Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

' Hà Nội 40 năm xa / ngày 4 tháng 10- năm 1995 / Thế Phong -- www.vanchuongviet.org/

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017


' Hà Nội 40 năm xa / ngày 4 tháng 10 năm 1995' / Thế Phong -- www. vanchuongviet.org/

Hà Nội 40 Năm Xa / ngày 4 tháng 10 năm 1995...
Thế Phong



  nxb Thanh Niên tái bản lần 1  --( Hà Nội 2006.)
(Bt)

gặp lại nhà văn Băng Sơn, sau 40 năm xa cách 
(ảnh chụp bên hồ Gươm, Hà Nội tháng 10/ 1995.)
(Bt)


phải qua, trên xuống ,  hàng thứ 2:

 [Đỗ] Phương Quỳnh (ngoài cùng) 
"... Phương Quỳnh quay sang phía tôi kể chuyện Ý Nhi từ Paris gọi điện thoại viễn liên, hỏi thăm đoàn nhà văn Sài Gòn ra Hà Nội  họp; trong đó có  gửi lời thăm tôi.." (TP) 

(Bt)

Ý Nhi [IE HOÀNG THỊ Ý NHI 1944-  ]--  (bên phải)
chụp chung với Bùi Giáng + Thế Phong -- (ảnh: Lữ Quốc Văn)

" người tổ chức ' cuộc gặp mặt những nhà văn tp. HCM ra Hà Nội họp với các nhà văn Pháp "Les Temps des Livres" 
ở thủ đô Hà Nội, tháng 10 năm 1955. 
(Bt)
'




nhà văn nữ Lý Lan [ 1957-     ]  -- (ảnh: Internet)
"...chở nhau trên xe đạp, cùng chụp ảnh lưu niệm cũng thú vị đấy chứ ... " -- lời Lý Lan nói với TP. 
(Bt)


nhà văn tiền chiến Nguyễn Đức Quỳnh [ 1909-- 06/ 06/ 1974 saigon.]
chủ soái nhóm Hàn Thuyên tiền chiến+  Đàm Trường viễn kiến (Saigon.)
(ảnh: Internet)
 (Bt)

"... thầy Quỳnh không chỉ là thầy dạy tôi  ở  Trường Louis Pasteur, còn là thần tượng của tôi..." 
-- lời giáo sư , kịch tác gia  Hoàng Như Mai .


Tô Thùy Yên [ I E ĐINH THÀNH TIÊN 1938-    ]
(photo retouchée par phan nguyên.)

"... thằng cha này đã "đĩ-tính-thi sĩ", từ cục thịt đỏ hỏn, từ Nhà thương Chợ Rẫy-- Đinh Thành tiên sinh năm 1937, ông thân sinh làm ý tá, tên Đinh Văn Tám khai rút 1 tuổi -- thành ra cu bé  Tiên sinh năm 1938..." -- lời một cô vợ cũ của Đinh Thành Tiên. 

phải qua, người đầu tiên: 
LÊ BẢO HÙNG (hiện ở Hoa Kỳ-- bạn học cũ của TP ở Hà Nội , thập niên '50's)
+ thi sĩ Mai Trung Tĩnh (nằm) + thi sĩ Vương Đức Lệ .
hàng sau:
-  THAO VU (quốc tịch Mỹ), phu nhân Mai Trung Tĩnh+  tác giả Hoàng Song Liêm + X...  
 ( Lê Bảo Hùng cung cấp ảnh )

"... không là Bùi Hữu Khánh, thì Lê Bảo Hùng, bạn học cũ cùng lớp đến rủ đi tập thể dục mỗi sáng ở SEPTO."
 (Sân Vận động hàng Đẫy) ..." 
(Bt)






                                                                           ngày 4 tháng 10 năm 1995 


Sáng nay được rảnh rang đến 9 giờ 30, tôi dạo quanh Hồ Tây, và nhân thể nhận tấm ảnh chup ở chùa Trấn Quốc hôm nọ,  và tiện dịp đến thăm lại cảnh xưa, chốn cũ - nơi xưa kia tôi đến với sách vở học hành - còn là một nơi hò hẹn với Đặng Ngọc Oanh, nhà ở phố Đội Cấn, cô ta đến đây không mấy xa! Khi đó tôi sống nhờ nhà bà cô ruột, tính tình bà rất khó, và sân sau chùa  Trấn Quốc, nơi dung nạp mối tình êm ái tuổi học trò.   Không còn nhớ rõ lắm, hình như Kiều Liên Sơn  từng đeo  đuổi Oanh đen - cô ta  rất giỏi pháp văn-  so với tôi, thì kẻ này 8 lạng, người kia  xấp xỉ nửa cân.

Tối đầu tiên đến Hà Nội, Kiều Liên Sơn chở tôi qua phố Đội Cấn, lấy tay chỉ khoảng này : nhà Oanh đen đấy, mày còn nhớ không ?  Nhìn vào căn  nhà cửa đóng vẫn chẳng có gì thay đổi, bây giờ nhớ lại  cảm thấy buồn da diết  !...

Bao nhiêu lần Oanh đen ngồi học cùng tôi, đứa này hỏi đứa kia; đứa kia trả lời quấn quít bên nhau đến nỗi thời gian trôi qua đi quá nhanh- mới sớm mai sao đã sương chiều ?!( thơ Xuân Diệu).
Chùa Trấn Quốc có tu sửa lại lẽ đương nhiên, ngay con đường dẫn vào cổng, hai bên đều xây ốp kè đá moellon (1) trồng hai hàng cau rừng thẳng tắp mướt xanh càng tăng vẻ đẹp thơ mộng!   Sư cụ chủ trì  hiển nhiên không phải  nhà sư trước kia  tôi quen biết - nhưng mới đây đã được nghe thấy giọng ông ta  ngâm thơ mới  sáng tác trên màn ảnh nhỏ truyền hình Hà Nội. Nhà sư tiền nhiệm  trụ trì cư đã di cư ngay đợt đầu sau 20/ 7/ 54 . Vào Nam, nhà sư  xây ngay một ngôi chùa mới mang tên Trấn Quốc tọa lạc trên  đường Minh Mạng (Saigon 10- (2)- có  đôi lần tôi gặp nhà sư đi cùng thượng tọa Thích Tâm Châu đến thăm chủ soái Hàn Thuyên, nhà văn Nguyễn  Đức Quỳnh- nhà kế cận chùa Từ Quang. Nhắc tới Nguyễn Đức Quỳnh - tôi bèn nhớ chiều qua gặp giáo sư Hoàng  Như Mai-   nghe  ông tâm sự:

"..-.thầy Quỳnh không chỉ là thầy dậy ở Trường Louis Pasteur mà còn là thần tượng của tôi !  Ta nên in chung một cuốn nhé - anh nói về Nguyễn Đức Quỳnh từ sau 1945- còn tôi nói về ông trước 1945- bộ truyện" "Thằng cu So"" Thằng Phượng"" Thằng Kình" hay lắm chứ, theo tôi, rất nên tái bản, thật hữu ích !"

Còn Lý Lan lại trách khéo - sau buổi họp không tìm thấy tôi đâu cả.:  " có gì đâu, cứ chở cô ở phía sau xe đạp trên yên xe của em bé ấy !  

...trả lời - quả là tôi có ý trốn thật !   Kim Cúc có nụ cười hóm hỉnh, thêm khóe mắt nhìn cộng lới nói bông phèng vun vào rất độc !

Lý Lan nói thêm: "chở nhau trên xe đạp, cùng chụp ảnh lưu niệm cũng thú vị đấy!  Vài chục năm sau giở ra xem, ôi chao "hai mươi bốn năm xưa, một đêm không gió cũng không mưa !" (3), lúc đó đã thành bà nội, bà ngoại rồi còn gì ? !".

Với tôi, lần đầu tiên tái hồi, còn quí vị  thường ra Hà Nội họp hành văn nghệ hàng năm rồi.  Lý Lan tiếc mãi, buổi sáng nay không cùng tôi thăm chùa Trấn Quốc- thật tiếc -  nhất định phải có một lần thăm ngôi chùa vào loại cổ kính nhất này, đâu đó xây dụng từ thời Lý Nam Đế- "... ta thăm chùa, rung răng rung rẻ,  mỗi đứa một chiếc kem cây vừa mút vừa ngâm nga" mình ơi có đi bờ hồ / cùng ta  chén kem kem kẹo dừa... !".

Nhìn đồng hồ, đã tói giờ sang thăm Nxb Văn học, luôn thể tham dự buổi giới thiệu sách Port SudanOlivier Rolin gặp giám đốc Lữ Huy Nguyên đang trò chuyện với thi sĩ  Vân Long.

Gặp dịp, tôi nhắc chuyện cuối 1994- Trần Nhật Thu cho biết anh sẽ gửi giấy phép tái bản tập thơ Nếu anh có em là vợ -..và đã ..hơn năm trôi qua chưa thấy gì, anh thử coi lại xem sao ? -  Anh Nguyên rất tận tình, mở tủ tìm tập vở ghi chép nhận bản thảo, quay lại phía tôi hỏi đưa bản thảo vào tháng mấy ?  Nhớ mài mại tháng 11/ 94- thế là anh lật qua từng tháng năm 94, và anh hẹn:
- Đúng 10 giờ tối 5/10, anh gọi điện lại nhà tôi sẽ có câu trả lời ngay.

Cầm bút ghi lại số điện thoại nhà riêng, và đúng lúc này nữ thông dịch Đỗ Minh Nguyệt tòa Đại sứ Pháp đi cùng Robert Lacombe tới.  Còn dịch giả sách Port Sudan rất trẻ- ấn tượng qua  bộ râu quai nón rất nam tính, đã trao đổi vói tôi lối viết tiểu thuyết Rolin khác lạ -  truyện xuyên suốt từ đầu trang đến cuối không một lời đối thoại.  Không phải chỉ cuốn mỏng hai trăm trang này; 
các cuốn khác cũng vậy - không lời đối thoại- dịch giả tiếng việt lại nhấn mạnh  một lần nữa.

Olivier Rolin đang ký tên vào bản tiếng việt, trao cho nhà xuất bản, bắt tay nữ  văn sĩ Đỗ Phương Quỳnh mới tới- cặp kè bên  Cao Xuân Hạo, cũng là một dịch  giả tăm tiếng, dịch truyện  Người tù khổ sai / Henri Charrière.  Phương  Quỳnh quay sang phía tôi, kể chuyện Ý Nhi từ Paris  gọi điện thoại viễn liên hỏi thăm đoàn nhà văn  Sài Gòn ra Hà Nội, trong đó  gửi lời thăm tôi.  

Quỳnh thuật lại, Ý Nhi nói vắn tắt thôi, viễn liên Paris- Hanoi tốn bộn! Còn cho biết thêm, Lacombe hỏi ý Quỳnh về danh sách đại biểu nhà văn Saigon tham dự - " riêng  anh,  em ủng hộ hết mình !".  Tôi cảm ơn thật lòng không xã giao đối vói  nữ văn sĩ cùng họ Đỗ !.

Nhớ vài năm trước, gặp Phương Quỳnh ở nhà Ý Nhi.  - từ đấy quen biết, khi đó có mặt  Tô Thùy Yên đang chờ đi H.O.   Chàng làm thơ có bộ vó tóc dài vô chính phủ  kiểu Nguyễn An Ninh rạt rào tình ý, phung phí tình cảm, bắt gặp người nữ vừa bụng dạ là ưng ngay  - còn Phương Quỳnh gặp đối tượng nam trông hợp nhãn, là buông " vó "câu liền  -  thế là chàng nam a lê hấp tấn công Quỳnh liền tù tì ! . Bắt tín hiệu xong, cứ tưởng  bở, vuốt tóc, soi gương, tự khen :
 - độc thủ  sát cá cái vượt vũ môn chỉ một mình ta ! 

 Cũng chẳng trách  bọn nam văn sĩ đĩ tính, thời nào cũng thế thôi- nữ  muôn đời là  nguồn cảm hứng - chẳng thế,  một  văn sĩ kinh điển, cỡ Prosper Mérimée từng thú nhận" sau đàn bà mói tới văn chương " kia mà !.

Rồi  từ đâu đó,  tự dưng trong trí tôi  bài thơ  Giã  biệt II :

Cũng có lần anh muốn thâu gom
Cả quá khứ của em, quá khứ của anh
Làm đống lửa dỗ dành
Gọi về hai kẻ lạc loài nơi đồng không
Em mới lớn và anh còn rất trẻ
Cũng có lần anh đến ngõ nhà em
Nhưng rồi lại đi luôn
Lang thang rã rời ngoài phố đông người
Không gặp một ai quen
Quán xá bây giờ cũng đổi mộng
Cũng có lần  anh đứng lại bên đường
Thẫn thờ chờ xe ngớt băng qua
Bất chợt nghe như đời đã muộn
Muộn đến chán chường rũ thõng đôi tay
Tưởng không cái vội nào còn bắt kịp
Chỗ tối tăm ở phía dưới chân đèn
Nỗi ngu muội nằm ngay trong ý thức
Anh nhìn quanh kinh ngạc lạnh hồn
Mọi người vẫn sống được
Đáng tội cho anh có một cái đầu
Thông thống bốn bề
Đành không cô lập nỗi u mê
Nên cứ phải luẩn quẩn nỗi ám chướng
Rất nhiều hôm anh đã đi rong không mấy đỗi đường
Mong rớt bớt dần những  thống khổ .(4)

TÔ THÙY YÊN
Nhớ lần gặp một cô vợ cũ tác giả- đọc bì bõm  mấy câu nhớ được- tôi  khen cách móc họng, rất bố láo:
" ...thằng cha này đã" đĩ -tính- thi- sĩ"  từ cục thịt đỏ hỏn từ Nhà thương Chợ  Rẫy - Đinh Thành  Tiên sinh 1937, ông thân sinh  làm y tá, tên  Đinh Văn Tám bèn khai rút1  tuồi -  thành ra cu bé  Tiên sinh năm 1938." 

 Lại bình : có đến 2  Giã biệt  tặng 2 ả- vậy  giã biệt 1  tặng ả nào, và ả nào được tặng giã biệt 2 phó bản nhỉ ? làm sao biết, nếu không là tác thiệt ?

Nhà văn Thụy Vũ cười rất tinh quái : ( nàng là một trong tứ đại văn sĩ bốc lửa tình Saigon trước 75 )
- Ông ngây thơ quá đấy ?! Chỉ bổn cũ soạn  lại, ghi tên nường mới thôi !
-...vậy Giã  từ 1 tặng vợ bước qua -  Giã từ II -  tặng tình- nhân- vợ-  đang bước vào - cũ người,  với  ta vẫn mới nguyên si  ? - quả chàng tay quán quân prolific tim hồng !

Trở lại với Olivier Rolin  rất kiêu hãnh với kỹ thuật viết tiểu  thuyết không cần lời đối thoai- chàng văn  nhân quốc tịch Thụy Sĩ được giải Fémina 95- vậy là Ban chấm giải tán thành lối viết mới này không ít ?   Một ban nhà văn khác, tôi không biết tên - chẳng  hỏi  làm gì -  đang tán dương lối viết mới không cần đối thoại của Rolin-  tự nhiên quay sang phía tôi :  chắc  anh  tán đồng ý  kiến mới bầy tỏ,  vậy anh cho biết  cảm  tưởng riêng ?

 Nói là mới  đối với Rolin thi được, với tôi thì  không? Tại sao? .. bởi vì cách đây 38 năm, tôi rừng viết một tiểu thuyết Truyện người của tình phụ
( 5) khỏang hơn 100 trang in- không phân tiết, chương, không xuống dòng, không lời đối thoại- kể lại đoạn đời + văn chương một nữ sĩ tài danh miền Nam ( tất nhiên  là tiểu thuyết  hư cấu).    Lúc đó với tôi, chỉ là thể nghiệm cách viết khác với cách viết trước mà thôi.

Cuộc trao đổi bị cắt, khi có tiếng xì xào từ bác phó nháy:
- Một, hai ba chụp nhé, cười lên nào !

Thế là mọi người lại có mặt lại ngồi xoay quanh cái đinh Olivier Rolin, chờ chực được bấm máy.   Cứ mỗi lần chụp ảnh kiểu này -  tôi nhớ Lữ Quốc Văn kể  chuyện thầy dậy học anh, ông Nghiêm Toản rất sợ bác phó nháy.  Mỗi lần  nháy -  tim ông bị nháy theo - chẳng biết có  tham gia hội kín, hội  hở nào  không-  sau ông bị mật thám tây gọi lên tra vấn, tại sao  ông có mặt không tình cờ trong một tấm ảnh với tên phiến loạn   ?!

Tôi cũng đành ngồi vào cho chụp- lòng không mấy vui. Lại một phen chứng kiến Rolin vừa cầm bút vừa hút thuốc, hút liên miên hết điếu này châm tiếp điếu khác, rút tiếp từ  bao trong tút Chesterfield mang theo bên người !

Lại lén ra cửa thật nhanh, đi tìm quán cóc- ấy là tôi đi tìm giấc ngủ, dầu trên tay vẫn cầm ly cà phê đen- thú vui này đôi khi phải móc túi đền ly vỡ là điều khó tránh !

Sau đó, tôi đạp xe lên bờ Hồ Gươm,  rảo qua mấy hiệu sách  trang hoàng thật đẹp trên phố sang trọng Tràng Tiền trung tâm - nhớ xưa kia nơi  này mấy chục năm - cây bút trẻ Tô Hoài mới vào nghề bị đàn anh sai,  lóc cóc,hớt hải chạy, tìm   mua cho được  bánh giò Đờ-Măng trên phố Paul Bert này  - nhanh thật nhanh để  đáp ứng cơn đói dày vò của  đấng bề trên Nguyễn Bính đói bụng đang chực chờ !  (6)

Bước vào hiệu sách lớn  , nhìn  số nhà  34 phố Tràng Tiền- man mác quầy hàng bầy hàng rừng sách văn chương, thi ca, đông, tây kim cổ, thật sướng mắt !   Và đây rồi, nhìn tên nhà văn tây - ông này  qua đời , đã   được xếp nằm bất động tại điện Panthéon - sao bây giờ lại nhỏm dậy qua bút danh mới  ANDRÉ  MALARAUR  (6). Có nhà văn thơ cổ điển vào loại tầm cỡ ở bên tây - đó lá tác giả ÁC HOA (7) hay THƠ XUÔI NHO NHỎ  còn bị dân cựu thuộc địa chê lên chê xuống - viết tên CHÀNG sai bét sai be ?!

Tôi  trở ra phía đền Ngọc Sơn, tìm đúng  chỗ xưa kia: bốn  thằng học sinh trung học gồm:
KHÁNH, DUẬT, CHIỂU, TƯỜNG ngồi trên bờ tường này, nhìn ra phía cuối hồ chụp chung một tấm  ảnh.  Bây giờ chỉ còn lại tôi và  Bùi Hữu Khánh, 2 tên kia ở nơi xa xôi  - Lê Trọng  Duật ở Anh quốc, Chiểu  Huê Kỳ.  Theo múi giờ, hai thằng kia đang ngáy khò khò, riêng tôi thức rong chơi ,và thằng Khánh đang đứng  lớp giảng ở Trường Nguyễn Ái Quốc cao cấp.

Cảnh quan đền Ngọc Sơn vẫn như cũ, bom đạn tránh xa - tương truyền 500 năm trước, có chàng Nguyễn Siêu trẻ tuổi đứng ra tu tạo, sửa sang, sơn phết -  riêng Tháp Bút phía ngoài  tạc dòng chữ Tả thiên thanh.  Cho tới một ngày- có chàng Hoàng Khởi Phong ở tận nước Mỹ xa xôi - ngày ngày giang tay ôm tả thanh thiên để Viết lên trời xanh đầy ắp cảnh chiến tranh tương tàn !

Tôi lượn vòng quanh đền  nhiều lượt , nhìn toán thợ sau giờ làm việc đang rít  ống thuốc lào kêu ro ro, một thợ phê thuốc, nằm lăn ra ngủ trong lán được dựng bằng tấm tăng Mỹ mới cáo cạnh, vậy  đào đâu ra ?  Đó là sự ngạc nhiên thích thú,  khám phá sự kiện Mỹ đã không có mặt ở Hà Nội hơn 30  năm, chắc là tấm tăng kia có bánh xe quay lăn theo chân ngoại trưởng Huê Kỳ cùng tới Hà Nội rồi !  Bỗng, một khách  lên tiếng:
- Thôi chúng ta vào trong đền xe cụ rùa vĩ đại nào ?

Thế là tôi theo họ vào đền. Trong một  tủ kính lớn,  một con rùa  thật lớn- cứ theo bảng chỉ dẫn: rùa được vớt lên từ 1968. nặng 250 kí lô, dài 210 cm, ngang 120. Rùa sống ở hồ có tới 4, hoặc 500 năm, áng chừng vào thế kỷ XXVI- giai đoạn nước ta chống quân Minh xâm lược.

" Cụ Rùa" qua đời. xác ướp trong lồng tủ kính, xung quanh bóng đèn chiêu sáng, được rất nhiều khách tham quan, dừng chân, chiêm ngưỡng trầm trồ dị vật.

Ra ngoài, đi ngược lên Hàng Bè, Hàng Sũ, cửa hàng bán chẳng thiếu thứ gì- nhiều nhất ở phố này là  cửa hàng bán giầy da.

 Hà Nội mùa này mặc váy, quả thực vậy!. Các cô, các bà toàn mặc maxi váy lả lướt khắp phố phường, đủ sắc màu lung linh, xoay như đèn kéo quân quanh hồ, quanh phố, mọi nơi mọi chốn; chẳng khác gì tôi đang lạc vào một thành phố châu Âu.

Tạt qua phố bờ sông, tìm lại Cột đồng hồ năm cũ,  nay không còn dấu vết trên con đường thoải dốc dẫn lên cầu  Chương Dương.   Cầu Paul Doumer- tên của  viên toàn quyền áp đặt lên cầu Long Biên ngày nay; thì khoang còn, khoang xập, chỉ còn dành cho  khách bộ hành và xe đạp độc quyền rong ruổi thoải mái.


Ngày tháng cũ trở về, tôi cùng bạn học nam từng đạp xe đạp qua Gia Lâm, có  lần đi xa hơn vượt một chặng đường trên đường số 5, tưởng tượng như đang xuống Hải Phòng bằng xe đạp.   Cũng có lần rong ruổi, đạp xe đi thăm chùa Hương, và trước đó thám hiểm chu vi hồ Lãng Bạc trên dưới 20 cây số. Với tôi, chỉ là chiếc xe đạp  đờ-mi-cuốc ( 8)  dán mác Sterling, ống tuýp 808, ghi đông chữ U, tai hồng Bell - bạn đồng hành của thời học sinh đến  thời đầu vào nghề  đi lấy tin chó chết tại  4 quận Hà Nội cho báo Thân dân, Dân chủ ..

Trong số bạn bè chăm tập thể dục buổi sáng ở Septo, đôi khi còn gọi Sân vận động hàng Đẫy - cứ 4 giờ 30 sáng, nghe tiếng chuông ngoài ngõ 325 ( ngõ Chợ Đuổi cũ) - thì biết ngay -  không   Bùi  Hữu Khánh, thì Lê Bảo Hùng, bạn  học cùng lớp , đến rủ đi. Riêng thằng  Khánh và tôi ,húi đầu cua, mặc quần "xọoc" chẳng khác  cặp  sinh đôi sàn sàn kích cỡ, khó phân biệt  bé nào chui ra trước, gặp ai cũng toét miệng cười, chào vui vẻ.


Sân vận động hàng Đẫy nay đã khác xưa nhiều lắm, mở rộng chu vi, xây cất bề thế, chẳng bù cho 3, 4 chục năm xưa hoang vu, vắng vẻ, lúi xùi - từ cổng vào chỉ có một hàng bán trà đá mùa hè, trà nóng mùa lạnh.

Cũng như Trại Quần Ngựa xây từ thời Pháp để nuôi ngựa giống, nay chỉ còn cái cổng cũ xưa như di tích một thời- chẳng khác gì cửa chợ Đồng Xuân- Bắc Qua chỉ còn mặt tiền cổng cũ, bên trong đang đào móng, thay nền, xây chợ mới.   Bạn hàng bán buôn ở chợ cũ đưa sơ tán  xuống Cửa Đông , kéo dài sang đến lề đường Phùng Hưng, Đường Thành. Riêng chợ vải được chuyển về đường Phùng Khắc Khoan- khi tôi  đang đi tìm nhà  - nhà báo Hiền Nhân về hưu- các cô bán hàng níu kéo, cô này chìa vải mẫu , cô kia  khoe mẫu áo mới chào hàng . vv...

Nhà báo Hiền Nhân (9) ở trên  gác hai số nhà 36.  Đôi mắt anh đã mờ, đọc báo chỉ nhìn được hàng chữ lớn nhất qua kính lúp, và đọc nội dung toàn bài  phải nhờ đến cháu, con. Trước 1954, chủ bút  nhật báo nổi tiếng Tia Sáng, tờ báo lớn  nhất ở Hà Nội bấy giờ, đã có máy in tối tân Rotative .  Thời kỳ chia đôi đất nước sau hiệp định Genève, anh ở lại, sau trở thành tổng biên tập  nhật báo Thời Mới- và tòa soạn vẫn đóng đô trụ sợ cũ.

Anh là người cho đăng truyện ngắn đầu tay Đời học sinh ký Tương Huyền trên báo  Tia  Sáng, tôi không quên tòa soạn nằm trên phố  Gia Long.  Kể lại chuyện cũ, tôi nhớ nhầm địa chỉ tòa soạn ở 38 Gia Long - thì lại nói 34 - anh bèn sửa sai ngay, tôi mừng, vì trí nhớ còn minh mẫn.   Sinh 1907, nhà báo sống gần trọn thế kỷ XX, kinh qua  biến thiên lịch sử- từ tiền chiến đã  nổi danh  bỉnh bút cừ khôi nhật báo Đông Pháp- trong khi bạn anh, Thượng Sỹ - Nguyễn Đức Long vang danh trên vai Ngự sử văn đàn báo Tin Mới.   Thượng Sỹ di cư vào Nam  trên tàu há mồm cùng Vũ Bằng, còn  Hiến Nhân ở lại miền bắc, sau 1975 , thống nhất, họ chưa hề  gặp mặt nhau được  một lần- mỗi năm chỉ một lần gửi thiếp chúc tết cho nhau mà thôi !

Tôi đem một số sách đã in tặng ân nhân, hẳn  không mong  đọc- đề tặng người như một  kỷ niệm ghi ơn người dìu dắt  vào làng báo, làng văn cách đây gần 50 năm mà thôi.


Rồi tôi băng qua ngõ Phất Lộc, thuộc loại phố cổ nhà xưa - cùng niên kỷ  ngõ Tràng An , mạn phố  Huế -  tôi bước đi  - bước chân hậu bối dường như cùng  sóng bước  bên tiền nhân  vang bóng ngàn xưa. Này phố Mã Mây, kia Hàng Bạc- nơi có những bước chân đầu tiên một học sinh 18 tuổi lạ nước, lạ cái từ Nghĩa lộ về Hà Nội - đến nhà ông bà  Đội Mộc xin trọ học, như mẹ anh gửi gấm.

Không hiều sao chỉ ngủ  nhờ một tối -  cậu học trò kia không thể ở lại qua đêm thứ hai- lấy cớ đi tìm trường xin học,  cậu ta tạt vào quán Mai Hương bán chả rán, nem chua- đầu tiên ăn cho thỏa dạ món ăn mới đã !  Gặp  bà chủ tốt bụng, chồng người Hoa, con trai  10 tuổi đang ê  đánh vần tiếng pháp - cậu bèn tắp  tới  chỗ cậu bé chỉ cách đọc đúng .  Bà chủ thấy vậy, hỏi han cậu học hành  ở đâu, mà khá tiếng tây vậy , nhắm xem có thời gian kèm  trẻ học không ?  Cậu ta trình bầy  hòan cảnh  , thế là bà chấp nhận  cậu  làm bồi bưng thức ăn, đồ uống cho khách ,và đêm có thể ngủ lại sau khi đóng cửa hàng.  Thí dụ, cậu có thể kê   bàn ghế đẩu  thành chiếc giường lưu động, tối ngả lưng đẫy giấc, sang dẹp lại cho khách ngồi ăn uống - lại không phải trả tiền ăn uống, ngủ nghỉ, với điều kiện hàng ngày  ngày dành 1 , 2 tiếng kèm  học. Tôi thật mừng, nếu  mẹ tôi gửi tiền chậm thì mình không chết đói!

Tôi trở lại nhà ông bà Đội Mộc , xin va-li đồ đạc -  và ngay đêm thứ 2, tôi  ngủ ở quán Mai Hương, số nhà 20.  Nhà nay còn đó, chủ nhà mới xây lại đâu đó 3 tầng lầu- nhìn vào – tôi được sống lại   khoảng thời gian lao đao  xưa kia !  Như  ở đây - hình như  vẫn hãy còn bước chân nhỏ bé, thơ dại của tôi còn hằn dấu tích trên vỉa hè phố Hàng Bạc vậy. 

Khi ấy, tôi mua quần áo loại  hàng chợ rẻ tiền - mặc áo sơ-mi mầu mỡ gà ngắn cũn cỡn, đi tới  một hiệu cho thuê sách, đặt cọc thuê cuốn  truyện Tấm  lòng vàng, tác giả Nguyễn Công Hoan. Tiểu thuyết gối đầu giường  đấy, thực ra tôi không hiểu hết cái hay văn chương chữ nghĩa, mà chỉ thông cảm nội dung - nội dung truyện, đó  là nguồn an ủi động viên tinh thần.,  nâng đỡ  tôi qua cơn thử thách nghiệt ngã !


Đi dọc phố Mã Mây bây giờ - ngước mắt nhìn lên -  chẳng còn tìm thấy  vết tích căn nhà  mà tôi đã ngủ trọ đêm đầu tiên về Hà Nội nữa  - bèn lững thững đi bộ qua phố Hàng  Buồm.

Ôi !  cái phố tàu thân thuộc quen từ mấy chục năm xưa, nay vẫn còn đó -  này là   Nhà hàng Escalier d'Or từng bán bánh nướng Đông Hưng Viên , bánh ngon tuyệt hảo ! Hàng năm vào dịp  tết trung thu, tôi phải ghé mua bằng được một cân bánh nướng Jambon thập cẩm gửi về cho mẹ tôi ở Nghĩa Lộ  - bởi lẽ  mẹ tôi  chỉ thích bánh nướng nhãn hiệu này, hợp khẩu vị, ngon miệng từ xa xưa rồi !

Chùa Bạch Mã rêu phong còn trơ gan cùng tuế nguyệt- câu  cổ thi tô nét đẹp cổ quan vẫn còn đấy !  Có ngôi nhà cổ mang số 28 - bề ngang chừng 2 thước, mái thấp lè tè, lợp ngói âm dương, cây cỏ chen chúc mọc trên ống máng cũ.

Từ qúan cà-phê 19 Hàng Buồm, cô chủ thuê mặt bằng báo Người Hà Nội -, ngồi ở đó, ngụm một hớp cà phê đen thơm lựng, đặc quánh -  nhìn lơ dễnh sang dãy đối diện, bắt gặp một gã đàn ông trạc 30, đang nằm  co quắp ngủ giấc trưa thật ngon lành , bên cạnh con su tử đá nghếch mõm  canh chừng kẻ lạ !  Anh ta cũng như tôi đang sửa soạn ngủ ngồi, hai chúng tôi sẽ có giấc ngủ trưa, mắt tôi lim dim nghe nhạc thính phòng từ nhà bên cạnh phát ra. Cảm ơn  Trời và Người  Hà Nội !

Cô chủ quán sinh ra đang trưởng thành tại Hà Nội này- giong nói vẫn là của gạo trắng, nước trong - mà đây đó- trong lần ra thủ đô, hình như chỉ gặp được đâu đó dăm ba người như thế.  Rồi lại được nghe kể, Hà Nội sau 54, người cũ không còn được ở lại, thay vào dân tứ xứ công đầu  tựa kiêu binh  tràn về nhập cư, lập nghiệp đa số  gốc Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa ....

Do vậy, bây giờ giọng người  Hà Nội bây giờ được phát ra âm thanh nặng nề, cung bậc trầm bổng, -tất nhiên rất kỵ -nếu  đem  so sánh họ với:  câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An (10) .  Đúng mà nói, giọng thanh lịch   không còn thực sự nữa rồi !

Tôi tới góc Hàng Buồm+ Hàng Đường gặp được một giọng trong trẻo khác, hệt  giọng cô chủ quán cà phê Hàng Buồm.    Hỏi mua một hộp sữa bột.  Trả lời hộp sữa bột 30 nghìn đúng giá ,không sai một ly ông cụ. - thưa lại, hộp sữa bột hệt vậy ở Bưởi chỉ 28 nghìn đúng giá, cũng không sai môt ly ông cụ.
...cô trả lời:
"...Thôi cháu  bán cho chú giá  đó, rẻ không sai một ly ông cụ.  Bởi lẽ, hình như chú cũng là người Hà Nội một thời, cũng  không sai một ly ông cụ ! ".
...lại còn  giải thích thêm:
"... này túi xách, đôi giày da không cùng  đóng theo phom  ở đây , nên nói thách một tí, không sai một ly ông cụ !

Lại có một lần đi ăn phở gà ở Thịnh Yên - khu chợ Hòa Bình ờ dưới chợ Mơ - cô chủ chỉ dùng kéo cắt thịt gà, không chặt miếng, lại xé từng sợi nhỏ, đặt trên bánh phở đưa cho khách.
-  tôi hỏi:

"...đề nghị cô chặt gà thành miếng, thay vì xé, tôi quen ăn sẽ ngon miệng hơn, liêu cô có đồng ý không ? tất nhiên tính thêm tiền trả  thêm  là  hợp lý."

cô chủ hàng phở gà  lắc đầu:
"...sẽ không tính thêm tiền..  cũng  nên biết một điều , có thể  khách chưa hoặc không biết  -  người Hà Nội sau 54 có thịt gà mà ăn không dễ, một phần không muốn hàng xóm tố cáo mổ gà chui, chặt thịt gà trộm thành miếng- vì kẻ thù lớn nhất không phải kẻ thù mà là tiếng  kinh động chết người của dao và thớt- nên phải dùng kéo mà cắt, rồi xé nhỏ ra từng sợi mà ăn -  thì kẻ thù tiếng động sẽ tắt tiếng!

Thế ra phở gà xé cũng có một lịch sử  song hành cùng biến thiên thời cuộc - hay đó chỉ là cách lý giải dí dỏm vui vui của người Hà Nội gốc ( 11) .

Từ hiệu phở  ở mạn Thịnh Yên, tôi đạp xe tới khu nhà Sỹ Tiến- Khánh Hợi ( trước 54 nhé)    không xa

mấy !  Nhớ lại bạn vong niên có tên thật NGUYỄN XUÂN KIM, tác giả Những mảnh tình nghệ sỹ / Sỹ Tiến - xưa kia nhà báo Anh Hợp giắt tôi đến chơi, gặp bữa là xà vào ăn, bất kể cơm  ăn trong nồi nhà chủ thiếu hay thừa ?!

 Hỏi thăm  Sỹ Tiến, nghệ sĩ nhân dân, chẳng ai biết, nói tên nghệ sĩ Khánh Hợi  chẳng ai hay,  lại  đành  phải  lang thang hằng tiếng đồng hồ, rồi  bỏ về cho rảnh !  Về nhà bèn  hỏi Kiều Liên Sơn
tên khai sinh Dương Đức Dzư có Z, sau 54 bỏ Z !)- tên thổ công có bà mẹ nuôi cán bộ  công an nằm vùng- sau giải phóng, bà  trở thành chủ tịch huyện Cầu Giấy thì phải?! Nó trả lời:
"... Sỹ Tiến qua đời , còn chị  Hợi và cháu Quyên sang Pháp.."

Nhớ cô bé hay xà vào lòng mỗi khi chú tới chơi nhà, nay  là ca sĩ L.Q. - tôi  có lời ngỏ:
"... Chú nhớ bố mẹ và cháu giữa bầu trời thu Hà Nội- bỗng da trên cánh tay nổi da gà, hẳn không phải  mới đi ăn phở gà chặt miếng rồi mồ hôi vã  đâu ? Thật may, nhìn chân dung bố mẹ cháu trong một cuốn sách (12) - bố cháu mặc vét-tông, đầu đội bê-rê, dưới ảnh ghi hàng chữ SĨ TIẾN, NGHỆ SĨ NHÂN DÂN - đúng ra trên tác phẩm từ xưa bố cháu ký bút danh S TIẾN  ( Ydài không là I ngắn- đừng vội  suy diễn  thêm ra -  tên ca sĩ THANH THÚY (  nổi tiếng số 1  ở miền Nam, nay hải ngoại) Tiếng hát  ca sĩ L.Q rất khác, không  giống bất cứ  ca sĩ nào , chú khen cháu thực lòng, cháu hát hay đấy ! "

Đang mơ màng với giấc ngủ ngồi - bỗng cô chủ quán Hàng Buồm  đánh thức :
"Ông khách ơi, 1 giờ chiều rồi, ông nói phải đi họp mà !
.. nhớ ra chiều nay 2 giờ tôi còn phải tham dự buổi diễn thuyết của Didier Éribon  .
 Như để tiễn chân  khách  rất kỳ lạ,  khi tôi giắt xe đạp rời  quán, nghe cô nói:
"...ngày mai  chú trở lại   uống cà phê nhé , cháu sẽ pha tặng chú ấm trà  ngon mà không
 lấy tiền!".

                                                               ngày 4 tháng 10 năm 1995


Đạp xe đến Yết Kiêu chẳng gặp ai:Ngô Thị  Kim Cúc,Nguyễn Thị  Minh Ngọc,  Hoàng Như Mai và cả Lý Lan, hóa ra mãi đến 16 giờ mới bắt đầu.  Tôi vào quán, sao bữa nay đông khách - đa số  ngoại kiều Pháp,
còn lại là  sinh viên việt học tiếng pháp ở đây.

Bà chủ quán hỏi:
-... cam vắt không đá, phải không ?
-   ...( lắc đầu ) vẩn một  đen nóng và  một gói  3 số.
Bà chủ quen, bởi sau  buổi họp, tôi và Lý Lan thường  vào quán uống cam vắt không đá.  Bà hỏi cô bạn đâu rồi- còn tôi, có phải học viên đang theo học sinh ngữ pháp không ?  -.. cô bạn cũng dễ thương đấy chứ, khuôn mặt bầu bầu trông lâu phát ghét !
... rất sính văn chương dân gian, song chỉ một chữ ghét này lại rất khó lý giải - với người rất gần thì ghét không còn là ghét;trái lại  không hạp nhãn thì ghét đúng là ghét thật sự !

Ngồi một mình chẳng biết cùng ai trò chuyện, bèn lấy tập thơ  Tahar Ben Jalloun ra đọc.  Tuyển tập thơ  gồm nhiều bài được chọn từ các tập khác, liệu có thể làm sống động lại trong tim tôi, chính là tôi và thế giới làm tôi đang sống ! (trong đó).   Câu đề từ Jelloun chú thích phương danh Aimée Césaire - tiếp, tự bạch về một số bài  làm vào thời kỳ đầu - phản hồi từ căm giận, sự cần thiết để làm  bất cứ một cách nào đó để chống lại áp bức, bất công, man trá và bội phản. Cũng rất không thích làm thơ tình, kể cả ở thập niên 60 ( chính xác 1965) , tác giả đang theo học ban triết Đại học Rabat.

Cảm thấy lý thú đây,  ngày mai  Tahar Ben Jalloun sẽ đăng đàn diễn thuyết - hẳn  sẽ thâu thập được nhiều ý mới lạ.  Tự phô bầy thân phận nhà văn nhược tiểu dân tộc- người dân Maroc ( nay  Morocco) học và viết tiểu thuyết bằng tiếng  phú lãng sa- có  giỏi giang mấy vẫn mang  tâm trạng thống khổ,  nềm nhục nhã  của  dân bị thống trị chịu nhiều bất công quá đáng !

 Nhìn ra ngoài, bóng chiều xế đổ nghiêng trên hè phố đã bớt  gắt, và bây giờ nhìn thấy dáng Lý Lan đang băng qua đường.   Trông vẻ dáng bên ngoài không thể biết người Sài Gòn, mà có khi còn bị lầm cô gái kia chính tông gái  bắc hà.   Gặp, cô trách ngay, sao mấy buổi họp xong, đi tìm lại không gặp được ?  ( .. đi đâu mất tiêu luôn, chỉ mới chở được một, hai lần rồi lặn luôn hà ?!.

Giờ vào  phòng  họp theo chương trình - Didier  Éribon nói về khoa học nhân văn ở Pháp   thập niên 50 -  đề tài này nghe chung chung chẳng hiểu  nhà văn hiện đại Pháp nào được đề cập ?!  Chỉ diễn giả cùng người sắp xếp chương trình  biết nhà văn nào  được nói về mà thôi ? Chọn hàng ghế sau cùng ngồi, ấy nhờ một câu trong Thánh kinh nhắc, kẻ nào thích ngồi trên một khi bị lôi xuống hàng ghế dưới, vậy chẳng phải bị bẽ măt sao ?

Lý Lan ngồi sát cạnh, nhắc nhở đoạn nào hay, nhớ phải dịch ngay cho nghe, không được chần chờ.   Nói vậy, nhưng cô biết sau mỗi đoạn   đều có  thông dịch làm việc này - trừ buổi nữ giáo sư Lê Hồng Sâm hướng dẫn chương trình  các nhà văn dịch thuật -  thì  không cần thông dịch viên - đa số thính giả chẳng hiểu  mô- tê đầu đuôi ra sao - hệt  vịt nghe sấm rền,   lục tục  bỏ ra về - hội nghị đành tan hàng rất sớm.

 Từ phòng họp bước ra, Lý Lan phát biểu ngay:
"-... sao  ông đặt câu hỏi gì về triết lý mà rắc rối thế, khiến diễn giả trả lời câu hỏi này quá khó ! 
Thật tình mà nói, tôi rất ưa dáng dấp ông ta khi diễn thuyết, vừa ăn nói chừng mực, giọng điệu ngắt câu, lên bổng xuống trầm, nhịp nhàng, lại lưu loát (cười)  mà tôi có hiểu nội dung ra sao đâu? Tự nhiên ý nghĩ chọn ý trung nhân   người tây phương lại là ý kiến hay  đấy !.

Chúng tôi lại vào quán cạnh Trung tâm, nhìn vào bàn trong có đủ mặt diễn giả - nào Éribon, Touissaint, Olivier + phu nhân -ca sĩ , ngồi từ trước, đang  bàn cãi sôi nổi về buổi nói chuyện vừa xong.  Nhớ lại Éribon vừa dứt, diễn giả  đặt câu hỏi có vị nào phát biểu, xin mời...

Đứng  phắt dậy, tôi nói bằng  tiếng phú lãng sa :

- Thưa ông, một câu hỏi nhỏ nêu lên mong được giải đáp-  khoảng đầu thập niên 60, Nxb Bernard Grasset xuất bản  Cuộc cách mệnh của  các nhà  văn hôm nay ( 13 )   Albérès dẫn chứng Henri Lefèbvre nhận xét về  Jean-Paul Sartre : ". đối  với nhà văn, thì  anh ta  đích thị là triết gia; còn đối với triết gia , anh ta chỉ là văn sĩ -triết gia mà thôi " -  ông có ý kiến  sự khác nhau ra sao ? Xin cảm ơn !


*
Như Lý Lan  ca cẩm ở trên, Didier Éribon diễn giả đẹp trai, bắt mắt dưới cái nhìn  của nàng - xin khất trả lời câu hỏi hóc búa, trả  lời chung c:hung:  " với tôi, ông là triết gia". Câu này chỉ là một định đề (14), trả lời mà  chẳng trả lời,  tựa hồ đánh bùn sang ao    đó mà !

Robert Lacombe bước vào quán, đi lại phía các bạn ngồi chờ, bỗng nhìn thấy tôi và Lý Lan, liền quay trở lại kéo ghế ngồi.  Lacombe bắt đầu chất vấn - tôi đặt câu hỏi với Éribon rất interesting và  phải đọc sách Albérès mới trả lời được câu hỏi  này -  Didier khất trả lời là khôn ngoan , vì  anh ta chưa đọc ! . Vậy ra tôi đọc khá nhiều tiểu thuyết Jean-Paul Sartre, phải vậy không ?
...trả lời;

-...văn chương hiện sinh của Sartre không chỉ  ảnh hưởng trực tiếp ở Pháp mà cả  ở Việtnam nữa - tôi nhớ  chịu ảnh hưởng sâu đậm theo lối sống nhân vật truyện hiện sinh chán chường  - Monique tự tử theo thuyết hiện sinh ! Một nhà  phê bình thân thiết  tác giả - Francis Jeanson - được coi  commentateur chevronné ( 15 )- viết  một  cuốn sách phẩm bình mang tựa  Jean- Paul Sartre par lui même rất  hay !  Còn thêm một chuyện kể nữa, trước khi qua đời ,đâu đó khoảng 2 tuần lễ, ông trả lời phóng viên báo   Paris Match  -  đại khái suốt đời đi tìm surhomme ( tạm dịch người-cho-ra-người ) - nhung chỉ tìm thấy sous-homme ( người-chẳng-ra người) - tác giả đã không nề  hà  chối bỏ L' Être et le Néant... để chỉ mong làm hòa cùng  Thượng đế mà thôi ! (16).

Tác giả muốn triệt tiêu kiểu nhìn lên ( regard d'autrui)- và  sao nó vẫn cứ nhẩy phóc  ở cửa ra vào rồi nhìn về phía ông - sau cùng ông tin làm hòa cùng Thượng đế là điều làm đúng nhất !

Và tôi cũng rất không ngờ- buổi nay Éribon lại nói về Jean-Paul Sartre- chương trình ghi chung chung, nói về khoa học nhân văn mà thôi. Có thể nói thêm về nhân vật có thực ngoài đời- cô Monique đã dấn thân thật sự như trong  như  trong Văn chương là gì ? (17) - ngay dòng chữ đầu tiên , tác giả phê phán lối dấn thân một thanh niên ngu xuẩn khuyên người ta nên gia nhập  đảng  Cộng sản  ? ( P.C.) .

Robert Lacombe bắt tay từ biệt chúng tôi , còn nhắc :
-... tối nay Trung tâm văn hóa Pháp mời phái đoàn tp. HCM tham dự cùng các nhà văn Pháp ,
Thụy Sỹ, Bỉ tại quán ăn Hoa Ban- chủ quán Huy Thiệp.  
Tôi hỏi:
-...bữa ăn không ghi trong chương trình hội nghị,-  có nghĩa - khách có tham dự hay không  , được quyền chọn lựa theo sở thích ?

Lacombe gật đầu, riêng Lý Lan ghé nói nhỏ vào tai  tôi-  khuyên nên tham dự, còn làm thông dịch viên, vì cô rất thích làm quen diễn giả Didier Éribon,  chẳng lẽ chỉ nói chuyện  bằng khoa chân múa  tay ?

cười cười,  tôi đáp:
-... riêng phụ nữ  đôi khi   không cần nói bằng lời, chỉ mắt  liếc nhìn  nói điều muốn  nói là ép- phê  ngay thôi , cô bé văn sĩ ơi !

Sau tôi lấy xe đạp đứng chờ Lý Lan bước lên ngồi sau xe  đi dạo phố Huế- tiện thể  qua phố Tuệ Tĩnh thăm Phương Quỳnh
-....đồng ý không? -  tôi hỏi Lý Lan.

 Lý  Lan gật đầu cái rụp, trên đường đi- nhớ đã đọc bài phỏng vấn nhỏ , bèn  kể  về Huy Thiệp, chủ quán Hoa Ban .

Có đoạn:"....nhà văn phản động ( chỉ có ở bản  anh ngữ)  Nguyễn Huy Thiệp tuyên bố rửa tay gác kiếm ...- nhà báo  tiếp:" .... Mỹ bỏ cấm vận , Thiệp ngưng viết, quay sang kinh doanh..." - hai phóng viên Mỹ gốc Việt viết vậy.   Vậy thì riêng tôi cũng muốn tới ăn ở nhà  hàng Hoa Ban- tiện dịp biết  nhà giáo viết văn kiêm chủ quán ăn , bằng xương thịt- tác giả truyện ngắn Phẩm tiết và Tướng về hưu  viết  rất đạt !

Phương Quỳnh ở trên lầu 1- phòng treo đầy tranh các họa sĩ tài danh tiền chiến- lại có đôi ba bức của họa sĩ đương thời có máu mặt.   Phương Quỳnh  nữ văn sĩ, tác giả  một tập truyện ngắn, còn được coi như  một dealer bán tranh cho  khách  nước ngoài - và hình như  từ lâu đã bỏ nghề viết truyện !?

Gặp Lý Lan lần đầu- Phương Quỳnh rất niềm nở tiếp đón nhà văn trẻ từng mạnh miệng  trả lời phỏng vấn văn chương, chẳng ngại ngùng, e dè,sợ điều cấm kỵ:

"....tôi ấy à , tôi thường nói với bạn bè tôi, những truyện tôi gửi cho chủ bút, một là đăng, hai là không.   Tôi không thể chịu được khi người ta chuyển đổi, sửa văn tôi.   Những người phụ trách bài vở, nếu không biết luật này, tôi sẽ nổi giận và không bao giờ còn cộng tác nữa ...." (18).

Phương Quỳnh được bạn bè ở thành phố Bác kể chuyện Lý Lan có chiếc trán rồ, nhô ra như auvent, trời mưa khó ướt , có nghĩa biệu hiện sự bướng bỉnh  - đã  từng từ chối làm ủy viên Hội Nhà văn tp. HCM, đòi rút khỏi chức vụ được bầu bán  vv..

Lý Lan ký tặng Phương Quỳnh truyện Chiêm bao thấy núi mà cô mang theo. Không nấn ná  ngồi lâu hàn huyên được -một là -   sắp tới giờ phải qua nhà hàng Hoa Ban-  hai là -  ở đây đang  hiện diện  một khách nam đang thao thao bất tuyệt: tình yêu là một triết lý chỉ có nghĩa khi  2 kẻ  nam nữ yêu nhau thật sựtự dâng h iên cho nhau  - chủ đích  thuyết phục Quỳnh  ngả vào lòng chàng si gái càng sớm càng tốt !  bởi cô nàng Phương Quỳnh  thay  đổi  ý rất nhanh, khó  ngờ, cũng khó đoán trước  ?!

 Tôi   biết   tay  dịch giả Người tù khổ sai đã cuỗm   gần một chương -  đã dịch rồi'- của  một dịch giả dịch trước anh ta  trên chục năm. Tây có thành ngữ plagiarism lines  for - nôm na nạn đạo văn bám vào  đối với bất cứ ai- tài giỏi thật hoặc tự kỷ ám thị, thì chỉ biết căn cứ vào  - cái tâm  kia mới bằn gba  chữ tài ! ( ý thơ Nguyễn Du chăng?- xin lỗi,  không nhớ).

Từ giã Quỳnh, Lý Lan hỏi đi đâu bây giở ?   cứ đưa nàng về nhà  trọ  ở Cửa Đông trước, tiếp đi ăn tối ở Hoa Ban .
 Lý  Lan lại hỏi:
"-... đạp xe đạp có mệt không?  có nhớ lúc  Phương Quỳnh  hỏi  không ? - cô ta rất tiếc , xe gắn máy  đã cho mượn, chứ đap xe đạp chở trẻ con còn ói máu nữa là ...:
hình như tôi đã trả lời :
"...-- tuy mệt thật, nhưng phía sau chở Lý Lan lại không biết mệt  là gì - hơn nữa nếu tôi đạp xe một mình lại không  vui- một người, một ngựa  ngắm cảnh, xem hoa, viếng chùa chiền, di tích lịch sử- hết lê la trước Phủ Tây Hồ,  qua Nhật Tân,  sang đê Yên  Phụ,  xuống phố Phó Đức Chính, thả dốc qua Hàng Than,  Hàng Bún, Châu Long - lại lang thang sang Cửa Bắc, vào Nhà thờ C ửa  Bắc,đến tìm số nhà   80 Quán Thánh  có phải  chỗ này  xưa kia là trụ   s ở báo quán Phong Hóa, Ngày  Nay của  nhóm Tự  Lực văn đoàn không ? 
Nhớ lại  chuyện nhà văn trẻ Từ Ngọc (19)  gửi bản thảo tiểu thuyết Ngược Giòng  dự thi, lại bị một nhà văn trong Ban giám khảo "hớt cốt chuyện", đưa lên báo đăng feuilleton trên báo Ngày Nay.

Như muốn  nói thêm với Phương Quỳnh  điều chưa nói ra:
-...Này nhé, như cô chẳng hạn - cô quen đi xe Dream - một khi phải theo dõi anh chàng trung niên  gàn bát sách  gò lưng đạp xe đạp  ngược gió -bỗng gặp cái dốc  mà xưa kia anh ta từng lao xuống, xe bon bon chạy - nay về già vẫn dám thứ sức lao dốc Nghi Tàm  - và tuyệt nhiên không còn tìm thấy hồ Quảng Bá ?!

Hà Nội bây giờ đầy rẫy biệt thự song lập đắt tiền cho ngoại kiều thuê.   Chỉ trên đê Yên Phụ thôi, có một căn nhà đã xây lên lại bị đập đi, lại xây tiếp, lại bị  đập - nhưng vẫn còn một căn duy nhất xây lên vẫn sừng sững ngang nhiên thách đố  đập ?!  Và căn nhà đó tồn tại., cô biết chủ căn nhà là ai không ?  Hỏi là trả lời.    Vậy thì, cô theo  dõi gã trung niên cũng chán phèo, chỉ còn nước bỏ về - để gã một mình lang thang một mình đi đâu thì đi cho khuất mắt ?!

Phương Quỳnh tiễn chân, nhìn theo tôi chở Lý Lan ngồi phía sau xe đạp - vẫy tay - trở vội lên lầu cùng vị khách si tình  nóng ruột chờ.  

Còn Lý Lan  ra sức thuyết phục tôi tham dự bữa ăn  kia -   tại sao tôi  đổi ý- cô vặn vẹo hỏi, liệu có điều gì làm phật lòng khiến giận dỗi âm thầm , không tham dự bữa tiệc mời của Tòa Đại sứ không ?

Chỉ trả lời bâng quơ- đường đi quá xa - qua ba cánh đồng húp bát cháo lỏng, thà nằm nhà gãi háng như  chí sĩ Trần văn Hương  ( nhìn cái gì lăn tăn , gãi mà chưa " đã" ấy nhỉ ?!)   cho  sướng thân già !

Đã tới Cửa Đông rồi- kìa số 53 trên lầu 1-   tôi thả Lý Lan xuống- nhìn dáng đi vùng vằng, sao thấy não lòn.   Cũng đành, thôi kệ !!!

*

Gọi cửa - nhìn đồng  đã hơn 8 giờ tối.  Chị Thái- vợ Kiều Liên Sơn -ngạc nhiên - vì tôi  báo đi ăn tiệc. Cháu Trung chạy  lon ton chạy ra đón , câu  đầu tiên "-.. bác về có mua kẹo cho cháu không?

Thế Phong

-------

Ghi chú:

(1) moellon-  bàn phím  không có dấu i tréma, nên  chử e không có dấu i tréma.
(2)  bây giờ  đường  Ngô Gia Tự ( quận 10- tp.H.C.M).
(3)   lẩy thơ Tình già /   Phan Khôi :  " hai mươi bốn năm xưa / một đêm vừa gió lại vừa mưa".
(4)   tạp chí  Văn / Mai Thảo chủ nhiệm-, phát hành tại quận Cam / California.
(5) Truyện người của tình phụ / Thế Phong / Nxb Thanh niên ,Hà Nội  tái bản 2003.
(6)  Bài viết Tô Hoài in trong " Tuyển tập Nguyễn Bính: / Đỗ Đình Thọ sưu tập  - Nxb Văn học Hà Nội 1986.
(7) Les Fleurs du Mal ( 1857).-   Petits Poèms en Prose ( 1869)  hai thi tập này của Charles Baudelaire ( 1821-1867). tên ông BAUDELAIRE  (đúng )  viết sai  trở thành  BEAUDELAIRE  (sai) - HAY CHO RẰNG THƠ TÁC GIẢ KHÔNG HAY, NAY THÊM beau CHO THƠ VỪA ĐẸP LẠI VỪA HAY CHĂNG ?
(8) demi-course.
(9)   Nhà báo  kỳ cựu HIỀN NHÂN  , tên thật ĐỖ TRỌNG QUỲNH ( 1907-1998) , xem thêm trong Nhà văn hậu chiến 1950-1956 / Lược sử văn nghệ Việtnam 1900-1956 /Thế Phong ( Đại Nam văn hiến Saigon xb 1959).

Hiện trong tay ông, có một tập hồi ký đã viết xong, tựa sách "Cuộc đời vào làng báo của tôi"
( bản thảo chưa in) . Trong một thư riêng gửi tôi, ông viết:"...Cuốn sách  nôm na kể tại sao tôi vào nghề báo và làm thế nào trụ được nghề qua ba chế độ; thực dân Pháp, nhật và  Việtnam Dân chủ Cộng hòa.  Sách không ghi tỷ mỷ từng thời kỳ làm báo, chủ ý cách ghi vào nghề báo mà gây được lòng tin với chủ báo và độc giả.   Tôi không có ý xuất bản.   Cảm động lòng quý mến của anh, khi nào anh ra Hà Nội qua tôi, tôi sẽ tặng anh cuốn đó làm lưu niệm của bạn vong niên trong làng báo. 
(10)   thơ Cao Bá Quát.
(11)  bút ký" Hà Nội 40 năm xa" dầy khoảng 100 trang , kích cỡ 13x 19cm - qua 5 nhà xuất bản  đọc, đều bị từ chối, trong đó có Nxb Thanh niên lần đầu - ông Cao Tiến Lê biên tập .
Lần thứ 4,  tôi tới  chi nhánh Nxb Văn học tại tp. HCM gặp Trưởng chi nhánh, nhà  văn  Hoàng  Lại Giang.  Rất cởi mở, anh giao cho nhà văn  Nhật Tuấn biên tập .  Hú vía, trừ một vài đoạn  nho nhỏ thôi, sách được cấp phép    Nhưng không may, ông Nguyễn Văn Lưu , tân  giám đốc mới  Nxb Văn học thay   ông Nguyễn Huy Lữ ( qua đời)-  lập tức   trưởng chi nhánh  Hoàng Lại Giang  xin nghỉ, và không    kịp xin tân giám đốc  cấp giấy phép mới .   Tôi lại đành  đem bản thảo gặp ông Thái Thăng Long - kèm nhận xét thuận  ,đề nghị cấp phép  c ủa Nhật Tuấn Nxb Văn học  - nhờ đó Chi nhánh Nxb Thanh niên  đồng  ý cấp phép ngay - và  tôi vẫn giữ nguyên câu văn Hoàng Lại Giang : ".. hay đó chỉ là  cách dí dỏm vui vui của người Hà Nội".  ( đoạn nói phở  gà không chặt miếng) .
 (12) Văn hóa Việtnam, Tổng hợp 1989-1995 ( Mémento) _ Ban Văn hóa văn nghệ trung ương  xb , Hà Nội 1989- Trần Độ chủ biên.
 (13) La révolte des  écrivains d'aujourd'hui.
(14) postulatum
(15) bình luận gia kinh nghiệm.
(16 ) tư liệu về J.P. Sartre trả lời phỏng vấn Paris Match, tôi dẫn theo lời kể của  học giả Hoàng Xuân Việt.
(17) "Qu'est ce que la littérature ? / Jean-Paul Sartre ( Nxb  Gallimard, Paris 1948)- có hai bản dịch : 
        a)" Văn chương  là gì ? ", dịch giả Nguyễn văn Tạo ( Nxb Chi Lăng, Saigon 1968).
        b) " Văn học là gì ?" dịch giả Nguyên Ngọc ( Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 1998) - do qũy Văn hóa Pháp Hà  Nội tài trợ.
-nguyên văn :" .. Si vous voulez engager, écrit une jeune embécile, qu'attend vous pour inscrire au P. C?

(18)    bài báo này của Laurent Passicousset :"... Moi,  je propose mes histoires à mes amis les rédacteurs en chef et c'est à prendre ou  à  laisser.   Soit ils publient l'intégralité, soit rien du tout, je ne supporte pas qu'on change quoique ce soit  à mes textes.  Les reponsables des publications  savent que s'ils ne respecte pas les règles.   Je me fâcherais et nous ne travailler plus ensemble.

(19)  Giáo sư Nguyễn Lân sau này. Xem thêm trong Thư viết ở  Saigon / Thế Phong ( Nxb Văn Uyển, San Jose/ California 2000).

 (trích  HÀ NỘI 40 NĂM XA / chương 4 --  Nxb Thanh niên tái bản 2006 -  trang 73-96.
bản tu chỉnh:  3/11/2011).


----------------------------------------------------------------------------------------------
tưởng nhớ: PHÙNG THỊ MÙI ( mẹ của tác giả) ĐẶNG NGỌC OANH [1935- 2015 saigon/ người tình cũ của tác giả ] + nhà báo kỳ cựu HIỀN NHÂN- Đỗ Trọng Quỳnh + kịch tác gia HOÀNG NHƯ MAI+ kịch tác gia SỸ TIẾN- Nguyễn Xuân Kim+ nhà báo kỳ cựu ANH HỢP+ KIỀU LIÊN SƠN- Dương Đức Dzư+ nhà văn BĂNG SƠN - Trần Quang Bốn + nhà văn NHẬT TUẤN (Bùi) ...
                                                 Thế Phong  ( !7 May 2018.)
----------------------------------------------------------------------------------------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét