Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

bài liên quan: " Dương Hùng Cường, bất ngờ khò tin, giữa vùi dập:/ bài viết: Du Tử Lê -- source: nguoi-viet.com/




Dương Hùng Cường, bất ngờ khó tin, giữa vùi dập





Du Tử Lê

 “Lính Thành Phố” / Dương Hùng Cường-- (hình ảnh: Du Tử Lê cung cấp)

trên  xuống, trái qua : DƯƠNG HÙNG CƯỜNG -- Google image
(Bt)

Ở lần nhà văn Dương Hùng Cường bị “tù cải tạo” thứ nhất, ngay sau thời điểm 30 Tháng Tư, 1975, nhà văn Vũ Uyên Giang cho biết ông được gặp lại nhà văn Dương Hùng Cường rất sớm, trong hai năm “tù cải tạo” đầu tiên ở tại trại Long Giao, Long Khánh.
Thời gian này, cũng là thời gian ở Dương Hùng Cường có được một may mắn khó tin! Đó là việc ông được cấp phép 15 ngày, về thăm gia đình…
Căn cứ theo bài viết “Kỷ niệm trong tù với nhà văn Dương Hùng Cường” của Vũ Uyên Giang, sự việc vừa kể, có thể tóm tắt như sau:
Một hôm, lợi dụng ngày được “đi chợ” (1) Vũ Uyên Giang lang thang ở khu rừng tre Cẩm Đường (bên ngoài trại tù), thì bất ngờ nghe được tiếng nói quen thuộc của Dương Hùng Cường. Ông Giang lần theo tiếng nói, và nhận ra tác giả “Buồn Vui Phi Trường.”
Mặc dù khi ấy ông Cường đã thay đổi nhiều. Ông như một người khác với vóc dáng gầy guộc, làn da sạm đen, hai má hóp lại; khi cười để lộ hàm răng có những chiếc răng cửa bị gãy; dù tiếng nói vẫn sang sảng và ánh mắt sáng quắc, với nguyên vẹn nét cương nghị.
Nhà văn Dương Hùng Cường tíu tít hỏi thăm tình trạng cá nhân bạn, và tin tức về những người quen của hai người. Vũ Uyên Giang cho biết, ông có được tin các bạn như Trần Ngọc Tự, nhà thơ (cùng làm việc chung một tờ báo Lý Tưởng với Dương Hùng Cường); Nguyễn Đăng Thạch, giáo sư (con cố giáo sư Nguyễn Đăng Thục); Nguyễn Thanh Trang, nhạc sĩ (tác giả Duyên Thề) ở Trại 5 chung với Vũ Uyên Giang.
Rồi, Nguyễn Nguyên Phương, Phí Ích Bành, em ruột Phí Ích Nghiễm tức nhà văn Dương Nghiễm Mậu; Nguyễn Đức Quang, nhạc sĩ; Dương Kiền, nhà văn… ở trại 11; Đỗ Kim Bảng nhạc sĩ; và Đào Văn Khánh ở trại 3; Khả Năng ở trại 2; và khi ở Phú Quốc thì Vũ Uyên Giang cũng gặp Nghiêm Phú Phát, nhạc sĩ; Võ Thế Hào, giáo sư…
Về lại trại, Vũ Uyên Giang kể chuyện tình cờ gặp được Dương Hùng Cường cho Trần Ngọc Tự nghe, khiến Tự tiếc mãi là đã né không đi rừng theo Vũ Uyên Giang hôm đó. Sau đấy, bẵng đi cả năm, Vũ Uyên Giang không có thêm một cơ hội nào gặp lại Dương Hùng Cường. Ông cũng không nghe được bất cứ một tin tức về tác giả “Vĩnh Biệt Phượng.”
Thậm chí, ông cũng không nghe được bất cứ tin tức gì về Dương Hùng Cường cho đến ngày: Vì tình hình lộn xộn giữa Việt Nam và Cambodia, một số “trại cải tạo” bị giải tán để nhập chung vào hai trại chính là 14 và 15, Vũ Uyên Giang mới được gặp lại bạn. Tuy nhiên, không vì thế mà sự gặp gỡ giữa các “tù cải tạo” được dễ dàng.
Sự thản hoặc mới được gặp nhau giữa Dương Hùng Cường và Uyên Giang đưa tới tình trạng, khi Dương Hùng Cường nhận được giấy tạm tha, 15 ngày, cho về thăm gia đình, do một người bà con của Dương Hùng Cường bên vợ, làm lớn ở miền Bắc can thiệp… Vũ Uyên Giang cũng chỉ biết tin qua kịch sĩ Khả Năng mà thôi. Nhưng rồi, Vũ Uyên Giang đã không giấu được ngạc nhiên, sửng sốt khi gặp lại Dương Hùng Cường trong trại giam.
Được hỏi tại sao không trốn luôn? Trở lại trại giam làm gì? Thì tác giả “Lính Thành Phố” cho biết, ông sợ liên lụy cho vợ con. Thêm nữa, trong mấy ngày được tạm tha, nếu ông xin được giấy chứng nhận có một việc làm gì đó, ở Sài Gòn, thì người bà con cán bộ Cộng Sản của ông cho biết, ông sẽ được về luôn…
Một trong những nơi Dương Hùng Cường tìm đến để xin giấy chứng nhận cho việc làm là tờ Tin Sáng của Ngô Công Đức. Thời điểm đó, Tin Sáng là tờ báo duy nhất của Sài Gòn cũ, được tục bản, với sự có mặt trong thành phần biên tập viên là một số nhà văn của chế độ cũ… Nhưng chủ nhiệm Ngô Công Đức đã cố tình lánh mặt Dương Hùng Cường đến ngày thứ tư mới gặp, và trả lời không thể giúp…
Bị đẩy tới đường cùng, Dương Hùng Cường đành phải ngỏ ý nhờ sự giúp đỡ của nhà văn Hoàng Trọng Miên. (2) Dù không mấy hy vọng, nhưng cuối cùng, chính Hoàng Trọng Miên lại là người cấp giấy chứng nhận sẽ tuyển Dương Hùng Cường làm nhân viên hậu đài của Đoàn Văn Công Thành Phố. Hoàng Trọng Miên trao giấy chứng nhận cho tác giả “Buồn Vui Phi Trường,” để ông mang về, nộp cho trại, chờ ngày được phóng thích.
Nhấn mạnh với Vũ Uyên Giang, Dương Hùng Cường nói: “…Tao kinh ngạc nhìn thằng Hoàng Trọng Miên, rồi nhìn tờ giấy… Thì ra nó là giám đốc Đoàn Văn Công Thành Phố mày ạ! Thế là tao có tờ giấy trong tay…”
Hỏi thăm bạn về tình hình bên ngoài trại giam, Dương Hùng Cường kể: “…Đời sống người dân nghèo khổ. Nhiều nơi nổi lên chống đối bị bọn chúng thẳng tay đàn áp và tiêu diệt một cách dã man. Tin đồn về các ông Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Cao Kỳ thì nhiều, giống như mình được nghe trong trại, nhưng vẫn chỉ là những tin đồn vô căn cứ và khó phối kiểm… Tao đã liên lạc được với mấy thằng đệ tử của ông Kỳ, tụi nó còn hăng lắm, còn cất giấu nhiều súng đạn lắm mày à…” (Du Tử Lê)
————
Chú thích:
(1) Thời đầu ở “trại cải tạo” Long Giao, người tù được phép chia phiên nhau mỗi ngày một người đi nhặt nhạnh rau cỏ, khoai sắn cho anh em trong toán ăn thêm nên gọi là… “đi chợ.” (Chú thích của Vũ Uyên Giang)
(2) Nhà văn Hoàng Trọng Miên (1918-1981), quê ở làng Nguyệt Biều, Huế, tỉnh Thừa Thiên. Em ruột ông là nhà văn Hoàng Trọng Thược, và Hoàng Trọng Quỵ tức Thanh Nghị. Thuở nhỏ ông học ở Huế, từ năm 1935-1936. Ông bắt đầu cầm bút với tác phẩm “Thâm Cung Bí Sử” đăng trên một tờ báo ở Huế. Sau đó, ông vào Nam làm chủ bút báo Người Mới và cộng tác với các báo Điện Tín, Trong Khuê Phòng cùng Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử…
Năm 1945, ông về lại Huế, cùng Bửu Tiến, Lưu Trọng Lư, Bùi Tuân, Trần Thanh Địch… lập đoàn kịch Trọng Miên. Tiếp đến toàn quốc kháng chiến, mặt trận Huế vỡ, ông tản cư ra Thanh Hóa làm trưởng đoàn xung phong sản xuất cùng với Cao Minh Chiếm, Nguyễn Đức Nùng.
Năm 1950, ông gia nhập Ban Văn Nghệ Sư Đoàn 320 cùng Bửu Tiến, Giang Tân, Phạm Duy, diễn vở kịch “Dưới Bóng Thánh Giá” do ông sáng tác. Năm 1952, ông lại vào Nam viết văn, làm báo. Sau năm 1954 ông dạy môn kịch nghệ tại trường Quốc Gia Âm Nhạc, Kịch Nghệ Sài Gòn và cộng tác với các báo Đời Mới, Quyết Tiến, Điện Ảnh, Kịch Ảnh, Đuốc Nhà Nam…
Trong số những tác phẩm đã xuất bản của ông, có cuốn “Việt Nam Văn Học Toàn Thư,” Sài Gòn 1959, được trao tặng giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc (VNCH). Cuốn sách này từng gây nhiều tranh cãi trong giới văn học Sài Gòn vì nhiều học giả cho rằng thực ra nó là cuốn “Lược khảo Thần Thoại Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi, Hà Nội, 1956 (có thể được chuyển vào Nam thông qua Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến). (Nguồn Wikipedia-Mở)


---------------------------------------------------
trích lại từ https://dongsongcu.wordpress.com/
---------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét