Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Vĩnh biệt Gs CAO THẾ DUNG [1933- 2017/ USA ] / Trương Sĩ Lương -- source; báo Thế Giới Mới < www.baotgm.com >

 Vĩnh Biệt GS Cao Thế Dung


TRƯƠNG SĨ LƯƠNG

Sáng nay tôi dậy sớm hơn mọi khi để lo gom góp bài vở, nhất là cập nhật tin tức thời sự trong ngày để lên trang nhà www.baotgm.com. cho kịp thời gian tính. 

 Sau khi lướt qua một loạt emails của anh chị em trong ban biên tập gởi tới Tòa soạn từ hôm qua 31-10,  bất chợt,  tôi thấy một email lạ tên “Huong Tran” hiện ra với subject: “Cáo Phó Nhà Văn Cao Thế Dung”. 
 Tôi giật mình! Anh Cao Thế Dung đi thật à?

Hương Trần là ai? Tôi vội vàng mở attachment và đọc nhanh Cáo Phó mới biết Hương Trần là trưởng nữ của anh Dung,  Trần là họ Chồng.  Đã biết là chúng ta ai rồi cũng phải ra đi theo định luật vô thường sanh lão bệnh tử. Thế nhưng,  tôi vẫn thấy nặng lòng và dường như cái đầu tôi lúc đó đang ở trong một khoảng chân không, bởi vì tình trạng mất thăng bằng tạo nên, không kịp suy nghĩ gì cả.

Không suy nghĩ, tôi trả lời ngay cho cô Hương qua vi thư như cái máy: 
“Mấy tháng nay, chú cố gắng liên lạc điện thoại với bố rất nhiều lần,  nhưng không ai trả lời. Ngay cả những thân hữu, bạn hữu của chú ở Washington, D.C. cũng đều bó tay! Chú chỉ biết bố bịnh và đang nằm nhà thương. Chú cũng dự định trước Noel năm nay sẽ lên thăm bố. Nhưng rồi bố đã ra đi… Sáng nay chú thật sửng sốt, bàng hoàng khi nhận được Cáo Phó của cháu gởi. Dù Sanh Lão Bệnh Tử là chuyện thường tình, không ai có thể tránh khỏi của một đời người, nhưng sao lòng chú vẫn cảm thấy mất mát quá! Thế là chú đã vĩnh viễn mất một người Anh, một người thầy, một bình luận gia, một sử gia, một chính trị gia,… đã từng đóng góp bài vở liên tục cho TGM trong gần 30 năm –, nhất là bố đã bỏ công phu thực hiện những tác phẩm về văn học sử, tài liệu rất giá trị cho thế hệ con em mai hậu. Buồn lắm! Từ ngày bố cháu ngưng viết, khoảng giữa tháng Tư năm nay,  khá nhiều độc giả thăm hỏi tới tấp vì họ đã quen với giọng văn thời sự hấp dẫn của Bố.” Vì vậy, chú sẽ làm một số báo đặc biệt: “Vĩnh Biệt GS Cao Thế Dung” với một vài cây bút của Ban Biên Tập TGM đóng góp. Hình của bố sẽ đăng ở bìa trước (Front Cover). Ít dòng, tin cháu rõ và chú xin cầu nguyện Linh Hồn Bố an vui nơi cõi Vĩnh Hằng.”
Cháu Hương nhận được thư và trả lời ngay: 
“Lời lẽ của chú ngắn gọn, nhưng đầy tình cảm chân thành với bố cháu,  làm cho cháu cảm động và bật khóc.”
Tôi nhớ lần cuối bàn chuyện quê nhà với anh Dung vào cuối tháng Ba năm nay; nhất chuyện dài của phe thiên tả + media tả phái Mỹ tấn công TT Trump tới tấp hàng ngày trên truyền hình, trên báo chí, nhất cử nhất động của Trump đều bị đối lập tìm cách khai thác, kiếm chuyện,  bêu riếu… khiến cho nước Mỹ càng ngày càng hiện rõ tình trạng chia rẽ trầm trọng giữa lưỡng đảng Cộng Hoà  & Dân Ch hơn bao giờ hết. Đó là chưa kể phe Cộng Hòa, dù chiếm đa số ở Thượng Hạ Viện và nắm luôn cả Tối Cao Pháp Viện mà cũng lùm xùm,  bất đồng ý kiến trong việc ủng hộ chính sách của tân tổng thống Cộng Hòa, cho nên con số thăm dò về hành pháp vẫn còn thấp dưới trung bình.
Thế nhưng Anh nói: “Chú biết mà, nước Mỹ rồi cũng sẽ bình yên và vẫn là siêu cường số 1. Còn lâu Tàu cộng mới có thể theo kịp Mỹ về mọi mặt như kinh tế, quân sự,  đó là hai lãnh vực cốt lõi — nhất là nhân cách của con người trong xã hội. Cứ nhìn người Tàu sinh hoạt khi ra nước ngoài thì biết ngay.”
Anh vẫn thường gọi TT Obama là Huyền ngọc, nhưng có vài độc giả cho rằng, “nếu Huyền ngọc không xuất hiện làm Tổng thống nước Mỹ 8 năm… thì e rằng Trump sẽ không bao giờ xuất hiện”   .(...)  (*)

-------------------
(*)  - tạm lược một số dòng (Bt)

Trong lúc nói chuyện với Anh, tôi cũng nghe được hơi thở của anh không được bình thường nữa:
“Anh có vẻ hơi mệt, 85 rồi! Nghỉ ngơi đi anh!”
Anh tâm sự: “Còn thở là còn viết!”.
Tôi không nói, chỉ nghĩ thầm anh hơn mình một con giáp mà ý chí của Anh kinh khủng thật!

Lần cuối, kể từ giữa tháng Tư năm nay, Anh đã không còn gởi bài để đánh máy như thường lệ nữa. Cũng từ đó, anh bế quan không trả lời cellphone dù chuông điện thoại vẫn reo mỗi lần tôi gọi. Báo Thế Giới Mới vẫn gởi đều, thình thoảng tôi kèm vài lời nhắn để thăm hỏi sức khỏe của Anh, nhưng vẫn im hơi lặng tiếng. Thậm chí chúng tôi có nhờ vài người bạn văn ở Washington DC gọi giùm, nhưng cũng không thể nào liên lạc được với gia đình Anh. Có một người bà con gần của anh chị Dung cho rằng Anh sa sút quá ở tuổi 85, và nhất là mắt không thấy rõ nữa, nên Anh không muốn gặp bất cứ ai, ngoài con cái và thân thích.
Trong suốt gần 30 năm làm việc với tạp chí Thế Giới Mới, giao tình giữa chúng tôi rất đậm đà. Anh có về Texas thăm chúng tôi 2 lần. Và tôi cũng đã thăm Anh 2 lần chính thức. Lần nào tôi cũng có dịp quan sát thư viện của anh đầy sách quý: Tây, Mỹ,  Trung Hoa, Việt Nam… kim cổ, lưu giữ, chú thích từng bộ sách cổ rất thứ tự và cẩn thận. Phải nói là một căn nhà lớn, rộng thênh thang mà vẫn không đủ chỗ cho Anh làm kệ chưng tài liệu và sách quý.
Bây giờ trời đã cuối Thu! Nơi anh đang nằm, lá vàng chắc là đang rơi rụng ngập vườn tược, lối đi! Lũ côn trùng cũng đang rên rỉ, khóc than tìm lối thoát để sinh tồn trong gió lạnh. Và mùa Đông băng giá cũng sắp kéo về theo sự tuần hoàn của đất trời sắp xếp. Anh đã ra đi đúng vào mùa Thu,  buồn da diết, chia ly, tan tác, nhưng mặt khác mẹ thiên nhiên cũng sẽ sắp đặt một cuộc sống thăng hoa cho những linh hồn biết yêu thương tha nhân. Nhất là những linh hồn lạc Việt khắp nơi trên địa cầu sẽ quay về đất mẹ, nơi họ đã sinh ra, lớn lên với nhiều gắn bó bởi sợi dây vô hình, đó là tình nước, tình người, tình dân tộc đã thắt buộc theo lẽ tự nhiên của giống nòi Việt tộc.
Rồi ai cũng sẽ già
Đời người rồi cũng qua
Như chim trời tung gió
Mộng ước cũng bay xa.
Rồi ai cũng phải đi!
Ở lại đây được gì?
Trăm năm vẫn xa lạ!
Lưu luyến để mà chi 
Anh đã về…    ./.

Trương Sĩ Lương


                          ----------------------------------------------------------------------------------
                                                                   tưởng nhớ


                            giáo sư, văn nhân, thi sĩ CAO THẾ DUNG
                                tác giả tập thơ  Khúc Ca Nhược Tiểu / CAO ĐAN HỒ
                                       (Đại Nam Văn Hiến xuất bản  ( Sài Gòn 1961)


                                                        blog Virgil Gheorghiu
                                                         Saigon , 8 May 2020
                        -------------------------------------------------------------------------------------
                        
                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét