Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến qua đời
Người được gọi là "giáo sư của các giáo sư", nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến, vừa qua đời tại Hà Nội hôm 24/1 sau một thời gian lâm bệnh, thọ 81 tuổi.
Báo VietnamNet trích lời các nhà phê bình văn học thế hệ sau ông Hiến, nói "dù không có học hàm giáo sư chính thức của Nhà nước, các trí thức, báo giới Việt vẫn khâm phục, kính trọng và trìu mến gọi thầy Hoàng Ngọc Hiến là giáo sư".
Nhà phê bình Thái Doãn Hiểu ca ngợi "Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến là một học giả lớn. Trọn vẹn cả học thuật và nhân cách, ông đã tạo ra một từ trường mạnh, có sức hút lớn đối với làng văn và làng giáo."
Trả lời BBC từ Hà Nội hôm 25/1, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá rằng ông Hoàng Ngọc Hiến luôn chú tâm tìm ra các định nghĩa "đích đáng" cho những hiện tượng văn học Việt Nam.
Coi tiếng Việt là nền tảng, gốc rễ cho việc nghiên cứu văn học, ông trình làng năm 1965 bằng tiểu luận "Triết lý Truyện Kiều", được đánh giá là "hay và thuyết phục."
Ông được cho là người nêu ra định nghĩa "Văn học phải đạo", hay còn gọi là "quan phương, minh họa", phục vụ mục tiêu của các nhà chính trị đương thời và theo chính sách Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra tùy thời đoạn.
Việc phê phán "chủ nghiã hiện thực phải đạo" này, theo ông Phạm Xuân Nguyên, được đưa ra cùng với bản Đề Cương của Nguyên Ngọc đã báo hiệu một sự chuyển hướng của văn nghệ Việt Nam thời kỳ Đổi Mới trong thập niên 1980.
Không chỉ được coi là bậc thầy của một thế hệ nghiên cứu và viết văn như Phạm Xuân Nguyên, Tạ Duy Anh, ông Hiến còn có tác động đến lớp cầm bút trẻ hơn như Lê Thiếu Nhơn, Phan Hồng Giang v.v.
Ông Hoàng Ngọc Hiến có bằng tiến sĩ tại Liên Xô cũ về nhà thơ Xô Viết, Vladimir Mayakovsky, (1893-1930) người tự sát lúc trẻ vì thất vọng với chế độ chuyên chế mà những người Bolshevic dựng lên.
Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1987, và có các học trò nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Trọng Tạo…
Sau này, ông đi vào hướng đọc lại để lọc lựa những điều ông cho là tinh hoa của Marx, Engels, Hồ Chí Minh và Nam Cao cho ngành lý luận văn học Việt Nam với mục tiêu để thúc đẩy cái mới và nêu cao tinh thần phê phán hệ thống từ góc độ tự do cá nhân.
Diễn giải kinh điển cộng sản
Trong một bài viết về chủ đề này ông trích dẫn Marxism để nói rằng "quyền tự do cao nhất của con người là tự do phát triển, những quyền tự do chính trị gồm tự do đi lại, ngôn luận, tin ngưỡng, hội họp".
Theo xu hướng đã xảy ra tại Đông Âu cũ, những nỗ lực của ông thuộc trường phái tìm cách diễn giải lại kinh điển cộng sản của thời kỳ phái Marxist chưa cầm quyền, nhằm thoát ra khỏi sự chuyên chế cụ thể của Đảng Cộng sản trong văn nghệ.
Tuy thế, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng đồng ý rằng ông Tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến dù luôn đi tìm cái mới, đã không ra khỏi một khuôn mẫu ông được đào tạo.
Ông cũng không tách khỏi truyền thống chủ nghĩa Marxist trong tư duy hay rời bỏ vị trí một nhà giáo để trở thành nhà hoạt động dân chủ.
Hồi tháng 7/2010, trường viết văn Nguyễn Du, vốn do ông Hiến nhận trách nhiệm lập ra, đã tổ chức "Hội thảo về sự nghiệp nghiên cứu và phê bình của nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến", một dấu hiệu cho thấy xu hướng mà ông cổ vũ dần được tiếp thu trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam.
Dù tạo ra một chỗ dựa về lý luận và nhân cách cho một số trí thức tại Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, cách lập luận của ông Hiến có vẻ không thu hút được giới văn nghệ sĩ Việt tại Hoa Kỳ, vốn theo một truyền thống văn chương và tư tưởng khác.
Tin từ gia đình cho hay Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đứng ra tổ chức tang lễ ông hôm 28/1 này. ./.
source: BBC News/ Tiếng Việt
***
-------------------------------------------------------
tưởng nhớ
nhà phê bình văn học
HOÀNG NGỌC HIẾN
[ 1930 -- 2011 hanoi ]
blog Virgil Gheorghiu
Saigon, JUNE, 2nd, 2020
-------------------------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét