Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

về nhà văn thế phong/ du tử lê -- camvan98.blogspot.com/

THẾ PHONG

Du Tử Lê.


NGƯỜI ĐƯỢC MỆNH DANH CÔN ĐỒ VĂN NGHỆ, CAO BỒI TRÍ THỨC HAY NGƯỜI LỮ HÀNH SUỐT ĐỜI ĐÓNG VAI KẺ LẠ MẶT, KHẬT KHƯỠNG ĐI VÀO CUỘC ĐỜI VỚI NIỀM KIÊU HÃNH TUYỆT ĐỐI TRƯỚC MỘT ĐỊNH MỆNH BI ĐÁT.

Thế Phong, chỉ hai tiếng đó khi đọc lên, âm thanh tỏa ra chưa kịp tan loãng, nét nhăn nhó, khó chịu đã xuất hiện rõ ràng trên gương mặt người đối diện. Vì muốn hay không, ít hay nhiều, những người làm văn nghệ tại đây cũng đã hơn một lần chạm mặt hay đọc tác phẩm của người mang tên đó. Thường thì họ phải đối đầu với cái dáng vẻ lạnh nhạt, cái kiêu căng lố bịch tới “không thể chịu nổi” trong những cuộc giao tiếp hoặc “lật tẩy” hay bị soi đèn vào tim đen. Mặc dầu căm thù, hậm hực nhưng họ vẫn muốn lại gần, phải chăng để tìm hiểu kỹ địch thủ trước khi hạ nhục, đập gẫy đối phương. Hay ở một cõi sâu kín nào của tâm hồn đôi lúc họ cũng cảm thấy khâm phục? - Nhưng có một điều chắc chắn và hiển nhiên là khoảng mười năm trở lại đây, hai tiếng Thế Phong được nhắc nhở nhiều nhất. Năm 1961 trong một cuộc hội thảo ở LE CAIRE, Cù Huy Cận tác giả Lửa Thiêng xưa cũng đã nhắc tới cái tên này với nhiều ngợi ca, khen tặng. Nói như thế không có nghĩa là cai tên đó thơm tho, đẹp đẽ gì, trái lại, chung quanh nó không biết bao nhiêu giai thoại, bao nhiêu điều tiếng xấu xa, ô trọc. Nhưng nếu để ý  một chút, chúng ta sẽ thấy: càng bị vùi dập, bôi nhọ bao nhiêu, tên Thế Phong lại càng thấy xuất hiện trên các tác phẩm bấy nhiêu (phần lớn là trên các tác phẩm in bằng ronéo). Hầu hết mỗi tác phẩm mang tên này được giới văn nghệ tại đây coi như là một cái gai, một cái gì rất chướng rất bực bội., Hồi đó, nội việc in sách vằng ronéo, in hình, in tên thật to cũng đủ làm mất cảm tình biết bao nhiêu người. Cái tôi vốn đã khó thương, lại còn sơn phết nữa thì làm sao ai chấp nhận cho nổi. Không những chỉ thế mà thôi, sau này những nhân vật góp mặt trong ĐNVH, một số cũng rập khuôn theo người chủ trương. Nghĩa là cũng ngông ngông nghêng nghêng, cũng cố tình làm ra cái vẻ bất cần đời, ra cái vẻ khác người, lấy sự khó chịu của người khác làm một điều vinh hạnh.

Riêng tôi ngay hồi chưa quen biết ông, tôi đã cho rằng thái độ của người bất cần đời là phản ảnh một trạng thái tâm lý bị phản bộ, bị hắt hủi tàn nhẫn. Những kẻ thù ghét khinh bạc cuộc đời bao nhiêu, chính là kẻ yêu cuộc đới tha thiết đắm say hơn ai hết. Những kẻ ra mặt lãnh đạm, chê  bai, không thừa nhận người khác, là những kẻ trong thâm tâm chất chứa quá nhiều mặc cảm nhiều tỵ hiềm, vì họ thấy thua sút, hèn kém hơn kẻ khác, nên cố tạo bộ mặt khinh thị, cố mặt khoác cho mình một thái độ “mục hạ vô nhân” để che dấu mặc cảm tự ty, bất lực, họ ẩn náu và thu hình trong cái thế giới không tưởng tự tạo đó. Thế Phong, con người điển hình cho trường hợp tâm lý dồn nén này? Tiếc thay, những  người làm văn nghệ tại đây lại không ngớt lời chửi rủa Thế Phong. Điều đó tuy có ve vuốt một phần nào tự ái của họ, nhưng vô tình họ đã tạo một lớp màn bí mật, huyền hoặc phủ quanh tên ông. Với bản tính tò mò, độc giả hoặc những người chú tâm tới sinh hoạt văn nghệ phải thắc mắc tự hỏi: “tên đó là ai, làm gì, mặt ngang mũi dọc ra sao mà ghê gớm láo lếu vậy? Rồi từ những, băn khoăn không được giải đáp thỏa đáng, người ta đã vẽ trong trí tưởng một hình thù, một khuôn mặt, một nếp sống, khác nhau tùy theo những giai thoại họ được nghe nhiều hay ít. Đồng thời họ cũng thích thú, ham mê khi được ai nói những gì liên quan tới người đó. Thói thường khi có nhiều người muốn nghe, biết về một trường hợp đặc biệt nào, thì tự nhiên cũng nẩy sinh một số người khác (thuộc loại thích khoác lác huênh hoang, thích tỏ ra ta đây là kẻ thao tin, biết nhiều, giao thiệp rôäng, nhất là được chứng tỏ mình rành rẽ tin tức hậu trường văn nghệ, đã không ngần ngại thêu dệt, bịa đặt thêm bớt  nhiều về Thế Phong. Cuộc sống lang thang khó hiểu của ông lại làm tăng thêm mức độ tin của huyền thoại. Thế Phong làm gì? Tiền đâu đêå sống, tiền đâu đêå in sách nhiều thế dù cho sách RONÉO! Những câu hỏi này cũng được đặt ra cho chính những bạn hữu quen biết với ông nữa. Và tôi khi chưa quen biết ông cũng đã có sẵn cảm tình với ông râát nhiều khi đọc Lược Sử Văn Nghệ Viêät Nam, môät công trình biên khảo nhận định văn học công phu, nhưng tới khi đọc báo, nghe anh em nhắc bàn, xì xầm, tôi cũng đâm ghét và thầm nghĩ nếu có dịp sẽ ‘đập” cho hắn một trận. Tôi còn nhớ trên phụ trang văn nghệ nhâät báo ngôn luận (hồi còn mồ ma Tổng Ngô) cô (?) Kiều Diễm Hồng đã viêát vài lời nhắn nhủ những bậc phụ huynh nào có con em thì hãy nhớ đừng đặt cho nó cái tên Thêá Phong và hãy coi như cái tên đó không có trong từ ngữ VN. Nguyên do có một cô hay cậu học trò nào đó đăng bài trên phụ trang báo kia với bút hiệu Thế Phong, Ông viết thư yêu cầu cải chính!
Khoảng năm sáu năm trước, khi chưa tòng quân, tôi hay la cà vào buổi chiều trên Bonard, mỗi khi ngồi quán cà phê Kim Sơn, Thế Phong đi qua, là y như có người chỉ trỏ hay mách bảo nhau nho nhỏ. Từ hồi đó, trong trí nhớ tôi đã in đậm khuôn dáng ông. Một thân hình cao lớn vạm vỡ, tóc dài như tài tử, da đen xạm, mặt hình như lúc nào cũng đầy  nét nhăn dữ tợn. Nếu không từng xem ảnh trên sách, cũng như nếu không có người cho biết, chắc tôi không thể ngờ rằng con người có vẻ thô lổ như vậy lại có thể là một nhà phê bình văn học, một văn, thi sĩ, kiên cả khảo cứu chính trị… Những thắc mắc, nghi hoặc cứ lởn vởn trong óc tôi. Không hiểu ông thuộc mẫu người nào? Đâu là khuôn mặt thực? Tôi cố để tâm dò hỏi. Nhưng như trên tôi đã nói: ông đi, ở, hiện, biến như một cái bóng. Tình trạng mù mờ kéo dài  mãi cho đến khi tôi nhập ngũ. Tuy cuộc sống đã thay đổi và chính tôi; cũng không còn là tôi ngày nào nữa. Nhưng tôi vẫn theo dõi sinh hoạt  văn nghệ ở đây. Mỗi khi giới văn nghệ xôn xao vì một cuốn sách nào đó dù chưa biết mặt mũi nó ra sao, tôi cũng có thể đoán được và ít lầm: lại Thế Phong tác giả.

Tiêu biểu nhất cho trường hợp này là những cuốn Nhận diện vóc dáng Nguyễn Đức Quỳnh, MƯỜI NĂM VĂN NGHỆ, NỬA ĐƯỜNG ĐI XUỐNG và gần đây Thế Phong  NHÀ VĂN TÁC PHẨM CUỘC ĐỜI. Tôi xin đơn cử một trường hợp, khi Thế Phong cho in cuốn Mười Năm Văn Nghệ, ông xếp của tôi cũng từng viết văn in sách đã phải lên tòa soạn tạp chí Bách Khoa xem (Thế Phong có gửi biếu một cuốn tại đây). Không phải ông ấy quí hóa hay hâm mô gì Thế Phong, nhưng ông ấy tìm đọc xem trong đó có nói gì tới ông không?
*
Điều mong mỏi, ước ao được tiếp xúc với Thế Phong tiềm tàng trong tôi. Thỉnh thoảng nó lại khuấy động tâm hồn, mỗi khi tôi nghe một giai thoại, đọc một đoạn văn một trang báo có nói tới con người, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” này.

Cho tới một hôm, tôi cùng TTK xuống nhà in Nguyễn Trọng Gia Đình, điều đình in cuốn thơ của tôi. Bất ngờ, tôi gặp Thế Phong ở đầu ngõ cùng anh Năm Cao (chủ nhà in NT), TTK giới thiệu tôi với TP. Vừa bắt tay tôi ông vừa nói: “A! Tác giả mai em lấy chồng em đừng quên tôi đây. Em đã lấy chồng thì hơi đâu em còn nhớ nữa!”. Tôi không kịp nói gì, chỉ mỉm cười vì ông nói rất nhanh, rất nhiều và cũng rất lớn. Ngay từ phút đầu, không khí thân mật, cởi mở đã đến với chúng tôi. Ông kéo chúng tôi đi “vào đây uống tý cà phê nói chuyện thú hơn”.

Suốt buổi, ông nói chuyện huyên thuyên, tiếng sang sảng, giọng cười như thủy tinh vỡ, hầu như ông quên rằng trong quán còn có nhiều người khác nữa. Sau này tôi mới biết rằng đó là bản tính ông: coi thường tất cả, kể cả cuộc đời, mạng sống, tình yêu, tiền bạc…

Ông nói chuyện rất hấp dẫn, lôi cuốn, mặc dù rất lung tung, đang từ chuyện này, nhảy sang chuyện khác. Phần lớn những chuyện ông kể là những chuyện cười ra nước mắt, những gì xấu cũng như tốt về ông. Thí dụ ông kể chuyện trong một bữa tiệc tổ chức tại một biệt thự ở ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Thanh Giản (do Lý Trung Dung thết nhân dịp lễ giáng sinh 1959). Hồi đó ông và Lê Xuân Khoa đại diện cho văn hóa Á Châu. Ông ăn mặc rất xuề xòa, lại không ngồi cùng bàn với LXK, sang bàn Uyên Thao, Lý Đại Nguyên, bàn những người trẻ. Tới lúc vào tiệc, thay vì được như uống sâm banh Moet Chandon bằng ly đặc biệt như những bàn khác thì tên bồi ba lại mang ra ly thường (có lẽ tại thấy bàn này không có vẻ gì là đại khách), ngoài ra tên này còn không mang bánh bích quy “LU” tới. Ông lên tiếng hỏi tên bồi ba lần, tên này lơ đi, không thèm trả lời. Ông liền bảo cho gặp chủ nhân tức LTD , lúc đó, ông bồi giật mình, trở vào nói cho Dung biết, không còn cách nào hơn, LTD liền nhờ Phạm Xuân Thái (Tổng trưởng thông tin 1954 mà Thế Phong làm ủy viên báo chí) ra giàn xếp, nhưng khi PXT ra tới nơi đã muộn, ông đã dùng sâm banh cổ trắng rửa tay, tiếp theo là Uyên Thao rồi Lý Đại Nguyên lần lượt rửa theo ông vì lịch sự… Trước sự cởi mởi, giản dị không kiểu cách, không mầu mè của ông, tôi ngạc nhiên vô cùng.

Với khuôn mặt đen xám, cùng những vết nhăn nheo chằng chịt trên trán, hai bên má, lại thêm cái cằm bạnh, tóc húi “cua” dựng ngược, lởm chởm, vẻ dữ tợn lại tăng thêm nữa. Khi hỏi ra, tôi mới biết lý do cạo tóc “để con nợ khỏi nhận diện”. Ngày xưa, ở ông đã không có cái dáng vẻ nghệ sĩ, nay lại càng không hơn nữa. Tôi có cảm tưởng nếu người nào không biết qua sách báo, lần đầu gặp ông, chắc chắn sẽ có cảm tưởng vừa tiếp xúc với một tên côn đồ, một anh lơ xe, chứ không thể nghĩ rằng ông là nhà văn, hay một người có tâm hồn nghệ sĩ.

Buổi sơ ngộ này, ông đã chiếm trọn vẹn cảm tình của tôi. Tôi cũng không ngờ  cảm tình quý mến lại đến với tôi nhanh thế.

Trước khi về, TTK bảo tôi nên đưa tập thơ của tôi cho ông đề tựa. Ý kiến thật hay. Nhưng tôi còn ngập ngừng e ngại. Vì tuy giữa tôi và ông đã có được cái không khí cởi mở thân mật thật đấy, nhưng tôi cũng từng biết, đã hơn một lần, ông vứt tập thơ của một vị trung úy nhờ ông viết tựa, từ chối đề tựa cho một cuốn sách của nhà văn kiêm ký giả báo Dân Chủ. Nên tôi sợ ông từ chối lời ngỏ ý của tôi. Tôi không sợ thơ tôi dở, khiến ông phải từ chối, nhưng tôi sợ ông từ chối để thỏa mãn bản tính tự kiêu, tự đại, hay để lập thêm một thành tích “hiển hách”. Như vậy chẳng hóa vô tình tôi biến thành một thứ phương tiện để ông quảng cáo cái “TÔI” của ông trong những lúc vui với bạn bè. Cuối cùng tôi  nghĩ: thì cứ thử một lần xem sao, biết đâu từ đây, chả  nhìn thấy khuôn mặt thực của họ. Tôi ngỏ ý, ông nhận lời ngay với lời phụ chú: “nếu thơ anh hay, tự nhiên tôi sẽ viết, còn nếu dở, xin trả lại anh”. Lời nói làm tôi an lòng một phần nào.

Sáng hôm sau trở lại nhà in, ông đã có mặt tại đây. Ông lại rủ tôi và anh Năm Cao ra quán. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều về nhiều vấn đề, từ văn hóa chính trị, tới xã hội, quân sự, lãnh vực nào ông cũng tỏ ra rất thông thạo, nhất là khía cạnh quân sự, ông tỏ ra rành rẽ hơn tôi rất nhiều về chiến thuật, cả về súng ống… Thì ra xưa ông vốn là cựu sĩ quan của quân đội Pháp. Ở đây, ông cũng cho tôi biết đã đọc xong tập thơ tôi đưa và ngỏ ý khen. Bao nhiêu lo âu, áy náy về tập thơ đã tan biến.

Tối hôm đó, tôi lên nhà ông ở ngã tư Bảy Hiền, sát cạnh rừng cao su. Qua chiếc sân rộng, tôi bước vào nhà, gian ngoài, trên tường treo rất nhiều đối trướng. Qua chiếc cửa nhỏ, vào gian buồng trong rộng hơn, kê hai cái giường và hai tủ sách lớn, một bàn viết, trên có một chiếc máy chữ loại nhỏ. Khi thấy tôi, ông reo to, chạy ra. Có lẽ vì đang đánh máy, nên ông ở trần chỉ mặc mỗi một chiếc quần tắm bó sát. Trong lúc đó ông không khác gì một võ sĩ (mà sự thực ông cũng đã từng là võ sĩ hồi còn ở Hà Nội. Tôi được nghe một người bạn: nhạc sĩ Tiên Yên kể rằng, ngày xưa học cùng một lớp với ông ở trường Thăng Long, suốt ngày ông chỉ đánh nhau. Hồi đó người ta chưa dùng tiếng cao bồi như bây giờ mà người ta dùng chữ “Dân Càn” để chỉ chung những tên du đãng, đánh lộn. Có một điều khác biệt là thời Hà Nội 1950, học sinh du đãng cũng đánh nhau, nhưng đối tượng chính bao giờ cũng là Tây, nhất là Tây đen rạch mặt).

Chỗ làm việc của ông, rất gọn gàng, không bừa bãi vô trật tự. Trên tường phía tay phải, ngay chỗ kê chiếc giường ngủ, tôi đếm được 11 bức hình vừa vẽ vừa chụp đủ loại: nhìn ngang, nhìn thẳng, nhìn nghiêng, có cả một bức ảnh phóng to, chụp năm ông 22 tuổi, mặt mũi trông rất hiền lành,  ngây ngô. Nhìn bức ảnh đó người ta khó mà đoán được rằng sau đó không bao lâu, ông đã thành một kẻ đập phá, ngang ngược nhất trong làng văn nghệ. Với những bức ảnh, tranh la liệt này, tôi có cảm tưởng ông mắc bệnh tự tôn? Một thứ bệnh mà nếu là kẻ thực tài, nó sẽ giúp họ tin tưởng mãnh liệt hơn nơi tài năng và là nguồn động lực đưa họ tới chỗ hăng say trong công việc. Nhưng nếu, nó chỉ phản ảnh một tâm hồn yếu đuối, bất tài, dựa vào đó để tự lừa dối mình, đánh lừa kẻ khác, thì ngược lại sẽ là một điều hết sức nguy hiểm. Bởi lâu dần, họ không còn nhìn thấy con người thật của họ nữa, ảo ảnh đã che mờ lý trí soi sáng chân dung đích thực.

Ông ngồi vừa nói chuyện với tôi vừa đánh máy, cuốn Thế Phong nhà văn tác phẩm cuộc đời. Nghĩ tới đâu ông đánh máy tới đó, không viết trước. Bên cạnh chiếc máy chữ là một ly cà phê to (loại ly sành) cùng hai bao bastos xanh “goũt” đặc biệt của ông. Ông uống cà phê như uống nước trà, và hút thuốc liên miên, ngay cả lúc đánh máy. Ngồi một lát, ông rủ tôi ra quán cà phê.

Sau một thời gian giao tiếp, tôi cũng không biết ông lấy tiền đâu để sống. Vì ngoài việc viết sách, ông không hề làm gì khác, cũng không hề viết báo. Chỉ biết ông về sống tại đây; nhà một người anh họ. Điều lạ hơn nữa là không bao giờ thấy ông than phiền về vấn đề tiền nong, hay kêu ca về những đau khổ mà cuộc đời đã dành cho ông. Không phải đời sống ông đầy đủ, không phải cuộc đời đã hậu đãi ông. Dĩ nhiên là thế! Hay ông là con người vô tư, đang sống trong hạnh phúc trong tình yêu tràn đầy? Tôi biết chắc cũng không phải. Thơ văn và thái độ của ông đã chứng tỏ hùng hồn điều đó. Tất cả những chuyện ông nói với tôi, tuy có chua chát, đắng cay, nhưng ông kể lại với một giọng hài hước dí dỏm, không một chút hậm hực, không một chút oán hờn than trách. Bất cứ ở đâu, chỗ nào ông cũng chỉ có một vẻ mặt: tươi cười, vui vẻ, một giọng nói vang động, vỡ nát. Nhưng tôi không tin tiếng cười, giọng nói đó đã phản ảnh mặt thực của tâm hồn ông.

Ở quán về, đêm đã khuya lắm, ông còn cố giữ tôi lại. Chúng tôi ra ngồi một chiếc ghế băng gỗ ngoài sân, dưới dàn hoa hồng giấy. Chiếc transistor để bên cạnh, phát ra  những âm thanh kích động của một bản nhạc ngoại quốc… Chúng tôi im lặng hút thuốc. Mỗi khi đốm lửa xòe lên, lại một lần soi sáng khuôn mặt nhăn nheo, dữ tợn, lì lợm của ông. Nhưng không như mọi lần, ở đây mỗi khi liếc nhìn, tôi thấy ẩn sau những nét nhăn, có vẻ hung hãn kia, có một cái gì rất mỏng manh, rất khó nhận nhưng cảm được. Một nỗi buồn, một vẻ ưu tư trầm kín; cái cảm giác mơ hồ về một đớn đau, một khoắc khoải quằn quại, một chán chường, khốn nhục… Tôi không biết trong thâm tâm, lúc đó ông nghĩ gì? Hay không nghĩ gì? Tôi bỗng thấy buồn…. Bỗng thấy một niềm thương tiếc không đâu dâng lên rạt rào trong hồn tôi. Xa xa tiếng súng đại bác từ miệt Phú Lâm vọng tới. Ông thở dài nói như một mính: “tôi không còn gia đình thân thích nào ở đây cả. Trong đời tôi, tôi chỉ quý mến và nghe lời một người, đó là mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi không có ở đây, bố tôi cũng vậy. Tôi không anh em ruột thịt, một thân, một mình, chả cần! Sống theo những gì mà mình muốn, làm những cái gì mà mình thích làm. Vợ con chưa có, lỡ có chết có tai tiếng, điều gì, cũng chỉ một mình mình gánh chịu!” Dừng một lát, ông tiếp, giọng thật nhẹ, xa xôi, khác hẳn ngày thường, khiến tôi có cảm tưởng như tiếng nói đó không phải của ông mà của một ai xa  lạ: “tôi không muốn để ai biết tôi buồn, nỗi buồn của tôi chỉ có tôi biết mà thôi, tôi cũng không muốn nhận hay mang ơn ai cả”.

Đốm lửa lóe lên soi sáng khuôn mặt u uẩn của ông một lần chót, rồi bị bắn vút vào khoảng tối đen. Tôi cũng rụt nốt mẩu thuốc. Hành động bắt chước, không mang theo ý nghĩa nào… Còn mười lăm phút nữa đến giờ giới nghiêm. Tôi đứng dậy ra về, sau khi nắm chặt bàn tay lạnh lẽo của ông (hay của tôi?) tiếng động cơ chiếc solex cũ, hơi đêm buốt giá làm tôi tỉnh táo. Nhưng nỗi buồn vơ vẩn lại lớn dần, lớn mãi, lấp đầy khoảng trống mênh mông trong lòng tôi.

Từ đó, tôi tìm đến với Thế Phong nhiều hơn, và chúng tôi cùng lang thang nhiều hơn. Mỗi lần giao tiếp, ông lại làm tôi thêm một lần ngạc nhiên vì tất cả những ức đoán ban đầu, cũng như những huyền thoại tôi được nghe về ông mất dần nội ý. Tôi bắt đầu nghĩ về ông với tất cả những mâu thuẫn, tương tranh. Càng muốn vào sâu tâm hồn ông, tôi càng cảm thấy bối rối, mù mịt, bất lực. Tôi không còn phân biệt nổi đâu là hư, đâu là thực nữa. Nếu sự thực ông là con người bất cần đời, coi thương tất cả, thì tại sao ông lại có thể hăng say tới độ cuồng nhiệt, đam mê tới độ khủng khiếp trong một ý thức sáng suốt về những hoạt động nghệ thuật văn chương. Ít nhất ông cũng phải có một niềm tin tưởng khẩn thiết về một giá trị nào đó, ông mới có thể mê man, hiến dâng như vậy.

Một hôm, một người bạn đã từng chung sống với ông trong những ngày đói rách nhất, những ngày chạy vạy từng đồng bánh mì, hay gói xôi, uống nước lã cầm hơi và trốn nợ, đã nói với tôi: “bọn chúng tôi đã bất công rất nhiều với nó (chỉ TP), nó là thằng nghĩ thế nào làm thế đó, không ác tâm, không ẩn ý, tại sao khi đến với nhau cứ phải đeo mặt nạ rồi đòi người ta phải thành thật với mình!”

Tôi băn khoăn rất nhiều về câu nói hàm xúc ý nghĩa này. Và giữa lúc bị dày vò, day dứt, tôi nảy sinh khao khát tìm kiếm đối diện với gương mặt tâm hồn ông.

*
TIỂU SỬ :

Thế Phong tên thật là Đỗ Mạnh Tường, sinh ngày 10-7-1932 tại Nghĩa Lộ, Yên Bái. Ông là đứa con cầu tự duy  nhất còn sống sót trong số 5 anh em. Thân sinh ông là một nhà giáo, tham gia VNQDĐ, chống Pháp và Việt Minh, nên bị đày lên vùng thượng du. Bị bất đắc chí vì công đã không thành, danh lại chẳng toại, thân phụ ông sinh ra nghiện hút, bê tha. Tôi thấy hầu hết những người mắc bệnh nghiện thuốc phiệân thường rất ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình và chỉ mình mà thôi, ngoài ra không kể gì hết, dù cho vợ con cha mẹ. Thân phụ ông cũng thế. Nên mặc dù là con cầu tự, nhưng ngay từ hồi bé, ông cũng chỉ nhận được một tình thương yêu nồng nàn của mẹ. Còn cha ông, không  những không thương mà lộ tỏ thái độ ghét bỏ và đánh đập hành hạ ông.

Một kỷ niệm sớm hằn sâu trong trí ông hồi 11 tuổi. Tại một nông trại làng Bửu (thuộc Yên Bái) cha ông sai ông đi mua thuốc phiện. Muốn đến nơi bán thuốc phiện phải lội qua một con suối, mà con suối đó đang ở vào thời kỳ nước lũ, nó chảy xiết vô cùng. Lần đi, trót lọt. Nhưng lần về, phần ngựa đã yếu sức, phần nước lại chảy xiết hơn, thác nước đã cuốn trôi mất ngựa và ông chới với giữa giòng. May sao ông bám được một rễ cây lềnh bềnh trên giòng nước, trong khi đó bên kia bờ cha mẹ ông đang đứng chờ. Tới lúc tìm cách lội về được bên bờ, cha ông không nói một lời an ủi thăm hỏi, cầm thuốc đi thẳng về nhà, chỉ có mẹ ông ôm lấy con mà khóc nức nở…

Mối oán giận người cha nghiện ngập này bắt đầu in hằn trong tâm trí ông. Sống giữa thiên nhiên, giữa núi rừng, suối thác, giữa cái rét thâm da, tím thịt của mùa lạnh trời Việt Bắc, ông sớm có một tinh thần chịu đựng, dẻo dai, cam đảm. Một trí hướng thích phiêu lưu mạo hiểm, tự lập, cộng thêm bản chất vốn hiếu động đã ảnh hưởng rất lớn tới thái độ, sự nghiệp văn chương của ông. Năm 11 tuổi dục tình nơi ông bộc phát.

Người con gái đầu tiên mà ông mê đắm là một cô bé cùng tuổi, học cùng trường, khi chiến tranh Pháp - Việt ngày càng tới độ khốc liệt, gia đình ông phải tạm lánh nạn ở một làng khác, tương đối bình yên hơn. Tại đây, ông gặp một cô gái Thái (đồng bào thiểu số tại miền thượng du BV) vợ một người lính, và đem lòng yêu, mê. Vì chuyện này, một lần nữa ông lại suýt chết, người lính kia dọa bắn ông. Mẹ ông hay biết, sợ quá, vội vàng gửu ông ra Hà Nội.

Thế là chưa quá 12 tuổi, ông đã xa gia đình, xa người mẹ mà ông yêu kính. Ông không ngờ lần đầu tiên và cũng là vĩnh biệt. Sống giữa Hà Nội, một đô thị phù hoa, lại thêm không phải lo nghĩ gì về mặt tài chính, ông cho rằng đó là khoảng thời gian đẹp nhất của đời niên thiếu. Những chuỗi ngày huy hoàng, gấm nhung, kéo dài tới năm 1952 thì ông mất liên lạc với gia đình (quân Pháp thất trận hoàn toàn tại Nghĩa Lộ). Sau này, năm 1957, tại Saigon, ông được một người quen biết xưa với gia đình cho biết: mẹ ông đã chết ngay khi Việt Minh chiếm được Nghĩa Lộ.

Năm đó ông vừa được 20 tuổi. Đang từ một học sinh ngày hai buổi rong chơi, trai gái, không biết lo nghĩ mưu sinh là gì,  nay phải lăn xả vào đời, tranh tìm miếng sống. Nhờ hoàn cảnh xưa đã huấn luyện cho ông một sức chịu đựng, một tinh thần cam đảm, tự lập, nên ông vẫn sống được tại Hà Nội mặc dù lây lất đói khát. Sự mất liên lạc với gia đình đã biến đổi hẳn tâm tính con người ông. Sự tuyệt vọng, linh cảm một ngày mai đen tối, nỗi buồn ghê lạnh của một ý thức mất hết, ông bắt đầu có ý nghĩ mượn thơ văn giải tỏa phần nào nỗi cô đơn hoang mang. Bài đầu tiên được đăng trên báo là truyện ngắn “đời học sinh” nhật báo Tia Sáng tháng 11 năm 1952 với biệt hiệu TƯƠNG HUYỀN.

Sau gần hai năm trường, ngày lang thang ngoài phố, đêm tìm về ngủ dưới mái hiên nhà HÁT LỚN Hà Nội. Nơi đây, đêm đêm tập trung đủ mọi hạng từ ăn cắp, đánh giầy, đấm thuê, chém mướn v.v… Nếu đêm nào về chậm, sẽ không còn chỗ và phải ngủ ngoài trời hay vườn hoa. Từ đây ông bắt đầu làm quen với văn nghệ. Ông viết bài gửi cho các tờ Thân Dân, Dân Chủ. Tuy mỗi khi bài được chọn đăng, mấy ông chủ báo cũng có trả tiền nhuận bút, nhưng chả bao nhiêu vì bài của một tên vô danh tiểu tốt… Trong khi tất cả bạn bè, thân thuộc hầu như đều xa lánh và lẩn tránh ông như lẩn tránh một tên hủi, chỉ có một người bạn đã tận tình giúp đỡ ông đó là ông Nguyễn Thế Hiển.

Qua bao nhiêu cố gắng, chịu đựng, ông vẫn không thoát khỏi cái cảnh màn trời chiếu đất, đói rách. Thêm vào đó, sự hắt hủi xa lánh của mọi người, ông nghĩ không còn cách nào hơn là bỏ đi tìm cách khách.
Ông vào Nam trước khi có hiệp định Genève.

Tôi nhận thấy, thường khi đời sống của một người mà giá trị làm người bị chà đạp phũ phàng thì người đó hoặc sẽ buông trôi và chìm sâu trong cơn lốc của định mệnh bi thảm, hoặc, nếu vượt qua được, họ sẽ trở nên kiêu căng, liều lĩnh, dám làm những chuyện mà một người bình thường không dám làm hoặc không dám nghĩ tới.

Theo tôi có lẽ Thế Phong đã rơi vào trường hợp thứ hai. Dĩ vãng với hai lần suýt chết. Với thiên nhiên, giữa núi rường Việt Bắc. Tất cả đã sớm nung nấu cho ông một lòng tự tin, kiêu hãnh, ngạo mạn, cái vẻ hiên ngang thách đố thiên nhiên, định mệnh. Thêm một tâm hồn  náo nức chân trời xa rộng… Mộng mạo hiểm, phiêu lưu bấy lâu tiềm tàng trong mạch máu, nay lại được dịp bộc phát mãnh liệt với niềm khát khao tìm bắt cả một tương lai huy hoàng sáng rực. Cuộc giang hồ từ Bắc vào Nam đã khơi hứng cho ông viết cuốn “nửa đường đi xuống” (ĐNVHXB 1961).

Những tưởng miền đất phù sa mầu mỡ như miền Nam, sẽ chịu cho người lãng tử bất đắc dĩ, tứ cố vô thân, nương náu; ai ngờ định mệnh vẫn chưa chịu buông tha con người bất hạnh đó. Ở Saigon ông lại tiếp nối cuộc sống tối tăm, khốn khổ, nhục nhã như xưa và có phần còn hơn thế nữa! Những ngày đầu tiên tại đây ông tìm về Xóm Chùa tá túc. Một khu đặc biệt tập trung những người thất cơ lỡ vận,  chờ thời, đợi thế, và những người thuộc giai cấp thấp hèn nhất của cái xã hội công bình bác ái, như xã hội Việt Nam!

Từ đây, những trang sách của cuốn biên khảo phê bình văn học lược sử văn nghệ Việt Nam (4 cuốn), mà theo tôi mang một giá trị đáng ghi nhớ hơn cả trong sự nghiệp văn nghệ của ông.

Cũng bắt đầu từ đây, hoàn cảnh xô đẩy, dồn ép, ông đi đến chỗ không thể dừng: một tên bất nhân, quỵt tiền cơm trọ, trốn nợ tiền cà phê thuốc lá trong suốt sáu tháng liền. Cũng từ đấy, những mối tình lăng nhăng nảy sinh. Kết quả cụ thể nhưng đau đớn: một đứa con rơi, với một người đàn bà cùng xóm có chồng đi làm xa.
Thói thường, sự đói rách, nhục nhã là một mảnh đất mầu mỡ để tài năng bộc phát trọn vẹn. Hoàn cảnh xã hội đã tạo nên một Thế Phong với gần 40 tác phẩm đủ loại.

Thời gian ông sáng tác mạnh nhất có lẽ là thời gian ông yêu LB một cây bút nữ lưu. Sau nữa, CMN một người làm thơ  nhanh như ống nước. Sự có mặt của hai người này đã khiến ông viết điên cuồng. Bằng chứng cụ thể là vì yêu LB mà ông cố gắng hoàn thành bộ lược sử văn nghệ VN. Cũng như nhờ mối tình thiết tha đắm đuối của CMN mà ông thêm vững tin nơi tài năng. Ông cho rằng CMN là người hiểu ông nhiều hơn ai hết và cũng cùng gánh chịu với ông rất nhiều điều tiếng xấu xa, nhiều nhục nhã, dè bỉu của thiên hạ, của cả gia đình nàng nữa.

Sở dĩ tôi chỉ nói về hai người đàn bà này, mà không nhắc tới những người khác, mặc dù họ có tham dự, có chi phối ít nhiều cuộc sống ông, vì ảnh hình họ chỉ là một thứ ảnh hình mờ nhạt, thoảng qua. Hơn nữa tôi khó có thể kể hết, vì họ quá đông đảo, đủ mọi thành phần, mọi giai cấp: lao động, me tây, gái nhẩy, đĩ điếm và cả học sinh… Với ông hầu  như tất cả đều nhẹ, rất nhẹ, kể cả tình yêu, ông có tính thích cái gì thì làm cái đó, càng khó càng thích, nhưng phải làm cho bằng được, xong rồi lại chán và rất dễ quên. Kể cả chuyện hy sinh tính mạng, phẩm giá, ông cũng không ngần ngại, nếu đó là một phương tiện tốt cho mục đích tối hậu là phục vụ văn học nghệ thuật.

Về những hành động ngang tàng ngỗ ngược, khinh mạn kiêu căng ở trên, tôi đã có dịp nói tới với ý nghi ngờ, cho rằng đó chỉ là những hành vi giả tạo, để che dấu cái thực chất yếu đuối  bất mãn, bi quan bất lực. Nhưng sau này, qua những lần đi chơi với ông, tôi mới thấy rằng đó là đặc tính cố hữu, phát xuất từ tâm hồn. Ông đã từng nói với tôi: “tôi biết con đường tôi đi, thái độ tôi chọn sẽ đưa đến cho tôi rất nhiều kẻ thù, rất nhiều điều tiếng, nhưng tôi nghĩ; thà có nhiều kẻ thù còn hơn tự dối gạt lương tâm mình. Nếu cảm thấy rằng không thể chịu nổi búa rìu dư luận, thì tốt nhất là đừng cầm bút, đừng làm văn nghệ, hãy bỏ đi buôn, làm công chức để được nhiều người yêu thích. Riêng tôi khi nào cảm thấy không còn đủ cam đảm để sống thực với cảm nghĩ, với ý thức của tôi, tôi sẽ thôi làm văn nghệ”.

Cũng vì thế, cho nên bước khởi đầu, ông đã gặp rất nhiều gian nan nhục nhã. Không những nhục nhã, đau xót về vật chất mà còn ở cả lãnh vực tinh thần. Chung quanh ông, những người không ưa, những người ghen ghét đã không tiếc lời dè bỉu, họ bịa đặt thêu dệt nhiều giai thoại, với mục đích làm sao loại trừ ông khỏi hàng ngũ những người cầm bút. Dĩ nhiên không phải đó là thái độ của hết thảy những người cầm bút tại đây, chỉ có những tên hoạt đầu, những tên bồi bút, bán rẻ lương tâm, quên hẳn thiên chức cầm bút của mình, mới hằn học, tỵ hiềm như vậy mà thôi. Thêm nữa, ông còn bị một số bạn bè bội phản một cách đê hèn, trắng trợn.
Nhưng, càng nhục nhã, càng khốn khổ bao nhiêu ông càng hăng hái, bất chấp tất cả, vượt lên trên để sáng tác nhiều hơn nữa, càng thẳng thắn phê bình, vạch mặt chỉ tên, phanh phui mọi bỉ ổi thối tha, điếm nhục của bọn đánh đĩ tâm hồn, bán rẻ lương tâm.

Dưới ngòi bút vũ bão, ngang bướng của Thế Phong, bao nhiêu tệ đoan, bao nhiêu bẩn thỉu bất công của xã hội, của chế độ, của cả những người đang được xung tụng là thần tượng v.v… đều bị phơi trần trên giấy trắng mực đen. Cảm kích trước thái độ cương trực của ông, một số anh em nghệ sĩ khác đã quy tụ lại, hợp tác với ông thành lập nhóm Đại Nam Văn Hiến, như Uyên Thao (tác giả bộ Lược khảo về thơ (3 cuốn), Nhị Thu (tác giả “mây Hà Nội” Bùi Khải Nguyên … (tác giả “Thiết Tha”, cũng chỉ vì nhất định in tập thơ này mà nhà thơ họ Bùi Nguyên trung úy, đang tùng sự tại ủy hội quốc tế đã bị thuyên chuyển lên cao nguyên, sau khi công an mời ra cảnh sát cuộc lấy khẩu cung).

Mặc dù dưới chế mật vụ như chế độ Ngô Đình Diệm, ông vẫn cố gắng lần lượt cho in bằng RONÉO (không giấy phép) những tác phẩm nội dung lên án chế độ độc tài áp bức, bất công, thối nát của chính quyền. Hành động gan liều này đã làm điên đầu, gây lo sợ cho những vị giám đốc thông tin thời đó như Trần Văn Thọ, Phan Văn Tạo là những vị giám đốc, tổng lý bộ thông tin. Các ông sợ nếu cứ để Thế Phong tiếp tục in tác phẩm chửi chế độ “ấm no hạnh phúc” của các ông, có ngày các ông sẽ mất ghế, sẽ bể nồi cơm không chừng. Hơn nữa, rất có thể các ông sẽ bị đi ở “tì” vì tội để cho một tên văn nghệ “làm loạn”. Các vị này, ngay cả ông bộ trưởng Hiếu cũng tìm đủ mọi cách khuyên dụ Thế Phong hãy bỏ lối in đó đi, nếu cần in tác phẩm, cứ đưa cho ông ta, ông ta sẽ bảo nhà in Quốc Gia in cho! Nhưng Thế Phong có dại gì nghe theo những lời dụ dỗ ngon ngọt đó! Thấy chiến thuật mềm dẻo không có kết quả, các vị quay ra dùng quyền hành đe dọa, lấy áp lực hầu mong ông sẽ hoảng sợ mà bỏ dở công việc, nhưng Thế phong vẫn thản nhiên, lặng lẽ, âm thầm làm công việc của mình. Tôi xin trích dẫn một thí dụ để độc giả thấy rõ thêm về trường hợp in RONÉO không giấy phép. Tháng 4 năm 59, ông cho in cuốn “Nhà văn tiền chiến”, thấy sách được tiếp đón nồng nhiệt (mặc dầu in RONÉO), ông liền cho in cuốn tự truyện “nửa đường đi xuống”, nội dung lên án gắt gao chế độ độc tài đầy thối nát nhơ bẩn, biết chắc rằng nếu có xin phép cũng chẳng ai chịu cấp cho, nên ông cứ cho in và lấy giấy phép của cuốn “hình ảnh một cái đám cưới” số 300 TXB thời nhà văn phóng sự Trọng Lang phụ trách kiểm duyệt. Thêm nữa, khi cho xuất bản cuốn “nếu anh có em làm vợ” (nói về tình yêu của ông với CMN không những ông không xin phép mà cũng không ghi số kiểm duyệt ma nữa.

Nhờ tựa đề hấp dẫn nên sách đã bán khá chạy và dĩ nhiên các tiệm sách vẫn nhận bày bán. Như bị tát vào mặt, bộ thông tin không còn cách nào khác là mời ông đến bộ để đối chấp và nếu ông tới, có thể sẽ bị áp tải đi luôn.

Nhưng Thế Phong nhất định không đến, mặc dù công văn gửi đi ba lần, đều đề Thượng Khẩn (chúng tôi xin nói thêm để độc giả rõ: thời đó, muốn được cấp một tấm giấy phép in sách phải trải qua đủ ba cơ quan: Văn hóa vụ, hội đồng kiểm duyệt, nha CTTL).

Dưới đây, tôi xin chép lại nguyên văn một trong hai công văn mà ông Phan Văn Tạo tổng giám đốc thông tin xưa và cũng là tác giả tập truyện ngắn “cái bong bóng lợn”.

Saigon, ngày 25 tháng 7 năm 1963
Số 4044 CDV/TT/HĐKD
Tổng giám đốc thông tin

Kính gởi
Ông giám đốc Đại nam văn hiến xuất bản cục Phú nhuận

Thưa ông giám đốc,
Quý ông đã có nhã ý gởi tặng tôi bản dịch cuốn LA CRAVACHE của GHEORGHIU do Đại Nam văn hiến phát hành, tôi xin kính gửi lời chân thành cảm tạ. Song le, trên phương diện kiểm duyệt, nha tôi nhận thấy Đại nam văn hiến xuất bản cục đã hiển nhiên vi phạm luật lệ hiện hành vì đã không nạp duyệt tác phẩm trước khi xuất bản.

Ông tổng giám đốc cũng đã thừa rõ những phiền phức có thể xảy ra với hành vi phạm pháp trên đây, nhất là ngay khi nhận được lá thư gửi “Anh chị em làm nghệ thuật và độc giả” nha tôi đã tùng tại công văn số 3491/TT/HĐKD ngày 2 tháng này lưu ý và yêu cầu ông giám đốc gửi duyệt những tác phẩm mà ĐN VH XBC định cho ra mắt độc giả? Vì  lẽ đó và mặc dù tôi rất quý trọng các văn phẩm, tôi không thể nào với tư cách tổng giám đốc thông tin nhận gởi tặng một bản dịch không kiểm duyệt dù là bản này in RONÉO. Tôi xin phép được gửi lại quý cục cuốn sách trên.

Tôi cũng xin dành lại quyền hành động theo các điều 6 và 7 nghị định số 275-PTT/TTK 5-4-1954 ấn định thể thức kiểm duyệt các ấn loát phẩm xuất bản trong nước.
Vài lời thành thực mong ông giám đốc thông cảm và xin trân trọng kính chào ông giám đốc.
Kính thư Phan Văn Tạo
(chữ ký và con dấu) (1)
(1) Trích trong TP Nhà văn Tác phẩm cuộc đời, trang 99 – ĐNVHXB.
Đọc kỹ công văn trên, hẳn độc giả đã thấy rõ cái nguy hiểm, cũng như sự liều  lĩnh bất cần của Thế Phong nó nói lên được phần nào thực chất tâm hồn ông.

Tới đây tôi xin nói về nguyên nhân khơi nguồn loại sách RONÉO mà Thế Phong là người đầu tiên thực hiện (sau này cũng có rất nhiều người bắt chước, mặc dù trước kia họ đã từng lên tiếng chỉ trích, chê bai như thiếu tá thi sĩ Hoàng Trinh với tập “Tiếng hát TỰ DO” rồi Minh Đức Hoài Trinh… gần đây có Nguyễn Văn Trung, giáo sư, với tập báo Hành Trình).

Hồi đó, Uyên Thao, người bạn thân nhất của Thế Phong, nói với ông rằng: “tình trạng bế tác này, nếu không tìm ra một lối thoát thích hợp với hoàn cảnh (chính trị cũng như kinh tế, tài chính), bản thảo của mình chắc sẽ thất lạc mất. Hay là mình cho quay RONÉO”. Như bắt được vàng, Thế Phong thực hiện ngay. Hôm sau, Uyên Thao đi mượn ở đâu về được một cái máy chữ cũ tới độ khó có thể khảo trợ nổi. Nhưng ông cũng đem đi sửa chữa qua loa, rồi không nói không rằng gì cả, xoay trần ra đánh máy suốt ngày tại nhà mẹ nuôi của Uyên Thao. Lúc đó khoảng đầu năm 1959, với tên chọn đầu tiên là “loại sách đại nam văn hiến”. Dần dà, ông được một số anh em cùng chí hướng góp sức mới đổi thành ĐNVHXBC, danh hiệu trên còn được dùng tới bây giờ và tôi chắc cũng không còn xa lạ gì với bạn đọc.

Tuy phải chịu đựng khốn khó trăm bề, nhưng đền bù lại ông được giới thanh niên ưa thích. Với ông, đây là một khích lệ lớn lao. Ông kể truyện, có một sinh viên văn khoa đã chặn ông lại ở giữa phố Bonard hỏi ông: “tôi nghe nói ông phải nhịn đói thường xuyên, vậy bây giờ ông đã ăn cơm chưa? Nếu chưa, tôi có thể giúp ông một bữa được”. Những điều trên, đã cho tôi thấy rõ nhận xét sai lầm của tôi về hành vi, tư cách của Thế Phong. Nó không phải là những gì giả tạo, bày đặt cố tình. Nó chính là khuôn mặt tâm hồn ông, không son vẽ, không hóa trang, ngụy tạo. Ở ông, trong cuộc sống cũng như trong tác phẩm, có sự đồng thể? Trường hợp Thế Phong có người cho rằng rất gần gũi với trường hợp một Cao Chu Thần… (theo tôi thì sự thực không hẳn thế, ở một Cao Bá Quát là một tâm hồn muốn vươn thoát, bay trên cuộc đời và không bao giờ muốn nhìn xuống, muốn quay về nhân gian. Cái khinh mạn của cuồng sĩ tài danh họ Cao là cái ngạo nghễ ngất ngưởng của một người biết mình có tài mà không được đời trọng dụng, không được đời biết đến dù đã từng bon chen trên con đường quan hoạn, và số mệnh vẫn là cái số mệnh bi đát. Cho nên họ Cao sinh ra yếm thế, mượn mộng, mượn rượu để quên, để chửi cuộc đời, chửi xã hội tham quan ô lại). Sự so sánh này quá đáng - tuy nhiên, nó cũng nói lên một phần nào khía cạnh nổi loạn, đập phá, tiềm ẩn trong tâm thức ông (tôi sẽ nói rõ hơn trong phần nhận định tác phẩm).

Với những ghi nhận trên, tôi thấy đã tạm đủ độc giả có khuôn mặt bằng những nét phác, nhưng là những nét chính của khuôn mặt đời-Thế Phong.

Để kết thúc, phần này tôi xin trích lại một đoạn văn trong một bài đả kích Thế Phong, đăng trên Văn Hữu (1) “hắn chụp cả ảnh, thuê sao ra để biếu không sợ xẩy ra chuyện gì như bị đưa vào trại tế bần cải hóa chẳng hạn, thì người đời sẽ khỏi quên mất hình ảnh của một thiên tài”.

(Văn Hữu số 6 năm 1963)
(1) Văn Hữu là tạp chí của cơ quan Văn hóa vụ xưa, bài của Hoàng Trọng Miên, tác giả cuốn VĂN HÓA TOÀN THƯ, đã bị một số anh em văn nghệ lật tẩy là ăn cắp nguyên văn và từng đoạn trong Lược khảo về THẦN THOẠI của Nguyễn Đồng Chi xuất bản tại Hà Nội. Trong số những người đả kích có cả Thế Phong với bút hiệu Đường Bá Bổn.

THƠ THẾ PHONG :

“Trong giới văn học và quần chúng độc giả hôm nay thường xem Thế Phong như một nhà phê bình văn học, một tiểu thuyết gia có khuynh hướng xã hội cấp tiến. Sự thực Thế Phong là một nhà thơ. Thơ của ông mới đủ tư cách và bảo đảm cho ông một ngôi vị xứng đáng trong văn đàn dân tộc”
(Trích trong XI nhà thơ tự do của Cao Đan Hổ trang 26)

Tôi đồng ý với tác giả họ Cao, khi ông chủ trương thẩm xét tiếng thơ Thế Phong để định vị, xếp chiếu hay chụp vẽ chân dung linh hồn nhà thơ này. Nhưng với lập luận viện dẫn trên, tôi thấy thiếu phần xác đáng. Sự thực, khi đại chúng coi thế Phong như một phê bình gia vì suốt sản nghiệp tinh thần tác giả này, người ta thấy hầu hết đều nghiêng về loại phê bình nhận định… Hơn nữa, tác phẩm được nhiều người biết tới và cũng là tác phẩm đầu tay của nhà xuất bản ĐNVH là cuốn LSVHVN, một bộ sách gồm 4 cuốn  mang giá trị một công trình biên khảo công phu. Còn nói rằng “coi thế Phong như một tiểu thuyết gia” thì hầu như không ai lầm tưởng như vậy cả, có chăng cũng chỉ là một thiểu số quá ít oi không đáng kể. Nếu chỉ cần có một số truyện ngắn mà trở thành tiểu thuyết gia thì quả là quá dễ dãi, giản dị. Như vậy chắc Việt Nam là một nước có nhiều tiểu thuyết gia nhất thế giới!

Ở đây tôi đi vào thế giới tâm hồn Thế Phong cũng bằng tiếng thơ của ông, Nhưng không phải vì muốn để độc giả nhìn thấy khía cạnh thi sĩ của Thế Phong hay vì chỉ có “thơ của ông mới đủ tư cách và bảo đảm cho ông một ngôi vị xứng đáng trong văn đàn dân tộc”. Nhưng tôi nghĩ: thơ là tiếng nói trung thực, tha thiết nhất của một tâm hồn, được kết tinh bởi những cảm xúc, những dằn vặt, những suy nghiệm của con người trước cuộc đời. Thơ là một cái gì vượt cao trên mọi bày đặt giả tạo của một bối cảnh, một kỹ thuật  bao gồm tình tiết, màn, cảnh… Vì là tiếng nói của linh hồn nên âm hưởng vang vọng đi thẳng vào lòng người, vào tình người, khi tiếng thơ đạt tới mức độ truyền cảm, rung động của nó.

Cho nên, nếu không nhìn về  khía cạnh lớn nhất thời, ảnh hưởng trực tiếp, hiện ngay,  mà chỉ muốn nhận diện vóc dáng đích thực khuôn-mặt-linh-hồn ẩn chìm của một tác giả, tôi nghĩ không gì bằng đến với họ, đi vào vũ trụ tâm hồn họ bằng tiếng nói linh hồn tức bằng cửa ngõ thi ca.
Hơn nữa, nếu phân loại tác phẩm Thế Phong, người ta thấy số  lượng thi phẩm cũng chiếm một phần đáng kể.

Khởi đầu là “Đàn bà với tổ quốc”, qua tới “Nếu anh có em làm vợ”, rồi “Vương miệng Mai A”, “Sai biệt”, “Cho thuê bản thân”, “Trước mắt nhìn thi sĩ”. Và gần đây “Thơ làm lớn dậy con người”. Điều đó chứng tỏ nồng độ đam mê nơi Thế Phong vẫn nghiêng lệch về thi ca - vẫn là thơ, hay thơ vẫn là nguồn suối cuộn chảy, mãnh liệt, sôi réo trong tiềm thức Thế Phong.
Những người đọc báo ít biết thơ Thế Phong, phần vì ông ít đăng báo, phần vì tiếng thơ thiếu quyến rũ, lôi cuốn của âm điệu, ngôn từ trong thơ ông lại không vụ ở sự chải chuốt hào nhoáng, êm tai mà chỉ chuyên chú ý tới ý tưởng, tới những suy tư, phơi bầy, những khao  khát  muốn thể hiện, những dằn vặt, ưu tư muốn giải tỏ mà thôi. Chính sự khó khăn, khúc mắc này, đã khiến đám đông xa lánh và quay lưng lại trước những tiếng gào thét, những vấn đề thiết yếu của giá trị làm người. Tôi cam chắc, với một độc giả ở mức trung bình, hoặc quen coi thơ để mong tìm thấy một phần nào kỷ niệm ái tình, một phần nào những cảm xúc yêu đương mà họ đã trải qua hoặc đang khao khát thèm nếm, sẽ vô cùng thất vọng khi đọc thơ Thế Phong. Họ không thể hiểu nổi cũng như không thể nào cảm nổi tác giả với những câu thơ đại loại như:

chiếc xe đạp dưỡng bệnh về nằm yên một chỗ
để cùng chủ nó nghe cô gái 18 tuổi phê bình về thơ

hay:
bệnh lý hàng ngày nhiều hơn phép lạ
hiện tượng nào đưa đến cho tiếng thở dài chau mày suy tưởng

Dù cho muốn nói đến cái thân phận bi đát, cái sự ô uế, phân rác của xã hội đang khỏa lấp mặt nước trong suốt của cái tâm thánh thiện. Với lối diễn tả mà nhiều người cho là cầu kỳ, lập dị đó, cũng ngăn trở, cản chắn không ít những tâm hồn nhiệt thành muốn bước lại gần, soi dáng trong nguồn hứng thi ca của nhà thơ này, cũng ngại ngần, định xét lại thái độ.
Chính Thế Phong cũng nhìn nhận điều đó, nhưng ông quan niệm, không còn cách diễn tả nào khác hơn trước một hiện tại bế tắc, đầy rẫy bất bình, nhàm chán tới độ muốn tự tử, muốn  nôn mửa, khạc nhổ vào cuộc đời điên loạn này. Giữa những bộ mặt son phấn, trơ trẽn, thi nhau sắm tuồng, đóng kịch không những với đám đông, mà còn đóng kịch phản bội chính lương tri của mình nữa. Những khuôn mặt lợm lì chạy bám theo thị hiếu, thấp kém - thay vì hướng dẫn, nâng cao trình độ thưởng ngoạn của đại chúng - của những tên con buôn văn nghệ, những tên hoạt đầu văn hóa. Nên ông cố gắng giữ  nguyên bản chất cũng  như cố thể hiện ý thức của người làm nghệ thuật là vạch một hướng đi, khai thông một lộ trình vào tương lai, bằng tất cả lòng thành khẩn, cuồng tin nơi việc làm.

nên tôi hiểu thơ văn triết lý của những thi sĩ làm
lớn dậy ngày mai chủ nghĩa đi lên của con người
đàn bà con gái đều ghét bỏ

Khi phẩm bình về tiếng thơ Thế Phong, có đôi người cho rằng ông là thi sĩ thuộc phái hiện thực, hoặc xã hội… Với tôi, đó là một việc làm hết sức gượng ép, một sự bắt chước thiếu cân nhắc, thận trọng. Bởi xã hội Việt Nam nói riêng và Đông phương nói chung, người ta phải nhìn nhận một đặc tính cố hữu, một truyền thống bất di dịch, đó là tinh thần tổng hợp, không phân rẽ, không hệ thống điều lệ gò ép. Thứ nữa, cụ thể hơn, lịch sử văn nghệ Việt Nam chưa ghi nhận một khuôn phép, một hệ thống phân định rõ rệt nào của những người làm văn nghệ để ta có thể căn cứ vào đó mà khẳng định rằng nhà thơ này thuộc phái này, nhà văn kia thuộc phái khác. Tôi cho rằng đó cũng là một trong những yếu tố tạo cho bộ mặt văn chương đông phương thêm phong phú, thanh sắc. Ngày xưa chỉ có một Nguyễn Xuân Sanh tính áp dụng một cách máy móc, rập khuôn theo thi phái Tượng Trưng của Pháp, nhưng đã thất bại đáng thương hại * cuối cùng, cũng chẳng đem lại gì cho vườn hoa văn nghệ chúng ta. Sau nữa, ta cũng nên nhắc tới một Nguyễn Vỹ, với Tao Đàn Bạch Nga, nhưng nó chẳng ra phái gì cả, nó chỉ là một trò hề nhố nhăng, quy tụ một số đàn em ngâm vịnh, tâng bấc, công kênh lẫn nhau, cũng như để vị thủ lãnh dễ bề thỏa mãn bản tính háo danh, hảo ngọt mà thôi.

*Thí dụ muốn diễn tả nước mắt trên mi một người con gái, phái này dùng 2 tiếng mi sương
Ở đây, tôi không muốn ép uổng tiếng thơ dũng mãnh, bạo cuồng của Thế Phong vào một khuôn khổ hữu hạn. Vì không một khoảng trời nhỏ hẹp nào có thể dung chấp nổi tiếng thơ giàn trải đủ mọi chiều hướng của nhà thơ này. Chính tâm hồn ông cũng đã là cả một vũ trụ náo hoạt, gồm chứa đủ mọi suy tư, mọi khía cạnh nghịch phản, nhận đón đủ mọi triều sóng tư tưởng cấp tiến âu tây, cộng chung với một vốn liếng to tát, gồm những kinh nghiệm bản thân mua bằng nước mắt, bằng trên ba chục năm chinh chiến, bằng tủi nhục, ê chề, khốn khó, của một thân xác nhược tiểu điêu tàn.

“Tôi lớn dậy mang đầy sương mù Việt Bắc
quê hương tôi cây đứng thẳng nhiều hơn chông rừng
người tình đầu đã bỏ tôi vào điểm giờ cách mạng 1945
núi rừng ơi nhớ mãi cũng bằng không
những cái nấp mô gồ ghề, hình ảnh cuộc đời không mềm như thạch trắng”.

Ở cao độ đam mê, tiếng nói linh hồn thi nhân như bước chân cô độc dã thú đi giữa vùng biển cát. Thi nhân kiên nhẫn, âm thầm trong niềm hiu quạnh băng giá ngạo mạn, tìm cho mình một ý nghĩa giữa cuộc sống phồn tạp, chênh vênh của tình người, của cuộc đời, của hiện tại với một ý thức khai thoát, phát huy một nhân bản mới không phải là thứ nhân bản ngụy tạo, mặc khoác làm duyên. Cho nên trước bao nhiêu bội phản, thi nhân vẫn tìm về tình người và tin nơi tình người như một tín đồ tìm về tôn giáo ngưỡng vọng:

Còn gì nữa đâu em?
Thành phố cũ đôi mắt mới  nhìn tôi vẫn khác lạ với mọi người trong thành phố quen
….
Tình cảm vô cùng cần thiết như nhu cầu cơm áo
Không có em rồi anh mới thấy đời buồn nôn

Mỗi thi nhân, ngoài cái thể giới phức biệt của tâm hồn hiếu chân, hiếu thiện hay hiếu mỹ, họ thường phải gánh vác ít nhiều mặc cảm, cái mặc cảm nhiều khi vô cùng phi lý, không giải thích nổi! Thế Phong cũng không thoát khỏi định lệ khắc nghiệt đó, ngoài cái dĩ vãng ấu thơ vướng vít sương mù Việt Bắc, cùng thảm trạng gia đình rách nát, nhà thơ này còn bị cái mặc cảm bị phản bội,  bị ruồng rẫy lãng quên không những của người thân mà còn của cả bạn hữu, tôi không muốn nói tới những người từng chia xẻ với ông một điếu thuốc, một nắm xôi, một vài đồng bạc, khiến ông nhiều khi trở nên hoài  nghi mất niềm tin trước tất cả mọi giá trị tinh thần, ông cũng trở nên ngờ vực chính sự có mặt và giá trị của con người mình:

Mỗi lần tôi muốn làm ngơ rút đôi mắt sáng phản
ứng tự động rằng mình là một thằng hèn nhát
không dám đứng trước gương nhìn khuôn mặt đáng yêu
ở đâu và chỗ nào sự tự khinh mình cũng trỗi dậy
nên tôi lại dán ngươi tròn nhìn đời thẳng tắp
cả đống rác cả ruồi muỗi từng đàn theo ra ngoại ô

Từ mặc cảm dập vùi, phụ rẫy đó, thi nhân lao thân vào cuộc đời với nồng độ đam mê cùng tột, ông tìm đến tình người, mặc dù biết rằng sự tự dâng hiến của mình sẽ chỉ được đền bù bằng những tẻ lạnh, những vùi dập xua đuổi. Nhưng không còn cách nào khác hơn nữa, thà đón nhận những mũi dao đâm chém xuống triền tâm hồn tuyệt vọng để còn thấy mình, còn thấy có một ràng buộc, có một sự nhìn vào, ngó tới để tự tạo một cõi trú tạm thời khoảng khắc giữa cái quen thuộc mòn nhẵn không còn một ghi nhận sinh khí nào:

vẫn là khách quen chào hỏi nhau bằng mắt nhìn
vẫn bồi bàn nhẵn mặt thuộc lòng thức gì khách uống
nhạc thính phòng bao vây tâm hồn cô quạnh
nhìn quanh tôi bạn bè cũ bỏ thành phố xa rồi
trời mưa thu sương mù nào lũng bản xa xăm
tôi đứng dậy góp hình hài mình làm tĩnh vật

“góp hình hài mình làm tĩnh vật” nỗi cô đơn khủng khiếp tưởng chừng như đã kết thành khối, làm ta liên tưởng tới hình ảnh một hòn vọng phu, một thiếu phụ nằm sương mà chinh phu ở đây là tình người, là một khung cảnh đời sống hạnh phúc no tròn giữa những người mang thân xác người và tâm hồn người. Nhưng ao ước bao giờ cũng chỉ là ao ước và khát khao chỉ là khao khát vô vọng mà thôi. Người ta vẫn không ngớt nghe thấy những tiếng than dài, những réo gọi khản giọng trong tuyệt vọng, trong tiêu sơ thảm đạm của thi nhân. Đau đớn và chua xót hơn nữa, khi nhà thơ phải đối diện với ý thức sáng suốt về sự bất lực trước một định mệnh khe khắt, một thân kiếp nhược tiểu tối tăm bên những thương tích quê hương nghèo khó, rỉ máu tương tranh. Thi nhân không dừng được xót xa ngậm ngùi, ông liên tiếp gióng lên những khúc bi ca nhược tiểu trường thiên trên sân khấu hài kịch xã hội đổ nát. Ngày xưa, chúng ta đã hơn một lần xúc cảm trườc tiếng than nức nở âm thầm vang vọng của cả một thế hệ khốn đốn mà thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã ghi nhận: “lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ”. Thế hệ lạc lõng đó đã lùi dần vào quá khứ cùng những đau thương của nó. Sân khấu nhược tiểu Việt nam nhường lại cho thế hệ tiếp liên kế tục. Họ sống, họ múa may, đi đứng trong một cảnh trạng mới, giai đoạn mới với những vấn đề mới được đặt ra cho họ, nhưng vẫn cùng chung một không gian bi thương tủi nhục, nhục hờn. Là một trong những nạn nhân bất đắc dĩ của thế hệ hiện đại, của  lửa máu hôm nay, thi nhân cũng phải thắc mắc, băn khoăn tự hỏi:

tôi đã nhìn thấy gì ngoài những dây thép vòng xoáy móc máu phun
tôi đã nhìn thấy gì người thị thành ra phố buồn giới nghiêm
tôi đã nhìn thấy gì người nhược tiểu dân tộc đều là công an
tôi đã nhìn thấy gì áo mầu ka ki trận nhiều hơn thác lũ
ở ngã tư thành phố hôm nay áo đen nhiều hơn áo màu sặc sỡ

Giữa cảnh huống bi đát, bi đát từ thân phận tới quê hương, tới tổ quốc, nhà thơ đã rơi vào mặc thức lưu đầy, lìa xa sinh hoạt bình thường như muốn trốn chạy sự thật, trốn chạy những dằn vặt, những âu lo tủi thẹn như đa số những nhà thơ khác. Nhưng ở Thế Phong, con đường giải thoát lại ngược hẳn. Đó là thái độ phản kháng, phá phách. Tính chất hiện sinh sôi động rạo rực trong tâm hồn thi nhân. Ở Thế Phong người ta không tìm thấy cái tính chất hiện sinh  làm dáng, vay mượn ngụy tạo. Nếu dĩ vãng đủ để ta định giá cho hiện tại thì cuộc sống của ông thừa đủ để bảo chứng cho tiếng thơ ông. Một tiếng thơ chất chứa đầy khắc khoải ưu tư. Cũng bởi trung thành với sự thực, dù sự thực phũ phàng, nhơ bẩn, cũng vì không muốn lừa đảo lương tri, phấn son thêu dệt cho tấn kịch xã hội nát rữa, tiếng thơ Thế Phong nhiều khi trở nên sỗ sàng sống sượng, trần truồng:

Mày có biết mày tự do vào buồng mẹ tao bắt nạt
tình mẫu thân được san sẻ qua cái vòng tay của mày
sự khôn khéo làm gì có để cho mày lên mặt mô phạm

những câu thơ đại loại,người ta đã bắt gặp không ít, nhất là trong tập “thơ làm lớn dậy con người” Tôi nghĩ, những nhà “đạo đức vỏ” tức bọn giả đạo đức, nếu đọc đoạn thơ trên, chắc không phải nhăn mặt chau mày, sẽ không ngớt lời lên án tác giả: kẻ phá hoại đạo đức luân thường bằng những lời lẽ thô tục…  Nhưng sự thực bao giờ cũng là sự thực. Xã hội ta càng ngày càng đầy rẫy những thảm trạng xiêu đổ. Trước những tấn hài kịch đầy nước mắt tiếp diễn không ngừng quanh ông, lòng tin nơi một đấng thiêng liêng, cứu rỗi cuộc sống đọa đầy này không hề thấy dù phảng phất trong vũ trụ tâm hồn nhà thơ:

vì xã hội nay nhiều ê chề nhục nhã
cho dẫu có lửa và nước
nhiều nhiều hơn hết thảy gột rửa biến tan
khởi thủy hình thành thiên nhiên
cái gì gọi là tạo hóa

hoặc:
ở đâu có ruồi là có thượng đế,
ở đâu có thượng đế là thanh niên có lứa đôi

Bị ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của NIETZCHE không những ông chỉ chấp nhận sự khai tử từ thượng đế của NIETZCHE, ông còn đem thượng đế ra mỉa mai, riễu cợt, ông ví thượng đế với đàn bà (câu trích dẫn trên) mà đàn bà thời đại này dưới mắt ông chỉ là:

Một chiếc mô tô huê kỳ đáng giá bẩy chục ngàn
xe hạc lây lao vút trên đường không biết nói
xe đàn bà hai xy lanh biết nói chỉ để lao vút lên giường
hai thứ này được trao đổi như truyện thần tiên

Ý nghĩ này ở thi nhân không có nghĩa tuyệt đối. Vì trong thơ ông, người ta vẫn tìm gặp được một vài khuôn dáng, một vài chân dung đông phương thuần hậu, khả ái, thỉnh thoảng lóe sáng trong tầm sâu vùng yên tĩnh tâm hồn. Tôi muốn nói ở nhà thơ đập phá sỗ sàng này, vẫn còn có một niềm tin tiềm ẩn thu vén trong một vài khuôn trang VN khả kính:

tôi đem theo hình ảnh mẹ tôi xưa
tóc đuôi gà khuôn trang đầy đặn, da trắng bóng mầu trong suốt sương thu
miệng nam mô đi về phía quan thánh yên bái từ ba mươi năm ngoài để có tôi là con cầu tự, tôi hành hương với niềm nhớ người…

hoặc:

một bàn tay ngọc ngà cho anh buồn vui theo nét chữ
một lần nhìn âu yếm đủ cho anh tin cẩn cuộc đời
dù phải ghé vai lãnh đủ đời nằm gai nếm mật
thì ý nghĩ còn em có mặt làm anh vui lòng

Theo tôi, ở nhà thơ này, điểm nổi bật nhất là sắc diện khật khưỡng đi từ cô đơn đến nổi loạn - từ đời sống đến thi ca - từ thi ca đến khát vọng cách mạng xã hội - từ cách mạng xã hội tới luận lý nhân sinh - ngay với những giòng thơ tình cảm yêu đương, người ta cùng soi thấy hay trực cảm một hệ thống luận lý ẩn lồng:

nội tâm anh náo động từ khi có em ở bên
sự quấy nghịch làm đời sống hàng ngày anh thôi buồn
để thấy mình trẻ lại con trai 18
soi gương trong đôi mắt em đen giòng nước biếc
hoặc:
em ơi tình duyên xưa bạc bẽo cũng hơn nhiều
chúng ta bỏ quá khứ vì chúng ta làm người tiến bộ

Hơn nữa ta có thể khẳng định: với Thế Phong, thơ là sản phẩm của ý thức bị dằn vặt dồn nén cao độ - là sức đối  kháng quyết liệt trước xã hội ung nhọt, trước viễn tưởng suy sụp, bật gốc của những giá trị tinh thần của nề nếp truyền thống dân tộc, trước cường lực sung mãn của văn minh vật chất… ông ôm hoài bão làm mới xã hội, làm lớn dậy tâm hồn, phục vụ cho những giá trị tinh thần, tình cảm thiêng liêng đang bị dày xéo, xô đạp dưới những bước chân dập dồn, cuốn trôi của một hỗn trạng vong bản nô lệ.

Khát vọng cao xa đó, đã đưa tiếng thơ Thế Phong chạm kể triết lý -  thế giới thi ca của ông không còn là thế giới của vần điệu âm vang ngọt ngào quyến rũ của hình ảnh đẹp, của tình yêu huy hoàng như một Xuân Diệu hay gãy đổ bi thiết như một  Nguyễn Bính xưa - mà mỗi bài thơ của ông là một bản cáo trạng, một tiểu luận về xã hội luận lý nên phần lớn thường khó hiểu, mặc dù ông đã vận dụng tới những ngôn ngữ dung dị hầu làm sáng tư tưởng muốn diễn đạt, nhưng đôi khi cũng không tránh khỏi sự tăm tối bí hiểm, gây cho lớp độc giả trung bình muốn tìm vào vũ trụ tâm hồn nhà thơ gặp nhiều trở ngại, nhiều khó khăn, chán nản:

ong bầu về đây từ sáng sớm đầy vòi
đêm qua chú thắp đèn sáng chú học bài trong màn
chú nhăn mặt trước phút giây ong bầu gẫy cánh
để nhăn nhó khi ngón tay bị thương, con ong đồng bạn trả thù
chú bảo nó sẽ chết vì nọc độc truyền sang qua máu
nên chú phải băn khoăn tại sao nó đốt chú

Từ đây, tôi nghĩ: nếu ai  kia, nói rằng thơ Thế Phong là thơ của người lớn, của những ai băn khoăn muốn tìm một ý nghĩa cho cuộc dời bần cùng, hữu hạn này không phải là lời nói vội.

xã hội nhược tiểu bi thảm chúng tôi
chức vụ gì cao hơn đỉnh chóp
tu sĩ còn là mật thám
thi nhân còn sản xuất phiếu thơ đặt hàng để
có xe hơi chạy nhanh hơn người đi bộ
*
Như cánh chim lần đầu tiên tung chiếc thân vào vùng trời cao rộng, ôm niềm khát vọng tràn đầy trong tâm hồn trinh nguyên bằng đôi cánh tự tin và lòng thành khẩn, thiết tha tin vào một thiên đường nhân bản, Thế phong đã lầm, đã thất vọng, chua cay ngay từ khởi điểm - cánh chim đã nhiều lần rướm máu trước trăm muôn làn tên cung thủ vút tới. Nhưng thành khẩnvới mình, thiết tha với đời, đắm đuối mê say trong cái bập bềnh chới với của những ước vọng thầm kín giữa một không gian tàn rữa, một tổ quốc chênh vênh khắc khoải, thi nhân dám nói lên thực trạng và kêu gọi ý thức trỗi dậy vươn lớn của những kẻ còn quay lưng, ngoảnh mặt, của những kẻ đã tách rời và bội phản quê hương, bội phản nòi giống
ai từ bỏ đời sống căm hờn thiêu thân ngoài kia đó
giòng chữ nổi loạn giòng chữ giải độc
giòng chữ nào mang chính nghĩa
diễn biến sự thật thì không biết không nói như thằng câm
mà lòng tràn đầy hy vọng âm thầm
ngày mai tương lai tổ quốc tương lai đời sống cá nhân
Dù muốn dù không, khuôn mặt linh hồn Thế Phong,soi qua thi ca của ông, cũng là khuôn dáng độc đáo không ẩn lẫn, nhạt mờ với tất cả những gì tạo nên khoảng trời Thế Phong, và chỉ của riêng Thế Phong mà thôi ./.

D.T.L.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét