Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

" Gô-Ganh và "Noa Noa" / hoạ sĩ Võ Đình -- www.gio-o.com/

                              Võ Đình      1933-           2009 usa



Gô- Ganh và “Noa Noa”

                                 Võ Đình

 

tản mạn



Ngày 4 tháng 4 năm 1891, một họa sĩ Pháp, gốc Bretagne, đáp chuyến xe lửa xuôi Nam ở Paris, rồi từ Marseille đi tàu (thủy) về biển Thái bình, Đại dương châu, về Tahiti thuộc quần đảo Polynesia. Những gì xảy ra sau đó, mọi người đều biết. Như câu thành ngữ Anh/Mỹ: “the rest is history” (1)

Ở đây, chúng ta hãy cương quyết đừng kể đi kể lại những chi tiết thật hấp dẫn trong cuộc đời trôi nổi của Paul Gauguin (PG): Cùng với Vincent van Gogh, ông là một trong những nghệ sĩ Đông Tây, cổ kim từng được nói đến nhiều nhất. Kho tàng sách vở, báo chí về ông đã quá đồ sộ rồi, thêm vào chỉ là một việc làm thừa thãi.

Tuy nhiên, chúng ta cần nêu ra đây hai điểm thật quan trọng. Quan trọng vì có liên hệ trực tiếp với chúng ta, những người Việt nam yêu văn chương, hội họa, những người đặc biệt yêu Gauguin.
Thứ nhất, PG là một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn lao nhất trên nghệ thuật hình sắc hiện đại (modern visual arts) của Việt nam, thời kỳ trước 1975, đặc biệt giai đoạn trước 1954, trước cả 1945. Chúng ta chỉ cần khẳng định thế ø thôi, không cần đi vào chi tiết. Đây là một đề tài nghiêu khê, đòi hỏi được phân tích và luận giải trên một diễn đàn (sách, bài) rộng lớn hơn, thích hợp hơn, có tính cách “hàn lâm” hơn.

Thứ hai, cuộc đời và tác phẩm của PG bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ về chính hoàn cảnh của chúng ta ở hải ngoại, những nghệ sĩ hình sắc (visual artists) của đất nước Việt nam. Mới nhìn qua đã thấy có sự khác biệt lớn lao giữa hai trường hợp. Một bên là một họa sĩ đã có ít nhiều tên tuổi (trước khi đi Tahiti, PG đã được biết đến như le maitre de Pont-Aven!) trong một quốc gia có truyền thống văn hóa, đặc biệt hội họa, phong phú và lâu đời, một quốc gia giàu mạnh. Một bên là những con người, trong những hoàn cảnh khác nhau, bị bứng rời ra khỏi quê hương, một quốc gia với một nền văn hóa không kém phong phú và lâu đời, nhưng là một đất nước nghèo khó và chậm tiến.

PG đi Tahiti, hoàn toàn tự nguyện. Chúng ta, cách này hay cách khác, đã đến tìm chốn dung thân ở các nước phương Tây tân tiến, như một chọn lựa chẳng đặng đừng. PG từ bỏ một cuộc sống phong lưu để lăn xả vào một môi trường hoang dại (PG ưa dùng chữ sauvage/ savage) Chúng ta tách mình ra khỏi những cuộc sống thiếu an toàn để bươn chải trong những xã hội “văn minh” đầy tiện nghi và cơ hội.

Nhìn thoáng qua, đã thấy có sự khác biệt như thế. Nhìn kỹ hơn, chúng ta thấy, tuy có đủ thuận tiện để tiến thân theo trào lưu Ấn tượng đương thời, PG khao khát và quyết tâm đi tìm một nghệ thuật vững chãi hơn, gân guốc hơn. Chúng ta, ở hải ngoại cũng như ở quốc nội, loanh quanh lui tới trong những vòng bủa vây của hội họa Tây phương, với đây đó những tô điểm gọi là, làm ra vẻ Đông Á! Có được một cuộc trưng bày ở nước ngoài, chúng ta hãnh diện tưng bừng. Chúng ta mãn nguyện khi bán được tranh –trong khi vợ không đau mà con cũng chẳng đói. PG đi từ business (ông đã từng là một chuyên viên tài chánh có cỡ, lương bổng hậu hĩ) đến art. Chúng ta tung hô nghệ thuật nhưng trong lòng đau đáu chuyện “làm ăn”. Có quá nhiều người giữa chúng ta vui lòng, yên lòng, bằng lòng, đành lòng với tình trạng hiện có.

Cuối thế kỷ 19, khi Âu châu nói chung, Pháp quốc nói riêng, đang lo làm giàu, khi đặc biệt văn chương và hội họa nở rộ (đó là thời,văn chương có Zola, Maupassant, Mallarmé, Baudelaire..., hội họa có Manet, Pissaro, Monet, Renoir...) vậy mà PG vùng dậy phản kháng. Vì có một PG mà hội họa Pháp mới vươn mình lớn mạnh, đổi thay hình dáng, để về sau đẻ ra những con mãnh thú –les Fauves—như Matisse, như Rouault, như Derain, như Braque... Từ những năm đầu thế kỷ 20. Cho nên, chúng ta có thể tự hỏi: Rồi đây, những “người con gái Việt nam da vàng”, hao hao Tây, hao hao Tàu, những cô gái ấy sẽ đẻ ra những gì?

Sự kiện PG bỏ Paris ra đi và sống như một thổ dân hoang dại dưới Đại dương châu, rồi chết đơn độc trong một chòi lá ở đảo Marquesas được huyền thoại hóa và thương mãi hóa tối đa suốt thế kỷ 20. Mấy chục năm về trước, một nhà văn tài danh như Somerset Maugham, cũng đã lấy đời ông để viết cuốn tiểu thuyết ăn khách The Moon and Sixpence. Điện ảnh Hollywood cũng đã mời diễn viên thượng thặng Anthony Quinn thủ vai PG trong cuốn phim được hàng triệu người xem là Lust for Life về cuộc đời Vincent van Gogh. Trong những thành phố lớn như Paris, London, New York, cứ bước vào một tiệm sách báo hay ghé qua một quán nhỏ có bán bưu thiệp, là người ta thấy ngay tranh PG được in lại. Cùng những bức in lại tác phẩm của van Gogh, những reproductions tranh PG đã trở nên vô cùng quen thuộc (quen thuộc đến...nhàm chán!) như những cái tháp Eiffel nho nhỏ du khách ưa mua cất làm kỷ niệm chuyến viếng thăm Paris,kinh thành ánh sáng!

Những nỗ lực huyền thoại và thương mãi hóa này đã bốc lên một thứ sương mù bao vây lấy con người nghệ sĩ đích thực. Phải thành thật nói rằng rất nhiều người giữa chúng ta yêu chuộng PG qua những giai thoại. Một số nhỏ hơn, không những chỉ thích thú những giai thoại đầy quyến rũ ấy thôi mà còn, trong giới hạn nào đó, mê say những hình tượng và màu sắc đặc thù PG. Chỉ một số nhỏ hơn nữa, rất nhỏ, mới ý thức rằng đằng sau con người ngổ ngáo và ngang ngạnh ấy còn có một tâm hồn liên tục thao thức trở trăn. Đằng sau những mảng màu thắm rực, những hình thể đơn giản hóa cùng cực ấy còn có những hy sinh lớn lao của một đời người, một ý chí cương quyết và dứt khoát.


PG đi Tahiti hai lần. Lần đầu, 1891, ở lại đến 1893. Lần thứ hai, 1895, dời chỗ trú ngụ qua đảo Marquesas, cũng thuộc Polynesia. Ở đó cho đến chết, 1903. Tám năm. Tám năm gian khổ, thiếu thốn về mọi mặt (trừ, cố nhiên, nắng nóng nhiệt đới, và mấy nàng vahinés vú trần, da màu đồng đỏ) Đã có lúc PG bệnh hoạn, túng quẫn, trục trặc lôi thôi với chính quyền (Pháp, da trắng) địa phương, muốn buông xuôi, tính quay về Pháp, nhưng bạn thân của ông, họa sĩ Daniel de Monfreid ở Paris, đã viết thư khuyên can: “Đừng, đừng về... Bây giờ người ta không dám đụng vào ông nữa đâu, nhưng người ta lại coi ông như một người đã chết, một người chết được trọng vọng. Giờ này, tên tuổi bạn đã đi vào lịch sử hội họa.”

Trong Lời Dẫn Nhập cho bản dịch Anh văn cuốn Noa Noa, Alfred Werner (2) viết: “Đáng ra, de Monfreid có thể nói thêm: và lịch sử văn chương”

Thật vậy. Werner viết:

PG không được học hành đến nơi đến chốn (not a thoroughly educated man) cũng không có một bút pháp trau chuốt, bóng bảy. Tuy nhiên, như một người viết cũng như một người vẽ, ông có khả năng tự diễn đạt một cách phóng khoáng, không mặc cảm, không câu nệ; ông có biệt tài quan sát sắc bén, và luôn luôn tò mò về thực chất của mọi sự vật. Tuy thường được biết đến như một kẻ khó tính – và có lúc thật khó thương -- ông cũng là người có một bầu nhiệt huyết sôi sục, sôi sục bốc lên thành những công trình nghệ thuật. Vì thế chúng ta trân quí những gì ông đã viết như chúng ta trân quí cuốn “Nhật ký” (Journals/Diaries) của Delacroix, hay những lá thư riêng (Lettres/Letters) của van Gogh.

“Noa Noa” (tiếng Tahiti là “hương thơm”) là văn liệu được biết đến nhiều nhất của PG. Trong sáu thập niên qua (Werner viết những dòng này đầu thập niên 50 –ghi chú của V.Đ) bản văn này đã làm mê mẩn hàng ngàn độc giả. Họ xem nó như một bài tường trình mới mẻ từ một “Miền Huyễn” ( “Never-Never Land”), như một phần tự truyện hấp dẫn, như một đóng góp cho sự hiểu biết của chúng ta về văn hóa Đại dương châu, hay như một ngọn đèn soi sáng cho sự thưởng ngoạn nghệ thuật PG của chúng ta.” (2) (...)


“Đọc cuốn sách của PG, chúng ta hiểu ngay những lý do bất khả kháng đã xui khiến ông bỏ cả cuộc đời yên ấm đi mất hút về một hòn đảo nhỏ hàng vạn cây số xa cách Pháp quốc. Không thiếu gì người Pháp đương thời lớn tiếng sỉ vả ông: Thứ phiêu lưu vô trách nhiệm! Đồ hèn nhát trốn chạy! Cái loại người tự quảng cáo rùm beng! Và luôn luôn không thể thiếu trong những lời kết án: PG, hắn là thứ súc sanh không tim, không ruột! Ra đi bỏ vợ bỏ con như thế! Những lời kết án này có giá trị hay không, đây không phải là nơi cần bàn đến -- chuyện này người ta đã mổ xẻ, phân tích nhiều rồi, buộc tội cũng có mà ngợi ca cũng có, trong chừng bốn mươi cuốn sách và vô số bài báo đăng tải đó đây.

Chỉ cần nói ngay rằng thực chất cái tự do mà PG đi tìm đâu phải là thứ ước mơ có tính cách vừa lẩm cẩm vừa bấn loạn của mấy anh đàn ông, bất cứ ở đâu, thời nào, cứ đến tuổi lưng chừng nửa đời là vùng vẫy trút bỏ những xiềng xích vô hình khỏi thân xác bằng một cuộc nổi loạn bất ngờ, chẳng đếm xỉa gì đến những hậu quả cả.” (2)

(...)

“Từ khi chốn thị tứ ngày càng đông đúc, xô bồ (càng “lao xao”, mượn chữ của Nguyễn Bỉnh Khiêm –ghi chú của Võ Đình), từ khi cuộc sống ngày càng máy móc, càng “tiêu chuẩn hóa”, con người phương Tây lại càng mơ tưởng đến một “thiên đàng” đã mất, một “thiên đàng” xưa kia tổ tiên của họ đã bị xua đuổi ra đi. “Thiên đàng” đã mất mãi mãi hay là đâu đó trên trái đất này còn có một nơi con người có thể tìm đến trú ẩn.

Nghệ sĩ Pháp quốc thế kỷ 19 đã ra công tìm cho được khu “Vườn Địa Đàng” này. Các thành viên của trường phái Barbizon tin rằng họ đã tìm ra được nơi chốn tuyệt vời này tại một làng nhỏ ven bìa rừng Fontainebleau. Pissaro ẩn cư ở Pontoise, nơi một vài nghệ sĩ trẻ tuổi hơn, như Cézanne và Gauguin, đã đến vẽ những vườn trái cây và đồi cỏ trong vùng. Monet và Renoir lấy làm vừa lòng với khung cảnh đồng quê tĩnh lặng ngay trong miền Ile de France. Nghe tin PG chuẩn bị đáp tàu xuống Đại dương châu, Renoir nhún vai: “Trời Đất! Vẽ ở Batignolles (3) cũng quá đặng rồi!” (2)

(...)

“Hồi xuân? Có, PG muốn “hồi xuân” đấy. Ông muốn “hồi xuân” trong nghĩa cách tân nghệ thuật đương thời mà ông sợ đang khô héo dần trong cái cảnh vất vả khó khăn của khuynh hướng nghiêng về chủ nghĩa Tự Nhiên (Naturalism) mà hiện thân cuối cùng là Ấn tượng họa (Impressionism) tuy rằng ban đầu phong trào này cũng mang tính cách mạng đầy mình. PG chỉ “phản động” trong nghĩa ông mơ tưởng đến một bầu khí “tiền Phục hưng”. Thời đó, mặc dù tất cả cuộc sống hàng ngày được nghi thức hóa và chế định hóa, con người nghệ sĩ, không phải nô lệ của Thực tại, vẫn còn có tự do vận dụng trí tưởng tượng và óc ảo ngông của hắn.”(2)

(...)

“Trước chuyến đi Tahiti thật lâu, PG đã từng phát biểu:

Sử dụng, như một cái cớ , những đề tài lấy từ cuộc sống hay từ thiên nhiên, tôi tạo nên, bằng cách bố trí đường nét và màu sắc, những giai điệu, những hợp âm đặc biệt: Chúng không ‘thực’ trong nghĩa thông tục nào cả; chúng không biểu hiện trực tiếp một cái gì cả nhưng chúng có khả năng, như âm nhạc, làm cho chúng ta suy tưởng, suy tưởng mà không cần đến ý nghĩ hay hình ảnh, suy tưởng bởi cái tương quan huyền bí giữa não bộ chúng ta và nghệ thuật bố trí đường nét và màu sắc nói trên.


“Những phong cảnh ‘trừu tượng’ dệt trên thảm thời Trung cổ, vẽ trên những bích họa, hay trên những trang cổ thư “tiền Phục hưng” là những gì rất gần gũi với lý tưởng này của PG. Nhưng để được sống, được thở trong một bầu khí cho mình có khả năng tạo nên một nghệ thuật “phản thiên nhiên”, chống cự lại được sự quyến rũ liên tục của truyền thống hậu Phục hưng Tây phương, PG thấy mình phải thoát ra khỏi Âu châu và trở về với thế giới hoang dại, thế giới ban sơ. Nghệ thuật của thế giới này, không lâu sau đó, đã được một vài nhà phê bình đi tiên phong khám phá ra và đánh giá sâu sắc, nhưng rồi cũng chỉ bị tống giam vào nằm ì trong những viện bảo tàng vạn vật học mấy chục năm dài. Nhà phê bình (Sir) Kenneth Clark (4) có nói: PG đã phải làm một chuyến đại viễn du trong không gian để có được một chuyến trở về trong thời gian.” (2)


*****

Từ Marseilles. chiếc tàu chở PG lênh đênh trên biển mấy tháng trời mới cặp bến Papeete, thủ đô đảo Tahiti, cai trị bởi Pháp quốc. PG không ở đó lâu vì chán ngán thấy rằng:

“Cuộc sống ở Papeete nhanh chóng trở thành một gánh nặng.

Đó là Âu châu-- Âu châu mà tôi tưởng đã lìa bỏ đi rồi – một Âu châu trong hoàn cảnh tệ hại, đua đòi se sua trên một mảnh đất thuộc địa, chỉ biết bắt chước, bắt chước một cách kệch cỡm, những thói hư tật xấu của chúng ta, những phong tục, thời trang của chúng ta, những hình thái phi lý của nền “văn minh” chúng ta.

Phải chăng tôi đã đi thật xa, thật vất vả như thế này chỉ để tìm thấy những gì tôi đã trốn chạy?”( 5 )


PG lần mò đi xa hơn, về tận một nơi xa Papeete hơn trăm cây số. Ở đó, ông đã tìm được cái không khí hoang dại ông đi tìm. Thư viết cho bạn là de Monfreid ở Paris:

“Bạn có biết, ở lại đây hai năm, có mấy tháng tôi chẳng làm cái đếch gì cả. Nhưng tổng cọng lại, trong hai năm ở đây tôi đã hoàn tất sáu mươi sáu tranh trên bố và một số điêu khắc phẩm. Khá bộn cho một người đấy chứ không à?” ( 5 )


Thư viết cho vợ là Mette ở Copenhagen, Đan mạch:

“Em biết không, anh khá vừa lòng với những họa phẩm mới hoàn tất sau này. Anh có cảm tưởng một tính cách ‘đại dương’ đã hình thành trong cái nhìn của anh. Anh có thể khẳng định rằng việc anh đang làm, chưa ai trên đời này từng làm; ở Pháp người ta chưa từng thấy nghệ thuật như vậy. Anh mong rằng sự chuyển mới này sẽ làm nghiêng hẳn cán cân về phía anh.” (5)


Mette là người vợ Đan mạch đã phải đem con về nương náu cha mẹ khi PG nhất quyết rời bỏ Âu châu. Cả một năm trước ngày giã từ Pháp quốc, PG đã viết thư cho vợ, giải thích, bày tỏ, phân trần:

“Anh mong đợi cái ngày – có lẽ gần đây thôi – anh có thể chạy núp vào khu rừng nào đó trên một hải đảo dưới biển Nam, và sống trong hoan lạc, trong bình an, sống cho Nghệ thuật... xa, thật xa cuộc vật lộn với đồng tiền ở Âu châu này. Ở Tahiti, trong tĩnh lặng của đêm nhiệt đới, anh có thể lắng nghe tiếng thì thầm ngọt ngào của trái tim anh, đánh một nhịp ái ân với vạn vật huyền bí quanh mình. Tự do, ôi, tự do, thôi, vĩnh biệt những âu lo, những toan tính; chỉ sống mà thôi, sống, và hát, và chết mà thôi.” (5)


Trong “Noa Noa”, PG gần như không nói gì đến công việc riêng quan trọng nhất của ông, tức là hội họa. Ông chăm chú nhận xét thế giới quanh ông, một thế giới khác lạ một trời một vực với Paris và Âu châu cuối thế kỷ 19. Sau đây là vài đoạn đặc biệt thú vị trong sách:

Yên lặng! Tôi tìm hiểu niềm yên lặng của đêm Tahiti.

Yên lặng đến nỗi tôi không nghe gì ngoài tiếng tim tôi đập.

Ánh trăng lọt qua những thân trúc, vươn lên những đoạn cách đều, sáng đến tận giường tôi. Những đoạn ánh sáng đều đặn này gợi nên hình ảnh một nhạc cụ trong trí tôi –kèn trúc của người Maori, mà họ gọi là vivo. Ánh trăng và những thân trúc tạo nên một hình thù quá cỡ cho nhạc cụ này – một nhạc cụ suốt ngày im lìm nhưng khi đêm về, dưới ánh trăng huyền ảo, lại trỗi lên những giai điệu hằng yêu mến trong trí nhớ kẻ nằm mơ. Tôi chìm vào giấc ngủ trong khi tai nghe vẳng lại tiếng nhạc ấy.

Giữa tôi và trời trên chẳng có gì ngăn cách ngoài cái mái chòi mỏng manh lợp lá dứa có thằn lằn rắn mối làm tổ.

Tôi đang hiện hữu một nơi thật xa, rất xa những khám đường là nhà cửa ở Âu châu.

Cái chòi Maori không cách ly con người với cuộc sống, với không gian, với chốn vô cùng...( 6)

(...)

Qua ngày thứ hai, lương thực đã hết sạch trơn. Làm sao bây giờ?

Tôi đã tưởng rằng có tiền là có tất cả những gì cần thiết cho đời sống. Tôi lầm to. Một khi bước ra khỏi ngưỡng cửa đô thị, phải quay về Thiên nhiên mà sống. Thiên nhiên giàu có, Thiên nhiên rộng lượng, Thiên nhiên không từ chối bất cứ ai đến xin được chia sẻ một phần những kho tàng bất tận Thiên nhiên cất giữ trong cây cỏ, trong núi rừng, trong biển hồ. Nhưng muốn được chia sẻ, phải biết leo cây, phải biết chui sâu vào núi rừng. Phải biết bắt cá, biết lặn sâu để cạy những nghêu những hàu bám cứng lấy đá dưới đáy nước. Phải biết làm, phải biết cách làm.

Tôi đây, một con người đến từ văn minh, rõ ràng là tôi thua kém mấy người hoang dại về những việc này. Tôi ganh tị. Tôi thấy cái cách họ sống, sung sướng,an bình, không làm gì ngoài những chuyện cần thiết nhất cho nhu cầu hàng ngày, chẳng bao giờ lưu tâm mảy may đến tiền bạc. Bán cho ai, bán cho ai bây giờ khi mọi người ai cũng có thể được chia sẻ những quà tặng của Thiên nhiên? (6)

(...)

Tôi cố làm việc, ghi chép tùm lum và phác họa khá nhiều.

Phong cảnh ở đây, với màu sắc nguyên chất thật dữ dội, làm tôi choáng váng, lóa cả mắt. Tôi tìm tòi, tôi quờ quạng...

Cùng lúc, tôi biết là sự việc có gì đâu, thật giản dị, cứ vẽ như con mắt trông thấy; cứ đặt một màu đỏ cạnh một màu xanh, không so đo tính toán gì ráo. Cứ nhìn những thân người vàng rực như dát vàng trong dòng suối, trên bãi biển, là lòng tôi reo vui lên. Ánh sáng mặt trời huy hoàng này, tại sao tôi lại e dè đặt lên mặt vải?

Ôi, những truyền thống Âu châu xưa cũ! Ôi, những biểu tượng rụt rè của những giống nòi thoái hóa!

Để làm quen với những nét đặc thù của khuôn mặt thổ dân bản xứ, từ lâu tôi muốn vẽ chân dung một cô hàng xóm, một thiếu phụ trẻ tuổi rặt gốc Tahiti.

Ngày nọ, nàng này đã làm gan bước vào chòi lá của tôi và đứng nhìn mớ ảnh chụp lại tranh tôi vẽ, treo trên tường. Nàng nhìn bức Olympia thật lâu.

Tôi hỏi: “Cô thấy người trong tranh này sao?” Tôi đã lượm được dăm tiếng Tahiti trong hai tháng từ ngày tôi đến đây, tuyệt nhiên không nói tiếng Pháp nữa.

Cô gái trả lời: “Cô ấy đẹp lắm!”

Nghe câu ấy, tôi không khỏi mỉm cười. Thiếu phụ Tahiti có chăng một ý niệm về cái đẹp? Tôi nghĩ: Nghe câu nói này, những vị giáo sư ở Viện Hàn lâm Mỹ thuật sẽ bàn bạc ra sao bây giờ?( 6)

(...)


Mỗi ngày trôi qua, một ngày đẹp hơn.

Bây giờ tôi đã đủ quen thuộc với tiếng nói của thổ dân Maori để nghĩ rằng một ngày gần đây tôi sẽ nói tiếng họ một cách dễ dàng.

Hàng xóm của tôi –ba người thật gần, chòi họ nằm cạnh chòi tôi – và nhiều người nữa ở xa hơn, bây giờ coi tôi như một người trong bọn họ.

Đi chân đất hoài, đạp cát, đạp sỏi suốt ngày, chân tôi chai cứng đi. Thân thể tôi, gần như trần truồng suốt ngày, dang nắng đã đời, hết cháy da.

Văn minh, vâng, văn minh rơi rụng từng vụn nhỏ từ con người tôi.

Tôi thấy tôi bắt đầu biết suy nghĩ một cách đơn giản, biết thương người...

Tất cả cuộc hoan lạc của một đời sống tự do, bây giờ ở trong vòng tay tôi. Tôi đã thoát khỏi tất cả những gì nhân tạo, đầy ước lệ, đầy qui củ. Tôi đang đi vào sự thật, vào Thiên nhiên.

Tin tưởng rằng ngày mai cũng như hôm nay, cũng tự do và đẹp đẽ như thế này, tôi an tâm. Tôi đang phát triển một cách bình thường. Từ nay tôi chẳng thèm để tâm đến những màu mè hoàn toàn vô bổ của cuộc sống văn minh nữa. (6)

(...)

Trời chưa sáng, tôi đã dậy, lên đường đi Arorai.

Hai tiếng đầu, chỉ việc lần theo con đường mòn trên mép sông Punaru. Hai bên bờ, núi dựng đứng. Đỉnh núi cao vút, chồm lên, nghiêng tới giữa dòng sông, chống đỡ bởi những hòn đá khổng lồ.

Cuối cùng, tôi không thể nào tiến xa hơn ngoài cách lội nước giữa dòng. May là sông ở đây cạn, có chỗ chỉ đến đầu gối, có chỗ sâu tới vai. Ban trưa vậy mà mặt trời cũng khó lọt vào được giữa hai mặt núi; nhìn lên thấy cao vút và gần như chụm lại với nhau. Tôi thấy mấy ngôi sao nhấp nháy giũa lằn trời xanh ngắt!

Độ năm giờ chiều, ngày sắp tàn, tự hỏi tối nay ngủ đâu, tôi bỗng nhận thấy bên tay phải có một chỗ bằng phẳng và rộng rãi. Chuối dại, dương xỉ, và “bouraos” (Tra cứu mãi, tôi không tìm ra được đây là thứ thảo mộc nhiệt đới gì—ghi chú của V.Đ.). May quá, tìm được một ít chuối chín. Tôi bẻ cành khô, nhóm lửa. Vậy là yên chuyện cơm tối.

Ăn xong, tôi tìm một gốc cây nằm xuống ngủ. Có mấy cành thật thấp, tôi lấy lá chuối lợp lên, để lỡ có mưa.

Tối đến đã lạnh lẽo, suốt ngày lội nước làm tôi cóng toàn thân.

Ngủ không được ngon.

Nhưng tôi biết rằng bình minh cũng sắp ló dạng, và tôi chẳng có gì phải e ngại, không lo về người cũng chẳng lo về vật. Trên đảo Tahiti này, không có thú dữ ăn thịt người, cũng chẳng có rắn rít. Thú hoang, có chăng là mấy con heo trốn chuồng chạy vào rừng, sinh con đẻ cái trong đó rồi nay trở thành ‘heo hoang’. Điều đáng sợ nhất là chúng mò đến, cà chân tôi đến bóc cả da. Vì thế, ngủ mà tôi vẫn giữ cái dây cột cán dao quấn quanh cổ tay.

Đêm sâu lắng, mịt mùng. Không thấy gì cả ngoài chút bụi sáng như lân tinh gần bên đầu, kỳ lạ hết sức. Tôi buồn cười một mình nhớ lại những chuyện Maori đã được nghe, chuyện những Tupapaus, ma quỉ hiện ra trong đêm tối phá phách người nằm ngủ. Giang sơn những ma quỉ này ở sâu trong núi, bao bọc chung quanh bởi rừng rú âm u. Những nơi ấy ma quỉ nhiều vô số, ngày càng đông đúc vì có thêm linh hồn những kẻ mới chết. Nghĩ mà kinh cho ai đó lạc lối vào chốn âm ty này!...

Té ra chính tôi lại là cái đứa gan liều đó!

Tôi nằm mơ, những giấc mơ chẳng đâu vào đâu nhưng làm tôi bàng hoàng cả người.

Bây giờ thì tôi biết cái bụi sáng như lân tinh là gì rồi. Nó đến từ một thứ nấm mốc mọc trên cành chết, thứ cây cành tôi đã lượm đốt.

Sáng hôm sau, thật sớm, tôi dậy tiếp tục chuyến đi.

Con sông, càng đi xa càng thấy quanh co, khúc khuỷu. Khi thì chỉ là một con suối nhỏ, khi thì như nước sông mùa lũ, khi thì chảy ào ào như thác đổ. Nước có khi chảy quanh một cách lạ lùng và bất thường; đôi khi tôi có cảm tưởng con sông nó tự đổ vào lòng nó. Lạc ra khỏi lối mòn, lắm lúc tôi chỉ tiến lên được bằng cách đu bổng từ cành cây này qua cành cây khác, chân không chạm đất.

Từ dưới đáy nước, mấy con tôm hình thù kỳ dị nhìn lên như thăm hỏi: “Này, người kia, đến đây làm gì vậy?” Và mấy con lươn thật lớn vụt lủi mất khi tôi lại gần.

Bỗng nhiên, đến một khúc ngoặc gắt, tôi thấy một thiếu nữ hoàn toàn trần truồng, đứng dựa vào một hòn đá nhô ra trên mặt nước. Nhìn kỹ hơn, tôi thấy nàng không dựa vào hòn đá. Thật ra,nàng đang vuốt ve nó. Vuốt ve nó với cả hai tay. Từ đâu trên cao, trên ngọn núi đá, một dòng nước chảy xuống, và nàng con gái há mồm ra uống. Uống xong, nàng dang hai tay hứng lấy dòng nước cho chảy vào ngực, vào giữa hai bầu vú. Tôi cố đứng thật im lìm trong bụi rậm, nhưng người con gái như biết có gì không thường, nghiêng đầu nghe ngóng, giống hệt một con nai khi cảm thấy có hiểm nguy. Đoạn nàng nhìn thẳng vào chỗ lùm cây cỏ tôi đang náu mình. Tích tắc sau đó, có lẽ đã thấy tôi, người con gái phóng cái ùm xuống nước, kêu lên:

“Taehae! (Giận lắm!)

Tôi nhìn xuống dòng sông: Không có ai cả, không có gì cả – chỉ có một con lươn to tướng đang oằn oại trườn đi nhanh sau mấy hòn đá nằm dưới đáy nước. (6)

***

Trong khi viết bài này, với những trích dẫn văn liệu của chính Gauguin, hoặc của người khác, tôi không khỏi nghĩ đến hoàn cảnh chúng ta, những người cầm cọ Việt nam. Người ở Hà nội, Sài gòn. Kẻ ở Paris, Los Angeles... Vì những lý do này nọ, chung cũng như riêng, chúng ta chấp nhận cách này hoặc cách khác, hồ hởi hoặc miễn cưỡng, vui sướng hoặc khổ đau, sống còn trong những môi trường của thế kỷ 20, ấy, xin lỗi, thế kỷ 21. Môi trường “công nghiệp hóa” và “hiện đại hóa” ở Việt nam, môi trường “hậu công nghiệp”, “hậu hiện đại” ở Âu Mỹ.

Thôi thì, mỗi người chúng ta, làm được gì thì làm. Tùy khả năng. Tùy cơ duyên. Tùy số mạng.

Có điều, nếu chúng ta vẫn tha thiết với nghệ thuật, nói riêng, với văn hóa Việt nam, nói chung, chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng:

(...) “giấc mơ của người nghệ sĩ Á đông, hay Việt nam, đâu chỉ có phải là, thứ nhất, mày mò bắt cho được một cái chéo áo Tây phương, rồi nhắm mắt nhắm mũi nắm cứng lấy để, thứ hai, lật đà lật đật lọt cho được vào cái gọi là “nghệ thuật thế giới” vốn chỉ là một mạng lưới khổng lồ của hệ thống kinh doanh, truyền thông, và văn hóa Âu Mỹ gốc da trắng.” (7)

Bởi chăng

(...) “ thế kỷ về trước, ở một nước Pháp đã kỹ nghệ hóa, đã lên chân “mẫu quốc” cho cả một đế quốc chính trị và quân sự ở Phi châu và Á đông, đã chứng kiến sự lớn dậy của trào lưu Ấn tượng, rồi Hậu Ấn tượng cực kỳ phong phú, vậy mà Paul Gauguin đã có một hành động, tuy có vẻ như quá cực đoan và lãng mạng đó nhưng chúng ta phải công nhận là cũng vô cùng ngoạn mục. Ngày nay, khi ở cả những con hẻm lầy lụa tối tăm tại Sài gòn, trong những căn nhà vá chùm vá đụp, màn ảnh truyền hình vẫn nhấp nha nhấp nháy ngày đêm, phải chăng chúng ta chỉ còn một nơi để quay về: tâm tình sâu thẳm và đích thực của mình. Và chỉ lắng tai nghe một tiếng gọi: tiếng của “khánh đá, khánh ngọc khẽ được đánh lên một nơi xa vời.” (7)  ./.



Võ Đình
2001


Chú thích:


(1) Võ Đình, “Cái Chết của Gauguin”, Làng Văn, tháng 10/1988, in lại trong cuốn “Sao Có Tiếng Sóng”, Văn Nghệ xuất bản, 1991.
(2) Alfred Werner, học giả mỹ thuật học, giáo sư ở Wagner College. Werner viết Lời Dẫn Nhập bằng Anh văn cho cuốn Noa Noa của Paul Gauguin, xuất bản bằng tiếng Pháp ở Paris năm 1901. Sách này được dịch ra Anh văn bởi O. F. Theis (The Noon Day Press, A Division of Farrar, Strauss & Co., New York, 1957)
(3) Batignolles, khu lao động bình dân, ngoại ô Paris.
(4) (Sir) Kenneth Clark (1903- 1983), nhà phê bình mỹ thuật Anh quốc.
(5) Những đoạn ngắn từ thư riêng của Paul Gauguin được trích ra từ Lời Dẫn Nhập cho bản dịch Anh văn của “Noa Noa”. Xem chú thích (2).
(6) “Noa Noa”
(7) Võ Đình, “Rừng Mắm Văn Nghệ” (Văn Nghệ, California, 2000), tr. 190, 192

Phụ giải cho bài “Gô Ganh”

Viết xong bài “Gô Ganh và Noa Noa”, chúng tôi gửi người bạn đọc thử (qua điện thư). Bạn này, một người thường lưu tâm rất nhiều đến các vấn đề văn học nghệ thuật, hồi âm ngay. Xin chia sẻ với bạn đọc đôi điều:

[...]

“Bài viết của anh, em mới đọc qua, thích cách đặt vấn đề và giọng văn, nhưng vẫn thấy lấn cấn hai điều:

1. PG đi Tahiti tìm được vô số những cái mới, làm chuyển hướng hẳn nền hội họa Tây phương; nhưng đối với các nghệ sĩ bản xứ ở Tahiti thì sao? Nếu họ sống ở đó suốt đời thì em chắc là họ không tìm ra cái gì mới cả. Dĩ nhiên, em không tin lý do là vì họ bất tài. Phải không anh ?


2. Thay vì PG, một người đã đạt đến trình độ “bậc thầy” về hội họa ở Pháp đi Tahiti, một anh họa sĩ tay ngang nào đó ở Paris, chưa bao giờ từng nắm vững các kỹ thuật mới mẻ của hội họa, đi Tahiti thì cái gì sẽ xảy ra? Em chắc số phận của người họa sĩ ấy cũng không khác các họa sĩ bản xứ ở Tahiti mấy. Không biết có đúng không anh?

Từ hai điều lấn cấn trên, em nghĩ:

A. Điều quan trọng nhất hình như không phải từ Đông sang Tây hay từ Tây sang Đông mà là sự giao tiếp, sự giao lưu.

B. Những sự giao tiếp hay giao lưu ấy có lẽ chỉ đạt được những thành tựu to lớn nếu nó diễn ra trên nền tảng một vốn liếng khá vững chắc về kỹ thuật.
Bởi vậy, việc chạy theo nắm chéo áo của Tây nhất định là không nên, nhưng ngay cả việc cứ tiếp tục cố thủ ở Đông Hồ để vẽ mãi những bức tranh gà lợn chắc cũng không phải là giải pháp tốt.

Em không rành về hội họa. Có gì sai, xin anh bỏ qua cho.”

v.v... [...]

Chúng ta thấy là bạn này có hai điều lấn cấn (1 và 2) khi đọc xong bài “GG và NN”. Từ hai “lấn cấn” ấy, bạn ta đã suy ra hai điều khác (A và B). Rồi,“bởi vậy”, đi đến kết luận. Một điện thư ngắn ngủi, nhưng đầy đủ.

Chúng tôi đã trả lời người bạn, đại khái rằng bạn ta đã có những “lấn cấn” chính đáng. Và, mặc dù “không rành về hội họa”, bạn đã có những suy nghĩ xác đáng. Tuy nhiên, vì cũng trả lời bằng điện thư. chúng tôi chưa có cơ hội đi sâu hơn vào những ngõ ngách người bạn đã khơi mở. Sau đây, xin được chia sẻ với bạn đọc những suy gẫm chi li hơn:

1. Đúng vậy, những nghệ sĩ bản xứ (Tahiti) nếu không tìm ra cái gì mới chẳng phải vì họ “bất tài”. Chính vì họ có “tài” mà họ đã tạo nên được những hình thái, màu sắc có ảnh hưởng sâu đậm trên PG, và từ đó trên cả nền hội họa Tây phương (và từ đó...Việt nam!) Nhưng nếu họ chỉ quanh quẩn mãi ở Tahiti (chúng ta nên nhớ rằng đây là Tahiti của 100 năm về trước), họ sẽ chỉ khai thác tận cùng những hình thái đó cho đến lúc chúng kiệt quệ, trở thành những món trang trí có thể được coi như hấp dẫn dưới mắt du khách, nhưng, thật ra, đã khô cằn, không còn sức sống nữa.

2. Số phận của anh họa sĩ “tay ngang” này không khác các họa sĩ bản xứ ở Tahiti mấy. Thật vậy. Nhưng không phải chỉ anh tay ngang này mới lâm vào cái cảnh ấy. Những anh “tay nghề”, nếu không có cái tâm tình của PG, cái bản năng, cái tài hoa của PG, sẽ cũng chẳng hơn gì. Cứ nhìn lại một số báo National Geographic cũ (NG Magazine, April 1951, “Portrait of Indochina” by W.R. Moore and M.O. Williams) có in lại tranh màu của họa sĩ Pháp Jean Despujols (về sau, thành công dân Hoa kỳ).

Ông Despujols vẽ vũ nữ Khờ-me phơi trần đôi vú, cầm hoa sen đứng trước một ngôi đền dáng dấp Đế thiên Đế thích, đứa con gái nhỏ bồng em đứng dưới gốc dừa, sau lưng là một góc chòi lá, xa xa là cây cỏ nhiệt đới rậm rì, xanh tốt; ông Despujols vẽ mấy cô người Việt, “Delicate Annamese” tóc bối, “Robust Tonkinese” vấn khăn, vân vân... Xin lỗi bạn đọc, tôi không phải là một người hay chửi thề, nhưng mỗi lần thấy lại những tranh này, tôi buột miệng la lớn: “Merde!” (ông họa sĩ này người Pháp).

Những thiếu nữ da ngăm này, những hàng dừa xanh, những đồi đất đỏ này cần một Gauguin chứ không cần những “tay nghề” lẩm cẩm như cái ông Despujols này, để trở thành những hình thái nghệ thuật mới mẻ và độc đáo. Ông Despujols là trường hợp vô vị của một người vẽ lành nghề nhưng lại là một nghệ sĩ tồi, rất tồi. Còn trường hợp một “tay nghề”, một “bậc thầy về hội họa ở Pháp”, “từng nắm vững các kỹ thuật mới mẻ” (Monet? Cézanne?) đi Tahiti (hay Đông dương, đầu thế kỷ 20), những gì sẽ xảy ra? Tôi chỉ có thể trả lời là tôi không biết. Không biết nhưng ngờ. Tôi ngờ rằng chưa chắc những tài năng lớn như Monet, như Cézanne lại tạo nên được những hình ảnh như trong tác phẩm của PG. Có lẽ họ sẽ tạo nên những hình ảnh khác, và cả một nền hội họa hiện đại sẽ mang một khuôn mặt khác.

Riêng ông Despujols này, thay vì đi Đông dương, nếu ông đi Tahiti, số phận của ông dám còn tệ hơn là số phận các nghệ sĩ bản xứ. Có thể ông đã kiếm ra bộn tiền bán những bức tranh vùng nhiệt đới này (dừa xanh, đồi đỏ, phụ nữ mặc “xà rông” lòe loẹt, phơi vú trần dưới nắng hải đảo...) cho một quần chúng (ngu dốt) nào đó ở Âu Mỹ. Nhưng về mặt nghệ thuật, ông không thể đứng ngang hàng với những nghệ sĩ “dân gian” bản xứ.


Từ hai “lấn cấn” trên (1 và 2), người bạn đã suy nghĩ hai điều khác (A và B). Sau đây là những giải đáp cho hai điều đó:
A. PG chứng tỏ sự giao lưu không chỉ xảy ra giữa Đông và Tây mà còn giữõa Bắc (hàn, ôn đới) và Nam (nhiệt đới). Như con người, văn hóa, nghệ thuật có lúc cần được “tiếp máu”, từ rất xa...

B. Ở đây, bạn ta nói rất đúng, nhưng chỉ đúng một phần. “Vốn liếng khá vững chắc về kỹ thuật”, cần lắm lắm. Rất cần. Nhưng chưa đủ. Cần nhất là tâm hồn. Tâm hồn. Tâm tình. Tâm tính. Bản năng. Phong cách. Nói chung, cần một cá tính, một tính riêng, một dấu ấn riêng, một personality. Chính cái cá tính này quyết định hình thái của kỹ thuật. Kỹ thuật mới chỉ là “ngón nghề”. Hình thái của kỹ thuật mới làm nên nghệ thuật.


Hoàn toàn đồng ý về điểm không nên “nắm chéo áo Tây phương” mà cũng không “cố thủ” ở Đông Hồ. (Hiện nay, hình như ở Việt nam có phong trào “phục hưng” rầm rộ nền mộc bản cổ truyền, nhưng chưa thấy có những thử nghiệm, hay khai phá, mới mẻ trong ngành này. “Phục hưng” ở đây, phải chăng có nghĩa, vì lý do kinh tế, dĩ nhiên, lấy những bản khắc cũ, hay những bản khắc mới dựa theo bản cũ, in lại một cách vội vã, cẩu thả, có khi lòe loẹt, bôi bác, để phục vụ khách du lịch?)

Vấn đề là làm sao đi cho “kịp” người. Đồng thời “ta” vẫn là “ta”. Trong kinh A-Hàm có chuyện người cưỡi ngựa, chạy thật nhanh. Ai đó la lớn: “Đi đâu vậy?” Người cưỡi ngựa trả lời: “Không biết! Hỏi con ngựa ấy!” Người nghệ sĩ phải biết cưỡi ngựa, biết thúc ngựa chạy, và biết mình đi đâu. Không biết thì phải học, phải tìm hiểu. Chẳng lẽ dừng ngựa lại, tụt xuống, vỗ mông nó một cái rồi bỏ về... Đông Hồ! Khó quá!

May là bạn ta không “rành về hội họa”. Rành như ông họa sĩ Jean Despujols, phí cả một đời cầm cọ.   ./.


Võ Đình
2001

------------------------------------------------------------
   trích từ www.gio-o.com
================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét