Nhà văn Ngô Thế Vinh sinh năm 1941 tại Thanh Hoá, nguyên quán Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1968, từng là tổng thư ký rồi chủ bút báo sinh viên “Tình Thương” của trường Y khoa Sài Gòn từ 1964 tới 1967.
Khi gia nhập quân đội VNCH, ban đầu Ngô Thế Vinh làm bác sĩ quân y của Liên đoàn 81 Biệt cách Dù. Sau đó ông đi tu nghiệp ngành Y khoa Phục hồi tại Hoa Kỳ, về nước ông làm việc tại Trường Quân Y Sài Gòn.
Trước biến cố 30/4/1975, Ngô Thế Vinh, sử dụng tên thật làm bút hiệu, đã xuất bản 4 tác phẩm, trong đó nổi tiếng nhất là cuốn “Vành Đai Xanh” ấn hành năm 1971.
Sau 1975, Ngô Thế Vinh đi tù “cải tạo” ba năm rồi mới tới Mỹ vào cuối năm 1983. Ông học tiếp ngành Y, rồi hành nghề bác sĩ tại Bệnh viện Đại học SUNY Dowstate Brooklyn, New York. Ông còn là bác sĩ điều trị và giảng huấn tại một bệnh viện ở miền Nam California.
Ở Hoa Kỳ, ông vừa tái bản tác phẩm cũ, vừa viết và ra mắt các sáng tác mới, nổi bật là các tác phẩm ông viết về sông Cửu Long: “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng (2001), “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” (2007).
Kỳ này, kính mời quý độc giả thưởng thức truyện ngắn của nhà văn Ngô Thế Vinh, viết vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam, đã đăng trên tạp chí Trình Bầy số 34 ra ngày 18-12-1971.
MẶT TRẬN Ở SÀI GÒN
Tháo rỡ doanh trại. Về Sài gòn. Đám lính tráng vô tư thì hân hoan. Hàng tháng trường hành quân khổ nhọc, lẽ ra như tụi nó, tôi phải ao ước được trở về. Nơi có những người thân yêu chờ đợi, nơi không có vẩn bụi của chết chóc chiến tranh. Vậy mà tôi vẫn cảm thấy mệt nản. Chán nản với mọi sự đổi thay và cả những khúc mắc ở vai trò nhiệm vụ mới.
Những phỏng đoán mơ hồ đã trở thành sự thực - rằng chiến trường sắp tới của chúng tôi sẽ chẳng phải là núi rừng Tây nguyên, mà đích thực là một cuộc chiến tranh trong thành phố. Ở kỳ về Sài gòn lần đầu tiên trong dịp Tết Mậu Thân, chính chúng tôi đã ra tay thanh toán chớp nhoáng những cường điểm của địch quân. Những địa danh Cây Thị, Cây Quéo thân thuộc, đã đưa đơn vị Mũ Xanh tới những huyền thoại, biến chúng tôi trở thành những chuyên viên du kích trong thành phố. Có lẽ đó là lý do đáng tin cậy để Trung ương quyết định đưa chúng tôi trở về thủ đô, giữa một không khí rục rịch biểu tình khởi đi từ những phong trào quần chúng đấu tranh chống chánh phủ.
Ngày mai chúng tôi lại có mặt ở Sài Gòn. Kiểm điểm lại đây là lần thứ năm chúng tôi đặt chân lên cao nguyên. Chẳng bao giờ sai hẹn, như một chu kỳ hàng năm, cứ vào đầu mùa mưa, chúng tôi cùng những đơn vị bạn từ vùng đồng bằng châu thổ, ùn ùn kéo lên cao nguyên để tao ngộ với những đại đơn vị địch quân - để tranh nhau một vài ngọn đồi trơ trụi hay giành giật một khúc lộ trống.
Cao nguyên, từ cái vùng Đất Khổ với những người dân thiểu số bị bỏ quên ấy, nhờ chiến trận mỗi năm, những điạ danh xa lạ như Dakto, Chuprong, Pleime, Đức Cơ... bỗng dưng trở thành nổi tiếng vì khói lửa bom đạn và chồng chất những xác chết. Và năm nay, riêng chiến dịch Đông Xuân, với cao điểm Mùa Mưa - theo phát ngôn viên chánh phủ, đã kết thúc bi thảm cho phía những người “chiến sĩ giải phóng.” Nhưng thực ra cái giá tổn thất mà đôi bên phải trả đã lên tới mức độ được coi là khủng khiếp nhất kể từ ngày có chiến trận Đông Dương khai diễn... Chỉ riêng vùng Ngok Tobas, hàng tiểu đoàn quân chánh phủ đã bị xóa tên. Và riêng phía địch quân, mới chỉ ở ngọn đồi 1007 - tức là Căn cứ Hoả lực số 7, con số ba ngàn xác phanh thây cũng chẳng phải là một ước tính lạc quan quá đáng như truyền thống của đài phát thanh chánh phủ. Đó là chưa kể mức sát hại của hàng trăm ngàn tấn bom do B-52 đêm ngày đổ dọc theo các ngả đường mòn xâm nhập. Và ở Mùa Mưa năm nay, cũng là lần đầu tiên trong chiến cuộc của Việt Nam - và của cả thế giới, không lực Mỹ đã phải xử dụng thứ bom “Demolition Mark” khổng lồ mười lăm ngàn cân Anh với sức tàn phá của một trái bom nguyên tử cỡ nhỏ, để hư-vô-hóa hy vọng chiến thắng của địch quân. Để chẳng còn lại gì ở giữa những hố bom lớn hơn sân banh đó. Và ngay giữa địa thế khó khăn của rừng già, hàng phi đoàn trực thăng chở quân có thể đáp xuống một lúc, để mở những đường máu, tạo mũi dùi chọc thủng vòng vây đối phương. Ít ra phải nhiều tháng nữa, vào mùa mưa năm sau chúng tôi mới lại dám đặt chân xuống đó: rừng rú của cạm bẫy, dầy đặc những hơi ngạt và đầy rẫy bom bi CBU.
Rồi Mùa Mưa cũng phải qua đi, không hẹn mà định, chiến cuộc điên cuồng lại tạm ngưng nghỉ khi thời tiết bắt đầu mùa khô ráo. Và từ những ngả tận cùng của biên giới, men dần ra quốc lộ, đoàn xe lại lũ lượt nối đuôi nhau đưa chúng tôi trở về đồng bằng với những chiếc xe trống trải hơn, cùng những người lính mỏi mệt xác xơ hơn nhưng may mắn còn được sống sót.
Như đã có kinh nghiệm từ những năm trước, ở chặng dừng nghỉ đầu tiên, cái thành phố phải tiếp nhận họ như được báo động trước. Nhiều nhà hàng quán ăn tự động đóng cửa để tránh bất trắc, nhất là khi có tin đồn rằng ngay cả ông Tướng cũng đã cho lệnh xuống tiểu đoàn Quân cảnh địa phương làm ngơ mọi chuyện với lính tráng trở về từ cõi chết này nếu như phá phách không tới mức độ được coi là quá đáng.
Và ở buổi tối đầu tiên, tại hội quán Phượng Hoàng, đích danh ông Tướng mở tiệc khoản đãi những người hùng trở về sau chiến thắng rực rỡ mùa mưa. Không kể những người đã chết, chỉ riêng trong đám sống sót trở về - có thể nói họ xứng đáng mang danh anh hùng bằng chính những chiến tích lẫy lừng đi vào huyền thoại.
Thử điểm sơ qua những cái đinh của buổi liên hoan hôm nay. Người đầu tiên phải được kể tới là Đại úy Thoả, người chỉ huy trực tiếp ngọn Đồi 1007: vóc người nhỏ nhắn, da đen sạm với vẻ mặt rắn đanh lại, đầy nét phong sương gian khổ. Ông và một tiểu đoàn Biệt kích quân phải chịu đựng suốt ba mươi ngày dưới hầm sâu, trong những công sự phòng thủ, dưới những cơn mưa pháo kích và nhiều đợt tấn công biển người của địch quân. Rồi đến vị Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng TĐ 93 Biệt động quân và Bộ Tham mưu đã có công lớn nhất trong việc giải tỏa áp lực vòng vây địch mà tài điều quân thần tình đã được đám cố vấn Mỹ mô tả là hay-nhất-thế-giới, trong một cuộc phản phục kích chớp nhoáng, gây tổn thất nặng nề cho địch quân ba ngày trước khi trận chiến kết thúc. Kế đến cũng không thể không nhắc tới Thiếu tá Bính, một phi công trẻ tuổi hào hoa nhưng vô cùng gan dạ. Trong suốt cuộc hành quân, ông đích thân chỉ huy Phi đoàn 215 trực thăng, đã yểm trợ hữu hiệu các đơn vị Biệt động quân và Nhảy dù trong các giai đoạn phản công và tái chiếm Căn cứ Hỏa lực 7. Mặc dù lưới đạn phòng không của địch dày đặc từ dưới đất, ông và các chiến hữu vẫn thực hiện ngày đêm hàng trăm phi xuất tải quân và tiếp tế, đáp cả trên những hố bom mới thả ngay giữa lòng địch quân còn nóng hổi. Kiểm điểm lại đã không còn một phi cơ nào nguyên vẹn: riêng trên thân tàu CNC chỉ huy, người ta đã đếm được trên hai mươi lỗ đạn. Và ở lần nguy kịch, ông đã phải đáp khẩn cấp ngay trên đỉnh Đồi 1007, may mắn thoát hiểm dưới hỏa lực pháo kích không ngớt của đối phương. Và cũng thật là thiếu sót nếu không kể ra đây tên của Bác sĩ Bảo: ông là vị y sĩ duy nhất tình nguyện nhảy xuống Căn cứ 3 Hỏa lực giữa tình trạng còn bị địch quân vây khốn. Ông đã ở lại đó trong suốt 15 ngày, săn sóc giải phẫu cấp thời cho vô số những thương bệnh binh mắc kẹt trong các địa đạo cho tới khi căn cứ được giải tỏa. Sự kiện làm thế nào để ông có thể đặt chân lên đỉnh Căn cứ 3 lúc đó là cả một ước tính mạo hiểm, vô cùng táo bạo và kỳ thú. Sau nhiều vụ phi cơ bị bắn rơi vì lưới đạn phòng không dày đặc của địch quân từ trong những hốc đá dưới thung lũng, lệnh của ông Tướng là phải tạm thời cắt đứt cầu không vận cho tới khi áp lực địch được thanh toán. Lương thực và đạn dược thì còn đủ để kéo dài cuộc chiến đấu trong nhiều ngày, nhưng vấn đề là tình cảnh mắc kẹt bi thảm của những thương bệnh binh ngày một gia tăng, thiếu săn sóc thuốc men và không được di tản. Đó là lý do tình nguyện của vị y sĩ Trung đoàn, cộng thêm hai phi công trực thăng Hoa kỳ. Vào buổi sáng tinh sương ngày N, khi sương mù còn bao phủ mờ mịt núi rừng quanh ngọn Đồi 1003, từ trên cao trên cả những đám mây, trong sự hồi hộp của mọi người, chiếc trực thăng cán gáo như một chiếc lá, đã bất chợt rơi nhẹ nhàng xuống căn cứ an toàn, đem theo vị bác sĩ và cả những dụng cụ thuốc men. Chiếc phi cơ bị trúng đạn trên bãi đáp và bị hủy hoại ngay sau đó. Ở lại với hai viên phi công, với những trận đánh kinh hoàng; vị y sĩ đã phải ngày đêm đích thân làm việc dưới những con đường hầm, săn sóc cấp cứu cho hàng loạt thương bệnh binh. Sự xuất hiện can đảm của ông lúc đó đã gây phấn chấn không ít cho những người lính còn cầm súng tiếp tục cuộc chiến đấu. Dù là một tay phẫu thuật tài hoa, khi gặp lại, ông đã tỏ ý chán nản về sự kiện đã chẳng làm được gì nhiều giữa một trận địa thiếu tất cả những phương tiện. Và ông cũng tỏ vẻ khó chịu thành thực với những xưng tụng anh hùng qua hành vi tự nguyện của mình. Ông bảo, tôi chỉ làm bổn phận của một y sĩ tiền tuyến. Ông còn nói thêm là chỉ xứng đáng được xưng tụng như vậy là những người lính vô danh vừa chết đi, (dẫu sao đó cũng chỉ là quan điểm của riêng ông). Liệu tôi còn phải kể thêm bao nhiêu tên nữa, thuộc các binh chủng khác, mới gọi là điểm đủ mặt anh hùng tụ hội ở hội quán Phượng Hoàng đêm nay. Và cũng có lẽ vì khiêm tốn, tôi đã không nhắc tới công lao của đồng bạn và đơn vị mình: những đại đội xung kích Mũ Xanh và các toán Thám sát. Họ đã hoạt động một cách xuất thần ngay giữa lòng địch quân, tạo được những nút chặn hữu hiệu và gây rối loạn ở khắp các ngả đường giao liên của địch quân.
Ông Tướng Biên cương tối nay đã thôi treo tay. Như nhịp độ những trận đánh trên cao nguyên, chứng tê thấp khớp xương của ông cũng trở lại với chu kỳ của mùa mưa và bệnh tình cũng bắt đầu thuyên giảm khi bước sang thời tiết khô ráo. Ở buổi dạ hội hôm nay, ông Tướng mặc thường phục và khoác thêm một chiếc áo rực rỡ cổ truyền của người Thượng. Dưới mắt thuộc cấp, ông Tướng là hình ảnh của hào hùng và là sự cần thiết cho sự ổn định của vùng địa đầu cao nguyên. Sau nghi thức đơn giản với đôi lời chào mừng, ông Tướng đã cùng mọi người hân hoan nâng ly rượu mừng cho chiến thắng rực rỡ của Mùa Mưa. Tiếp đó ông cũng là người đầu tiến bước ra sàn nhảy, cùng với một thiếu phụ đẹp lộng lẫy, đi những bước thật bay bướm mở màn cho buổi dạ vũ. Âm thanh của những tiếng cười nói ồn ào. Không khí dày đặc khói thuốc và hơi rượu mạnh. Nhạc sống và khiêu vũ. Những người đàn bà dễ dãi. Mọi tự do được phóng thả, để tìm lại được chút dục vọng xác thịt đang nguội lạnh, cho quên đi những ám ảnh của sợ hãi và nỗi chết. Đưa ly rượu tới môi, tôi tự nhủ rằng hãy nghĩ tới những người sống chứ không phải những xác chết. Nhưng vấn đề là làm sao để quên đi. Cái hình ảnh kinh hoàng của chiến địa, hôi thối nồng nặc, chồng chất những tử thi hai bên. Xác của những người bạn bị oanh kích lầm với thứ hỏa tiễn mũi tên xóa tan cả mặt mũi. Xác của người phi công được trực thăng móc ở rừng ra, héo rũ trên dây treo như cách người ta câu về những con thú. Cả đến người Hạ sĩ quan thân tín của tôi trong bao năm nay trên khắp trận mạc cũng lại vừa chết trước một ngày khi chúng tôi được lệnh về Sài gòn. Xác của nó chỉ được kiếm ra hai hôm sau trong một bụi rậm khiến tôi hiểu rằng nó chỉ bị thương và bị bỏ rơi lại bãi. Với sẵn cái bản năng mưu sinh và thoát hiểm, tuy bị đạn, nó đã cố lết mình vào bụi rậm, sửa soạn một chỗ nằm chờ đợi được cứu hay nếu không cũng chu đáo sửa soạn một cái chết. Lúc tìm ra, xác nó còn gối đầu trên ba-lô, còn chiếc nón rừng được hắn úp lên ngực chỗ vết thương trổ từ sau lưng... Vẫn những hình ảnh ấy cứ lượn lờ trong óc dù thực tâm tôi muốn được quên đi dứt khoát. Từ nãy, ông Trung tá vẫn chỉ ngồi tư lự, cả ông Bác sĩ cũng vậy nữa. Giữa cuộc vui mừng chiến thắng, tại sao chúng tôi lại đứng bên lề. Ưu tư chẳng phải là trạng thái thích nghi để chúng tôi có thể sống lâu dài với cuộc chiến. Đại úy Thỏa hỏi tôi:
- Sao “Hawk”, bao giờ về Sài Gòn?
“Diều Hâu” là biệt anh ông bác sĩ đặt cho tính hiếu chiến của tôi. Xem ra ai cũng có vẻ bực bội về những tin tức xáo trộn ở Sài gòn. Ông tiếp:
- Tụi sinh viên có đứa nào bất mãn, Diều Hâu cứ việc hốt hết đem lên Căn cứ 7 giao cho tôi.
Cầm lấy ly rượu như muốn bóp vỡ trong tay, Thiếu tá Bính giọng gay gắt hơn:
- Cứ để tôi thì khỏi cần tốn phi tiễn với lựu đạn cay. Chỉ cần mấy cỗ đại liên bố trí ở mấy đầu phố.
Xem ra chính trị đã làm phân hoá giữa chúng tôi. Rồi ông quay sang hỏi ông Bác sĩ:
- Sao Docteur Zhivago, ông nghĩ sao về tụi sinh viên tối ngày chỉ biết có biểu tình phá rối ấy?
“Zhivago” là biệt danh chúng tôi đặt cho ông bởi cái con người nghệ sĩ nhưng cuộc sống lại rất nguyên tắc ấy. Quá khứ ông đã từng trải qua một giai đoạn sôi nổi thời sinh viên nhưng hiện tại lại chấp nhận một nếp sống chịu đựng và ẩn nhẫn. Tuy ít bộc lộ nhưng tâm hồn ông là một tổng hợp những mâu thuẫn sâu xa.
Bằng một giọng cố giữ vẻ bình tĩnh ông bảo:
- Ở những năm dài trên đại học. tôi đã từng sống cái tâm trạng của họ và hiện tại tôi cũng lại đang sát cánh với các anh sống giữa hoàn cảnh gai lửa này. Tôi hiểu được nỗi bực rọc của các anh, tôi cũng lại cảm thông với những động lực đấu tranh của họ. Không phải là hoàn toàn vô lý khi họ phải bỏ cả sự học, hy sinh cả tương lai để dấn thân vào những cuộc tranh đấu...
Riêng tôi thì hiểu rằng, chính ông Bác sĩ đang ở một trường hợp lương tâm khó xử. Một đằng là những người lính mà ông có bổn phận phải chăm sóc, một đằng là những thanh niên, sinh viên đang tham dự cuộc đấu tranh, mà quan điểm của họ được chính ông có phần chấp nhận và chia sẻ. Rõ ràng chúng tôi chỉ là một bánh xe nhỏ trong một guồng máy lớn lao. Trái với bản tính ít nói và kín đáo cố hữu, ông Trung tá cũng lại tham dự vào câu chuyện chính trị hôm nay:
- Thế Bác sĩ tính sao khi chúng tôi có lệnh tấn công vào vòng thành trường Đại học Y khoa?
Câu hỏi ngộ nghĩnh khiến cả ông Bác sĩ và chúng tôi cùng mỉm cười. Nhưng rồi bằng một giọng không có vẻ gì là cay đắng, ông Bác sĩ đáp:
- Ở trường hợp đó, dĩ nhiên tôi chẳng thể làm gì được hơn là đeo mặt nạ chống hơi cay, lái xe tản thương và săn sóc cho cả hai phía... Nhưng vấn đề đặt ra là sau đó...
Hướng về phía ông Trung tá, ông Bác sĩ giọng tâm sự:
- Nếu rõ ràng nhiệm vụ được giao phó là sự có mặt lâu dài ở Sài gòn, tôi sẽ xin được rời khỏi đơn vị để về một bệnh viện nào đó trên cao nguyên; mặc dù trước đây tôi vẫn tâm niệm rằng đơn vị này là nơi duy nhất tôi đã lựa chọn cho suốt thời gian quân ngũ của mình.
Không nói ra, ai trong chúng tôi cũng cảm thấy mỏi mệt trước khi dấn thân vào cái chiến trường buồn tênh ấy. Chỉ quen với rừng rú, xuống đó đám lính của tôi sẽ như bầy thú hoang về thành - lạc lõng bơ vơ. Rồi vẫn chỉ là những ngày cấm trại tù túng, để chỉ tập làm quen với mặt nạ, lưỡi lê và phương pháp đàn áp cắt xé những cuộc biểu tình. Đội hình hàng ngang, đội hình mũi tên, đội hình quả trám. Nhân danh sự ổn định, chúng tôi chẳng thể không thẳng tay đàn áp. Họ có thể là những thanh niên, sinh viên lý tưởng hăng say, đám cô nhi quả phụ đói khổ hay chính những thương phế binh - những người anh em què cụt đã từng cầm súng sát cánh bên chúng tôi chiến đấu, không lẽ bây giờ chúng tôi là cơn ác mộng trở về để quấy nhiễu giấc mơ của họ? Hơn một lần chúng tôi đã có những kinh nghiệm về những ngày ở Sài Gòn - lần cuối cùng cách đây tám tháng, đang sống những ngày dài trong rừng núi quạnh hiu, chúng tôi tức tốc được đưa về thủ đô. Để trấn đóng ngay giữa trái tim của Sài Gòn, chìm khuất giữa nhũng buildings cao dập dìu đĩ điếm, nằm kế bên Hội Kỵ Mã lúc nào cũng nhởn nhơ những con ngựa giống với từng bờ mông láng nhãy. Đổi một không gian không xa nhưng người lính có cơ hội hiểu rằng, trên đời này không phải chỉ có những buồn thảm của một cuộc chiến tranh làm họ điêu đứng, với rình rập của nỗi chết cùng nỗi khổ cực của đám vợ con nheo nhóc - mà hơn thế nữa, giữa quê hương còn một thứ xã hội trên cao lộng lẫy sáng choang và thản nhiên hạnh phúc. Cái thế giới khác xa họ, chỉ có ngào ngạt hương thơm và những hưởng thụ thừa mứa. Của một đám người kêu gào chiến tranh nhưng lúc nào cũng ở trên và đứng ngoài cuộc chiến ấy.
Rồi những người lính bơ vơ tự hỏi, cầm súng họ bảo vệ cái gì đây? Không lẽ cho một con thuyền xa hoa ngao du trên giòng sông loang máu, nổi trôi đầy những xác chết đồng loại. Cho sự an lạc của một dúm xã hội trên cao, cho những chăm sóc của những con chó con ngựa hơn cả tang thương của kiếp sống? Với những người trẻ tuổi chỉ biết sẵn sàng, lúc nào cũng sẵn sàng chấp nhận hy sinh cả tính mạng của họ để chiến đấu với kẻ thù ngoài chiến trường - tại sao bỗng dưng lại đưa họ về thủ đô? Không lẽ những mộng tưởng binh nghiệp chỉ có thể biến chúng tôi thành những tên gác dan cho bọn nhà giàu, một thứ cảnh sát công lộ chỉ đường trên giòng luân lưu của lịch sử. Nhân danh Quân đội, chúng tôi đang góp sức thực hiện một cuộc cải cách xã hội hay tự biến mình thành một nút-chặn-lịch-sử, một thứ đèn đỏ thường xuyên ngăn những bước tất yếu của cuộc cách mạng đi tới?
Người lính chỉ ao ước được cầm súng chiến đấu cho tổ quốc, hy sinh cho một lý tưởng cao cả, một chính nghĩa sáng ngời - mà khỏi cần phải bận tâm suy nghĩ điều gì. Nhưng bây giờ thì họ hiểu rằng, đã thất lạc và qua rồi sự bằng an giả tạo sau những mỏi mệt trở về từ rừng rú. Rằng ngoài chiến trường súng đạn quen thuộc, họ còn phải đương đầu với một trận tuyến khác mỏi mệt hơn - đó là cảnh thối nát bất công của xã hội mà dân tộc đang phải hứng chịu trong tối tăm tủi nhục. Từ ba mươi năm nay, đã và đang có quá nhiều anh-hùng-của-chiến-tranh trong khi lại quá thiếu vắng những chiến sĩ xã hội. Vậy phải lựa chọn chiến trường nào? Rằng không phải chỉ ở chốn xa xôi biên cương - mà đích thực chiến-trường thách-đố của họ phải là ở Sài Gòn.
NGÔ THẾ VINH
(Dakto, 1971)
-------------
Ngo The Vinh graduated from Univeristy of Saigon, Vietnam in 1968.
Staff member, then editor-in-chief of the magazine Tinh Thuong (Compassion), a forum for cultural and social activism of students of Faculty of Medecine in Saigon.
A former ARVN 81 st Airborne Ranger who served as a Green Beret M.D., during the Vietnam War.
Visiting Fellow In Rehabilitation Medecine at Letterman General Hospital in San Francisco then served as staff physician at Military Medical College in Saigon.
After 1975, imprisoned in different re-education camps in South Vietnam for 3 years.
After release, workeda a Physiatrist at Saigon Rehabilitation Centre nad the School of Physiotherapy, Saigon.
Arrived in United States in 1983.
Clinical Fellow at USC School of Medecine, Los Angeles; then Resident Physician in Internal Medecine in SUNY Downstate at Brooklyn New York.
A Board Certified internist at Attending Physician.
Ngo The Vinh currently lives in Southern California .
A widely renoved writer, his novel " Vòng dai Xanh" ( The Green Belt) was awrded one of the 1971 National Prizes for Literature and Arts. Ironicaly the same author was summoned to the court of law in connection of his short work entitled " Mat tran o Saigon" ( The Battle of Saigon) that" contains arguments that detrimental to public order nad serve to undermine the discipline and fifhting spirit of the army. " This writer' s indictement nad create heated controvversy and was a hot topic of discussion.
He has published:
+ In Vietnamese
May Bao / Storm Clouds ( Song Ma Saigon 1963, Van Nghe California 1993)
Bong Dem / Dark of Night ( Khai Trí Saigon 1964)Gio Mua/ Monsoom Wind ( Song Ma Saigon 1965)
Vong Dai Xanh/ The Green Belt ( Thai Do Saigon 1970, Van Nghe California 1987)
Mat Tran o Saigon / The Battle of Saigon ( Van Nghe California 1996)
Cuu Long Can Dong, Bien Dong Day Song/ The Mekong River Drained Dry, South China in Turmoil ( Van Nghe California 2000, 2001)
+ In English
The Green Belt (Ivy House USA 2004)
The Battle of Saigon (Xlibris USA 2005)
source: ww.damau.org/
***
----------------------------------------------------
chúc mừng
cựu sĩ quan VNCH, bác sĩ, nhà văn
NGÔ THẾ VINH
vào tuổi 79
blog Virgil Gheorghiu
Saigon, July, 3rd, 2020
------------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét