Tưởng Nhớ Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm (1916-2001)
Bước vào nghệ thuật nhiếp ảnh trong những tháng năm bộ môn này còn sơ khai tại Việt Nam, ông Nguyễn Cao Đàm đã trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới và là người có công tạo nguồn cảm hứng nghệ thuật cho nhiều thế hệ nhiếp ảnh gia Việt Nam.
Sinh ngày 12 tháng 5 năm 1916 tại Vĩnh Trung, Hà Đông, ông Nguyễn Cao Đàm bắt đầu nhiếp ảnh từ năm 1949 ở tuổi 33, theo một số tài liệu. Khởi đầu của niềm đam mê chụp ảnh được ông ghi nhận qua một chuyện tình cờ: “Có một tác phẩm làm tôi rung động đến sửng sốt, đó lá tác phẩm chụp mấy chiếc lá súng sau cơn mưa của Phạm Ngọc Chấn. Những giọt nước trái sáng, sao mà long lanh đến thế… Tác phẩm làm tôi rung động mãnh liệt. Tôi thấy đó là tôi, với hết nghĩa của nó. Mà có gì đâu, chỉ vài cái lá súng và vài giọt nước… Làng tôi là vùng nhiều nước, lá súng có rất nhiều, mà sao lâu nay tôi không để ý đến. Mà vùng quê tôi còn nhiều thứ đẹp nữa… Tôi bắt đầu cầm máy. Nói về đề tài sáng tác: Quanh nhà chúng ta, quanh ngõ chúng ta, quanh làng chúng ta, quanh đất nước chúng ta, đâu đâu cũng là một kho đề tài vô tận. Và nhà ảnh đeo máy lên vai”.
Đầu thập niên 1950 tại Hà Nội, bầu không khí văn nghệ đang bừng bừng sức sống với nhóm Tự Lực Văn Đoàn và nhu cầu cải cách xã hội. Tuy mới cầm máy 3 năm, ông Nguyễn Cao Đàm đã gây kinh ngạc cho giới nhiếp ảnh với tác phẩm “Mưa Đêm” trong cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 1952. Đây cũng là cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật đầu tiên của ngành nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam tại Nhà Hát Lớn thành phố Hà Nội, trong đó có ông Nguyễn Cao Đàm và 20 nhà tiền phong của ngành ảnh nghệ thuật Việt Nam: Trịnh Văn Bách, Phạm Ngọc Chất, Nguyễn Văn Chiêm, Ðỗ Văn Cương, Nguyễn Lê Giang, Nguyễn Ðạo Hoan, Nguyễn Ðức Hồng, Ðỗ Huân, Tchen Fong Ku (Trần Phong Cừ), Bàng Bá Lân, Lê Văn Lễ, Tchen Fou Li (Trần Phục Lễ), Phạm Văn Mùi, Võ An Ninh, Trịnh Ðình Phượng, Dương Quỳ, Trần Lê Sinh, Nguyễn Trọng Sơn, Bùi Quý Vụ (Bùi Quý Lân) và Lou Young (Lỗ Vinh)…
Sau cuộc triển lãm này, ông Nguyễn Cao Đàm cùng các nhiếp ảnh gia trên đây duy trì danh xưng Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam, VNPS, và ông được tín nhiệm trong vai trò phó hội trưởng trong một thời gian dài từ 1952 đến 1975. Những cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật năm 1953 và 1954 của VNPS tiếp tục kết nạp thêm những anh tài nhiếp ảnh khác như Võ An Ðạm, Nguyễn Mạnh Ðan, Trần Cao Lĩnh, Lý Lan Siêu, Lê Anh Tài, Nguyễn Huy Trực, Ðinh Bá Trung…
Ông Nguyễn Cao Đàm từng cộng tác với Glory Photo, phố Bờ Hồ, Hà Nội từ 1948 đến năm 1951. Sau đó ông thành lập cơ sở Cao Ðàm Ảnh Ấn tại phố Cầu Gỗ, Hà Nội từ năm 1951 đến 1954.
Không những hoạt động nhiếp ảnh, ông Nguyễn Cao Ðàm còn thử nghiệm làm phim. Năm 1953, tại Hà Nội, ông cùng một số thân hữu như Phạm Ngọc Chất, Nguyễn Ðức Hồng, Bùi Quý Lân… cộng tác quay phim “Hòn Vọng Phu”, mà ông đóng vai chàng nông dân, kẻ sau này trở thành người chinh phu… Cuốn phim quay gần xong, nhưng gặp khó khăn về việc mua phim, tráng phim, ráp nối… nên đành bỏ dở, sau đó một người Pháp mua lại chỗ phim đã quay và bản quyền cuốn phim, đem về Pháp.
Khi đất nước chia đôi năm 1954, ông Nguyễn Cao Đàm di cư vào Nam. Tại Sài Gòn, ông giảng dạy nhiếp ảnh tại trường Bách Khoa Bình Dân (1956-1957), tại các lớp huấn luyện của Nghiệp Đoàn Chủ Nhân Các Nhà Nhiếp Ảnh Việt Nam (1968-1971), tại các lớp huấn luyện nhiếp ảnh của Hội Việt Mỹ (1967-1975), đồng thời được mời diễn thuyết về nhiếp ảnh tại trường Ðại Học Vạn Hạnh, tại Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ…
Đặc biệt, nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm đã tham dự nhiều cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế ở Hong Kong (1956), Pháp (1956), Bỉ (1958); đoạt huy chương đồng ở cuộc triển lãm ở Munich, Đức (1958), huy chương bạc ở Ahmedabad, Ấn Độ (1958); huy chương đồng ở Trento, Ý (1958); huy chương bạc ở Moenchenlabad, Đức (1959); huy chương bạc tại Singapore (1960); huy chương vàng tại Kortrijk, Bỉ (1960); plaque bạc tại Madrid, Tây Ban Nha (1961)… cùng nhiều giải thưởng khác trong suốt thời gian hơn nửa thế kỷ cầm máy.
Ông Nguyễn Cao Đàm cũng từng là giám khảo của các cuộc triển lãm nhiếp ảnh quốc tế tại Sài Gòn từ năm 1957 đến 1975. Đặc biệt, ông đã hai lần liên tiếp được Hội Nhiếp Ảnh Bỉ trao tặng huy chương vàng và trở thành hội viên danh dự của Hội Nhiếp Ảnh Bỉ (Hon. F.Kortrijk). Ngoài ra, ông Nguyễn Cao Đàm còn là hội viên chính thức của Hội Nhiếp Ảnh Hoàng Gia Anh (ARPS) và là hội viên danh dự của Hiệp Hội Nhiếp Ảnh Gia Đông Nam Á (Hon. SEAPS).
Trong thời gian nhiều thập niên, những tác phẩm nghệ thuật của ông Nguyễn Cao Đàm được triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Úc, Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Bỉ, Hồng Kông, Đại Hàn, Singapore, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Nam Phi, Nhật Bản…
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm là tác giả những đầu sách về nhiếp ảnh nổi tiếng như “Bước Đầu Chụp Ảnh” (1965), “Bước Đầu Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật” (đồng tác giả Trần Cao Lĩnh, 1966), “Việt Nam Quê Hương Yêu Dấu” (đồng tác giả Trần Cao Lĩnh, 1967); “Cao Nguyên” (1969); “Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Bước Hai” (đồng tác giả Trần Cao Lĩnh, 1971), và “Vietnam, Our Beloved Land” (đồng tác giả Trần Cao Lĩnh, 1968). Ông Nguyễn Cao Đàm giữ mục “Xem Ảnh Bạn” trên tạp chí Kịch Ảnh từ 1961 đến 1973 và viết nhiều bài nhiếp ảnh in trên các báo và tạp chí trong và ngoài nước.
Dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, ông Nguyễn Cao Đàm là chủ sự Phòng Nhiếp Ảnh Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa từ 1965 đến 1973.
Đối với nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Ðàm, máy móc chụp ảnh chỉ được xem là một phương tiện để sáng tác. Ông dùng chiếc máy cỡ trung Rolleiflex TLR 75 mm f/ 3.5 trong nhiều năm, cho đến lúc đi dự Hội Chợ Quốc Tế Osaka tại Nhật Bản năm 1968, ông mới mua máy Hasselblad 500C. Điều quan trọng hơn là những nét đẹp thu nhận qua ống kính, như ông đã để lại một câu nói bất hủ: “Chụp tre trúc, hình đen trắng, khi xem vẫn thấy xanh xanh”.
Năm 1990, nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Ðàm sang định cư cùng gia đình tại Bankstown, Úc Ðại Lợi. Tại hải ngoại cho đến lúc cuối đời, ông tiếp tục sinh hoạt triển lãm, thuyết trình, hướng dẫn cho thế hệ tiếp nối. Học trò nhiếp ảnh của ông lên đến con số khoảng 4 ngàn người sau hơn nửa thế kỷ sinh hoạt nghệ thuật.
Ngày 4 tháng 6 năm 2001, nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Ðàm tạ thế tại Sydney, Úc Đại Lợi, hưởng thọ 86 tuổi. Ông bà Nguyễn Cao Đàm – Đỗ Thị Hoàn có 7 người con, 4 gái 3 trai. ./.
-----------------------------------------------------------------------------
tưởng nhớ nhiếp ảnh gia tài danh
NGUYỄN CAO ĐÀM [1916- 04/ 06/ 2001 sydney)
blog Virgil Gheorghiu/ Tp ( 4 June, 2018.)bìa sách NỬA ĐƯỜNG ĐI XUỐNG/ THẾ PHONG
do Nguyễn Cao Đàm trình bày ( gồm ảnh+ tên tựa sách .)
( Đại Nam Văn Hiến tái bản, Saigon 1968.)
---------------------------------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét