Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017
"một đoạn văn viết về BÙI GIÁNG / Thế Phong" -- Thư viết ở Sài gòn / Thế Phong/ Văn Uyển xuất bản, San Jose 2000.)
một đoạn viết về BÙI GIÁNG
(trích từ THƯ VIẾT Ở SÀI GỎN ...)
MỘT ĐOẠN VĂN VIẾT VỀ BÙI GIÁNG
Thế Phong
(ảnh: Newvietart.com.)
ĐI VÀO CÕI THƠ/ BÙI GIÁNG
"... Thế Phong hùng hậu ngang tàng bướng bỉnh. Bài thơ đi ào ào, lúc chan hòa tâm sự, lúc cộc lốc phiêu nhiên. Thơ cảm động vô ngần mà cũng lắm phen người ta phải bật cười thành tiếng. Thơ của ông Thế Phong là chỗ kết tụ của một tâm hồn tế nhị khôn hàn và nỗi gàn bướng khó tả. Ông lÀm giàu cho thi ca hiện tại không phải là ít." --
( Đi vào cõi thơ/ Bùi Giáng.)
Ngay tên của người bạn trẻ gần 40 năm, nay đổi sang tên Mỹ; nhìn trên phong bì và chữ ký thấy hơi kỳ kỳ. NGUYỄN TIẾN SƠN nay là Son Tien Nguyen -- cảm tưởng của tôi là: hồ như bạn ta cùng họ với ông Sơn Ngọc Thành, người Campuchia hoạt động chính trị trước 1975, ở Sài gòn.
Như vậy, anh em mình bắt lại liên lạc với nhau từ mấy tháng nay; nhờ nhà văn nữ Hàng Ngọc Hân điện thoại cho biết, " có tấm ảnh Tiến Sơn gửi từ Mỹ về cho anh đấy.".
Sang bên nhà; gặp phu quân nhà văn kiêm phê bình gia văn học Uyên Thao đang ngồi trước máy vi tính lay out (dàn trang) mấy tác phẩm của vợ và của chính anh: gồm những truyện ngắn đăng rải rác trên các báo Sài gòn xưa; với nhiều bút danh khác nhau. Anh Uyên Thao, người đổi tên thật nhiều nhất-- đầu tiên là Vũ Loan, rồi Vũ Viết Loan; rồi Vũ Hoàng Hà-- cuối cùng Chương Lĩnh Thao -- và, hiện tại là :"cho tôi nói chuyện với ông Vũ Quốc Châu."
Điện thoại của anh lắp song song với chủ nhà. Vui, người ta báo gọi lên gác-- không vui (bởi người thuê nhà thường chậm trễ trả tiền nhà); buộc phải gọi lần nữa. Cú điện thoại thứ hai này, bà Ngọc Hân, hoặc ông Uyên Thao mới được cầm máy lên nghe.
phải qua, hàng thứ 2: Uyên Thao + vợ, nhà văn Hàng Ngọc Hân
trái qua: hàng thứ 3 (ảnh 1): Thế Phong+ Bùi Giáng+ Ý Nhi
...
( tư liệu ảnh: TP.)
Tôi cảm động nhìn tấm ảnh chụp vào năm 1959, tháng 11 với Nguyễn Tiến Sơn (Son Tien Nguyen). Thời kỳ này, tôi mang kính râm hiệu Rayban, chẳng nhìn thấy tròng mắt đâu cả; lại còn thắt cà-vạt buông thõng -- khiến bà Cao Mỵ Nhân viết trên báo Saigon Times: "cái thòng lọng chưa hay là đang chờ thắt cổ anh ta ..."
Một anh bạn cùng học một lớp với Son Tien Nguyen là Đinh Ngọc Mô (lớp 2 C Chu văn An/ Saigon) như thư viết của Sơn , cho biết:
"... Sau giờ học 2 bạn trẻ tuổi đến gặp thầy dạy tân văn, hỏi: " Thầy có đọc tập thơ' nếu Anh Có Em Là Vợ .." của Thế Phong in rô-nê-ô không? " Ông thầy Vũ Khắc Khoan nói ngay: "Vóc dáng hay, được, bướng bỉnh và ngang tàng." . Và nay , thầy Khoan của chúng em đã qua đời tại Mỹ vào năm 1986. Còn anh Mô, sau là người sáng lập chương trình 'Đố Vui Để Học' trên đài truyền hình Sài gòn xưa; Mô học giỏi nhất lớp Đệ Nhị C, cũng qua đời ở Pháp năm 1985. Nay em đọc lại cuốn thơ của anh mới tái bản có ý kiến đọc già bay tỏ về cuốn này; như vậy là quá đầy đủ. Nhưng em thích nhất là ý kiến của Bùi Giáng nhận xét: "Thế Phong hùng hậu ngang tàng bướng bỉnh. Bài thơ đi ào ào, lúc chan hòa tâm sự, lúc cộc lốc phiêu nhiên. Thơ cảm động vô ngần mà cũng lắm phen người ta phải bật cười thành tiếng. Thơ của ông Thế Phong là chỗ kết tụ của một tâm hồn tế nhị khôn hàn và nỗi gàn bướng khó tả. Ông làm giàu cho thi ca hiện đại không phải là ít. ".
Bùi Giáng qua đời ở Sài gòn rồi; ngày 7 tháng 11 năm 1998 -- sau nhà phê bình nổi tiếng tiền chiến; Thượng Sỹ-Nguyễn Đức Long, 2 ngày.
Trước cửa chùa Vĩnh Nghiêm, một tấm băng-đơ-rôn màu gụ kẻ hàng chữ lớn LỄ TANG THI SĨ BÙI GIÁNG. Rất nhiều văn nghệ sĩ đủ miền: miền Bắc, miền Trung+ miền Nam.
Buổi đưa tang vào ngày chủ nhật, gặp nhà thơ Phổ Đức dắt vợ đi; nhà văn Dương Nghiễm Mậu (chàng này rất ít khi xuất đầu lộ diện; chỉ ở nhà làm tranh sơn mài bán; và nếu có bạn rủ đi uống cà-phê; anh ta luôn luôn yêu cầu không quá 2 người.).
Và, tôi cũng mới quen được một tác giả . tự khai tên Chinh Văn đi cùng với anh là Phan Đắc Lữ. Ông bạn này đọc ngay cho nghe 2 câu thơ của"thầy Bùi Giáng":
Chim quyên làm tở dưới biền
Vợ thì có đó nhưng tiền thì không
Ông bạn này còn nói nhiều đến"thầy Bùi Giáng"; nhưng tôi lại nghĩ miên man đến câu chuyện khác, cách đây cả 5, 6 năm.
" Một chiều, tôi và nhà tôi; mỗi người một xe đạp đến đường Mai Xuân Thưởng (phường 11, quận Bình Thạnh) thăm tín hữu của Hội thánh Báp-tít Ân điển Saigon. Bởi, chúng tôi là nhân viên trong Ban Chăm sóc thăm viếng; hàng tuần nhận phiếu đi thăm tín hữu theo khu vực. Khi rẽ qua đường Phan Văn Trị ; bỗng nghe có tiếng gọi tên tôi thật lớn -- quay lại, một lão niên tóc dài, áo quần không mấy thẳng thớm đang ngồi bên vệ đường, tay cầm xị rượu nhìn chiếc dĩa nhỏ hết 'mồi nhắm'. Thấy tôi ghé lại; bà chủ tiệm chạp-phô liền đi ra, hỏi:
" Ông là bạn ông này?"
" Vâng, thưa có chuyện gì không ạ.?"
" Từ sáng đến giờ; ông này uống rượu , nói lảm nhảm, ám quẻ tiệm tôi; khiến ai cũng hỏang sợ, không ai dám vào mua hàng. Ông làm ơn có thể chở ông ta đi giùm; tôi xin đội ơn, còn 10 ly rượu + đồ nhắm, tôi xin được không tính tiền."
"Thưa, nhiều lắm không khoảng bao nhiêu tất cả.?"
" Khoảng 10 ly rượu đế+ con mực nhỏ nướng, khoảng 4 ngàn đồng thôi."
Tôi trả tiền xong; nhà thơ leo lên ngồi sau xe đạp; tôi chở về hướng Saigon. Bùi Giáng bảo tôi:
" Mi cho 'tau 'đến Cầu Kiệu gặp thằng Hùng dạy đàn, sáo; vì thằng cháu tao ở Đức về hẹn 'tau' ở nơi ni ."
Khi gần đến Cầu Kiệu trên đường Phan Đình Phùng (xưa: đường Võ Di Nguy), Bùi Giáng ngồi nhấp nha nhấp nhổm ; lúc đứng lên; khi ngồi sập xuống làm xe đạp mất thăng bằng, súy té. Một tay đạp xích-lô nhìn thấy, nói lớn:
" Thi sĩ lão niên Bùi Giáng hôm nay không mặc quần áo đủ mầu sắc múa ở ngoài đường nữa sao?"
" Tau thích thì múa, không thì 'tau' không múa. được không mậy' "
Phải rồi, đã từ lâu Bùi Giáng mặc quần áo đủ màu, áo xống vá đụp hàng chục mảnh; đeo túi bên hông, tay cầm gậy múa may, miệng cười rất tươi. Ông 'thi sĩ nửa tỉnh nửa điên' này đi đến đâu, trẻ con theo đến đó; miệng ông la toáng, chửi bất cứ kẻ đó là ai, ông thích ông lôi tên ra sỉ vả. Cảnh tượng này quen với dân Sài gòn; bữa nay gặp ông ở Ngả Bảy, mai Tân Định, mốt Phú Nhuận -- riêng tôi thì chưa gặp ông lần nào ở trung tâm Sài gòn. Lúc thấy vợ tôi rẽ sang đường Huỳnh Văn Bánh (đường Nguyễn Huỳnh Đức cũ); Bùi Giáng hỏi tôi:
" Vợ 'mi' đi 'mô'?"
" đến Hội thánh Báp-tít Ân điển, trên đường Nguyễn Văn Trỗi."
" vậy là không còn đi thờ phượng ở Trần Cao Vân sao?"- Bùi Giáng hỏi.
gia đình Đỗ Mạnh Tường (Thế Phong)+ Nguyễn Thị Khê
+ bà Bùi thị Phương Giản ( mẹ vợ Thế Phong -- người thứ 3 từ trái sang)
+ các con đều là tín hữu Hội thánh Báp-tít Ân điển Saigon
ban hát trung niên Hội thánh Báp-tít Ân điển Saigon
hàng sau cùng: Thế Phong + Lê Tàu
hàng thứ 2: Nguyễn thị Khê ( vợ Thê Phong)+ X... + X...+ BạchMai
"Bùi Giáng hỏi tôi (ThếPhong): " Vợ' mi' đi' mô'?" -- " .. đến Hội thánh
Báp-tít Ân điển , trên đường Nguyễn Văn Trỗi "... --TP trả lời .
mục sư Hồ Hiếu Hạ [ 1942- ] -- (ảnh chụp ở Hoa Kỳ.)
"... Mục sư Hồ Hiếu Hạ chủ tọa [Hội thánh Tin lành Trần Cao Vân] mừng rỡ ra mặt; bởi mục sư nhớ tới trước khi Bùi Giáng tin nhận Chúa; đã có ký giả Anh Quân, nhà báo Sài gòn cũ + cháu Kiều Giang, con của nhà báo Hoàng Hải Thủy cũng đã tin nhận Chúa Giê- xu..."
trái qua, hàng thứ 2: nhà văn Thanh Hữu + Thế Phong (giữa)
+ nhà văn HOÀNG HẢI THỦY [1933- ] (cuối cùng)
(tư liệu ảnh: TP.)
Chắc là Bùi Giáng nhớ lần tôi dẫn tới Hội thánh Tin lành Trần Cao Vân nghe truyền giảng Tin lành; nghe xong; ông giơ tay "tui bằng lòng tin nhận Chúa Giê-xu".
Mục sư Hồ Hiếu Hạ chủ tọa mừng rỡ ra mặt; bởi mục sư nhớ tới trước khi Bùi Giáng tin nhận Chúa; đã có ký giả Anh Quân, nhà báo Sài gòn cũ+ cháu Kiều Giang, con của nhà báo Hoàng Hải Thùy cũng tin nhận Chúa Giê-xu .
Lúc này, nhà báo Hoàng Hải Thủy + Alice phu nhân đã là tín hữu đấng Christ, vợ chồng thường đi thờ phượng Chúa ở Hội thánh Tin lành Hòa Hưng; do truyền đạo Nguyễn Quốc Dũng làm chủ tọa.
Tôi không cho Bùi Giáng biết tin Hội thánh Tin lành Trần Cao Vân đã bị 'đóng cửa'; mục sư chủ tọa bị bắt đưa đi cải tạo; -- và , khi mục sư Hồ Hiếu Hạ được trả tự do, từ trại cải tạo về, được đưa thẳng ra phi trường Tân Sơn Nhất để đi Hoa Kỳ.
Đến Cầu Kiệu/ Phú Nhuận rồi; Bùi Giáng biết tay dạy đàn đi vắng; Bùi Giàng bảo tôi chở đến nhà một ai đó trên đường Nguyễn Phi Khanh/ Tân Định để gặp cháu, tên Bùi Kiến Thành mới ở Đức quốc về Sài gòn. Tôi nhìn đồng hồ rồi lắc đầu; bởi trễ giờ nhóm ở Hội thánh Báp-tít rồi.
Bùi Giáng giận dữ, ra lệnh"
"Mi phải đưa 'tau' đi., nghe không?"
" Tao bận rồi; vậy thì còn ít tiền lẻ đây; mày cầm đi xe ôm tiện hơn."
Thấy ít tiền; Bùi Giáng lắc đầu; vẫn nhất định bắt tôi chở đến Nguyễn Phi Khanh; nhưng tôi lắc đầu, gằn giọng:
" Không 'phải' không'trái' gì cả. Tao không nghe lệnh của bất cứ thằng nào, kể cả mảy; mày chê ít ; nhưng tao chỉ có vậy; không thì mày chịu khó lội bộ. Bởi mày là 'vua đi bộ' mà. Thôi xuống xe đi, còn chần chờ gì nữa; tao phải đi đây."
Búi Giáng đành phải xuống xe. Đạp xe được một đoạn; tôi ngoái cổ lại; thấy Bùi Giáng hãy còn đứng đó; tay giơ quả đấm lên không trung, như đang 'đấm gió' về phía tôi.
Cho đến năm 1993, vào một buổi sáng gần tết Trung thu-- tôi đến Chi nhánh nhà xuất bản Hội Nhà văn VN tại phía Nam -- thời kỳ này các cửa hàng trên đường Hai bà Trưng bàn đầy đèn trung thu đủ loại. Gặp Ý Nhi , chúng tôi đang trò chuyện; thì Bùi Giáng tới. Bùi Giáng ngồi xuống; thì Lữ Quốc Văn đứng dậy cầm máy ảnh bấm lia lịa: giáo sư Nguyễn Lộc, phu quân Ý Nhi+ tôi+ Ý Nhi ngồi trên băng ghế dài sa-lông. Ý Nhi tưởng là tôi chưa biết phương danh 'thi sĩ Bùi Giáng', bèn giới thiệu tên tôi với Bùi Giáng; thì Bùi Giáng chỉ tay vào mặt tôi:
" Không phải Thế Phong đâu; 'tau' biết nó đi Mỹ từ lâu rồi! "
Như làm mặt lạ với nhau; tôi ra 'đòn':
" ... bà Ý Nhi giới thiệu đây là ông Bùi Giáng làm thơ, phải không?"
" ... vâng, là anh Bùi Giáng; ở Sài gòn từ trước tới nay, cũng chỉ có một anh Bùi Giáng thôi ạ."
" ... bà nói đúng; chỉ có một ông Bùi Giáng làm thơ. Đúng; nhưng Bùi Giáng làm thơ của Sài gòn trước kia đã chết ở cầu Trương Minh giảng, vào ngày đầu của sau 30 tháng 4, 1975 rồi.
Bùi Giáng trợn tròn mắt nhìn tôi, cái nhìn thật khinh bỉ, không nói ra.
Ý Nhi hỏi:
" Anh nhầm rồi; đây chính là anh Bùi Giáng. Anh Thế Phong không biết mặt anh Bùi Giáng, thật sao
"... biết; nhưng anh ấy qua đời rồi. Nếu còn, là Bùi Giáng 'giả.' Sau 30/4/ 1975, Bùi Giáng 'thật' từ viện Đại Học Vạn Hạnh đi ra; với bộ quân phục, đeo lon đại tá Việt Nam Cộng Hòa, huy chương đầy ngực thủng thẳng"ắc-ê" trên cầu Trương Minh Giảng. Bộ đội miền Bắc thấy vậy, bèn 'ách' lại, súng lên đạn 'rôm rốp'. Bùi Giáng sợ quá, đưa tay vào túi quần, lấy bộ khoá còng số 8 tự khóa 2 tay mình vào nhau; vứt chìa khóa xuống sông; rồi nhảy 'ùm' xuống cầu kinh nước đen dưới chân cầu Trương Minh Giảng.
" ... anh Thế Phong nói chuyện 'tiếu lâm' đấy, phải không ? Ý Nhi tiếp lời. Em mới tái bản tập thơ
" Mưa Nguồn" của "ảnh". Vợ anh Bùi Giáng là họ hàng với gia đình em ở Quế Sơn.
Đúng lúc này, tác giả" Mưa Nguồn" lên tiếng:
" 'Nương tử' biểu cô thư ký đem ra đây cho ta dăm cuốn, hỉ?"
Thế rồi, ông ta quì xuống sàn nhà, mở cuốn thơ, rồi đặt lại lên bàn sa-lông; cầm bút loay hoay viết . Lại giở sang trang khác viết tiếp; viết xong 2 trang rồi trao lại cho Ý Nhi. Trưởng chi nhánh nxb Hội Nhà Văn cầm tập thơ ra xem: - trang 1 ghi tặng :"nương tử Ý Nhi"; qua trang 2, đề tặng"Thế Phong đại ca".
Ý Nhi thấy vậy; trao lại tập thơ cho tôi. Cầm tập thơ, tôi trả lời 'chỏng':
"Thế Phong' thật' đi Mỹ rồi, như tác giả' Mưa Nguồn" vừa cho biết. Vậy sao Thế Phong này lại được tặng thơ chung một cuốn với 'nương tử Ý Nhi'. Vây thì, 'cái thằng Thế Phong này từng có biệt danh "Thằng Phải Gió" là "giả " đấy, hỡi ông thi sĩ, tác giả "Mưa Nguồn" ạ."
Bùi Giáng nghe xong, không nói năng gì, cầm một bó tiền từ tay cô Hà (thư ký);rồi đưa lên tay bật từng tờ đếm xong bỏ vào túi, ra hiệu cho người cháu chở đi .
Ý Nhi thấy vậy, hỏi tôi, "sao chuyện này ly kỳ thế?" .
Bèn kể lại cho ÝNhi nghe lần tôi Bùi Giáng đi xe đạp về Cầu Kiệu/ Phú Nhuận tìm cậu người quen dạy đàn, cậu ta đi vắng; Bùi Giáng lại bắt tôi phải chở sang Nguyễn Phi Khanh tìm 'người cháu tên là Bùi Kiến Thành mới ở Đức quốc về Saigon'. -- nhưng tôi mắc bận phải đi nhóm tại Hội thánh Báp tít; bỏ ông ta xuống đường; từ đấy ông ta giận tôi, nay làm mặt lạ đấy thôi!
Ý Nhi (trái)+ Thế Phong
(ảnh: nhà báo, thi sĩ Nguyễn Quốc Thái.)
phải qua: Ý Nhi+ thi sĩ tài danh BÙI GIÁNG+ Thế Phong
( ảnh: Lữ Quốc Văn chụp tại Chi nhánh nxb Hội Nhà văn VN tại tp. HCM.)
Ý Nhi [ i.e. Hoàng thị Ý Nhi 1944- ]
(Đinh Cường ký họa)
(...)
"Ý Nhi này; bà có muốn nghe bài thơ Hoàng Hương Trang khóc Bùi Giáng qua đời, không nhỉ? "
Ý Nhi gật đầu.
và đây là "bài thơ phúng thích rất 'đáng đồng tiền, bát gạo' ":
TRƯỚC MỘ BÙI GIÁNG
Bùi Giáng, thơ anh chẳng Bán Dùi
Búi Giàng, Bàn Giúi mải rong chơi
Ta bà tám cõi ngày vui múa
Chiều vơi trở lại mái hiên chùa
Nốc đế, vểnh râu cười cõi tạm
Ôm thơ, ngạo nghễ chốn xa mờ
"Yêu em mọi nhỏ" trong rừng rú (*)
Bóp vú Liên Xô giữa thành đô (***)
Mẫu thân, Kỳ nữ, Ni cô đó
Kim Cương, Trí Hải , Mông-Rô ơi! (1)
Gẫm thân anh sướng nhất đời
Vốn dăm ba vận, thu lời nhiều ghê!
Thơ anh cười ghẹo, chọc quê
Thơ anh lái, líu, ê hề, hôn mê
Anh về lội suối vàng , khe
"Bàn chân với nước có đè lên nhau?" (*)
"Ngàn thu rớt hột", còn đâu? (*)
"Lá hoa cồn", vẫn đượm mầu an nhiên (*)
Anh nằm đây có ưu phiền?
"Có nghe giọt nước" ... đỡ ghiền cõi âm (**)
Biết rằng rồi sẽ biệt tăm
Nhưng đêm nay chỗ anh nằm rất đông
Anh nghe không, anh biết không?
Nào thơ, nào rượu vang âm mộ phần
Anh còn sướng hơn cõi trần
Bạn anh còn mải gieo vần kiếm cơm
Khói hương nghi ngút chập chờn
Mừng anh đi, với cõi hồn-điên-thơ.
Cái còn là cái đã cho
Anh cho nhân thế một kho thi tài
Anh đã vui suốt cuộc đời
Coi như quả đất nụ cười tròn vo
Cái đau, cái khổ, đói no
Anh đều đã trải, hư vô mịt mờ
"Dạ thưa xứ Huế bây chừ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương" (*)
Dạ thưa xứ Quảng vẫn buồn
Thiếu anh, thiếu một nguồn hương diệu kỳ
Thôi anh ở lại, tôi ...
HOÀNG HƯƠNG TRANG
Saigon 1999
trái qua: các nhà thơ nữ Tâm Uyên+ HOÀNG HƯƠNG TRANG [1938 - ]
+ Thế Phong [1932- ] + Trần Thiện Hiệp [1935- ] + Hoàng Vũ Đông Sơn [ 1939- 2014]
+ Lê Thị Kim [ 1950- ] + nhà báo hải ngoại Đặng Văn Nhâm [1933- ]
----------------
(*) - những câu thơ ; hoặc nhan đề những tập thơ của Bùi Giáng.
(**) - Bùi Giáng từng viết trong sách: ' mong su khi chết, các người đẹp mà ông từng ca tụng; sẽ đến [bên mồ ông] nhỏ lên
'những giọt nước thải trong người'; [ thì] ông sẽ coi đó là những hạt kim cương lóng lánh mà các nàng dâng tặng.
(***) - sau 1975, Bùi Giáng đi ta-bà khắp Saigon; tình cờ giữa đường Đồng Khởi ( đường Tự Do, Catinat cũ) gặp vợ chồng Liên Xô đi dạo; ông [bèn] phóng tay "bóp vú bà vợ". Bà Liên Xô này oai oái la. rồi gọi công an Việt Nam đến can thiệp; thì Bùi Giáng tỉnh queo giải thích với công an + bà Liên Xô , bằng tiếng Nga: "Tôi không có ý dâm tà, chỉ muốn coi thử cái vú sữa Liên Xô có đủ sức nuôi nổi dân Việt Nam không?" -- ( sau 30/4/1975, Bùi Giáng tự học tiếng Nga)
. (HHT chú thích)
(1)- Marilyn Moroe ( Hoa Kỳ). (Bt)
[]
THẾPHONG
(trang 42- 50 THƯ VIẾT Ở SAIGON/ THẾ PHONG.)
THƯ VIẾT Ở SAIGON/ THẾ PHONG
(Văn Uyển xuất bản, San Jose /USA 2000.)
---------------------------------------------------------------------------- tưởng nhớ thi sĩ tài danh BÙI GIÁNG
blog Virgil Gheorghiu/ Tp ( July, 6/ 2018.)
-----------------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét