FRIDAY, MAY 22, 2020
NGƯỜI TÙ TRỞ VỀ Truyện ngắn của nhà văn Pháp ANDRÉ MAUROIS (1885-1967)
André Maurois, tác giả Pháp (1885-1967), để lại hơn 100 tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại: Nhiều tiểu thuyết tâm lý (Bernard Quesnay, Climats – có người dịch là Tâm cảnh -, Terre promise – Đất hứa – Les Roses de septembre – Những đóa hồng tháng chín -) có cuốn gần với truyện vừa và truyện ngắn, có khi có hơi hướng truyện giả tưởng (Le Peseur d’ Âmes – Người cân linh hồn -, La Machine à lire les pensées – Máy đọc tư tưởng -). Có những tác phẩm nghiên cứu, khảo luận (Un art de vivre – Một nghệ thuật sống -, Sept visages de l’amour – Bảy khuôn mặt tình yêu – Au commencement était l’action – Khởi đầu là hành động…) Ông còn là nhà viết sử với các cuốn Histoire de l’Angleterre (Lịch sử nước Anh), Histoire des Etats-Unis (Lịch sử Hoa Kỳ), Histoire de France (Lịch sử nước Pháp).
Ông nổi tiếng nhất với một loạt tác phẩm viết tiểu sử các văn nghệ sĩ (Shelley, Byron, Victor Hugo, George Sand, Balzac, Tourgueniev, Voltaire, Chateaubriand, Marcel Proust), các chính trị gia (Disraeli, Lyautey), và cả nhà khoa học (Alexandre Flemming)…
Truyện ngắn , bên cạnh những thể loại khác, làm cho sự nghiệp sáng tác của Ông thêm đa dạng phong phú. Ông không chọn những đề tài lớn mà chủ yếu chỉ là những vấn đề bình thường của cuộc sống hàng ngày, trình bày qua một giọng văn giản dị, tự nhiên, và lối phân tích nội tâm tinh tế, sâu sắc.
Cùng với Hoa violet ngày thứ tư (Les Violettes du Mercredi), Khách sạn Thanatos (Thanatos Palace Hotel), Hoa từng mùa (Fleurs de Saison)..., truyện Người tù trở về (Le Retour du Prisonnier) dưới đây góp phần khẳng định tài năng một nhà văn với bút lực sung mãn.
André Maurois, (1885-1967)
Câu chuyện tôi kể đây là chuyện thật, xảy ra vào năm 1945 trong một làng ở nước Pháp mà chúng tôi gọi là Chardeuil, dù nó không phải tên của làng, tên thật chúng tôi không nói ra vì những lý do hiển nhiên ai cũng hiểu. Chuyện bắt đầu trên chuyến tàu lửa đưa những người tù Pháp từ nước Đức trở về. Cả thảy có mười hai người trên toa tàu thường chỉ chở mười hành khách, chật chội khủng khiếp, mệt mỏi nhọc nhằn, nhưng phấn khích và sung sướng, vì cuối cùng họ đều biết rằng, sau 5 năm xa cách, nay họ sắp được trở về với quê hương, nhà cửa, gia đình.
Đối với hầu hết mọi người, hình ảnh luôn ngự trị trong tâm trí của họ suốt cuộc hành trình là hình ảnh người phụ nữ. Tất cả nghĩ đến người đó với thương yêu, hy vọng, có người lại lo lắng. Người họ sẽ gặp lại có thuỷ chung không? Người đó đã gặp ai, đã làm gì trong suốt thời gian dài đằng đẵng sống một mình? Những người đã có con đỡ phần lo lắng hơn. Vợ của họ đã phải bận rộn chăm sóc con cái, và có chúng với niềm vui con trẻ ắt sẽ làm cho những ngày đầu chung sống trở lại dễ dàng hơn.
Ngồi tận trong góc toa tàu là một người cao lớn, gầy ốm, gương mặt xúc động, đôi mắt sáng rực, là những nét có vẻ là dân Tây Ban Nha hơn là dân Pháp. Tên anh ta là Renaud Leymarie, người làng Chardeuil, ở Périgord. Khi con tàu lăn bánh trong đêm, thỉnh thoảng tiếng còi tàu vang lên trên âm thanh trầm buồn của bánh xe nghiến trên đường sắt, anh nói chuyện với người bên cạnh:
- Anh có vợ rồi chứ, Saturnin?
- Tất nhiên, tôi đã lấy vợ. Hai năm trước khi chiến tranh xảy ra, đã có hai thằng nhóc. Cô ấy tên là Marthe, anh muốn xem hình không?
Saturnin, người nhỏ nhắn, vui vẻ, mặt đầy sẹo, lôi từ túi áo trong một cái ví cáu bẩn, kiêu hãnh chìa ra khoe một tấm hình đã rách.
- Cô ấy thật đẹp quá, Leymarie nói. Trở về lần này anh không thấy lo ngại sao?
- Lo ngại à? Tôi sướng điên lên đây này, sao lại lo?
- Vì cô ấy đẹp, vì cô ấy sống một mình, vì có bao nhiêu thằng đàn ông khác.
- Anh làm tôi buồn cười quá! Không bao giờ có người đàn ông nào khác đối với Marthe. Chúng tôi đã sống với nhau rất hạnh phúc. Anh muốn xem những lá thư cô ấy viết cho tôi từ 5 năm nay không?
- Ôi dào! Thư từ ! Chúng chẳng chứng tỏ được gì. Tôi đây cũng nhận được cơ man nào là thư rất nồng nàn, vậy mà tôi vẫn lo ngại.
- Anh không tin vợ à?
- Có chứ... Hoặc giả, trước đây thì tin, có lẽ tin hơn hết thảy mọi người. Chúng tôi lấy nhau đã sáu năm, chưa bao giờ nghi kỵ điều gì.
- Vậy thì sao?
- Đây là một vấn đề bản tính thôi, anh bạn à. Tôi thuộc trong số những người không bao giờ tin vào hạnh phúc. Lúc nào tôi cũng tự nhủ Hélène quá tốt cho tôi, quá xinh đẹp, quá thông minh. Đó là một phụ nữ có học thức, việc gì cũng làm được. Nàng chạm tay vào mớ giẻ, nó biến thành chiếc áo. Nàng bày biện một căn nhà nhỏ của nông dân, nó biến thành Thiên đường... Thế là tôi lại nghĩ, trong chiến tranh, hẳn có nhiều người đến tá túc nhà chúng tôi và trong số đó có những người hơn tôi nhiều. Có thể có cả người ngoại quốc, những người thuộc quân đồng minh. Người đàn bà đẹp nhất làng thế nào mà chẳng làm chúng để mắt tới!
- Và rồi sao? Nếu cô ấy vẫn yêu anh?
- Vâng, anh bạn ạ, nhưng anh cứ tưởng tượng cảnh sống một thân một mình như thế trong suốt năm năm đi. Vả lại, Chardeuil không phải là quê hương cô ấy, mà là quê của tôi. Cô ấy không có gia đình ở đây. Như thế sẽ dễ bị cám dỗ hơn nhiều.
- Anh làm tôi buồn cười. Đầu óc anh thế nào ấy! Rồi, giả sử là nếu đã có chuyện gì... Có sao đâu, nếu nàng đã quên nó rồi? Chỉ có anh là đáng kể thôi! Nếu là tôi, có ai nói với tôi là Marthe... Chẳng sao, tôi sẽ trả lời họ: " Khỏi cần nói thêm gì nữa! Cô ấy là vợ tôi, vừa qua là thời chiến tranh, cô ấy sống một mình, bây giờ là thời bình. Chúng tôi sẽ bắt đầu lại từ số không! "
- Tôi thì không như thế được, Leymarie nói. Nếu ngày về tôi biết có chuyện gì dù nhỏ nhặt đến đâu....
- Anh sẽ làm gì? Anh giết cô ấy? Anh không gàn dở đấy chứ?
- Không, tôi sẽ không làm gì hết. Một lời trách móc cũng không. Nhưng tôi sẽ ra đi. Tôi sẽ đến sống ở nơi khác dưới một cái tên khác. Tôi sẽ để lại cho cô ấy tất cả tiền bạc, nhà cửa... Tôi chẳng cần gì, tôi có nghề nghiệp. Tôi sẽ làm lại cuộc đời. Có thể làm như vậy là ngu ngốc, nhưng tính tôi là vậy, hoặc có tất cả, hoặc không có gì.
Còi hụ, đường ray bẻ ghi, con tàu đi vào ga. Hai người đàn ông không nói gì nữa.
Xã trưởng làng Chardeuil là một thầy giáo. Ông ấy là người trung hậu, nhân từ và cẩn trọng. Một buổi sáng, ông nhận được thông báo từ trên Bộ là Renaud Leymarie sẽ trở về vào ngày hai mươi tháng tám, trên đoàn tàu chạy theo hướng Tây Nam, ông quyết định tự mình đến báo tin cho người vợ. Ông đến khi vợ Leymarie đang làm vườn, mảnh vườn đẹp nhất làng với những khóm hồng leo hai bên thành cửa.
- Chị Leymarie này, tôi biết chị không ở trong số những người phụ nữ cần phải báo trước ngày chồng về để tránh sự đột ngột có thể tai hại. Không, và hơn nữa, nếu chị cho phép tôi nói, cách cư xử của chị, sự chừng mực của chị đã khiến dân ở đây khâm phục... Ngay cả những người đàn bà lắm lời vốn chẳng tử tế gì với người khác cũng chẳng nói gì được chị.
- Thế nào người ta cũng tìm ra được chuyện gì đó chứ, thưa ông xã trưởng, chị vừa cười vừa nói.
- Tôi cũng có thể nghĩ như thế, chị à, tôi có thể nghĩ thế thật. Nhưng chị đã khiến họ nín thinh hết. Không, lý do tôi đến báo tin trước hết là để thấy chị vui... Và thật tình thì điều đó cũng làm tôi sung sướng, thêm nữa, tôi nghĩ chắc chị cũng muốn sửa soạn đón chồng về cho nó tươm tất... Chị cũng như chúng tôi thôi, ngày thường ăn uống chẳng ra làm sao, nhưng với một dịp như thế này...
- Ông nói chí lý, ông xã trưởng ạ. Tôi sẽ đón anh ấy thật đàng hoàng. Ông nói ngày hai mươi? Theo ông, mấy giờ anh ấy sẽ về tới đây?
Trên Bộ nói: "Đoàn tàu rời Paris lúc hai mươi ba giờ ". Tàu loại đó chạy chậm lắm. Anh ấy sẽ phải xuống ga Thiviers, như vậy là phải cuốc bộ 4 cây số. Sớm nhất là giữa trưa anh ấy mới về tới.
- Tôi bảo đảm với ông xã trưởng là sẽ có một bữa ăn thịnh soạn. Và tôi tin rằng ông hiểu vì sao tôi không mời ông tới dự. Nhưng dù sao tôi cũng rất biết ơn ông đã tới báo tin.
- Dân Chardeuil này ai cũng quý mến chị, chị Leymarie ạ. Chị không phải là người ở đây, nhưng mọi người đã coi chị như người nhà vậy.
Sáng ngày 20, Hélène Leymarie thức dậy lúc sáu giờ. Suốt đêm chị không chợp mắt. Hôm trước, chị đã quét dọn nhà cửa, lau các ô cửa kính, chùi sàn nhà sạch bóng, thay mới các diềm trên các màn cửa sổ. Sau đó chị đến anh Martial, thợ uốn tóc của Chardeuil, để làm dợn sóng lại mái tóc, chị giữ mãi cái mạng trên đầu lúc ngủ để giữ nếp đến sáng dậy. Chị xem qua một lượt tất cả áo lót của mình và tình tứ chọn chiếc áo lụa mà chị không hề mặc tới trong suốt thời gian vắng chồng. Còn váy áo sẽ mặc gì đây? Ngày xưa anh ấy thích cái áo xanh có sọc trắng. Chị lấy ra ướm thử và buồn bã nhận ra rằng chiếc áo quá rộng so với thân hình gầy sụt hẳn do ăn uống thiếu thốn. Thôi, chị sẽ mặc chiếc áo đen do chị tự may, và sẽ diện thêm chiếc cổ và thắt lưng màu cho bớt ảm đạm.
Trước khi chuẩn bị bữa ăn, chị nhớ lại những gì trước đây anh thích... Nước Pháp năm 1945, thiếu thốn đủ thứ! Sô cô la tráng miệng? Đúng là anh ấy thích, nhưng giờ kiếm đâu ra? May thay, chị còn có mấy quả trứng tươi nhờ có nuôi gà, anh ấy vẫn bảo chị làm món trứng chiên ngon nhất trần gian. Anh ấy cũng thích thịt đỏ, khoai tây chiên, nhưng hàng thịt Chardeuil đóng cửa hai hôm nay rồi. Chị còn có con gà làm thịt từ hôm trước, sẽ mang ra rô ti. Rồi nghe hàng xóm nói trên thị trấn có chỗ bán sô cô la " chui ", chị quyết đi tìm mua cho được.
" Mình ra đi lúc tám giờ, chín giờ về tới rồi... Trước khi đi mình chuẩn bị hết mọi thứ, lúc về khỏi bận tâm chuyện bếp núc nữa. "
Rất xúc động, chị vẫn tỏ ra vui mừng rạng rỡ. Trời thật đẹp. Chưa bao giờ trên thung lũng này, mặt trời ban mai rực rỡ đến thế. Chị vừa dọn bàn vừa khẽ hát: " Chiếc khăn trải bàn ca rô trắng đỏ. Khăn bữa ăn ngày xưa mới cưới đó... Những chiếc dĩa hồng với bao hình ảnh anh ưa... Chai rượu nhiều bọt ... và thêm bình hoa. Anh vẫn thích bàn ăn có hoa, anh còn bảo mình cắm hoa rất nghệ thuật..."
Chị chuẩn bị một bó hoa ba màu: cúc dại trắng, mào gà đỏ, cúc ngô xanh, thêm vào vài nhánh lúa mạch nữa. Sau đó, trước khi ra đi, tựa trên xe đạp, qua cửa sổ chị nhìn căn phòng thật lâu. Vâng, thực sự, mọi thứ đều hoàn hảo, sau bao nhiêu bất trắc, Renaud sẽ ngạc nhiên khi thấy lại căn nhà và người vợ chẳng thay đổi mấy. Qua cửa sổ, chị nhìn lại mình trong gương. Hơi gầy một chút, hẳn rồi, nhưng thật trắng trẻo, thật trẻ trung, và nhất là vẫn rất tình tứ... Chị thấy như tan ra trong hạnh phúc.
- Thôi, đi thôi, chị tự nhủ. Mấy giờ rồi nhỉ? Đã chín giờ rồi. Ôi trời, chừng ấy chuyện mà mất nhiều thời gian hơn mình nghĩ. Nhưng ông xã trưởng nói là đoàn tàu sẽ đến vào lúc mười hai giờ... Mình sẽ trở về trước giờ đó.
Căn nhà nhỏ của Leymarie nằm cách biệt ở cuối làng, cho nên không một ai thấy một anh lính gầy gò, đôi mắt cháy rực lẻn vào trong vườn. Anh ta đứng đó một lát, choáng ngợp vì ánh sáng và hạnh phúc, say sưa trước những bông hoa đẹp đẽ, lắng nghe tiếng rì rầm của đàn ong. Lát sau, anh khẽ gọi:
- Hélène!
Không có tiếng trả lời. Anh gọi thêm nhiều lần.
- Hélène! Hélène!
Im ắng khiến anh hoảng sợ, anh tới gần và nhìn qua cửa sổ chiếc bàn ăn dọn sẵn cho hai người, bình hoa, chai rượu bọt. Anh thấy như ai đấm vào tim, phải đứng tựa vào tường: " Trời ơi! Cô ấy không sống một mình! " Anh nghĩ thầm.
Một tiếng sau, khi Hélène trở về, chị hàng xóm nói lại:
- Tôi đã trông thấy anh ấy, anh Renaud của chị đó. Anh ấy chạy trên đường, tôi đã gọi, nhưng anh chẳng hề ngoái lại.
- Anh ấy chạy? Về hướng nào?
- Về hướng thôn Thiviers.
Chị chạy xộc về nhà xã trưởng, ông cũng chẳng biết gì hơn.
- Tôi sợ, ông xã trưởng ơi, tôi sợ lắm. Renaud vốn nóng tính, cả ghen và hay xúc động... Anh ấy đã nhìn thấy hai bộ đồ ăn... Anh ấy không hiểu chính anh là người tôi đang mong. Phải đi tìm anh ấy ngay, ông xã trưởng ạ. Cần phải... Có thể anh ấy không về nữa... Mà tôi yêu anh ấy xiết bao!
Ông xã trưởng phái ngay một người đạp xe ra ga Thiviers, báo ngay cảnh sát đi tìm, nhưng Renaud Leymarie đã biệt tăm. Hélène ngồi thâu đêm bên cạnh bàn, trời nắng nóng hoa héo dần hết. Chị không ăn gì được.
Một ngày trôi qua, rồi một tuần, một tháng.
Đến nay, đã hai năm trôi qua kể từ cái ngày bi thảm đó. Chị vẫn không có tin tức gì của chồng. Tôi viết câu chuyện này, hy vọng rằng anh ấy sẽ đọc và sẽ quay về.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên tác
Le retour du prisonnier - André Maurois.
source: trang Văn Học Nghệ thuật Phạm Cao Hoàng
=============