ban nhạc, kể lại. Riêng bố con chuyên về violon & piano và hòa âm phối khí các bài bản trình diễn cho ban nhạc. Nếu không thế thì trong cuốn Ngàn Cánh Nhạc xuất bản đã lâu, ông Phạm Duy đã không viết ra ‘lời chân thành cảm ơn những người bạn nghệ sĩ đầy tài năng ở Huế’ đã giúp ông ta hoàn thành những bản nhạc thuở đầu tiên.
Ông ta bôi nhọ bố con, cũng lại là người đã từng cưu mang giúp đỡ cả gia đình ông ta giữa thập niên 1950 ở Sàigòn, dạo ông ta còn nghèo xơ nghèo xác. Khi ban hợp ca Thăng Long khởi sự thành lập, cũng chính ông ta đến nài xin bố con chia bè làm giùm các bài bản arrangement cho họ hát. Những sự thật này, dẫu không ai biết thì chính lương tâm ông Phạm Duy phải biết. Nếu như nó có bị bôi bẩn hay chối bỏ đi thì chỉ là do từ cái tính phản bội đểu cáng, ăn cháo đá bát nổi tiếng xưa nay trong người ổng mà ra, chứ Sự Thật vẫn là Sự Thật.
Còn bây giờ bảo con viết bài ‘trả đũa’ Phạm Duy thì đó  lại là điều con thấy chẳng nên làm chút nào cả. Những gì xấu xa trong đời ông ta đã hành xử, sớm muộn gì, chính ông ta cũng phải trả cái giá xứng đáng. Đối với một nghệ sĩ, lòng yêu mến của quần chúng dành cho mới là điều hàng đầu quan trọng. Ông Phạm Duy đã tự đánh mất đi rất nhiều cảm tình của quần chúng VN hải ngoại kể từ sau những lời tuyên bố ngông nghênh như nhổ vào mặt quần chúng, nguyên nhân cho bài Phạm Duy Ông Là Ai? con viết dạo trước. Đó chính là sự trả giá của ông ta. Mình chẳng cần bận tâm làm chi cho mệt. Ông ta được sinh ra đã là như vậy. Còn mình thì không như vậy. Bây giờ có viết gì cũng không làm thay đổi được con người ông ta. Vả lại, ông ta đã già quá rồi, có muốn học bài học làm người tốt ngay từ căn bản cũng không còn kịp. Nên thôi, bỏ qua cái chuyện đó đi, bác nghe?”
Khuôn mặt bác Tạ Tỵ đâm ra trầm ngâm hẳn. Bác ngồi im lúc lâu. Tôi thấy thật ái ngại trong lòng vì sự quan tâm của bác đã dành cho, nên an ủi:
“Không phải chỉ bác cháu mình mới phẫn nộ Phạm Duy thôi đâu, mà còn nhiều người khác nữa bác ạ. Những người Việt thầm lặng không ở trong giới nghệ sĩ, hay không bị cái hào quang của Phạm Duy làm cho mờ mắt, lại chính là những người chán ghét ông ta nhiều nhất. Điều này con nói bằng sự thật có dẫn chứng. Sau khi bài Phạm Duy Ông Là Ai? tung ra, con nhận không biết bao nhiêu cú điện thoại hay e-mail của độc giả từ khắp nơi trên thế giới, gọi đến xin con viết thêm một bài vạch trần con người ông ta rõ ràng hơn nữa. Họ tức tối là sao con ‘đánh’ ổng nhẹ tay quá! Một nhân vật tên tuổi là ca sĩ Duy Trác cũng nói với con như thế trong lần phỏng vấn con bên Houston Tesax. Rõ ràng nhất là lá thư của một em sinh viên ở Fullerton, Nam Cali gửi đến con sau khi bài viết của con tung ra. Để con lấy thư đọc cho bác nghe:
California ngày 11 tháng 10 năm 1997
Kính gửi: Nhà Văn Trần Thị Bông Giấy,
Thưa Cô,
Chúng em là nhóm sinh viên tại đại học Fullerton, kính gửi đến Cô tài liệu vừa nhận được từ VN gửi qua, tờ tuần san An Ninh Thế Giới trong nước đăng tải. Tài liệu này do phóng viên Vũ Cao điều tra sưu tập và đăng lên báo nhiều kỳ, phanh phui bộ mặt thật của tên phù thủy lưu manh Thanh Hải vô thượng sư (nay đổi là Suma Ching Hai –tức Suma Thanh Hải). Thanh Hải đã tác oai tác quái gieo không biết bao nhiêu tai họa phân tán chia ly trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ từ 1990 đến nay. Có nhiều người tan gia bại sản, cha mẹ lìa con, vợ lìa chồng, cũng nhiều người bị mụ mê hoặc bằng bùa ngãi, tâm lý, đạo giáo nên đem hêát của cải dâng lên cho mụ. Nhiều người bị sa vào lưới “mê” đã bán nhà, bán cơ sở thương mại, trút hết cho mụ, gọi là “cúng dường sư phụ.” Kết quả là rất nhiều người phải đi mướn apartment để ở; trong số nạn nhân đó có chúng em. Nỗi hờn căm và đau khổ thống thiết này, chúng em kêu Trời không thấu!!! Chúng em cứ nghĩ ... rồi một ngày, Trời cao có mắt: “Thiên bất dung gian!”
Thế mà đêm ca nhạc của Thanh Hải 29/12/1996 tổ chức tại Long Beach Convention Center, con người được mệnh danh là “Đại Nhạc Sĩ” Phạm Duy đã cùng con cái cháu chắt dắt nhau đến ca hát tán tụng “con đĩ lỡ thời” hết mình. Cha con nhạc sĩ Thu Hồ cũng bỏ Amen vội vã Nam Mô vô thượng sư. Cái ông gọi là giáo sư Trần Văn Ân cũng ca tụng công đức sư phụ trước máy vi âm mà không thấy ngượng mồm ngượng miệng. Cô ca sĩ Khánh Ly trước 1975 chuyên hát nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn mà giờ đây các chiến sĩ VNCH, nhất là các vị HO, ai cũng còn căm phẫn, chỉ vì 3000 đô ban phát của mụ mà chịu bán đứng cả danh dự mình. Cũng như chỉ có 5000 đô mà Phạm Duy sẵn sàng chôn tên dưới chiếc váy ngắn của Thanh Hải. Và còn nhiều... bộ mặt chuột nữa.
Đặc biệt nhất là bây giờ tại Bolsa xuất hiện “quái thai đẻ quái thai”: Phòng mạch bác sĩ châm cứu ĐTH bày bán băng nhạc, thơ của mụ Suma Ching Hai. Anh chàng bác sĩ châm chít này thường quảng cáo và trả lời cho bệnh nhân trên radio rằng bệnh nào cũng do gan nóng, huyết nóng mà ra. (Nếu gan lạnh, huyết lạnh thì chỉ có nước ra thăm nghĩa địa chứ còn gì hỡi ngài bác sĩ? Ngài khôn hồn thì nên dẹp tiệm băng của sư phụ sớm đi, nếu chậm trễ, cảnh sát Mỹ đến hỏi thăm License thì lá gan ngài sẽ... lạnh đấy!)
Thế thái nhân tình thấy mà ngán ngẩm, Cô Bông Giấy ạ. Giới có chút ít học thức chạy đua theo đồng tiền bất kể liêm sĩ. Tại miền Nam Cali hầu hết đều là như vậy. Còn Thanh Hải thì lợi dụng “cả đô-la lấp miệng em”. Giới báo chí, ca nhạc sĩ thấy đô la là đui cả mắt, nhân tính đổi thành súc vật tính: ca sĩ Thiên Trang, Thanh Thúy, Hùng Cường (hồi còn sống), La Thoại Tân, nhà thơ Viên Linh, Vi Khuê, Đỗ Vẫn Trọn, Mai Hân, Võ Thị Vui. v.v... đều theo ca tụng lạy lục xin ân huệ trà nước của Thanh Hải. Giới tu sĩ thì có Thích Mãn Giác, Thích Giác Ngỡi, Thích Tam Hiền theo van xin tiền, gọi Thanh Hải bằng sư phụ, mặc dù các vị này từng là Thượng Tọa, Hòa Thượng. Đúng là một bọn vô luân loài thú... ló đuôi.
Thú thật, chúng em là độc giả của các tác phẩm của Cô. Vừa rồi được thấy Cô lên tiếng về tư cách của Phạm Duy cũng như của Thanh Hải qua bài viết Phạm Duy, Ông Là Ai?, thành thật mà nói: Đó là một can đảm phi thường. Vì cả một Cali, có ai dám lên tiếng như Cô đâu? Sau bài viết của Cô, nhiều người trong cộng đồng Việt “bừng con mắt dậy.” Thế mới thấy tác dụng của ngòi bút mạnh không khác gì thác lũ, không thua gì một đoàn quân tinh nhuệ quét nát kẻ thù. Chúng em là kẻ hậu sinh, nhiều khi muốn diễn tả mà không được hết lời. Chúng em vừa nhận được tài liệu về Thanh Hải của tác giả Vũ Cao trong nước gửi ra, xin gửi đến cho Cô và thiết tha xin Cô viết một bài về mụ điếm đàng gian ác này hầu cứu giúp đồng bào đã và đang sa vào vũng lầy của mụ mà cái tác hại nhất là đổ lên đầu giới trẻ thơ ngây trong cộng đồng chúng ta. Được vậy chúng em rất biết ơn Cô. Khi có thêm tài liệu, chúng em sẽ tiếp tục gửi đến Cô.
Kính chúc Cô dồi dào sức khỏe và hăng hái cứu giúp xây dựng cộng đồng.
Kính chào Cô.
Đại diện: Ngô Thị Thúy Liễu.
Đọc xong bài báo, tôi nói với bác Tạ Tỵ:
“Bác thấy con nói có đúng không? Chẳng phải ai cũng là kẻ mù quáng đâu. Một em nhỏ như cô sinh viên này mà còn nghĩ suy được như thế về ông Phạm Duy và những hiện tượng đáng chán trong giới văn nghệ VN hải ngoại, huống hồ là các vị lớn tuổi hiểu biết khác.”
“Con nói đúng,” bác gật đầu. “Thời Gian sẽ là cái thước đo giá trị cho từng nhà văn, nghệ sĩ. Bác tin rằng với con người như Phạm Duy, Thời Gian sẽ đào thải ông ta. Ngay bây giờ mà tên tuổi ông ta đã bị chết thảm thiết trong lòng quần chúng hải ngoại, thì khi nằm xuống, sẽ chẳng còn ai nhớ đến ông ta chút nào nữa. Phần bác chỉ thấy thương cho sự cô đơn của con trong làng chữ nghĩa hải ngoại nhưng không biết làm gì để đỡ cho BG. Bây giờ bác già quá rồi, đi lại khó khăn, nhưng hễ gặp bất cứ ai quen, bác cũng đều nói về BG. Bác rất cảm ơn bác Lê Ngộ Châu trong việc gửi thư sang, giục bác hãy đi tìm đọc các tác phẩm TTBG. Nếu không thế, làm sao bác có cơ may gặp được con như ngày hôm nay.” 
Tôi cười:
“Trong thư ông Phạm Duy gửi bác Lê Ngộ Châu, con đọc thấy ông ta bảo là sẽ in NHỮNG ĐIỀU VỀ CON trong tập Hồi Ký 4 của ông ấy. Việc chưa xảy ra nên không biết ông ta có làm thế? Nhưng con dám KHẲNG ĐỊNH với bác rằng, bài viết Phạm Duy Ông Là Ai? của con sẽ không bao giờ được hân hạnh nằm trong các tập Hồi Ký Phạm Duy do chính ông ta, hoặc cái đám đệ tử ông ta mai hậu sẽ viết ra.”
Và tôi xòe tay ra cho bác bắt, xiết chặt lấy và nói:
“Con cảm ơn tấm lòng bác đã dành cho con. Với con, như vậy đã là quá đủ. Hàng ngàn cái tên Phạm Duy nếu đem đánh đổi bằng một giá trị tài năng và tư cách của bác thấy cũng còn chưa xứng đáng! Con được bác quý trọng thế này, còn mong ước gì hơn?”
*
* *
Đêm ấy, gọi điện thoại về VN cho bác Lê Ngộ Châu, tôi kể đầu đuôi những gì đã xảy ra ban chiều trong cuộc chuyện trò với bác Tạ Tỵ.
Đầu giây kia, giọng bác Châu nghe thật hốt hoảng:
“Sao Tạ Tỵ lại làm thế được? Sao lại đưa BG đọc một lá thư dơ dáy như thế được? Sao không xé đi mà vứt vào trong thùng rác?”
Rõ ràng là bác đang bị bấn loạn....
Tôi nhỏ nhẹ trấn an bác:
“Con gọi để nói cho bác hay là bởi sự việc có liên quan tới bác. Trong chuyện này, con rất cám ơn bác Tạ Tỵ đã cho con cơ hội xác định thêm lần nữa cái ý nghĩ của mình về con người đích thực của ông Phạm Duy. Nếu có trách, con sẽ không bao giờ trách bác Tạ Tỵ đã đưa con đọc một lá thư ‘dơ dáy’ có tính cách bôi nhọ một người phụ nữ như thế...”
Tôi bỏ lửng câu... Đầu giây kia, tôi nghe rõ tiếng thở dài đau khổ. Mãi lâu, giọng bác Lê Ngộ Châu trầm hẳn:
“BG nói đúng. Lẽ ra tôi nên đốt nó đi ngay sau khi đọc chứ không nên gửi cho Tạ Tỵ. Tôi xin lỗi BG.”
Tôi cười:
“Bác không có việc gì cần áy náy cả. Cái tệ là từ ông Phạm Duy mà ra. Bác Tạ Tỵ có bảo con nên viết một bài nữa về ông ta nhưng con thấy chẳng đáng. Tư cách và con người ông Phạm Duy thế nào thì ai cũng đều nhìn thấy ngay từ trước khi con viết bài thứ nhất về ông ấy. Nên cũng chẳng muốn phí thêm giấy mực làm gì. Một điều con chỉ muốn thưa cùng bác ngay bây giờ rằng tuy con chỉ đáng tuổi con cái ông Phạm Duy nhưng tự nhận thấy mình hơn hẳn ông ta rất nhiều trên mặt tư cách. Nếu có trả đũa bài viết nào của kẻ khác, con sẽ đưa vấn đề đối diện thẳng chứ không bao giờ lôi đời tư hay dòng tộc gia đình người ta ra mà phỉ báng, như cái trò ông ta đã làm một cách đê tiện qua lá thư bác đã nhận của ông ta.”
Tôi nói thêm:
“Bài viết Phạm Duy Ông Là Ai? của con được đăng lần đầu trên tờ Sàigòn Nhỏ dạo tháng 11/1997 ở Santa Ana đã bị ai đó chơi trò lừa gió bẻ măng, thêm thắt ít nhiều những câu chuyện tình ái bẩn thỉu của cá nhân Phạm Duy và gia đình ông ấy vào trong bài viết. Khi bài báo tung ra, đã có rất nhiều độc giả gọi đến con, bảo phải nên đính chính. Con chỉ cười mà đáp: ‘Tôi tự biết mình không hề viết ra những lời như thế thì dẫu có ai muốn trét trấu bôi tro vào mặt, tôi vâãn mãi là tôi. Do đó mà không cần đính chính.’”  
Giọng bác Lê Ngộ Châu nhỏ hẳn:
“Tôi cũng tin thế. Đọc các tác phẩm của BG, nhất là ở hai cuốn Truyện Dài Không Có Tên, thấy ‘chửi’ rất nhiều nhưng không là chửi đời tư hoặc dùng những lời lẽ bẩn thỉu khi nói về nhân vật. Nên chi với bài viết đăng trên Sàigòn Nhỏ mà anh Phan Diên đã cắt gửi về cho anh Thế Phong, thấy có rất nhiều đoạn bôi bẩn cá nhân Phạm Duy, tôi không tin đó là chữ nghĩa TTBG. Sau này đọc lại bài ấy từ chính ngay cuốn MTDKCT tập II BG gửi tặng, tôi càng xác định đượïc hơn những ý nghĩ của chính mình.”
Giọng bác càng thêm nhỏ:
“So với BG, tư cách Phạm Duy không thể nào bì kịp.”


III.
Câu chuyện giữa tôi, bác Tạ Tỵ và bác Lê Ngộ Châu xảy ra vào chiều tối ngày 9 tháng 4/2000, nghĩa là SAU lá thư ông Phạm Duy gửi đi gần hai năm và cũng SAU KHI tôi đã có duyên quen biết với hai bác Lê Ngộ Châu & Tạ Tỵ.
 Nhưng cái “tư cách” và “bộ mặt thật” của ông Phạm Duy (đã từng được tôi trình bày qua bài viết Phạm Duy, Ông Là Ai, xuất bản tháng 10/1997), thì hơn lúc nào, chính ngay THỜI ĐIỂM BÂY GIỜ, tháng 7/2005, đã công khai phơi tỏ. Sự xin xỏ với nhà nước CSVN để cả gia đình ông ta trở về là một bằng chứng cụ thể. Thời điểm 1975, những con người này bỏ nước ra đi vì lợi lộc bơ sữa lôi cuốn của xứ người, trong khi hàng chục triệu người dân Miền Nam sống trong tù đày, nghèo khổ dưới chế đôä CSVN, trong số có những người rất nổi tiếng trong giới văn nghệ như Thế Phong, Văn Quang, Uyên Thao, Lê Xuyên, Lê Ngộ Châu, Trịnh Công Sơn ..v.v.. và nhiều nữa.
Ba mươi năm sau, 2005, nước VNCS “mở cửa đổi mới”, những con người này cạy cục xin trở về cũng chỉ vì miếng bả danh vọng vớt vát mà hoàn toàn không có chút nào ý nghĩa tâm tư hướng về đồng bào hay quê hương, như những câu tôi đọc trong hai bài phỏng vấn mới đây của báo Thanh Niên, và báo Tuổi Trẻ (trong nước), ông Phạm Duy và ca sĩ Duy Quang (kẻ mà như nữ ca sĩ Lê Uyên từng gọi là “air-head” –cái đầu trống rỗng-- vẫn thấy còn có chút thành thật hơn ông bố) đã trả lời, như sau:


CA SĨ  DUY QUANG: HẠNH PHÚC TRONG VÒNG TAY KHÁN GIẢ QUÊ NHÀ
.
Là con trai nhạc sĩ Phạm Duy và cũng rất thành công với những ca khúc trữ tình của cha từ những ngày đầu bước vào nghiệp cầm ca, sau hơn 15 năm lưu lạc xứ người, gần đây ca sĩ  Duy Quang đã trở về định cư tại VN.
     -Tại sao anh lại chọn con đường trở lại quê nhà để làm ăn trong khi ở Mỹ, mọi công việc của anh vẫn phát triển tốt?
     -Đấy là nhìn bề ngoài mọi người nói thế chứ thực ra ở bên Mỹ, nghề hát của tôi cũng chẳng thành công lắm đâu. Thế hệ những người nghe tôi hát ngày càng ít đi, những sô diễn nếu có thì cũng chỉ vào những ngày cuối tuần. Vì thế đời sống âm nhạc của người Việt chúng tôi bên đó tẻ nhạt lắm. Khác hẳn với VN, đêm nào tôi cũng được hát, cũng có đông khán giả hâm mộ. Với một người ca sĩ, có còn gì hơn thế. Về VN, thu nhập của tôi có thấp hơn ở bên Mỹ nhưng tôi cần khán giả hơn là cần thu nhập. Bên cạnh đó, tôi tìm được ký ức của những ngày xa xưa, khi tôi chỉ mới chập chững lên sân khấu, nó khiến tôi thêm hưng phấn, thêm cảm xúc để thể hiện các bài hát. Mà những thứ đó thì ngoài quê hương ra, có nơi nào có thể cho tôi được hay không?
     -Anh có nhớ cảm xúc khi lần đầu tiên trở lại hát trên sân khấu VN không?
     -Nhớ lắm chứ. Đó là đêm 6/1/2005. Bao nhiêu năm đi hát, mong đợi ngày trở lại quê hương đã lâu, vậy mà khi trở lại quê hương, đứng trên sân khấu tôi lại hồi hộp y như lần đầu đi hát vậy. Không biết khán giả còn nhớ đến tôi không? Còn ủng hộ tôi không? Bài hát tôi trình diễn là bài Kiếp Đam Mê, một bài hát tôi từng biểu diễn nhiầu lần. Thật bất ngờ, khán giả đã ào  lên khi tôi hát, rồi những tiếng vỗ tay không dứt khi tôi ngừng lời. Tôi đã khóc vì xúc động. Những ngày trên đất Mỹ, tôi chưa bao giờ có được những cảm xúc như thế. Tới hôm nay, cảm xúc đó vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.
     -Giờ đây cuộc sống mới của anh như thế nào?
     -Buổi tối tôi tham gia hát tại các phòng trà, cũng đôi khi đi diễn tại các tỉnh. Ban ngày tôi tham gia quản lý một số nhà hàng mà tôi góp cổ phần cùng vài người bạn. Tôi cũng đang thu âm tại phòng thu để tới cuối tháng 8 này sẽ cùng Phương Nam ra mắt phim album đầu tiên của tôi. Trong Album, tôi hát một số bài của các nhạc sĩ trong nước như Việt Anh, Phạm Thế Mỹ, Phạm Minh Tuấn, Lã Văn Cường... Đôi lúc rảnh rỗi thì đi chơi, thăm bạn bè hay là tham gia vài hoạt động từ thiện theo lời mời của vài tổ chức.
Những ngày đầu tôi cũng gặp một số khó khăn do thay đổi điều kiện sống nhưng bây giờ thì đã quen rôài. Thậm chí tôi còn mua hẳn chiếc xe máy để chủ động đi đây đi đó, không đến nỗi sợ giao thông như hồi mới về.
     -Nghe nói khi vừa về VN, anh đã chủ động đi đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân?
     -Có lẽ tại tôi quen với cách sống bên Mỹ, thuế vừa là quyền lợi nhưng cũng là nghĩa vụ của mình. Thu thuê để cho quốc gia phát triển, mình sống ở đâu thì phải nghiêm túc chấp hành vì  có lợi cho mình, vừa có lợi cho quốc gia.
     -Trong tương lai anh còn dự định gì nữa?
     -Tôi đang chờ các em tôi về nước để xây dựng lại ban nhạc Dreamers, ban nhạc gia đình của tôi trước đây đã có những thành công.
     -Xin cảm ơn anh.
(Theo TP. 10:45:52, 13/07/2005)
[]

LÁ RỤNG VỀ CỘI

TT. Buổi tối 18/5/2005, phòng ăn tầng 8 khách sạn Saigon Star ấm áp không khí đoàn tụ khi nhạc sĩ Phạm Duy cùng bốn người con trai của ông lên chào bạn bè thân hữu trong giới văn nghệ trước khi vào tiệc mừng ông trở về – trong mong muốn sẽ chính thức ở hẳn lại quê nhà. Phạm Duy nói rất ngắn:
“Nhìn lại 30 năm qua, tôi thấy chỉ là một đêm dài. Đêm dài ấy đã qua và bình minh đang đến, gọi ta: Sáng rồi, dậy đi thôi!”
Giáo sư tiến sĩ- nhạc sĩ Trần Văn Khê chống gậy bước lên ôm hôn người bạn già (hai ông cùng tuổi Dậu, 1921) và nhắc lại kỷ niệm năm xưa có mặt bên cạnh khi Phạm Duy viết bài Con Đường Cái Quan. Ông hào hứng hát:“Tôi đi từ ải Nam Quan, qua vài nghìn năm lẻ. Chia đôi một họ trăm con, đã lên đường...” rồi nhắc cả cái khúc mà lúc đó tác giả và ông cùng bí, chưa đặt được lời, cứ từng tưng tứng tưng... Nhẹ nhàng, ông kết luận:
“Con đường cái quan hay con đường nào rồi cũng dẫn về đến nhà. Tôi và anh Phạm Duy vì những lý do khác nhau mà đã sống xa quê hương, nay lại cùng về, không mối mong muốn nào khác hơn là đã sinh ra ở đây thì sẽ chết cũng ở đây. Lá rụng về cội, nước chảy về nguồn...”
Hai ông già thuộc vào hàng đại thụ trong làng âm nhạc VN sảng khoái nhìn nhau cười. Trong suốt cuộc đời 84 năm, họ đã có rất nhiều điều khác nhau. Là con người, lại là nghệ sĩ, có thể có người đã có những giai đoạn, bước đi thế này thế nọ, đúng và không đúng, nhưng giờ đây trước mặt mọi người, như mọi ông già, mọi người già VN khác, họ chỉ cần được về làm thêm chút gì đó và chết ở quê hương là đủ mãn nguyện.
Cái mong muốn “lá rụng về cội” ấy có lẽ giờ đây cũng chẳng ai nỡ ngăn cản.
N.D.T. (Tuổi Trẻ, thứ sáu 20/5/2005)

Phần tôi, bây giờ, hơn bao giờ, đọc lại bài viết Phạm Duy, Ông Là Ai, tôi thấy mình đã KHÔNG SAI trong cái về ông Phạm Duy thuở đó:
“(...) Phạm Duy không đạt được tới chút nhỏ giá trị cao quý của hai chữ Kẻ Sĩ. Ông không phải là một Kẻ Sĩ trên đủ mọi mặt. Ông không có được cái Dũng, cái Chân, cái Nhân và cái Thiện rất cần thiết cho một nghệ sĩ chân chính. Ông chỉ biết tôn thờ cái Tôi của chính ông. Ông khai thác tối đa cái Tôi ấy trên nhiều hình thức. Đó là quyền của ông. Nhưng ông không có quyền phản bội lại quần chúng đã ưu ái ông, đem miếng ăn, đem cả hào quang cho ông để mà tự hãnh. Ông không có quyền chà đạp lên sự đau khổ của nhân dân miền Nam bằng một câu nói rất là ít hiểu biết và vô trách nhiệm so với tên tuổi ông: "Nếu CS cho tôi mười ngàn đô la mà bảo tôi ca tụng Hồ Chí Minh, tôi sẽ ca tụng hết mình."
(...)
Ở đây, tôi đồng ý rằng đến một lúc nào trên cái nhìn chung về dân tộc, vấn đề hợp lưu cần được nêu lên. Nhưng hợp lưu có nghĩa là NGỒI LẠI VỚI NHAU MỘT CÁCH NGANG HÀNG, chứ không là van xin quỵ lụy một chiều. Phạm Duy đã viết ra những lời nhạc không bằng lòng yêu nước hay bằng tinh thần người Việt Quốc Gia chân chính, mà là bằng lối suy nghĩ của Cộng Sản hay của một thế lực ngoại bang.
Thực hơn hết, theo tôi, Phạm Duy chỉ là người "chống chống Cộng" đúng đường lối của Mỹ. Trước kia, Mỹ là quốc gia chống Cộng hàng đầu thế giới, nhưng bây giờ, chính sách ngoại giao của Mỹ đã thay đổi. Những người Việt Nam làm việc và ăn lương của Mỹ cũng phải thay đổi luôn. Có nên nghi ngờ Phạm Duy cũng là một trong những người của số Việt Nam này chăng?
(...)
Đọc lịch sử Việt Nam, thời thực dân, thấy có ba nhân vật ra hợp tác với Tây là Tôn Thọ Tường, Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Trường Tộ. Mỗi người đều có thái độ và ý nghĩ khác nhau trong hành động của mình. Nguyễn Trường Tộ chỉ trong mấy tháng ra làm việc mà về sau cứ hối hận mãi theo điều ấy. Ông chuộc lỗi với dân tộc bằng cách cố lòng tranh đấu cho Việt Nam, viết 150 bản điều trần dâng lên vua Tự Đức với ước nguyện mong thay đổi khá hơn cho đất nước. Trương Vĩnh Ký hợp tác với Tây hoàn toàn trên phương diện văn hóa, cũng mang lòng hối hận khôn nguôi. Riêng Tôn Thọ Tường chẳng những đã vênh váo vì cơm no áo ấm trong khi đồng bào rất đói khổ, lại còn hết lòng hết dạ ca tụng sức mạnh văn minh của bọn thực dân.
Tôi tự hỏi, không biết ông Phạm Duy thuộc hàng nào trong số ba con người lịch sử hợp tác với ngoại bang, ở trên tôi vừa kể?”

Bây giờ thì tôi đã có câu trả lời cho đoạn cuối bài viết như đã nêu ra. Cũng bây giờ, tôi tin rằng, hơn bất cứ ai trong số bạn bè cũ của ông Phạm Duy, bác Lê Ngộ Châu (hiện đang còn sống ở Sàigòn) đã là người thất vọng nhiều nhất khi nhìn rõ bằng cụ thể cái thực chất “đểu cáng” trong người bạn mình (như chữ bác đã dùng trong thư viết gửi bác Tạ Tỵ mấy năm qua.)
“Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”.
Cái tiếng xấu mà cá nhân ông Phạm Duy đã tạo ra trong hơn 60 năm nay, không đợi chết, cũng đã được lan truyền rộng rãi bằng chữ nghĩa lẫn cả trên lời nói của toàn thể quần chúng trong và ngoài nước VN.

(San Jose, Cali. Aug. 10/2005)
[]

TRẦN THỊ BÔNG GIẤY




Sáu Cu, biệt danh của họa sĩ Tạ Tỵ.


điểm này, Phạm Duy đã chứng tỏ sự láo khoét hơn hết của mình: Năm 1955, ông Diệm lên làm Tổng Thống Việt Nam thời Đệ I Cộng Hoà, ông Ngô Đình Cẩn dựa thế anh, mới làm vương làm tướng được ở Huế. Trong khi cha tôi đã bỏ Huế mà vào Sàigòn từ năm 1951, lấy đâu để “kéo đờn cò cho gánh Đức Huy khi đoàn tới Huế với cậu Cẩn?!” như giọng lưỡi đểu cáng của Phạm Duy.


TTBG vì không muốn làm bẩn tác phẩm tâm huyết của mình nên tự ý cắt bỏ đoạn thư này vì thấy chữ nghĩa của Phạm Duy dùng quá dơ dáy đểu cáng, như chính con người và bản chất ông ta.



            =================

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét