“THIÊN SỨ” – PHẠM THỊ HOÀI
Hồng Hồng
“Thiên sứ” là quyển tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Phạm Thị Hoài, được xuất bản ở Hà Nội vào năm 1988, nhưng sau đó bị cấm lưu hành. Các bản dịch tác phẩm này sang tiếng nước ngoài đều được đánh giá cao, cụ thể là “Tiểu thuyết nước ngoài hay nhất” của tổ chức Frankfurter LiBeraturpreis trao tặng hàng năm cho tiểu thuyết xuất bản tại Đức, và Dinny O’Hearn cho thể loại văn học dịch năm 2000 đối với bản tiếng Anh. Không phải ngẫu nhiên mà “Thiên sứ” được giới học giả nước ngoài đánh giá cao, bản thân tác phẩm vốn đã mang những cánh tân nghệ thuật đậm chất phương Tây, rất khác biệt so với các tác phẩm Việt Nam cùng thời.
Bên cạnh Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài cũng là một trong số các nhà văn tiêu biểu cho việc đổi mới và sáng tạo văn học lúc bấy giờ. Đọc “Thiên sứ”, ta có thể thấy giọng văn của tác giả rất mới lạ bởi lối viết đậm chất Tây, các hình ảnh ẩn ý đầy sáng tạo, lệch khỏi tiêu chuẩn truyền thống, phá vỡ thói quen tiếp nhận tác phẩm của người đọc. Nguyên nhân cho sự ảnh hưởng này là do năm 1977, Phạm Thị Hoài mười bảy tuổi, đến Đông Berlin và học ở Đại học Humboldt, hơn nữa bà còn là dịch giả văn chương Đức, từng dịch tác phẩm của Franz Kafka. Từ các nhân tố bên ngoài ấy đã phần nào tác động đến phong cách nghệ thuật của nhà văn.
Tiểu thuyết “Thiên sứ” gồm 20 chương. Mỗi chương là một câu chuyện rời rạc, nội dung của từng chương tưởng như không liên kết với nhau nhưng nhìn tổng thể lại logic đến lạ kỳ. Không chỉ chêch lệch về nội dung mà dung lượng của các chương cũng chêch lệch một cách đáng kể, có chương rất dài, cũng có chương rất ngắn. Hình thức này được cho là áp dụng lý thuyết trò chơi, mỗi chương là một mảnh ghép méo mó không đồng nhất, khi ghép lại sẽ tạo thành một chỉnh thể. Câu chuyện được kể bởi góc nhìn của nhân vật tôi, điểm lạ so với những tác phẩm truyền thống khác là nhân vật tôi thường kể về cuộc đời mình, còn “tôi” trong “Thiên sứ” lại kể về cuộc đời của người khác dưới con mắt của mình, thông qua đó trình bày những suy ngẫm về đời sống, tình yêu và nỗi cô đơn của con người.
Mở đầu chương 1 là những dòng miêu tả ngôi nhà của gia đình nhân vật tôi: “Nhà độc 1 phòng, 16 mét vuông gạch men nâu; phòng độc 1 cửa sổ, lỗ thủng hình chữ nhật lúc thì màu xanh, lúc thì vàng óng, lắm khi xám xịt, đóng khung lên thế giới men nâu của tôi. 400 ô vuông nâu và 1 khuôn chữ nhật biến ảo, xoay như xoay rubic.” Ngôi nhà với miêu tả thật ngột ngạt, cửa sổ trông ra con đường dẫn tới nhà máy rượu bia, và cô bé Hoài ngày ngày ngắm nhìn những con người qua ô cửa ấy, và phân loại, Homo-A – những kẻ biết yêu, Homo-Z – Những kẻ không biết yêu. Gia đình của nhân vật tôi gồm ba mẹ, anh Hạc, anh Hùng, chị Hằng, Hòa – Nhân vật tôi, và một Thiên sứ tên Hon. Toàn bộ nội dung tác phẩm là: câu chuyện ngắn ngủi của thiên sứ Hon ở trần gian, câu chuyện tình yêu của chị Hằng với những người tình của chị: thầy Hoàng tương tư V.Hugo, Quang “lùn” 1 mét 25 chẵn, nhà thơ Ph., 1 viên chức ngoại giao trong 299 nô lệ giả hiệu của tình yêu, câu chuyện làm giàu và vào tù của anh Hạc, câu chuyện anh Hùng vụt cơ hội ra nước ngoài nghiên cứu vì một cô vũ nữ.
Về nghệ thuật sử dụng trong tác phẩm, nhà văn rất nhiều lần sử dụng phép lặp và liệt kê: Ví dụ như những đoạn “Thầy chia bài, được cái, cứ thế tiến, lui phanh, thả, điêu luyện, khéo léo, trí nhớ tuyệt vời, và giữ trọn cái đến phút chót, không 1 lần nhường đối thủ.” được lặp lại hai lần trong chương 14 – Ván bài. Bé Hon chỉ nói được mỗi câu “Thơm nào!”, đa số lời thoại của chị Hằng với nhân vật tôi chỉ xoay quanh câu “Chị sợ…”. Ngoài ra còn có những con số được lặp đi lặp lại nhiều lần: 14 tuổi (1m, 30 kg, đuôi sam), 1 mét 25, 1 mét 26, 24 chiếc cặp lồng, 300 lần Ph., 299 chàng rể tương lai,… đặc biệt cụm “400 ô vuông nâu” và “trước tôi chưa đầy 1 phút” cứ lặp lại trải dài suốt tác phẩm. Việc đưa những con số và lặp lại chúng trong một tác phẩm văn học với tần suất dày đặc khiến độc giả cảm thấy ám ảnh, cảm giác tác phẩm bị đông cứng, gán con số cho nhân vật khiến nhân vật trở nên đơn điệu và thiếu mất sự linh hoạt.
Cách viết tràn dòng, không ngắt câu trong chương 15 – Thơ Ph. chịu ảnh hưởng bởi thơ phương Tây. Cùng với việc sử dụng tiếng nước ngoài một cách tự nhiên, không phiên âm, không chú thích như: Colection, the end of something, the broad way – story… tuy gây khó hiểu, cản trở quá trình người đọc tiếp thu tác phẩm, nhưng không thể phủ định đó là dấu ấn rất Tây, rất mới mẻ của Phạm Thị Hoài.
Một điểm lạ nữa là tác phẩm như bị đóng hộp, thế giới của nhân vật chỉ vỏn vẹn trong hình hộp ấy, gần giống với phong cách của Franz Kafka nhưng đấy không phải là Lâu đài, mà là ngôi nhà bị đóng thành một cái hộp với “400 ô vuông nâu”, “400 ô vuông nâu lần lượt lọt qua khuôn chữ nhật biến ảo, chỉ xếp hàng đến cánh cửa ấy là hết, là phải lộn về, cuộc dạo chơi chớp nhoáng”, loài người bị đóng khung thành hai loại: Homo-A và Homo-Z, biết yêu và không biết yêu. Từ bao giờ mà tiêu chí phân loại loài người đã thành tình yêu? Có chăng đó là khao khát của tác giả trong tình xã hội mà tình cảm dần mai một?
Nói đến tình yêu lại phải nhắc đến Thiên sứ – bé Hon, nhân vật mang yếu tố thần thoại rõ nét nhất trong tác phẩm. Sự sinh ra của Thiên sứ là thần thoại, có motif gần giống với Sọ Dừa hay Thánh Gióng: “Bé Hon ra đời, khi mẹ tôi tưởng không còn sinh nở được nữa. Một bữa, không hiểu sao cả dây quần áo nhà phơi bị bỏ quên qua đêm ngoài trời. Kì lạ, chỉ riêng bộ đồ lót của mẹ đẫm sương và loang lổ vết từa tựa như chàm.”, “Không lâu sau, mẹ mang thai.”, “Con bé lọt lòng, không chịu cất tiếng khóc, mà mỉm cười làm thân với đủ 13 nữ hộ sinh đứng quanh bàn đẻ. Thế là cả 13, lúc đầu ngơ ngác, sau bật khóc như một đồng ca.” Sau đó là quá trình ban phát yêu thương bằng những nụ hôn, nhưng người đời đã từ chối yêu thương của Thiên sứ: “Ra chỗ khác, thơm với tho gì, không kịp mở mắt đây này!”, “Thôi, thôi, đủ rồi, ướt nhoèn cả mặt người ta!”, “nó ngọt ngào rủ “Thơm nào” với con mèo khoang, và con mèo không bao giờ từ chối.” Thế chẳng phải ham muốn yêu thương của loài người còn thua cả một con vật? Nhiệm vụ của Thiên sứ là ban phát yêu thương cho loài người, khi loài người không cần thì Thiên sứ cũng ra đi. Vận dụng yếu tố thần thoại kỳ ảo cho nhân vật bé Hon, nhà văn đã cho nhân vật này đến và đi như một câu chuyện cổ tích thần tiên.
Đến câu chuyện kén rể của chị Hằng cũng thần thoại chẳng kém, cảnh chị biến mất và 299 người đàn ông sốt sắng tìm kiếm khắp thành phố, cảnh 299 ào về phía chị, phủ phục dưới chân chị, cảnh 10 người xuất sắc nhất thi vòng thứ 2, từng người lần lượt liệt kê các món lễ vật của mình: “Chàng kĩ sư trồng vườn mang hoa và rau thơm, thuận mùa, trái mùa, thôi thì đủ cả. Chàng chuyên hối đoái và thị trường bày 1 dãy dài nào đồng rúp, đồng yên, đồng đô la, đồng mác, đồng tiền Việt Nam 1975, đồng tiền Việt Nam 1978, và hãng diện điều khiển chúng như chơi ô ăn quan. Chàng bác sĩ phẫu thuật trưng cả 1 anatomie parfaite của lương tâm con người. Chàng phó tiến sĩ khoa học lịch sử khư khư ôm chiếc hũ niên đại khó lòng xác định bọc giấy hồng điều đút nút kín mít nhốt chặt quá khứ, sẵn sàng hiến hàng ngàn tế bào thời gian đã chết xuống chân nàng Mỵ Nương kiêu hãnh…” Khung cảnh hoành tráng này chẳng khác nào buổi lễ kén rể cho nàng công chúa xinh đẹp của vương quốc giàu có nào đó, liệu mấy ai còn nhớ xuất thân của chị Hằng vốn là một cô gái bình thường ở trong 400 ô vuông nâu, có chăng thì nhan sắc – cũng có thể đã bị thần thoại hóa – đẹp hơn các cô gái khác mà thôi. Vì sao chị Hằng lại đốt 300 lần Ph. và đưa ra yêu cầu kén rể, trong khi người chị ngầm chọn là nhà thơ? Thứ nhất, chị Hằng không phải nàng Mị Nương chọn người tài giỏi làm chồng, thứ chị quan tâm là ước mơ hạnh phúc của mình, và nhà ngoại giao đã thỏa mãn được ước muốn có một đứa con của chị dù chỉ bằng lời nói. Thứ hai, chị Hằng là phụ nữ, sẽ không có người phụ nữ nào lựa chọn tình yêu hời hợt của một con người hời hợt, trong khi có những 299 vệ tinh khác sẵn lòng quỳ dưới chân mình. Vậy, Thiên sứ là ban phát tình yêu cho những tâm hồn khuyết thiếu yêu thương, Kén rể là ước muốn được yêu của một tâm hồn khuyết thiếu yêu thương.
Nếu như sự ra đời của Thiên sứ gây liên tưởng đến Thánh Gióng, cuộc kén rể của chị Hằng như Sơn Tinh – Thủy Tinh, thì ván bài giữa thầy Hoàng và anh Hạc lại giống cuộc thi giữa Thạch Sùng và tay phú ông giàu có: Kẻ thắng có được giang sơn, kẻ thua tay trắng ra về. Cuộc chiến này anh Hạc thắng, và “chưa đầy 15 phút sau ván bài định mệnh, khối nhân công đông đảo bằng cách này cách khác sống nhờ nước đá ở Sài Gòn… hết thảy nhất loạt lễ độ cầu nguyện cho cái tên ông chủ mới: Hạc râu…” Các chi tiết huyền thoại khác đều mang ngụ ý, vậy thì ngụ ý của Ván bài có lẽ là quan hệ giữa các tầng lớp trong xã hội. (?) Nhìn lại xuất thân của thầy Hoàng và anh Hạc, một là thầy giáo bỏ nghề vào Sài Gòn lập nghiệp, một là trốn lính làm ông chủ số đề. Anh Hạc thắng, thầy Hoàng thua, vậy khác nào người học thức thua kẻ lưu manh? Thế thì quả đúng là cái ví von của nhà văn rất nóng bỏng tính thời sự.
Câu chuyện Thiên sứ, kén rể, thi thố, hay khung cảnh cô bé Hoài tí hon, khi gặp người mình chờ đợi suốt 15 năm, rồi bỗng lớn phổng lên và xinh đẹp y đúc chị Hằng ở đoạn cuối đều là những chi tiết mang yếu tố huyền thoại, tạo ra một không gian hoàn toàn mới mang màu sắc thần bí pha chút quen thuộc bởi các yếu tố cổ tích tương đồng. Bằng giọng văn hài hước, giễu nhại của mình, nhà văn đã áp thêm vào mặt sau các câu chuyện thần thoại những chi tiết hiện thực như khao khát tình yêu hay bất công giai cấp một cách khéo léo khó nhận ra.
Ở thời điểm ra đời, “Thiên sứ” của Phạm Thị Hoài tuy nhận được nhiều ý kiến trái chiều, như phá vỡ lối viết truyền thống, đi ngược thuần phong mỹ tục, miêu tả xác thịt, tư tưởng về tình yêu lệch lạc so với chuẩn mực đạo đức (Câu chuyện tình yêu và quan niệm về tình yêu của chị Hằng), hay góc nhìn bi quan, sai trái về xã hội Việt Nam thời bấy giờ đối với quan điểm của một bộ phận người đọc. Ví dụ trong chương 19 – Hành trình Magellan, nhân vật thầy Hoàng đã có một số câu thoại mang tính châm biếm hiện thực: “…Bất cứ 1 thằng vô lại có quả đấm nào cũng được quyền đè đầu thiên hạ… Ở những xứ sở khác người ta giải tỏa bằng bằng tôn giáo, nghệ thuật, khoa học hay những trò nhảm nhí vô hại tương tự. Ở đây, lối thoát duy nhất dành cho những kẻ như cậu là bạo lực. Đầu óc ù lì thì bắp thịt lên tiếng…” Nhưng những điều này không thể phủ định nỗ lực sáng tạo và sự tinh tế trong cái nhìn xã hội của nhà văn. Đọc “Thiên sứ” là quá trình đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, bất ngờ bởi những lần nhân vật tưởng chừng đã diễn xong cảnh của mình bỗng nhảy ra tuông một tràng lời thoại thâm sâu (Nhân vật thầy Hoàng), bất ngờ bởi cô bé Hoài mini bỗng lớn lên khi gặp chàng trai Homo-A của mình, hay lắm lúc phải rùng mình vì lời văn quá sắc sảo và khung cảnh gây ám ảnh (đoạn lễ rửa tội), lắm lúc phải tấm tắc khen những hình ảnh ví von thú vị của nhà văn. Đoạn kết dù là kết mở (một trong những đặc trưng của văn học đổi mới) nhưng cái kết của “Thiên sứ” khá trọn vẹn, không làm người đọc hụt hẫng, nhân vật cũng không bị đẩy xuống tận cùng để rồi chới với không tìm được lối thoát. Cái kết của anh Hạc vốn là của thiên trả địa, bắt đầu trắng tay thì kết thúc trắng tay, các nhân vật khác như chị Hằng, anh Hùng, Quang “lùn” cũng không bi lụy, riêng nhân vật “tôi” bỗng biến thành xinh đẹp và chàng trai bỏ đi vì cho rằng đây không phải là người anh chờ đợi cũng chỉ gây một chút tiếc nuối chứ không ám ảnh. Nhìn chung, “Thiên sứ” dù ở thời kỳ ra đời của nó hay hiện tại đều là một tác phẩm “khó vào” đối với những người có óc truyền thống và cứng nhắc, nhưng sẽ là một tác phẩm tuyệt vời và mới mẻ cho những con người thích giọng văn lạ, thích giễu nhại, ưa suy ngẫm về các vấn đề xã hội và tình cảm con người.
(Vì không tìm được sách giấy nên bản đọc Thiên sứ để làm bài điểm sách là bản online, link đọc: https://isach.info/story.php?story=thien_su__pham_thi_hoai)
[Bài điểm sách giữa kỳ môn Văn học Việt Nam hiện đại 2, Khoa văn học K15, ĐH KHXHNV ĐHQG / TPHCM].
HỒNG HỒNG
***
----------------------------------------------------------------
- xem tiểu sử tác giả & tác phẩm;
" About PHẠM THỊ HOÀI Writer / Wikipedia ".
(Bt)
" About PHẠM THỊ HOÀI Writer / Wikipedia ".
(Bt)
--------------------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét