Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

" Nếu khi nào cần" & Dấu lệ / CAO MỴ NHÂN -- nguồn: Blog Cao Mỵ Nhân




Nói khi nào cần
CAO MỴ NHÂN

Anh bảo hãy tịnh ngôn
Cho tâm hồn thoải mái
Kể cả không gọi phone
Anh đâu cần ái ngại
Thì thôi đành á khẩu
Chỉ nói khi nào cần
Như là đi tranh đấu
Phải hét lớn: “muôn năm”
Dân Chủ hay Cộng Hoà
Mà gào to thế chứ
Không chi cả, chỉ là
Đòi anh thương với nhớ
Thế thì cứ lặng câm
Anh sẽ yêu chắc chắn
Thiên thu hay một lần
Cũng thiết tha, say đắm
Soi gương nói thầm thì
Sao mình thích anh thế
Thích khác yêu những gì
Tìm không ra lý lẽ
Anh hỏi mình xong chưa
Để anh đi biền biệt
Hẹn mình sau mùa mưa
Bấy giờ mình đã chết…
C.M.N.

Dấu lệ


CAO MỴ NHÂN

Nước mắt là một hình ảnh rất đẹp. Người ta đã ví giọt nước mắt như hạt kim cương, nếu không cao vời thế thì ví như giọt sương hay giọt mưa, đều đẹp cả.
Nước mắt tức là giọt lệ, nói cho văn hoa, bác học, còn tưởng giọt châu.
Nhưng muốn gọi giọt gì cũng được, miễn là khi nước mắt thốt ra lời, nó không gây phiền toái cho người nghe, đồng thời nó cho ta cảm giác mềm mại, dịu dàng, sầu muộn, buồn thương, v.v..
Những giọt nước mắt lóng lánh vòng quanh mi thầm lặng rơi, thổn thức khóc hay cả trong rên la, gào thét, v.v. cũng chiếm được cảm tình khách đối diện, đồng hành, v.v..
Dòng nước mắt, nguồn nước mắt, hồ lệ, vân vân đều khiến ta liên tưởng đến những nơi chứa đựng nước mắt, mà Thượng đế đã sinh ra con người cùng hình như một số sinh vật khác cũng biết khóc.
Chẳng hạn tôi đã nghe con chó khóc, và đã thực sự thấy chó khóc có nước mắt. Con chó của nhà tôi được đặt tên là Mi Nê. Hôm đó nó khóc vì chúng tôi nhốt nó ở nhà. Lúc chúng tôi đi chơi về, con Mi Nê nằm khóc, thấy con trai tôi là chủ nó, nó sà vô lòng rồi kêu ử ử, hứ hứ, dỗ mãi mới nín.
Thế thì nước mắt được giấu trong tròng mắt, nói cho biết nơi nó sẽ được chảy ra khi con người phải khóc vì sao đó.
Khóc phải được kết hợp với ý nghĩ, tâm tư tình cảm mới khiến nước mắt chảy ra được.
Do đó cũng như các thành phần khác, những nguyên liệu, thành phẩm gì đó trong con người, nói cho dễ hiểu, không phải cứ mãi mãi còn nguyên vẹn từ thủa mới được sanh ra đâu.
Cái gì, điều gì cũng phải hư hao như bộ máy cũ chứ. Bộ máy người chỉ hơn bộ máy vật dụng là có trí tuệ, lương tri thôi.
Thế thì cơ phận nước mắt cũng cho ta thấy rõ rằng nó cũng hư hao, khô cạn như các cơ quan khác của người ta.
Quý cụ xưa có câu: Trai khôn nhiều nước tiểu, gái khôn nhiều nước mắt.
Thật ra câu ví von có vần có điệu cơ, là: Trai khôn nhiều nước đ…gái khôn nhiều nước mắt.
Có được dữ kiện nêu trên, các cụ đã mặc nhiên nghiên cứu những trường hợp xảy ra.
Thí dụ trong một buổi họp làng kia, đúng lúc quý cụ tranh luận về việc gì đó, một cụ ông bị dồn vào thế bí, không trả lời được ngay, đã đứng dậy, xin phép hội làng ra ngoài đi tiểu.
Vị đó sẽ có thì giờ suy nghĩ, tìm được câu trả lời có lợi hơn là ngồi cãi nhau lùng bùng, võ đoán.
Gái khôn thì không mưu mẹo hơn phái nam mà tự dưng phát khóc lả lơi luôn.
Nước mắt sẽ làm cho khách đối diện lúng túng, đôi khi còn sợ hãi là đã chạm vào nguyên lý sầu thương, bi thảm nặng nề bởi bậc nữ lưu, người phụ nữ bị thương tổn, tuyệt vọng mới phải khóc ra.
Đôi khi sự thực chỉ là thói quen, bản tính, thậm chí có thể là mánh mung, mưu mẹo, v.v..
Thế nhưng dù sao thì nước mắt cũng là một thứ lợi khí khiến cho sự kiện dịu lại, ôn hoà hơn.
Vẫn trong câu chuyện nguồn nước mắt, hình như có sự xếp đặt rất khoa học của Thượng đế.
Mới sanh ra, còn bé thơ, nước mắt cứ dạt dào chảy ra trước khi hoặc vừa xày ra điều chi đó.
Tôi thấy cháu bé gái nhà tôi đang chơi bình thường, bỗng khóc ré lên vì mẹ nó chỉ hỏi một câu tầm xoàng như vầy:
Ô, phải cái bánh này của bé Ni không, ai ăn của em vậy?
Thế là bé khóc toáng lên, nước mắt nếu hứng e đầy tô bự chảng.
Khi đã bắt đầu lớn lên, cô bé giận dỗi, hoặc lớn hơn chút nữa, đã có thể khóc ướt khăn tay, vai áo bạn tâm tình.
Rồi thêm một chút, phải giấu nước mắt trên mặt gối vì nhớ thương, v.v..
Và cứ thế nước mắt đã tuôn ra, trôi ra vì đau khổ, cách biệt, đủ mọi hình thức để khóc hợp lý cũng như không hợp lý, khỏi cần chứng minh, ai ở đời cũng biết.
Cho tới khi dòng lệ khô cạn dần, khách nữ cao niên không còn nước mắt để diễn tả ngay tức khắc niềm đau, nỗi tủi trước thế nhân bình thường.
Tôi nhớ mãi hình ảnh phu nhân luật sư Lê Ngọc Chấn trong lễ tang ông, một thành viên gạo cội Việt Nam Quốc Dân Đảng, cựu bộ trưởng quốc phòng thời Đệ nhất Cộng hoà, cựu đại sứ Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) ở Anh, rồi cựu đại sứ VNCH ở Tunisia thời Đệ nhị Cộng hoà.
Ông bà đã về nước và mắc kẹt sau 30 – 4 – 1975. Ông trở về nhà sau mấy năm đi tù cải tạo ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa. Cuối cùng ông mệnh chung vì bệnh tim ở Sài Gòn năm 1986.
Chuyện người già mãn phần thì bình thường. Điều tôi muốn kể là nước mắt của người già có còn tràn trề không thôi. Không đâu quý vị ạ. Nước mắt người nữ đã cao niên, mặc dầu bấy giờ bà quả phụ luật sư Lê Ngọc Chấn mới 66 tuổi. Con cháu của ông bà Lê Ngọc Chấn đã ở Pháp Ý từ lâu rồi.
Đám tang luật sư Lê Ngọc Chấn vào mùa thu năm 1986 mọi chuyện tang lễ do bà phu nhân lo với sự yểm trợ tinh thần và nhân lực của gia đình bà em gái, em rể là cựu trung tá Phạm Xuân Ninh, tức nhà thơ Hà Thượng Nhân cũng mới từ trại tù cải tạo về.
Không phải tôi tò mò, nhưng sự kiện mặc nhiên trước mắt, bà phu nhân đương nêu không còn một giọt lệ nào để khóc.
Tất nhiên buồn khổ thì vẫn bao trùm dung nhan bà quả phụ rồi.
Quý khách thượng lưu như vài ông, bà đại sứ cũ, vài vị bác sĩ thời Tây còn sót lại, các đồng môn, đồng liêu, vân vân, đặc biệt quý vị này đang nghiên cứu và tự thích ứng hoàn cảnh vào kinh sách chùa chiền nên quan niệm sống gởi thác về rất được tôn trọng.
Đám ma rất bình thường: một xe tang và một xe khách đi chia buồn. Hai chiếc xe chạy tới một ngôi chùa nghèo ở xa có sẵn hoả tháp, tam bảo còn xây cất dở dang.
Khi tất cả tang gia khách khứa còn chuẩn bị, cỗ sự luật sư đại sứ xưa đặt trên hai cái mễ gỗ sơ sài.
Bà quả phụ luật sư Lê Ngọc Chấn mệt quá, ngồi sụp xuống cạnh quan tài, muốn thiếp đi.
Một tăng sĩ cất lời:
Đến Chùa thì phải lễ Phật đã chứ, ngồi cạnh linh sàng ông ấy làm gì?
Tôi nhìn lên ba tầng tam bảo điện thờ, mới chí có tượng Phật đứng ngó ngổn ngang cây nến, bát hương, chưa có cả bình cắm hoa.
Mọi sự, mọi chuyện đều chưa định hình trong nội thất. Chuông mõ có vẻ như chưa vang âm an lành ở khung cảnh ngôi chùa mà tôi không nhớ được tên ở khoảng giữa đường Thủ Đức – Lái Thiêu.
Tôi thấy bà phu nhân dựa trán vô cỗ sự ông luật sư cựu đại sứ xưa rồi hai tay vịn vào quan tài, đứng dậy một cách đuối sức, muốn ngã xuống.
Tôi chợt nhìn thấy đôi giọt nước mắt khô mà văn chương thường tả là dấu lệ.
Như vậy dấu lệ là nước mắt đọng lại, là không còn nước mắt để khóc nữa.
Tôi nghe được một tiếng thở dài ngậm ngùi:
Bà ấy không khóc được lúc này vì đã khô nước mắt rồi, nhưng sau đây khi chỉ còn một mình đối diện với cả mênh mông trước mặt, bà ấy sẽ khóc cho chính lòng vơi đi khổ hạnh.
Tôi trở lại bên bà Lê Ngọc Chấn. Bà là nữ sĩ Vân Nương, một trong bốn nữ sĩ sáng lập hội thơ Quỳnh Giao chúng tôi. Khi lên xe ra về, bấy giờ tôi mới chú ý bộ tang phục của bà may vội vàng như các đám ma nghèo trên đất nước quê hương đau khổ Việt Nam từ bao đời…
C.M.N.

nguồn: blog C.M.N.                  
                                                                    ***

                             ---------------------------------------------------------------
                                                           chúc mừng

                              cựu sĩ quan VNCH, nhà báo, văn nhân , thi sĩ
                                                CAO  MỴ NHÂN


                                                             vào tuổi 81


                                                       blog Virgil Gheorghiu
                                                      Saigon, MAY 27, 2020

                              --------------------------------------------------------------
                                  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét