vài bài viết các tác giả Nguyễn Hữu Sơn+ Trần Hoài Anh+ Phạm Trọng Thanh về ' thi sĩ chân quê NGUYỄN BÍNH" -- trieuxuan.info/
Kỷ niệm 51 năm ngày nhà thơ lớn Nguyễn Bính qua đời | |
nhà văn Triệu Xuân: Hôm nay, ngày 29 tháng Chạp Bính Thân, giỗ lần thứ 51 nhà thơ lớn Nguyễn Bính! Còn nhớ, khai bút năm Canh Thìn (1940), Nguyễn Bính viết bài "Nhạc xuân": "Đừng về Chiêm Quốc nhé Huyền Trân!/ Ta viết thơ này gửi cố nhân/ Năm mới tháng Giêng mồng Một Tết/ Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân”. Đúng là ông mất ngày 29 tháng Chạp, năm đó không có ngày 30: “Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân”! Nguyễn Bính ra đi khi ông bước vào tuổi 49, nhưng thơ ông thật sự sống mãi trong lòng người yêu thơ Việt Nam! Nhiều bài thơ của Nguyễn Bính là bất tử!
Triệu Xuân, Lê Thị Kim, Dương Ngọc Khánh thay mặt anh chị em Nhóm Văn Chương Hồn Việt sáng nay hòa vào cùng 50 nhà văn, nhà thơ, người yêu thơ đến dự Giỗ lần thứ 51 Nguyễn Bính tại nhà Lưu niệm Nguyễn Bính. Trưởng nữ của nhà thơ: Nguyễn Bính Hồng Cầu năm nào cũng làm giỗ cúng cha mình trang trọng, với những món ăn nấu rấtt khéo, rất thơm, mọi người đọc thơ Nguyễn Bính, hướng về ông, nhà thơ lớn của dân tộc! Thật ấn tượng một ngày giỗ thi hào trong không khí tình nghĩa sâu nặng, ấm áp của bà con họ hàng và anh chị em đồng nghiệp! Đáng trân trọng biết bao!
TRIỆU XUÂN -----------------
Người đương thời thơ mới bàn về thơ Nguyễn Bính
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn
Trong phần khái lược chân dung thi sĩ “nhà quê”, “quê mùa” xứ Sơn Nam hạ, Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển chọn 8 bài thơ (đồng hạng số bài với Chế Lan Viên, xếp trên các tác gia Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Nam Trân được tuyển 7 bài), từ đó đi sâu phân tích chất thơ hồn hậu in đậm phong vị ca dao cũng như chỉ ra những sự lệch pha, lạc bước, quá đà ở thơ Nguyễn Bính:
“Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Nhưng - khôn hay dại - chúng ta ngày một cố lìa xa nề nếp cũ để hòng đi tới chỗ mà ta gọi là văn minh. Dầu sau, những tính tình tư tưởng ta hấp thụ ở học đường cám dỗ ta, những cái phiền phức của cuộc đời mới lôi cuốn ta, nên ở mỗi chúng ta người nhà quê kia vốn khiêm tốn và hiền lành ít có dịp xuất đầu lộ diện. Đến nỗi có lúc ta tưởng chàng đã chết rồi. Ở Nguyễn Bính thì không thế. Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường. Tôi muốn nói Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cau bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta. Giá Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô số những nhà thông thái nghiên cứu. Họ chẳng ngớt lời khen những câu như:
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
hay:
Lòng anh: giếng ngọt trong veo,
Giăng thu trong vắt biển chiều trong xanh.
Lòng em như bụi kinh thành,
Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe.
Tiếc thay Nguyễn Bính lại không phải là người thời xưa! Cái đẹp kín đáo của những vần thơ Nguyễn Bính tuy cảm được một số đông công chúng mộc mạc, khó lọt vào con mắt các nhà thông thái thời nay. Tình cờ có đọc thơ Nguyễn Bính họ sẽ bảo: “Thơ như thế này thì có gì?”. Họ có ngờ đâu đã bỏ rơi một điều mà người ta không thể hiểu được bằng lý trí, một điều quý vô ngần: hồn xưa của đất nước.
Kể, một phần cũng là lỗi thi nhân. Ai bảo người không nhà quê hẳn? Người đã biết trách người gái quê:
Hoa chanh nở ở vườn chanh,
Thày u mình với chúng mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều.
Thế mà chính người cũng đã “đi tỉnh” nhiều lần lắm. Dấu thị thành chẳng những người mang trên quần áo, nó còn in vào tận trong hồn. Khi người than:
Đời có còn gì tươi đẹp nữa,
Buồn thì đến khóc, chết thì chôn.
Khi người tả cảnh xuân:
Đã thấy xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng.
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong.
ta thấy người không còn gì quê mùa nữa.
Thế thì những câu trên này nên bỏ đi ư? Ai nỡ thế. Nhưng vì có những câu ấy mà người ta khó nhận thấy cái hay của những câu khác có tính cách ca dao. Thành ra cái đặc sắc của Nguyễn Bính, chỗ Nguyễn Bính hơn các nhà thơ khác, ít được người ta nhìn thấy. Đó là một điều đáng vì Nguyễn Bính phàn nàn. Đáng trách chăng là giữa những bài giống hệt ca dao người bỗng chen vào một đôi lời quá mới. Ta thấy khó chịu như khi vào một ngôi chùa có những ngọn đèn điện trên bàn thờ Phật. Cái lối gặp gỡ ấy của hai thời đại rất dễ trở nên lố lăng”...
Nhà phê bình Lương Đức Thiệp trong công trình khảo sát chuyên sâu Việt Nam thi ca luận (Khuê Văn xuất bản cục, Hà Nội, 1942) đã xác định tính hai mặt đỏng đảnh của thể thơ lục bát và so sánh, nhấn mạnh bước tiến từ Thế Lữ, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương đến Nguyễn Bính:
“Thể lục bát phát sinh do cái tính cách đặc biệt về âm hưởng trong Việt ngữ. Hình thức này do quảng đại dân chúng tạo thành nên rất phổ thông. Nó phổ thông nhưng lại khó đạt tới được nghệ thuật cho những người chưa thấu lĩnh được hết cái tinh vi của Việt ngữ. Dùng thể này, một thi sĩ có thể dễ trở thành người làm vè. Chỉ một hay hai chữ dùng không đắc vị cũng đủ làm cho cả câu đáng nhẽ hay thành ra rất dở được.
Bởi vậy nhiều thi sĩ ngại làm lục bát. Ông Thế Lữ, ông Xuân Diệu, ông Vũ Hoàng Chương đã có một nghệ thuật khá vững vàng mà cũng không tránh được “đá vè” trong nhiều bài “sáu - tám”:
Hôm qua trăng khóc trên trời,
Để cho nước mắt nó rơi xuống trần…
… Nhỏ to bạn hữu quanh mình,
Trông ra vẫn có mà hình như không.
(Thế Lữ)
Ngó em chẳng dám ngó lâu,
Ngó qua một chút đỡ sầu mà thôi.
(Xuân Diệu)
Kẻ xuôi người ngược bấy nay,
Hằng năm một buổi thấy nhau họa là.
(Vũ Hoàng Chương)
Trong Lỡ bước sang ngang, ông Nguyễn Bính là cả một “bằng chứng” về sự khó khăn ấy.
Mà thể lục bát là thể thơ Việt Nam hơn hết”...
Sau nhiều trang phân tích, Lương Đức Thiệp tiếp tục chỉ ra các dòng mạch thi ca, trong đó có cả phái Tự nhiên - Hồn nhiên chiếm số đông mà đại diện lại chính là Nguyễn Văn Phúc và Nguyễn Bính:
“Một phái nữa lấy “tự nhiên” làm cốt cách cho thi ca. Theo chủ trương này, thơ phải hồn nhiên. Gột rửa câu văn, cân nhắc vần điệu làm mất cả đà tự nhiên của dòng thi cảm.
Hứng đến, thi sĩ chỉ cần bắt ngay lấy rồi dùng thanh âm thích ứng mà gọi nó lên. Thế là thơ rồi!... Cho nên thơ phải “nhất khí”, cho nên giọng thơ phải hồn nhiên:
…Cao siêu xuất chúng, cao siêu quá,
Trái núi cao siêu mấy kẻ trèo.
Đứng ở dưới chân mà ngắm núi,
Nhìn ngơ nhìn ngác dám đâu leo!...
Ngọc Bích hỡi anh buồn cho đời lắm!
Anh buồn đời chẳng đẹp chẳng xinh tươi…
…Thôi em ơi! tuy đôi ta xa cách,
Cứ vui đi thương nhớ mà làm chi!...
(Nguyễn Văn Phúc)
Lạ quá! làm sao tôi cứ buồn?
Làm sao tôi cứ khổ luôn luôn?
Làm sao tôi cứ tương tư mãi,
Người đã cùng tôi phụ rất tròn?...
(Nguyễn Bính)
Theo chủ trương này, nhân công gần như không có nữa…
Những mẩu thơ tự nhiên đến ngây ngô, chân thực đến dớ dẩn là kết quả dĩ nhiên của quan niệm đơn giản này. Nó không đứng vững được tự trong bản chất của nghệ thuật, bởi nghệ thuật nào mà phần nhân công không phải nhiều. Vật chất, kể cả âm thanh, mầu sắc, chỉ là những phương tiện của nghệ sĩ trong việc diễn tả ý tình, những phương cách biểu thị. Có thế thôi!
Mầu thuốc, giấy, lụa phải có thay họa sĩ mới thành được bức tranh. Cây đàn không người nắn, đâu phát ra được những âm thanh trầm bổng mê hồn. Khúc gỗ, tảng đá, khối đồng không có lưỡi đục nhà điêu khắc đụng vào, không có hồn nghệ sĩ truyền sang, hẳn không thành hình gì cả, dù gỗ có quý, đá có mịn, đồng có sáng.
Phái này gồm các thi sĩ “cảm hứng”, thi sĩ “nhất thời”, thi sĩ “bất đắc dĩ”… một số thi sĩ linh tinh mà tài bộ chưa kết tinh được trong một tác phẩm nào. Kể về số lượng, phái này trội hơn tất cả”…
Thế rồi đến nhà phê bình Lê Thanh trong bài Thanh niên Việt Nam với một cuộc cải cách văn học ngày nay in trên tạp chí Tri tân (số 119, tháng 11-1943) cũng lên tiếng phê phán quyết liệt lối thơ bi lụy, ủy mị, sáo ngữ, thậm chí bị/ được gọi là “hủ bại” (trong đó có cả Chế Lan Viên và Nguyễn Bính), giống như lối thơ mới Trung Quốc đã diễn ra hồi đầu thế kỷ, từ đó định hướng cho một dòng thơ giàu sức sống và tinh thần tranh đấu:
…“Ta phải buồn rầu mà nhận văn chương ta ngày nay về một vài phương diện không khác gì văn chương Trung Hoa trước thời cách mệnh, ngày nay nếu muốn tìm trong làng văn ta một số nhà văn “không ốm mà rên”, như Hồ Thích đã nói, là một việc không khó khăn gì.
Chao ôi mong nhớ ôi mong nhớ
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn!
(Chế Lan Viên)
Nhật ký nhòa đi mất cả rồi
Chỉ còn vết mực ố hoen thôi!
Biết rằng nên xé hay nên đốt
Hay để mà thương đến mãn đời?
(Nguyễn Bính)
Và trong những tập xuất bản trong vòng năm ba năm nay, nếu ta muốn nhặt những “sáo ngữ”, những hình ảnh thơ cũ kỹ, ta có một bộ khá nhiều: cũng “hồn đau”, “chiều tà”, “giăng lạnh”, “gió về”, “đau thương”, “sầu hận”, “chiếc bóng”, “đêm thâu”, “nhớ nhung”, “hồn lạnh”, “năm canh”, “sáu khắc”, “mơ màng”, “ngẩn ngơ”...
…Bỏ cái lối “không ốm mà rên, xuân đến thì khóc vì rồi xuân sẽ đi, thu đến thì khóc vì thu buồn...”. Những văn chương ủy mị chỉ làm nhụt chí khí, làm héo lả tâm hồn.
Phải bỏ... và bỏ, vì ngày nay nhà văn thanh niên Việt Nam còn có một trọng trách là gây lấy cái tinh thần mạnh mẽ cứng cỏi không những cho mình mà còn cho tất cả những người xung quanh mình. Cái tinh thần ấy đang cần cho sự kiết thiết một văn chương xứng đáng và một quốc gia đủ điều kiện để sinh tồn trong buổi cạnh tranh này”...
Trong công trình nghiên cứu tổng thành Nhà văn hiện đại, quyển ba (NXB Tân dân, Hà Nội, 1943), nhà phê bình Vũ Ngọc Phan tuy không định vị Nguyễn Bính thành một tác gia độc lập nhưng cũng đã nhắc đến ông trong bài khái quát Các thi gia và xác định đặc tính thi phái Nguyễn Bính trên dòng chảy con đường tiến hóa của nền thơ Việt đương thời:
“Người ta có thể kể những thi sĩ dùng lời thật cũ, thỉnh thoảng điểm một vài ý thật mới như Đái Đức Tuấn (Tchya), Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính - tác giả những tập thơ Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi (Lê Cường - Hà Nội, 1949), Hương cố nhân (Á châu - Hà Nội, 1941) - dùng một lối thật cổ, lối lục bát phong dao để diễn một thứ tình quê phác thực. Nhiều câu của ông gần như vẽ và thật thà, rõ ràng, như hai lần hai là bốn”...
Vốn là thi sĩ nổi tiếng, có nhiều bài thơ in báo và nhiều tập thơ đã được xuất bản ngay từ trước 1945 nhưng tiếng thơ Nguyễn Bính chưa phải đã được người đương thời bàn rộng và đánh giá cao. Trên văn đàn, Nguyễn Bính được đón nhận trước hết như một nhà thơ chân quê, gắn bó với con người và cảnh vật đồng quê, tình yêu thôn quê dân dã. Thơ Nguyễn Bính được đánh giá cao với chất liệu ngôn ngữ đồng quê và phong vị ca dao dễ nhớ dễ thuộc. Điều đó cho thấy ngay từ đương thời phong trào Thơ mới đã xuất hiện những cách tiếp nhận khác nhau về thơ Nguyễn Bính, bao gồm cả những ý kiến đồng cảm, ngợi ca cũng như tiếng nói phản biện, phản ứng, phê phán gay gắt. Qua trường hợp thơ Nguyễn Bính đã thấy thấp thoáng một sự đổi thay, yêu cầu hướng về nghĩa vụ công dân, tranh đấu cho lợi quyền xã hội, dân tộc và đất nước. Về cơ bản, đó là những tiếng nói của những người có nghề, trung thực, phản ánh sát đúng chất lượng thơ Nguyễn Bính và cũng chứng tỏ tinh thần khách quan, dân chủ, đa phương của chính đời sống phê bình văn học đương thời.
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn
--------------------------------
Nguyễn Bính trong sự tiếp nhận của lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975
Trần Hoài Anh
(kỷ niệm 49 năm ngày mất cố thi sĩ Nguyễn Bính 1966 - 2015)
1.
Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Bính và thơ của ông đã trở thành hiện tượng văn học thu hút sự quan tâm của nhiều nhà lý luận phê bình, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ phổ thông đến đại học. Nguyễn Bính là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới, có vị trí đặc biệt trong tâm thức và tâm cảm người đọc. Những Lỡ bước sang ngang, Tương tư, Chân quê, Cô hái mơ, Xuân tha hương, Hành phương Nam, Sao chẳng về đây... của Nguyễn Bính đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của bao thế hệ người đọc. Tiếp nhận thơ Nguyễn Bính, vì thế là một nhu cầu, một khao khát, một chia sẻ, một tri âm của những tâm hồn đồng điệu.
Ở miền Nam trước 1975, nhiều tạp chí có bài viết về Nguyễn Bính như: Văn, Văn học, Văn nghệ, Nghiên cứu văn học, Bách Khoa, Khởi hành... Đặc biệt, để tưởng niệm Nguyễn Bính, tạp chí Văn học số 100/1970, Văn số 189/1971, đã có nhiều bài viết thể hiện cái nhìn đa dạng và trân quý về đời và thơ Nguyễn Bính. Ngoài ra, trong các sách nghiên cứu, lý luận phê bình văn học như: Lược sử văn nghệ Việt Nam nhà văn tiền chiến 1930 - 1945 của Thế Phong (SG, 1974); Việt Nam thi nhân tiền chiến (Q. thượng) (SG, 1968) của Nguyễn Tấn Long; Mười khuôn mặt văn nghệ, (SG, 1970) của Tạ Tỵ,... chân dung thi sĩ Nguyễn Bính cũng hiện lên một cách sinh động và phong phú. Việc khảo sát sự tiếp nhận về thơ và đời Nguyễn Bính qua các tư liệu này sẽ cho thấy rõ hơn giá trị của thơ Nguyễn Bính cũng như vị trí không thể thay thế của ông trong phong trào Thơ mới nói riêng và thơ ca hiện đại Việt Nam nói chung.
2.
Thật vậy, tiếp nhận văn học là một hành trình không có bến đỗ, là cuộc đối thoại không có chân lý cuối cùng. Bởi văn bản văn học là những diễn ngôn mang tính đa nghĩa, luôn mở ra nhiều chân trời sáng tạo cho người đọc. Vì thế, trong tiếp nhận văn học không có chỗ cho lối “phê bình quyền uy” và “áp đặt”. Đây cũng là một vấn đề được các nhà lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 quan tâm lý giải dưới nhiều góc nhìn khác nhau.
Là sản phẩm mang tính quan hệ, ngay khi xuất hiện, văn bản văn học là đối tượng nghệ thuật đưa ra để được người đọc tiếp nhận. Nó là một hệ thống kí hiệu mang tính “hàm hồ”, là cấu trúc mở hướng đến người đọc. Nói cách khác văn bản văn học không phải là vật thể tồn tại một cách ổn định, bất biến, mà đã chứa đựng trong đó tiềm năng đa nghĩa, một tính chất bất ổn. Đây là tính chất mở của văn bản, là tiền đề để văn bản văn học trở thành tác phẩm văn học. Vì thế, hoạt động tiếp nhận văn học là quá trình biến đổi theo những biến động xã hội và tầm đón đợi của người đọc. Nói như Đặng Tiến: “Một người không thể đọc được một tác phẩm hai lần cũng như không thể tắm hai lần ở một dòng nước như là một triết nhân Hy Lạp. Vì ở cuối dự định trở về một tác phẩm, người đọc sẽ bắt gặp một tác phẩm khác. Tác phẩm tự nó đã thay đổi ý nghĩa với thời đại và người đọc tự họ cũng thay đổi nhãn quan với thời gian. Niềm vui phóng khoáng mỗi lần khám phá như thế chính là yếu tính của nghệ thuật trong tác phẩm và khả năng lĩnh hội nghệ thuật trong độc giả”(1). Bởi lẽ, tác phẩm văn học không bao giờ là một công trình hoàn tất. Nó “là một sáng tạo không ngừng vì luôn luôn nó có thể mặc những ý nghĩa mới mà người đọc gán cho”(2). Thơ Nguyễn Bính trong sự tiếp nhận của lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 cũng được tiếp nhận theo hướng ấy.
Đọc những bài viết về Nguyễn Bính trong lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975, ta như đến với một chân trời có nhiều sắc màu, đi vào một vùng tâm thức luôn vẫy gọi sự chia sẻ của người đọc. Nguyễn Bính trong sự tiếp nhận của các nhà lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 được thể hiện ở những bình diện sau:
2. 1. Nguyễn Bính: Một thiên tài “lỡ vận”
Trong Mười khuôn mặt văn nghệ, Nguyễn Bính trong cái nhìn của Tạ Tỵ là một nhà thơ thiên tài nhưng là một thiên tài “lỡ dở”. Nguyễn Bính đến giữa cuộc đời như một vì sao lạ, lóe sáng rồi lại vụt tắt giữa vũ trụ khôn cùng của phận người mà những người yêu quý ông cũng ngỡ ngàng. Không lạ sao được, trong khi trên “bầu trời Thơ mới”, biết bao thi sĩ đi tìm thi pháp hiện đại của các trường phái tượng trưng, siêu thực... từ phía trời Tây xa xôi, thì Nguyễn Bính vẫn lặng lẽ tìm về với dòng chảy của ca dao và lục bát, van xin mọi người hãy giữ cho được cái “quê mùa”. Cho nên, theo Tạ Tỵ “Bính là con người làm Văn - Nghệ duy nhất ở thời đó không chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Tây - Phương cũng như Đông - Phương. Bính làm thơ một mình và thừa hưởng cái kho tàng văn hóa Dân Tộc qua các vần ca dao, qua nếp sống mộc mạc quê mùa”(3). Song, phải chăng, chính cái “quê mùa” tưởng chừng như đi ngược dòng chảy của thời đại đã tạo nên một hệ giá trị riêng trong thơ Nguyễn Bính mà theo Tạ Tỵ dù cho “tới nay Bính đã đi sâu vào lòng đất, gia tài để lại cho cuộc đời tuy không vĩ đại nhưng cũng đủ chứng minh giá trị của một thi nhân trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam”(4) và “chất thơ của Bính nó hiện diện như thế cách đây 30 năm, khoảng thời gian không xa xôi gì, mà sao nó làm cho người đọc hôm nay cảm thấy đằng đẵng xa vút mù khơi.”(5) Sự hiện hữu của thi nhân giữa cõi đời bao giờ cũng là một định mệnh. Và định mệnh của nghệ sĩ bao giờ cũng gắn với khổ đau và bất hạnh nhưng trong kiếp nghệ sĩ ấy, thi sĩ vẫn là số kiếp bất hạnh nhất. Sự đặt để số phận đó của Nguyễn Bính thi sĩ đã được Tạ Tỵ xác quyết: “Bính là một thiên tài, nhưng là một thiên tài lỡ dở, vì tổng kết từ cuộc sống bản thân tới nghệ thuật, ở bên trong mỗi dữ kiện người ta cảm thấy như Định Mệnh đã an bài cho Bính sự trừng phạt hơn ân thưởng. (...) Sự lỡ dở do Tình Yêu, do cuộc đời, do bạn hữu, do bản thân tạo nên, tất cả như va vào nhau để làm cho tiếng thơ buồn của Bính vút lên rồi tỏa ra những làn ánh sáng kỳ diệu giữa trời thơ nước Việt hôm qua, hôm nay và mãi mãi.”(6)
Đồng quan điểm với Tạ Tỵ khi tiếp nhận thơ Nguyễn Bính, nhưng Thế Phong lại có cách thể hiện riêng. Trong Lược sử văn nghệ Việt Nam nhà văn tiền chiến 1930 - 1945, Thế Phong đã dành cho Nguyễn Bính những trang viết đầy thiện cảm với những đánh giá khá cao về thi tài Nguyễn Bính: “Nguyễn Bính có thiên bẩm thi nhân từ thuở nhỏ. Sống ở miền quê từ thuở nhỏ, nhà nghèo, ít học, nhưng làm thơ lục bát rất hay, truyền cảm mãnh liệt và phổ biến sâu rộng nhất trong nhân dân thị thành cũng như nông thôn. Có thể nói sau Nguyễn Du, Nguyễn Bính là nhà thơ được mọi người học thuộc thơ ông nhiều nhất.”(7) Phải chăng, đây là ân sủng thượng đế đã dành cho cuộc đời một con người sống trên cõi đời không dài lắm nhưng thơ ca đã trở thành bất tử: Thi sĩ Nguyễn Bính, điều mà không phải người làm thơ nào cũng có được!? Chính sự tiếp nhận vượt thời gian của người đọc là một giá trị làm nên sự vĩnh cửu của thơ Nguyễn Bính. Vì vậy, trong cái nhìn đối sánh với các nhà thơ cùng thời, Thế Phong đã khẳng định phẩm tính của thơ Nguyễn Bính khi cho rằng: “Thơ Nguyễn Bính chẳng giống thơ một ai, chính thi nghiệp của ông cũng như Hàn Mặc Tử là rút ra trong cuộc sống thành khẩn của mình, sống rất sâu và nghệ thuật cao diễn tả, thành công rực rỡ. Không cầu kỳ như Vũ Hoàng Chương, không thuần túy lãng mạn dành riêng cho một giai cấp như xuân Diệu, không khóc đời suy tư kiểu Huy Cận, không có những hình ảnh thiên nhiên tạo vật buồn nhẹ như Lưu Trọng Lư; nhưng đi vào khía cạnh tâm hồn mọi người; khi mà thi sĩ cũng hòa đồng rung cảm.”(8)
Quả thật, không phải nhà thơ nào trong hành trình sáng tạo của mình cũng được các nhà lý luận phê bình dành cho những đánh giá cao như vậy!? Cái căn cước giá trị thi ca chỉ có thể có ở nhân vị của những thi sĩ tài năng đích thực mà thôi. Bởi, người làm thơ thì nhiều nhưng có mấy ai được gọi là thi sĩ, mà lại là thi sĩ có cá tính sáng tạo độc đáo, ám ảnh người đọc như Nguyễn Bính thì càng hiếm. Điều này đã được xác tín qua sự tồn sinh của thơ Nguyễn Bính từ khi ông còn sống trên cuộc đời cũng như lúc ông đã đi ra ngoài cõi sống mà Vũ Bằng đã xác quyết: “Tôi có thể nói rằng sau truyện Kiều, sau thơ Tản Đà, có lẽ thơ Nguyễn Bính được nhiều người tìm đọc và ngâm nga nhất.”(9) Nguyễn Bính, vì thế là một trong những hiện tượng văn học được Nguyễn Tấn Long viết khá nhiều trang trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (Q.thượng) với 110 trang (từ tr. 301 đến tr. 409) trong tổng số 818 tr. của cuốn sách dành cho 19 nhà thơ được chọn giới thiệu. Điều này cho thấy hình ảnh Nguyễn Bính trong tâm thức của các nhà lý luận phê bình văn học ở miền Nam sâu đậm như thế nào!?
Cũng như Tạ Tỵ và Thế Phong, Nguyễn Tấn Long đã có những đánh giá rất cao về thơ Nguyễn Bính. Theo Nguyễn Tấn Long: “Thời tiền chiến, Nguyễn Bính được kể là một trong những nhà thơ lớn, chiếm ngôi vị vững chắc trong làng thơ mới.”(10) Và để xác tín hơn ý kiến của mình, tác giả đã hơn một lần lý giải về “địa vị độc tôn” của Nguyễn Bính trong nền thi ca dân tộc khi khẳng định: “Nguyễn Bính đã tìm cho mình một hướng đi dị biệt, tạo cho mình một địa vị vững chắc, một chỗ đứng có hạng trên thi đàn. Ngôi sao của Nguyễn Bính vừa mọc là sức sáng chói chang cả khung trời nghệ thuật.”(11) Và cũng đồng quan điểm với Thế Phong khi nghĩ về đời và thơ Nguyễn Bính, Nguyễn Tấn Long cũng khẳng định ngôi vị tất yếu của Nguyễn Bính trên thi đàn khi cho rằng: “Thơ của ông rất hay, được đại chúng biết nhiều nhất, nhưng có lẽ tài bất thắng thời nên cuộc đời Nguyễn Bính lận đận lao đao, trôi nổi rày đây mai đó trên kiếp giang hồ.”(12) Và đây cũng là cảm thức của Kiên Giang, một nhà thơ tự nhận mình là “người học trò nhỏ” của Nguyễn Bính trong thi ca, khi đánh giá về số phận của đời và thơ Nguyễn Bính: “Thơ của Nguyễn Bính đã đi vào đại chúng nặng lòng yêu nước chống xâm lăng nhưng con người thi sĩ không mấy được trọng dụng? Hơn thế nữa, anh Bính là người phóng túng mang trọn vẹn tâm hồn thi sĩ đi vào cuộc đời nên làm sao tránh khỏi một vài cơn dội ngược đụng đầu trước kỷ luật trôn ốc.”(13)
Ý kiến của Kiên Giang, một nhà thơ Nam Bộ chính hiệu, một người Nam Bộ chính hiệu vốn mang trong huyết quản của mình sự thẳng thắn, trung thực càng cho thấy nhân cách nghệ sĩ cao đẹp của Nguyễn Bính. Đó là một nhân cách không bao giờ chịu khuất phục. Và chính điều này càng minh định rõ hơn cuộc đời của một thiên tài thi ca nhưng “lỡ vận” của thi sĩ Nguyễn Bính như những gì mà các nhà nghiên cứu đã viết về ông.
2.2. Nguyễn Bính với nỗi buồn, niềm cô đơn và thân phận lưu đày
Trong cái nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, sự hiện hữu của con người giữa cõi trần thế chính là cuộc lưu đày và cuộc lưu đày của thi nhân là một cuộc đọa đày bất tận. Thế nên, Đinh Hùng trong Văn số 58/1966 đã có bài viết: “Nguyễn Bính kẻ lưu đày”; Viên Linh trong Khởi hành số 91/1971 có bài: “Nguyễn Bính và hệ lụy cuộc đời”... Còn Tạ Tỵ, khi nghĩ về hành trình sống và sáng tạo thơ của Nguyễn Bính thì cho rằng: “Bính làm thơ vì vận mệnh phán quyết. Thơ Bính đẹp như dòng suối và bi thương như bệnh hoạn.”(14) Tạ Tỵ cũng rất tinh tế khi cho rằng cái âm hưởng chủ đạo trong thơ Nguyễn Bính là nỗi buồn: “Thơ Bính buồn, thật buồn. Mỗi lời như một dòng lệ, ngay cả khi Bính không nói về mình.”(15) Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Bính cũng được Nguyễn Tấn Long cảm nhận khá tinh tế: “Thơ Nguyễn Bính cho ta thấy sắc thái mang nặng một nỗi buồn gần như bất tận. Hầu hết thi phẩm của Nguyễn Bính đều có âm điệu trầm buồn, nhẹ nhàng, man mác, như thương tiếc xa xôi; những hình ảnh đau thương hối tiếc, phân ly...”(16) Phải chăng, chính những bài thơ thấm đẫm nỗi buồn nhân thế này cũng là một giá trị trong thơ Nguyễn Bính. Nỗi buồn ấy chính là kết tinh từ thân phận lưu đày của thi nhân trong những mùa xuân tha hương, trong những ngày tháng giang hồ trên khắp mọi miền đất nước, mà có những lúc ông phải sống như kẻ không nhà, sống trong đói cơm, thiếu áo và chỉ còn có thơ để ông “vịn” (từ của Phùng Quán) vào đó mà tồn tại, mà hiện hữu... Đào Trường Phúc trong bài viết: “Nguyễn Bính những mùa xuân tha hương”, khi nhận định về tính chất tha hương của Nguyễn Bính, rất có lý khi cho rằng: “Có hay chăng một thứ định mệnh ràng buộc Nguyễn Bính với những chuyến đi? Đó là những chuyến đi vừa thơ mộng vừa cay đắng, những chuyến đi thất bại. Đó là những chuyến đi cô quạnh, nếu có một kẻ đồng hành nào thì cũng chỉ là kẻ đồng hành tình cờ, gặp nhau trong nỗi cô đơn của mỗi người để chia sẻ một chút gió bụi buồn của giang hồ, rồi lại chia lìa nhau suốt đời. Đó là những chuyến đi chất chứa đầy nhớ thương, đầy chua chát, đầy tan nát. Đó là những chuyến đi tượng trưng đầy đủ nhất cho định mệnh của một thi sĩ giang hồ, của thi sĩ và giang hồ”(17)
Và cũng theo Đào Trường Phúc chính nỗi buồn, niềm cô đơn của những ngày tháng lưu đày trong kiếp giang hồ này đã đốt cháy trong tâm thức Nguyễn Bính một cuộc trở về, một khát vọng hoài hương, một cái “ngoảnh lại” trong cuộc phiêu lưu của việc chạy đua với định mệnh. Chính “Nỗi cô đơn, tình hoài hương, tâm trạng lưu đày cùng một lúc phả vào thơ Nguyễn Bính trong giai đoạn sau này của đời ông, một hơi thở chua chát thê lương và đốt nóng lên trong dòng thơ ấy ngọn lửa khao khát của một ngày về.”(18) Và “Trong nỗi cô quạnh ấy, ngọn lửa khát vọng của ngày về quê hương vẫn không tắt trong lòng Nguyễn Bính, ngọn lửa thắp sáng giữa cõi phi - ý - thức đó đôi lúc đã khiến cho chính ông có những ảo giác về một ngày về. Lời ước hẹn và giấc mơ của những bài thơ chất chứa lòng sầu xa xứ.”(19) Nhưng dù có khao khát đến tận cùng nỗi khao khát “qui cố hương” thì Nguyễn Bính cũng không thể nào vượt qua sự đặt để của số phận trong kiếp lưu đày của một thi sĩ giang hồ. Vì theo Đào Trường Phúc thì “tình hoài hương của Nguyễn Bính, như thế, vẫn không biến đổi gì từ cái bản chất đặc biệt phảng phất trong mỗi câu thơ, từ Lỡ bước sang ngang đến những bài thơ cuối cuộc đời ông. Nguyễn Bính trước sau vẫn chỉ là một thi sĩ giang hồ, một thi sĩ tha hương.”(20) Và lý giải điều này từ góc nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, Đào Trường Phúc đã rất có lý khi cho rằng: “Nỗi cô đơn của Nguyễn Bính, của một kẻ tự lưu đày trong những chuyến lang thang tìm kiếm quê hương bằng những bước rời xa quê hương, như thế, trở thành gần như một nỗi cô đơn thu kín và tuyệt vọng.”(21) Song, phải chăng, chính nỗi buồn, niềm cô đơn của thân phận lưu đày này đã kết tinh thành những dự phóng, những cảm hứng sáng tạo trong thơ Nguyễn Bính mà nếu không có nó, liệu có thể có một đời thơ Nguyễn Bính như hôm nay!?
2.3. Nguyễn Bính với tình yêu và những ám ảnh tương tư
Trong cái nhìn của Vũ Bằng, Nguyễn Bính là một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư. Và theo Vũ Bằng, đây là một trong những phẩm tính, là tiếng gọi thao thiết vang lên trong thơ Nguyễn Bính, là yếu tố thần diệu để người đọc đến với thơ Nguyễn Bính. Điều hấp dẫn lạ lùng này theo Vũ Bằng đó là: “1) Nguyễn Bính đã nói tiếng nói chân thật của lòng với lời lẽ bình thường của dân gian, không cầu kỳ, không kênh kiệu. 2) Nguyễn Bính đã nhắm đúng vào một cái bịnh chung của đời người là cái bịnh tương tư: (...) Có thể nói tất cả văn thơ tiền chiến của Bính đều nhắm vào bịnh đó và anh nổi bật cũng vì bịnh đó.”(22) Phải chăng, chính căn bệnh “tương tư mãn tính” này là một yếu tính trong thơ Nguyễn Bính, chi phối toàn bộ thi pháp thơ ông cho nên theo Vũ Bằng: “Có phải vì thế, muốn làm thơ kháng chiến đến chừng nào, Nguyễn Bính vẫn không thể bật lên mà cho đến bây giờ, người ta còn thương Nguyễn Bính, yêu thơ Nguyễn Bính chỉ là vì những câu thơ chứa chất một tấm lòng tương tư não nùng, lê thê có từ ngày xưa và sẽ còn tồn tại mãi đến ngàn sau.”(23) Vì vậy, trong cái nhìn của Vũ Bằng, trước sau Nguyễn Bính cũng chỉ là một nhà thơ tiền chiến đúng nghĩa, mặc dù ông đã có những năm tháng lặn lội gian khổ với kháng chiến trong cuộc “tìm đường” của những văn thi sĩ tiền chiến ở một thời không xa như Vũ Bằng chia sẻ: “lang thang tìm một hướng đi, Nguyễn Bính thất vọng lại trở về thất vọng: rút lại đến những ngày cuối cùng anh lại trở lại làm người thi sĩ của thời tiền kháng chiến và lại tương tư rồi cứ tương tư cho đến chết”(24)
Vâng! Như Nguyễn Bính đã tự nhận trong thơ: “Gió mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”, vì vậy, khi nói đến căn bệnh tương tư trong thơ Nguyễn Bính không thể không nói đến khí hậu tình yêu trong thơ ông, cái đã làm nên “mưa gió, giông bão” trong cuộc đời của ông như một định mệnh. Đây cũng là một giá trị của thơ Nguyễn Bính mà không một người đọc nào đến với thơ Nguyễn Bính lại không bị ám ảnh. Tình yêu vốn là một chủ đề không mới lạ trong thơ nhưng ở thơ Nguyễn Bính tình yêu vẫn mang một nét đẹp riêng, một sắc thái riêng, một sự quyến rũ riêng: giản dị, chân mộc mà không tầm thường đơn điệu. Nó như cây cỏ, như hương hoa, như dòng suối thanh sạch làm tươi mát tâm hồn ta. Thơ tình Nguyễn Bính là một thứ thơ vô trùng, không bị nhiễm khuẩn của những thứ tình yêu nhục cảm tầm thường đang bày bán đầy dẫy trong các chợ thơ của thời được gọi là “hiện đại”. Đây cũng chính là cái nhìn của Sông Thai khi cảm nhận về tình yêu trong thơ Nguyễn Bính: “Thơ tình yêu của Nguyễn Bính không có những đam mê da diết, không có nhục dục thô bỉ, không có những sôi nổi ồn ào, điên loạn cuồng si hoặc bâng khuâng ray rứt... Thơ tình của Nguyễn Bính trong sạch, kín đáo và cao thượng. Và dấu vết nổi bật nhất trong thơ ông là tấm lòng chung tình, chung thủy”(25)
Thơ tình của Nguyễn Bính là sự kết tinh của những đau khổ thật, mộng mị thật, đắm đuối thật, nồng nàn thật chứ không phải là thứ tình yêu “tình một đêm” của những “cơn mưa bóng mây”. Vì vậy, nhận định về tình yêu trong thơ Nguyễn Bính, Tạ Tỵ viết: “Bính đi vào tình yêu với một mộng ước đắm đuối vô vàn để được trả bằng thất vọng”(26) và “Cái vòng tình ái lẩn quẩn mở rồi đóng, đóng rồi mở làm cho Bính bàng hoàng như tỉnh như mơ. Vốn là nòi tình nên thi nhân đắm mê vào hệ lụy như con thiêu thân lao mình vào ánh đèn tìm cái chết trong lửa đỏ.”(27) Bởi vậy, “Nguyễn Bính sáng tác rất nhiều, mỗi bài thơ như một khúc bi ca, như nỗi đau đứt ruột vì khung trời tình ái mà thượng để dành riêng cho Nguyễn Bính luôn luôn bị che phủ mây mù.”(28) Và thật sự Nguyễn Bính đã chết trong tình yêu. Nhưng từ cái chết trong tình yêu thơ Nguyễn Bính đã phục sinh và chính sự phục sinh này đã tạo nên sự bất tử của thơ Nguyễn Bính không chỉ trên diễn đàn Thơ mới mà còn cả trên thi đàn dân tộc, nói như Tạ Tỵ “Bài “Lỡ bước sang ngang” vào đời đã đưa Bính lên cao giữa vòm trời Thi Ca đầy tinh tú sáng chói với Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Hoàng Cầm, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên v.v.”(29) Đây cũng là cái nhìn của Nguyễn Tấn Long về tình yêu trong thơ Nguyễn Bính từ sự đối sánh với các nhà thơ của phong trào Thơ mới: “Ái tình của Nguyễn Bính, khác hẳn cái nóng nảy như Hồ Dzếnh; lãng mạn, say đắm như Xuân Diệu; chứa chan và dễ dãi như Huy Cận hay trầm buồn như một Vũ Hoàng Chương. Ngược lại tình yêu trong thơ Nguyễn Bính là một thứ tình yêu nhẹ nhàng, câm lặng, những mối tình mộng đẹp; nó là thứ tình yêu của một Đỗ Tốn trong Hoa vông vang. Yêu thì tha thiết chân thành nhưng tâm ý lại rụt rè, nhút nhát.”(30) Phải chăng, Nguyễn Tấn Long đã bắt đúng mạch cảm xúc tình yêu trong thơ Nguyễn Bính và cũng là cái tính cách của chính ông trong trường tình chăng!? Bởi, nói như Sông Thai “Đọc thơ Nguyễn Bính, ta thường thấy toát ra cái không khí tội nghiệp, bé bỏng và rất dễ bị động lòng trắc ẩn trước những mẫu tình duyên ướt đẫm nước mắt của tác giả.”(31)
Và theo Kiên Giang, trong một lần gặp nhau ở chiến khu, Nguyễn Bính có nhắc đến người con gái có tên Mây Nhạt mà lúc ở Rạch Giá Nguyễn Bính đã từng yêu, khi Kiên Giang trách Nguyễn Bính sao mơ mộng quá dù đã đi theo kháng chiến, Nguyễn Bính trả lời: “Thi sĩ có trái tim, có quyền yêu và nhớ chớ.”(32) Câu trả lời này cũng cho thấy nhân tính và phẩm tính thi sĩ trong Nguyễn Bính là một hằng số văn hóa mà không có trở lực nào có thể ngăn cản tiếng gọi của trái tim ông, một thi sĩ đa tài và đa tình. Thế mới biết, trái tim của thi sĩ là vương quốc của tự do và cũng chỉ ở vương quốc tự do ấy thi nhân mới sáng tạo những câu thơ thành thực, một phẩm chất không thể thiếu ở những nghệ sĩ đích thực mà khi viết về những nhà Thơ mới Hoài Thanh đã gọi đó là “cái khát vọng được thành thực. Một nỗi khát vọng khẩn thiết đến đau đớn.”(33)
2.4. Nguyễn Bính với hồn quê, tình quê và tình tự dân tộc
Trong không gian khá hẹp của phong trào Thơ mới ở Thi nhân Việt Nam, bên cạnh những tên tuổi lẫy lừng mà thơ ca của họ lấp lánh sắc màu tư tưởng và thi pháp phương Tây đang là mốt thịnh hành lúc bấy giờ, Hoài Thanh lại dành cho Nguyễn Bính, một thi sĩ mà theo ông: “vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm”(34) vị trí vô cùng trang trọng với tám bài thơ được chọn tuyển. Bởi, theo Hoài Thanh: “Thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê ẩn náu trong lòng ta.”(35) Có lẽ, vì thế, trong một xã hội đầy biến động của miền Nam với rất nhiều trào lưu tư tưởng Âu Mỹ tràn ngập, thơ Nguyễn Bính vẫn được tiếp nhận, lưu truyền trong công chúng. Đây cũng là cái nhìn của Tạ Tỵ khi nói đến cái hồn quê, tình quê, tình tự dân tộc trong thơ Nguyễn Bính: “Cá tính trong thơ Bính rất tự nhiên, mộc mạc không gò bó, kiểu cách như các thi nhân cùng thời. Thơ Bính đi gần với ca dao, rất gần với đại đa số quần chúng.”(36) Phải chăng, không phải lúc nào cứ hiện đại, cách tân mới làm nên giá trị của thơ ca!?
Sáng tạo thơ ca bao giờ cũng là một hành trình cô đơn từ sự nghiệm sinh và thấu thị của người nghệ sĩ. Vì vậy, khi cảm nhận về hành trình sáng tạo và khuynh hướng sáng tác thi ca của Nguyễn Bính, Thế Phong cũng nhận ra tính độc đáo trong phong cách thơ ca mang đậm bản sắc dân tộc của Nguyễn Bính khi cho rằng: “Thơ Nguyễn Bính có một bản sắc độc đáo, một địa vị không nhà thơ nào có được. Với lối diễn đạt bình cũ rượu mới, một thể thơ rất phổ biến của ta, thơ lục bát rất Việt Nam.”(37) Còn theo Sông Thai, Nguyễn Bính là nhà thơ ca dao đôn hậu. Theo ông: “Nói đến Nguyễn Bính là nói đến những bài thơ hiền lành dễ thương mang cái hình thức lục bát nhuần nhuyễn đậm đà màu sắc dân tộc. Dòng thơ của Nguyễn Bính chảy xiết một đường êm ái, duyên dáng. Lời thơ của Nguyễn Bính mộc mạc, hồn nhiên. Điệu thơ của Nguyễn Bính hài hòa, bình dị.”(38)
Tình quê, hồn quê và tình tự dân tộc trong thơ nguyễn Bính, theo Sông Thai còn được thể hiện ở việc sử dụng ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Bính. Theo Sông Thai: “Sở dĩ thơ Nguyễn Bình gần gũi với nhân dân ta như thế là vì ông đã từng lăn lộn, hòa đồng với nhịp sống của đồng bào, chủ yếu là đồng bào dân quê, do đó ông đã vận dụng thành công ngôn ngữ của họ. Cách sử dụng ngôn ngữ bình dân của Nguyễn Bính lại hết sức nhuần nhuyễn tới mức tạo cho thơ ông một sắc thái riêng biệt: duyên dáng mà không kênh kiệu, thiết tha mà không vụng về, thành thực mà không sỗ sàng, lộ liễu. Đó cũng chính là giá trị của toàn bộ thơ ca Nguyễn Bính”(39). Đây là một đánh giá công bằng, khách quan, thấu tình đạt lý về thơ Nguyễn Bính. Và cũng là cảm nhận của Phạm Văn Song: “Thơ Nguyễn Bính không những bắt nguồn từ ca dao mà còn chịu ảnh hưởng của ca dao trong cách diễn tả nữa.”(40) Còn Vũ Bằng thì xác quyết, một cách dứt khoát: “Có thể nói rằng hầu hết các nhà văn nhà thơ, dù chê Nguyễn Bính, dù không ưa Nguyễn Bính cũng đều nhớ đại khái những câu thơ sau này của Bính nó làm người ta không muốn nhớ mà phải nhớ cũng như tục ngữ ca dao vậy.”(41)
Nhưng có thể nói, kết tinh những cảm nhận về hồn quê, tình quê và tình tự dân tộc trong thơ Nguyễn Bính đó chính là cảm nhận mang đầy tính nhân bản về những giá trị văn hóa Việt trong thơ Nguyễn Bính mà Nguyên Sa đã chia sẻ trong một bài viết khá sâu sắc, đầy tính triết mỹ về thơ Nguyễn Bính khi ông cho rằng: “Nguyễn Bính với tôi bây giờ là tiếng hát. Tiếng hát võng đưa. Tiếng hát lũy tre, tiếng hát buổi chiều mùa thu còn chút nắng không đủ ấm tiếng hát trẻ nhỏ khóc, tiếng hát thiếu nữ ngồi hong tóc, tiếng hát của mẹ của Hà Nội xa tắp của Vân Đình lo sợ, của những ngôi làng ven đường số năm cuối cùng trong ảo vọng.”(42)
Còn khi nhận định về thơ lục bát, một phẩm tính của tình tự dân tộc trong thơ Nguyễn Bính, Nguyên Sa viết: “Tôi chẳng thể bỏ được cái ý tưởng, không dựa trên phân tách nào hết, không xây trên biện chứng nào cả, ôi phân tách và tổng hợp, nhận thức trực tiếp và nhận thức biện chứng, sự phân biệt, phân tích và phân chia, tổng hợp và hỗn hợp, mười mấy năm trời tôi đùa rỡn với những trò trẻ đó trong các lớp học, mà trẻ con mới học xong lấy làm quan trọng, tưởng chừng khai phá được núi non, những phân tách và tổng hợp đó chỉ đưa ta đến vùng ngoại ô của thành phố, đến đồ trang sức của thân thể, đến sự mù lòa của trí thức trước thi ca, cái ý tưởng, vâng cái ý tưởng vu vơ là một trong những tinh túy của dòng lục bát của dân tộc là đó không phải là sợi chỉ có một khúc đầu và một khúc cuối không phải là dòng sông khởi đầu bằng suối và tận cùng nơi cửa biển dù nó, thơ ấy, vẫn có một khởi đầu và một tận cùng. Nó thơ ấy, là sự mịt mùng của biển...”.(43)
3.
Trong Văn học số 100 ra ngày 1/1/1970, Kiên Giang trong bài viết “Chiếc cầu cây giữa rừng tràm và biển cỏ của chiến khu đã gẫy rồi!” đã thành thực chia sẻ: “Viết về Nguyễn Bính tuy dễ mà khó. Khó vì không thể phóng đại, thêu dệt và viết sai về một người đã chết.”(44) Và ông lại trăn trở: “Viết cho người chết hay viết cho người sống?” Rồi chính Kiên Giang tự trả lời: “Viết cho cả hai”(45)
Thật vậy, viết về nhà thơ mà cuộc đời có quá nhiều bất hạnh và cô đơn như Nguyễn Bính là một điều không đơn giản. Nguyễn Bính không chỉ cô đơn trong suốt hành trình sống của mình mà ông còn cô đơn ngay cả trong cái chết, trong khi chết. Tâm sự của Kiên Giang phải chăng cũng là niềm ưu lo của những người cầm bút khi viết về Nguyễn Bính (kể cả người viết bài này). Trong sự tiếp nhận của lý luận phê bình văn học miền Nam trước 1975, ta thấy hầu hết các bài viết đều có chung một sự đồng cảm sâu sắc với đời và thơ Nguyễn Bính. Khi đánh giá các bình diện cơ bản trong đời và thơ của ông như: Tài năng thi ca; Nỗi buồn trong tình yêu, niềm cô đơn, thân phận lưu đày; Tình quê, hồn quê và tình tự dân tộc... các ý kiến đều thống nhất. Đây là điều hiếm thấy trong đời sống văn học khi đánh giá về một hiện tượng văn học mà không có những ý kiến trái chiều.
Kỷ niệm 49 năm ngày mất của Nguyễn Bính, đọc lại những bài viết về Nguyễn Bính trong lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975, thiết nghĩ cũng là một điều không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn để thấy được sự vĩnh hằng của một giá trị trong nền thơ ca hiện đại của dân tộc: Giá trị thơ Nguyễn Bính. Bởi nói như Nguyên Sa: “Nguyễn Bính cũng là sự bắt đầu ở bất cứ đâu, tận cùng mà chẳng hết. Đọc bài thơ rồi lại đọc lại như chưa bao giờ hết”(46). Và nói như Andre Malraux: “Nghệ thuật là cái chống lại định mệnh”. Phải chăng, thơ Nguyễn Bính cũng là một thứ nghệ thuật có khả năng “chống lại định mệnh” để miên viễn tồn sinh trong tâm thức của người tiếp nhận. Và nói như Nguyễn Phan trong Văn học giai phẩm năm 1974 thì “Nguyễn Bính, một ngôi sao sáng trong thi văn dân tộc” sẽ mãi mãi hiển linh.
TRẦN HOÀI ANH
Sông Hương 313/03-15
__
(1) Đặng Tiến, Vũ trụ thơ, Nxb. Giao Điểm, Sài Gòn, 1972, tr.10
(2) Nguyễn Văn Trung, Nhà văn, người là ai? Với ai?, Nxb. Nam Sơn, Sài Gòn, 1965, tr.44.
(3) (4) (5) (6) (14) (15) (26) (27) (28) (29) (36) Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ, SG, 1970, tr.127, tr.125, tr.127, tr.134, tr.126, tr.129, tr.127, tr.128, tr.131, tr.126, tr.126).
(7) (8) (37) Thế Phong, Lược sử văn nghệ Việt Nam nhà văn tiền chiến 1930 -1945, Nxb. Vàng Son, 1974, tr.258, tr.259, tr.258.
(9) (22) (23) (24) (41) Vũ Bằng, “Nguyễn Bính, một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư” Văn Số 189 ra ngày 1/11/1971, tr.25, tr. 27, tr.35, tr.33, tr.26.
(10) (11) (12) (16) (30) Nguyễn Tấn Long Việt Nam thi nhân tiền chiến (Q. thượng), Sống mới Xb., SG,1968, tr. 302, tr.304, tr.302, tr. 302, tr.309.
(13) (32) (44) (45) Kiên Giang, “Chiếc cầu cây giữa rừng tràm và biển cỏ của chiến khu đã gẫy rồi!” Văn học số 100. ra ngày 1/1/1970, tr.83, tr. 80, tr.66, tr.67.
(17) (18) (19) (20) (21) Đào Trường Phúc “Nguyễn Bính những mùa xuân tha hương” Văn số 189 ra ngày 1/11/1971, tr.45, tr. 50, 5, tr.52, tr.53, tr.51.
(25) (31) (38) (39) Sông Thai, “Nguyễn Bính và những bước lỡ làng gieo neo trong cuộc sống” Văn học số 100 ra ngày 1/1/1970, tr.99, tr.99, tr.96, tr.98.
(33) (34) (35) Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, 2003, tr.18, tr. 336, 337
(40) Phạm Văn Song “Đọc lại Đám cưới bướm” Văn 189 ra ngày 1/11/1971, tr.56.
(42) (43) (46) Nguyên Sa, “Nguyễn Bính trong trí nhớ”, Văn học số 100 ra ngày 1/1/1970 tr.89, tr.91, tr.92.Xóm Ngự Viên - Một bài thơ hay về Huế của Nguyễn Bính
--------------
Nguyễn Bính - "Thi sĩ của thương yêu"
PHẠM TRỌNG THANH
Một nhà thơ xứ Thanh nói với tôi khi gặp nhau ở Hà Nội, ngay sau ngày nhà thơ Nguyễn Bính được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, năm 2001: "Nếu phải chọn ra mười nhà thơ Việt Nam xuất sắc của thế kỷ XX, tôi cầm chắc trong đó có Nguyễn Bính". Tôi bắt tay anh, cảm kích cái tình của một người yêu quý Nguyễn Bính dù ông đã đi xa 35 năm kể từ ngày 21-1-1966, tại nhà lương y Tân Thanh một người yêu thơ ông ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, gần nơi Ty Văn hoá Nam Hà sơ tán những năm đầu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Tôi mang ý kiến của người bạn thơ xứ Thanh về Thành Nam trao đổi với các bạn văn chương Nam Định. Mấy anh em bộ môn Thơ đều cho như thế là phải. Nhà thơ "trạng nguyên áo vải" của tỉnh Nam đã "vinh quy"! Trước đó, Nguyễn Bính đã ở trong sự mến mộ của bạn đọc Trung Nam Bắc, của người Việt tha hương các chân trời viễn xứ từ những năm ba mươi thế kỷ trước đến bây giờ.
Bốn mươi chín tuổi đời với hơn ba mươi năm cầm bút, Nguyễn Bính đã để lại cho đời 22 thi phẩm, trong đó có 14 tập thơ, 8 truyện thơ; 5 tác phẩm kịch bản sân khấu, gồm 2 kịch bản chèo, 3 vở kịch thơ (vở Bóng giai nhân phác thảo ban đầu của nhà thơ Yến Lan) và các tác phẩm văn xuôi: truyện ngắn, tiểu thuyết đã xuất bản. Một năng lực sáng tạo đáng kính nể.
Giờ đây quê hương Vụ Bản, xã Cộng Hoà, thôn Thiện Vịnh nơi sinh thành dưỡng dục ông đã thành một địa chỉ văn học cho du khách gần xa đi về. Tại đây, Nguyễn Bính cất tiếng chào đời vào mùa xuân, mùa lễ hội Thánh Mẫu Phủ Dầy năm Mậu Ngọ, 1918, trong một gia đình nền nếp, thân phụ là một nhà Nho. Gia phong còn đó trong lời thơ truyền tụng quí hơn vàng: "Nhà ta coi chữ hơn vàng/ Coi tài hơn cả giàu sang trên đời"... Nguyễn Bính mồ côi mẹ khi mới ba tháng tuổi, một thiệt thòi của tuổi thơ khó có gì bù đắp. Việc học hành của ông được uỷ thác cho người bác ruột bên mẹ, cụ Bùi Trình Khiêm, một nhà Nho yêu nước ở Vân Tập dạy bảo. Nguyễn Bính thụ giáo cả chữ Nho, chữ Quốc ngữ ở đây. Còn tiếng Pháp chắc là ông phải học với người anh ruột là nhà giáo Nguyễn Mạnh Phác - nhà viết kịch Trúc Đường. Nguyễn Bính sáng dạ, ông nhập tâm chữ nghĩa chân truyền, kinh sách, văn học, lịch sử... Cái nôi văn hiến Thiên Bản - Vụ Bản, Nam Định đã sinh ra Nguyễn Bính, một "thần đồng thi ca" khi mới mười ba tuổi. Nguồn mạch văn hoá - văn học dân tộc - dân gian đã góp công nuôi dưỡng thi tài Nguyễn Bính. Là một nhà thơ của Phong trào Thơ Mới(1932-1945), Nguyễn Bính tự làm giàu vốn kiến văn của mình khi văn học Việt Nam bước sang một thời kỳ mới. Trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp sau khi nhận giải thưởng thơ của Tự Lực văn đoàn năm 1937, chỉ trong khoảng năm sáu năm, thơ Nguyễn Bính đã được đón nhận nồng hậu ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn...Cố hoạ sĩ Nguyệt Hồ (1902-1992), một người bạn vong niên, "đồng điệu" chí cốt, thuỷ chung của Nguyễn Bính từ thời cùng làm báo trước năm 1945 ở Hà Nội, nhớ lại: "Có một điều lạ là Nguyễn Bính nổi tiếng rất nhanh và nổi như cồn! Thơ anh xuất hiện, đi đến đâu, khắp thành thị, thôn quê, một thị trấn rừng biên giới hay một bến đò hẻo lánh xa xăm, người ta đều nỉ non, thánh thót đọc thơ Nguyễn Bính. Bà ru cháu, mẹ ru con bằng thơ Nguyễn Bính...Nguyễn Bính có một bộ mặt thơ riêng sau này nhiều người bắt chước gần như một trường phái. Ai làm theo kiểu đó người ta nhận ra ngay: "Lại bắt chước thơ Nguyễn Bính rồi"! Bộ mặt thơ riêng ấy là cái chất đượm tình "quê mùa", chất dân tộc Việt Nam ta. (Nguyệt Hồ - Lời bạt Giai thoại Nguyễn Bính -1991). Tài ứng đối văn chương, năng lực thi ca và bản lĩnh văn chương, Nguyễn Bính trong "trường văn trận bút" khi cộng tác, giao lưu với các vị cựu học, tân học: Trúc Khê, Thế Lữ, Nguyễn Vỹ, Lê Tràng Kiều... với các đồng nghiệp văn chương: Tô Hoài, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Vũ Hoàng Chương, Yến Lan, Đông Hồ, Mộng Tuyết... mà không "hụt hơi", không "lạc nẻo". Phải tự tin như thế nào một thi sĩ "chân quê" như ông mới có những cuộc "đi thực tế" suốt chiều dài đất nước, một thi nhân chỉ sống bằng nhuận bút và sự ưu ái của bè bạn và những người mến mộ thơ mình. Nguyễn Bính kỳ tài! Dù phải nếm trải những thiệt thòi cay đắng, những lỡ dở, phũ phàng của cái thời buổi "coi đồng bạc to hơn núi", thói đời và tình người với bao nhiêu ngán ngẩm nơi phồn hoa gió bụi kinh thành: "Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con". Dù phải cầm lòng bước lên bục diễn thuyết, viết kịch rồi đóng kịch lấy tiền để độ nhật, để xoay lấy một tấm vé cho chuyến tàu chở một người "giời bắt làm thi sĩ" trên đường thiên lý "hành phương Nam", nhất quyết không bỏ cuộc. Lạ một điều là trong hoàn cảnh lữ thứ tha hương như thế, Nguyễn Bính đã có những thi phẩm để đời dù phải đáp ứng tức thì những đòi hỏi của các ông chủ bút, các Mạnh Thường Quân và bạn đọc nơi ông đến rồi đi. Ví như chùm thơ ông viết ở Huế: Xóm Ngự Viên, Giời mưa ở Huế cùng với Người con gái ở lầu hoa, khi đứng vào tuyển tập thơ viết về Huế trước năm 1945 tập Bài thơ thôn Vĩ (Sông Hương - 1987), với 50 thi tài danh tiếng của đất nước, thơ Nguyễn Bính với hai bài thất ngôn trường thiên độc vận đặc sắc, xứng đáng đứng hàng đầu trong tuyển tập này. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh (1909-1982) trong cuốn Thi nhân Việt Nam đã có một nhận xét chí lý: Thơ Nguyễn Bính "là hồn xưa đất nước".
Gia tài thi ca của ông chủ yếu là thơ tình. Cái tình chân quê trong trẻo "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người", cái tình ngây thơ tuổi học trò "Đội đầu chung một lá sen tơ", cái tình trong mộng "Có một nghìn đêm tôi chiêm bao", ước vọng hạnh phúc lứa đôi không thành "Từ ngày Nhi bỏ nơi làng cũ/ Mộng ngát duyên lành cũng bỏ tôi". Thơ tình Nguyễn Bính có cả mối đồng cảm với những tâm tình nơi thôn dã, những cảm thương nhân ái đối với những thân phận goá bụa, đơn côi, từ bà lão xóm Tây đến anh lái đò nghèo, từ chị Trúc "lỡ bước sang ngang" đến cô gái Hà Thành trinh trắng bạc mệnh ...Những gương mặt nhân hậu lầm lụi trong đám bụi mù nhân thế thời vong quốc "Gái chính chuyên kia đứng vệ đường", khuất lấp trong không gian cách trở, quạnh quẽ nghìn đời "Nhà em xa cách quá chừng/ Em van anh đấy, anh đừng thương em"... Những cuộc biệt ly chồng nam vợ bắc trên sân ga đổ bóng "Buồn ở đâu hơn ở chốn này?" Thơ Nguyễn Bính còn có những bài cảm động viết về quê hương, về gia đình thời nước mất nhà tan, với bao nhiêu ngậm ngùi thương nhớ.
Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ mới có công hiện đại hoá thể thơ lục bát. Ông và nhà thơ Huy Cận là những kiện tướng của thể thơ dân tộc này. Ngay thể thơ thất ngôn Đường luật vốn rất nghiêm nhặt, ở Nguyễn Bính cũng thăng hoa với đủ cả các phẩm chất đăng đối, tề chỉnh mà cứ tươi ròng sức sống:
Em vốn đường dài thân ngựa lẻ
Chị thì sông cái chiếc đò nan
Quê người đứng ngắm mây lưu lạc
Bến cũ nằm nghe sóng lỡ làng...
Ngọn bút trữ tình Nguyễn Bính có lúc còn "thảo lên lên giời mấy nét nhanh" trong bài Bảy chữ để gửi cho người mình yêu bức "ngọc thư" độc đáo: Xe ngựa chiều nay ngập thị thành/ Chiều nay nàng bắt được giời xanh/ Đọc xong bảy chữ thì thương lắm: "Vạn lý tương tư, vũ trụ tình".
Trước đó chừng một thế kỷ, một nhà thơ châu Âu cũng có thao tác "viết thư tình lên giời" gần giống Nguyễn Bính. Đó là Henrich Heine (1797-1856), nhà thơ lớn của nước Đức, trong tập Biển bắc, ông viết:
Anh sẽ nhổ cây thông nào cao lớn nhất Na Uy
Nhúng vào miệng hoả diệm bùng chảy
Anh viết câu thơ sáng rực lên trời:
"Anh yêu em! Hỡi em! An - nét!"
Trong bài thơ Một trời quan tái viết ở Lạng Sơn năm 1940, Nguyễn Bính có một dòng tự bạch "Tôi là thi sĩ của thương yêu". Ngẫm lại thật đúng. Là thi sĩ khát khao và trân trọng tình người, Nguyễn Bính trở thành người đồng điệu của nhiều văn nghệ sĩ chân chính ở các chân trời nghệ thuật từ xưa đến nay, những người suốt đời phấn đấu vì tình thương yêu đồng loại, tình yêu nhân dân đất nước, sống và viết với ước vọng nhân văn cao cả ấy.
Nguyễn Bính không màng thứ danh lợi "vinh thân phì gia" khom lưng uốn gối. Bước qua những lời mời gọi trọng vọng và cả lời hăm doạ từ đám quan chức Sài Gòn theo Pháp, đầu năm 1947, Nguyễn Bính đến với chiến khu Đồng Tháp Mười, tham gia kháng chiến, đồng cam cộng khổ với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Tây. Thơ ông chuyển sang một thời kỳ mới: phục vụ cuộc kháng chiến anh dũng quyết chiến quyết thắng của quân và dân Nam Bộ. Thơ Nguyễn Bính trên tờ Lá Lúa xuất bản ở chiến khu, có bài trở thành ca khúc nổi tiếng (Tiểu đoàn 307 - Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc). Những sáng tác kịp thời của ông được in qua những chế bản bằng đất, bằng bột, litô... được truyền tay nhau, nhanh chóng thâm nhập quần chúng ở Nam Bộ: Thư gửi về Cha, Đồng Tháp Mười, Mẹ, Chung một lời thề... "Thi sĩ của thương yêu" trải qua công tác ở Hội Văn hoá Cứu quốc tỉnh Rạch Giá, phó chủ nhiệm tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Rạch Giá, cán bộ cơ quan Văn nghệ khu Tám. Ông trở thành "rể quý" của miền quê phương Nam.
Năm 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc. Thơ Nguyễn Bính tiếp tục hành trình mới trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Ông về nhận công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam. Rồi Nguyễn Bính làm báo, ông chủ trương tờ Trăm hoa bộ mới. Do không đáp ứng được yêu cầu của báo chí thời điểm ấy, toà soạn đóng cửa, năm 1958, Nguyễn Bính trở về Nam Định sinh sống và tiếp tục sáng tác. Rồi ông nhận công tác tại Ty Văn hoá Thông tin tỉnh Nam Định. Là cán bộ của Phòng Sáng tác, nhà thơ Nguyễn Bính "đã góp công vào sự trưởng thành của phong trào văn nghệ quê hương". Một số cây bút trẻ của tỉnh đã được ông chỉ bảo, khuyến khích qua những đợt tập huấn, những hội nghị sáng tác, trong đó có những người nay đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Trở về quê nhà Nam Định, sức sáng tạo của Nguyễn Bính như được "hồi xuân". Cùng với các sáng tác thơ trữ tình, trong đó có những thi phẩm xuất sắc Chiều Thu, Đêm sao sáng, Trở về quê cũ, Tháng ba... các trường ca Làng tôi, Xây nhà máy...truyện thơ Tiếng trống đêm xuân, Bức thư nhà... Nguyễn Bính viết hai vở chèo Cô Son, Người lái đò sông Vị "bộc lộ tình cảm thiết tha đối với truyền thống nghệ thuật dân tộc".
Về Nam Định, Nguyễn Bính gặp lại những người bạn cũ Nguyệt Hồ, Trần Văn Khuê... Những người trân trọng tình bằng hữu với nhà thơ đã góp phần vun đắp cho ông có một mái ấm gia đình sau những chia ly, cách trở. Gia đình ông cùng chia sẻ những khó khăn với nhân dân thành Nam những năm tháng gian khổ. Ông cũng có thêm những đồng nghiệp mới biết trân trọng tài năng văn chương như nhà viết kịch Hồng Vũ, nhà văn Chu Văn... và những người tử tế yêu mến Nguyễn Bính nơi nhiệm sở, chốn dân phố, nơi sơ tán "Chồng ở Nhân Nghĩa, vợ Nhân Hậu...".
Hai mươi năm sau ngày ông đi xa, Tuyển tập Nguyễn Bính do Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh, nhà xuất bản Văn học liên kết xuất bản với sự góp công của các nhà sưu tầm - tuyển chọn: Quang Huy - Vũ Quốc Ái - Kim Ngọc Diệu - Đỗ Đình Thọ đã ra mắt với số lượng hàng vạn bản đáp ứng yêu cầu bạn đọc gần xa, làm nên một "hiện tượng xuất bản" lúc bấy giờ. Năm 1998, kỷ niệm 80 năm sinh ông, tuyển tập thơ Thi sĩ của thương yêu, Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định xuất bản, tuyển chọn những bài thơ của các nhà thơ, các hội viên bộ môn thơ viết về Nguyễn Bính cùng các thi phẩm đặc sắc của ông. Năm 2008, kỷ niệm 90 năm sinh ông, Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định xuất bản ấn phẩm Thi sĩ Nguyễn Bính hồn thơ Việt, tập hợp 16 bài viết của các tác giả nghiên cứu phê bình, tôn vinh sự nghiệp thi ca của Nguyễn Bính. Cùng thời điểm ấy, một con đường ở thành phố Nam Định mang tên nhà thơ quê hương. Tại miền thượng huyện Vụ Bản, xã Hiển Khánh, trường Trung học phổ thông Nguyễn Bính nhiều năm qua vẫn duy trì nền nếp "dạy tốt, học tốt". Thơ Nguyễn Bính trong tiếng trống "Tựu trường san sát chân son", nhiều trang sổ tay văn học của các bạn trẻ thời hội nhập chép thơ Nguyễn Bính.
Cứ nghĩ, giá mà giờ đây Nguyễn Bính còn, chúng ta sẽ được thấy một "đại lão thi sĩ" đầu râu tóc bạc chín mươi nhăm tuổi, sánh bước cùng người bạn cũ Tô Hoài, một "đại lão văn sĩ" chín mươi ba tuổi để con cháu nội ngoại xúm xít chúc mừng thì hay biết bao nhiêu! Nhưng Nguyễn Bính như người đẹp thuở xưa "Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu". Trước ngày đi xa, tại nơi sơ tán, thôn Đức Bản, xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, trong ngôi nhà lợp lá mía, trên chiếc bàn kê tạm bên ô cửa sổ vấn vít những luống quít, giàn trầu, ông đã kịp gửi lại Bài thơ quê hương chứa chan tình yêu quê hương đất nước. Ông cũng gửi lại bài thơ tập Kiều tuyệt bút Kính gửi cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du:.."Thương vui bởi tại lòng này/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời/ Lòng thơ lai láng bồi hồi/ Tưởng người nên lại thấy người về đây".
Để kết bài viết này, tôi xin mượn bài thơ của nhà thơ - kiến trúc sư Vũ Minh Am, viết tháng Giêng, năm Mậu Dần, 1998, in trong tập Thi sĩ của thương yêu. Bài thơ hay "tờ hoa tiên" báo trước ngày vui:
Trạng nguyên
Bút nghiên lều chõng... ôi thôi!
Thảo nhanh bảy chữ lên giời thiên thanh
Chân quê nộp quyển thơ tình
Trạng nguyên áo vải một mình vinh quy.
|
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ