Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

nhà văn Hồ Trường An [ i.e.Nguyễn Viết QUÂNG [ sau đổi thành QUANG 1939 - 2020] -- nguồn: < nguoi-viet.com>


nhà văn Hồ Trường An qua đời


-nhà văn Hồ Trường An tại tòa soạn một tạp chí văn nghệ khi ông từ Pháp qua thăm Hoa Kỳ. (Hình: Viên Linh/Người Việt)
TROYES, Pháp (NV) – Nhà văn Hồ Trường An qua đời hôm Thứ Hai, 27 Tháng Giêng, tức Mùng Ba Tết Canh Tý 2020, tại Troyes, Pháp, theo tin từ nhà văn Nguyễn Vy Khanh được gia đình nhà văn quá cố thông báo, hưởng thọ 82 tuổi.
Trong bài viết “Hồ Trường An và bộ ký sự văn nghệ 28 tác giả” trên nhật báo Người Việt hôm 24 Tháng Bảy, 2019, nhà thơ Viên Linh cho biết nhà văn Hồ Trường An sống và viết nhiều năm ở Paris, Pháp, song ông viết báo viết văn bằng Việt Ngữ, và bài vở đăng trên báo chí ở Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon, Westminster, California), nên sự nghiệp văn chương của ông tự nhiên là một phần của văn học miền Nam, Việt Nam hải ngoại.
Theo nhà thơ Viên Linh thì “Dường như anh đã sản xuất tới bảy cuốn truyện dài liên tiếp trước khi chuyển sang bút ký: ‘Lớp Sóng Phế Hưng’ (truyện dài, 1985); ‘Phấn Bướm’ (truyện dài, 1986); ‘Hợp Lưu’ (truyện dài, 1987); ‘Nửa Chợ Nửa Quê’ (truyện dài, 1987); ‘Đêm Chong Đèn’ (truyện dài, 1989).”
Cũng theo nhà thơ thì “mãi nửa sau của thập niên 1980, hay 10 năm sau của ngày miền Nam sụp đổ 30 Tháng Tư, 1975, Hồ Trường An mới thực sự nổi tiếng. Lúc ấy, 10 năm sau 1975, Hồ Trường An thực sự là một khuôn mặt văn chương nối kết của một nền văn học Việt Nam phân tán, giữa Việt Nam Trung Nam Bắc và Việt Nam quốc nội hải ngoại.
Nhà văn Hồ Trường An tên thật là Nguyễn Viết Quang, sinh năm 1938 tại Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long.
Ông còn có các bút hiệu khác là Đinh Xuân Thu, Đào Huy Đán, hai bút danh nữ Nguyễn Thị và Đặng Thị.
Ông cùng bản thổ với nhà văn nữ Nguyễn Thị Thụy Vũ, và là em ruột nhà văn nữ này.Khi đang học dở dang Dược khoa Sài Gòn thì nhập ngũ Khóa 26 (1967) Trường Bộ Binh Sĩ Quan Thủ Đức. Sau khi rời quân trường, ông lãnh nhiệm vụ là trưởng ban Chiến Tranh Chính Trị tại hai Chi Khu Trị Tâm và Lái Thiêu tỉnh Bình Dương từ năm 1969 tới năm 1971. Sau đó phục vụ tại Ban Thông Tin Báo Chí Quân Đoàn III và Quân Khu 3 cho tới Tháng Tư, 1975.
Ông viết truyện ngắn, thơ, điểm sách, viết tạp ghi. Và sau này ông viết các bài nhận định về kịch ảnh, tân nhạc.
Hồ Trường An cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Tin Văn, Tiểu Thuyết Tuần San, Minh Tinh, Sinh Hoạt Nghệ Thuật, với các nhật báo Tranh Thủ, Tiền Tuyến…Năm 1977, Hồ Trường An rời đất nước miền Nam qua định cư tại Pháp. Ông ở Troyes cho tới tận bây giờ.
Khi tị nạn tại hải ngoại, ông từng là tổng thư ký tòa soạn các tập san Quê Mẹ, tập san Làng Văn và cộng tác với nhiều tạp chí như Bút Lửa, Lạc Hồng, Viên Giác, Hồn Nước, Lửa Việt, Nắng Mới, Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Gió Văn, Hợp Lưu, Sóng, Đẹp, Xây Dựng, Hải Ngoại Nhân Văn, Phương Trời Cao Rộng, Người Việt…
Trong tác phẩm “Núi Cao Vực Thẳm” do nhà Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2010 thì “Tự truyện dài ‘Phấn Bướm’ ấn hành năm 1986 tới nay đã xuất bản gần 60 tác phẩm thuộc nhiều thể loại gồm 22 truyện dài, 12 tập truyện ngắn, 22 tác phẩm biên khảo và 2 tập thơ ‘Thiên Đường Tìm Lại’ (2002), ‘Vườn Cau Quê Ngoại’ (2003).” (Q.D.)
                                                   trích từ < nguoi-viet.com>



Volume 0%

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét