Tính trào lộng sâu sắc trong truyện Đinh Phụng Tiến
02 Tháng Năm 20189:28 SA(Xem: 13)
Vì thế, với thời gian, cộng đồng Việt tỵ nạn đã có rất nhiều hồi ký, bút ký tù đầy, của những người cựu tù nhân trại cải tạo. Trong số này, chúng ta có không nhiều hồi ký hay bút ký của những cựu tù nhân, vốn là nhà văn. Cách gì thì cái nhìn hay ghi nhận của những nhà văn cựu tù cải tạo đó, cũng có nhiều khác biệt với những tác giả hồi ký tù cải tạo không phải là nhà văn, hoặc cũng đã từng viết văn trước đó, nhưng không chuyên.
Gần đây nhất, sau một thời gian được coi là thưa vắng hồi ký tù cảo tạo, bất ngờ, người đọc được đón nhận tập truyện tựa đề “Kẻ Thắng Cuộc” của nhà văn Đinh Phụng Tiến.
Cũng bất ngờ không kém, khi bìa của tập truyện này là một bức tranh sơn dầu đen / trắng mới nhất của họa sĩ Trịnh Cung - - họa sĩ Việt Nam tỵ nạn đã đi sâu và đem vào được tác phẩm của mình, thực cảnh đời sống xã hội Hoa Kỳ ở mặt khuất lấp nhất (2).
Tác giả “Kẻ Thắng Cuộc” là một nhà văn tên tuổi từ trước tháng 4-1975 ở quê nhà. Xuất thân từ “lò” tạp chí và, cũng là nhà xuất bản Trình Bày của cố nhà văn Thế Nguyên. (1) Nhóm Trình Bày ngay từ lúc đầu, mới hiện diện đã cho thấy xu hướng phản chiến, chống chiến tranh. Nhưng dư luận đã ghi nhận rằng, Đinh Phụng Tiến có lẽ là thành viên duy nhất của nhóm này, “lội ngược” chủ trương của Trình Bày qua những truyện dài đã được XB tại VN từ năm 1967, như “Hòn Bi”, hay “Cơn Lốc”, XB năm 1969…
Viết không nhiều, nhưng nhà văn Đinh Phụng Tiến được nhiều người trong giới cho rằng, ông là cây bút rất thận trọng, trong hành trình chữ, nghĩa của mình. Tính thận trọng của họ Đinh còn được hiểu, ông kiểm soát được những xung động tình cảm của ngòi bút trước mọi biến chuyển tâm lý nhân vật hay hoạt cảnh. Nhờ thế, cõi giới văn chương của ông đã đem đến cho người đọc, những đoạn văn mang tính “cao trào” thơ mộng, lãng mạn đúng lúc- - Hay, những bi kịch đời sống khiến người đọc nhậy cảm rất khó ngăn được những cơn bão cảm xúc bất chợt ùa tới, đến độ nước mắt có thể bật, chảy.
Ghi nhận đầu tiên của tôi khi đọc “Kẻ Thắng Cuộc” (KTC) là: Tuy tác giả gọi tác phẩm của mình “tập truyện” với hai chữ “truyện ngắn” ngay nơi bìa nhất, nhưng khi đọc tới dòng chữ cuối cùng của tác phẩm, được tác gỉa đặt tên là “Hồi kết không có hậu”, tôi chợt nhận ra 9 truyện ngắn trước đó, sự thực chính là 9… “hồi” chứ không phải 9 truyện ngắn mà, “hồi” nào cũng là “hồi kết không… có hậu!”
Khác với đa số hồi ký tù cải tạo tôi được đọc, ở hồi ký KTC của họ Đinh đã cho thấy tính mỉa mai, trào phúng… làm người đọc có thể cười ra nước mắt khi những kẻ chiến thắng, hành hạ một vị linh mục, được họ cho phép thực hiện một tiết mục hợp ca, nhiều bè: Ca khúc xưng tụng Hồ Chí Minh, nhân ngày lễ quốc khánh 2 tháng 9 của đảng CSVN. Nhưng, chỉ vì trong bài hợp ca này, các ca viên phải lập đi lập lại mấy chữ “Hồ Chí Minh muôn năm” theo bản tổng thể của ca khúc, có những chỗ “ca đoàn phải hát “Hồ… hô…hố… mà, cán bộ CS chủ buổi lễ đó, kết án rằng vị nhạc trưởng và 30 ca đoàn đã cố tính bôi bác hình ảnh ông Hồ Chí Minh. Kết quả là linh mục nhạc trưởng bị giam riêng, số tù nhân dính dáng tới màn hợp ca này, bị cấm viết thư về cho gia đình, tới khi có lệnh mới. (Chính hình phạt này đã dẫn tới thảm kịch tan nát gia đình sau đó của một ca viên tên Xuân, bạn đồng tù với họ Đinh (KTC, trang 18, 19, 20)
Tôi muốn nói nền tảng của cả tập hồi ký là tính trào lộng sâu sắc, tựa như đó là một trong những “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tác phẩm của Đinh Phụng Tiến - - do đấy, đó cũng là một trong những khác biệt của ông với tác giả của những cuốn hồi ký khác.
Trong KTC, họ Đinh cũng dành tới 7 trên 10 phần trăm, để nói về cái đói triền miên, thê thảm của tù nhân, song hành với tình trạng cưỡng bức, vắt cạn sức lao động của người tù… Nhưng ông không ghi nhận hai tính chất “đặc thù” này trong tinh thần lên án, rủa xả mà, ông luôn gắn cho chúng những nụ cười… không thành tiếng. Ông cũng lạnh lùng phân tích chúng ở khía cạnh sinh lý, bản năng tự nhiên của một con người.
Dọc theo lộ trình KTC, người đọc sẽ bắt gặp rải rác đâu đó, hình ảnh “hai cục bột luộc” bữa ăn trưa của tù cải tạo sau nửa ngày lao động kiệt sức… Tác giả viết, ông gói kỹ hai cục bột luộc trong tấm lá chuối, chỉ bằng “hai cái lưỡi mèo!” không dám mở ra xem vì, sợ nó… “bốc hơi!” Rõ hơn, Đinh Phụng Tiến viết:
“… Mỗi cái (cục bột) nhỏ, xấp xỉ bằng phần ăn sáng. Dù vẫn là hai ‘cái bánh’ cho bữa ăn trưa mà cán bộ đã hứa. Ăn xong vẫn đói như chưa ăn, có khi bao tử bị kích thích còn cảm thấy đói hơn. Không hiểu tại sao lại như vậy…” (KTC, tr. 28, 29)
Câu hỏi “không hiểu tại sao vậy?”, bắt nguồn từ buổi họp trại trước đó, khi trại trưởng bảo nếu tù cải tạo chịu gia tăng năng xuất lao động thì phần ăn trưa của họ được “cải thiện” thêm 1/3 nữa. Nhưng khi tù cải tạo lén lút gặp “anh nuôi” tức “nhà bếp”thì “anh nuôi” cũng lén lút cho biết, trước sau vẫn chỉ chừng đó bột thôi! Nhưng “cán bộ bảo phải ngắt ra thành…hai cái…” (KTC, tr. 29)
Ở thời điểm này, nhà văn Đinh Phụng Tiến bị giam giữ tại rừng Yên Bái (Bắc phần). Đó là nơi nhà cách mạng Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông bị thực dân Pháp hành quyết năm 1930. Họ Đinh viết rất… “may” mà anh hùng Nguyễn Thái Học “được” quân Pháp chém đầu nên sau này, các ông vẫn được ghi danh vào hàng ngũ những người yêu nước. Nếu không, sau này, ông cũng sẽ bị thủ tiêu bởi những người làm cách mạng vô sản
Tác giả viết:
DTL
______
Chú thích:
(1) Nhà văn Thế Nguyên tên thật Trần Gia Thoại , tác giả truyện dài nổi tiếng “Hồi chuông tắt lửa”. Ông sinh năm 1942, mất năm 1989, tại Saigon.
(2)Tác phẩm hội họa mới nhất của Trịnh Cung, vẽ một gia đình tỵ nạn Việt ở Hoa Kỳ, được “hưởng” sự đùm bọc ý nghĩa của hệ thống Goodwill; cơ sở cung cấp tất cả mọi nhu cầu của đời sống hàng ngày cho những người có lợi tức kém, với phẩm chất và nhãn hiệu tốt nhất…
trích từ Du Tử Lê 's blog
================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét