Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

về nhà văn lê tất điều [ 1942 -- ] -- source: banvannghe.com> le-tat-dieu

Lê Tất Điều 


cao_tan-content
Nhà văn Lê Tất Điều



Sinh ngày 02-8-1942 tại Hà Đông. Di cư vào Nam năm 1954. Dạy học. Cựu sĩ quan VNCH. Định cư tại Hoa Kỳ từ tháng 5-1975.
1976 - 1979: Hợp tác với tạp chí Hồn Việt, Bút Lửa, Văn Học Nghệ Thuật trong chức vụ tổng thư ký hoặc chủ bút.
Từ 1990 - : Cố vấn niên trưởng Thư Viện Toàn Cầu.
Các bút hiệu khác: Cao Tần, Kiều Phong


Tác phẩm đã xuất bản:

- Khởi Hành, 1961
- Kẻ Tình Nguyện, 1963
- Quay Trong Gió Lốc, 1965
- Đêm Dài Một Đời, 1966
- Phá Núi, 1968
- Người Đá, 1968
- Những Giọt Mực, 1970
- Anh Em, 1970
- Thơ Cao Tần, nhà xuất bản Bút Lửa, 1977 (tái bản nhiều lần)
- Thư về Bloomington, Illinois, nhà xuất bản Văn Nghệ, 1997
- Letters to Bloomington, Illinois, tác giả tự xuất bản, 1999

Lê Tất Điều là nhà văn nổi tiếng của Miền Nam. Ông viết thận trọng và có ý thức. Khởi Hành là tập truyện đầu tiên của ông được tạp chí Bách Khoa ấn hành. Có thể nói, Bách Khoa đã mở cửa cho ông bước vào văn nghiệp. Ông cũng là người viết về tuổi thơ. Còn nhớ, ông đã có một số truyện in trên loạt sách Truyện Thiếu Nhi của nhà sách Khai Trí rất được ưa thích. Ngoài ra Những Giọt Mực viết về tuổi nhỏ của ông là tác phẩm nổi tiếng. Trong nghiệp văn nghiệp báo của mình, Lê Tất Điều còn dùng bút hiệu Kiếu Phong cho nhiều bài báo có giọng sắc bén, đôi khi cay độc. Sang Mỹ, ông không viết truyện nữa mà làm thơ với bút danh Cao Tần rất nổi tiếng. 

Lê Tất Điều và bước đầu văn nghiệp

Trên đài RFA, trả lời phỏng vấn của Mạc Lâm, Lê Tất Điều cho biết:

“Từ khoảng 15, 16 tuổi tôi đã bắt đầu viết một số truyện cho các báo hàng ngày như là viết” Mỗi ngày một truyện” cho báo Ngôn Luận của ông Hồ Anh. Viết một số truyện cho bà Bút Trà trong phụ trương đặc biệt của báo Sài Gòn Mới.

Viết một cách nghiêm chỉnh là sau khi có một truyện ngắn đăng trên tạp chí Bách Khoa, sau đó có dịp gặp các nhà văn như là ông Võ Phiến, ông chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Bách Khoa là ông Lê Châu. Được sự khuyến khích của họ và bắt đầu quen thuộc với không khí văn chương, và lúc này là lúc bắt đầu vào khoảng 17, 18 tuổi gì đó...

Phải ghi nhận rằng Lê Tất Điều nổi tiếng ngay sau đó với nhiều tác phẩm văn chương qua nhiều thể loại, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết. Truyện ngắn đầu tiên mang tên Cỏ Hoang được độc giả của báo Bách Khoa nồng nhiệt đón nhận đã tạo cơ hội cho ông chính thức bước vào giới văn chương Việt Nam mà lúc đó rất nhiều người mong ước. Tạp chí Bách Khoa có công phát hiện ra nhà văn Lê Tất Điều khi cho in tập truyện ngắn đầu tiên của ông: Tạp chí Bách Khoa có in cho tôi một tập truyện ngắn nhan đề là Khởi Hành. Đó là vào khoảng năm 1962-1963....

Lê Tất Điều và Thơ Cao Tần


Nhiều người, nhất là các bạn văn, lấy làm thắc mắc khi thấy Lê Tất Điều sau 1975 sang Mỹ đột nhiên làm thơ và nổi tiếng vang dội. Ông tâm sự với Mạc Lâm trên đài RFA: “Tự nhiên tôi không có cảm hứng viết truyện ngắn nữa. Thế rồi thơ nó lôi cuốn, bởi vì trong bài thơ công việc sáng tác nó ngắn hơn nó không đòi hỏi thời gian nhiều...”

Đúng như Mạc Lâm nhận định: “ Tập Thơ Cao Tần nhanh chóng được độc giả hải ngoại nồng nhiệt đón nhận vào những ngày đầu tiên của người Việt tha hương, đặc biệt là những người từng phục vụ trong quân đội. Trong “Thơ Cao Tần”, người đọc thấm thía nỗi buồn của những kẻ chiến bại. Tâm lý thua cuộc là một tâm lý bi thảm nhất sau chiến tranh. Nỗi buồn đeo đuổi như bị ma ám cộng với đời sống mới lạ lẫm đã kéo người ta lại với nhau như một yếu tố khởi đầu của tính bầy đàn. Ngồi lại để chia sẻ mọi thứ, từ kỷ niệm cho đến buồn phiền. Từ đời sống thường nhật bấp bênh cho đến những ước ao hoang tưởng.

Thơ Cao Tần được nhiều người đón nhận bởi ngôn ngữ của nó thể hiện hơn là những gì chứa đựng bên trong. Ngôn ngữ trong thơ Cao Tần mang đậm tính tự trào lại phảng phất nét quyến rũ của chất anh hùng ca từ nhân vật Kiều Phong mà tác giả đã có cơ hội nhiều năm gần gũi. Có lẽ sự hòa trộn giữa ngôn ngữ chắt lọc thi ca và tính phán xét lạnh lùng, mạnh mẽ của loại văn chính luận đã khiến thơ Cao Tần có được sự hấp dẫn kín đáo nhưng ngấm ngầm dữ dội đã khiến người đọc khó thể bỏ qua khi đã đọc những dòng chữ đầu tiên trong thơ ông.”


Thơ Cao Tần


pic

Một mai Anh về
(trích)

Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mầy qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mầy hay ông thượng đẳng cu li.
Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió,
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan.
Nghệ thuật nói bỗng hóa trò lao động
Thằng nào nói nhiều thằng ấy tay to
Tiếng mẹ thường chỉ dùng chửi đổng
Hay những đêm sầu tí toáy làm thơ... 


Ta làm gì cho hết nửa đời sau


pic

Tranh ĐINH CƯỜNG


Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai

Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận
Xong hiệp đầu mây núi đã bâng khuâng
Hào khí bốc đủ mười thành chất ngất
Chuyện vá trời coi đã nhẹ như không

Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
“Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
Nay đất khách kéo lê đời rất nản
Ta tính sẽ về, vượt suối trèo non...

Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
Và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
Và cờ bay trên đất nước xinh tươi.”

Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối:
“Thần tự do giờ đứng ở nơi nào?
Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao...

Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
Ta tiếc gì năm chục ký xương da
Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
Những oan hồn ai bỏ giữa bao la...”

Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc
Thấy chiến trường la liệt xác anh em
Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm

Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
“Ta làm gì cho hết nửa đời sau?”...

CT

(theo Tre online)

Đọc thơ Cao Tần

Nam Chi (Đặng Tiến)

[Bài này tôi viết cuối năm 1982, ký bút hiệu Nam Chi, cho báo Đoàn Kết là cơ quan của Hội Người Việt Nam tại Pháp, trong mục đích gần là thông tin, giới thiệu thơ Cao Tần với người đọc, dù chính kiến khác biệt, nhất là ở trong nước; mục đích xa là làm giảm bớt những hiềm khích, thời đó khá gay gắt giữa hai phía "quốc-cộng" hoặc "cách mạng-phản động". Bài viết rất nhanh, hoàn toàn do động cơ cá nhân, với sự thỏa thuận trước của tòa soạn, nhưng không tránh khỏi hạn chế về nội dung và hành văn. Nói chung bài báo được hoan nghênh và cũng khai thông được một số "bế tắc" nhỏ nhoi, như tôi kỳ vọng. 

 Điều đáng tiếc là sau đó, trên báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 27/3/1983, dưới bút hiệu ký tắt VH – mà người đọc đoán biết dễ dàng là ai – có người đã lấy lại, viết lại mà thay đổi hẳn nội dung, với kết luận như sau: "rải rác trong tập thơ, không ít chỗ chống đối sự nghiệp cách mạng của nhân dân, quay lưng với Tổ Quốc, nhưng trùm lên tất cả là một thực trạng. Thực trạng ấy chắc chắn không riêng của một Cao Tần". Tác giả lại ghi: "Theo Nam Chi – báo Đoàn Kết của Hội Người Việt Nam tại Pháp". Sự thật thì tôi không hề viết và suy nghĩ như thế. 

Ngoài ra, lúc đó Cao Tần không muốn tiết lộ tên thật là Lê Tất Điều, nên tôi xem như không biết. Nay ghi lại những điều này để đánh dấu một giai đoạn văn học và chính trị.]

Đặng Tiến

*********



Cao Tần là một nhà thơ di tản, rời Việt Nam tháng Tư 1975, hiện sinh sống tại Hoa Kỳ. Tác phẩm Thơ Cao Tần [1] gồm mười bảy bài thơ, không đề, có đánh số, được nhiều người chú ý, vì nghệ thuật vững chãi, diễn tả được niềm khắc khoải của người dân xa xứ. Tập thơ thỉnh thoảng có đôi câu chống cộng, điều đó dễ giải thích trong hoàn cảnh di tản của tác giả và của độc giả mà ông dự kiến. Tôi cần trình bày ngay điều đó để tránh mọi hiểm lầm từ mọi phía. Ở đây tôi chỉ ghi nhận tâm sự chua xót của người dân Việt Nam xa đất nước, còn chuyện chống cộng là của Cao Tần, tôi không bàn đến. 

 Tập thơ phác hoạ đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần của người di tản, từ khi còn ở các trại tạm cư: 

Bỗng di tản ra thân lúi xúi 
Trong trại xếp hàng chầu cơm như mơ 

Cho đến ngày tìm được công ăn việc làm bình thường: 

Mai mốt anh về có thằng túm hỏi Mày qua bên Mỹ học được củ gì Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi Nói mày hay ông thượng đẳng cu ly 

Ông rửa bát chỉ hơn bà nội trợ Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan… 

Việc lao động chân tay, ngoài xã hội và nhất là trong gia đình, không có gì đáng tức tưởi. Sở dĩ Cao Tần nước mắt chứa chan là vì những lý do khác, nói chung vì cảnh sống hoàn toàn xa lạ, lạ cảnh, lạ người. Cuộc sống do đó, trở thành cạn hẹp nếu không phải là vô nghĩa: 

 Chiều đi bát phố gặp toàn Tây 
Bỗng tiếc xưa không làm quen cả xóm (…) 

Chỉ gặp toàn Tây một chiều bát phố Tiếc sao xưa cả nước chẳng quen nhau Quen cả nước? Ra đường chào gãy cổ Và chắc gì nay nghĩ lại không sầu. 

Về lý luận thì Cao Tần quả là lẩm cẩm. Ở Tây mà không gặp Tây thì gặp ai. Đòi quen cả nước Việt Nam thì quen sao được. Nhưng trong mỗi người Việt Nam xa xứ thỉnh thoảng vẫn có những cái lẩm cẩm như thế! Lãnh lương Tây, ăn cơm Tây, mà gặp nhau thì cứ chửi "Tây ngu", "ngu nhu Tây". Cho hả lòng nhớ nước mà thôi. Cái lẩm cẩm nói được thành thơ, có phần cảm động của nó. 

 Cao Tần vẽ lại một ngày lao động của mình: 

Nhà tôi ở toòng teeng đỉnh đồi 
Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc 
Sau lưng sương ngập cao lưng trời
 Trước mặt thông sầu reo đáy vực (…) 

Tiếng Việt trong ta ngày mỗi héo 
Hồn Việt trong ta ngày mỗi khô
 Dốc mở ra như đời ta trước mặt 
Sương kín như đời ta hôm xưa (…) 

 Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực 
Ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn 
Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc 
Nặng chĩu nghìn cân nhớ nước non. 

 Trong làng văn, Cao Tần là một cái tên lạ. Nhưng người quen đọc thơ thì nhận ra bút pháp già dặn của một người có kinh nghiệm về ngôn ngữ. Đoạn trên cho thấy Cao Tần kết hợp rất khéo những hình ảnh ẩn dụ sau lưng sương ngập, nước mắt thông sầu reo đáy vực, lối ví von bình dân đời xuống dốc, những chữ thông thường toòng teeng, hình ảnh đơn giản tiếng Việt héo, hồn Việt khô… Sự điều chế ngôn ngữ ấy tạo cho toàn tập thơ Cao Tần cái khí hậu vừa lạ vừa thân: tác giả rất có ý thức về kỹ thuật và mục tiêu của mình. Và ông đã đạt mục tiêu đó. 

Nỗi niềm xa xứ trong mỗi chúng ta là một tình cảm cụ thể, làm mình đau nhói. Nhưng nói ra, nó trở thành trừu tượng, chung chung. Cao Tần khéo léo đi từ những hoàn cảnh cụ thể, ví dụ như chuyện một người đi di tản ông đặt tên là Cù Lần: 

Chàng Cù Lần có cái túi nhỏ 
Suốt bốn mùa giấu giếm như điên 
Anh em sùng nghĩ thằng này chơi khó 
Thủ cẳng tí tiền len lén tiêu riêng. 

 Một hôm, anh em bèn đè Cù Lần cướp túi coi chơi, thì khám phá ra một kho tàng vô giá: 

 Một chiếc khăn tay cũ xì cũ xịt 
Màu nâu già thêu mấy chữ xanh xanh 
Giẻ rách gì đây hở thằng chết tiệt? 
"Khăn vợ trao ngày khoác áo nhà banh". 

Đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ 
Những tên người tên tỉnh đã xa xưa 
Những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ 
Những đường quen không trở lại bao giờ. 

Khi nhắc đến tình cảm riêng, Cao Tần cũng biết chọn khung cảnh chung để người đọc có thể cùng rung cảm với ông. Nhớ bạn thì ông gợi ra một hình ảnh rộn rã: 

Quán cóc sở ta bạn bè đã đợi 
Rất tưng bừng đấu hót những buồn vui 

Nhớ mẹ thì sâu lắng, kính cẩn: 

Gửi cho anh vài sợi tóc mẹ già 
Rụng âm thầm trên hiên chiều hiu quạnh 

Nhớ vợ thì thực tế, tếu một chút: 


Giờ nghĩ thân ta chỉ còn có vợ 
Vợ chót bỏ quên bên kia bán cầu 
Ngày ngày phất phơ giữa rừng mũi lõ
 Tìm người tình Việt chưa biết tìm đâu 

 Cao Tần nắm vững quy luật của ngôn ngữ và sành tâm lý. Người Việt dù có thương yêu, quý trọng vợ đến đâu, khi nhắc đến "bu nó" vẫn có cái giọng rẻ rúng vờ như thế. Chuyện tưởng người dưới nguyệt chén đồng chỉ hay cái hay văn chương. 

 Từ một chi tiết rất cụ thể, một thẻ căn cước còn sót lại trong đáy ví, tác giả cũng đựng được những câu thơ cảm động: 

 Quanh mình xôn xao chuyện thay quốc tịch
 Ngậm ngùi bày dăm giấy cũ coi chơi 
Thời cũ ố vàng rách rơi mấy mảnh 
Xót xa đau như mình bỗng qua đời 

Hỡi kẻ trong hình mặt xanh mày xám 
Ngươi sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư 
Hỡi thằng chiến binh một thời dũng cảm
 Mày lang thang đất lạ đến bao giờ 

Trước những câu thơ như thế, phản ứng đơn thuần của tôi là cảm động. Cảm động vì tình người. Tình người trong con người. Sau đó mới ưu ái với tình Việt. Tình Việt trong người Việt. Còn chuyện văn chương là cái còn lại. Hay là cái qua đi. Cao Tần nắm vững kỹ thuật. Nhưng thơ ông thành công không phải chỉ vì kỹ thuật, và cũng không phải chỉ vì niềm nhớ cố hương. Bao nhiêu người đã làm thơ nhớ nước trước đây. Tôi nghĩ ông rung cảm được người đọc vì cái tình người. Tôi nghĩ thầm: phải yêu người mới nhớ nước, mới nói được một câu rất thực và rất thật: 

Bài học lớn từ khi đến Mỹ Là ngày đêm thương nước mênh mang 

Câu thơ cho ta thấy rằng, vì một lý do nào đó, con người có thể bứt bản thân ra khỏi quê hương, nhưng vẫn không thể bứt quê hương ra khỏi bản thân. Ở niềm nhức nhối sâu xa đó, người Việt kiều đều gặp nhau, dù chính kiến có đối lập. Mà gặp nhau đã là chuyện quý hiếm. 

Để xoa dịu nỗi đau nhức trong cuộc sống, con người tìm quên, hay che giấu. Bằng cách pha loãng cô đơn của mình trong cô đơn của bạn bè, qua chén rượu, qua câu chuyện ngông: 

Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
 Gánh sơn hà toan chất thử lên vai 
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
 Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai (…) 

Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc 
Thấy chiến trường la liệt xác anh em 
Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục 
Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm 

Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi Những hào hùng uất hận gối lên nhau Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới "Ta làm chi cho hết nửa đời sau?" 

Câu cuối cùng thật là cay đắng, thê thiết. Thơ Cao Tần lay động người đọc vì nó không sướt mướt, không bi lụy. Tâm tình bi thiết của mình, và của cả một cộng đồng đông đảo người Việt xa quê. Cao Tần đem ra nói chơi chơi, nói khơi khơi. Câu thật xen kẽ với câu đùa, chữ thanh lẫn giữa chữ thô, nụ cười tiếp theo tiếng nấc, câu tâm sự tái tê lạc giữa cái giọng kiêu bạc, bơ vơ. Toàn tập gợi ra cái vẻ phúng thế, khinh đời: 

 Ông học được Mỹ đất trời bát ngát
 Nhưng tình người nhỏ hơn que tăm 

Chữ "ông" Cao Tần sử dụng thường xuyên, bề ngoài tuy ngông nghênh, bên trong là trống rỗng và thảm hại. Xưng ông là để quên mình đi, chứ không phải để tôn mình lên cao. 

Cái nghênh ngang trong thơ, thường che giấu một tâm hồn bất đắc chí. Do đó người ta dễ yêu vẻ kiêu bạc, khinh người trong thơ hơn là ngoài đời, tuy trên thực tế, trong thơ hay ngoài đời, sự kiêu bạc chắc cùng chung một động cơ tâm lý. Cao Tần tự xưng là "ông" và gọi thiên hạ là chú: 

 Chú nào ngồi trước hiên ta chiều nay 
Nghe mưa Sài Gòn rạt rào thơm ngát 
Sau một ngày nắng lóa chín từng mây 
Những mái tôn mưa cười ran hạnh phúc… 

 Độc giả cười xòa mà nhận cái ngông nghênh đó, vì nó chỉ phản ảnh một tâm trạng bi thương! 

 Đời đang bão khi không chìm lặng ngắt 
Như cành khô nằm chết đáy sông sâu (…) 
Tuổi chưa nặng hồn đã chừng ngớ ngẩn
 Lòng vàng khô hơn chiếc lá đưa vèo. 

 Qua những đoạn trích dẫn, độc giả cũng thấy được cấu trúc trong từng bài thơ Cao Tần. Đoạn đầu, hoặc chỉ câu đầu, nói lên một hoàn cảnh cụ thể hiển nhiên, để lôi cuốn óc tò mò của người đọc. Sau đó, tác giả tổ chức ý thơ, lời thơ của toàn bài để đưa dẫn tới câu cuối, thường thường rất cô đúc. 

Giọng thơ già dặn tỉnh táo, chừng mực cho ta cái cảm giác Cao Tần chỉ là bút danh của một tác giả đã giàu kinh nghiệm diễn đạt. Cao Tần là ai, kể ra biết cũng vui, không biết cũng không sao. Điều quan trọng là ông đã nói lên một cách hiệu lực niềm nhớ nước đau nhức trong nhiều người Việt, vì lý do này hay lý do khác, phải sống lưu đày nơi đất khách. 

 Người Việt ở nước ngoài, rời đất nước vào những giai đoạn và cảnh ngộ khác nhau. Do đó, cùng nhớ chung một đất nước, nhưng niềm ray rứt cũng khác nhau. Buộc mọi tình cảm phải giống nhau, là chuyện viễn vông. Niềm nhớ nước của Cao Tần bi thảm vì nó tuyệt vọng, bế tắc. Dĩ nhiên ta không nên đơn điệu suy ra rằng: trong hoàn cảnh này, hoàn cảnh nọ, thì phải nhớ nước thế nọ, thế kia. Người này thế này thì phải nhớ nước thiết tha hơn người nọ thế kia. Cuộc sống nội tâm không đơn giản như vậy. 

Điều ta có thể nhận thấy là niềm nhớ nước ở Cao Tần đằng sau cái kiêu bạc bên ngoài, nó thê thiết, thê thiết như ít khi ta được thấy ở văn thơ người Việt nước ngoài. Chỉ có điều đó thôi cũng đáng cho tôi ghi nhận và giới thiệu với bạn đọc. Vấn đề tôi muốn nêu lên là: chúng ta có nhớ nước thật tình, nhớ đến cái độ chấp nhận, đùm bọc nhau, khai thông cho nhau những bế tắc hay không. Dĩ nhiên là còn nhiều vấn đề khác có thể nảy ra, còn nhiều kết luận khác còn có thể tỉa ra, còn nhiều suy nghĩ khác có thể bừng sáng, về trách nhiệm chung của chúng ta về sau. 

Còn chuyện văn chương, chỉ là lời chào qua đường 

Đặng Tiến 

[1]Người Việt xuất bản, không ghi nơi và năm in. Theo chúng tôi thì in tại California, 1978, sách gồm 56 trang khổ nhỏ.

Nguồn: Tạp chí Đoàn Kết, tháng 12.1982, Paris



                                                                                       ***



                                          -----------------------------------------------------------------------

                                                                       chúc mừng

                                                          cựu sĩ quan (VNCH), văn nhân, thi sĩ
                                                              LÊ TẤT ĐIỀU
                                                                    bút danh CAO TẦN
                                                                 ( sống & viết ở Hoa Kỳ)


                                                                       vào tuổi 78





                                                             nblog Virgil Gheorghiu
                                                             Saigon, MAY 27, 2020


                                             --------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét