Vĩnh biệt đại thụ nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Đan!
16/03/2019 21:53 GMT+7
TTO - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Ðan là tác giả của những bức ảnh ấm áp, thấm đẫm hồn quê Việt, được giới ảnh trong nước lẫn ngoài nước thán phục tôn vinh là 'Ông vua phong cảnh' hay 'Ngài hình ảnh'.
Lúc 18h ngày 15-3, giới ảnh nghệ thuật cả nước đều rất đỗi bùi ngùi khi nhận được tin cây đại thụ nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Đan sau thời gian lâm bệnh vì tuổi già đã về với cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 94 tuổi.
Sớm cầm máy ảnh từ lúc còn rất trẻ, ông thuộc thế hệ tiên phong góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho nền ảnh nghệ thuật Việt Nam, là "người viết sử bằng ảnh qua hai thế kỉ".
Một ống kính tài hoa
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Đan bước vào nghề ảnh chuyên nghiệp từ rất sớm. Đầu năm 1950, 25 tuổi, nhận quyết định phân công của Đông Dương tạp chí (Indochine Sud-Est Asiatique), ông vào Sài Gòn đảm trách chuyên mục Nước Việt mến yêu với sự góp mặt hùng hậu của một đội ngũ phóng viên nổi tiếng đương thời: Raymond Cauchetier, Jean-Pierre Dannaud, Raoul Coutard (Pháp), Lê Đình Chữ, Bàng Bá Lân, Nguyễn Duy Kiên…
Sử dụng chiếc máy ảnh Rolleiflex - dùng phim 6,5x9cm - hầu hết những cảnh đẹp suốt chiều dài đất nước: vịnh Hạ Long (Hải Phòng), bãi biển Lăng Cô (Huế), đồi cát Mũi Né (Bình Thuận), làng chài Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), đồi thông Langbian (Lâm Đồng), rừng đước Năm Căn (Cà Mau)… đều nhiều lần in dấu chân ông săn tìm những khoảnh khắc đẹp.
Kết hợp nhuần nhuyễn giữa khóe nhìn tinh tế cộng với sự trải nghiệm sâu sắc; đồng thời lại am hiểu tường tận kỹ thuật buồng tối - tự tay tráng phim, thành thạo phóng ảnh đen trắng lẫn ảnh màu - ở trình độ bậc thầy, ông sớm định hình được phong cách sáng tác kết hợp giữa lối tạo hình phương Tây với cốt cách phương Đông.
Những gam sắc độ trong ảnh được luân chuyển một cách tài tình, rực rỡ mà ấm áp, cứng cáp mà buông lơi… biến hóa tạo nhiều cảm xúc nơi người thưởng ngoạn.
Trong hai thập niên 1950-1960, hướng ống kính chuyên sâu vào mảng đề tài phong cảnh thiên nhiên và chân dung, ông đã được trao thưởng và nhận hơn 70 huy chương vàng, bạc, đồng trên đấu trường ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Không chỉ thành công ở lĩnh vực ảnh nghệ thuật, khoảng giữa thập niên 1960, ông khai trương ảnh viện "Mạnh Đan" tại nhà riêng - số 448 Phan Thanh Giản (nay là Điện Biện Phủ), quận 10 - thành đạt cả trong lĩnh vực ảnh thương mại với những bức chân dung theo phong cách cổ điển. Trải qua hơn nửa thế kỉ, hiệu ảnh nay vẫn đều đặn sáng đèn mở cửa hoạt động.
Gieo những hạt mầm nghệ thuật
Sau ngày đất nước thống nhất (tháng 4-1975), sát cánh bên các nghệ sĩ Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng, Phạm Kỉnh…, ông đến với các bạn trẻ - đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ - tận tâm, chăm chút gieo từng hạt mầm của ảnh nghệ thuật.
Thuở sinh thời, ông luôn nhắc nhở, căn dặn thế hệ trẻ với câu nói nổi tiếng: "Hãy chụp sự thật nhưng phải làm thật sự - Biến cái tầm thường trở thành phi thường".
Quê hương Việt Nam với bao địa danh, thắng cảnh làm ngây ngất lòng người. Trong tôi luôn là nỗi ray rứt triền miên, có những biến đổi qua từng thế hệ, có những biến đổi chỉ trong khoảnh khắc, vừa quay đi rồi nhìn lại đã thấy dáng vẻ thay đổi. Khi ngồi, lúc đứng, nhìn từ phía này, ngắm theo góc khác, cất bước ra đi, rồi lại bị cuốn hút trở lại với ước mong bù đắp những gì đã bỏ lỡ.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Đan
Sâu tình nặng nghĩa với mảnh đất phương Nam, tháng 10-1995, ở tuổi 70, lão tướng Mạnh Đan với mái tóc bạc phơ vẫn có mặt giữa biển trời mênh mông tại đồi cát mũi Né hùng vĩ, cùng hàng trăm phóng viên trong và ngoài nước ghi nhận sự kiện nhật thực toàn phần.
Những sử liệu ảnh quý giá
Rong ruổi suốt chiều dài đất nước, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đan mở 3 cuộc triển lãm ảnh cá nhân và xuất bản các sách ảnh nghệ thuật Quê hương Việt Nam (1966), Hình ảnh Việt Nam (2003).
Đặc biệt, tuyển tập ảnh Non sông nước Việt ấn hành năm 2011, là cuộc tập hợp tác phẩm chọn lọc của ba thế hệ trong một gia đình (gồm nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Ðan cùng các con Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Mạnh Sinh, Nguyễn Mạnh Ngọc và ba cháu nội là Nguyễn Mạnh Lâm, Nguyễn Mạnh Phúc, Nguyễn Mạnh Nguyên).
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Đan (1925-2019)
Với mối tình hơn 60 năm thủy chung cùng sự nghiệp nhiếp ảnh đến tận cuối đời, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đan được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1997). Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh có cống hiến xuất sắc (ES. VAPA - 2006), Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam, nhiều bằng khen của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM…
Trong thời gian 5 năm (từ 1959-1963), ông được phong tước hiệu Nghệ sĩ của Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh (RPS), Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA)…
Lễ viếng nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Đan bắt đầu 12h ngày 16-3 tại tư gia số 448 Điện Biên Phủ, P.11, Q. 10, TP.HCM. Lễ động quan diễn ra lúc 6h30 ngày 20-3, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Thiên Phước.
"Di sản ảnh qua hai thế kỷ" của ông là những sử liệu quý về đất nước hôm nay và mai sau, là chất men, niềm cảm hứng cho nhiều thế hệ.
Hình ảnh quê hương Việt Nam qua ống kính của Nguyễn Mạnh Đan (chất lượng ảnh không như ảnh gốc vì được chụp lại từ sách ảnh Non sông nước Việt của Nguyễn Mạnh Đan - NXB Văn hóa văn nghệ):
3 cuộc triển lãm ảnh "lịch sử"
Vào các năm 1952, 1953, 1954, vượt qua nhiều khó khăn, ông và các bạn ảnh cùng chí hướng: Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Đỗ Huân, Bàng Bá Lân, Nguyễn Cao Đàm… tổ chức được liên tiếp ba cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật tại phòng kính Nhà hát lớn Hà Nội.
Triển lãm mang ý nghĩa lịch sử, ghi nhận dấu ấn lần đầu tiên giới cầm máy ảnh người Việt tự đứng ra tổ chức triển lãm của chính mình - trước đó đều do giám đốc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, người Pháp, lên kế hoạch - rồi nhân đó tiến đến thành lập Hội Ảnh nghệ thuật Việt Nam… ./.
LÊ XUÂN THẮNG - HOÀNG THẠCH VÂN
=========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét