Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

bài đọc thêm : Cảm tạ văn chương (11) / Trần Hoài Thư -- source: blog THT


Cảm tạ văn chương (11)

TRẦN HOÀI THƯ

lẽ khi chọn văn chương là con đường mình đi, tôi đã gây nên bao nhiêu điều buồn khổ cho người khác. Trước hết là ba tôi. Bao nhiêu niềm mong ước mà ba đã đặt vào tôi, nay đã vỡ tan tành. Tôi đã bỏ bê sách vở giảng đường. Tôi đã lao vào cõi sống chết để cùng với văn chương đồng bóng. Để rồi, cuối cùng là lư nhang càng ngày càng đầy tro tàn, mà đêm đêm ông đã khẩn cầu cho tôi được may mắn trong giòng binh lửa. Rồi có lẽ mẹ tôi. Chẳng lẽ nỗi bất hạnh của tuổi thơ, tôi không cất lên tiếng khóc, tiếng kêu bi ai của một đứa con riêng ? Và tôi biết, mẹ tôi hận tôi, thù tôi vì tôi đã viết lên thân phận của bà – nếu bà biết dươc,  Và Quỳnh nữa , người con gái đã làm tôi điên đảo. Chẳng lẽ tôi dấu kín tận đáy lòng trong khi tôi cô đơn vô cùng tận. Vậy mà, nàng lại nguyền rủa tôi, khi tôi mang hình ảnh vào văn chương để nàng có thể động lòng từ tâm thánh nữ.
Ba nói đúng. Tôi không thể trở thành một đại văn hào để ông hãnh diện. Mấy bài văn, thơ xuất hiện trên Bách Khoa, Văn, và tên tuổi tôi chỉ là một trong số trăm ngàn người viết khác, có ích gì, khi người ta còn có những điều khác để mà bận tâm lo lắng. Ví dụ, làm sao để thoát khỏi móng vuốt của con quái vật chiến tranh. Làm sao để còn sống sót sau ngày ngưng tiếng súng. Làm sao tôi có được một bằng cấp để em và gia đình em nễ nang…
Tôi hiểu hơn ai, là con đường vào văn chương không phải là dễ dàng. Tôi không thể trở thành nhà văn lớn. Tôi cũng không thể mưu sinh bằng văn chương được. Vậy mà trong túi tôi luôn luôn nhét vào xấp giấy trắng, và cây viết. Để rồi chẳng thấy phần thưởng do văn chương mang đến ở đâu chứ chỉ thấy đôi giày trận càng ngày càng dẫm sâu vào vũng lầy, không sao rút lên được.
Vậy mà tôi lại lao vào. Như một con thiêu thân lao vào. Lao vào, mà không hiểu tại sao.
Bởi vì, tôi quan niêm văn chương phải bắt đầu từ sự thật . Mà sự thật  bắt nguồn từ  sự sống.  Sống mới thấy, mới suy nghĩ. Nhà văn có bổn phận mang cái riêng để biến thành cái chung từ kinh nghiệm sống đó. Nếu không, nhà văn trở thành kẻ lừa gạt, cách này hay cách khác,
***
Bản án từ tòa án quân sự mặt trận vùng II với 5 tháng tù treo và giáng một cấp ra lênh tôi phải có mặt tại Ban Mê Thuột đúng vào dịp Tết.
Ngày cuối năm, tôi từ giã thành phố biển và đơn vị hai quản trị, để theo máy bay quân đội lên trình diện đơn vị mới. Thêm một địa danh lạ lẩm nữa chờ đón thằng thanh niên luân lạc. Mà cần gì bận tâm. Đâu cũng vậy. Quá quen rồi. Sống chết. Pháo. Mìn Bẩy. Rượu. Đàn bà. Cầu cho bị thương được nằm bệnh xá. Và những ngày những đêm dài cả thế kỷ. Đã quá quen. Nhưng lòng sao lại đau. Bởi vì cái lệnh trên tờ sứ vụ lệnh đầy khắc nghiệt. Bắt phải trình diện đơn vị mới trước ngày cuối năm âm lịch. Có nghĩa là không cho mày hưởng Tết, hưởng giao thừa, không được sum họp gia đình. Tôi nói cả trăm lần, tôi trở lại cùng quân đội mà. Tôi sẵn sàng cột sợi dây thun quần đàn bà vào hai gọng kính để trở lại mặt trận mà. Nhưng đừng dùng việc trở lại của tôi để mà tung hô vinh danh cũng như đừng kết án tôi khi trở lại cùng hàng ngũ chống lại nhân dân như trên đài mặt trận giải phóng. Tôi trở lại không phải vì muốn lên làm tướng hay muốn trở thành một người hùng. Trở lại vì tôi không thể sống như một con chó dại sợ ánh sáng nữa. Trở lại vì tôi không muốn người khác phải lo âu vì tôi nữa.
Nhân đã tặng tôi chiếc jacket. Hắn bảo mùa này ở Ban Mê Thuột trời lạnh lắm. Mày phải giữ gìn sức khỏe. Tôi nhận áo, như nhận từ tâm. Chính hắn đã bảo bọc tôi trong mấy tháng trời. Bây giờ hắn lại phải nhìn tôi ra đi. Từ biệt nhé, những ngày trong hỏa lò ở Tháp Chàm. Từ biệt nhé, những ngày phơi nắng ở bờ sông Dinh, hai thằng lột da lưng cho nhau. Ít ra trên đời này tôi vẫn còn có những thằng bạn như hắn. Nhưng hắn cũng phải bất lực để tôi ra đi. Còn tôi, cần gì. Mẹ thì xem như hạt bụi. Em thì xem như như hơi rượu cay… Đọc lại những câu thơ của người xưa mà cay nước mắt. Thi sĩ dù sao cũng còn mẹ còn em. Còn tôi.?
Tôi vẫn có mẹ có cha và có một người con gái để tôi yêu si dại. Vậy mà, ngay ở thành phố nơi trại lính có tôi đến trình diện, có trại quân lao đã thấy tôi có mặt trước khi giải về Đơn vị hai,  chỉ cách nhà mẹ tôi không bao xa, tôi cũng dấu cả tông tích của thằng con của bà. Còn ba tôi, ngoài Huế thì càng khổ vì con ngựa chứng không bao giờ để ông an ổn cùng với tuổi già. Còn người mà tôi si dại trong tuổi đầu đời, chưa một lần nắm tay, chưa một lần thầm thì một lời trao ngõ, ngay cả giọt lệ thừa cũng chẳng có nữa huống chi là giọt nước mắt xót thương.
Chỉ còn bạn bè. Những Nguyễn Huy Hoàng, Phạm văn Nhàn, Nguyễn Sa Mạc, Nguyễn Âu Hồng, Lê Minh…
Rõ ràng tôi không có ai hết, trừ đám bạn nghèo khó.
Nhớ lắm, Nguyễn Sa Mạc ơi. Ngôi nhá gạch đầy bóng tối, bên con đường rầy xe lửa, nơi hai thằng vẫn hay ngồi trên đường sắt, đốt thuốc. Bạn kể về một người con gái đằng sau khung cửa, và tiếng hát của nàng đàng sau hàng dậu. Gương mặt bạn nghiêng gầy, thuốc không ngớt thả khói… thấy càng già nua khắc khổ. Tôi đã tìm ở bạn tấm lòng, tấm lòng của bằng hữu, của văn chương.
Cám ơn em  một người nữ. Cám ơ n một bóng trăng theo dõi cuộc đời văn chương chữ nghĩa của tôi. Cám ơn em đã đến khi đời tôi không còn chiếc phao nào để bám. Em là vì sao trong cõi đêm tôi. Em đã nhỏ những giọt nước mắt xuống những trang giấy chữ nghĩa của tôi, thấm lạnh lòng tôi, nhưng cũng quá nồng nàn trái tim đau đớn của tôi.
Và cũng cám ơn một ân nhân khác Và một người khác trong những tháng ngày lính thú ở Ban Mê Thuột. Người ấy là thiếu tá Nguyễn Lạng, y sĩ trưởng Quân Y Viện Ban Mê Thuột.
Tôi vẫn còn nhớ hôm ấy tôi ghé tiệm sách Văn Hoa. Đứng bên cạnh tôi là một đại úy quân y. Ông đang lật tờ tạp chí Bách Khoa có đăng một truyện ngắn của tôi.. Tôi đã giới thiệu mình và xin được ký tặng biếu tạp chí mà ông ta định mua. Vị bác sĩ  nói ông rất thích đọc văn tôi, và ông rất hân hạnh được tôi ký tặng. Để từ đó, tôi lại có thêm một cơ may khác. Lần này không phải vì sự quen biết lân láng mà chính là cái tình văn chương giữa tác giả và độc giả. Vị bác sĩ này là Nguyễn Lạng, y sĩ trưởng quân y viện Ban Mê Thuột.
Hình mới nhất của BS Nguyễn Lạng (sinh năm 1934,nguyên cựu y sỹ trưởng QYV Ban Mê Thuột)

Thấy tôi mang kính dày, ông hỏi thăm về  cấp độ thị lực của tôi. Tôi bảo hai con hơn sáu độ. Ông cho biết với số độ như vậy,  tôi có thể được giải ngũ hay là quân nhân loại hai – loại không tác chiến. Tuy nhiên, vì quân y viện BMT không có hội đồng giám định về mắt, nên phải về Sàigòn mới có hồi đồng. Và ông hứa giúp tôi. Ông bảo: Làm người lính thì không có anh thì cũng có người khác. Làm nhà văn mới là khó. Vã lại, anh đã hy sinh quá nhiều rồi.
Tôi viết những điều này sau mấy mươi năm, như là niềm tạ ơn đối với những người đã giúp tôi – không, cứu tôi thì đúng hơn, cũng như để cảm tạ văn chương. Cảm tạ nó, vì nhờ nó, mà vị y sĩ kia, chưa chỗ lạ thành quen, đến chỗ giúp đỡ rất thiết thực. Sự mầu nhiệm của văn chương đã đến với đời tôi, từ một người con gái ở dưới tận đồng bằng là nhà tôi bây giờ, và bây giờ là vị bác sĩ ở vùng đất lạ lẩm…
Sau đó, tôi được bác sĩ Lạng cho nhập viện để chờ chuyển về Cộng Hòa.  5 tháng chờ đợi. Nhưng Cọng Hòa lại giám đinh cho loại I – loại có khả năng tác chiến. Nhưng 5 tháng ấy giúp tôi có mái nhà để mình trú ẩn cho quan thời nghiệt ngã. cố lợi dụng cơ hội để sáng tác. … Tôi sáng tác nhiều truyện trong thời gian này trong đó có truyện ngắn Bệnh Xá Cuối Năm được nhà văn  Mai Thảo chọn và giới thiệu trên Văn :
Trong cái số rất đông những nhà văn trẻ, những người viết mới của chúng ta hiện nay, cái số rất ít những người nổi bật lên, đã đích thực nhẩy qua hoặc né thoát được vũng lầy văn chương đồng phục, là những người đã tìm được cho mình một thái độ lên đường tốt và đúng. Tôi muốn nói đến cái thái độ trầm tĩnh của người lữ hành nhận thức được con đường gai lửa, nên thận trọng trong từng bước tiến. Bởi vì muốn đi tới, còn muốn đi xa. Từ mấy năm nay, theo dõi những bước chân Trần Hoài Thư trong cõi văn chương sáng tác đặc thù của những người viết trẻ, viết dưới bóng cờ, viết bên súng trận, tôi vui mừng nhìn thấy sự trầm tĩnh đó ở Trần Hoài Thư, một Trần Hoài Thư mà hào quang chưa sáng chói bây giờ, nhưng tôi tin, sau này, không lâu, là nhà văn trẻ có điều kiện hoàn thành được những tác phẩm có kích thước, có trọng lượng. Nhiều người viết trẻ của chúng ta, sai lạc và nhầm lẫn trong nhiệt tình phóng lớn, đã ném những cái nhìn trợn tròn, căng thẳng vào đời sống, thời thế, đất nước và tuổi trẻ của mình. Để chẳng thấy gì hết. Hoặc chỉ thấy khẩu hiệu chỉ thấy giáo điều. Họ không bắt gặp được văn chương. Bởi văn chương là những biển trời phía khác. Phía tôi nhìn thấy cho Trần Hoài Thư là cái phía của những người trẻ tuổi đặt sống thành suy nghĩ, tự thành trong cô đơn một đời, xuôi chảy thuận dòng theo đồng hành và thế hệ, nhưng vẫn bảo toàn nghiêm mật được cá nhân mình. Vì biết sống và viết cách nào cũng phải bắt nguồn tự đó.
Điểm xuất phát và hòa nhập với toàn thể ở Trần Hoài Thư do đó là chính Trần Hoài Thư.
Truyện ngắn Bệnh Xá Cuối Năm sau đây của anh là một minh chứng. Khung cảnh và không khí của một bệnh xá trong những ngày cuối năm, là nơi người lính trẻ bị thương trong đoản thiên Trần Hoài Thư khôi phục lại được con người, cá nhân mình. Người lính trẻ ở đây thể xác còn hư nhược, tâm thần còn giao động, tư tưởng còn hoài nghi. Nhưng không hề gì. Chiều hướng sống của nhân vật trong sáng tác vẫn là từ một trạng thái mê thiếp bàng hoàng đang dần dần hồi tỉnh. Vẫn là cái chết đã qua, đời sống gặp lại. Và thấy. Và nhìn. Dẫu còn bằng một tròng mắt mỏi, từ một xe lăn, từ một bàn mổ, từ một giường bệnh. Người đọc có thể chê trách người lính bệnh của Trần Hoài Thư trong Bệnh Xá Cuối Năm đã đề cập tới những chủ đề lớn như chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, đoàn viên và thương yêu hai miền, bằng một tâm hồn quá đơn giản, thơ ngây. Người lính của chúng ta hiền quá. Hiền thật. Làm thế nào được. Dân tộc ta hiền, mãi mãi hiền, mặc dầu đã hai mươi năm lâm trận. Cái tính hiền đó được biểu hiện cùng khắp trong những truyện ngắn về tiền đồn, về mặt trận, của Trần Hoài Thư, mà Bệnh Xá Cuối Năm là một.
Mai Thảo (1926-1998)
oOo

Sau khi lập gia đình, tôi đã nghĩ đến sự dừng chân lại. Nhất là từ khi đọc truyện dịch Người Lữ Hành Cô Đơn, của Georghiu, kể về cuộc chiến đấu của một nhà văn Lỗ Ma Ni. Không phải để được trở thành anh hùng, được lãnh tụ đề cao, được bộ máy nhà nước vinh danh mà  để được sống và viết. Trong trí nhớ lù mù của tôi, vì quá lâu, tôi chưa hề được đọc lại, tôi cứ nhớ lại cảnh nhân vật chánh ngồi trong toa tàu, mỗi ngày hàng trăm cây số, chạy qua những vùng vẫn còn âm ỉ khói lửa, những trại binh, và những đoàn quân ra tiền tuyến…
Nhưng chiến đấu bằng cách gì, chiến  đấu như thế nào, để tôi còn được sống và được viết như nhân vật chính của tác phẩm.
Chiến đấu bằng cách gì, để tôi được trở về gặp người vợ mới cưới của tôi, khi tôi đang ở tại núi rừng, còn nàng thì tận mịt mùng dưới đồng bằng châu thổ.
Chiến đấu bằng cách gì để nàng còn hy vọng thấy chồng, khỏi làm cảnh chinh phụ mòn mỏi đợi chờ.
Tôi bỗng nghĩ đến một người cấp cao nhất trong binh chủng chiến tranh chính trị. Người ấy là Trung tướng Trần văn Trung, tổng cục trưởng.
Hãy thử một lần. May ra ông động lòng từ tâm.
Thế rồi, tôi viết một tờ đơn trình bày những nguyện vọng của tôi:  Xin được chuyển qua ngành chiến tranh chính trị và được làm phóng viên chiến trường.
Tôi cắt những trang báo, những bài viết của tôi,  những tin tức liên quan đến những lần tôi bị thương, những huy chương tôi có, cùng những tác phẩm mà tôi xuất bản, rồi bỏ tất cả vào một phong bì lớn. Trên phong bì tôi viết: Kính gởi Trung Tướng Trần văn Trung, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, KBC…, thêm hàng chữ đậm: THƯ PHÁT RIÊNG…
Sau khi gởi đi rồi, tôi mới biết mình đã quá rồ dại. Làm sao được. Đâu phải dễ gì để được chuyển về một nơi bình an mà chờ đợi hòa bình. Đâu phải dễ gì được trở thành một phóng viên chiến trường khi tôi không có lấy một ngày học chiến tranh chính trị, chưa hề trải qua một khóa huấn luyện về chiến tranh chính trị.
Bây giờ tôi chỉ biết chờ đợi  những ngày trọng cấm…
Tôi đã phạm một kỷ luật nặng của quân đội, là không tuân theo Hệ Thống Quân Giai. Đó là cái lỗi không thể tha thứ được.
****
Vậy mà, hôm ấy, tôi quá vui. Ôi, có phải phép lạ không. Tôi rưng rưng. Tôi chắp tay vái lạy tứ phương. Vái lạy từng bụi cây, ngọn cỏ. Tôi tin cậy vào tình người. Tôi đã viết thư cho Y. về tin mừng này.  Mùa xuân, hoa sứ tràn ngập cả khu cư xá sĩ quan. Những hàng muồng nở hoa vàng ở dọc theo đường từ Bộ Tư Lệnh về  phố. Đàn chim én bay giỡn trong không gian màu trắng sữa. Tôi mừng quá. Có phải đây là một sự sắp đặt sẵn của định mệnh. Có phải câu “Hết cơn bĩ cực đến hồi thới lai” chăng?
Tôi tin vậy. Cái sự việc lạ lùng nhất, không thể tưởng tượng cho một kẻ xuất thân từ đơn vị hai quản trị mà tờ sự vụ lệnh vẫn còn ghi rành rành: “Sĩ quan đương sự phải phục vụ ở đơn vị tác chiến, xa trục lộ giao thông”.
Có lẽ tôi còn may mắn hơn tất cả những người may mắn, bởi vì khó có ai được quyền lựa chọn một đơn vị mình ưa thích trên toàn cõi miền Nam như tôi. Như cái công điện đánh lên từ Tổng Cục Chiến tranh chính trị, đại ý cho biết Tổng cục chấp thuận ý nguyện của tôi, và hỏi tôi, muốn về nơi nào. Vùng I,II, III, IV hay thủ đô.
Dĩ nhiên là tôi chọn vùng IV. Nơi có Y., người nữ độc giả của tôi, và  trở thành người vợ mới cưới của tôi.  ./.
TRẦN HOÀI THƯ
source: blog THT

                                            ==============


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét