Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Giới thiệu tác giả " Người trai thời chiến'/ Như Hoa- Lê Quang Sinh / bài viết: Đàm Trung Phán -- source : posted by damtrungphan on 14/ 08/ 2014

Giới thiệu : “NGƯỜI TRAI THỜI CHIẾN” –

 tác giả:  Như Hoa -  Lê Quang Sinh

LỜI GIỚI THIỆU
Người Trai Thời Chiến

ĐÀM TRUNG PHÁP


Kính thưa quý vị,

Le Quang Sinh

Tôi rất hân hạnh được có đôi lời giới thiệu với quý vị tập truyện ký “Người Trai Thời Chiến” của văn hữu Như Hoa Lê Quang Sinh, Hội Trưởng Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại. Tác phẩm này mới được Nguyệt San Bút Tre ở tiểu bang Arizona xuất bản 1000 cuốn vào mùa hè năm 2013.
Đây là một cuốn sách đồ sộ 640 trang, với nội dung được biên tập kỹ lưỡng và ngoại hình được trình bầy trang nhã.
Ngay sau khi tác phẩm này được in xong, anh Như Hoa đã ưu ái tặng cho tôi và nhà tôi một cuốn. Tôi đón nhận món quà văn học này như là một thứ “của tin gọi một chút này làm ghi” từ tác giả, một văn hữu vong niên tài hoa và khả kính của tôi tại Dallas gần 10 năm nay.
Tôi rất thích đọc những hồi ký đứng đắn và khả tín của người khác để tìm hiểu thêm về những quãng thời gian đã mất, qua kinh nghiệm sống của các tác giả. Chẳng hạn, qua cuốn “Dọc Đường Gió Bụi” (NXB Vĩnh Sơn, Saigon, 1949) của sử gia Trần Trọng Kim, tôi được biết những điều gì đã xảy ra tại quê nhà khi cụ Trần được Vua Bảo Đại chỉ định làm Thủ Tướng đầu tiên của Quốc Gia Việt Nam năm 1945, một trọng trách mà cụ chỉ đảm nhiệm được trong bốn tháng trời. Về văn học, thi sĩ Đinh Hùng trong hồi ký “Đốt Lò Hương Cũ” (NXB Lửa Thiêng, Saigon, 1971) đã thuật lại cho người đọc những giai thoại kỳ thú giữa các nhà thơ, nhà văn lẫy lừng tên tuổi ở Hà Nội trước khi đất nước bị chia đôi năm 1954.
“Người Trai Thời Chiến” là một truyện ký sống động, thành tâm, và đậm sâu cảm xúc về cuộc đời nhiều gian khổ, lắm thử thách , nhưng lúc nào cũng đầy nghị lực và lý tưởng của một người trai khi còn trẻ thì can trường bảo vệ nền tự do dân chủ của đất nước bằng súng đạn, và khi về già nơi đất khách thì làm việc chẳng kể giờ giấc để góp phần vào sứ mệnh bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ Việt bằng trái tim và bằng ngòi bút trong lãnh vực thi ca. Đọc kỹ truyện ký “Người Trai Thời Chiến” tôi đã được biết thêm nhiều điều về cuộc đời, vui có, buồn có, xấu có, đẹp có, tủi nhục có, hãnh diện có, qua kinh nghiệm sống của một nhà thơ với tâm hồn luôn luôn hướng thượng.
Tác giả là một người kể chuyện đời rất có duyên khiến người đọc không muốn rời cuốn sách. Hơn nữa, văn phong kể chuyện của anh từ tốn, nhẹ nhàng, giản dị, mạch lạc khiến người đọc không thể hiểu lầm hoặc bị hụt hẫng chút nào. Này nhé, khi nhắc đến hồi còn mài đũng quần trong trường tiểu học, anh kể một câu chuyện vui nhộn như sau:
“Tôi học hành cũng khá siêng năng và có hạng trong lớp, nhưng cũng rất nghịch ngợm, thích cãi nhau và đánh lộn … Có một lần đánh nhau dữ dội, đối thủ bị tôi đánh gãy hai cái răng cửa. Cả nhà nó, nào cha mẹ, nào chị em đến bắt đền ba má tôi. Mặc dù ba má tôi rất cưng tôi vì là con út và con trai một, nhưng cũng phải bắt tôi nằm xuống phết mấy roi vào đít cho vừa lòng gia đình họ” (trang 27).
Những câu chuyện đời buồn vui lẫn lộn như trên có rất nhiều trong cuốn sách, chuyện nào cũng dí dỏm làm tôi phải bật cười thành tiếng, chẳng hạn như lời anh kể lại về kinh nghiệm đi chăn dê trong trại tù cải tạo cùng với một bạn tù tên là anh Huyên:
“Người đời bảo “ba mươi lăm dê xồm” quả thật không ngoa! Cả đoàn dê chỉ có một con đầu đàn là con dê đực. Nó cao lớn lực lưỡng hơn người, râu ria xồm xoàm rập rạp, hai cái sừng dài cong nhọn trông thấy khiếp. Ra đến bãi cỏ chúng tôi dùng nước muối rải lên, thế là đàn dê bu vào gặm. Chúng tôi ngồi chơi xơi nước, khỏe re! Ấy thế mà cũng có lúc phải vất vả với con dê đực đầu đàn. Nó ăn ba miếng xong là nó bắt đàu “quậy.” Mấy “em tin” (teen) làm sao chịu nổi nó. Nó rượt theo một hồi là thấy bá thở rồi, đến khi xong việc nó bỏ đi tìm em khác thì em này đã nằm ngả lăn ra cỏ xỉu luôn. May mà nó tỉnh lại, nếu không, anh Huyên và tôi sẽ mang họa với nó vì để cho dê chết không có “lý do chính đáng” (trang 76).
Nhà thơ Lê Quang Sinh là người trọng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Lòng nhân của anh nổi bật hơn cả. Câu chuyện dưới đây phản ánh lòng trắc ẩn cực kỳ của anh. Khi đó là ngày 28-4-1975, Trung Tá Lê Quang Sinh đang chỉ huy binh sĩ phòng thủ Trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức. Anh kể lại một cách mạch lạc:
Vietnam  War

“Một anh lính bộ đội bị trọng thương nằm ngoài hàng rào phòng thủ của trường, rên rỉ và liên tục kêu cứu với mẹ mình: “Mẹ ơi cứu con với …” Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, hai bên đang đánh nhau, thế mà tôi cầm lòng không đậu đã cho y tá và binh sĩ vượt rào kẽm gai để mang anh ta vào trạm y tế cứu chữa, nhưng vết thương ở ống chân quá nặng, phần bị mất máu nhiều nên bác sĩ đành bó tay. Anh bộ đội này tuổi chừng 16. Chúng tôi chôn cất anh tử tế bên cạnh tuyến phòng thủ” (trang 43).
Ba mươi năm sau (2005) tại hải ngoại, nhớ lại ngày anh và đồng đội đã cố gắng cứu anh lính bộ đội tại hàng rào kẽm Trường Bộ Binh Thủ Đức, anh đã viết bài thơ mang tựa đề “Con Chờ Mẹ Bên Rào Kẽm Gai.” Thi hào Alfred de Musset đã quả quyết rằng “những bài ca tuyệt vọng nhất là những bài ca đẹp nhất” (Les plus désespérés sont les chants les plus beaux). Theo quan niệm ấy thì bài thơ tuyệt vọng vô cùng dưới đây phải là một bài thơ đẹp lộng lẫy:
“Năm mười ba / Giã từ mẹ / Anh đi bộ đội / Vượt Trường Sơn / Năm mười lăm / Anh có mặt Saigon / Tháng tư bảy lăm / Chiến cuộc bùng nổ / Anh xông pha lửa đạn / Một lòng cho đảng / Đảng dạy / “Anh là con của Bác”/ “Không phải con của mẹ” / Anh tin, vì anh còn bé / Một chiều tháng tư bảy lăm / Đất Long Thành dậy song / Bom đạn chút hờn căm / Nhiều bộ đội hy sinh mạng sống / Và chính anh / Không thoát khỏi số phận / Anh lết nằm / Bên rào kẽm gai đồn địch / Hoàng hôn đổ / Buông màn u tịch / Trong cơn tử sinh / Anh chợt nghĩ đến mẹ / Người đã sinh ra anh / Anh kêu lớn: / “Mẹ ơi cứu con với!”/ “Mẹ ơi cứu con với!”/ Giờ đây anh chỉ còn có mẹ / Anh lịm dần / Thì thào qua chút tàn hơi: / “Mẹ ơi! Con đang chờ mẹ đây / Bên rào kẽm gai này! / Con đang chờ …/ Con …/ Mẹ!” (trang 55-57).
Chúng ta khó có thể đo lường được nỗi thống hối của anh, khi anh đang khốn đốn trong tù cải tạo thì cả cha lẫn mẹ anh lần lượt qua đời, cách nhau chỉ có một năm. Con người nhân hậu, hiếu thảo này chỉ còn có thể khóc hai bậc sinh thành bằng những câu thơ đứt ruột mà thôi. “Mẹ Tôi” là bài thơ khóc mẹ, trong đó có những câu hờn tủi như: “Vận nước nổi trôi / Chí trai không tròn / Tôi đi tù / Mẹ già không ai nương tựa / Thương con — Nỗi nhớ — Hao mòn / Mẹ tôi mất / Sáu tháng mới nghe tin / Không cầm được nước mắt / Lòng đau – Vỡ nát con tim.” Bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú tuyệt tác tựa đề “Tưởng Niệm” là để khóc cha: “Chín chục xuân thiên giấc mộng lành / Nào hay trẻ tạo nỡ đành hanh / Ba năm con đợi ngày xum họp / Một phút cha lìa cõi tử sanh / Thanh đạm một đời: cao phẩm cách / Nhân hiền muôn thuở: sáng thanh danh / Ôi! Ơn dưỡng dục chưa đền đáp / Hận kiếp làm trai chí chửa thành” (trang 59-62).
Thống tướng 5 sao Douglas MacArthur đã hãnh diện tuyên bố trong bài diễn văn giã từ vũ khí sau 52 năm quân vụ, trước lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ năm 1951: “Những chiến sĩ già không bao giờ chết cả; họ chỉ mờ dần đi mà thôi” (Old soldiers never die; they only fade away). Câu nói để đời đó của vị danh tướng Hoa Kỳ cũng thấy đã được thể hiện trong cuộc đời người cựu chiến sĩ nay vừa tròn 85 tuổi Lê Quang Sinh của chúng ta. Từ 20 năm nay, nơi đất khách anh đã ấp ủ và thực hiện nguyện ước đóng góp tích cực vào lý tưởng bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa quê mẹ bằng phương tiện thi ca. Tôi thấy anh đã đi được một chặng đường rất dài, anh đã thành công, anh có quyền hãnh diện.
Sức làm việc của anh trong cái giai đoạn “mờ dần đi mà thôi” làm tôi choáng váng! Vì trong cương vị Hội Trưởng Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ năm 1994 đến nay, gần như đơn thương độc mã, anh đã biên tập 14 thi tập “Cụm Hoa Tình Yêu” tổng cộng cả sáu, bảy ngàn trang giấy, và đã tổ chức được 8 kỳ Đại Hội Thi Ca Quốc Tế tại Hoa Kỳ và Pháp Quốc.
Anh mê văn chương lắm; chẳng thế mà anh đã dành hơn quá nửa cuốn truyện ký “Người Trai Thời Chiến” đồ sộ này cho thi ca. Thân ái, nhã nhặn, thành tâm và thủy chung, anh viết về văn thơ cũng như về cuộc đời của hàng trăm văn hữu mà đa số là hội viên của Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại.
Hà Thượng Nhân, vị thi sĩ được mọi người mến mộ về cả tài lẫn đức mới qua đời năm 2011, được anh nói tới một cách trung thực như sau: “Có thể nói Hà Thượng Nhân là một hiền nhân quân tử, một kẻ sĩ. Ông có tài nhưng rất khiêm tốn. Ông làm nhiều thơ nhưng không muốn in thành sách để được người đời vinh danh. Cũng có người đề nghị phổ thơ ông thành ca khúc để lại tiếng tăm cho đời nhưng ông đã khước từ” (trang 467-468).
Kính thưa quý vị,
Tôi đoán đến đây sẽ có người trong quý vị tự hỏi: “Bộ cuộc đời nhà thơ Như Hoa của chúng ta chỉ khô cằn như diễn giả trình bầy từ nẫy đến giờ hay sao?” Xin thưa ngay là không đâu! Với một tâm hồn nhậy cảm dễ rung động trước cái đẹp, trái tim anh đôi lúc cũng lãng mạn và tình tứ lắm chứ. Mùa xuân 1974, đúng một năm trước khi miền Nam bị bức tử, anh từ giã Trường Hậu Đại Học Hải Quân tại Monterey (California) và cô bạn “mắt xanh màu đại dương” của anh. Anh ghi lại cái giây phút mong manh khó quên đó bằng một bài thơ tiếng Anh rất chỉnh, dưới hình dạng một cuộc hội thoại giữa anh và nàng. Đây là đoạn kết bài thơ “Farewell Monterey” mà chính anh đã dịch sang tiếng Việt: “Hè Monterey / Tôi từ biệt nàng / Cuối đường Fremont / Chảy dài ra bể / Nàng hỏi, Chiến tranh khi nào dứt? / Tôi đáp, Không nói được tương lai / Tôi hỏi, Tình ta khi nào thôi? / Nàng nhìn tôi / Đôi mắt xanh biếc / Chẳng nói” (trang 135).
Kính thưa quý vị,
Còn có biết bao nhiêu điều lý thú nữa đang chờ quý vị thưởng thức trong cuốn sách quý này của tác giả Lê Quang Sinh! Tôi biết chắc quý vị sẽ mến mộ và gìn giữ nó như một món quà văn học từ một thi nhân rất đáng kính trọng trong cộng đồng hải ngoại chúng ta.
Trân trọng kính chào quý vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét