Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

'đêm hát nhạc có lời ... / cao mỵ nhân ' -- source: tạp chí tiếng vang / 15/ 02/ 2002 -- Sacto (USA)

'đêm  hát nhạc có lời / cao mỵ nhân'
tạp chí tiếng vang (usa) 15/ 02/ 2002


   'Đêm hát nhạc lời có lời/ Cao Mỵ Nhân'
  tạp chí Tiếng Vang/ Sacto / 15/ 02/ 2002


Bộ Tư lệnh Không lực VNCH : "nơi Thế Phong đeo lon 'trung sĩ nhất đồng hóa';  làm việc ở đây từ tháng 7 / 1968 tới 30 /04/ 1975.  
-- ảnh: internet
"... mà trước kia bạn văn cứ nghĩ  "Thế Phong cao bồi lang thang"-- ngoại trừ thời gian làm việc trong Bộ Tư lệnh Không quân [ VNCH] là nghiêm chỉnh."
 -- lời Cao Mỵ Nhân 


trái qua, trên xuống:

hàng thứ 1 : Huỳnh thị Thu Thủy +  Hoa, chị ruột của Thủy [THỦY là nhân vật truyện của Thế Phong
 ( THỦY & T6/ Thế Phong/ Saigon 1967 )   -- văn sĩ tiền chiến Nguyễn đức Quỳnh [1909 - 1974 Saigon]
hàng thứ 2: Thế Phong+ họa sĩ Vị Ý + tranh Vị Ý vẽ ca sĩ Khánh Ly (Dalat 1962)-- Thế Phong & vợ, Nguyễn thị Khê
hàng thứ 3: CAO MỴ NHÂN [1939-      ] , tác giả bài viết 'Đêm hát nhạc có lời'.
hàng thứ 4: Thế Phong --  nữ văn sĩ Linh Bảo  [i.e. Võ thị Diệu Viên 1926 -    ] 
hàng thứ 5:  Đinh xuân Cầu [1920 - 19 xx ] , tác giả Bên kia Bến Hải +Đôi Kính v.v...
 -- nhà văn Mai Thảo [ i.e. Nguyễn đăng Quý 1927- 1998 usa.]

 tư liệu ảnh: TP



                                                           

 lời ngỏ:


- bài viết dưới đây do nhà báo, nhà văn Thanh Thương Hoàng(Hoa Kỳ) gửi cho tôi đọc - ấy là sau khi'Hà Nội 40 năm xa' của tôi xuất bản ở Việt Nam (1999)--  Cao Mỵ Nhân, tác giả bài báo'Đêm hát nhạc có lời', nhấn mạnh:


"... Xuyên suốt những kỷ niệm của Thế Phong với các bạn văn, bạn viết ... xuất xứ từ Hà Nội xưa và nay của Thế Phong; tới ...  chuyện quanh số nhà số 108 phố Yết Kiêu, nơi nhạc sĩ Văn Cao qua đời. 
Thế Phong kể rằng: năm 1980, anh nhớ rõ là ngày mùng một Tết ở Sài Gòn; Thế Phong ghé chúc Tết người bạn thân,tên Nguyễn Á Châu, chủ nhà xuất bản Á Châu.   Ông Châu rủ Thế Phong ra quán  Lê Lai uống bia; để đợi người bạn khác, là nhạc sĩ Phạm Đình Chương (tức ca sĩ Hoài Bắc). (...). Ông Châu và Thế Phong uống đến chai bia thứ ba; thì nhạc sĩ Phạm Đình Chương tới.  Gặp Thế Phong, Phạm Đình Chương xiết tay anh thật chặt: "Mày còn làm thơ không? Mày có làm thơ hay, tao cũng 'đếch' phổ nhạc được ?"  (...)  Sau đó ba ông: chủ nhà xuất bản Á Châu, nhạc sĩ Phạm Đình Chương và nhà văn Thế Phong 'đấu láo' tới lúc chia tay -- ông Nguyễn Bá Châu cứ úp mở mời nhạc sĩ Phạm Đình Chương và nhà văn Thế Phong tới nhà ông dự buổi hát 'nhạc có lời' của Văn Cao vào đêm mùng một Tết đó. (1960) ... "
  
hoặc "một nhà văn Sài Gòn cũ trở thành "lơ xe bus", sau 30/04/1975:  

"... Một hôm Thế Phong rủ tôi đi chơi bằng xe 'bus' Thủ Đức đó, nhân thể xem cách làm việc  của một nhà văn cũ, sau 1975.  Tôi bỗng ngạc nhiên trước tính tháo vát, đầy khả năng lao động chân tay; nói năng bén nhậy, bất kể ... thiên hạ sự của anh; mà trước kia, bạn văn cứ nghĩ "Thế Phong cao bồi lang thang' -- ngoại trừ thời gian làm việc trong Bộ Tư Lệnh Không Quân Tân Sơn Nhất là nghiêm chỉnh ..."
  

 Thế Phong

Sài Gòn, thứ 3: Oct. 23, 2018.






Thế Phong
ảnh chụp ở Hà Nội (tháng 10/ 1995)
 (Bt)





                                                     đêm hát nhạc có lời 
                                                                 cao mỵ nhân
     

Sau ngày 30-4-1975, những người vốn sinh sống ở miền Nam; thì vừa lặng lẽ quan sát cuộc sống mới, vừa âm thầm tìm kiếm những đường dây để chuẩn bị ra đi tìm tự do ở bất cứ một quốc gia nào trên thế giới -- thậm chí sang Lào hay Campuchia, sách nách Việt Nam, cho dầu tình thế Lào hay Campuchia chẳng hơn gì quê hương Việt Nam thuở ấy.

Để điền vào chỗ trống ở miền Nam; và nhất là Sài Gòn -- hàng loạt lớp dân miền Bắc vốn XHCN từ 1954; bằng đủ phương tiện di chuyển đổ về phương Nam, bởi ai cũng thấy miền Nam rực rỡ, đất lành chim đậu.  Tuy họ không nói ra điều miền Nam Việt Nam chính là một xứ sở tự do; mà nhân dân miền Bắc, hiểu theo nghĩa đại chúng-- thì sống thoải mái, cởi mở hơn miền Bắc nghiệt ngã, theo XHCN quan liêu, phong kiến, khách sáo, tị hiềm; và luôn luôn mặc cảm ... tự tôn.

Bấy giờ vào khoảng thập niên 80, tôi vừa từ nông trường trở về thành phố -- ông hàng xóm lâu đời của tôi là nhà văn Thế Phong đang phục vụ trong ngành giao thông công cộng, tức ngành xe bus.

Anh ta, Thế Phong; thoạt thì đi xe kiểu "lơ xe" -- sau người ta khám phá ra: anh ta có biệt tài chữ nghĩa; nên đã đẩy anh vào một bàn giấy, để phụ trách cái việc chuyên môn 'điều tra về tất cả những tai nạn xe cộ do xe 'bus' gây ra trên tuyến đường dài nhất đô thành, là 'Sài Gòn- Thủ Đức'.


Một hôm Thế Phong rủ tôi đi chơi bằng xe 'bus' Thủ Đức đó; nhân thể xem cách làm việc của một nhà văn cũ, sau 1975.   Tôi bỗng ngạc nhiên trước tình tháo vát, tự nhiên, đầy khả năng lao động chân tay, nói năng bén nhậy; mà trước kia, bạn văn cứ nghĩ Thế Phong 'cao bồi lang thang' -- ngoại trừ thời gian làm việc trong Bộ Tư Lệnh Không Quân Tân Sơn Nhất là nghiêm chỉnh.

Thấy tôi trầm ngâm, nhà văn Thế Phong hỏi; nhưng không bao giờ anh ta trả lời :"Suy nghĩ gì vậy bạn? Lát nữa, tôi bàn giao 'ca' cho người khác, sẽ chở bạn đi chơi như ngày xưa. "

 Tôi vốn thuộc loại người luôn luôn để tâm hồn đi vắng; nên ừ hử, [còn]  hồn thì gửi mộng xa xôi.

 Xe chạy đến bến xe Thủ Đức; Thế Phong ào ào nhảy lên nóc xe phụ hành khách lấy quang gánh, thùng, giỏ, bao tời xếp trên nóc xe xuống; anh còn nói giọng thật lớn cho tôi nghe -- vì tôi vẫn chưa chen được để ra khỏi xe: "Mỵ cứ ngồi yên trong xe đi, lát bà con xuống hết thì ra, vội gì.".

Rác rến trên nóc xe được Thế Phong gạt hết xuống đường, bụi đất bay mù mịt.  Thế Phong bảo tôi:
 "Quay mặt vào trong, nín thở".

Rổi nghe 'ich' một cái, Thế Phong đã xuất hiện ở trước cửa xe 'bus', anh cười kha khà : "Xong rồi, mời bạn vô ... văn phòng tôi chơi".

Là những gian nhà gỗ làm tạm; hay, vốn có sẵn từ hồi nào, giờ được trưng dụng làm cơ sở xe 'bus' Thủ Đức.

  Tôi thấy Thế Phong điềm nhiên ra vô; giọng nói vẫn như thuở 2 chục năm xa xưa: "Này 'bố' (chẳng biết 'bố' nào trong đó); chiều nay tôi được nghỉ nghe : giờ có cô em từ ngoài 'vô' (chẳng biết anh  định nói tôi từ ngoài Bắc hay ngoài Trung 'vô' nữa.) ; tôi phải đưa đi kiếm họ hàng đấy".

Mấy người nhìn ra ngoài sân trống, thấy tôi đang lớ ngớ; mặc quần đen, áo sơ mi ngắn tay màu xanh lơ, tóc cắt ngắn, tay cầm nón lá -- Thế Phong cũng nhìn ra, biết tôi đang có vẻ nhăn nhăn, thì anh hất hàm cười 'toe': "Vô đây Mỵ,  đây là mấy bác làm chung xe".

Các ông ấy có lẽ sắp ăn trưa, nên cùng cười vẻ chất phác, mời xã giao: "Cô Hai ăn cơm luôn nha."
 Thế Phong cười 'tếu': "Ấy, ấy là cô Tư cơ đấy.  Sao cô Tư có muốn ăn cơm ở đây không nào?"

Tôi lắc đầu ngay.  Như trên tôi đã nói với Thế Phong, thì : 'từ trong văn chương đến ngoài cuộc đời; chẳng bao giờ anh ta chờ câu trả lời của ai ' -- do đó tôi đã thấy Thế Phong dắt xe đạp ra (chẳng biết của ai ; và,  ra dấu cho tôi giã từ trạm liên lạc xe 'bus' Thủ Đức đó -- bằng cách là chính anh chào tạm biệt họ: "Thôi  chào các ông, bọn tôi đi đây".

Thế Phong đã ngồi trên yên xe đạp, để chân xuống đất; chờ tôi ngồi lên yên sau -- nhưng dù đã mấy năm tập trung trong cải tạo, lại lao động ở nông trường Rạch Bắp -- và,  nhất là đã qua 2 thập niên quen biết Thế Phong, tôi vẫn đi bộ đủng đỉnh ra khỏi vòng  vào trạm liên lạc xe 'bus'; để rồi đứng lại bên  đường chờ Thế Phong 'rà' xe đạp tới.

Chẳng những Thế Phong biết tính tôi; anh còn quá rõ tính của hàng chục phụ nữ khác là; 'ai lại ngồi chễm chệ trước mặt mọi người đang dòm ngó "dị chết" '.   Người hàng xóm lâu đời của tôi vẫn cười toe toét; như thuở xưa  'dù có "đói" 3 ngày liên tiếp, anh vẫn cười' -- huống hồ bấy giờ (1980), nhà văn Thế Phong chế độ cũ đang thực sự "làm chủ cuộc đời anh".

"Thôi nào, lên xe đi ăn ở chợ Thủ Đức"--  [lời  mời của Thế Phong.]

Sau trưa, Thế Phong đạp  xe quanh đồi Thủ Đức: những dốc cao và những lối đi có nhiều cây lớn, hoa lá quen xưa; tôi cảm thấy thanh nhàn lắm -- bèn hát nho nhỏ bài 'Quê nghèo' của Phạm Duy:
 ' ... Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói / Có những đồng cát dài / Có lũy tre còm tả tơi ..." . Thế Phong nói trỏng: "Hát hay thế mà không học làm ca sĩ à?" -- " Học làm ca sĩ"-- (tôi cũng nói bâng quơ.)

 [Thế Phong nói tiếp:]

 "Hồi mới di cư vào Nam, Hoài Bắc bảo tôi (là Thế Phong) : "Mày làm nhà văn làm 'đếch' gì; đi làm ca sĩ nổi tiếng hơn ". À này, Cao Mỵ Nhân có biết hôm mồng một Tết vừa qua, ông Văn Cao ở Hà Nội 'vô' đây:- 'thằng kia', (ông giám đốc nhà xuất bản X. ) nó tổ chức 'hát nhạc có lời' cho ông ấy nghe đấy-- biết ai hát không, một mình Thái Thanh  thôi nhé; cả anh [của] Thái Thanh (tức ca sĩ Hoài Bắc), "chả" cũng có hát đêm đó, nhưng không ra mặt là nhạc sĩ  Phạm đình Chương đâu -- Hoài Bắc bắt thằng kia giấu biệt luôn, đêm đó ở phòng khách thứ 2 ở lầu 3 ở nhà thằng kia ... cũng có tôi  (Thế Phong) -- là vì  thằng đó hẹn Hoài Bắc và tôi tại  quán Lê Lai lúc buổi trưa --  rồi hắn úp mở mời Hoài Bắc với tôi đến dự 'Đêm Hát Nhạc có Lời' của Văn Cao.  Bởi, Cao Mỵ Nhân biết đó, vào năm 1980: "bố ai dám mở nhạc vàng; cho dẫu là nhạc của ...  HÀO ( ý nói  Văn Hào, Thi Hào ...)  Văn Cao, tác giả Tiến Quân Ca ." Thật là không tiền khoáng hậu Cao Mỵ Nhân ạ.  Tôi nghĩ  sẽ chẳng có lần thứ 2 như vậy đâu "nhạc Văn Cao do  ca sĩ thượng thặng Thái Thanh hát trong một khung cảnh hết sức hạn chế, kín như bưng vậy."


                                               phải qua: nhạc sĩ Phạm đình Chương (ca sĩ Hoài Bắc) 
                                             + ca sĩ thượng thừa Thái Thanh+ ca sĩ Hoài Trung  -- ảnh: internet
                                                                                          (Bt)

Thú thực hồi đó (1980); tôi không chú ý chuyện trên -- lý do; tôi đâu đã được yên tâm, thảnh thơi; khi mới ở trại cải tạo về, còn phải đi lao động nông trường; thì "văn nghệ, văn gừng chỉ tổ rắc rối."

 Hai mươi năm sau nữa, tức cuối thế kỷ trước, vào tháng 8-1999; Thế Phong cho in và nộp lưu chiếu tạp ký mỏng: 'Hà Nội 40 năm xa' -- do nhà xuất bản Thanh Niên phổ biến, khổ sách 13 x 19 cm.  Bìa trước do họa sĩ Đằng Giao (phu quân Chu Vị Thủy, tức con rể nhà văn quá cố Chu Tử) vẽ hình một thiếu nữ che dù hoa, ngồi dưới nắng vàng dịu, đợi người ...   Bìa sau là bức tranh ' Tháp Rùa Hà Nội' bên cạnh liễu rủ, có đám mây vàng, bay thật thấp; hay là một sắc hoa vàng rất Hà Nội xa xưa, của họ sĩ Lê [Nguyễn] Thị Tâm.


Hà Nôi 40 Năm Xa / Thế Phong
nxb Thanh Niên/ Hà Nội 1999 - bản in lần 1

bìa 1"... Bìa trước do họa sĩ Đằng Giao
 ( phu quân Chu Vị Thủy, tức con rể nhà văn quá cố Chu Tử) 
vẽ hình một thiếu nữ che dù hoa, ngồi dưới nắng vàng dịu, đợi người ..." -- lời Cao Mỵ Nhân.


                                               bìa 4: "... Bìa sau là bức tranh 'Tháp Rùa Hà Nội'  
                                          bên cạnh liễu rủ, có đám mây vàng, bay thập thấp -- hay là một sắc hoa vàng,
                                              rất Hà Nội xưa , của họạ sĩ Lê [Nguyễn] Thị Tâm ".  -- lời Cao Mỵ Nhân.
                                                                                                 (Bt)


Với 104 trang, một Hà Nội đã bốn mươi năm xa, Thế Phong viết nhân chuyến về Hà Nội dự Hội Nghị Les Temps Des Livres (Ngày Hội Sách), diễn ra từ 1-10-1995 tại Hà Nội do Trung Tâm Văn Hóa Pháp tổ chức.

Đọc 'Hà Nội Bốn Mươi Năm Xa' của Thế Phong -- bạn đọc sẽ thấy đầy đủ những Hà Nội trước 1954 đên 1955: từ phố xá, chợ búa, chùa chiền, nhà thờ -- và,  đặc biệt hơn một chút qua những hồi 'ức' về Hà Nội của hàng chục tác giả trong và ngoài nước ít năm gần đây , là một cây viết xanh rờn tàng trữ hàng trăm thứ kỷ niệm liên kết với những thân hữu, văn hữu một thời Hà Nội của anh -- như Phạm Hậu [thi sĩ Nhất Tuấn], Hồ Nam ... --  đồng thời với một Hà Nội với những tên tuổi  rực rỡ trên văn đàn, nghệ thuật như đã và đang còn tồn tại trong lòng người dân Hà Nội vẫn còn sống"Thăng Long Thành hoài cổ" -- hay là tản mác đi đâu đó, hướng về nhạc sĩ lừng danh của Việt Nam --  chẳng hạn "một Văn Cao vĩnh cửu, một Văn Cao chưa có ai thay thế ngôi vị của ông".


                                               nhạc sĩ tài danh  Văn Cao+ nhạc phẩm 'Tiến Quân Ca'
                                                                     ảnh: soha -- (Bt) 



Xuyên suốt những kỷ niệm của Thế Phong với các bạn văn, bạn viết ... xuất xứ từ Hà Nội xưa và nay của Thế Phong-- tôi ... tâm đắc nhất là câu chuyện quanh số nhà 108 phố Yết Kiêu, nơi nhạc sĩ Văn cao qua đời.

Thế Phong kể rằng: năm 1980, anh nhớ rõ là ngày mồng một Tết ở Sài Gòn; Thế Phong ghé chúc Tết người  bạn thân,tên Nguyễn Bá Châu, chủ nhà xuất bản Á Châu.

Ông Châu rủ Thế Phong ra quán Lê Lai uống bia, để đợi người bạn khác; nhạc sĩ Phạm Đình Chương (tức ca sĩ Hoài Bắc).  Nghe vậy, Thế Phong rất có lòng mong đợi... vì quá lâu anh chưa gặp lại người nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Thế Phong chợt nhớ một lần, từ hồi 1955, nhạc sĩ Phạm Đình Chương nói với anh:

 "... viết văn làm cái quái gì, chắc gì mày đã nổi tiếng; và, làm gì để có tiền in tác phẩm. "

Ông Châu và Thế Phong uống đến chai bia thứ 3; thì nhạc sĩ Phạm Đình Chương tới.  Gặp Thế Phong, Phạm Đình Chương xiết tay anh thật chặt:

"Mày còn làm thơ không? Mày có làm 'thơ hay', tao cũng 'đếch' phổ nhạc được."

"Sao lại vậy? "

"Báo phê bình  thơ mày 'đếch' có điệu, vần, thơ tự do 'hũ nút'; làm 'đếch' gì ông phổ nhạc được?"

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương vẫn hút thuốc lá Bastos de Luxe, ông tiếp:

"Bây giờ tao chỉ có dạy nhạc để kiếm cơm cho qua ngày đoạn tháng." 

Sau đó 3 ông: chủ nhà xuất bản Á Châu, nhạc sĩ Phạm Đình Chương 'đấu láo' cho đến lúc chia tay-- ông Nguyễn Bá Châu cứ úp mở mời nhạc sĩ Phạm Đình Chương và nhà văn Thế Phong tới nhà ông dự buổi hát nhạc có lời của Văn Cao vào đêm mùng một Tết năm đó . (1980).

Trong khi Thế Phong cứ tủm tỉm cười, vì ông Châu bằng giọng chậm rãi nói gần, nói a-- cố ý dò xem phản ứng của Phạm Đình Chương và Thế Phong thế nào; thì, nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào đề 'huỵch toẹt': " ... thì nói mẹ nó ra,  còn úp mở làm 'đếch' gì".

Ông Châu đành cho biết : 'tối đó tại phòng khách thứ 2 trên lầu 3 của ngôi nhà ông Châu, sẽ tổ chức nhạc có lời của Văn Cao.  Ngoại trừ 2 nhạc sĩ Văn Cao & Nghiêm Phú Phi, sẽ chỉ mời ca sĩ tài danh là Thái Thanh.'

Tất nhiên còn có một người khách [tuy không muốn mời, vẫn phải có mặt anh ta] -- đó là chàng thanh niên khoảng ngoài 20 tuổi mặc dân sự; nhưng quyền thế nấp sau áo quần, dáng điệu, lời nói.

Phạm Đình Chương nói với ông Châu: "Hai thằng tao (Phạm Đình Chương và Thế Phong) cùng tham dự; nhưng không được giới thiệu bút hiệu, Tên tao là Trung; và, thằng này tên thật là 'cái đếch' gì nhỉ?"

Phạm Đình Chương còn nhấn mạnh: "Phải dặn cả Nghiêm Phú Phi vậy; còn em gái tao thì khỏi cần, nó biết rồi. (tức Thái Thanh). "

Nhạc sĩ Văn Cao uống rượu, vuốt hàm râu; mỗi khi yêu cầu hát bài gì, ca sĩ hát bài đó: Buồn Tàn Thu, Suối Mơ, Thiên Thai, Đàn Chim Việt, Trường Ca Sông Lô, Không Quân Việt Nam, ... tới Trương Chi .

Anh bạn trẻ nêu  tên trên  kia,ngồi nghe cứ  nhấp nha nhấp nhổm -- anh ta thấy phạm quy quá rõ 'toàn hát nhạc vàng có lời' (*) - nên khó chịu ra mặt.

---------
* -  vào thập niên 80's ở tp.HCM, các quán chỉ được phép nghe " nhạc vàng hòa tấu 'không có lời'." -- (Bt) 

Nhạc sĩ Văn Cao biết ý, bèn cầm ly rượu tới mời cậu thanh niên tuổi trẻ; rồi nhạc sĩ choàng tay qua vai người bạn trẻ, chậm rãi nói:

"Anh từng là cán bộ công an trước 1945, như em bây giờ; lại còn nguy hiểm khổ cực hơn tí chút, vì là công an biệt động từng được phát súng hãm  thanh từ trước năm 1945.  Thế em có thích nhạc vừa hát không? bài 'Suối Mơ' chẳng hạn -- bởi anh (Văn Cao)  luôn luôn là kẻ thất bại về tình yêu;bởi anh không  giỏi tán chuyện với đàn bà; nên anh đốc tâm...bù vào sự thiếu sót ấy vào lời ca tiếng nhạc sáng tác của anh.  Em ạ, có thể em nghe không nghe 'Thiên Thai', 'Suối Mơ' lần nào; hoặc, em chỉ thích tiếng nhạc gầm thét, như nước đổ ầm vang 'Trường Ca Sông Lô'; hoặc,  hùng mạnh như 'Tiến Quân Ca', bài quốc ca chính anh là tác giả.  Như vậy, em thấy đủ đảm bảo về chính trị trong buổi tấu nhạc đêm nay rồi chứ?" 

Dường như người trẻ tuổi chưa hoàn toàn tin tưởng; hình như anh ta chỉ biết bài quốc ca mỗi khi được hát lên -- và, hình như tác giả cũng cảm thấy được điều này.  

Văn Cao thủ thỉ: "... bản nhạc của anh; chỉ riêng 'Tiếng Quân Ca' thôi, từ người thường dân đến ông có chức có quyền cao nhất; nghe nhạc tấu lên; thảy thảy đều phải đứng dậy -- kể cả những người không thích nhạc của anh".

 Tiếp, Văn Cao hát 2 câu đầu: " Đoàn quân Việt Nam đi..." -- người trẻ tuổi mới hạ bộ mặt đăm chiêu xuống; đứng dậy, lấy cớ bận công tác, đi một 'lèo' ra cửa ..." .
  (trích 'Hà Nội Bốn Mươi Năm Xa' của Thế Phong.)

Thế Phong ghi ngày nhạc sĩ ra đời năm 1923, không nhớ ngày, tháng-- nhưng có điều 'ông hàng xóm lâu đời của tôi, nhà văn Thế Phong' lại nhớ rất rõ ngày, tháng nhạc sĩ Văn Cao qua đời: 10- 07- 1995; 'bởi vì ngày sinh của Thế Phong là ngày 10-07 đó.'

Đọc 2 trang 68 + 69 nơi 'Hà Nội Bốn Mươi Năm Xa' của Thế Phong -- tôi bỗng xót xa, nhớ lại cách đây cũng đã 20 năm; khi nghe nhà văn Thế Phong 'chêm' vào câu chuyện vãn 'Đêm hát nhạc có lời của Văn Cao' -- thay vì tôi phải hỏi thăm anh về bối cảnh lịch sử đó thế nào; thì tôi lại dửng dưng, lo chiu chắt chuyện vui chơi ngắn ngủi-- vì những ngày kế tiếp còn phải đi nông trường, trồng cây xuất khẩu ở Bến Cát- Đồng Xoài.

Thì ra tôi cũng bị ảnh hưởng cách nhìn từ đám đông ngó về Thế Phong-- như một thách thức viển vông, có biết đâu những  điều anh nói, lại có thể đọc được dễ dàng, rõ ràng nơi sách truyện của anh.

Hẳn không phải là tưởng tượng với Thế Phong: 'những dữ kiện để viết đó, chính là kinh nghiệm, là sinh hoạt trong quá trình cuộc sống của nhà văn, đó thôi. ./.


CAO MỴ NHÂN


------------------------------------------
 trích từ tạp chí Tiếng Vang (15-02-2002)
------------------------------------------




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét