Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

một tạp chí văn nghệ độc lập sáng giá ở Sài Gòn " QUÁN VĂN' của Nguyên Minh / bài viết: Nguyễn Minh Nữu (USA) -- source: Blog Phạm Cao Hoàng

THURSDAY, APRIL 16, 2020

1535. NGUYỄN MINH NỮU Người ghi ký ức


Nguồn ảnh: shutterstock


Nói về Nguyên Minh là nói về nhóm Ý Thức và tập san Quán Văn, bởi vì cuộc sống của ông hầu như dành toàn ý để nhớ về Ý Thức ngày xưa và toàn tâm để thực hiện Quán Văn bây giờ. Nói chuyện với Nguyên Minh thì dẫu khởi đầu từ bất cứ đề tài gì thế nào rồi cũng quay về Ý Thức và Quán Văn.

Tôi gặp và làm quen với Nguyên Minh từ một người bạn thân thiết là Đoàn Văn Khánh. Khánh nói về Nguyên Minh với sự quý mến và trân trọng đặc biệt trước khi đưa tôi tới căn nhà trong ngõ nhỏ bên hông phi trường Tân sơn Nhất. Tôi biết về Ý Thức trước 75 như là một nhà xuất bản ấn phẩm văn chương của một số tác giả trẻ (thời bấy giờ) nhưng lại chưa bao giờ có dịp đọc tạp chí Ý Thức. Tôi có hỏi Khánh hồi đó sao mình không biết tạp chí này vậy ta? Câu hỏi này được tự trả lời sau khi gặp Nguyên Minh.

Tôi kém Nguyên Minh 7 tuổi, Khoảng cách tuổi tác đó khi bước vào tuổi 60 thì già chẳng khác gì nhau, như ở thời điểm Nguyên Minh 25 thì tôi mới 18, khoảng cách tuổi tác và môi trường sinh hoạt văn nghệ lúc đó cách nhau khá xa. Tôi sống ở Sài Gòn, Nguyên Minh và nhóm bạn thực hiện các sinh hoạt như tạp chí, in ần và xuất bản ở Phan Rang và nối tay ra miền trung như Nha Trang Tuy Hòa , Huế…Đến khi Nguyên Minh về Sài Gòn lập nhà in, xin giấy phép chính thức thực hiện tạp chí vào năm 1970, lại là thời điểm tôi đã rời xa Sài Gòn, sống ở cao nguyên Ban Mê Thuột, mỗi tháng về thăm phố vài lần, nối được chút sinh hoạt văn nghệ chỉ là vài tạp chí văn chương mà có lúc có tiền mua có lúc chỉ nhìn thấy bìa trên giá sách. Ý Thức (như lời NM kể lại) cũng chưa vào được hệ thống phát hành rộng rãi toàn quốc. Nhưng có điều vui là thời lưu lạc đó, tôi lại quen khá nhiều người mà sau này  mới biết họ là những người cộng tác với Ý Thức ngày xưa như Phạm Cao Hoàng,Trần Hoài Thư, Lê Văn Ngăn, Hoàng Khởi Phong, Thế Vũ, Chu Trầm Nguyên Minh…. Chính những người này cho tôi lòng yếu mến về tờ tạp chí ngày xưa đó.

Nguyên Minh có mái tóc lười, bạc trắng, đôi mắt to long lanh rất hồn nhiên, và đặc biệt là phong cách chuyện trò gần gũi thân tình. Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, với những gợi nhớ từ những quen biết chung, câu chuyện lập tức trở thành thân tình và tín cẩn.  Khi chia tay, giữ trong lòng tôi cái cảm giác quý mến .

Tháng 10 năm 2011, Nguyên Minh đứng ra chủ trương cùng một số người cầm bút nữa ra mắt Tập san văn học Quán Văn.  NM nhắn với Khánh gọi tôi ra uống cà phê và đề nghị tôi cùng với Khánh đứng ra điều khiển chương trình ra mắt Tập san Quán Văn số 1 này. Tôi nhận lời và nghĩ rằng tôi làm khá tốt nhiệm vụ cầu nối giữa người viết và người đọc Quán Văn, giữa người tổ chức và người tham dự buổi sinh hoạt đông đảo đó. Ngay sau buổi ra mắt, bước xuống lề đường, nhà văn Hoàng Khởi Phong (mà tôi coi như một người anh thân thích) vỗ vai tôi : "Cậu liều thật , nhưng cậu làm được lắm".

Tôi cũng chợt nhận ra mình ham vui nên liều lĩnh thật. Trong con số cả trăm người có mặt hôm đó kể cả ban tổ chức và khách tham dự, có lẽ tôi chỉ biết tên biết mặt khoảng hơn chục người,  Tôi xa Việt nam  đã hơn 15 năm, không có điều kiện để đọc các tác giả trong nước, và đôi khi về nước cũng chỉ rong chơi với bạn bè quen biết cũ nên không biết những người ngồi đó là ai, là độc giả hay là tác giả, hay là người thưởng ngoạn, hay là... Cầm cuốn Quán Văn số ra mắt trên tay còn thơm mùi mực mới, tôi chỉ đọc và làm quen với những tên tuổi  bằng cách đọc bài họ viết thế mà dám đứng ra giới thiệu…Tôi liều thật, nhưng có lẽ người đề nghị tôi làm MC mới thực sự là người liều hơn tôi.

Nhiều người đã nghĩ và cả nói ra không tin lắm về đường dài mà Quán Văn mong đi tới, bởi khó khăn nhìn thấy như khối lượng độc giả, hệ thống phát hành, và cả các văn hữu viết bài. Nhưng quả thật cách Nguyên Minh làm, cái Nguyên Minh nghĩ đã đưa Quán Văn từng bước gần gũi, quen thuộc với  sinh hoạt văn học đến nay đã bước vào năm thứ 8.

Từ đó, thật nhiều lần tới chơi toà soạn Quán Văn, chuyện trò và thân thiết với những người đang cộng tác tích cực với Quán Văn, ngoài Đoàn Văn Khánh là bạn cũ, tôi gặp và quen với Nguyễn Sông Ba, Trương Văn Dân, Elena, Hoàng Kim Oanh, Nguyên Cẩn, Từ Sâm, Hiếu Tân, Ngô Thị Mỹ Lệ... nên mấy năm sau, có dịp viết về Nguyên Minh như thế này:

"Tòa soạn Quán Văn"  thực ra chỉ là một căn phòng nhỏ, diện tích khoảng vài chục thước vuông, ở đó là sách vở, computer, máy in . Vòng quanh vách là mấy băng ghế để anh em ngồi chơi trò chuyện, khung của số nhìn xuống một khoảng sân mênh mông  vắng lặng của một góc phi trường Đây là một nơi gặp gỡ của rất nhiều người cầm bút, là nơi làm việc của nhà văn Nguyên Minh, một nhà văn cao tuổi nhưng có đôi mắt như trẻ thơ và  một cái đầu mơ mộng chất chứa biết bao nhiêu dự án hết sức mộng mơ.

Nguyên Minh cầm bút từ đầu thập niên 1960. Năm 1970, anh sáng lập tạp chí Ý Thức, với sự đồng hành của Đỗ Hồng Ngọc, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Trần Hữu Ngũ, Châu văn Thuận, Trần Hoài Thư, Phạm Cao Hoàng... Sau đó, trải mấy mươi năm sống với ngành in ấn,  năm 2011, anh chủ trương  một tuyển tập văn chương lấy tên là Quán Văn.  Với 4 tác phẩm văn xuôi,  mọi người gọi anh là nhà văn, nhưng ngay lần đầu tiên được gặp và làm quen với anh hồi năm sáu năm về trước, tôi nhìn thấy từ anh là một nhà báo - một nhà báo văn học.

Một người viết văn làm báo thì chỉ có thể làm một loại báo: đó là báo văn học vì tờ báo loại này đòi hỏi những khả năng khác với báo thông thường. Tờ báo bình thường đòi người chủ biên phải nhạy bén với kinh doanh, am tường chính trị, hiểu biết đời sống và nhất là thích nghi với thị hiếu độc giả. Những đòi hỏi đó Nguyên Minh không có, hay nói một cách khác là anh không mặn mòi gì với những thứ đó. Nguyên Minh có cái khác, đó là lòng yêu thích chữ nghĩa văn chương, và niềm đam mê với những sản phẩm in ấn.

Có một bất ngờ nào đó khi bắt gặp Nguyên Minh bên cạnh một tác phẩm văn chương mới được in ra, còn long lanh vết mực và ngát thơm mùi giấy mới, thì mới thấy được hết cái hạnh phúc của anh bên những sản phẩm mới làm. Xuất bản được Quán Văn và duy trì Quán Văn suốt năm năm qua là do một thiên khiếu riêng chỉ có ở Nguyên Minh. Suốt hơn 60 năm sống với chữ nghĩa, anh có giao tình, quen, biết rất nhiều người cầm bút, cộng thêm cách sống hòa nhã và chia sẻ, nên anh giữ được  mối thân tình với anh em gần xa. Nguyên Minh có khả năng cảm nhận và phân tích rất nhanh cái đúng sai, hay dở của một bản thảo gửi về. Và quan trọng hơn cả là anh chấp nhận các dị biệt trong văn chương, các dị biệt trong ứng xử  và cả những dị biệt trong cách nhìn, để rồi, trong căn phòng nhỏ làm tòa soạn Quán Văn đó, mọi dị biệt vẫn có thể trộn lẫn một phần riêng vào phần chung cho một ham thích thực hiện một sân chơi văn chương của mọi người.

Cái nổi bật nhất là sự chất phác và chí tình của Nguyên Minh đối với mọi người, nhiều nhất là những bằng hữu văn nghệ. Tác phẩm Mầu Tím Hoa Mua (nhà xuất bản Thanh Niên – 2014) là 12 tùy bút viết mênh mông từ thời thơ dại bên dòng sông Dinh ở Phan Rang, qua các đoạn đời viết văn làm báo ở Sài Gòn, lãng đãng những chuyến đi trong nước, ngoài nước  trong đó những mối tình ghi lại rất nhạt nhòa, nhưng lại rất thấm thía là tình bạn chữ nghĩa với văn chương.

Sẽ không gì ngạc nhiên, nếu trong một buổi họp mặt mà mọi người xôn xao chuyện trò cười đùa, Nguyên Minh chỉ góp vui với nụ cười hiền lành, nhưng cũng sẽ không gì ngạc nhiên nếu đề tài đó chuyển qua một tác phẩm văn chương, hay một tác giả văn học, Nguyên Minh mắt sáng lên, tham gia nồng nhiệt với những góp ý, những kỷ niệm gợi mở và các câu chuyện thú vị bí ẩn ... luôn luôn khởi đầu bằng câu: "Để nói nghe chuyện này vui lắm nè..."

Nghĩ  về Nguyên Minh là nghĩ đến một kho tàng ký ức văn học với những tác giả (Thơ, Văn, Nhạc, Kịch, Họa…) mà ông quen biết từ hơn nửa thế kỷ trước quây quần bên nhau trong một thú chơi tao nhã là văn chương.

NGUYỄN MINH NỮU
4/2020


Đoàn Văn  Khánh --  Trung --  Nguyên Minh --  Trương V. Dân   Elena --  Nguyễn Minh Nữu
Photo by Phạm Cao Hoàng - Maryland, 10.2015



source: TRANG VĂN HỌC  NGHỆ THUẬT PHẠM CAO HOÀNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét