Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

THƠ VĂN MÙA ĐẠI DỊCH / Thư Quán Bản Thảo sớ 89/ tháng 6/ 2020 / bài viết: Trần Doãn Nho -- source : nguoi-viet.com

Tạp chí giấy Thư Quán Bản Thảo số 89: Văn chương trong đại dịch



Trần Doãn Nho/Người Việt
KENNEDALE, Texas (NV) – Tạp chí giấy Thư Quán Bản Thảo số 89, phát hành vào đầu Tháng Sáu, 2020, có một chủ đề mang tính thời sự: “Thơ văn mùa đại dịch.”
Cộng tác với số báo này, ngoài một số cây bút quen thuộc ở hải ngoại như Trần Hoài Thư, Trần Doãn Nho, Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Cái Trọng Ty, Nguyễn Xuân Thiệp, Phạm Cao Hoàng, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Minh Nữu, Phạm Văn Nhàn…, còn có sự góp mặt của những cây bút trong nước: Ngọc Bút, Khuất Đẩu, Đoàn Việt Hùng (Nguyễn Lệ Uyên), Huyền Chiêu, Lê Văn Trung, Từ Hoài Tấn, Trần Dzạ Lữ…
Đây là một số báo công phu và phong phú với chủ  đề được triển khai qua nhiều thể loại khác nhau, từ biên khảo, nhận định cho đến các sáng tác thơ, văn.
Mở đầu số báo, tiếp theo một bài thơ của Trần Doãn Nho, mô tả cảnh con người tự “nhốt” mình ở nhà để tránh dịch, là bài nhận định tổng quát về dịch bệnh và văn chương của Trần Hoài Thư, người phụ trách biên tập của Thư Quán Bản Thảo.
Ông cho biết, trong văn chương thế giới thế kỷ 20, chỉ có hai tác phẩm của hai nhà văn nổi tiếng Pháp, một là “La Peste” (Dịch Hạch) của Albert Camus, và hai là “Les Mouches” (Những Ruồi) của Jean-Paul Sartre, đề cập đến dịch bệnh. Văn học Việt Nam cũng thế, rất ít tác phẩm cũng như tác giả viết về dịch bệnh. Vào thế kỷ 19, chỉ có “Chiêu Hồn Ca” tức “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” của Nguyễn Du đề cập đến “hậu quả khủng khiếp của căn bệnh mà thời ấy gọi là ‘thiên thời’ đã khiến bao nhiêu vong hồn không hương không khói.”
Đến thế kỷ 20, có ba tác phẩm đề cập đến dịch bệnh. Một: “Nuôi Sẹo” của Triều Sơn, xuất hiện vào khoảng trước 1954, “một trường thiên tiểu thuyết, được tác giả thai nghén trong thời gian tác giả lưu lạc ở Pháp, được bạn bè sưu tầm lại, sau khi tác giả chết âm thầm ở Paris năm 1954 thọ 33 tuổi.” Hai: truyện ngắn “Sau Trận Dịch Tả” của Dương Nghiễm Mậu được viết vào năm 1961. Và ba: “Mùa Hạn,” một bài thơ được Tô Thùy Yên sáng tác vào năm 1979 khi còn ở tù tại Nghệ Tĩnh. Mặc dù bài thơ không hề nói gì đến dịch bệnh, nhưng “Nếu ngày xưa, dịch là dịch thiên thời thì bây giờ, dịch là dịch địa ngục. Cả một miền Nam đều bị dịch, không chừa một ai, già trẻ lớn bé, nam cũng như nữ,” đó là dịch đói, theo Trần Hoài Thư.
Ngoài “Sau Trận Dịch Tả” (của Dương Nghiễm Mậu), một truyện ngắn cũ, Thư Quán Bản Thảo dành phần lớn số báo cho những sáng tác và ghi chép mới, ghi lại nhiều sự kiện và cung bậc cảm xúc sống thực khác nhau của nhiều tác giả hiện đang sống trong thời đại dịch COVID-19 hiện nay. Qua đó, độc giả có dịp đọc các truyện ngắn của Đoàn Việt Hùng, Phạm Văn Nhàn và Hà Thúc Sinh cùng nhiều tạp văn, tản mạn, tùy bút và thơ của những nhà văn, nhà thơ như Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Ngọc Nhãn Dương Trần, Huyền Chiêu, Trang Luân, Duyên, Trịnh Bình An, vân vân.
Riêng Trần Thị Nguyệt Mai, qua một tường trình, chị ghi lại ngày tháng và những sự kiện nổi bật của trận đại dịch hiện đang làm điêu đứng cả nhân loại. Đặc biệt, “Viết Trong Mùa Dịch,” là tản mạn văn chương của một tác giả trẻ, Nguyễn Thụy Đan, sinh trưởng ở Hoa Kỳ, hiện đang theo học tiến sĩ về văn chương Hán-Nôm tại Đại Học Columbia, New York. Bài viết có nhiều nét lạ. Với một thứ tiếng Việt sành sỏi, vững vàng, tác giả sử dụng những trích đoạn thơ, vừa chữ Hán vừa Quốc Âm do anh sáng tác kèm thêm phần dịch nghĩa để bày tỏ tâm cảm của mình trong cơn đại dịch. Đọc “Viết Trong Mùa Dịch,” tôi tưởng như mình đang nhập vào không khí văn chương cổ điển của một nhà nho hòa lẫn với tâm cảnh rối rắm lang mang của một cây bút trẻ thời hiện đại.
“Tôi muốn giải thích lắm, nhưng chẳng được. Muốn nói lắm, nhưng lại thôi. Thơ tôi gần đây nó như vậy. Vừa dấy lên từ mênh mang muôn thủa trước, lại chợt biến mất vào bát ngát muôn thủa sau. Có khi nó tuôn ra trang giấy là chữ Hán nào những bài cổ phong, những bài luật thi, nào từ nào khúc nào phú. Có khi nó rỉ máu từ sâu thẳm tâm hồn dân tộc, tuôn ra trang giấy thành những bài quốc âm, hát nói, lẩy Kiều. Và bỗng nhiên, gần đây nó uất ức, nghẹn ngào muốn nói lên những lời sấm ngôn cuồng điên không vần, không luật, không lý, không lẽ vang lên ngoài giới hạn ngôn ngữ. Thơ tôi viết trong mùa dịch, thơ của dịch hạch, thơ của cái chết, tôi nghĩ phải như thế, tôi nghĩ sẽ như thế. Vậy xin hẹn độc giả một mai, sau cơn đại dịch, bên kia hiu quạnh.” (Viết Trong Mùa Dịch)
Nói chung, “Thơ văn mùa đại dịch” trong Thư Quán Bản Thảo số 89 là văn chương nói lên nỗi buồn đau, tâm trạng bất lực của con người trước những tai họa thiên nhiên bất ngờ đổ xuống trên cuộc sống. Nếu những cơn dịch bệnh ngày xưa chỉ xảy ra ở một phần nào đó của hành tinh, thì cơn đại dịch hiện nay diễn ra trên  toàn thế giới, biến cả nhân loại thành bệnh nhân và có nguy cơ thay đổi toàn bộ quan hệ loài người và nền văn minh.
Chúng ta rồi sẽ ra sao?
Đó là câu hỏi chưa tìm thấy câu trả lời trong đoạn kết của bài thơ “Bốn Năm Sau Ngày Anh Đinh Cường Ra Đi” của Phạm Cao Hoàng. Bằng những chi tiết cụ thể về người về cảnh về vật, lấy mốc thời gian từ ngày họa sĩ Đinh Cường từ giã cõi đời, Phạm Cao Hoàng đã đưa ra hình ảnh thu nhỏ của một cuộc biển dâu đã và đang diễn ra trong cuộc sống của một người. Một người mà mọi người! Xin trích đoạn cuối bài thơ:
“bốn năm sau ngày anh Đinh Cường ra đi
miền đông bây giờ tiêu điều trong cơn đại dịch
hàng quán im lìm phố xá hoang vu
muốn ghé Starbucks ngồi nhâm nhi một ly cà phê
nhưng không thể
drive-thru only
không còn nghe tiếng nhạc xập xình phát ra từ sân nhà
người hàng xóm Mễ Tây Cơ mỗi chiều thứ bảy
không còn thấy nụ cười hiền hòa của người miền đông
vì những chiếc khẩu trang che mất
chỉ còn những ánh mắt nhìn nhau ngơ ngác
thầm hỏi nhau: miền đông rồi sẽ ra sao?
thầm hỏi nhau: chúng ta rồi sẽ ra sao?”
Đặc biệt, Thư Quán Bản Thảo dành một phần riêng để “tưởng nhớ một nhà thơ lớn chết vì đại dịch,” đó là Nguyễn Du, giới thiệu hai tài liệu cũ bàn về tác phẩm “Chiêu Hồn Ca.” Một, của Thiếu Lăng tường thuật về buổi nói chuyện (năm 1938) của nhà văn Trần Thanh Mại và một, do Hoài Thanh viết (năm 1942) phân tích lối văn bình dân của tác phẩm. Trần Hoài Thư cũng bàn về “Chiêu Hồn Ca,” nhưng qua bi kịch của trận đại dịch hiên nay, theo đó, “Chỉ có Văn Chiêu Hồn của cụ Nguyễn Du mới thích hợp cho hoàn cảnh nặng nề âm khí này.” Một bài biên khảo đáng chú ý khác là “Khi Dịch Bệnh Gọi Tên Nguyễn Du” của Mai Anh Tuấn đề cập đến dịch bệnh vào thế kỷ thứ 19 dưới triều nhà Nguyễn và cái chết của thi hào Nguyễn Du. Xin ghi lại một trích đoạn sau đây:
“Bộ chính sử Đại Nam thực lục ăm ắp những thông tin gây rùng mình về dịch bệnh, khi thì nổ ra ở Quảng Ngãi, Bình Hòa, Hải Dương, Phú Yên, khi tràn đến Hưng Yên, Sơn Tây, Nghệ An, Nam Định, Hà Nội… Mỗi đợt dịch bệnh, ít thì làm chết vài ngàn người, nhiều thì lên đến vài vạn. Cá biệt, năm 1850 dưới thời Tự Đức, bộ Hộ xác nhận các hạt Bắc, Nam có 589,460 người chết vì dịch bệnh; năm Đồng Khánh thứ ba (1888), chỉ riêng dịch bệnh đậu mùa bùng phát ở Quảng Ngãi đã làm chết 13,934 người, khiến vua phải mời cả quan thầy thuốc Pháp giúp đỡ. (…) Trở lại trận dịch tai quái trong năm đầu Minh Mệnh làm vua. Hay tin dịch lệ phát ra từ Hà Tiên lan tới Bắc Hà, ‘trước kia chưa có thế,’ Minh Mệnh đã tổ chức cầu đảo và tự trách phạt mình, ngõ hầu làm dịu cơn quốc nạn. Nhưng ôn thần dịch lệ vẫn hoành hành khắp chốn và len vào trong chính kinh thành. Nguyễn Du, dẫu khi đó đang là quan đại thần, dẫu sắp phải đảm nhận việc đi sứ trọng trách quốc gia, vẫn không thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Cớ sự tạ thế lẽ ra không đáng có, hoặc ít nhất có thể được ngăn chặn, đẩy lùi, cứu chữa mà Nguyễn Du vấp phải có lẽ làm nhiều người ngậm ngùi. Vua Minh Mệnh ‘rất tiếc,’ ban hai mươi lạng bạc, hai cây gấm, ‘khi đưa tang về cho thêm ba trăm quan tiền.’ Còn Nguyễn Hành, cháu và cũng là thi sĩ tâm giao với Nguyễn Du, thì khóc xót xa ‘Nhất thế tài hoa kim dĩ hĩ!’ (Thế là hết bậc tài hoa nhất đời!), và sửng sốt ‘Dịch lệ hà năng tốc công tử?’ (Dịch lệ sao có thể làm chết chú nhanh vậy?).” 
Cũng trong phần tưởng nhớ, Trần Dzạ Lữ viết về nhà thơ Hoàng Ngọc Châu (mất ngày 20 Tháng Tư, 2020) và Nguyễn Thị Liên Tâm viết về nhà thơ Nguyễn Dương Quang (mất ngày 29 Tháng Tư, 2020). [qd]

TRẦN DOÃN NHO

                                                                        ***

                                     ----------------------------------------------------------------

                                                               chúc mừng

                                                    nhà văn TRẦN DOÃN NHO
                                                    [ i.e. Trần Hữu Thục 1945 -      ]


                                                             vào tuổi 75



                                                       blog Virgil Gheorghiu
                                                       Saigon, June 28, 2020

                                    -------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét