Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

D uyên Anh: " nhà văn thiên tài của văn học Việt Nam "/ Phạm Kim VInh -- source: web Vũ Trung Hiền

KHOẢNG TRỐNG SAU DUYÊN ANH
Phạm Kim Vinh

Khi hay tin Duyên Anh đã vĩnh viễn ra đi, tôi có một phản ứng tự nhiên và mau lẹ với ý nghĩ: “Chúng ta đã mất đi một người cầm bút không thể thay thế”. Phản ứng này không có gì là quá đáng nếu người ta đánh giá các đóng góp vô cùng to lớn của Duyên Anh cho đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam mà không để mình chịu ảnh hưởng của thói đố kỵ bần tiện của kẻ phàm trần.
Nếu chỉ gọi Duyên Anh là một “nhàvăn” thì tức là đã phạm tội thiếu công bằng, vì đã không nói lên được khả năng và thiên phú sáng tác của ông trên nhiều lãnh vực. Có cần phải nhiều lời mới chứng tỏ được con người phi thường này không qua hàng chục tác phẩm, hàng trăm bài nhận định, bình luận và phiếm luận?
Thông thường, người cầm bút luôn luôn có sở trường và sở đoản. Là người kính phục và ngưỡng mộ các thành tích của Duyên Anh mà không sợ thiệt thòi cho bản thân mình, tôi không tìm thấy một sở đoản nào của ông. Ông tung hoành trong mọi lãnh vực.
Viết về tuổi trẻ Việt Nam, ai tha thiết và chan chứa tình thương bằng Duyên Anh?
Viết về sử Việt Nam cận đại, có sử gia Việt Nam nào bằng cấp đầy mình theo kịp ông về phán xét thẳng thắn, sắc bén và về trí nhớ bền bỉ tuyệt vời? Hỏi tội những tên mọt dân hại nước Việt Nam, ai qua mặt được Duyên Anh với truyền thống “uy vũ bất năng khuất” và phương châm “người cầm bút không cần hậu thuẫn, không cần thế lực”?
Duyên Anh bị Hà nội ghi vào danh sách “biệt kích văn nghệ” vì ông hỏi tội bọn đội lốt cách mạng ghê gớm quá. Sau này, khi đã tìm được tự do tại xứ người, khí phách của ông lại biểu lộ bằng những tác phẩm đồ sộ kết án bọn đội lốt chống cộng để lột tiền của những người lưu vong chống cộng.
Đối với người ngoại quốc, Duyên Anh không cần ai cho gương hiên ngang tranh đấu cho dân chủ và tự do của dân tộc Việt Nam. Cộng Sản Hà nội dùng nước Pháp làm bản doanh quốc tế vận. Một người một ngựa, Duyên Anh tả xung hữu đột phá thế trận của Hà nội. Chính nghĩa của người Việt quốc gia gắn liền với tên tuổi và uy tín của Duyên Anh. Những bài thơ tù của ông và những tác phẩm chống cộng sâu sắc của ông chuyển sang Pháp ngữ đã làm rung động trời Âu. Một số tác phẩm chống Cộng của ông đã được giới điện ảnh Âu châu quay thành phim và phổ biến rộng rãi đi khắp thế giới.
Trên đây chỉ là sự tóm lược một số đóng góp của thiên tài văn chương và văn học Duyên Anh Vũ Mộng Long. Muốn ghi đầy đủ các đóng góp lớn lao của ông, người ta sẽ phải viết hàng chục cuốn sách.
Khi ra đi, Duyên Anh để lại cho người đời một di chúc và di sản cao quý và phong phú mà tôi tin rằng ít có người cầm bút Việt nào theo nổi. Đó là thiên chức tự nguyện của người cầm bút để “thế thiên hành đạo”, đó là ý thức danh dự, tự ái và truyền thống của dân tộc, đó là tình yêu nước Việt Nam qua nếp sống hiền hòa của dân tộc Việt, và đó là thông điệp gửi cho những kẻ lãnh đạo hãy rán trong sạch để giành chỗ đứng cao quý cho nước Việt Nam trong trận chiến bất tận dành khoảng trống SINH TỒN cho mỗi dân tộc. Ông đã thay mặt thế hệ trẻ Việt để nhắc nhở những phe, nhóm nắm được quyền cai trị (bằng cách này hay cách khác) ráng đầu tư vào tuổi trẻ, vì Ở NƠI TUỔI TRẺ LÀ HI VỌNG.
Với tất cả sự ngậm ngùi mà ngôn ngữ Việt tuy phong phú không giúp diễn tả nổi, tôi cảm ơn tác giả Vũ Trung Hiền đã cho tôi cơ hội tôn vinh Thiên Tài Văn Chương Văn Học Duyên Anh Vũ Mộng Long. Ông ra đi, để lại cho những người kính phục và ngưỡng mộ ông món nợ tinh thần kích thước không đo lường được và không mong trả được, vì “khoảng trống sau Duyên Anh” không ai có thể lấp bằng được.
Đời này, kiếp này, chỉ có một Duyên Anh Vũ Mộng Long.       ./.


Đất tạm trú California
Ngày 6 tháng 1, năm 2000

Phạm Kim Vinh

                                                                 ***


                                           -------------------------------------

                                                             tưởng nhớ

                                         nhà báo kiệt xuất, nhà văn thiên tài
                                                          DUYÊN ANH
                                         [ i.e. Vũ Mộng Long 1935 -- 1997 Paris]



                                                           blog Virgil Gheorghiu
                                                           Saigon, July 1st, 2020

                                          ---------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét