bài liên quan: " vĩnh biệt hoạ sĩ Thái Tuấn '/ hoạ sị Trịnh Cung -- www.bbc.com/
Vĩnh biệt họa sĩ Thái Tuấn
| ||||||||||
Người hoạ sĩ, nhà phê bình mỹ thuật 89 tuổi, Thái Tuấn, ra đi vào lúc 13g ngày 26 tháng 9 năm 2007 tại chính căn nhà nơi ông từng bắt đầu sống những ngày đầu tiên tại Sài Gòn sau cuộc di cư năm 1954.
Căn nhà hẹp và tối, nằm trong một con hẻm ngoằn nghèo của đường Yên Đổ (tên cũ) dẫn xuống Bến tắm ngựa, ngay chân cầu Trương Minh Giảng, nơi mà dòng nước ngày càng đen và hôi thối.
Từ ngày ông rời bỏ thành phố Orléans (Pháp), nơi có dòng sông Loire thơ mộng chảy quanh, năm 2005, quay về lại Sài Gòn và ở cho đến hôm nay, tôi thường ghé thăm ông trên căn gác khoảng 6m2 vừa đủ cho một chiếc giường nhỏ, một cái kệ và một cái ghế. Trên cái kệ nhỏ là chân dung bà vợ, người đàn bà gốc Thanh Hoá, đã mất bên Pháp trước ông 6 năm, cũng vào tháng 9 và sớm hơn một ngày.
Trên vách đối diện, ông treo một cây thánh giá, cây thánh giá gầy như ông trong những tháng ngày vừa qua. Căn gác hẹp này, gần hai năm nay đã từng in bóng dáng của những người làm văn nghệ đến thăm ông như các nhà thơ: Phan Đan, Dương Tường, Hoàng Hưng,… các nhà nghiên cứu mỹ thuật như Bùi Như Hương, Phạm Trung,… và các hoạ sĩ cùng nhiều nhà sưu tập tranh và chủ gallery.
Tất nhiên là Sài Gòn đối với tuổi già của ông vẫn gần gũi hơn và ít cô đơn hơn là Paris hay New York. Ông vẽ được và nói chuyên về mỹ thuật một cách đầy hứng khởi mỗi khi gặp nhau, dù chỉ thều thào vì thanh quản bị thu hẹp do di chứng của hơn 40 năm ngậm tẩu.
Tôi một thời rất thích cách chơi tẩu thuốc lá của ông và cũng lây kiểu ngậm tẩu từ thời còn là “hoạ sĩ trẻ” cho đến ngày ra khỏi trại cải tạo năm 1979. Được một dạo sức khoẻ tốt hẳn lên, ông thường nhờ Thái, người con trai bán cà phê trên đường Bà Lê Chân chở ra phố Đồng Khởi để ngồi cà phê vỉa hè mà ngắm đời sống và khung trời xanh tr ên nóc nhà thờ Đức Bà. Những lúc đó tôi thật cảm động và nhận ra sự yêu đời tuyệt vời của một con người đang trở thành phế tích từng ngày.
Người nghệ sĩ đầy cá tính
Trong những lần trò chuyện, vẫn chỉ là những câu chuyện về giá vẽ, nhưng hình như ông cố muốn nói cho hết, nói gấp rút kẻo không kịp, dù sách về các vấn đề hội hoạ của ông vừa được nhà Phương Nam cho tái bản ở Việt Nam. Thái Tuấn, ngoài là một hoạ sĩ đầy cá tính, ông còn là nhà phê bình mỹ thuật lỗi lạc nhất Sài Gòn thuở đó.
Riêng đối với tôi, ông là người phát hiện và làm cho nhiều người quan tâm tới hội hoạ của một hoạ sĩ trẻ vừa chân ướt chân ráo từ Huế vào Sài Gòn năm 1962 để tìm một cuộc sống cho nghệ thuật.
Thường có mặt trong các Hội đồng giám khảo mỹ thuật quốc gia, ông có lá phiếu rất quan trọng cho các tài năng mới như Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước, Đinh Cường, Cù Nguyễn, Nguyễn Lâm,…Và tất nhiên, sự thành tựu của hội hoạ hiện đại Sài Gòn vào những thập niên 60-70 của thế kỷ 20 không thể không nhắc đến sự tác động mãnh liệt từ luồng gió mới của ý thức sáng tạo được thổi tới từ bộ ba Thái Tuấn, Duy Thanh và Ngọc Dũng (đã chết tại Hoa Kỳ).
Cũng lạ thay, là một người Công giáo, nhưng hầu hết những trải nghiệm về cái đẹp được ông viết trong các bài nhận định về hội họa đều mang đậm triết lý Phật giáo và mầu sắc phương Đông. Khi tôi đưa ra nhận xét này, ông bảo: “Thiền rất ảnh hưởng đến những suy nghĩ của tôi”...
Bây giờ thật sự đã không kịp nữa rồi. Diễn biến xấu nhất đã xảy ra quá nhanh. Sự sống như vậy đã khép lại, ông đang nằm im giữa căn nhà cũ, có sự im lặng của hai bức sơn dầu vẽ một người phụ nữ trẻ treo hai bên vách và tiếng cầu kinh chờ giờ nhập quan của người thân thuộc. Hoạ sĩ Thái Tuấn thật sự đã ra đi, đi thật xa, thật xa …khép lại vĩnh viễn những cuộc trò chuyện về mỹ thuật giữa chúng tôi. ./.
Sài Gòn 26 -9 - 2007
TRỊNH CUNG------------------------------ trích từ www.bbc.com ------------------------------- |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ