Hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm "thì thầm với sen"
THOẠI HÀ
Hàng chục năm vẽ sen, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm chọn lọc 50 bức ưng ý ra mắt công chúng tại triển lãm mới nhất. Với bà, tình yêu dành cho loài hoa này mang ý nghĩa tinh thần thuần khiết, làm cho cuộc sống trở nên nhiều ý vị.
Triển lãm "Thì thầm cùng sen", khai mạc sáng 5/10 tại Nhà triển lãm T.P HCM là dấu mốc, ghi nhận chặng đường 55 năm Nguyễn Thị Tâm theo đuổi dòng tranh lụa, cùng hàng chục năm say mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của hoa sen trong thiên nhiên.
Ở tuổi 75, Nguyễn Thị Tâm rất khỏe khoắn khi cầm cọ vẽ, hoạt bát khi giới thiệu tác phẩm tại ngày khai mạc. Tình yêu và sự sáng tạo miệt mài mang lại cho bà vẻ trẻ trung, nhanh nhạy hiếm có ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy".
Nữ họa sĩ có thể trò chuyện với người đối diện về hoa sen không biết chán.Với bà, loài hoa này mang đến nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận. Từng đi dọc dài đất nước để ngắm sen ở các miền, bà nhận xét, không sen vùng nào giống y hệt vùng nào. Mỗi nơi trên đất nước Việt Nam bà đi qua, sen mang vẻ đẹp lung linh biến ảo, khác nhau từ thân, lá, hoa, đài... Nhưng chúng đều có nét chung là mang đậm nét hồn hậu, chân quê.
Nguyễn Thị Tâm chia sẻ, bà chọn tên Thì thầm với sen cho triển lãm lần này như một ngụ ý về lời nhắn nhủ bản thân biết giữ lại sự lắng dịu, thanh thản của tâm hồn bên cuộc sống ồn ào thường nhật. Sen mọc từ trong bùn nhơ, nước đọng, rễ cắm sâu vào lòng đất, thẩm thấu mưa nắng và sương để đưa ra những nụ hoa, đài gương thơm mát. Sen mang đến vẻ đẹp và sự có ích cho cuộc đời một cách lặng thầm. Hình hài của đài sen là sự tích tụ tinh hoa trời đất. Với nữ họa sĩ, quan sát sự sinh ra, lớn lên và tàn úa của cây sen, dường như còn để thấy được cả quá khứ, hiện tại và tương lai tuần tự như tiến theo quy luật của tự nhiên.
Ngắm các bức tranh lụa và tranh sơn dầu vẽ sen của Nguyễn Thị Tâm, người xem dễ thấy lòng lâng lâng với rung cảm nhẹ nhàng, với mơ ước về một cuộc sống thanh bình, yên ả. Những cánh đồng sen bát ngát, lá hoa dập dờn trong gió sớm. Mục đồng thong thả trên lưng trâu. Thiếu nữ dịu dàng thấp thoáng giữa những thân sen mảnh mai, khiến người xem không biết đâu thực là hoa, đâu thực là người.
"Tôi thấy từ sen một bài học cuộc sống, bài học làm người. Đôi lúc tự hỏi, sao con người ta bon chen, cực nhọc, vất vả giữa những xô bồ để cuối cùng cũng trở về bùn đất. Vậy nên có lúc, tôi ngồi lặng ngắm sen để thấy lòng thanh thản hơn", nữ họa sĩ chia sẻ.
Ngắm tranh Nguyễn Thị Tâm, nhạc sĩ Miên Đức Thắng bày tỏ cảm xúc:
"Vẽ thì rất nhiều người vẽ. Nhưng vẽ được tấm lòng mình đối với quê hương để cho người khác mang quê hương mình vào trong mỗi phòng ốc, vào trong mỗi trái tim khi xa nhà, cái điều đó mới là đáng nói. Tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm đã đạt, đã chứa đựng được điều đó... Bức tranh là một thứ ngôn ngữ thầm lặng và điều này cũng nói lên được rằng tài nghệ của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm đã tạo nên những họa phẩm đầy ngôn ngữ trong không ngôn ngữ".
Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm sinh ra tại Mỹ Tho, Tiền Giang trong một gia đình công chức. Năm 5 tuổi, bà chuyển về Sài Gòn sinh sống. Năm 1958, bà tốt nghiệp khoa sơn dầu Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn Gia Định. Năm 1959, bà đỗ thủ khoa khóa sư phạm hội họa của Cao đẳng Mỹ thuật. Sau đó, bà dạy vẽ tại các trung học ở Mỹ Tho, Cần Thơ và cuối cùng quay lại Cao đẳng Mỹ thuật để dạy các môn bố cục và trang trí.
Năm 1984, bà rời Trường Mỹ thuật để có thời gian nghiên cứu sâu về tranh lụa. Bà mở lớp dạy vẽ tại nhà, truyền dạy cho nhiều lớp học trò về các kỹ thuật mới của loại tranh này. Tác phẩm của bà và học trò được triển lãm nhiều nơi tại Sài Gòn, Huế, Hà Nội, Hội An và nhiều quốc gia khác như: Pháp, Mỹ, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Thái Lan. Lào, Singapore, Trung Quốc...
75 năm tuổi đời, Nguyễn Thị Tâm có trên 20 triển lãm cá nhân tại trong và ngoài nước. Bà từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ nữ T.P HCM, Phó chủ tịch Hội nữ họa sĩ Quốc tế (INWAA - Việt Nam)...
Bài & ảnh: THOẠI HÀ
------------------------------------------------------
chúc mừng
hoạ sĩ
NGUYỄN THỊ TÂM
vào tuổi 84
blog Virgil Gheorghiu
Saigon , May 13, 2020
---------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét