Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017
BÙI GIÁNG trong'CÕI NGƯỜI TA" / Ý Nhi --
Du Tử Lê' s blog
Buồn vui như thể thân mình
Ai chia nửa máu, ai giành nửa xương
Đó là những buồn vui của Bùi Giáng – nỗi buồn của khốc liệt, bi thảm của một thân phận khác thường, của một ngưòi “chịu cuồng si để sáng suốt”, “chịu đui mù mà thỏa dạ yêu em”.
Người ta biết đến Bùi Giáng bởi những khảo luận văn học như những cuốn viết về Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Lục Vân Tiên… Những cuốn khảo luận triết học như Tư Tưởng Hiện Đại, Tư Tưởng Hiện Đại & Hiedegger, những tác phẩm chuyển ngữ tuyệt vời như Cõi Người Ta, Hoàng Tử Bé, Khung Cửa Hẹp, Mùi Hương Xuân Sắc…Nhưng người ta yêu thơ ông hơn cả.
Mỗi khi đọc những câu thơ hay của Bùi Giáng tôi lại nhớ đến tiếng đàn “bốn dây rõ máu năm đầu ngón tay” của Thúy Kiều, bởi những câu thơ được chắt ra từ máu của con người khắc khoải khôn nguôi về thân phận con người, về thế gian này.
Ít ai trong số các nhà thơ Việt Nam hiện đại lại viết nhiều về trần gian như ông. Lúc thì nguyện “yêu trần gian nguyên vẹn”, lúc thì “sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi”, lúc khác là:
Ta đếm lại từng ngón tay lẩy bẩy
Đời chúng ta là mấy trăng tròn
Đời chúng ta là mấy trăng tròn
Yêu thiết tha cõi trần gian, nhiều khi ông nhìn trời đất như đứa bé. Ông hỏi sông: “Ngàn mây về cuối mãi trời xa. Nước có bằng lòng đứng đợi ta”. Ông bập bẹ: “Trần gian do cánh bướm cánh chuồn chuồn. Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại. Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn”. Ông kêu lên thảng thốt: “Ồ gót chân, anh đứng ngó như ngây”. Ông òa khóc không gìn giữ: “Em ra đi đời bưng mặt khóc òa”.
Nhưng Bùi Giáng là đứa trẻ biết rằng “Diều đứt dây trẻ cũng cầm bằng”. Thơ ông từ bài này sang bài khác, từ trang này sang trang khác thắm đượm mối âu lo cho “Những nỗi đau về chẳng hẹn giờ”, “Những thân xương máu đã đàng là ủy mị”.
Ông là con người:
Người kia đứng lại
Nghe trời đầy xuống hai vai
Gánh nặng đó ông gánh chịu suốt cả cuộc đời đơn độc của mình. Nhiều khi ông đã thốt lên “Đời dại khờ như một giấc chiêm bao”, nhiều khi ông lắng nghe “Mấy đời ly biệt rẽ đau một mình”. Nhiều khi ông van nài “Em ở lại với đời ta em nhé. Em đừng đi cho ta nắm tay em”…
Ý thức sâu xa về sự hữu hạn của kiếp người, của lẽ hợp tan, ông luôn phấp phỏng lo lắng:
Nhưng em hỡi trần gian ôi ta biết
Sẽ rời xa vĩnh viễn với người thôi
Sẽ rời xa vĩnh viễn với người thôi
và:
Đài vũ trụ hồn chiêm bao rạng tỏ
Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi
Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi
Mỗi cảnh, mỗi vật đều in dấu nỗi phấp phỏng, lo lắng ấy. Nào là “Đường vất vã vó ngựa chồn lảo đảo”, nào là “Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng”, nào là “Mình cát lạnh chân lạc đà bé bỏng. Bóng hình em tơi tả dưới trăng rằm”, nào là “Ngày đi đổ bóng sau người/ Mộng hờ biết có buồn vui em về”, nào là “Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai”…
Giờ thì con người yêu thương, lo lắng cho cõi người ta ấy đã ra đi. Có lẽ trước lúc an nghỉ ông vẫn còn băn khoăn:
Còn không một bận quay về
Vườn xưa ngó bóng trăng thề vàng gieo
Vẫn giữ nguyên lời nhắn gửi hay là niềm mong ước của ông:
Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Mưa vi vu vì hẹn với truông ngàn.
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Mưa vi vu vì hẹn với truông ngàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét