Chương 2
Đừng Lo Lắng Và Hãy Sống Vui
Chúa Giê-su sinh ra trong một đất nước thường xuyên xáo trộn và đảo điên, trong một xã hội mà nói theo nghĩa đen là mắc phải nạn dịch âu lo và là nơi mà sự căng thẳng dồn nén trong đời sống của cư dân vượt ngoài phạm vi hiểu biết tự nhiên. Vừa chào đời, Chúa Giê-su đã ‘lên đường bôn tẩu’ khỏi lưới pháp luật khi vua Hê-rốt truyền lệnh giết tất cả trẻ sơ sinh ở vào độ tuổi của Ngài.
Đất nước Do Thái không chỉ dưới sự áp bức của Đế quốc La-mã, nhưng dân chúng còn phải chịu sưu cao thuế nặng bởi chính quyền và những nhân viên thuế vụ tham lam. Trên hết, về phương diện tâm linh, họ bị dẫn dụ bởi những kẻ lãnh đạo tự tôn của một giáo phái giả dối mệnh danh là những thầy Biệt Phái – Pha-ri-si, những kẻ mà Chúa Giê-su ám chỉ là cứng cổ, giả hình và không chịu cắt bì trong tấm lòng.
Một gia đình trung bình vào thời ấy thường sống cảnh ‘cơm hàng cháo chợ’ nhờ vào thu nhập ít ỏi trên đường phố. Phần lớn gia đình đều đông con nên tính quẫn, và dù thời ấy thẻ tín dụng (credit card) chưa ra đời, mọi người đều biết thế nào là vay nợ, trả lãi suất và chuộc đồ. Căng thẳng và âu lo lúc nào cũng ở cao điểm, và rồi Chúa Giê-su đã đến mang theo sứ điệp hy vọng, giải thoát, rao giảng ‘đừng sợ, đừng lo, hãy sống vui’.
Ma-thi-ơ 6: 25-31 “vì thế Ta bảo các con: Đừng lo lắng cho cuộc sống, lo mình sẽ ăn gì, uống gì, hay thân thể mình sẽ mặc gì. Mạng sống chẳng quý hơn đồ ăn và thân thể chẳng quý hơn quần áo sao? Hãy xem loài chim trời, chúng chẳng gieo, chẳng gặt, cũng chẳng tồn kho tích trữ, nhưng Cha các con ở trên trời vẫn nuôi chúng. Các con không quý hơn loài chim sao? Có ai trong các con nhờ lo lắng mà có thể thêm cho đời mình một khoảnh khắc nào không? Còn việc ăn mặc, sao các con lo lắng mà làm chi? Hãy xem hoa huệ mọc ngoài đồng thể nào. Chúng không phải làm việc khổ nhọc, cũng không kéo chỉ nhưng Ta phán bảo các con, dầu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu cũng không thể mặc đẹp bằng một trong các hoa huệ kia. Một loài hoa dại ngoài đồng, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà Đức Chúa Trời mặc cho chúng như thế, còn các con không quý hơn để Ngài chu cấp quần áo cho sao, hỡi những kẻ ít đức tin? Vậy đừng lo lắng mà hỏi rằng chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì?”. Thật ra thời gian chẳng mấy đổi thay, phải không ạ? Con người vẫn cứ mãi lo về những điều cũ rích mà cha ông mình đã lo toan từ hai ngàn năm trước. Trong cộng đồng chúng ta, vấn đề tội phạm và thi hành pháp luật là một mối quan tâm lớn. Người ta vẫn bị quấy nhiễu bởi tình hình kinh tế. Tài chính thâm hụt vào mỗi cuối tháng vẫn làm tình trạng chung. Người dân vẫn luôn phàn nàn về thuế quá cao và tài khoản cân đối trong ngân hàng lại quá thấp, và nói, “Rốt cuộc chúng tôi không thể đáp ứng nổi nhu cầu và không bao giờ có đủ tiền cho những điều thiết yếu như cơm ăn áo mặc”. Xem ra nếu vấn đề đã chẳng thay đổi từ hai ngàn năm qua, thế nên giải pháp của Đức Chúa Trời cho những nan đề ấy cũng không thay đổi. Chúa vẫn phán bảo con dân Ngài là đừng lo lắng.
Sự lo lắng đánh gục nhiều người hơn bất kỳ điều gì khác trên đời. Lúc nào tôi cũng bảo với gia đình mình rằng. “Đừng lo lắng về những cái ‘sẽ có’, những cái ‘nên có’ và những cái ‘có thể có’ trong cuộc đời”. Nếu quý đã từng bị sự âu lo tước đoạt đi niềm vui, có thể nói chắc như đinh đóng cột rằng điều ấy luôn luôn là vấn đề nội tại. Một lần nọ, tôi đang hầu việc Chúa ở miền Bắc New South Wales, giảng về chủ đề “Hãy Trao Phó Âu Lo” vào buổi sáng chủ nhật. Sau đó một tín hữu đến gần tôi nói rằng cả quãng đời thành nhân của bà ấy đã phải chịu khổ sở vì sự lo lắng, và không thể nào trao phó mọi lo lắng như tôi nói đến trong bài giảng.
Bà ấy cho tôi biết rằng vì không được học hỏi gì trong lãnh vực thần học ‘Trao phó âu lo’, nên giờ đây bà xét thấy rằng mình hoàn toàn không có lỗi gì đối với cái nan đề ấy. Thật ra việc ‘Trao phó âu lo’ chẳng ăn nhập gì đến vấn đề đào tạo hay giáo dục cả, nhưng mọi sự đều liên quan đến cảm nhận chung. Vấn đề ngày nay chính là cái cảm nhận chung không còn là chung chung nữa. Lo âu chẳng ngăn ngừa được tai họa mà chỉ cản trở niềm vui. Cách đây không lâu, Sue và tôi chất những thùng trái cây và rau xanh lên cốp xe mua từ chợ. Không ngờ có một con nhện độc núp trong kẽ của một trong những thùng ấy và khi về đến nhà, nó nhàn tản bò ra và ẩn mình dưới một cái ghế nào đó. Sáng hôm sau chúng tôi lên đường đi hầu việc Chúa tận nơi xa, vì đang giữa mùa đông nên Sue khoác vào mình chiếc áo ấm tay dài. Kẻ đột nhập tí hon kia cũng quyết định rong chơi vào sáng sớm nên đã leo lên sau lưng ghế xe. Thế rồi nó lang thang bò xuống tay áo của Sue và thực hiện một cú nhảy đức tin ngoạn mục xuống bàn tay của nàng. Để tôi kể cho quý vị nghe điều đã không xảy ra sáng hôm ấy. Nhà tôi không hề nói “Này anh Greg! Có một con nhện nâu to, chân có lông trên bàn tay em đây này”, và tôi đã không đáp lại bằng cách bảo nàng hãy ném con nhện độc ấy ta khỏi cửa xe. Nhà tôi đã không chờ đợi để nghiên cứu thấu đáo các bước hướng dẫn cách dời nhện, cũng không chờ ý kiến của cơ quan thẩm quyền cao hơn về vấn đề này. Thực ra, chẳng hề có lời qua tiếng lại nào cả, nàng nhìn vào con nhện độc và theo bản năng đập nó vào cửa xe.
Trong ý nghĩ của Sue, kẻ quấy rầy kia đã xâm phạm bất hợp pháp. Nó không có quyền bò vào người nàng theo cách ấy và nàng có trọn quyền để tống khứ con nhện ấy vào thế giới bên kia. Nhà tôi chẳng hề kiêng nể, nàng kỵ những thứ nhện độc, rết độc cùng những loài đáng ghét xâm phạm vào lãnh thổ riêng tư của mình, y như nàng tối kỵ sự lo lắng, giận dữ cùng những cảm xúc tiêu cực khác có khả năng đầu độc tư tưởng và thân thể mình.
1 Phi-e-rơ 5:7, “Hãy trao điều lo lắng mình cho Ngài vì Ngài chăm sóc anh chị em”. Bản New American Standard Verson dịch câu này như sau, “Hãy ném mọi âu lo của anh chị em trên Ngài, bởi vì Ngài hằng lo liệu cho anh chị em.”
Căng thẳng (stress), sợ hãi, âu lo tất cả đều là họ hàng mật thiết với nhau. Tất cả đều có một cha chung là ma quỷ, và dù có khác nhau về đặc tính thì chúng vẫn mang chung những yếu tố di truyền.
Thông thường, sự căng thẳng được tạo ra bởi nguyên nhân ngoại tại do những lời đe dọa mà bộ óc diễn kịch là sự nguy hiểm. Những áp lực không ngừng cũng có thể gây ra căng thẳng khiến cho nạn nhân cảm thấy mình không thể hoàn tất một nhiệm vụ đặc biệt hoặc thích nghi với một tình huống đặc biệt nào đó.
Sợ hãi là một phó sản (by product) tồi tệ của stress. Đó là một đáp ứng vật lý trong ngắn hạn đối với stress mà não bộ và cơ thể sản sinh ra. Phản ứng đối với sự sợ hãi luôn luôn liên hệ với những tình huống hoảng loạn, báo động hoặc kinh khiếp.
Âu lo là một cảm giác sợ hãi bất an gây hoang mang cho người bị mắc phải chứng này trong việc thực hiện những quyết định lớn thậm chí những quyết định nhỏ. Nó là con đẻ của sợ hãi, và tính chất tự nhiên của nó là hình thành chậm rãi và bám víu lâu dài hơn. Những người bị mắc chứng lo này thường tự thấy mình rơi vào tình trạng nhầm lẫn bối rối không tài nào đi đến một kết luận, phán đoán hoặc giải pháp.
Suy cho cùng, những cảm xúc tiêu cực, vô tín này không thể ra từ Chúa, vì Ngài không thể cho cái mà Ngài không có. Tôi tin vào tín lý ‘Chúa là Thiện và ma quỷ là ác’. Đối với tôi, nếu tín lý ấy không tốt thì hẳn nó phải ra từ đáy địa ngục.
Tôi đã nghiên cứu nhiều về đề tài thiên đàng và địa ngục, và suốt cả Kinh Thánh đều nói về địa ngục bằng những từ sau, ‘Sâu hơn địa ngục’, ‘Chiều sâu của địa ngục’, ‘Bên dưới địa ngục’, và ‘Xuống địa ngục’. Tôi đi đến kết luận rằng địa ngục cùng tất cả những gì liên quan với nó chẳng khác gì một vòng xoáy dẫn xuống sự hủy diệt. Sợ hãi và âu lo luôn luôn là một phần bất khả phân ly trong kế hoạch toàn diện của ‘kẻ gian ác’ đang ra sức làm mọi điều để hạ chúng ta xuống tầm mức của nó.
Trầm cảm cũng là thứ vũ khí của ma quỷ thích dùng trong trò chơi cân não với chúng ta. Cái cảm giác vô vọng này là nỗi bất hạnh triền miên khiến cho nạn nhân của nó phải tự kết liễu đời mình khỏi thế giới thực tại. Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO định nghĩa một số dấu hiệu của chứng trầm cảm là: thiếu hứng khởi và suy giảm trí lực, thiếu tự tin, mặc cảm tội lỗi, kém tập trung và rối loạn giấc ngủ.
Điều đáng buồn là nhiều người trong số này, trong cơn trầm uất, đã tự tìm đến cái chết vì thấy rằng mình không còn lẽ sống và cách duy nhất đề tìm lại sự bình an là tự kết liễu cuộc đời. Trước nay tôi thường hay nói, “Hễ còn sống là còn hy vọng”, và dù trong câu nói ấy có chút chí lý, chân lý đích thực của vấn đề chính là “Ở đâu có Chúa Giê-su ngự trị thì ở đó có hy vọng.”
Tỉ lệ tự vẫn giữa vòng giới trẻ tuổi 15 – 24 tại đất nước này đã gia tăng gấp ba trong ba mươi năm qua. Tự tử là nguyên nhân dẫn đến nhiều cái chết trong giới thiếu niên, ngoại trừ những trường hợp chết do tai nạn xe hơi. Theo thống kê của Học Viện Y Tế và An Sinh Úc, từ giữa năm 1979 và 1998, đã có đến bốn mươi mốt ngàn người Úc kết liễu cuộc đời mình.
Sau khi viết xong cuốn ‘Phòng Bệnh Hay Chữa Bệnh’, tôi càng nhận thức tác động nguy hại của những cảm xúc tiêu cực có thể gây ra trên thân thể chúng ta. Theo giới y khoa, con người có khả năng sản sinh ra đến ba ngàn năm trăm loại hóc-môn, hóa chất và nội tiết tố. Phản ứng của cơ thể đối với một cảm xúc tiêu cực nào đó luôn sinh ra những chất này.
Vì sở thích cá nhân của tôi là sống lâu và sống khỏe nên tôi đã bắt đầu thâu nhặt kiến thức qua việc đọc và xem những tài liệu, chuyên mục đặc biệt liên quan đến lãnh vực sức khỏe. Một chương trình ấy có nói đến cuộc bàn luận của các bác sĩ và nhà khoa học về tình trạng ‘mất trí nhớ’ trong tương quan với sự âu lo. Bản phúc trình ấy nói, “Giờ đây chúng ta đi đến kết luận rằng khi con người lo lắng thì cơ thể bị quá tải, thải ra một loại hóa chất chuyển vào não bộ gây ra chứng mất trí nhớ”. Trong tự nhiên điều ấy khá ấn tượng, khi bộ óc nói, “tôi không muốn phải đối phó với cơn đau của tình huống/sự lo lắng này thêm chút nào nữa” thì cơ thể đến tiếp cứu bằng cách bơm vào hóa chất trợ giúp để trấn an não bộ.
Xin hãy thành thật. Có bao nhiêu người trong quý vị đã từng bước vào phòng ngủ của mình để tìm một cái gì đó đặc biệt và rồi đứng ngẫn ra đó vừa gãi đầu vừa nói, “Chà, mình vào đây để làm gì thế nhỉ?”
Trên đời này có lắm kẻ đã quá chán ngán bệnh tật và mòn mõi và thiết tha thay đổi hoàn cảnh của mình đến nỗi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để cảm thấy bình thường trở lại. Vậy nên họ đã đến với những quân sư của đời để tham kiến. Dĩ nhiên, việc này thường được thực hiện qua một trong những tạp chí chỉ đáng dùng vào việc gói rau gói cá mà thôi.
Những con người hoang tưởng này đặt cuộc đời mình vào tay thầy mo, thầy cúng, thật ra còn mù mờ hơn chính họ. Vì quá mong sự chữa bệnh, họ thử tìm đến thiền, hay thực hành yoga. Thậm chí tôi đã từng thấy những người đi nhà thờ lâu năm mà vẫn còn tin vào phong thủy, treo những chùm leng keng quanh nhà để tạo chút bình an thanh thoát…Về cơ bản, nếu trông có vẻ tốt, ngửi thấy tốt hoặc cảm thấy tốt thì họ liền thử cho biết.
Để tôi trình bày quan niệm của Chúa về vấn đề này và xin được nhắc nhở quý vị, Cha trên trời biết rõ nhất.
Chớ khôn ngoan theo mắt mình, nhưng hãy kính sợ Chúa và tránh điều ác. Ấy sẽ là sự chữa bệnh cho thân thể con, và bổ dưỡng cho xương cốt con.— Châm ngôn 3:7-8
Một phương pháp chẩn đoán y học rất thông thường ngày nay là phương pháp mệnh danh ‘sự mất quân bình hóa chất’. Sự bất thường này khác với bệnh thủy đậu hoặc bệnh sởi vì nó không lây nhiễm. Cái tình trạng quái ác này là hậu quả của stress, do cơ thể phản ứng và tự tiết ra mầm móng hủy hoại của hóa chất.
Tôi biết khá nhiều về mất quân bình hóa chất, vì khi còn trẻ tôi có một bể bơi không những chỉ cũ mà còn có mùi hôi nữa. Thế nên nhân viên cửa hàng bể bơi mới bán cho tôi một thùng a-xít cơ-lo-hy-ríc mà không chỉ dẫn cách dùng. Thật là ngu, tôi đã tuôn sạch cả thùng xuống bể nước và chẳng nghỉ ngợi gì cho đến buổi chiều kia một cậu bé mặc chiếc quần sọc vàng nhảy xuống thì ngay lập tức cái quần của cậu bé đã đổi ra một màu nhợt nhạt, cho đến nay tôi vẫn cảm ơn Chúa về những sọc vàng bị tác dụng bởi a-xít đậm.
Thực ra tôi thấy rất nhiều người bị trầm cảm và tổn thương trên thế giới này, và chẳng phải là họ không muốn thay đổi bèn là họ không có câu giải đáp. Có điều tôi biết chắc, ấy là nếu không chịu đổi hướng, rất có thể quý vị sẽ quay trở lại điểm xuất phát. Những người mắc chứng hoảng loạn, sợ hãi, stress và âu lo, tất cả đều là nạn nhân cần được câu giải đáp đúng đắn.
Câu trả lời ‘hàng đầu’ cho sự được chữa lành và sống khỏe mạnh là hãy thực hành đường lối Chúa. Sự dạy dỗ của Ngài không có gì rắc rối khó khăn. Ngài phán, “Hãy tránh mọi điều ‘ác’ và điều này sẽ đem lại sự lành mạnh cho thân thể con”.
Hãy xua đuổi phiền muộn ra khỏi lòng con, và quên đi những nhức nhói của thể xác.—Truyền đạo 11:10
Chúa quá mong muốn chúng ta sống trong sự lành mạnh thiên thượng đến nỗi Ngài chú ý đặt để hàng trăm câu dành cho chúng ta nằm khắp nơi trong Kinh Thánh. Đức tin chân chính không phải là tin vào phép lạ mà là hành động theo Lời Đức Chúa Trời.
Đây là cách yêu thương Đức Chúa Trời: Vâng theo điều răn của Ngài và những điều răn ấy không nặng nề, vì người nào sinh ra từ Đức Chúa Trời chiến thắng được thế gian và đây là sự chiến thắng đã đắc thắng thế gian, chính là đức tin của chúng ta.—1 Giăng 5:3-4
source: Hội Đồng Phục Hưng Liên Hiệp
=============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét