bài liên quan: ' Trăm Năm Cô Đơn & Sông Côn Mùa Lũ ' / bài viết: Huỳnh Như Phương -- vanmoionline.wordpress.com/
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
TRĂM NĂM CÔ ĐƠN & SÔNG CÔN MÙA LŨ
Giải thưởng Sách hay về Văn học năm 2012:
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Hằng năm ở nước ta có nhiều giải thưởng về sách, đặc biệt là sách văn học. Giải thưởng Sách hay do Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) điều hành, được tổ chức từ năm 2011, có một hướng đi riêng: tuyển chọn từ số sách xuất bản và tái bản trong nước từ năm 1975 đến nay trong các lãnh vực giáo dục, nghiên cứu, tra cứu, kinh tế, quản trị, văn học, thiếu nhi để trao giải nhằm khẳng định những cuốn sách giá trị đã qua thử thách của thời gian. Riêng trong lĩnh vực văn học, Giải thưởng chỉ trao cho thể loại tiểu thuyết mỗi năm hai cuốn: một cuốn do nhà văn Việt Nam sáng tác và một cuốn là tiểu thuyết dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.
Năm nay trên cơ sở đồng thuận cao của Hội đồng xét tuyển, từ danh sách do bạn đọc đề cử gồm 216 tác phẩm, hai cuốn tiểu thuyết đã được quyết định trao giải trong buổi lễ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh sáng 20-9-2012.
Về tiểu thuyết nước ngoài, Giải thưởng Sách hay trao cho bản dịch tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của văn hào Gabriel Garcia Marquez do ba dịch giả thực hiện: Nguyễn Trung Đức, Phạm Đình Lợi và Nguyễn Quốc Dũng (NXB Văn học xuất bản lần đầu năm 1986). Trăm năm cô đơn là kiệt tác đã đem giải thưởng Nobel văn chương năm 1982 về cho đất nước Colombia. Từ câu chuyện ở một làng quê được đặt tên Macondo, kết hợp chất liệu hiện thực và yếu tố huyền thoại, cuốn tiểu thuyết nói lên bi kịch cô đơn của một dòng họ, vì phạm tội loạn luân mà trở nên bất lực trước tình yêu và bị tuyệt diệt. Bản dịch tiếng Việt Trăm năm cô đơn ra đời ngay năm đầu tiên thời kỳ Đổi mới (1986), với số lượng một vạn bản in, đã thu hút đông đảo độc giả Việt Nam vốn chưa tiếp xúc nhiều với văn học Mỹ la-tinh. Từ đó đến nay cuốn sách đã được tái bản nhiều lần. Trao giải cho bản dịch này cũng là khẳng định đóng góp của ba dịch giả nói trên, đặc biệt là dịch giả quá cố Nguyễn Trung Đức, người có nhiều công lao trong việc giới thiệu nền văn học tiếng Tây Ban Nha cho độc giả nước ta. Một trùng hợp thú vị là năm nay cũng vừa đúng 45 năm Trăm năm cô đơn ra đời và tròn 30 năm G. G. Marquez nhận giải thưởng Nobel.[*]
Về tiểu thuyết Việt Nam, Giải thưởng Sách hay trao cho tiểu thuyết trường thiên Sông Côn mùa lũ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác (NXB Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản năm 1998). Đây là cuốn tiểu thuyết về một giai đoạn lịch sử tao loạn đầy bi tráng của nước ta vào nửa cuối thế kỷ 18. Thông qua số phận gia đình một nho sĩ thất thế phải trốn khỏi Phú Xuân về ẩn cư ở đất võ Bình Định, câu chuyện dẫn đến cuộc gặp gỡ của một người con gái nết na, thuần hậu với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ mà tính cách nghĩa hiệp đầy cao vọng đã hình thành ngay từ thời niên thiếu, cắt nghĩa cho vai trò của Người qua những cuộc chinh phạt và chiến công vĩ đại mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 đánh tan đội quân xâm lược của nhà Thanh. Trao giải cho Sông Côn mùa lũ, Hội đồng tuyển chọn muốn khẳng định tài năng và tâm huyết của tác giả Nguyễn Mộng Giác, người đã viết tác phẩm này trong những năm tháng khó khăn thời hậu chiến. Ra mắt lần đầu tiên ở Mỹ, sau đó được in lại trong nước, Sông Côn mùa lũ đã kết nối bạn đọc Việt Nam trong những hoàn cảnh xa cách nhau, cùng chung một tình tự dân tộc và một niềm tin về sức mạnh tinh thần của đất nước, điều mà tác phẩm đã gợi ra một cách nghệ thuật.
Dù khác nhau về tầm vóc, Trăm năm cô đơn và Sông Côn mùa lũ cùng thể hiện những chủ đề lớn về dân tộc và thời đại trong ngôn ngữ sống động của tiểu thuyết. Trăm năm cô đơn trở thành mẫu mực của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, một trào lưu văn học đặc sắc nửa cuối thế kỷ 20. Sông Côn mùa lũ là một đóng góp mới cho thể loại tiểu thuyết trường thiên ở Việt Nam, sau những Dòng sông Thanh Thủy của Nhất Linh, Cửa biển của Nguyên Hồng và Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi… Hai tác phẩm được Giải thưởng Sách hay năm nay chắc chắn sẽ còn tiếp tục chinh phục nhiều thế hệ độc giả nước ta trong tương lai. ./.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
----------------------------------------
trích từ https://vanmoionline.wordpress.com/
=============================
trích từ https://vanmoionline.wordpress.com/
=============================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ