"Đọc Ký, tác phẩm đầu tay của Đinh Quang Anh Thái"
KÝ, tác phẩm của đinh-quang-anh-thái
(BT)
tác giả Ðinh-Quang-Anh-Thái-- (ảnh: Uyên Nguyên)
Tôi biết tới danh tính Đinh Quang Anh Thái khi anh là một tình nguyện viên làm việc ở trai tị nạn Hồng Kông. Đây cũng là thời gian tôi lo phần nội dung cho tạp chí Đường Sống, tờ báo phát hành hàng tháng có trụ sở ở nam California (1980/1992) do một số anh em Công Giáo thực hiện để làm quà tặng đồng bào tị nạn cộng sản tạm cư tại các quốc gia Đông Nam Á Châu. ('Đường Sống' là tiền thân của nguyệt san 'Diễn Đàn Giáo Dân' ấn hành từ đầu thiên niên thứ ba đến nay)
Hơn hai thập niên gần đây khi Thái dừng bước giang hồ, làm việc toàn thời gian cho đài Little Sàigòn Radio, sau đó là nhật báo Người Việt ở Quận Cam, tôi mới quen và có cơ hội sinh hoạt với anh.
Đó là các buổi ghé thăm các anh Vũ Quang Ninh, Nguyễn Hữu Công ở đài Little Sàigòn Radio, Đỗ Ngọc Yến, Phạm Quốc Bảo, Hà Tường Cát ở tòa soạn báo Người Việt. Đó cũng là những lần được anh phỏng vấn trên các đài phát thanh, phát hình ở địa phương, những dịp tôi nhờ anh làm MC cho các sinh hoạt ra mắt sách của tôi, của tủ sách Tiếng Quê Hương, bạn bè như nhà biên khảo Minh Võ, Gs/Ts triết học Đỗ Mạnh Tri (Pháp), Ts Bùi Hạnh Nghi và phu nhân –bà Tường Lam Công Tằng Tôn Nữ Tiếu Diện. (Đức quốc) v.v…
Riêng thời gian nhà thơ Nguyễn Chí Thiện chọn Tiểu Sàigòn làm nơi định cư, chúng tôi có cơ hội gặp nhau thường xuyên hơn. Dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là buổi anh tình nguyện làm MC cho buổi trực tiếp truyền hình 2 tiếng đồng hồ trên đài VNH/TV nhân lễ giỗ 100 ngày tác giả Hoa Địa Ngục do nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, nhóm Gioan Tiền Hô và Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam tổ chức.
Trong đời thường, Đinh Quang Anh Thái có một phong cách xử sự cá biệt. Thân thiện. Phóng khoáng. Dí dỏm. Cởi mở. Thẳng thắn. Đôi khi sự thẳng thắn vượt quá lằn ranh bình thường khiến người chưa hiểu anh phải rút vào thế thủ. Tuy vậy, tuồng như với tất cả mọi người anh gặp gỡ, tiếp xúc đều quý mến anh.
Nhờ những đức tính ấy, vòng giao tế, ảnh hưởng của Thái rất rộng, rất đa dạng. Những người anh quen biết thuộc đủ mọi giai cấp, thành phần, tuổi tác. Từ giới bình dân tới những nhà văn, nhà thơ, những trí thức tên tuổi trong cộng đồng tị nạn hải ngoại, kể cả trong nước. Chính lợi điểm này đã chắp cánh cho anh bay rất cao và rất xa trong nghề làm truyền thông suốt mấy thập niên qua. Nhưng những cái biết của tôi về Đinh Quang Anh Thái khi ấy còn rất mờ nhạt, như những nét chấm phá trên bức tranh thủy mạc, chưa trọn vẹn.
Phải chờ tới một buổi tối đầu tháng Tư Đen 2018, trầm mình đọc đến trang cuối tập Ký đầu tay của Thái, con người, cuộc đời, nhân dáng, phong cách của anh mới bắt đầu hiển lộ trong mắt và trong tâm hồn tôi. Tôi nói mới bắt đầu tức còn phải tiếp tục khai phá. Bởi nơi người bạn trẻ có cái tên dài ấy tuồng như vẫn còn những góc khuất với nhiều điều ẩn kín mà tôi chưa có cơ hội bước chân vào.
*
Mở tập Ký, lật bìa trước bìa sau. Đọc thoáng qua những lời bình ngắn của vài người viết tên tuổi, tôi ngừng lại trên khuôn mặt tranh tối tranh sáng của tác giả nổi bật trên nền đen bìa sách. Một ý nghĩ thầm cảm thoáng hiện. Tấm hình chân dung thật bắt mắt. Nó biểu tượng cho thái độ dứt khoát, hắc bạch phân minh của người trong hình, không chỉ qua cách phát ngôn ngắn, gọn, bất chợt, đôi khi làm phật lòng người đối diện. Hơn thế, nó còn thể hiện nhân cách, tâm tình, thái độ, nhân sinh quan cá biệt của anh. Vì vậy, dù lối sống đóng khung sau ngưỡng cửa gia đình của tôi gần như hoàn toàn trái nghịch với phong thái nhà báo kiêm người dẫn chương trình lanh lợi, lịch lãm này, nhưng tôi thật sự thích thú và quí mến anh.
Trong hơn hai chục năm quen tác giả chưa lần nào tôi hỏi tuổi anh. Tôi đoán chừng Thái còn trẻ, nhưng không bao giờ tôi nghĩ anh kém tôi tới gần hai con giáp!
Mở vào sách, đọc ít dòng tiểu sử, tôi kh ông khỏi ngỡ ngàng khi biết anh được mẹ bồng từ Hà Nội vào Nam sau tháng 7-1954 lúc mới bảy tháng tuổi. Ngó lại mình khi ấy đã là một thanh niên 22 với hơn 120 ngày lẻ.
Tự dưng tôi thấy yên tâm, vì trong suốt hơn hai thập niên qua, trừ khoảng dăm bảy năm đầu còn dè dặt, đáp lại tiếng “em” nhuần nhuyễn thân mật của Thái khi xưng hô với hầu hết những người lớn tuổi hơn anh, trong đó có tôi, không rõ từ lúc nào tôi đã tự động, thoải mái xưng “anh” với người bạn trẻ tài hoa này.
*
Tập Ký, tác phẩm đầu tay của Đinh Quang Anh Thái chỉ khiêm tốn thu gọn trong 200 trang với 10 khuôn mặt, tất cả đã về cõi khác với thân thế, địa vị, nghề nghiệp, bối cảnh sinh hoạt khác nhau, cạnh những người trẻ đồng hương đậm nhạt thoáng qua trong những lần anh ngao du các nước Đông Âu và Nga Xô.
Đinh Quang Anh Thái có lối viết đặc thù không thể lẫn lộn với những người viết khác, dù trẻ hay già. Theo tôi. có hai yếu tố làm nên lối viết này. Thứ nhất: ảnh hưởng sâu đậm nghề làm báo. Thứ hai: trí nhớ và năng khiếu quan sát tinh tế đầy cá tính trời cho.
Chưa cần đi vào nội dung, người đọc có thể nhận ra đặc điểm này qua cách đặt tựa cho từng đoản văn nói về 10 nhân vật. Với tư tưởng gia Hồ Hữu Tường, anh giới thiệu Bác Năm Tường theo cách gọi của những bạn trẻ đồng tù, rồi kèm 6 chữ trong ngoặc “Phi Lạc Đại Náo Chí Hòa” là người đọc nhận ra ngay danh tính vị học giả thời danh của miền Nam từng đẻ ra nhân vật Phi Lạc. Phi Lac Sang Tàu, Phi Lạc Đại Náo Hoa Kỳ, một thời làm say mê độc giả Sàigòn.
Đến những nhân vật kế như Hoàng Cơ Trường, Trần Văn Bá, Nguyễn Tất Nhiên, Đỗ Ngọc Yến, Đoàn Kế Tường, Nguyễn Ngọc Bích, Bùi Bảo Trúc, tác giả ghi rõ họ tên nhưng kèm trước hoặc sau những từ mà bất cứ ai đã có một lần gặp gỡ hoặc biết sơ qua về nhân thân, thói quen, thành tích đặc biệt, sẽ hình dung ngay ra chân diện của đương sự, trước khi mở vào tác phẩm.
Trước danh tính Hoàng Cơ Trường, với ba từ đầu “Giá mà còn” ngay lập tức gợi nhắc tới tinh thần dấn thân, thái độ nhiệt thành, cung cách giải quyết gọn, nhẹ và bản tính hồn nhiên, vui vẻ, hòa nhã. tận tụy của người quân y sĩ trẻ bề ngoài ốm yếu nhưng có một sức sống, một nội lực phi thường, không ngừng khai phá, xông xáo, giúp đỡ đồng bạn trong mọi việc thuở sinh thời. Nó khiến sau ngày ông ra đi, bất cứ ai từng làm việc bên ông, yêu mến, kính phục ông, mỗi khi gặp chuyện khó giải quyết đều có chung ý nghĩ: “Giá mà còn Hoàng Cơ Trường (thì hẳn kết quả sẽ khác!) Đến Trần Văn Bá, dù người đọc chưa hề biết tới đởm lược và thái độ can trường của anh trong sớm chiều từ bỏ tất cả tương lai, sự nghiệp của người trí thức đã thành danh trên đất Pháp, chấp nhận hiểm nguy, gian khó về lập chiến khu trong nước để không lâu sau bị kẻ thù đưa ra pháp trường xử bắn, nhưng với câu “chí lớn chưa về bàn tay không” trích trong bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, tức khắc hiểu ngay tác giả muốn nói gì về nhân vật này.
Rồi nhà thơ trẻ Nguyễn Tất Nhiên, nhà báo Đỗ Ngọc Yến, nhà báo Đoàn Kế Tường, nhà giáo, nhà báo với nhiều thứ “nhà” khác Nguyễn Ngọc Bích, Bùi Bảo Trúc… sau danh tính với những vĩ ngữ do tác giả họ Đinh chọn đưa vào đủ dể vẽ ra trước mắt chân diện từng người. Từ cái ngông khi nhìn đời, cái tình đối với bạn của nhà thơ trẻ họ Nguyễn trong cảnh đói rách dám bán chiếc quần mới bố vừa cho để đổi lấy bữa thịt chó đãi bạn ngày cuối năm; bức màn khói với hoài nghi, tín thác, thương quí, ghét hận bao quanh cuộc đời hoạt động của nhà báo Đỗ Ngọc Yến; cái thiện chen lẫn cái ác, thủy chung pha trộn phản trắc, sớm đầu tối đánh nơi nhà báo họ Đoàn; cái tài kèm theo cái tật của ký mục gia họ Bùi; trái tim lớn, rộng mở của nhà giáo, nhà báo, nhà ngôn ngữ học Nguyễn Ngọc Bích cũng được tác giả tập Ký nối vào danh tính, đủ đem lại cho người đọc một ý niệm khá rõ về từng khuôn diện trước khi mở đọc để chìm vào suy tư về những mảnh đời kỳ lạ ấy.
Theo trải nghiệm cá nhân hơn hai thập niên gặp gỡ, sinh hoạt bên Đinh Quang Anh Thái, tôi nhận ra nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, tác giả Hoa Địa Ngục, nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, tác giả Khói Sóng là hai trong số những mẫu người anh dành cho nhiều tình cảm trân quí thuở sinh thời cũng như khi đã chia xa.
Với hai khuôn mặt đặc biệt này, khi chọn tiêu đề cho đoạn Ký ngắn viết về họ, anh không quanh co mà nói thẳng tâm tình cảm mến, nuối tiếc khi họ từ giã cõi đời. Nhớ Thương Cậu Tiến. Và Tiễn Anh, Ngày Mưa Đầu Mùa.
Không dài lời, chỉ bấy nhiêu đủ để nói lên tâm tình yêu mến, cảm phục, tiếc thương của tác giả hai đoạn Ký này đối với một nhà báo –hơn thế một chiến lược gia, một nhà chính trị tuy chưa bao giờ trực tiếp tham chính hay gia nhập đảng phái-, và một nhà thơ “bất đắc dĩ” phải nhận danh xưng “Ngục Sĩ”, do đồng bào tị nạn vì trọng ông đã tự động gán cho. Với tôi, sự gán ghép này dù đúng trên một khía cạnh nào đó, nhưng bất công đối với cố thi sĩ! Giản dị vì nó vô tình phủ nhận giá trị nghệ thuật tuyệt vời trong thơ ông như cách đánh giá của luật sư, nhà văn, nhà báo, chính trị gia Trần Thanh Hiệp và nhận định của TS Erich Wolfang, Gs văn chương Đức tại đại học San Diego sau khi đọc bản dịch thi phẩm Hoa Địa Ngục do Ts Bùi Hạnh Nghi chuyển sang Đức ngữ.
Như đã viết, Thái có một trí nhớ và lối ghi nhận tinh tế trời cho. Với hai đoạn Ký viết về Hoàng Cơ Trường và Nguyễn Chí Thiện cho người đọc nhận ra đặc điểm này qua văn phong đặc thù của anh.
Nếu cụm từ “Giá mà còn… tác giả gắn vào tựa đề đoạn Ký viết về Hoàng Cơ Trường do rất nhiều lần anh ghi nhận thốt ra từ cửa miệng đám đông bạn bè thân thiết người y sĩ trẻ năng động này sau khi ông đã biền biệt bỏ họ ra đi… thì câu nói cửa miệng “Làm thế nào được!” đã trở thành Trade Mark của nhà thơ họ Nguyễn cũng được cây viết họ Đinh chụp bắt thật chính xác để đưa vào bài Ký mang âm hưởng một bài ai điếu với những dòng kết thúc sau đây:
“’Làm thế nào được’ anh Thiện ơi, để nguôi bớt nỗi đau khi anh ra đi! ‘Làm thế nào được’ để bớt nhớ dáng cao gầy của anh mỗi khi anh vào tòa soạn thăm em! ‘Làm thế nào được’ để ghi lại vài lần thảng hoặc thấy anh cười?
Và ‘làm thế nào được’ để thôi bị ám ảnh khi nhớ ánh mắt anh đuổi theo, khi em chia tay anh lần cuối cùng ở bệnh viện!?”
Kết thúc bài điểm sách ngắn này, thay mặt độc giả đã và sẽ đọc anh, tôi mong mỏi được thấy thêm những sáng tác mới của anh trong một tương lai không xa. ./.
Trần Phong Vũ
[1932 - ]
------------------------------------------------
trích từ UYÊN NGUYÊN ... thư quán...
=============================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét