FRIDAY, MAY 18, 2018
590. TỪ HOÀI TẤN - NGUYỄN MIÊN THẢO Một vài điều cần minh xác với Ông Mường Mán (Trần văn Quảng) từ bài văn “Ký Ức Xanh” trong tập san Quán Văn 54 số tháng 4 năm 2018
Phần 1: Bài viết của Từ Hoài Tấn
Quán Văn số 54 tháng 4 năm 2018 chủ đề “Hình sương bóng khói” trong đó phần “Chân dung văn học : nhà văn Mường Mán” từ trang 106 đến 204.
Trang 117 có đăng bài “Ký Ức Xanh” của ông Mường Mán (từ đây xin viết là MM), viết về thời trai trẻ những năm 60 của thế kỷ trước và hoạt động bút nhóm thi văn đoàn ở Thừa Thiên Huế.
Chúng tôi cần làm rõ lại và nói cho đúng với sự thật vì những nhân vật chính đề cập trong bài này đều còn sống và cùng ngụ cư tại TP Hồ Chí Minh hiện nay,
Không hiểu ông MM ngụy tạo nhân vật và các sự kiện trong bài với ý đồ gì. Tốt hay xấu chúng tôi không quan tâm nhưng đã là ký ức hay quá khứ có liên quan người khác thì cần viết cho chính xác và tôn trọng sự thật vì đây không phải là tiểu thuyết hư cấu hay một truyện ngắn sáng tác.
Những việc cần làm rõ và nói lại cho đúng như sau:
1. Sinh hoạt bút nhóm thi văn đoàn thời gian nói trên là có thật, xảy ra ở Huế những năm 1960. Một vài thi văn đoàn bút nhóm tương đối nổi do có những thành viên có bài đăng ở các báo Sài Gòn dạo ấy.
2. Bút nhóm Cuồng Biển là có thưc. Sinh hoạt thơ văn của nhóm khỏi phát từ làng An Truyền (tên gọi khác: Làng Chuồn) là quê của Ông MM và tôi : Từ Hoài Tấn (ngoài là đồng hương tôi và ông MM có liên quan họ hàng bên ngoại là họ Đoàn ở làng) thuộc huyên Phú Vang Tỉnh Thừa Thiên. Không có gì phải dấu giếm cả.
3. Các thành viên sáng lập đúng là “bút nhóm gồm ba mống” như trong bài và tên gọi là Cuồng Biển do MM đưa ra và cả nhóm đồng ý.
4. Các thành viên hiện còn sống tại Sài Gòn, ngoài MM là Nguyễn Miên Thảo (rất tiếc bài văn không đề cập) và tôi là Từ Hoài Tấn. Không hề có nhân vật nữ là Trần thị Sim hay Sim Trần nào cả (có chăng là bút hiệu Trần thị Gioan của MM lúc đăng bài thơ đầu tiên trên bán nguyệt san Văn của anh Trần Phong Giao hồi đó).
5. Không rõ MM có ý gì khi thay đổi giới tính và ngụy tạo tên Sim Trần cho tôi. Bỗng nhiên tôi trở thành con gái không hiểu vì cớ gì? Tôi cho rằng điều này đã xúc phạm tới nhân cách của tôi. Vì “ba mống” không có ai là nữ cả ! Tôi cũng không là sếp nhóm. Chỉ đúng là “tỏ ra là người có trách nhiệm, chịu khó vận động các bạn văn bạn thơ trong làng ngoài xóm đóng góp bài vở cho Cuồng Biển, chịu khó thức đêm để hoàn thành các số tạp chí của nhóm bằng cách chép tay, đóng thành tập …” và phổ biến bằng cách chuyền tay nhau đọc chứ chẳng “lo lót” ai cả. Những người cộng tác lúc đó tôi còn nhớ được vài người như anh Hồ Hữu Kha (bút hiệu của anh Hồ văn Kham con bác ruột tôi ở làng, đã mât hồi Mậu Thân Huế 1968) là cây bút chuyên dịch văn chương nước ngoài – tôi có viết đăng 1 truyện dịch của nhà văn John Steinbeck …, như chị Trần thị Lan (bút danh Lan Trần) người bà con của tôi cùng làng, ở Đập Đá, làm thơ.
6. Tất cả mọi việc của tập san Cuồng Biển do một tay tôi làm, viết tay, trình bày v..v.., MM đưa bài và có vẽ một vài minh họa. Nguyễn Miên Thảo cũng vậy, chỉ đóng góp bài vở. Thỉnh thoảng cả ba tên cùng đi giao lưu gặp gỡ với các bút nhóm TVĐ khác ở Huế, gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi. Thi văn Đoàn “Mây Ngàn” của Trần Dzạ Lữ cũng hoạt động trong thời kỳ này, cũng có tập san viết tay, đóng đô ở thôn Ngọc Anh, có qua lại với Cuồng Biển.
7. Một chi tiết đúng là tôi lúc đó học ở trường Bồ Đề Hữu Ngạn, gần trường Nguyễn Tri Phương của MM (…Năm hôm sau Sim đến trước cổng trường Nguyễn Tri Phương chờ tôi. Từ trường Bồ Đề của nó sang trường tôi gần xịch, lại thuộc lòng thời khóa biểu của nhau…) nhưng không kề có nhưng tình tiết như bài văn MM viết.
Chúng tôi đã không còn qua lại với MM từ nhiều năm nay, nhưng như thế không phải để MM ngụy tạo quá khứ, phủ nhận sự thật cho mục đích riêng nào đó.
Thời trai trẻ của mỗi người luôn đẹp đẽ, như thời còn đi học cắp sách đến trường. Làng tôi cách thành phố Huế gần 10 cây số đi học bằng xe đạp trên đường rải đá lởm chởm, những mùa mưa bão lụt lội đến trường mang tơi đội nón che không kín ướt sũng, nhưng không thể và không bao giờ quên được những năm tháng ấy.
Nếu “văn chương là mối tình đầu của tôi, Cuồng Biển là vuông cỏ hẹn thứ nhất, nơi ấy đã cho tôi những rung động câu cú, chữ nghĩa, vần điệu, ý tưởng, thi tứ …đầu đời thực nhất, đẹp nhất và khó nguôi quên nhất .” như ông MM viết trong “Ký ức xanh” thì MM cũng nên tôn trọng và giữ sự thật cùa mối tình đầu ấy.
Cũng như trong lời NGÕ ở trang 108, lời dạy của người mẹ ở làng quê cũ “không nên con à, rằng con dám mang chữ nghĩa thánh hiền đi bán ? Tội chết ! Bỏ đi đừng viết nữa, lo học hành thì tốt hơn”
Sự dối trá, ngụy tạo sự thật, phủ nhận quá khứ và tình bạn của thời thơ trẻ ấy là tội lỗi cho bất cứ ai.
Phần 2: Bài viết của Nguyễn Miên Thảo
“Ngày xưa mẹ tôi là gà
Sinh con đẻ trứng thiệt thà siêng năng
Hôm kia lên núi nhìn trăng
Cha tôi bủa lưới mới chăn được người
Cả hai tình tự một hồi
Đẻ tôi với chin mặt trời hiển linh
Bây giờ đất mới khai sinh
Và nhân loại mới tượng hình trong em”
Đây là bài thơ của ông Mường Mán đăng trong Cuồng Biền ký tên Trần thị Gioan. Sở dĩ tôi nhắc lại bài thơ này là để nhớ về … một kỷ niệm của một thời Cuồng Biển với những “ký ức xanh” như nhà thơ Từ Hoài Tấn nhắc lại một cách chính xác ở phần trên. Rất tiếc ký ức xanh đã trở thành vàng úa qua bài ghi chép của ông Mường Mán.
Nhắc lại “ký ức xanh” tôi lại nhớ da diết những ngày cuối tuần “ba mống” đạp xe đạp trên con đường đá lởm chởm cả gần 10 cây số về nghỉ cuối tuần ở làng Chuồn, làng của ông Mường Mán và nhà thơ Từ Hoài Tấn (hai người hình như có bà con bạn dì gì đó). Chúng tôi được những bữa cơm ngon, được ở trong căn nhà ấm cúng, được sự chăm sóc thương yêu của một người mẹ hiền lành. Có tuần ở đến chiều chủ nhật, có tuần đến sang thứ hai mới về phố.
Tôi cũng nhắc thêm cho nhà thơ Từ Hoài Tấn nhớ tờ Cuồng Biển sau đó đổi tên Mặt Trời Đêm được 1, 2 số gì đó và cuối cùng đổi tên là Nội Dung vừa là nhà xuất bản. Lúc này nhóm không còn “ba mống” mà phát triển thêm như Thái Ngọc San, Ngụy Ngữ, Lê Ngọc Thuận (Nguyệt Nhật), Hồ Trọng Thuyên, Phạm Trần Nguyên (Phạm Tấn Hầu), Đoàn Phạm Túy Linh, Huỳnh Trường Cung …Có nhờ tạp chí Văn đăng quảng cáo (Văn số 110 ngày 15/7/1968)
Trong bài “ký ức xanh” của ông Mường Mán chỉ còn lại đúng danh xưng hai chữ “CUỒNG BIỀN” nơi ông cho là “ vuông cỏ hẹn thứ nhất, nơi ấy đã cho tôi những rung động câu cú, chữ nghĩa, vần điệu, ý tưởng, thi tứ …đầu đời thực nhất, đẹp nhất và khó nguôi quên nhất .” Và ông lên giọng: “không ít anh chị em cầm bút sau này khi đã thành danh có tên tuổi trên văn đàn có người đã cố quên nó đi, riêng tôi thì luôn trân trọng, dành cho cái chiếu văn đầu tiên đã ghi dấu những bước chập chững ngây dại của mình một góc thật xanh trong ký ức.”
Tiếc rằng người chăm sóc, có công lao nhất ở tờ Cuồng Biển lại không hề được nhắc đến là nhà thơ Từ Hoài Tấn.
Đúng ra thì không nên có bài viết này vì mấy lẽ:
- Ông Mường Mán là “nhà văn lớn”, có số má, là hội viên Hội nhà văn Việt Nam; Dính đến ông thì phiền lắm vì mang tiếng “thấy kẻ sang bắt quàng làm họ”
- Hai là nhắc đến ông Mường Mán thì cực chẳng đã vì thật sự chả đáng quan tâm.
Tôi viết những dòng này là vì bạn tôi, nhà thơ Từ Hoài Tấn, và mong không phải nhắc lại việc này một lần nào nữa.
Phần 3: Viết chung
1. Bài viết này không có mục đích vinh danh hay mưu cầu tên tuổi bất cứ cá nhân nào liên quan. Đó chỉ là sự thật của những tháng năm đẹp nhất đời người, của một thời hoa niên đáng nhớ.
2. Bài viết này được công bố trên các phương tiện thông tin kể cả online.
3. Bài viết này như là lần cuối cùng nhắc đến tên ông Mường Mán và những vụ việc liên quan.
4. Bài viết này cũng sẽ được gởi đến ông Nguyên Minh, chủ biên tập san Quán Văn đề nghị cho đăng vào số gần nhất để độc giả của Quán Văn hiểu biết thêm về sự thật về bài văn “ký ức xanh” của ông Mường Mán trên tập san Quán Văn số 54 tháng 4 năm 2018.
Tháng 5 năm 2018
TỪ HOÀI TẤN – NGUYỄN MIÊN THẢO
Ghi chú: Những chữ in nghiêng là của ông Mường Mán trích trong bài “Ký ức xanh”
ảnh chụp từ Tạp chí Văn số 110 ngày 15/7/1968
589. NGUYỄN TƯỜNG GIANG /Thạch Lam, hình bóng khôn nguôi
Tôi biết nói gì về một người cha, khi ông mất, tôi mới chưa đầy ba ngày tuổi. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông, được nắm tay ông, hay như những người con may mắn khác, được gọi ông bằng cha và được nghe ông gọi tên tôi, nhưng tôi luôn luôn hình dung và bị ám ảnh bởi cái chết của ông, cái chết của một nhà văn nghèo, bệnh hoạn và còn quá trẻ. Nếu tôi có được cái tài của một họa sĩ, như Picasso chẳng hạn, vào thời kỳ blue, tôi sẽ vẽ lại cái khung cảnh ấy. Đó là một người đàn ông gầy và cao nằm trên một cái giường tre nhỏ, trên người đắp một cái chăn mỏng, ngực lép xẹp nhưng khuôn mặt có dáng dấp Tây phương, gò má hóp, mũi cao và nhất là hai con mắt sâu thẳm, đầy bóng tối, khuất sâu dưới hàng lông mày rậm, mái tóc rất đen, mềm và dầy, vài sợi tóc lõa xõa trên vầng trán cao. Tất cả đều mờ ảo trong nền mầu xanh đậm nhạt, như sáng lên trong bóng tối. Bên cạnh giường là hình ảnh mờ nhạt của hai người đàn bà tóc quấn khăn nhung, áo dài the đen, một người lớn tuổi, cằm hơi vuông, mắt sâu và lông mày rậm, một người trẻ hơn nhưng khuôn mặt phảng phất khuôn mặt người mẹ, hai người ngồi phía cuối chân giường, hơi nghiêng về phía trước. Một người đàn bà nhỏ nhắn, tóc buông đen dài trên áo cánh trắng, khuôn mặt nhỏ và thon, đôi mắt buồn rầu như muốn khóc, nắm tay người đàn ông, những ngón tay dài, thon nhỏ và xanh xao. Phía trên giường nằm mở ra một cửa sổ, có đôi chút ánh nắng chiếu vào, mầu trắng nhợt, xa hơn là bóng những cành liễu nhỏ, rũ xuống, buông lơi mờ nhạt. Tựa đề của bức tranh: “Cái chết cùa một nhà văn trẻ”. Tôi không thể không nghĩ tới số phận của những nhà văn Việt nam thời đó, và có thể cho tới bây giờ. Những người làm văn chương và nghệ thuật, những nhà báo, đã hy sinh đời mình cho lý tưởng và cái đẹp, hình như vẫn chỉ là những người có một đời sống vật chất rất khiêm nhường trong xã hội, phải chăng chỉ vì cái lạc thú được theo đuổi những giấc mơ của chính mình. Còn những người thân cận, những vợ, con của những nghệ sĩ tài danh đó, hoặc là bươn chải cho giấc mơ của chồng, cha hoặc âm thầm hy sinh và chịu đựng những cơ cực của đời thường. Tôi nghĩ, đó chính là hình ảnh và thực tế của đời sống Thạch Lam, cha tôi. Đó là lời phát biểu bộc phát khi tôi, như một người con phải nói đôi điều về Thạch Lam trong buổi hội thảo Tự Lực Văn Đoàn và báo Phong Hóa/ Ngày Nay: “Tôi không biết là tôi thương ông hay không thương ông”. Thạch Lam, như một người cha đã thường xuyên vắng mặt, nhưng tên tuổi và những tác phẩm để lại, cái gia tài tinh thần ít ỏi và ngắn ngủi của ông, lại ảnh hưởng đến cuộc đời tôi biết bao, trên bẩy mươi năm ròng rã, để tôi đã là tôi ngày hôm nay, chắc chắn không có thể xẩy ra khác được, như con đường đã được chọn lựa, từ khi tôi ba ngày tuổi và từ khi ông từ bỏ cuộc đời này, vĩnh viễn.
Tôi bắt đầu biết đến văn chương Thạch Lam từ một buổi học Việt văn khi tôi ở lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường trung học Hồ Ngọc Cẩn khi mới di cư vào Nam. Tôi còn nhớ khá rõ thầy giáo dậy Việt văn tên Hải, một hôm gọi tôi đứng lên đọc một đoạn văn trong chương trình, một đoạn văn trích dẫn trong một truyện ngắn nào đó của Thạch Lam. Tôi đứng lên, đọc thông suốt, không ngập ngừng, như đoạn văn đó đã ở trong trí nhớ tôi từ lâu, lâu lắm. Đến khi tôi ngừng đọc, thầy giáo Hải có vẻ cảm động, khen tôi đọc bài lưu loát và tình cảm. Tôi ngồi xuống, mắt đỏ hoe. Tôi đã biết Thạch Lam là cha tôi do những lần mẹ tôi dẫn đến nhà bác Tam (Nhất Linh) ở Hàng Bè -Hà Nội, hay những lần bà nội cho người gửi tiền đến cho mẹ tôi, nói là tiền in sách của cha tôi. Trong suốt thời niên thiếu ở Hà Nội, theo bậc tiểu học ở trường Hàng Than (Nguyễn Công Trứ), những đoạn văn tôi đọc chỉ là những bài viết trong mấy tập Tân Quốc Văn hoặc Quốc Văn Giáo Khoa Thư, tôi chưa bao giờ nhìn thấy và đọc một cuốn truyện của Thạch Lam. Có lẽ tôi còn quá nhỏ chưa đủ hiểu biết để đọc tiểu thuyết, hoặc là vì tôi chỉ ham mê đọc truyện kiếm hiệp hay truyện Tầu, đôi khi đọc những truyện trẻ con như Dế Mèn Phiêu Lưu Ký hay truyện dịch ngoại quốc Tâm Hồn Cao Thượng, Vô Gia Đình… Chỉ có một khoảng thời gian ngắn trước khi di cư vào Nam tôi mới bắt đầu tiếp xúc với văn chương Tự Lực Văn Đoàn, chủ yếu là Khái Hưng, Thế Lữ, Nhất Linh và Trần Tiêu. Tuyệt nhiên không có Hoàng Đạo và Thạch Lam. Thầy giáo Hải sau đó, có lẽ biết tôi là con của Thạch Lam, nên rất ân cần và nâng đỡ tôi trong giờ Việt văn. Tôi rất cảm động trong tình thầy trò thì ít, nhưng có lẽ tôi đã nhìn thấy cha tôi qua sự yêu mến văn chương Thạch Lam của thầy. Tôi bắt đầu có những ý thích về văn chương và nuôi mộng trở thành một nhà văn, như cha tôi Thạch Lam. Nhưng viết văn không phải cứ muốn là đuợc, và ở tuổi tôi, có biết bao nhiêu điều vui thú khác quyến rũ hơn, cộng với tính lười biếng và ham chơi, tôi không bao giờ làm gì hơn là những bài luận văn để lấy điểm trong lớp. Về sau này, tôi nhớ có hai lần quyết tâm theo đuổi nghiệp văn chương. Lần đầu tiên vào khoảng năm 1957-58, khi bác Tam bỏ Đà lạt về Sài gòn làm báo Văn Hóa Ngày Nay, tôi có cặm cụi viết một vài truyện ngắn đưa cho bác Tam đọc, một tuần sau đó, nhân một buổi đến thăm bác, bác ký tặng tôi một số Văn Hóa Ngày Nay và nói: cháu còn trẻ và viết văn giống Thạch Lam quá, cháu nên viết những gì riêng biệt cho cháu thì tốt hơn. Bác Tam cũng khuyên tôi nên đọc thêm nhiều sách khác, nhưng ông khuyên tôi không nên đọc cuốn Bướm Trắng của ông vì tôi còn quá nhỏ. Tôi đã không có cái can đảm để cong lưng viết thêm vì không thấy hứng thú, và bay lượn với những đường banh trên sân cỏ đã quyến rũ tôi hơn. Gần mười bẩy năm sau, trong khi đang hành nghề y khoa, tôi lại một lần nữa cảm thấy sự thúc đẩy từ sâu thẳm trong tâm hồn, tôi bỏ hết thì giờ và năng lực để hoạt động trong môi trường sách báo, viết văn và làm thơ, nhưng sự kết thúc bi thảm của chiến tranh (một điều tôi rất mơ ước) đã đẩy tôi tới một môi trường sống khác, tôi lại không có cái can đảm như một nhân vật trong truyện Ngày Mới của Thạch Lam, tìm thấy hạnh phúc trong một đời sống thanh đạm và giản dị, nói chung là một cuộc sống nghèo, để theo đuổi giấc mộng văn chương..
Vào khoảng thời gian những năm đầu di cư vào Nam, tôi đang ở tuổi thiếu niên, tuổi mới lớn và có nhiều nhu cầu vật chất. Mẹ tôi lúc đó là một công nhân lao động ở nha Bưu Điện, lương bổng ít ỏi chỉ đủ ăn hai bữa cơm rất thanh đạm hàng ngày. Lúc đó, cái gia sản vật chất nhỏ bé cha tôi để lại, dù chỉ là một số lượng sách khiêm nhường, cũng đã giúp anh tôi và tôi có được áo quần tươm tất và phương tiện di chuyển như các bạn cùng lứa thuộc gia đình trung lưu. Đó là lúc bác Tam (Nhất Linh) thành lập nhà xuất bản Phượng Giang và in lại một số truyện ngắn của Thạch Lam, và cũng là thời gian tôi làm quen nhiều với những tác phẩm của cha tôi, vì kèm theo tiền bản quyền, nhiều khi do chính tay bác Tam đưa tới, chúng tôi cũng nhận được một số sách để giữ hoặc tặng bạn bè. Không thể nói là tôi sống trong cái bóng của cha tôi, nhưng quả thật những truyện ngắn ông viết đã ảnh hưởng nhiều trong cuộc đời tôi. Không phải là thường xuyên, nhưng những gì ông viết ra, bất chợt nhắc nhở tôi trong những tình huống đặc biệt, từ đó tôi tập sống làm một người lương thiện, biết thương yêu những người nghèo khó, những hoàn cảnh khốn cùng. Tôi cố gắng trong cư xử hòa thuận, tôn trọng nhân phẩm mọi người và hiểu rằng đôi khi một hành động nhỏ không suy nghĩ có thể gây ra những tai hại lớn lao và khốc liệt cho người khác. Tôi cũng học tập và tin tưởng qua những điều ông viết, là một đời sống thanh đạm và giản dị là căn bản của hạnh phúc, rằng tiền bạc chỉ là những ảo tưởng phù du. Nhưng than ôi, đối với đời sống và quan niệm thực tế thời tôi lớn lên, và nhất là sau này khi phải lưu lạc nơi đất Mỹ, những suy nghĩ và hành xử của tôi trong xã hội chỉ làm tôi là một người đứng bên lề. Dĩ nhiên, để đối phó với những khó khăn của cuộc sống, tôi phải hòa mình sống như mọi người. Tôi cũng đã có nhiều lần nghĩ những điều không tốt đẹp, có những hành động và cư xử có thể làm tổn thương người khác, cũng tranh đua với đời. Mỗi lần như thế, nghĩ đến danh tiếng của cha tôi, nhớ đến những bầy tỏ về tính nhân bản trong các truyện ngắn của ông, đêm nằm nhìn lên trần nhà, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ và khổ sở.
Đã có rất nhiều lần trong đời, tôi rất bất mãn và ngượng nghịu trong xã giao đời thường, khi được giới thiệu: “Đây là anh/ông Giang, con út nhà văn Thạch Lam”. Lời giới thiệu đó đã làm tôi rất khó chịu và rất khó đối xử , vì tôi bị chụp ngay vào đầu cái vòng kim cang của cha tôi, tôi không còn là tôi nữa, những ý tưởng của tôi đã bị điều kiện hóa. Tôi không biết phải ứng xử ra sao để phù hợp với “con út của nhà văn Thạch Lam”. Đôi khi, những người bạn văn nghệ bàn về cái hay cái đẹp của văn chương Thạch Lam, mặc dù tôi rất thích văn chương ông, nhưng mặc cảm về liên hệ cha con đã khiến tôi, hoặc im lặng, hoặc lảng tránh. Tôi, đôi khi chỉ muốn là con của một người bình thường nào đó, không có tiếng tăm và được yêu mến như Thạch Lam. Bây giờ, đã hơn bẩy mươi tuổi đầu, khi đọc lại những tác phẩm của Thạch Lam, tôi thưởng thức với cảm xúc khách quan của một độc giả, tôi rất hãnh diện khi có người nhắc tới tôi là con của nhà văn Thạch Lam, trong Tự Lực Văn Đoàn, một nhà văn tôi cũng rất yêu quý vì văn tài của ông. Thực tế, dù chấp nhận hay từ chối, tôi đã là con của Thạch Lam. Cũng chẳng còn bao lâu nữa, tôi sẽ có dịp gặp lại mẹ tôi và Thạch Lam, lúc đó có thể tôi sẽ được nắm tay ông và nhìn vào đôi mắt sâu thẳm của ông để gọi hai tiếng: Cha ơi. Hai tiếng ngắn ngủi đã bao nhiêu năm tôi vẫn hằng mong ước.
NGUYỄN TƯỜNG GIANG
21.8. 2013
chân dung nhà văn Thạch Lam-- sơn dầu trên carton, 40”X40”, đinh cường, 2004
588. Thơ ĐINH CƯỜNG Lại một ngày mưa rong chơi với Giang
Đinh Cường (photo by Phạm Cao Hoàng, Virginia, May 8, 2014.)
lần nào giang đến rủ đi chơi cũng mưa
mười năm trước đây nhớ có làm bài thơ
rong chơi với giang một ngày mưa suốt
thời giang còn lên về new york dạy học [1]
nay bạn nghỉ hưu. đóng cửa phòng mạch
đã hai năm nay. thảnh thơi rong chơi hơn
đi ăn trưa cùng nhau ở cafe rio. món ăn mễ
xong lại qua starbucks ngồi. trời mưa mù
trò chuyện cùng nhau. có thêm hưng phấn
viết, giang nói đang đọc lại nhiều sách sử
khi chuẩn bị viết một bài về hai dòng họ
nguyễn tường.nguyễn khoa. liên hệ nhau
như vừa rồi ghé huế bên họ nguyễn khoa
ra tiếp. đưa đi thăm lăng mộ trên phía chùa
từ hiếu. giang nói chùa từ hiếu cảnh quá đẹp
rừng thông xanh. cổng tam quan. hồ sen …
thì ra bên phía nhất linh. hoàng đạo. thạch lam
vốn nguyễn tường nhưng đời ông cố lấy vợ
huế dòng nguyễn khoa. nên bây giờ muốn
viết lại một bài có liên quan hai dòng họ
lại một ngày mưa. ngồi nghe giang kể lịch sử …
Virginia, 29.4.2014
ĐINH CƯỜNG
(1939-2016)
---------------
[1] Nguyễn Tường Giang sinh năm 1942 tại Hà Nội. Con út nhà văn Thạch Lam. Tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Sài Gòn 1968.
Trước 1975, hoạt động trong nhóm văn hóa Thái Độ,viết và đăng thơ trên Thái Độ, Đất Nước. Cùng một số bạn hữu chủ trương Tập San Văn Chương. Thành lập nhà xuất bản Thạch Ngữ.
Sau 1975, hành nghề y khoa tại Mỹ. Viết và đăng bài trên Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21. Đã về hưu
( trích từ bìa sau tập Khói Hồ Bay/ thơ & văn Nguyễn Tường Giang ( Thạch Ngữ 2012 )
Nguyễn Tường Giang, Đinh Cường vẽ ( Starbucks Coffee, 29.4.2014.)
trích từ TRANG VHNT PHẠM CAO HOÀNG
=======================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét