Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

'viết để tưởng niệm 2 năm ngày mất của thi sĩ HOÀI KHANH / Nguyễn Minh Phúc -- Du Tử Lê' s blog

NGUYỄN MINH PHÚC - Một lần với anh Hoài Khanh

31 Tháng Ba 20189:44 SA(Xem: 30)


thi sĩ  HOÀI KHANH [ i.e. Võ Văn Quế ] 
 (ảnh: Chu Ngạn Thư - tháng 8/ 2009)
(Bt)


Tôi nhớ đó là vào những ngày hè cùa 10 năm trước.

Bạn tôi, nhà thơ Tâm Nhiên từ Biên Hòa Đồng Nai mời anh Hoài Khanh về Rạch Giá chơi và vài anh em văn nghệ có dịp hội ngộ tại nhà tôi. Rượu bày ra và thế là say túy lúy. Nhà thơ Linh Phương (tác giả Kỷ vật cho em ), nhà thơ Tâm nhiên (du sỹ ca) , nhà thơ Đỗ Ký (Đồng Tháp)... cùng chúc mừng chuyến... hành phương tây của anh Hoài Khanh...

Lần đầu được diện kiến với bậc đàn anh văn nghệ nầy ( Hoài Khanh là bạn thân của thi sĩ Bùi Giáng và nhà thơ Phạm Công Thiện...l úc anh còn phụ trách nhà xuất bản Lá Bối- Sài Gòn) và cũng là bạn thân của nhà thơ Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát..Chuyến về Rạch Giá, anh dự tính ra đảo Lại Sơn, nơi Tâm Nhiên đang dạy học, rong chơi vài ngày... Sức khỏe anh lúc nầy vẫn còn tốt, đôi mắt tinh anh, gương mặt tràn đầy niềm vui... chứ không như thi sĩ Phạm Công Thiện diễn tả nét mặt của Thi sĩ Hoài Khanh đầy u ám và gần như là tuyệt vọng... mà tôi đọc trong tập hồi ký PCT khi hai chàng gặp nhau ở Đà Lạt vào mùa xuân 1966...

Tính uống vài chai rồi sau đó về nhà Linh Phương chơi tiếp nhưng rồi hứng quá, mấy anh em ngồi xuống đất, cởi trần a lô zô suốt buổi chiều. Tôi nhớ những câu thơ thần sầu của anh Hoài Khanh đọc như: tôi lẩn trốn vì biết mình không hể...mây của trời rồi gió sẽ mang đi... hay... một mai con nước xa nguồn... thì con sông ấy sẽ buồn với tôi... hay ... tôi đứng lại bên cầu thương dĩ vãng, ngghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu...cứ ngâm nga suốt chiều hôm ấy...

Anh Hoài Khanh tình điềm đạm, ít nói nhưng hay cười. Anh cảm động vì có nhiều anh em còn nhớ thơ anh. Nhà thơ Linh Phương ít uống rượu nhưng không hiểu sao hôm ấy cũng túy lúy với anh. Vui quá, anh Đỗ Ký lại mang đàn ra chơi... Xóm tôi dân lao động, thấy mấy ông nhà thơ say quắc cần câu, í a í ới vui quá nên tụ lại thành đám đông, vỗ tay rần rần. Và có dịp cho thi sĩ Tâm Nhiên đứng lên múa may quay cuồng du sĩ ca... giống như Bùi Giáng...

Sáng hôm sau, anh rủ tôi, Linh Phương và Đỗ Ký xuống tàu ra đảo Lại Sơn ( cách Rạch Giá khoảng 50 hải lý ) cùng với Tâm Nhiên. Lúc bây giờ là mùa hè, ngoài đảo khan hiếm nước ngọt. Mỗi người phải mang theo một can nước ngọt 20 lít xuống tàu để uống và rửa mặt, rất khó khăn. Con gái tôi sáng hôm ấy lại trở bệnh nên tôi không đi được cùng anh. Thật tiếc. Đưa anh xuống tàu, trên đường vào bệnh viện thăm con, tôi cứ tự trách mình.. Nhưng biết làm sao được...

Từ hải đảo, Tâm Nhiên điện về cho tôi, báo tin anh Hoài Khanh ra chơi vui lắm. Nhiên đưa anh rong chơi khắp đảo, non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình nên anh Hoài Khanh cứ tấm tắc và ước gì được nhiều lần đến đây... Nhưng cái khoảng nước ngọt thì gay... Mấy ngày không có nước ngọt tắm gội, khó chịu quá nên chỉ 2 hôm ra đảo là Hoài Khanh ta không chịu nổi, phải đành khăn gói về đất liền...

Tôi đón anh ở bến tàu Phú Quốc rồi sau đó cùng rủ vài anh em văn nghệ địa phương ngồi nhậu trước nhà Linh Phương. Anh im lặng, chỉ cười nên anh em hứng lên đòi anh đọc thơ cho nghe. Anh ngồi suy tư, đôi mắt đầy tâm trạng... Cuộc chơi đến khoảng 8 giờ tối. Anh rủ tôi cùng xuống khu lấn biển gần đó, hai anh em ngồi tâm sự. 

Không bao giờ tôi quên được đêm ấy. Cũng nhắc là bây giờ, tôi đang bị Hội văn nghệ địa phương đánh tơi tả về một sự cố văn nghệ, quy chụp về chính trị mà tôi và nhà thơ Linh Phương là nạn nhân (tôi sẽ không kể ra đây nhưng chỉ biết sau đó tôi và Linh Phương bị khai trừ ra khỏi Hội văn nghệ cho đến giờ) 

Anh ít nói là thế mà khi ngồi cùng tôi, anh bỗng nói nhiều, tôi không kịp ngắt lời. Như nắm được toàn bộ câu chuyện từ khi nào, anh tâm sự với tôi về anh, về những ngày gian khổ sau cải tạo ở Biên Hòa, nơi anh tự đặt tên mình là Hành Khoai (tức Hoài Khanh), có nghĩa giờ chỉ còn biết cuốc đất, làm vườn, xa lánh thị phi, từ bỏ các hội đoàn, nếu còn viết thì chỉ cho mình đọc, không gửi bài cho bất cứ ai mà cũng không trông chờ vào lòng thương hại của người khác... Không hiểu anh muốn an ủi tôi không về sự cố không may trong đời nhưng tôi biết, anh muốn chia sẻ với tôi về sự việc đáng buồn của cuộc đời tôi...

Anh kể tôi nghe nhiều về đời anh, về thơ anh . Tôi hiểu và điều nầy không biết đúng không. Anh cô đơn quá, cô đơn hơn bất cứ nhà thơ nào ( giờ tôi đọc lại Phạm Công Thiện viết về anh, mới hiểu điều ấy...) Cô đơn đến tận những giấc mơ, như lời anh kể cho tôi và rồi anh kết luận: làm nhà thơ là phải đối diện với cô đơn... sáng tạo của người nghệ sĩ chỉ đến từ cô đơn thôi, Phúc ạ...

Hai anh em ngồi nói chuyện cho đến 1 giờ khuya. Qua chuyện đời anh, tôi biết nỗi buồn mình chỉ như hạt cát và nguôi ngoai dần.

Biết tôi nghiện thuốc, hôm về Biên Hòa, anh mua tặng tôi cây thuốc hút. Tôi đưa anh vào nhà sách Đông Hồ gần đấy mua cuốn tuyển tập Những truyện ngắn hay của báo Tuổi trẻ có bài của tôi tặng anh...

Tôi nhớ hoài gương mặt khắc khổ và mái tóc dài của anh lấp lánh đôi mắt thông minh từ chiếc kiếng hầu như che trùm khuôn mặt.

Mấy ngày sau, từ Biên Hòa, anh gửi tặng tôi cùng nhà thơ Linh Phương mấy tập thơ của anh. Và từ đó, tôi không được gặp anh nữa.

Những ngày anh sắp mất, đọc trên các số báo, biết tin nhà thơ Trần Yên Hòa ở hải ngoại có về thăm anh. Nhìn hình chụp anh bệnh nằm trên giường mà tôi không cầm được nước mắt và càng trân quý tình cảm, tấm lòng của anh em bạn bè văn nghệ khắp nơi vẫn còn nghĩ về anh.
... Giờ thì anh đã đi xa. Viết cho anh những dòng nầy như một tưởng niệm đẹp về người nghệ sĩ tài hoa nhưng đầy lận đận. Như một nén nhang thắp trên bàn thờ anh nhân 2 năm anh rời cõi tạm..

Thương anh, nhớ anh, anh Hoài Khanh ơi... viết tưởng niệm 2 năm ngày mất của thi sĩ Hoài Khanh.
(23/3/2016 - 23/3/2018)  ./.

NGUYỄN MINH PHÚC


----------------------------------
    trích từ Du Tử Lê 's blog
===================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét