TẢN MẠN VĂN HỌC
NÓI CHUYỆN VỚI BÁC SĨ
NGUYỄN XUÂN QUANG
Nguyễn Mạnh Trinh & Nhã Lan
thực hiện
thực hiện
(Trên Little Saigon Radio & Hệ Thống Truyền Hình Hồn Việt).
(bài viết tóm lược)
*
Nguyễn Mạnh Trinh:
Cộng đồng người Việt tị nạn đã thành lập từ 40 năm nay. Từ thuở bắt đầu gầy dựng cho đến bây giờ, đã có nhiều thành quả đáng hãnh diện. Với hai bàn tay trắng, người lưu lạc xa quê đã tạo dựng được một cộng đồng nhiều tiến bộ và dần dần hội nhập vào đời sống ở các quốc gia định cư. Về văn học và báo chí, nếu nhìn lại từ thuở bắt đầu thì yếu tính tị nạn đã là động lực để thúc đẩy người Việt xây dựng cộng đồng. Có những tờ báo bắt đầu những sinh hoạt chữ nghĩa. Có những người cầm bút muốn đánh dấu một thời kỳ khởi đầu. Có những tạp chí văn học tiếp tục sự nghiệp của hai mươi năm văn học Miền Nam.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang là một người cầm bút từ thuở sơ khai ấy. Mặc dù ông đã có tác phẩm xuất bản trước năm 1975 ở Miền Nam nhưng khi sống ở hải ngoại ông đã có nhiều đóng góp đáng kể và nhiều tác phẩm văn học đã được xuất bản. Giai đoạn đầu ông viết truyện ngắn, truyên dài và ký sự với vai trò của một người tị nạn. Sau đó, ông quay qua địa hạt biên khảo và mở rộng chủ đề đến những lãnh vực khác hơn văn chương như khảo cổ, ngôn ngữ…
Nói chuyện với tác giả Nguyễn Xuân Quang, trong chương trình Tản Mạn Văn Học, chúng tôi, Nguyễn Mạnh Trinh và Nhã Lan, có ý định muốn phác họa lại một thời kỳ đáng nhớ của văn học Việt Nam ở hải ngoại. Với tư cách của một người tham dự như một chứng nhân, ông nói về những tác phẩm của mình và những nhận định về một thời kỳ văn học đặc biệt ấy.
Nhã Lan: Có lẽ chúng ta nên biết sơ lược về chân dung tác giả và tác phẩm Nguyễn Xuân Quang. Ông sinh năm 1941 tại Đà Nẵng, chính quán Phượng Lâu, Kim Động, Hưng Yên. Tốt nghiệp Bác sĩ Y Khoa năm 1969 tại Đại Học Y Khoa Sài Gòn.
Tị nạn ở Hoa Kỳ năm 1975. Học lại nghề cũ và tốt nghiệp Chuyên Khoa Thận và Cao Máu năm 1986, làm assistant clinical professor tại Đại Học Y khoa UC Irvine từ năm 1986. Hành nghề bác sĩ tại Little Sài Gòn, Orange County và là bác sĩ công chức của tiểu bang California từ năm 1978.
Tác phẩm đã xuất bản trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam: tập thơ Thần Tượng và tập truyện Chiếc Mặt Nạ Da Người.
Sau năm 1975 ở Hoa Kỳ: tập truyện Tình Thù, truyện dài Nay Tôi Mai Ai (đăng từng kỳ trên tuần báo Saigon, Quận Cam), truyện ngắn Người Căm Thù Ruồi, truyện ngắn Những Mảnh Đời Tị Nạn, bút ký Đi, biên khảo Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt, Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt, Tiếng Việt Huyền Diệu, Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc, Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Duơng Đông Nam Á.
Nguyên chủ nhiệm kiêm chủ bút lưỡng nguyệt san Y Học Thường Thức tại Little Saigon, Orange County. Nguyên là bác sĩ phụ trách giải đáp y học của đài BBC, Anh Quốc và đài VOA, Hoa Kỳ.
Ông đã từng phụ trách chương trình truyền Tinh Hoa Đại Tộc Việt trên hệ thống truyền hình VBS (Vietnamese Broadcasting Services) băng tần 57.6 và chương trình Bản Sắc Đại Tộc Việt trên VNA. TV (Viet Nam America Television) băng tần 57.3.
Hiện là chủ blog bacsinguyenxuanquang. WordPress.com.
.Nguyễn Mạnh Trinh (NMT):
Là một khuôn mặt đa diện nhưng theo nhận định chủ quan, công việc nào biểu hiện chân thực nhất chân dung Nguyễn Xuân Quang?
.Nguyễn Xuân Quang (NXQ).
Dù ở diện nào thì tôi cũng cố gắng biểu hiện chân thật nhất cái chân dung rất nhân bản của con Người, nhất là con người Việt trong nhân loại giống như cái nghề nghiệp y khoa của tôi. Viết văn, làm thơ, làm báo, khảo cứu, làm chương trình truyền thanh, truyền hình, làm blog… tất cả nhằm một mục đích cho người Việt, văn hóa Việt, cho nước Việt Nam nói riêng và cho con người nói chung.
.NMT: Những công việc đang làm có gì gây trở ngại hoặc thuận tiện trong đời sống cá nhân anh?
.NXQ: Trước đây khi còn hành nghề y khoa thì vấn đề thời gian và cố giữ cho thật nghiêm chỉnh khuôn mặt đạo đức y nghiệp có ít nhiều trở ngại cho viết lách nhưng từ khi về hưu tôi viết thoải mái và thích thú hơn. Khi về hưu rồi, tôi có nhiều thì giờ đi đây đi đó, tra cứu, tìm tòi, học hỏi thêm nên giúp ích nhiều cho việc viết khảo cứu. Hiện nay gần như tôi dành toàn thì giờ cho viết lách.
.Nhã Lan (NL): Tác phẩm đầu tiên của anh là một tập thơ. Tới bây giờ anh còn làm thơ không? Và anh có viết với tâm hồn một thi sĩ?
.NXQ: Thưa chị, bây giờ tôi vẫn làm thơ lai rai. Tôi chưa bao giờ tự coi mình là một thi sĩ. Nhưng hồn thơ giúp tôi viết văn xuôi tròn và mượt mà hơn, nhiều khi viết văn như là viết thơ văn xuôi.
Tôi có thói quen làm thơ vặt, loại thơ châm biếm, hài hước xử dụng cái tuyệt vời của ngôn ngữ Việt, tôi gọi là Thơ Chữ Nghĩa.
.NL: Thời cuộc có ảnh hưởng nào đến công việc sáng tác của anh?
.NXQ: Thưa chị, rất nhiều.
Thấy rõ qua Tình Thù, Những Mảnh Đời Tị Nạn, Trôi Nổi Nhưng Không Chìm (chỉ mới đăng trên báo Văn của anh Mai Thảo một phần đầu)…
Về thơ thì có những bài như Cho Em (Thần Tượng) nói về đời một quân y sĩ trong chiến tranh (Nguyễn Tường Vân phổ nhạc), Hoa Bèo Phớt Tím Khói Sông liên hệ đến cuộc chiến Việt Nam, mất nước và đời tị nạn; Mây Trôi Trôi Hết Một Đời mà Phạm Duy đã phổ nhạc liên hệ với mất nước, mà Julie đã hát và lấy tên làm đề tựa cho cassette:
Ta Sẽ Trở Về, mong một ngày về dù rằng một khi đã là ma (Nguyễn Tuấn phổ nhạc)…
.NMT: Anh có chủ đích nào khi thay đổi phong cách viết từ sáng tác qua biên khảo?
.NXQ: Như anh biết lúc đầu tôi viết văn, thơ nhưng sau chuyển qua viết khảo cứu về Cổ Sử Việt qua Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt, Giải Đọc Trống Đồng Đông Nam Á, Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt, Tiếng Việt Huyền Diệu, Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc… vì tôi cảm nhận thấy văn hóa Việt sắp bị tiêu diệt, cả trong lẫn ngoài nước. Vì thế tôi quyết tâm đi tìm lại cái bản sắc, sắc thái, cái căn cước đích thực của Đại Tộc Việt, hầu mong giúp cho các thế hệ sau có chỗ bám trụ, dân tộc Việt không bị Hán hóa hay Tây phương hóa hoàn toàn. Giữ được sắc thái Việt, gia sản, truyền thống Việt, Hồn Việt, Đại Tộc Việt sẽ sống còn. Tôi đã nhận ra điều này hơn ba mươi năm rồi.
Chỉ những người Việt hải ngoại mới còn giữ được cái nguồn cội, bản sắc Việt một cách chính thống và sẽ trường tồn. Văn hóa Việt ở Việt Nam đã hoàn toàn phai nhòa đi mất rồi.
Cái hồn Việt, văn hóa Việt, sắc thái Việt chính thống còn ghi khắc lại trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn cách đây trên dưới 3.000 năm.
NMT: Khi nào anh làm thơ. Khi nào viết truyện và khi nào viết biên khảo?
.NXQ: Một khi đã có hứng và ý tưởng rồi, tất cả tùy thuộc vào thời gian. Tôi làm thơ ‘nháp’ khi không có thì giờ như lúc đi du lịch chẳng hạn, ngồi trên máy bay, ở phi trường…
Viết một truyện ngắn cần vài ba ngày, một tuần lễ. Biên khảo có khi cần cả tháng để hoàn tất.
.N L: Anh định cư tại Hoa Kỳ năm 1975 lúc cộng đồng người Việt còn sơ khai. Anh có thể phác họa một vài nét về đời sống vật chất và tinh thần của người tị nạn?
.NXQ: Thưa chị, tôi là một bác sĩ trong vài ba bác sĩ Việt đầu tiên ở Quận Cam này. Lúc đó có bác sĩ Phạm Văn Hoàng hành nghề đầu tiên ở Huntington Beach, bác sĩ Đặng Ngọc Minh hành nghề đầu tiên ở Santa Ana và tôi hành nghề đầu tiên ở Westminter tức Little Saigon bây giờ.
Vì thế tôi là một nhân chứng của cộng đồng người Việt ở đây ngay từ buổi đầu. Lúc đó người Mỹ có chuyện gì không giải quyết được về người Việt tị nạn, họ đều liên lạc với tôi 24 giờ trên 24 giờ.
Về vật chất thì anh chị biết rõ, người Việt tị nạn tương đối ổn định, có nơi tạm trú, có thức ăn, dù là đồ ăn Mỹ, có quần áo cũ… Còn vấn đề tinh thần thì thật sự là một vấn đề trọng đại. Người Việt tị nạn lúc đó bị khủng hoảng tâm thần vì mất nước, mất tổ quốc, mất người thân, mất gia đình… vì trở ngại ngôn ngữ và bị va chạm văn hóa ‘cultural shock’… Có những đêm khuya cảnh sát mời tôi đi với họ để đến khuyên giải một người tị nạn hãy quay về nhà, sau khi anh ta gây gỗ với vợ rồi bỏ nhà đi lang thang trong đêm vắng giá buốt, ngoài đường phố Westminster…
Lúc đó tôi cũng đã khởi đầu viết những bài viết về xã hội Mỹ, về y học hướng dẫn cộng đồng Việt trên tờ báo Người Việt. Khi đó báo Người Việt hãy còn làm trong một garage ở đường Euclid…
.NL: Tinh thần hoài niệm đất nước quê hương biểu hiện ra những hiện tượng nào trong thời kỳ văn học đầu tiên của người tị nạn?
.NXQ: Thưa chị, Nhìn chung thì đại lược thời kỳ văn học đầu tiên của người tị nạn Việt có những hiện tượng chính là lòng hoài niệm quê hương, tổ quốc, gia đình với nhớ thương, oán hận, phẫn nộ, thù hận, chán đời, đối kháng xã hội… Tuy nhiên trong các tác phẩm của tôi thường chỉ thấy với một mức độ rất chừng mực vì tôi là một thầy thuốc. Thái quá là trạng thái bệnh tâm thầm.
.NMT: anh viết tác phẩm đầu tiên ở hải ngoại ra sao? Có kỷ niệm gì đáng nhớ?
.NXQ: Tác phẩm đầu tiên của tôi ở hải ngoại là Tình Thù ghi lại tâm trạng và những bước khởi đầu làm lại cuộc đời ở Mỹ, cùng với những va chạm văn hóa… Có rất nhiều điều đáng nhớ ví dụ trong truyện Đồng Tiền Lì Xì viết khi tôi đi làm y công trong viện dưỡng lão, lúc đút cơm cho một cụ già Mỹ, coi mình như một người thân, một người cha, một người mẹ Đông phương đút cơm, tôi đưa muỗng đồ ăn lên miệng thổi cho nguội, có người hiểu lầm, đi mách là tôi ăn thức ăn của bệnh nhân chẳng hạn…
Về tiền bạc thì món tiền lớn nhất đầu tiên tôi kiếm được ở Mỹ nhờ chữ nghĩa là đài BBC lúc ấy đọc truyện ngắn Cái Bát Đựng Tiền của tôi trên hệ thống truyền thông BBC và họ trả cho tôi một tấm chi phiếu gần 100 Bảng Anh. Đây là món tiến lớn nhất tôi kiếm được bằng chữ nghĩa trong đời viết lách của tôi cho tới nay.
.NMT: Công việc của một bác sĩ có phải là đề tài chính cho sáng tác của anh?
.NXQ: Cũng đúng một phần nào. Vì là bác sĩ, nên tôi có nhiều dữ kiện sống, đề tài sống cho sáng tác của mình ví dụ như trong trường hợp di tản, tôi đã tham dự và chứng kiến nhiều khía
cạnh của cuộc đời tị nạn nên viết tập truyện Những Mảnh Điời Tị Nạn.
Tôi cố gắng mở một cánh cửa văn học vào thế giới y khoa.
.N L: ví dụ như trong tác phẩm Tình Thù, nhà phê bình Lê Huy Oanh cho rằng có chất hài hước nhẹ nhàng nhưng tinh quái. Nội dung của truyện này ra sao mà có nhận định trên?
.NXQ: Về nội dung thì phần lớn các truyện trong Tình Thù diễn đạt những tình huống khó khăn, éo le do va chạm văn hóa, những gian truân, cơ cực, sự phấn đấu để sống còn… Lúc đó
hai vợ chồng tôi đã lăn ngay vào xã hội mới, khởi sự từ mặt đất đi lên. Người bảo trợ của
chúng tôi không cho chúng tôi hưởng an sinh xã hội vì họ được trừ thuế khi nhận bảo trợ người tị nạn.
Tôi vốn có tính hài hước, coi thường mọi chuyện nên dù trong bất cứ tình huống nào của cuộc đời, tôi cũng vẫn đùa cợt, ‘tếu’ với đời.
Ví dụ như trong truyện ngắn Bố Mỹ, anh chàng tị nạn Việt tên Nguyễn đi bỏ báo kiếm sống, mỗi sáng tinh mơ, gặp một cụ già tị nạn Việt có con gái lấy chồng Mỹ, có nhà cao cửa rộng, ở một khu sang trọng nhưng cụ vẫn mang hồn tị nạn đầy trầm cảm… Chàng trở thành người bạn thân với cụ già mỗi sáng ngồi trước cửa nhà.
Vợ Nguyễn sắp sinh. Chàng nói với cụ già là
chàng ao ước vợ đẻ con gái hầu khi lớn lên gả cho người Mỹ để được làm… Bố Mỹ như cụ…
-Mình ơi!
-Gì?
-Chiều em tí đi.
May được con cái đĩ,
Lớn lên cho thằng Mỹ.
Chúng mình thiên hạ gọi:
Bố Mẹ thằng Hoa Kỳ!
Đây là cách chửi Mỹ đã bán đứng Việt Nam một cách hài hước nhẹ nhàng, tinh quái.
Trong Tình Thù, anh chàng y công tị nạn tên Nguyễn yêu một cô y tá Mỹ ‘bạch quỉ’ Betty mà anh gọi là Bé Tí. Có Tình nhưng yêu trong Thù hận. Thù vì chính phủ Mỹ bỏ rơi Việt Nam.
TÌNH THÙ
Ta mang hồn biệt xứ,
Hồn cổ độ da vàng,
Hồn Đông phương huyền sử,
Hồn tị nạn mang mang.
*
Ta bao năm tu tiên,
Miệt mài sách thánh hiền.
Giờ yêu em bạch quỉ.
Đời bỗng thấy vô biên.
*
Vuốt tóc em tơ tằm,
Hồn kết kén trăm năm.
Từng sợi sầu dâu bể,
Nhộng trở giấc đêm rằm.
*
Mắt em xanh đá quí,
Hồn địa khai chưa đào.
Nước ngọc ngời tri kỷ.
Khói mắt mờ chiêm bao.
*
Em sống đời thú hoang,
Ngơ ngác như nai vàng,
Thật thà như điện toán,
Hư hỏng như Bà Hoàng.
*
Ta yêu em mang mang,
Tình yêu văn minh Vàng,
Ngàn năm hờn mất nước.
Tình Thù cháy huy hoàng.
……
Tinh nghịch của tôi thường thể hiện qua cách hành văn.
.NL: thường có hai mặt chân dung nhânvật tác phẩm của mặt trái và mặt phải, chính diện và phản diện. Anh phác họa như thế nào về những nhân vật trong tác phẩm của anh?
.NXQ: Nét mặt chính là quan trọng nhất. Mặt trái và mặt phải của nhân vật chỉ là những cái mặt nạ, cuối cùng rơi ra để lộ khuôn mặt đích thực của nhân vật mà mình muốn tạo ra.
.NMT: Anh có bao giờ hoàn thành những thiên tự truyện trong tác phẩm văn học của anh?
.NXQ: Thưa anh rất nhiều.
Truyện Cái Bát Đựng Tiền nói về bước đầu lúc vợ sanh con khi còn ở nhà bảo trợ. Lưỡng Quốc Y Sư nói về lúc đi học lấy lại văn bằng hành nghề. Thầy Quyến nói về tại sao đang học trường Việt lại đi thi tú tài Pháp rồi chuyển qua trường Pháp, nhờ vậy mới vào học được y khoa một cách dễ dàng…
Rải rác trong các tác phẩm đều có những mẩu đời của tôi.
.NMT: Không gian và thời gian của các tác phẩm của anh ra sao? Có nét đặc biệt nào của một thời kỳ khởi đầu làm lại cuộc đời?
.NXQ: Như đã nói, có rất nhiều đặc điểm của thời kỳ khởi đầu làm lại cuộc đời như Bố Mỹ kể lại nghề ném báo, cái nghề kiếm sống đầu tiên của tôi ở Mỹ. Đồng Tiền Lì Xì kể lại nghề làm y công, nghề thứ hai của tôi. Sân Sau Nhà Họ Giang, truyện này đã dịch qua Đức ngữ, liên hệ tới nghề làm thông dịch viên ở nhà thương UCI, Nam Cali…
.NL: Anh có nhận xét nào về thời kỳ văn học từ 1975 đến 1990 ở hải ngoại?
.NXQ: Văn học hải ngoại đi song song với đời sống người Việt tị nạn bởi vì các nhà văn, nhà thơ, các nhà làm văn học Việt cũng là người tị nạn, vì vậy thời kỳ văn học hải ngoại có thể đại khái chia nhiều giai đoạn:
-Thời kỳ trầm cảm.
-Thời kỳ ổn định
-Thời kỳ hội nhập vào dòng chính.
….
.NL: Tâm cảm của người cầm bút ở hải ngoại trong thời kỳ này?
.NXQ: Thời kỳ trầm cảm: mang đậm nét ưu uất, bi quan, hận thù, nhớ thương, hối tiếc, đối kháng xã hội… Thời kỳ ổn định: khám phá, học hỏi xã hội mới, đất mới… Thời kỳ hội nhập vào dòng chính: bắt đầu hòa nhập vào dòng chính, sống và viết theo dòng chính…
….
.NMT: so sánh với thời kỳ sau này, văn học VN hải ngoại có gì khởi sắc?
.NXQ: Có chuyển hướng từ nội dung tới hình thức từ giai đoạn trầm cảm tới giai đoạn hội nhập. Xuất hiện các tác giả thế hệ một rưỡi hay thế hệ thứ 2.
.NMT: Có tình trạng lão hóa trong độc giả và người cầm bút trong văn học VN hải ngoại không?
.NXQ: Dĩ nhiên là có, nhất là ở những độc giả và những người cầm bút không chịu hòa nhập vào dòng chính, không chịu bơi theo dòng thời gian… Muốn tránh tình trạng lão hóa rồi chết, tôi nghĩ người cầm bút hải ngoại phải viết hướng nhiều về thế hệ trẻ hải ngoại và cho người Việt trong nước theo phong cách của một người cầm bút quốc tế. Hơn một trăm triệu người Việt trong nước khát khao muốn đọc, muốn biết, muốn học hỏi, muốn sống được những gì mà trong nước không có. Tôi mở cánh cửa văn học hải ngoại ra thế giới cho độc giả Việt Nam trong nước thấy thế giới bao la bằng cách viết các truyện lấy bối cảnh thế giới như truyện ngắn O Bon với bối cảnh ở Kyoto Nhật, Mai Pen Rai với bối cảnh Thái Lan, Pho với bối cảnh hải đảo Caribe…, làm thơ về Nam Cực, Alaska, San Francisco (nhạc sĩ Võ Tá Hân đã phổ nhạc)… và viết các bài viết về du lịch ở những nơi tôi đi qua trên thế giới …
Ngay cả cách viết cũng phải sửa đổi lại như phải viết dễ chuyển dịch sang ngoại ngữ, ngắn gọn, trong sáng của thời đại i (internet, ipod, ipad, iphone)…
.NL: Viết Những Mảnh Đời Tị Nạn anh muốn chuyên chở suy nghĩ nào trong ngôn ngữ của mình?
.NXQ:
Mục đích tôi ghi lại những mảnh đời tang thương, cơ cực, lạc lõng, phấn đấu, vươn lên… để sống còn, lo cho tương lai gia đình, con cái và cho cả đất nước sau này…
Đây là những mảnh tài liệu sử tị nạn Việt.
. NL: Anh có xử dụng nhiều hư cấu khi viết truyện không?
.NXQ: Dĩ nhiên là có nhưng cái quan trọng là phải cố gắng dùng những hư cấu ‘tưởng như thật’, ‘có thật’ ở chỗ khác, chỉ đem vào đúng chỗ bài viết.
.NMT: Một vài truyện ngắn của anh có phong vị tiểu thuyết liêu trai. Có phải đó là một phương cách sáng tác khác với chính mình và với người khác?
.NXQ: Ở diện này, tôi dùng ‘ngón nghề’ của nghề nghiệp y khoa của tôi. Ổ mỗi nhà thương,
tôi viết một truyện có tính cách liêu trai, kinh dị. Trong tác phẩm Người Cằm Thù Ruồi viết lại Chiếc Mặt Nạ Da Người tôi lấy bối cảnh ở khu ung thư bệnh viện Bình Dân, Saigon, Tiếng Khóc Trong Nhà Xác ở Bảo Sanh Viện Hùng Vương, Yến Quyên ở bệnh viện Hồng Bàng…
Đây cũng chỉ là một cách chuyển chở một tư tưởng, một chủ đích của mình với phương tiện kinh dị hấp dẫn hơn.
.NMT: Những biến cố thời thế có ảnh hưởng nào đến sự sáng tác của anh không?
.NXQ: Như đã nói, có rất nhiều.
.NL: lý do nào anh viết “Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt”. Có phải là muốn đi tìm lại nguồn cội của dân tộc?
.NXQ: Đúng vậy. Hai từ Khai Quật nói cho biết nguồn cội của dân tộc Việt đã bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian, dưới sự đồng hóa của văn hóa Trung Hoa. Hai từ Hừng Việt cho biết là văn hóa Việt là văn hoá Việt Mặt trời Hừng Rạng. Người Việt là Người Mặt Trời thái dương con cháu của Hùng Vương, Vua Mặt Trời. Văn Hóa Việt hiện nay ở hải ngoại và nhất là ở trong nước không phải là văn hóa Việt chính thống cách đây ba bốn ngàn năm còn thấy ghi khắc lại trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn.
.NL: Trống đồng Đông Sơn có vị thế nào trong cổ sử dân tộc VN?
.NXQ: Trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn là Bộ Sử Đồng của Đại Tộc Việt và cũng là Bộ Dịch Đồng Đông Sơn bằng hình duy nhất của nhân loại.
.NMT: Nội dung những tác phẩm khác như Tiếng Việt Huyền Diệu, Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa của Dân Tộc Việt?
.NXQ: Đây là những khám phá của tôi về Tiếng Việt và Ca Dao Tục Ngữ Việt mà từ trước tới nay chưa một ai tìm ra. Ví dụ về ngôn ngữ Việt như tôi khám phá ra Tiếng Việt có giống đực, giống cái, có nòng nọc, âm dương, có gốc chữ, liên hệ với Ấn-Âu ngữ … Bài được độc giả đọc nhiều nhất là Ý Nghĩa Những Từ Thô Tục Trong Tiếng Việt. Về Ca Dao Tục Ngữ tôi khám ra Ca Dao chuyên chở rất nhiều cái cốt lõi Vũ Trụ Tạo Sinh, Dịch học của văn hóa Việt dựa trên nguyên lý nòng nọc, âm dương chim rắn, Tiên Rồng ví dụ như bài đồng dao Bồ Nông là Ông Bổ Cắt. Ca dao tục ngữ Việt cũng ghi lại rất nhiều về y học như bệnh sốt rét thấy qua câu:
Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc,
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công.
bệnh tơ trùng máu thấy qua bài hát:
Kể chuyện ông Huyện về quê…
bệnh lậu thấy qua bài:
Cậu lậu quả cà…
bệnh yếu kém sinh lý thấy qua:
Chồng em lẩy bẩy như Cao Biền dậy non…
…….
.NMT: và nhất là tác phẩm độc đáo Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc? Có khám phá nào mới từ trò chơi này?
.NXQ: Đây là một bộ Việt Dịch dân gian diễn tả bằng trò chơi cũng như diễn tả sử truyền thuyết Việt. Con Gà diễn tả chim biểu của thần mặt trời Viêm Đế ở cõi đất thế gian ứng với cực dương, Càn. Con Tôm biểu tượng của không gian, nước Thần Nông cực âm, Khôn. Gà và Tôm diễn tả Càn Khôn, nòng nọc, âm dương ứng với lưỡng nghi. Bầu Đỏ diễn tả bầu lửa cõi trời Càn ứng với Đế Minh. Con Hươu Cọc là thú biểu của Đất thế gian Li ứng với Kì Dương Vương. Cá Chép là cá biểu của Nước dương Chấn Lạc Long Quân. Cua là biểu tượng của Gió dương thế gian Đoài vũ trụ Hùng Vương.
Bầu Cua Cá Cọc diễn tả tứ tượng dương và ứng với bốn khuôn mặt tổ phụ của chúng ta. Tứ tượng dương giao hóa với tứ tượng âm, bốn khuôn mặt của Bốn Tổ Mẫu Việt thành tám tượng, tám quẻ ba vạch, bát quái.
Bầu Cua Cá Cọc là trò chơi diễn tả Việt Dịch dân gian đồng thời cũng là sử truyền thuyết Việt.
Có thể dùng Bầu Cua Cá Cọc làm trợ huấn cụ dậy sử truyền thuyết Việt cho trẻ em Việt và cho người ngoại quốc. Đây là lý do tôi thiết kế lại trò chơi Bầu Cua Cá Cọc, nhờ họa sĩ Khánh Trường minh họa và viết bằng song ngữ Anh Việt.
.NL: Trống đồng Đông Sơn với nhiều nguồn gốc khác nhau biểu thị nhiều thời kỳ văn minh của dòng Việt Tộc?
.NXQ: Trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn chỉ có một nguồn gốc Đông Sơn duy nhất tức của Việt tộc nhưng có nhiều hình dạng khác nhau và nội dung khác nhau diễn tả các giai đoạn khác nhau của Vũ Trụ Tạo Sinh, Dịch học và đồng thời cũng là trống biểu của Hùng Vương Vua Mặt trời, của Liên Bang Văn Lang gồm những đại tộc, tộc người Việt Mặt Trời thái dương. Ví dụ như trống Ngọc Lũ I là trống biểu của nhánh Nọc Việt dương thái dương. Trống Hoàng Hạ là trống biểu của nhánh Nọc Việt âm thái dương. Trống Phú Xuyên là trống biểu của đại tộc Hùng Kì dòng Kì Dương Vương. Trống Hòa Bình là trống biểu của đại tộc Hùng Lạc dòng Lạc Long Quân. Trống Việt Khê là trống biểu của đại tộc Hùng Lang dòng Hùng Vương…
Trống đồng nòng nọc (âm dương) của đại tộc Đông Sơn là Bộ Sử Đồng Của Đại Tộc Việt và như đã nói, là Bộ Dịch Đồng bằng hình duy nhất của nhân loại.
.NL: Theo anh nguồn gốc tổ tiên của người Việt Nam ra sao?
Và ngàn năm Bắc thuộc có ảnh hưởng nào khiến nhận định bị sai lạc không?
.NXQ: Nguồn cội nguyên thủy xa thăm thẳm của đại tộc Việt từ Đông Phi tới Đông Nam Á. Người cổ này ở lại vùng Đông Nam Á, lúc đó còn trải dài xuống phía Nam Hải, Đa Đảo bây giờ mà theo James Churchward trong The Lost Continent of Mu (Lục Địa Mụ, Mẹ Đã Mất) và Stephen Oppenheimer trong Địa Đàng Phương Đông, đây là cái nôi của một nền văn minh huy hoàng của nhân loại. Nền văn hóa Hòa Bình liên hệ với nền văn minh này.
Văn hóa của đại tộc Đông Sơn là di duệ của nền văn minh này. Người Việt có DNA khác với người Trung Hoa. Văn hóa Việt hiện nay bị các nhà nho Việt học chữ thánh hiền Trung Hoa làm sai lạc đi rất nhiều. Bây giờ thì bị Hán hóa đến thê thảm. Chúng ta phải Khai Quật lại Kho Tàng Cổ Sử và phải dựa và Sử Đồng Đông Sơn để điều chỉnh, sửa lại cho đúng.
.NMT: Anh nghĩ thế nào về cái họa hiện nay có thể mất nước vì đế quốc Đại Hán?
.NXQ: Cứ theo đà này mất nước là chuyện đương nhiên. Chúng ta chỉ cầu mong có một vị minh quân nào đó xuất hiện mới mong xoay chuyển đổi lại được. Ví dụ trước mắt là Myanmar, một nhà độc tài quận phiệt bỗng một ngày đẹp trời nhờ Phật,Trời đã thức tỉnh, nghĩ tới đất nước dân tộc Myamar nên ông đã thay đổi chính sách cai trị, từ bỏ chế độ độc tài và thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc. Đây là tấm gương mà các nhà lãnh đạo Việt Nam phải làm. Sau 40 năm đã hưởng thụ đầy đủ, giờ nên nghĩ tới đất nước, dân tộc kể cả bản thân và gia đình mình. Cách hay nhất là làm theo gương vị lãnh đạo Myanmar thì tránh khỏi đổ máu, tránh khỏi cái chết cho chính mình và gia đình mình, còn giữ được tài sản đã gom góp được và còn được cho là những anh hùng biết phục thiện. Tôi đã đi qua nhiều phế tích hoang tàn của nhiều thể chế độc tài tàn bạo một thời trên thế giới. Không một thể chế phi nhân, phi dân tộc nào tồn tại. Việt Nam cũng vậy.
.NMT: Những dự trù văn hóa trong tương lai của anh?
.NXQ: Trong tương lai gần tôi hoàn tất tác phẩm Chữ Viết Nòng Nọc Vòng Tròn-Que, là thứ chữ viết trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn, rồi sau đó viết quyển Tự Điển Tầm Nguyên Gốc và Nghĩa Tiếng Việt.
Trong lúc đó tìm cách chuyển ngữ một số tác phẩm của tôi sang Anh ngữ…
Còn thì giờ sẽ trở lại viết văn. Tôi viết tiếp trường thiên Trôi Nổi Nhưng Không Chìm (đã đăng một phần trên báo Văn của nhà văn Mai Thảo), Hồi Ký Của Một Bác Sĩ Việt Nam, Vụ Án Để Đời…
Dĩ nhiên nhiều thứ khác sẽ nẩy ra thêm… Hơi thở cuối cùng của tôi là một hơi thở lục bát, ca dao Việt. ./.
NGUYỄN MẠNH TRINH & NHÃ LAN thực hiện
=============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét