Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

Ghi lại vài chuyện đã quên lại nhớ ...trong chuyến về thăm lại Sài Gòn '/ Ngọc Tự -- source: t-van.net/

ghi lại vài chuyện đã quên, lại nhớ… trong chuyến về thăm lại SÀI GÒN

 

 ngọc tự 

[ tựa chính: ”  Dòng chữ đánh thức những điều chuyện …”

(tiếp theo  bài 1)

Một hôm khác,  tôi đến khu  Chung cư Nguyễn Thiện Thuật thăm anh Văn Quang, người mà tôi vô cùng quý mến. Trước nay, anh vẫn coi tôi như một đứa em, giống như Nguyễn Quang Thắng, con trai độc nhất của ông chú ruột anh .  Thắng là bạn chí thân với tôi từ hồi họ đệ Ngũ, đệ Tứ những năm 1962,  1963.  Vì  thường xuyên đi chơi cùng nhau suốt, kể cả việc vẫn hay có mặt trong nhiều sinh hoạt gia đình, họ hàng nhà bạn; nên tôi cũng đã biết ông anh nhà văn của bạn mình từ dạo đó . Hồi đi tù cải tạo của CS ngoài Bắc, tôi có thời gian mấy năm ở chung trại Phong Quang ( Lào Cai) rồi Vinh Quang ( Vĩnh Phú ) với anh Nguyễn Quang Hà, người em kế anh, nên thêm gần gũi.
Khiu tôi bấn chuông, chị Ngân là người mở cửa; và, anh ngồi nhỏm dậy từ giường trong, chậm chạp bước ra salon phía trước và dáng người không mấy khoẻ.  Tôi biết anh cũng nhiều lần ra vào bệnh viện như anh Thế Phong vậy.  Anh va anh Thế Phong, anh Hoàng Hải Thuỷ cùng độ tuổi ngang nhau (*) --  nhưng lúc này, có lẽ sức khoẻ của anh và anh Thế Phong còn khá hơn anh Hoàng Hải Thuỷ nhiều .  Anh nói hàng ngày chỉ nằm theo dõi các chương trình thể thao trên TV.  Việc ăn uống cũng tạm ổn, trợ lực thêm bằng sữa Ensure nên không gặp vấn đề gì. Và anh chỉ đọc emails  của bạn
hữu rồi trả lời chứ không còn viết lách từ lâu.  Cách đây vài năm,tôi biết anh đã có lời chào từ giã bạn đọc rồi .
——
(*)  – Văn Quang [ Nguyễn Quang Tuyến 1933 –     ] –  Hoàng  Hải Thuỷ  [ Dương Trọng Hải 1933-     ]      –  Thế Phong [ Đỗ Mạnh Tường 1932 –        ]                (Bt)

Một dạo, sau khi đi tù cải tạo về,   ngoài chuyện văn chữ của anh rất quen thuộc với độc giả hải ngoại, anh có tay nghề tay trái là dàn trang, trình bày sách trên  computer ( lay out) .  Anh vào nghề do mày mò tự học với cháu anh --  và là một trong số những người đi đầu, hồi mới có kỹ thuật này ở Sài gòn lúc ấy. Cũng có vài học trò theo nghề với thầy . Công việc thật bận rộn trong niềm vui, kéo dài được ít lâu,  trước khi anh chuyển về sống dưới Lộc Ninh một thời gian; rồi  quay lại căn nhà ở Chung cư này .
Anh nói thỉnh thoảng cũng có thể đi loanh quanh trong giới hạn nơi hành lang tầng lầu, chứ không dám xuống tầng trệt dưới đất, hay đi xa hơn .  Tôi thầm nghĩ, thật mừng cho anh; bây giờ đã luôn có chị Ngân bên cạnh để lo lắng mọi thứ . Chị thật hiền và nhỏ nhẹ ít nói . Chị là người phụ nữ ở bên cạnh anh văn Quang lâu dài nhất, trong số những người phụ nữ đã đi qua đời anh, dễ chừng cũng có đến 20 năm rồi; và, hiển nhiên chị cũng sẽ là người cuối cùng đấy.
Tôi cũng có biết về cuộc tình và mái gia đình đầu tiên của anh với chị Ngọc Dung. , cô thiếu nữ duyên dáng gốc Hà Nội, dân Trưng Vương, yêu thích văn thơ và vô cùng mộng mơ lãng mạn; nhưng cũng thật mạnh mẽ, đầy quyết đoán . Tiếc rằng gia đình anh chị đã tan vỡ chia ly sau khoảng 7 năm ngắn ngủi — dù họ đã có con cái ( có thể vì con người nhà văn thời danh khi đó quá đào hoa chăng? ) .  Cũng thật đẹp, là dù chia tay, anh chị luôn tôn trọng nhau, xem nhau như bạn bè và vẫn giữ liên lạc .
Do hoàn cảnh đưa đẩy, chị Ngọc Dung. đưa các con có với anh Văn Quang sang Hoa Kỳ rất sớm, từ trước thời điểm 30. 4. 1975 vài năm. (*)
——–
(*)  – trong đời sống thực tế, sau khi ly dị với Văn Quang, Nguyễn Thị Ngọc Dung lấy một nhà ngoại giao Mỹ  công tác ở   Đại sứ quán Hoa Kỳ / Sài gòn — rồi ít lâu sau về Mỹ , như :  ”  …  chị N.D. đưa các con với anh Văn Quang sang Hoa Kỳ … ” ( lời Ngọc Tự)  — nhưng   chị Ngọc Dung . còn mang theo một bức tranh rất quý giá của hoạ sĩ  tài danh  Nguyễn Trung    v dành tặng riêng N.D.”  --  (  hoạ sĩ Nguyễn .Trung. , chị Ngọc . Dung . có   ” một tình bạn  bè quá sâu sắc, tuy  trong sáng, chỉ ” hơi  hơi quá đà ! ”  ( lời N.D. ) .            (Bt) 
Và rồi một thời gian sau, chị là khuôn mặt hoạt động văn học nghệ thuật quen thuộc trong Cộng đồng Việt Nam tại vùng Virginia/  Hoa Thịnh Đốn, qua hàng chục năm cho tới bây giờ .  Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Dung. đã có 9 tựa sách các loại được xuất bản, cùng rất nhiều sáng tác thơ văn, xuất hiện đều đặn trên tờ báo mạng cũng như báo in định kỳ ‘ Cỏ Thơm ‘ , do chị chủ trương và phụ trách điều hành, từ hơn 20 năm nay .  Văn tài như thế đâu có thua kém gì ông nhà văn Văn Quang.
Còn nhớ hồi tháng 12/ 2006 , khi tôi đến cháo anh, trước khi lên đường đi Mỹ; anh văn Quang có nói chị Ngọc.Dung.  sắp về Việt Nam thăm họ hàng, và cậu con trai  lớn của ngày tháng ấy cũng sẽ về theo thăm bố.
Khi nhắc tới anh Văn Quang, anh Hoàng Hải Thuỷ hay nói vui về hình ảnh ông” thuyền trưởng 2 tàu” .  Nhưng như vậy có tính khái quát; chứ căn cứ vào tổng số 10 người con mà anh âu yếm nhắc đến, hiện tất cả đều đang sinh sống ở hải ngoại, chắc phải nói tới tiến trình” 3 dòng thác cách mạng”– cách nói vui hay nghe thấy ở bên nhà một thời, để diễn tả về các nguồn xuất xứ của một sự việc.
Hỏi thêm huyện sinh hoạt gia đình, anh cho biết: ” dạo trước còn khoẻ, cũng từng tính đến chuyện sang Hoa Kỳ một chuyến để thăm con cháu và bạn hữu; nhưng nhiều người nói khôn nên nộp đơn . Ngoài sự có thể không cho phép từ phía chính quyền V.N. đối với anh, chừng như Lãnh sự quán Hoa Kỳ cũng có một nguyên tắc là sẽ từ chối cấp Visa du lịch thăm thân nhân — cho ai đã được làm hồ sơ bảo lãnh định cư . ”
Cô con gái lớn của tôi đã rơi vào trường hợp như thế, khi đi phỏng vấn xin’ Visa’ sang đây thăm bố mẹ .
Hồi trước, hồ sơ bảo lãnh O.D.P. của anh cũng đã hoàn tất, nhưng rồi cuối cùng anh chọn ở lại. Lúc phỏng vấn, từ một lý do gia đình hơi tế nhị biết được hơi trễ, anh muốn xin chuyển sang chương trình tỵ nạn H.O.  Phía cơ quan trách nhiệm cho biết “phải xem như đơn mới bắt đầu nộp, không thể chuyển ngay theo nguyện vọng của anh.” Như vậy chắc chắn thời gian phải đợi chờ sẽ rất lâu, suy nghĩ này đã khiến anh thôi không nghĩ đến việc ra đi, là thế .
Anh còn nói với tôi về việc chị Hoàng Hải Thuỷ từ trần bên Hua Kỳ hồi cuối năm 2018 mới rồi; và, tỏ ra rất ưu tư cho anh Hoàng Hải Thuỷ, người bạn thân thiết của anh, nơi tháng năm còn lại .
Tôi cũng biết điều đó.
Không dám ngồi chơi lâu hơn, tôi xin kiếu từ ra về .  Anh cảm ơn tôi vì đã đến thăm anh trong tâm tình quý mến.  Anh chuyển lời thăm hỏi tới các bạn hữu của anh bên Hoa Kỳ , cũng là những hiền huynh của tôi .
*
Khi ghé thăm quán ‘ Hoa Vàng” của anh Phạm Thiên Thư trong khu Bắc Hải, những tưởng tôi sẽ được ngồi hút thuốc, uống cà phê tán gẫu chuyện đời với  ‘ ông lão nông thi sĩ’, thân tình như những buổi sáng trước đây cùng với nhiều bạn hữu; nhưng hụt hẫng.  Quán đã đổi chủ khác từ bao giờ và người chủ mới  không cho tôi biết được một tin tức nào về anh Phạm Thiên Thư, người bạn hơn tuổi mà tôi quen biết từ những năm 1967- 1968 qua bạn tôi, Phan Lạc Giang Đông. Tôi đứng tần ngần một lúc rồi thẫn thờ lên xe chạy  đi thẳng, không ngoảnh đầu nhìn lại cái bảng hiệu quen thuộc.
Tôi cũng bỏ lỡ dự định sang vùng Tân Thuận thăm vợ chồng Lý Thuỵ Ý.  Cũng thật tiếc vì  không thể tìm thăm anh Lê Hoàng Long (*) , anh Kha Thuỳ Châu, anh Nguyễn Cái Thế  …
—–
(*) – nhạc sĩ Lê Hoàng Long, tác giả 1 ca khúc duy nhất rất nổi tiếng ” Gợi giấc mơ xưa”,và  tác giả ” Chuyện tình các nhạc sĩ  tiền chiến ”
 ( Nxb Văn Hoá-thông tin , Hà Nội, 1996).  (Bt)
Có những việc không thực hiện được như dự trù, một phần do thời tiết Sài gòn luôn nắng nóng, gay gắt cực độ. Thêm vào đấy, tình trạng giao thông ngoài đường phố của đủ các loại phương tiện, luôn luôn quá sức hỗn độn vô trật tự, bất chấp luật lệ, cùng nhiều thứ tệ nạn khác, là mối đe doạ đầy bất an cho một người đã có tuổi, chân chậm, mắt mờ; vì cận thị nặng như tôi.  Con cháu muốn trực tiếp đưa tôi đi các nơi chỗ và giới hạn việc tôi đi ra đường một mình bằng xe gắn máy, hay cho dù bằng phương tiện tắc xi Uber rất thông dụng.  Tôi thì ngần ngại vì sợ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật của con cháu . Thôi, cũng là những điều suy nghĩ cần thiết .
Đọng lại trong tôi một vài câu chuyện vui buồn thật đáng nhớ nữa, khi gặp nhóm mấy anh em khác cũng cùng đơn vị cũ trong phi trường Tân Sơn Nhất, nơi cuộc rượu nhỏ hay lúc ngồi với nhau quanh bàn cà phê.
Chúng tôi cùng trạc tuổi nhau và hồi chưa đi sang Hoa Kỳ, vẫn có nhiều dịp gặp gỡ nhau luôn, nhất là những lúc vui buồn, khi có cưới hỏi hay tang sự trong gia đình một anh em nào đó; hoặc, họp mặt dịp tất niên … nên trò chuyện thân mật, gần gũi tự nhiên hơn .
Tuy không được đầy đủ tất cả mọi người như mong muốn, nhưng thật cảm động, vì có người chạy xe gắn máy từ Lái Thiêu, bất chấp đường xá và tuổi già sức yếu . Người thì tạm gác lại mọi thứ công việc riêng tư để góp mặt trong các buổi hẹn hò gặp gỡ .
Ngay khi tay bắt mặt mừng nhìn thấy nhau, một người đã hỏi tôi có gặp phiền phức gì lúc về tới phi trường Tân Sơn Nhất không .  Ông bạn này nói vẫn thường hay truy cập các thứ trên mạng, nên mấy năm trước; khi một lần đánh đến tên tôi, để tìm các bài viết có liên quan, tình cờ bỗng gặp đường dẫn của cơ quan giáo dục nào đó, giới thiệu nhiều đoạn ‘ video clip’ ngắn, về cuộc phỏng vấn tôi xoay quanh nhiều thứ vấn đề; trong đó có liên quan đến chế độ và nhà nước CS hiện tại .  Vì thế nghe báo tin tôi về Việt Nam, thấy lo ngại cho tôi quá .
Lúc ấy mới chợt nhớ ra, tôi cũng hơi giật mình . Tôi nói để bạn mình biết, đấy là cuộc phỏng vấn do Hội Bảo tồn Lịch sử & Văn hoá người Mỹ gốc Việt thực hiện từ hồi giữa năm 2011.  Không chỉ riêng tôi, mà Hội còn  phỏng vấn rất nhiều người, để tiến hành chương trình ” 500 cuộc phỏng vấn người Mỹ gốc Việt”. nhằm mục đích giới thiệu với người bản xứ, cũng như các thế hệ con em người Việt mai sau, biết về sự hiện diện của người VN tại đất nước Hoa Kỳ .  Chương trình hình như được sự tài trợ của Đại học Rice, và nằm trong dự trù sẽ soạn thành giáo trình sử học.
‘Video clip’ này đâu ai biết đến, ngay cả tôi mãi hơn mấy năm sau cũng mới được xem, cũng là do sự tìm thấy trên mạng, chứ không có thông tin nào hướng dẫn .     (Oral history interview andtranscript_https://scholarship.rice,edu> … )
Tôi tham dự chương trình phỏng vấn từ sự mời chọn ngẫu nhiên, dù lúc đó mới sang đây được hơn 4 năm . Hoàn toàn không biết trước nội dung để chuẩn bị . Khi thu hình trực tiếp, người phỏng vấn hỏi đến đâu, về điều gì, theo đó trả lời thẳng vào vấn đề . Cũng chỉ xoay quanh cuộc sống nơi từng thời đoạn của cá nhân một con người, qua từng thời đoạn của đất nước, bắt đầu từ nơi chôn nhau cắt rốn cho tới khi đặt chân đến xứ sở Hoa Kỳ.
Ngoài bạn hữu thân tình, chắc  chẳng ai để ý chuyện một con người bình thường như tôi đâu .
Có điều mấy tháng vừa đây, ‘video clip’  này được Viet Stories nối lại liên tục, không còn ngắt rời từng đoạn như cũ, và đưa lên ‘ Youtube’ cùng với hàng loạt ‘video clip’ phỏng vấn rất nhiều người khác, thuộc chương trình mà tôi nói đến bên trên .
Tôi cũng được đọc những dòng’ comments’ đầy hảo ý;thật ngạc nhiên với con số hơn 6 ngàn người đã xem’ video clip’  phỏng vấn tôi, thời lượng dài hơn 1 giờ đồng hồ . Con số người mở xem hình như có tăng thêm dần.
Thật may, nếu việc này xảy ra  trước ngày tôi về VN, có lẽ đúng như sự lo ngại của bạn tôi; không chừng tôi sẽ gặp phiền phức với mấy tay cán bộ an ninh CS cũng nên .  Ai mà không biết đám này đa nghi mọi thứ còn hơn ông Tào Tháo nhiều.
Hàn huyên thăm hỏi nhau đủ thứ chuyện gần xa, cũ mới; chúng tôi không quên nhắc lại những ngày buồn vui phi trường Tân Sơn Nhất;  và, từng khuôn mặt  người còn,người mất .
Bắt đầu điểm danh, Nguyễn Trung Cang qua đời rất sớm ở Sài gòn hồi 1965.
Phan Lạc Giang Đông năm 2001 ở Seattle ,  tiếp theo anh Ngô Mạnh Thu năm 2004 bên Cali, rồi Duy Quang năm 2012 ở Cali, sau thời gian về VN ca hát .  Và gần đây là Minh Phúc, tháng 4/ 2019 cũng bên Cali.  Hồi nghe tin Minh Phúc vướng phải một chứng bệnh nan y, tôi có gọi điện thoại, rồi ‘ email’ liên lạc thăm hỏi để trấn an.
Tiếp đến là những người khác nữa, cũng cùng đơn vị, lần lượt từ trần vào thời gian sau này .
Thôi thì chuyện tử biệt cũng là điều đâu có thể tránh khỏi trong cõi người.
Đây là mấy anh em trong số anh em huynh đệ thật thân gần hàng ngày tại Đoàn Công tác Chính huấn/ Văn phòng Tham mưu Phó Chiến tranh Chính trị / Bộ Tư lệnh Không quân– nơi tôi phục vụ trực tiếp, suốt những năm đời lính ngắn ngủi trong vòng rào phi trường Tân Sơn Nhất, từ cuối 1969 cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975.  Họ đều là những người có chút ít tiếng tăm trong sinh hoạt văn nghệ, ca nhạc ngoài xã hội, trước khi nhập ngũ vào Không Quân.
                                                                                (còn tiếp 1 kỳ)
ngọc tự


                         -----------------------------------
                                       chúc mừng

                             văn sĩ thi nhân NGỌC TỰ
                              [i.e. NGOC TU, TRAN ]

                                       vào tuổi 73


                                  blog Virgil Gheorghiu
                                  Saigon,  May,  10 2020

                        ------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét