Thay lời kết: Vì sao bà Trần Thị Vân Chung không nhận mình là T.T.Kh?
Tác giả: TRẦN ĐÌNH THU
Khi bản thảo cuốn sách này vừa hoàn thành, chúng tôi đã tóm tắt toàn bộ nội dung để công bố lên trên báo Thanh Niên. Sau khi báo đăng tải, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến thắc mắc từ bạn đọc. Vì vậy chương này được viết thêm để làm rõ những thắc mắc đó. Do là giải đáp thắc mắc nên chúng tôi chọn cách trình bày dưới dạng một bài trả lời phỏng vấn:
*Độc giả: Thưa anh, có một thắc mắc rất phổ biến của nhiều người, tồn tại từ khi có hiện tượng T.T.Kh cho đến nay. Đó là vì sao T.T.Kh phải ẩn mình, bởi nếu nhận mình thì là một điều vinh quang chứ có sao đâu?
-Ai cũng thắc mắc như vầy bao năm rồi nhưng tại sao không ai thấy cho là vào cái thời kỳ 1937 ấy, những câu thơ của T.T.Kh quả thật là quá dữ dội, vượt ra khỏi vòng lễ giáo. Từ sau T.T.Kh, trong thơ tình Việt Nam của chúng ta, không thấy có bài nào đạt được sự dữ dội như vậy, kể cả thơ Xuân Quỳnh. Mời bạn đọc cứ đọc lại T.T.Kh. Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời/Ái ân lạt lẽo của chồng tôi/Mà từng thu chết, từng thu chết/Vẫn giấu trong tim bóng một người. Rồi thì Đâu biết lần đi một lỡ làng/Dưới trời gian khổ chết yêu đương/Người xa xăm quá tôi buồn lắm/Trong một ngày vui pháo nhuộm đường. Hoặc là Nếu biết rằng tôi đã có chồng/Trời ơi người ấy có buồn không…Tôi có thể nói chắc rằng không một người con gái có chồng nào đủ can đảm đứng ra nhận mình là tác giả của những câu thơ đó đâu, dù sau khi nhận xong thì được trao ngay một giải thưởng văn học lớn đi chăng nữa. Tôi nói ngay cả thời bây giờ cũng còn không ai dám nhận chứ đừng nói tới những năm tháng đó. Những câu thơ ấy tác giả phải sống để bụng chết mang theo.
*Độc giả: Thế còn sáu mươi năm sau, khi Thế Phong viết cuốn T.T.Kh nàng là ai, thì mọi thứ ràng buộc có lẽ không còn nữa đối với T.T.Kh. Vậy giả sử bà Vân Chung đúng là T.T.Kh thì việc gì bà phải phủ nhận mình, phải phản ứng dữ dội như vậy? Bà Vân Chung còn nói rằng nhận mình là T.T.Kh là một điều vinh quang nhưng tiếc rằng không thể nhận được vì mình không phải là T.T.Kh, sợ một ngày nào đó có “T.T.Kh thật” xuất hiện thì xấu hổ. Nhiều người cho rằng bà Vân Chung nói như thế nghe ra có vẻ rất chân thành. Anh có nhận xét gì về ý kiến này?
-Đúng là lời tuyên bố của bà Vân Chung quá cứng rắn khiến ai nghe qua đều thấy phải tin. Tôi dẫn chứng câu chuyện này: một biên tập viên văn học đầy kinh nghiệm của một nhà xuất bản khi đọc bản thảo của tôi đến đoạn này đã hoàn toàn bác bỏ phần giải mã phía trước của tôi và tuyên bố không thể tin Vân Chung có thể là T.T.Kh. Ban biên tập nhà xuất bản gửi bản thảo cho một biên tập viên thứ hai đọc thì người này cũng có nhận xét tương tự. Như vậy là khó tin thật. Cho nên chỗ này phải tinh mắt chứ suy diễn theo kiểu chủ quan bình thường là không lý giải nổi. Nếu ai đã đọc cuốn sách T.T.Kh nàng là ai của tác giả Thế Phong thì thấy rõ là cuốn sách này viết quá gây sốc, không thể chịu đựng nổi. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Vân Chung phủ nhận mình là T.T.Kh chính là để phủ nhận cuốn sách của Thế Phong mà thôi. Và khi đã phủ nhận thì phải nói sao cho người ta tin tuyệt đối, còn nếu nói yếu ớt quá thì chẳng thà im lặng còn hơn. Nói thật, nếu trong đời thường người ta còn phải thề độc nữa kia chứ nói như vậy ăn nhằm gì. Hiện ông Thanh Châu còn sống ở TP.HCM, bà Vân Chung còn sống ở Pháp, hai người đâu có phản ứng gì khi tôi cho đăng tải tóm tắt bản thảo cuốn sách lên mặt báo đâu. Vì tôi viết nghiêm túc mà.
Còn vấn đề như nhiều độc giả đặt ra, là đã qua sáu mươi năm rồi, không còn gì phải e ngại, nên nếu đúng là T.T.Kh thì bà Vân Chung sẽ đứng ra nhận liền. Lập luận như thế là không hợp lý đâu. Bà Vân Chung phản ứng mạnh là do cách viết của ông Thế Phong. Nếu ông Thế Phong viết hiền lành hơn, thì có lẽ bà Vân Chung sẽ không phản đối. Nhưng chỉ không phản đối thôi. Còn nói đến việc tự nhận thì tôi xin thưa rằng, không bao giờ có chuyện đó. T.T.Kh không bao giờ làm cái việc đứng ra nhận mình đâu. Không nhận mình thì mới đúng là T.T.Kh. Chứ còn bây giờ giả sử có người nào đó đứng ra nhận mình là T.T.Kh thì tôi có thể nói ngay rằng đó chắc chắn không phải là T.T.Kh.
*Độc giả: Anh có nhận xét gì về bức thư ngỏ của bà Vân Chung gửi độc giả trước đây?
-Bức thư này tuy phần đầu và phần cuối khẳng định mình không phải là T.T.Kh nhưng phần giữa lại đi sâu vào những chi tiết trong cuốn sách của ông Thế Phong. Nó lộ rõ ý định phủ nhận cuốn sách hơn là chứng minh mình không phải là T.T.Kh. Về mặt tâm lý, nếu không phải là T.T.Kh thì không cần phải nhiều lời lắm đâu. Chỉ cần khẳng định một câu “tôi không phải là T.T.Kh” là đủ rồi.
*Độc giả: Thế còn bức thư ngỏ của bà Vân Chung gửi bà Thư Linh? Bức thư này rất quyết liệt, chứng tỏ tác giả bị bức xúc?
-Không phải là T.T.Kh thì thôi chứ làm gì mà bức xúc! Tôi thấy lời lẽ trong bức thư này rất nặng nề u ám. Nó cho thấy tác giả là một người có tâm hồn dễ bị tổn thương. Tôi nhớ lại những câu thơ của T.T.Kh thuở xưa cũng nặng nề u ám như thế. Chẳng hạn như câu thơ Là giết đời nhau đấy biết không/Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung…
Độc giả có thấy rằng, nếu bà Thư Linh chỉ phạm “cái tội” như bà Vân Chung nói là “vu khống” cho bà là T.T.Kh trong khi bà không phải là T.T.Kh thì “cái tội” ấy có gì nghiêm trọng đâu. Người ta nói mình là T.T.Kh chứ có nói gì xúc phạm danh dự nhân phẩm đâu mà phải giận dữ ghê thế! Sự giận dữ trong bức thư này thực tế vượt ra ngoài ranh giới bình thường. Nó cho thấy chỉ có bà Thư Linh phạm vào những “cái tội” như vi phạm lời thề không tiết lộ thân phận của bà Vân Chung chẳng hạn thì mới có sự giận dữ như vậy.
*Độc giả: Như vậy có thể tin rằng T.T.Kh chính là Trần Thị Vân Chung?
-Tôi biết diễn đạt thế nào cho khỏi bị bắt bẻ về mặt câu chữ đây? Thú thật tôi rất muốn nói như vậy nhưng có lẽ tôi không nên nói thế mà nên nói thế này: tôi tin rằng từ nay về sau không ai có thể tìm ra một người nào khác phù hợp với T.T.Kh hơn Trần Thị Vân Chung. Trần Thị Vân Chung sẽ đi vào lịch sử văn học như là một bóng hình kỳ lạ để từ đó người đời soi rọi ra con người thật của T.T.Kh.
*Độc giả: Anh đã có gặp bà Thư Linh, người đã tiết lộ câu chuyện rằng T.T.Kh chính là Trần Thị Vân Chung cho tác giả Thế Phong để từ đó người đời biết đến bà Vân Chung?
-Tôi có tìm gặp bà Thư Linh khi cuốn sách của tôi đã viết sắp xong. Tìm gặp với mục đích mượn một số bài thơ của bà Vân Chung để so sánh chứ không phải để hỏi xem bà Vân Chung có phải là T.T.Kh không. Bởi công việc giải mã của tôi độc lập với những thông tin đó. Bà Thư Linh đã cho tôi xem khá nhiều thơ của Vân Chung gửi tặng bà. Bà Thư Linh cho biết bà rất buồn vì mười năm nay tình bạn của bà và bà Vân Chung bị sứt mẻ trầm trọng từ khi Thế Phong viết cuốn sách.
*Độc giả: Nếu bà Vân Chung không phải là T.T.Kh thì thôi chứ việc gì mà phải giận lâu như thế? Có lẽ bà Vân Chung là T.T.Kh thật chăng?
-Cái này thì tùy suy luận của mọi người thôi. Nhưng tôi cũng đồng quan điểm đó.
*Độc giả: Anh đã tìm cách giải đáp câu hỏi ai có thể là T.T.Kh nhưng anh chưa giải đáp được cái bút danh T.T.Kh có nghĩa là gì?
-Tôi chỉ có thể giả định ai có thể là T.T.Kh mà thôi còn vì sao người đó lại lấy cái bút danh khó hiểu đó thì tôi không thể suy luận được. Bởi việc lấy bút danh nhiều khi rất ngẫu hứng, không tuân theo một quy luật nào cả. Tạm thời chúng ta chỉ thấy hai chữ T.T trùng với chữ đầu của họ và tên lót của bà Vân Chung. Còn Kh thì không biết do đâu mà có.
*Độc giả: Anh có nghĩ rằng mình đã khép lại được nghi án này không?
-Tôi tin rằng tôi là người cuối cùng khép lại được nghi án này sau bảy mươi năm để ngỏ. ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét