Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

ông Lá Bối: " MỘT ĐỜI BỊ SÁCH ÁM "/ Du Tử Lê -- Du Tử Lê's Blog

Ông Lá Bối, một đời bị ‘sách… ám’?

26 Tháng Hai 20182:16 CH(Xem: 160)
Ông Lá Bối, một đời bị ‘sách… ám’?

(Tiếp theo kỳ trước)

Nhớ lại những ngày đầu, khi quyết định sẽ in bộ tiểu thuyết nổi tiếng thế giới “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy, thầy Từ Mẫn kể, đại ý: 

Khi hay tin Lá Bối sẽ in ”Chiến Tranh Và Hòa Bình”, bản dịch của dịch giả Nguyễn Hiến Lê, nhà văn Trần Phong Giao (5), đã nói với ông Từ Mẫn rằng:
“Ngay cả khi có tiền tôi cũng sẽ không in ‘Chiến Tranh Và Hòa Bình’...”
TuMan 01
Thầy Từ Mẫn (Hình dutule.com)


Thầy Từ Mẫn nói, nhà văn Trần Phong Giao đâu biết, khi tiếp nhận nhà Lá Bối từ tay thầy Thanh Tuệ thì, đó là lúc tình hình tài chánh của Lá Bối đang rơi vào vòng xoáy khó khăn nhất. Nhưng vì:

“Chính tôi cũng muốn được đọc bộ tiểu thuyết này bằng tiếng Việt, nên tôi đã phải nhờ tới sự tiếp tay, vay mượn (không có lời) của một số học trò thầy Nhất Hạnh, những người đã ra trường và thành đạt…” Thầy Từ Mẫn tâm sự.

Trả lời câu hỏi duyên-khởi của việc dịch giả Nguyễn Hiến Lê (6) nhận dịch bộ tiểu thuyết và sự nhận lời in của nhà Lá Bối, người kế tục sự nghiệp xuất bản sách của nhà Lá Bối cho biết: Ông tình cờ đọc được một bài viết của học giả họ Nguyễn trên một tờ nguyệt san xuất bản ở Saigon mà bây giờ ông không nhớ tên, kể rằng, họ Nguyễn từng ngỏ ý với hai nhà xuất bản lớn nhất miền Nam thời đó là nhà sách Khai Trí và nhà XB Sống Mới, về việc ông sẽ dịch bộ “Chiến Tranh Và Hòa Bình” của Tolstoy nếu họ nhận in… Tiếc thay cả Khai Trí lẫn Sống Mới đều im lặng.

Thầy Từ Mẫn nhấn mạnh, ông nghĩ Nhà Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương (7) dù muốn cũng không thể nhận in vì số bản thảo ông ấy đã mua, ối đọng trong kho quá nhiều, không biết tới năm nào mới có thể in cho hết. Nhưng nhà Sống Mới thì ông không hiểu lý do. Chỉ biết, chính vì hai nhà xuất bản lớn kể trên từ chối mà, ông có cơ hội nhận in bộ truyện dịch giá trị này.

Tưởng cũng nên nói thêm rằng, ông… “Lá Bối” không hề quen biết dịch giả Nguyễn Hiến Lê trước đó. Và, ông cũng không muốn nhờ ai giới thiệu.

Nên, một buổi sáng, ông tự tìm tới nhà riêng của họ Nguyễn, ở đường Kỳ Đồng. Người bạn đời của dịch giả ra mở cửa hỏi ông là ai? Cần gặp ông Lê cho việc gì? Ông “Lá Bối” nói, mang ít sách tặng ông Lê và nói chuyện về việc dịch bộ truyện “Chiến Tranh Và Hòa Bình”. Bà mời ông trở lại vào buổi sáng hôm sau.

Đúng hẹn, ông trở lại. Lần này, ông được họ Lê tiếp đón trong tinh thần tương kính giữa nhà xuất bản và, dịch giả… 
NguyenHienLe
Ông Bà Nguyễn Hiến Lê


Dù ông Nguyễn Hiến Lê, nói rõ, để hoàn tất việc chuyển ngữ, ông cần ít nhất một năm rưỡi. Tuy nhiên, thực tế, vẫn theo lời của thầy Từ Mẫn thì, chỉ sau một năm thôi, ông đã nhận được bản dịch bộ truyện “Chiến Tranh Và Hòa Bình” của dịch giả Nguyễn Hiến Lê. 

Có trong tay toàn bộ bản dịch “Chiến Tranh Và Hòa Bình”, với ông “Lá Bối” đã là một hạnh phúc. Ông còn cảm thấy hạnh phúc hơn nữa, khi biết dịch giả tuy dịch theo bản Pháp ngữ, nhưng có những đoạn cần kiểm chứng thì ông ấy dùng bản Anh ngữ, để so sánh. Điều này cho thấy họ Nguyễn rất trân trọng với tác phẩm vĩ đại “Chiến Tranh Và Hòa Bình” của Lev Tolstoy. 

Phần thưởng lớn, bất ngờ mà ông “Lá Bối” nhận được là chỉ một thời gian sau, “Chiến Tranh Và Hòa Bình” đã được tái bản… 

Sư kiện này như một thứ thuốc bồi giúp nhà Lá Bối tự tin, hăng hái với những tác phẩm lớn hoặc khó “nuốt” như bộ “Sử Ký Tư Mã Thiên” mà Lá Bối chọn để xuất bản sau đó. 

Dịch giả của bộ “Sử Ký Tư Mã Thiên” vẫn là học giả Nguyễn Hiến Lê. Họ Nguyễn biết rằng, trước ông, nhà văn Nhượng Tống thời tiền chiến đã làm công việc chuyển ngữ. Nhưng khác hơn dịch giả Nhượng Tống, dịch giả Nguyễn Hiến Lê sẽ dịch những chương, đoạn trong bộ “Sử Ký” mà ông Nhượng Tống loại bỏ và, ngược lại, ông cũng sẽ lược bỏ một vài chương, đoạn mà nhà văn Nhượng Tống đã chọn dịch. Nói cách khác, tổng quát thì phần lớn nội dung tác phẩm được hai dịch giả chọn để chuyển ngữ, giống nhau, chỉ có một đôi chỗ khác nhau mà thôi, ông Lá Bối nhấn mạnh. 
Trả lời câu hỏi trong suốt thời gian điều hành nhà Lá Bối, với khoảng trên, dưới 150 đầu sách đủ loại, đa phần kén người đọc, có cuốn sách nào khi in ra bị lỗ không? Thì ông Từ Mẫn cho biết, hầu như cuốn nào cũng có lời. Kể cả những cuốn bán không hết. Và, dù là loại sách gì thì số lượng mỗi cuốn ngay lần in thứ nhất, ở Lá Bối, căn bản vẫn là năm ngàn (5,000) ấn bản.

Về tác quyền dành cho các tác giả (trừ thượng tọa Nhất Hạnh không lấy) thì, theo ấn định của chính thầy Nhất Hạnh: Tác quyền được tính theo nguyên tắc 10% trên giá bán, trên số in; không phân biệt tên tác giả. 

Thầy Từ Mẫn nói thêm:

“Tuy có lời, nhưng không bao giờ Lá Bối có dư tiền vì, tất cả tiền lời có được đều được đắp đỗi cho việc in những tác phẩm kế tiếp…”

Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn độc giả, những người có lòng tin cậy, cho Lá Bối vay tiền làm sách, không lấy lời… Luôn cả những người tiếp tay một cách cụ thể về phương diện đại diện phát hành mà, không nhận một đồng thù lao, như trường hợp nhà thơ Thành Tôn… 

Ông Thành Tôn đã nhận đại diện cho nhà Lá Bối nhiều năm ở miền Trung. Đó là nơi có số lượng tiêu thụ sách cao nhất tính chung cả miền Nam, như thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam. 

Nhà thơ Thành Tôn nói, ông cộng tác với tạp chí “Giữ Thơm Quê Mẹ” của Thượng tọa Thích Nhất Hạnh, tự những số đầu tiên của tờ báo này. Nên khi nhận được đề nghị của thầy Thanh Tuệ, nhờ tiếp tay với Lá Bối, ông đã nhận lời… 

Hoặc những độc giả trung thành như ông Lê Phú Giáp thời còn là sinh viên, hiện cư ngụ tại quận hạt Orange County, cho biết, ngay tự những ngày đầu của Lá Bối, ông đã luôn tìm tới địa chỉ gốc của nhà xuất bản, để được bớt tới 40% mỗi đầu sách, dù mua bao nhiêu cuốn…

Trước tấm lòng quên mình, ăn ở, sống chết với sách, có người đã không ngần ngại nói rằng:

“Nếu có người một đời bị quỷ… ám thì, cũng có người một đời bị sách… ám. Trong số những người này, có thầy Từ Mẫn…”

                                                                 (còn tiếp 1 kỳ) 
DTL
________

Chú thích:

(5) Theo trang mạng Wikipedia thì, nhà văn Trần Phong Giao Trần Phong Giao (1932-2005) tên thật: Trần Đình Tĩnh, sinh tại Nam Định, bút hiệu: Trần Phong, Thư Trung, Mõ Làng Văn. Ngoài tư cách nhà văn, ông còn là một dịch giả uy tín ở miền Nam. Năm 1954, di cư vào Nam, từ 1960 tới 1963, ông làm thư ký toà soạn báo Tin sách do Trung tâm Văn Bút Việt Nam chủ trương. Thời gian này, ông cũng bắt đầu dịch một số tác phẩm văn chương, triết học của các nhà văn nổi tiếng thế giới, như Albert Camus, Jean-Paul Sartre, Paul Gallico…Cuối năm 1963, ông làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn. Năm 1971, thôi tạp chí Văn, ông lập nhà xuất bản và, tạp chí Giao Điểm, rồi Chính Văn; nhưng không thành công... Cuối cùng ông trở lại công việc dịch sách và làm quản thủ thư viện Đại Học Cửu Long cho tới ngày 30 tháng 4-1975. Ông mất tại Saigon ngày ngày 13 tháng 4 năm 2005, hưởng thọ 73 tuổi.

(6) Học giả Nguyễn Hiến Lê 1912-1984, là một nhà văn, dịch giả độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, tính tới ngày từ trần. Năm 1934, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chánh Hà Nội, được bổ làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 1952, ông bỏ nghề công chánh, về Saigon, mở nhà xuất bản, dịch sách, sáng tác và, viết báo. Những năm trước cũng như sau 1975, Nguyễn Hiến Lê là một cây bút được tiếng làm việc miệt mài nghiêm túc và, là một nhân cách lớn. Ông mất ngày 22 tháng 12 năm 1984 tại  bệnh viện An Bình, Chợ Lớn, Saigon, hưởng thọ 72 tuổi.

(7) Ông Nguyễn Văn Trương (bút hiệu Nguyễn Hùng Trương) nhưng mọi người vẫn quen gọi là ông Khai Trí, sinh năm 1926 tại Thủ Đức. Thuở nhỏ, ông thường nhịn ăn sáng, dùng 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc…Nhờ cố gắng làm việc không mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm 1952 ông có đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại 62 đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi), đặt tên là Nhà sách Khai Trí (sau 1975 là Nhà sách Sài Gòn). Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không bị ai làm phiền… Ông Khai Trí cũng đầu tư trong lãnh vực xuất bản tất cả các loại sách, nhiều nhất là tự điển… Cùng nhà văn Nhật Tiến, ông xuất bản Tuần báo Thiếu Nhi và là soạn giả của nhiều đầu sách giá trị. Ông mất tại Saigon ngày 11 tháng 3 năm 2005, thọ 80 tuổi. (Nguồn Diễn Đàn Sách Xưa - Wikipedia – Mở). 

[]


---------------------------
trích từ DU TỬ LÊ's blog
===============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét