Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

về thi sĩ tiền chiến xuân diệu [ i.e. ngô xuân diệu 1916- 1985] -- blog phan nguyên



Thursday, 3 July 2014

Xuân Diệu (1916 - 1985)
















Xuân Diệu

tên thật: Ngô Xuân Diệu
(2/2/1916 Bình Định  - 18/12/1985 Hà Nội)
hưởng thọ 69 tuổi
nhà thơ, nhà văn, nhà báo 















"Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Không có tác phẩm thì nhà văn ấy coi như đã chết."


XD






















Tiểu sử


Xuân Diệu (2 tháng 2 năm 1916 – 18 tháng 12 năm 1985) là một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam. Ông nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Những bài được yêu thích nhất của Xuân Diệu là thơ tình làm trong khoảng 1936 - 1944, thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Nhờ đó, ông được mệnh danh là "ông hoàng thơ tình". Ông từng được Hoài Thanh và Hoài Chân đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam (1942).

Sau khi theo Đảng (1945), thơ ông chủ yếu ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh, thơ tình của ông không còn được biết đến nhiều như trước.

Ngoài làm thơ, Xuân Diệu còn là một nhà văn, nhà báo, nhà bình luận văn học.



Tiểu sử, sự nghiệp

Ông tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha là ông Ngô Xuân Thọ và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp.

Xuân Diệu lớn lên ở Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mĩ Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938–1940). Ông tốt nghiệp cử nhân Luật 1943 và làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho một thời gian trước khi chuyển về ở Hà Nội.

Bên cạnh sáng tác thơ, ông còn tham gia viết báo cho các tờ Ngày Nay và Tiên Phong. Ông là một trong những người sáng lập Đoàn báo chí Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.[1]

Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài Thanh), "ông hoàng của thơ tình".

Xuân Diệu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn và cũng đã là một trong những chủ soái của phong trào "Thơ Mới". Tác phẩm tiêu biểu của ông ở giai đoạn này: Thơ thơ(1938), Gửi hương cho gió (1945), truyện ngắn Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945).

Hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió được giới văn học xem như là hai kiệt tác của ông ca ngợi tình yêu và qua các chủ đề của tình yêu là ca ngợi sự sống, niềm vui và đam mê sống. Và ca ngợi tình yêu thì làm sao mà không ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân, ca ngợi thiên nhiên là tổ ấm và cái nôi của tình yêu. Và Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến đau đớn nỗi thời gian trôi chảy, sự mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu, tất cả đã được diễn tả bằng những câu thơ xúc động, có khi đậm đà triết lý nhân sinh. (Huy Cận, tháng 4 năm 2000)

Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh, đảng viên Việt Nam Dân chủ Đảng, sau tham gia Đảng Cộng sản. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội. Sau đó ông công tác trong Hội văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc.

Xuân Diệu tham gia ban chấp hành, nhiều năm là ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ đó, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ca ngợi cách mạng, một "dòng thơ công dân". Bút pháp của ông chuyển biến phong phú về giọng vẻ: có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình. Tiêu biểu là: Ngọn quốc kỳ (1945), Một khối hồng (1964), Thanh ca (1982), Tuyển tập Xuân Diệu (1983).

Là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ (một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố), một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.

Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983.
Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996).

Tên của ông được đặt cho một đường phố ở Hà Nội, và cũng được đặt cho một trường trung học phổ thông ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình có con đường mang tên Xuân Diệu ở phường Nam Lý.



Ảnh hưởng của thơ nước Pháp đối với Xuân Diệu

Câu thơ nổi tiếng của Xuân Diệu: Yêu là chết trong lòng một ít là sự vay mượn của câu thơ của Edmond Haraucourt: Partir, c'est mourir un peu (Ði là chết đi một ít) .[2]
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi, tình non đã già rồi...
được lấy cảm hứng từ câu nói của Alfred de Musset nói với George Sand: Dépêche-toi, George, notre amour est vieux (Nhanh lên em, George, mối tình chúng ta đã già rồi).[3]
Những câu dịch sát chữ từ câu thơ Pháp :

Hơn một loài hoa đã rụng cành [4]/ Plus d'une espèce de fleurs a quitté les branches[5]



Cuộc sống riêng tư

Xuân Diệu đã lập gia đình riêng một lần với Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp nhưng hai người đã ly dị và họ không có con chung[6]. Sau khi ly dị ông sống độc thân cho đến lúc mất vào năm 1985.

Xuân Diệu là người cùng quê Hà Tĩnh với Huy Cận (làng Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) nên khi gặp nhau, hai ông đã trở thành đôi bạn thân. Vợ của Huy Cận, bà Ngô Thị Xuân Như là em gái của Xuân Diệu. Với việc một số trang báo lớn đáng tin cậy đưa tin, nhiều người tin rằng Xuân Diệu cùng với người bạn thân lúc sinh thời của ông - Huy Cận là hai nhà thơ đồng tính[7][8][9][10][11]. Huy Cận và Xuân Diệu từng sống với nhau nhiều năm. Bài thơ "Tình trai" của Xuân Diệu và "Ngủ chung" của Huy Cận được cho là viết về đề tài đó. Theo hồi ký Cát bụi chân ai của Tô Hoài thì Xuân Diệu từng bị kiểm điểm về việc này[12]. Tuy nhiên, cũng có một số các bài thơ khác của ông lại viết về nhà thơ Hoàng Cát, như bài thơ "Em đi" là để gửi tặng nhà thơ này.

Con nuôi của ông là Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ - con trai nhà thơ Huy Cận, và cũng là cháu ruột của ông (cậu ruột). Cù Huy Hà Vũ đã bị bắt vào năm 2010, và bị kết án 7 năm tù giam, 3 năm quản chế vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.



Câu nói nổi tiếng

Trong tập Chân dung và đối thoại, Trần Đăng Khoa ghi lại câu nói của Xuân Diệu:"Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Không có tác phẩm thì nhà văn ấy coi như đã chết."




Nhận định

“ "Ngày một ngày hai cơ hồ ta không còn để ý đến những lối dùng chữ đặt câu quá Tây của Xuân Diệu, ta quên cả những ý tứ người đã mượn trong thơ Pháp. Cái dáng dấp yêu kiều, cái cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam, đã quyến rũ ta" ”
—Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh, Hoài Chân

“ "Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới - nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê. Xuân Diệu không như Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay cho chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê chưa ngớt. Người khen, khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời" ”
—Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh, Hoài Chân


“ "Thơ ông tài hoa, tinh tế và sang trọng" ”
—Chân dung và đối thoại- Trần Đăng Khoa


“ "Xuân Diệu đào hoa và đam mê, cả đời đuổi theo mộng, nhiều mộng, nhiều mối tình trai. ”
Tô Hoài, Cát bụi chân ai





(theo Wikipedia)



















Huy Cận & Xuân Diệu










Xuân Diệu & vợ chồng Huy Cận & Ngô Thị Xuân Như (em gái XD)
tại chiến khu Việt Bắc















Tác phẩm đã xuất bản








Thơ









1
Thơ Thơ 
(1938, 1939, 1968, 1970)






2
Gửi Hương Cho Gió
(1945, 1967)






3
Ngọn Quốc Kỳ 

(1945, 1961)






4
Hội Nghị Non Sông 
(1946)






5
Dưới Sao Vàng 
(1949)






6
Sáng 
(1953)






7
Mẹ Con 
(1954)






8
Ngôi Sao 
(1955)






9
Riêng Chung 
(1960)







10
Mũi Cà Mau - Cầm Tay
(1962)






11
Một Khối Hồng 
(1964)






12
Hai Đợt Sóng 
(1967)






13
Tôi Giàu Đôi Mắt 
(1970)





14
Hồn Tôi Đôi Cánh 
(1976)







15
Thanh Ca 
(1982)


















Văn xuôi







16
Phấn Thông Vàng 
(1939, truyện ngắn)








17
Trường Ca 
(1945, bút ký)







18
Miền Nam Nước Việt 
(1945, 1946, 1947, bút ký)







19
Việt Nam Nghìn Dặm 
(1946, bút ký)






20
Việt Nam Trở Dạ 
(1948, bút ký)






21
Ký Sự Thăm Nước Hung 
(1956, bút ký)






22
Triều Lên 
(1958, bút ký)



















Tiểu luận - Phê bình











23
Thanh Niên Với Quốc Văn 
(1945)






24
Tiếng Thơ 
(1951, 1954)






25
Những Bước Đường Tư Tưởng Của Tôi 
(1958, hồi ký)






26
Ba Thi Hào Dân Tộc 
(1959)






27
Phê Bình Giới Thiệu Thơ 
(1960)






28
Hồ Xuân Hương Bà Chúa Thơ Nôm 
(1961)






29
Trò Chuyện Với Các Bạn Làm Thơ Trẻ 
(1961)






30
Dao Có Mài Mới Sắc 
(1963)






31
Thi Hào Dân Tộc Nguyễn Du 
(1966)






32
Đi Trên Đường Lớn 
(1968)






33
Thơ Trần Tế Xương 
(1970)






34
Đọc Thơ Nguyễn Khuyến 
(1971)






35
Và Cây Đời Mãi Xanh Tươi 
(1971)










36
Mài Sắt Nên Kim 
(1977)








37
Lượng Thông Tin Và Những Kỹ Sư Tâm Hồn Ấy 
(1978)






38
Các Nhà Thơ Cổ Điển Việt Nam 
(tập I 1981; tập II 1982)






39
Tìm Hiểu Tản Đà 
(1982)
























Dịch Thơ 




40
Thi Hào Nadim Hitmet 
(1962)






41
V.I.Lênin 
(1967)






42
Vây Giữa Tình Yêu 
(1968)






43
Việt Nam Hồn Tôi 
(1974)






44
Những Nhà Thơ Bungari 
(1978, 1985)






45
Nhà Thơ Nicôla Ghiden 
(1982)


















Xuân Diệu & Cù Huy Hà Vũ





























Tham khảo thêm về nhà thơ  Xuân Diệu












Cù Huy Hà Vũ:

Xuân Diệu - Huy Cận với Tự Lực Văn Đoàn







Nguyễn Tường Thụy:

Thơ Xuân Diệu viết cho Cù Huy Hà Vũ?





Thụy Khuê:
Cấu Trúc Thơ

IX. Phân tích bài Nguyệt Cầm của Xuân Diệu















Đặng Tiến:

Hành trình Xuân Diệu









Trang thơ Xuân Diệu:













Hoàng Cát:
Đời thường - Đời thơ Xuân Diệu








Lại Nguyên Ân & Alec Holcombe:

Con tim và Lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: Giai đoạn 1954 - 1958

     http://www.talawas.org/?p=26915 (phần cuối)
















Xuân Diệu, trong những năm 1954 - 1958 



































Hồ sơ Nhân văn - Giai phẩm





Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao


Xuân Diệu



Mặt trận tư tưởng, tinh thần, mặt trận văn hoá văn nghệ quả thật là xung yếu, tinh tế! Những tư tưởng Nhân văn-Giai phẩm luồn lách như chạch; không phải lúc nào nó cũng lộ liễu như trộn trấu, cát vào gạo cơm ta ăn, khiến ta biết ngay; mà có khi nó giấu tay rỏ thuốc độc vào những chai thuốc dán nhãn hiệu là “bổ”. Văn Cao vào hạng có bàn tay bọc nhung như thế. Sự giả dối đã thành bản chất của Văn Cao, nên những cái lạc hậu, thoái hoá của Văn Cao cứ nghiễm nhiên mặc áo chân lý và tiến bộ. Cũng là một thứ văn thơ “giật gân”, giật gân đến một độ rất nguy hiểm; thà cứ như cái thùng sắt tây Lê Đạt, thà cứ ngổ ngáo cao bồi như Trần Dần: dễ thấy; đằng này cứ như triết gia ban phát đạo lý nghìn đời; người nào đã biết thế nào là chân lý chân chính, đọc một số thơ và những bài văn, tựa của Văn Cao, có thể tức tối đến đau óc, bởi cái giả dối ở đây nó chằng chịt thật là khó gỡ, nó đã thành máu thịt của Văn Cao, nó nói cứ như thánh, và còn biết nhoẻn miệng cười duyên nữa! 



Người ta lấy làm lạ rằng: những tư tưởng văn nghệ của Văn Cao, bóc trần ra, chỉ là một mớ bùng nhùng bèo nhèo quan điểm nghệ thuật tư sản, tại sao nó không phát ngôn ra ngay cuối thời Pháp thuộc, mà Văn Cao để dành ấp úng mãi, vừa rồi, đã mười mấy năm sau cách mạng, mới níu lấy “thời cơ” mà phất nó lên thành cờ, thổi nó ra thành kèn, hòng tập hợp văn nghệ sĩ sau lưng mình? Những thứ quan điểm đó, nếu mà đưa ra trong thời Pháp thuộc, cũng đã bị lạc lõng chẳng ai muốn nghe. Cũng như bọn xét lại hiện nay tái bản chủ nghĩa xét lại cũ rích hàng năm, sáu chục năm trước, trên cái đà của Nhân văn-Giai phẩm, Văn Cao lôi những cặn bã tư tưởng nằm giấu trong mình, chưa có dịp tuyên ngôn trong thời Pháp thuộc, nhảy vào hòng làm chủ trường phái trong văn học hiện nay. Nhiều nhà văn lớp trước vào với cách mạng, đã và đang tiếp tục tẩy gột những cái sai lầm tiền kiếp, mà vẫn thấy hãy còn chưa sạch; thì Văn Cao từ trong làng nhạc sang làng văn, vội lặn hụp vào vũng nước tống ra kia, và cho thế là thơm, là mới! Văn Cao đã nhầm thời gian, nhầm lịch sử rồi! 



Vào đời giữa thời phát-xít Nhật đổ bộ vào Đông Dương, lúc lớn lên nhạy cảm nhất lại là lúc chủ nghĩa đế quốc Pháp Nhật toát ra cái chất cuối mùa đồi trụy nhất, phản động nhất, Văn Cao đã ngộ độc rất nặng. Bây giờ mà vạch những cái vẩn vơ, buồn bã, sầu thảm trong thơ trong nhạc thời thuộc Pháp, thì dễ quá; trừ những người được giác ngộ cách mạng, còn thì hoang mang tiêu cực là “thường tình” của những người văn nghệ thời cũ. Ở đây ta chỉ nhắc lại về Văn Cao, là vì ở Văn Cao thời trước, cái chủ nghĩa cá nhân nó không “thường thường bậc trung” nữa, mà nó đã đi vào sa đoạ, đi vào giai đoạn cô quạnh; cái óng ánh ngời lên của nó chính là màu của sự tan rã. Cái điều đã thành ra bi kịch, là Văn Cao vào với cách mạng, mà không chịu tự kiểm tra, tự phân tách vào đúng huyệt của tư tưởng cũ của mình, để mà cải tạo nó, lại tự xoa vuốt mình với quan niệm dân tộc giải phóng chung chung, ôm giấu và nuôi nấng những tư tưởng cũ như một cái vốn ngầm tưởng là quý lắm; đến lúc cách mạng tiến lên chủ nghĩa xã hội, thiết lập nền chuyên chính vô sản, thì mới vỡ lở ra một bọc tư tưởng tư sản rất hôi tanh! 



Trong bài hát Trương Chi, Văn Cao gán cho người đánh cá cái khinh bạc tột độ của mình, không coi nhân quần ra cái gì hết, chỉ có một mình mình trên trái đất; hơi lạnh của chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối toát ra như một âm khí nặng nề: 



Ngồi đây ta gõ mạn thuyền 

Ta ca trái đất còn riêng ta! 

Những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, những ý nghĩ phiêu lưu, tìm thi vị xa vời, mới lạ trong cách mạng, là một chặng đường tất yếu của tư tưởng nhiều người; mơ ước “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam” lúc đó cũng là một trạng thái của lòng yêu nước. Nhưng ta phải giật mình khi nhớ lại những lời hát: 

Ta là đàn chim bay trên mây xanh 
Mắt nhìn trong khói những kinh thành tan… 
… Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng 

Ta không trách trình độ chính trị của ta và của tác giả khi đó còn thấp. Chúng ta giật mình vì cái lối bay để mà bay, tự say lấy mình đó là tiền thân của cái lối “Hãy đi mãi” của Trần Dần; chúng ta giật mình hơn nữa là cái máu anh hùng chủ nghĩa làm cho Văn Cao sảng khoái nhìn thấy “những kinh thành tan” dưới bom đạn mà không chút xót thương, và “chiến công ngang trời” kia lại là của “không quân Việt Nam”, mà không nói là chiến tranh tự vệ! 

Mấy bài thơ năm 1946, 1948 của Văn Cao, có dụng ý tốt, nhưng cũng bộc lộ cái tính chất nghệ thuật của Văn Cao, thích khúc mắc, khó hiểu, thích loè lên lấp lánh, pha với sự lập dị, chộ người, toát ra một màu vị tan rã, như bài "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc", hay như bài "Ngoại ô mùa đông 46" (Văn nghệ số 2, tháng 4-5/1948): 

Ta đi trong nhà đổ 
Nghe thời gian đã nhạt khúc ân tình 
Tuy phòng the chiếc áo trẻ sơ sinh 
Còn xiêm hài dành hương phấn cũ… 
………………………………………………….. 
Chữ Phạn, La-tinh nhường máu tô diệt Pháp 
Gió lạnh khi qua viện tàng thư 
Cháy cong queo, bìa giữ chút di từ 
Kierkegaard, Heiddeger và Nietzsche…

*

Quần chúng và Đảng rất sẵn sàng tha thứ cho những sai lầm, thậm chí tội lỗi nữa của ta trước cách mạng, miễn là vào với cách mạng, ta ở thật chứ đừng ở giả, thành tâm thống nhất với chân lý của cách mạng. Mười mấy năm qua, Văn Cao không chịu nhổ vứt đi những tư tưởng nghệ thuật tư sản của mình, lại vờ vĩnh che màn cho nó, đặng cho nó cứ ngấm ngầm nảy nở to lên. Đến khi Văn Cao nắm lấy thời cơ Giai phẩm mùa Xuân 1956, cùng với Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần công bố bản tuyên ngôn của mình, thì thiên hạ phải ngạc nhiên: Người này trở mặt, nói cái gì lạ vậy? cái gì chướng vậy? 

Giả dối như một con mèo, kín nhẹn như một bàn tay âm mưu trong truyện trinh thám, bài thơ Anh có nghe thấy không? lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt, tuy nhiên công chúng cũng hiểu nó muốn nói gì. Văn Cao gọi ai là “chúng nó”? đối lập với ai là “chúng ta”? 

Bao giờ nghe được bản tình ca 
Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật 
Bao giờ 
Bao giờ chúng nó đi tất cả 

Có ai cấm bản tình ca? Có ai cấm tranh tĩnh vật? Nhà thi hào Đức Bertholt Brecht, sống trong thời kỳ ở nước Đức có lũ phát-xít Hít-le trị vì, cảm thấy trách nhiệm của mình nặng nề đến nỗi thấy một cái trán phẳng lỳ, tức là một cái trán bàng quan vô giác;” nói đến cây: hầu như là một tội ác, bởi như thế là làm thinh trên bao nhiêu kinh tởm”. [1] Nhà văn lớn ấy không nỡ nói về cây khi đồng bào ông còn bị xiềng xích. Một người văn nghệ chân chính tất phải thông cảm rằng khi dân tộc, khi nhân dân có những vấn đề lửa cháy dầu sôi, há có nên làm như Yến Lan (mà Văn Cao ca tụng), mê sảng trước tranh tĩnh vật? Há có nên ngụp lịm trong toàn những chuyện tình? 

Trên đất nước ta, “chúng nó” là Mỹ-Diệm ở miền Nam, là tay chân Mỹ-Diệm ở miền Bắc, là bọn phá hoại Nhân văn-Giai phẩm; chúng nó là thế đấy; nhưng Văn Cao lại lấy những khuyết điểm có thật hay tưởng tượng của ta mà gọi là “chúng nó”; Văn Cao đã từng phát biểu “Trái tim của tôi thuộc về Nhân văn” thì ta không lấy làm lạ Văn Cao xem ta là địch. Đi với ma thì mặc áo giấy, mình có là ma mới mặc áo giấy; Văn Cao lấp lửng bảo rằng chúng nó “bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người”, chúng nó “như nấm mọc trên những thân gỗ mục”, nhưng chẳng dám nói thẳng ra là ai? Văn Cao bảo thiên hạ “mắt không bao giờ nhìn thẳng”, đó là Văn Cao tự tả mình mắt la mày lét làm “tay trong của bọn cầm đầu Nhân văn-Giai phẩm hoạt động trong nội bộ Đảng”. [2] Sao mà thơ Văn Cao hiểm độc vậy! 

Một mặt 

Những con người không phải của chúng ta 
Vẫn ngày ngày ngày ngang nhiên sống 

một mặt thì 

Những người của chúng ta 
Đang mờ mờ xuất hiện 
Le lói hy vọng 
Trên những cánh đồng lầy 

Văn Cao truyền ra một câu sấm “Một nửa thế giới − một nửa tâm hồn − một nửa thế kỷ − chưa khai thác xong”, rồi Văn Cao tiếp tục giọng tiên tri: 

Anh có nghe thấy không? 
Chỗ nào cũng có tiếng 
Chưa nói lên 

Những con người của chúng ta, từ Cách mạng tháng Tám đến nay, xuất hiện, trưởng thành dần dần và mãnh liệt, để đi tới “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, dù chúng ta có còn khuyết điểm, nhược điểm gì, cả Trái đất cũng biết chúng ta vĩ đại! Văn Cao có mắt, có tai, không thể nào phủ nhận việc ấy. Vậy thì những “chúng ta” mà Văn Cao bảo là “đang mờ mờ xuất hiện” đó chính chỉ là “chúng ta” của Văn Cao , của Nhân văn-Giai phẩm mà thôi. Công chúng bị đưa vào một thế giới âm binh mà ông phù thuỷ Văn Cao đang sai dậy, bảo nói lên, đứng lên, gọi là “hàng loạt hàng loạt những con người thật của chúng ta” và giao cho lũ chúng những nhiệm vụ tương lai to lớn! Bà con của những âm binh đó, trong một lúc, đã làm tội ác ở Hung-ga-ri. Văn Cao chơi một trò chơi thật là nguy hiểm! 

Văn Cao đã đi bước thứ nhất trong Giai phẩm mùa Xuân thì Văn Cao đi tiếp bước thứ hai trong cái báo Nhân văn. [3] “Thơ Văn Cao” góp vũ khí chống Đảng, chống chế độ với bọn Nhân văn. Một lời toà soạn rất là xông hương trình diện rất là trịnh trọng một đoạn thơ dài của Văn Cao; họ đã nhè ngay cái “trái tim thuộc về Nhân văn” của Văn Cao mà trích. Tiếp theo lề lối của bài "Anh có thấy không" trên kia, Văn Cao bảo: “Kẻ thù của chúng ta xuất hiện” mà không đả động gì đến Mỹ-Diệm, chỉ nói đến những con rồng đất, những con bói cá, những con bạch tuộc một cách lập lờ ám muội. Văn Cao đặt tất cả lòng thù địch vào chữ “chúng”; chúng nào “muốn các em nhỏ mới biết đi phải rụng” ? chúng nào “làm rỗng những con người lụi dần niềm hy vọng” ? Ai là “những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc” ? Văn Cao không nói rõ, mà dùng lối ám chỉ thâm độc, đổ các thứ tội cho Đảng, cho cán bộ. Đó là cái lối gài mìn chống phá Đảng và nhân dân; những bài thơ, đoạn thơ trên đây rõ ràng là những sự việc chính trị. 

*

Sau khi báo Nhân văn chết rồi, Văn Cao viết những bài văn nói chuyện nghệ thuật. Mở đầu “Một vài ý nghĩ về thơ", Văn Cao nấp ngay sau cái chiêu bài “cộng sản”. “Một trong những hướng xây dựng nhân văn cộng sản là đào tạo cho xã hội những người biết khai thác, khám phá, phân tách thực tế và mở đường cho tương lai”. Muốn được như thế, tưởng là Văn Cao yêu cầu các nhà văn phải gắn liền với quần chúng cách mạng, phải đi theo với bộ phận tiên tiến nhất của nhân dân, là Đảng, có vậy thì mới chinh phục được tương lai; hoá ra Văn Cao chỉ đại ngôn như vậy, để mà viết tiếp theo rút ngay ra cái điều kiện là “nhà thơ phải thành lập cá tính”. 

Cá tính trên hết! Nhà thơ “phải chủ động thành lập lên sự thẩm mỹ mới cho người đọc, chủ động xây dựng con người biết tư tưởng cảm xúc và cảm giác tinh tế như mình cho xã hội đương thời và cả xã hội sau này”. Chính những nhà văn lạc hậu và những nhà văn phản động đã dán lên ngực những câu nói kênh kiệu và rỗng tuếch như trên đây; Văn Cao làm như nhà thơ có thể nấp sau cái “nghề” của mình, cái “chuyên môn”, cái “loại biệt tính” của mình, cứ thế mà ban phát sự “thẩm mỹ mới” cho thiên hạ. Nhất định nhà văn nhà thơ phải có cá tính, có độc đáo, nhưng không phải cứ cố tình “thành lập” mà được; trước hết phải có nội dung tốt đẹp, tiến bộ, và cá tính là cái bản sắc trong khi diễn đạt, gắn liền với nội dung. Trong một xã hội đang làm cách mạng như ở miền Bắc nước ta, thì nhà thơ phải xắn quần lên mà chạy theo cho kịp quần chúng cái đã, trước hết phải “lấy của quần chúng” được một cái gì đã, rồi sau mới hòng “trả lại cho quần chúng” được một cái gì; chứ còn những kiểu nhà thơ “tinh tế” như Văn Cao ước mơ, ngồi gặm móng tay mình, thì cái roi của lịch sử sẽ đánh vào đít! Thẩm mỹ của ta mới vô cùng, là vì nó xây dựng trên cơ sở quần chúng, nó là thẩm mỹ cho đa số; còn cái “thẩm mỹ mới” của Văn Cao, tự phụ rằng không ai tinh tế bằng ta đây, nó đã tắc tị và giẫy chết ở Âu châu từ cuối thế kỷ XIX rồi, có phải mới gì! 

Với một cái giọng cao đạo, ra vẻ bác học, thông thái, Văn Cao lại tiếp tục nói nào là “yêu những người biết thất bại và dám mở đường”, nào là “cái mới trước hết là cái mới trong tư tưởng, cảm xúc và trong cảm giác của nhà thơ”, nào là “ tấm bia trên mồ một người đã khuất có lẽ còn ở lâu trên mặt đất hơn một cuộc đời”… Đó là những thứ tư tưởng anh hùng chủ nghĩa, cứ mở đường liều, để lấy tiếng là “tiên phong”, không kể gì tổn thất trên lưng của quần chúng, thứ tư tưởng duy tâm, đặt cái chủ quan lên trước cái khách quan, thứ tư tưởng vô đạo, coi mạng người không bằng lâu đài, lăng tẩm [4] . Những thứ tư tưởng đó mới hở hơi ra, chúng ta đã nhức lên tận óc, không chịu được, phải bịt nó lại ngay! 

Rồi Văn Cao làm theo lối bắt quyết với hai tay không, và hô phong hoán vũ: “… cũng có người thấy trời xanh vô cùng tận trong bát nước, và cũng có người chỉ nói tới một giọt ánh sáng để thấy cái vô cùng tận của trời xanh. Có người phải tìm con đường lớn mới thấy dấu xe, mà có người tìm thấy dấu xe trong một hạt bụi”. Lấy một bộ phận để nói cái toàn thể, lấy một mắt xích để nói sợi dây chuyền, đó là phương pháp thường dùng ở trong nghệ thuật. Nhưng muốn dùng được phương pháp đó, thì điều kiện trươc tiên là phải biết thật rõ cả toàn thể, biết thật kỹ cả dây chuyền. Muốn nhìn thấy cái trong sáng trong một bát nước thì phải nhìn thấy tận mắt cả cái nguồn ánh sáng từ mặt trời đưa đến, chứ đừng nhầm với ánh lửa ma trơi. Sau luận điệu của Văn Cao nấp cái nói phét, cái tán dóc của những kẻ nhác lười sợ thực tế, sợ quần chúng, cứ ngồi bói một hạt bụi để thấy tất cả thế gian; vâng, hạt bụi có là một vũ trụ thật đấy, nhưng phải dùng khoa học cụ thể nghiên cứu cụ thể, mới được thấy những nguyên tử, điện tử trong đó. Một hạt bụi có thể đến từ một con đường lớn, mà cũng có thể đến từ một con đường rất nhỏ, một ngõ cụt tắc tị và bẩn thỉu, hay đến từ chân một con ruồi xanh đậu lên mép của “nhà thơ”. Muốn hiểu con đường lớn của cách mạng thì phải thực sự ra giữa đường lớn mà nhìn mà đi mà đắp mà tắm giữa quần chúng, chứ đừng có tin ở hạt bụi! 

Văn Cao có cái tài viết rất trịnh trọng những câu không có nghĩa lý gì hết: “Chỉ riêng cái phần giác quan của nhà thơ cũng nói được cái hướng biểu hiện hoặc thiên về tư tưởng, hoặc thiên về cảm xúc, hoặc thiên về cảm giác”. Văn Cao hiểu giác quan là cái gì? Có phải là nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ không? Năm thứ này, thứ nào và lúc nào thì thiên về tư tưởng, cảm xúc hay cảm giác? − Thời kỳ ra những câu đố để làm cho công chúng tưởng nhà văn là thâm thuý, qua đã lâu rồi! Văn Cao viết tiếp: “ Cái khuynh hướng đó nhiều khi còn là của cả một thời đại, một môn phái hay một triết học”. “Nhiều khi” là khi nào? Khi trước cách mạng hay sau khi cách mạng? Hai cái “khi” đó không thể san bằng được. Trước cách mạng, trước chủ nghĩa Mác-Lênin thì có trăm thứ “ba bị, chín quai, mười hai con mắt” ở trong văn nghệ, nhất là trong thời kỳ tan rã của chủ nghĩa tư bản; còn sau cách mạng, Văn Cao phải chọn chứ, phải biết hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác tốt nhất, đừng có lạc lối vào các môn phái sa đoạ, phân tranh, và chỉ có một triết học Mác-Lênin duy nhất đúng, chứ còn lắm triết học nào nữa? 

“Một vài ý nghĩ về thơ” của Văn Cao là một sự hiện hồn về của những quan niệm nghệ thuật đã bị cách mạng đào thải; dù có nấp mình sau cái nghĩa lớn của những chữ “cộng sản”, “xã hội sau này”, “khát vọng”, v.v…, vẫn không giấu được cái duy tâm chủ quan, cái cá nhân chủ nghĩa bế tắc, cái tìm tòi lập dị, cái khinh thường quần chúng, một mớ cặn bã tư tưởng cũ rích, mà Văn Cao cứ bảo là mới toanh! 

*

Cái lá cờ nghệ thuật ố bẩn đó, Văn Cao ngày càng giương cao lên, từ chỗ tung “một vài ý nghĩ” đến chỗ ngang nhiên đặt lên đầu những quyển sách. Nhà xuất bản Hội Nhà văn trước đây cho ra đời một loạt bài tựa gieo rắc những cái sai lạc; đứng đầu là bài tựa Văn Cao đề cho Những ngọn đèn của Yến Lan. 

Đại cục của thơ Yến Lan là một thứ thơ tủn mủn, đi vào chỗ kỹ thuật khô héo, quặt quẹo, bế tắc. Khoảng giữa tập Những ngọn đèn chỉ có được dăm ba nét của con người kháng chiến, mới mang có một chút xíu hơi mới của thời đại hãy còn quá rất mong manh (một số câu trong những bài Bên đường chiến khu, Những bạn đẩy goòng, Tỉnh nhỏ, Phù ly). Đáng lẽ Văn Cao phải nhấn vào cái chút hơi mới đó, khuyến khích cho nó lớn mạnh, thì Văn Cao lại đề cao cái luồng lạc hậu và thoái hoá. Phía trước tập thơ là những bài thơ cũ bị không ai biết chẳng ai hay trước cách mạng (trừ bài Bến My Lăng) đến nỗi dưới thời Pháp thuộc cũng không in ra được; sau một sự cố gắng ngắn ngủi tự cải tạo mình thì Yến Lan đã vội tiếc hối ngay ( “Cũng trong quãng đời đi đó đi đây− Tôi theo bước đôi người hì hục lăn vào cuộc sống− … Nhưng lòng tôi dần lạnh tiếng chuông ngân” trong bài “Tĩnh vật”) và quay trở về truy lĩnh những cái cô đơn lạc hậu trước cách mạng. Nhưng khi người ta hồi sinh cho những cái lạc hậu cũ, thì lúc sống lại, nó không chịu đứng yên ở mức cũ đâu! Chịu ảnh hưởng của nhóm phá hoại Nhân văn-Giai phẩm, Yến Lan, ngoài việc đi vào kỹ thuật chủ nghĩa, còn đẩy mình đến mức dùng những “biểu hiện hai mặt”: 

Hà Nội vẫn đi lên từng bậc nấc thang 
Trên những cột dài bóng đen chữ máy; 
…………………………………………………….. 
Hay tiếng mạ kền rà trên sắt rỉ 
Hay tiếng nảy của những “lò so ý nghĩ” 
Chống lên những mái đầu chìm 

Những ngọn đèn tắt phụt ở bài “Ga xép” đóng tập thơ sập xuống tối sầm (“Khi đời anh con tàu cũ đang trôi”… − “Như một nhà ga không người lên xuống” ). 

Một tập thơ, một luồng thơ như vậy, mà Văn Cao viết tựa đưa lên rất cao, nêu một cái gương đáng cho người ta học tập. Trong những dịp như thế này, Văn Cao càng cần đến cái giọng phù thuỷ; bởi vì khi người ta không có chân lý trong nội dung thì người ta phải lấy vẻ thâm nghiêm, cố nhăn trán lim dim con mắt, làm thế nào nói cho kêu, cho lấp lánh, cho rườm rà, lẩn quẩn, để mà không nói cái gì hết, đặng mà không ai bắt được cái lừa bịp của mình! 

Cả bài tựa của Văn Cao là một mớ tà thuyết viết theo lối thần chú. Văn Cao khen thơ Yến Lan là “Lúc nào anh cũng bắt đầu”… “chúng ta thường vui sướng đợi một sự đổi thay của nhau”… “tập thơ này đánh dấu một quãng đường dài chuẩn bị cho sự bắt đầu của anh”. Chúng ta làm cách mạng, dựng lên cả một xã hội xã hội chủ nghĩa mà lịch sử chưa từng có, nhưng chúng ta không mắc phải cái bệnh “hãy đi mãi!”, cái bệnh “luôn luôn mới!”, cái bệnh lúc nào cũng xoá đi làm lại tất cả, nghĩa là phá hoại, lúc nào cũng “bắt đầu”. Chúng ta mừng nhau tiến bộ chứ không mừng nhau đổi thay; vì bao năm được Đảng giáo dục, mà trở mặt phản bội như nhóm Nhân văn, cái lối đổi thay đó là sự cuối cùng của đê nhục. Văn Cao nói: “Thơ anh bắt đầu biết đề cao những hành động, tình cảm của con người anh yêu lên để đả phá những bọn phá hoại sự xây dựng của xã hội”. Yến Lan rời chỗ sáng, đi vào con đường bế tắc, tối tăm, bắt đầu sa xuống hố hoang mang, thoái hoá, học lối nói xỏ xiên đối với Đảng, thì Văn Cao lại cho là một thành tích; bọn phá hoại sự xây dựng của xã hội chính là bọn Nhân văn-Giai phẩm, Văn Cao còn đổ cho ai? 

Văn Cao viết: “Thơ Yến Lan càng ngày càng muốn đi gần lại cuộc sống hiện đại: một người đi từ một vùng thủ công nghiệp đến một thành phố kỹ nghệ. Từ một người hiền lành, bình dị, Yến Lan đang trở thành một người muốn thúc đẩy một sức gì đang làm trì trệ cuộc sống của chúng ta…”. Cái thuyết “hiện đại” của Văn Cao là cái chủ nghĩa “tân thời” cho rằng càng phức tạp tức là càng tiến bộ. Không phải! Nghệ thuật tư sản hiện nay nhất định làm thơ không ai hiểu được, nó vẽ tranh trừu tượng chủ nghĩa, rất quái dị, và nó bảo rằng thời đại của kỹ nghệ, của kỹ thuật, của ra-đi-ô, vô tuyến truyền hình, của bom nguyên tử, thì văn nghệ phải như thế mới đúng điệu. Văn Cao cho rằng hễ là thành phố kỹ nghệ thì tâm trí con người và văn nghệ phải rắc rối theo; điều ấy chỉ đúng với thành phố kỹ nghệ tư bản chủ nghĩa, nơi tập trung những cái tà ác, những cái tan rữa, điên loạn của chế độ tư bản. Còn trong phe ta bây giờ, một nước còn ở trình độ chăn nuôi như Mông Cổ, nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam, vẫn có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội mà không cần phải bước vào cái quằn quại giẫy chết của chủ nghĩa tư bản. Kinh tế chúng ta phải tiến bộ lên công nghiệp hoá, kỹ nghệ hoá, nhưng tâm trí chúng ta lại tiến bộ theo một quá trình khác: những tầng lớp bên trên, bị văn hoá đế quốc lôi đi theo cái rắc rối, cái phức tạp đồi trụy của nó, cần phải giải độc, phải học lấy cái đơn giản vô cùng phong phú, cái lành mạnh vô cùng cao quý của của những con người xã hội chủ nghĩa. Cho nên Yến Lan “đi từ một vùng thủ công nghiệp đến một thành phố kỹ nghệ” chưa phải là việc đáng mừng, mà Yến Lan đi tới cái rắc rối, cong queo, nhọc mệt không có hồn của những bài thơ “Ngọn đèn ngoại ô”, “Hà Nội sang hè”, “Hàng Gai”, “Ga xép” (“Có lòng tôi quàng áo đỏ chầu kinh ”), thì là một việc đáng lo, đáng giận. Thơ Yến Lan sau một cái ánh của kháng chiến dọi vào chưa mạnh lại rơi sâu hơn vào bóng tối, vào quá khứ, chính nó “đang làm trì trệ cuộc sống của chúng ta”, chứ Văn Cao đừng nói ngược bảo rằng nó “thúc đẩy”. Chính cái kiểu thơ, cái kiểu tư tưởng không có một chút hơi trong lành, mới mẻ của công nông binh thổi tới, như Yến Lan, là “đã nằm đọng lại giống như những vũng nước”, là “con sứa chết phơi trên bãi cát” mà Văn Cao muốn ám chỉ vào những người khác đấy! 

Cái trắng trợn cao nhất của Văn Cao là đề cao bài thơ trắng trợn “Tĩnh vật”. Yến Lan niệm kinh trước những tranh tĩnh vật nào đó, ngồi chơi màu mà cố ý nói mê nói sảng, ca tụng tranh tĩnh vật với một “lập trường” hẳn hoi, mừng rằng chúng “đã chiếm hồn tôi như chiếm một đô thành − không cần đến thanh gươm viên đạn” , là để mà mắng nhiếc: 

Bởi họ thiếu 
con tim 
khối óc 
Luôn động đậy 
nhưng chỉ là tĩnh vật 

Văn Cao hoan hô những câu này trong bài tựa, thật là một đồng một cốt đắc ý cười ha hả với nhau! Đến đây thì họ đã đi xa quá! Họ mạt sát những người cộng sản, những người cán bộ theo luận điệu “Người khổng lồ không tim” của Nhân văn-Giai phẩm; họ có sáng tạo ngôn ngữ thật đấy, tìm được hình ảnh rất cay chua, nổi bật để nói một điều phản động. Hình ảnh càng xách mé, tư tưởng phản động càng phơi bày tính chất thù địch. Kinh Thánh bảo: “Khởi đầu tất cả là lời nói”; văn thơ làm bằng ngôn ngữ nên một số người nắm được một ít ngôn ngữ là họ tưởng nắm được tất cả rồi; bày ra được một vài cách khéo nói, cách lên dòng xuống dòng, xỏ xiên được thiên hạ, họ cho là họ đã làm được kỳ công, công kênh tán tụng lẫn nhau. Đó là một bọn hình thức chủ nghĩa đi vào đường chết của tư tưởng và của nghệ thuật. Chúng ta thì chúng ta bảo: “Khởi đầu tất cả là lao động”. Nhà văn trước tiên phải ôm lấy tư tưởng đúng, phải ôm lấy quần chúng vạn năng, phải ôm lấy Đảng vĩ đại, chứ nếu chỉ ôm lấy một mớ chữ, theo lối Văn Cao tán thưởng, thì chỉ là ôm lấy tro tàn thuốc lá hay cặn rượu mà thôi. Huống chi mớ chữ đó lại còn phản động, thì nhất định tiêu ma sự nghiệp. 

Bài tựa Văn Cao giới thiệu “Những ngọn đèn” là một mẫu hàng khá tiêu biểu của chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ. Nhưng những câu văn viết lối thần chú không che đậy nổi cái vô nghĩa, cái phi chân lý, cái tà thuyết của tư tưởng Văn Cao. Dù khéo dán nhãn hiệu thế nào, thuốc độc vẫn là thuốc độc. 

*

Văn Cao đã tự phân tích mình dưới thời Pháp Nhật thuộc: “bị ảnh hưởng những thứ nhân sinh quan nửa phát-xít, nửa đồi trụy thời bấy giờ, tôi muốn tìm lối siêu thoát trong nghệ thuật và trong đời sống bằng con đường của chủ nghĩa cá nhân anh hùng, phiêu lưu. Một mặt khác thì đi sâu vào nghệ thuật suy đồi”. Lớn lên trong những ngày cuối cùng của Pháp Nhật thuộc, Văn Cao bị đầu độc nặng nề, điều đó rất dễ hiểu. Cái đau đớn là Văn Cao lại coi những thuốc độc ấy là bản chất, là bản ngã, là “tâm hồn” của mình, cố hết sức bảo tồn nó, đưa nó vào ăn ở chung với tư tưởng của Đảng. Sự lộn sòng đó kéo dài. Đó là một sự mai phục, đến một khi gặp thời cơ thì nó lại hiển hiện ra, nảy nở đầy đủ hơn xưa và công phá mạnh mẽ hơn xưa. Nhưng sống dưới chế độ ta nên nó vẫn cứ phải khoác áo là tư tưởng của Đảng. Nó phải lá mặt lá trái. Đảng nắm chính quyền, nó muốn tiếp tục nhận những ân huệ của Đảng. Nhưng tư tưởng Đảng là ngoại lai với nó; nó chống phá từ bên trong chống phá ra: “Luôn trong mấy năm, tôi tự đẩy mình vào một hệ thống hoạt động chống đối liên tiếp trong văn nghệ, làm ngột ngạt sự sinh hoạt tư tưởng của chúng ta” [5] . Trước cuộc đấu tranh này, khi những tư tưởng xét lại chưa bị vạch trần, lá cờ nghệ thuật của Văn Cao đã có lúc chừng như phất cao lắm. 

Và Văn Cao cũng đã không ngừng làm những bài thơ rất độc hại; “Những nét mặt” của Văn Cao (báo Văn số 93 ngày 20.12.1957) phải chăng là “những người của chúng ta − đang mờ mờ xuất hiện” mà Văn Cao mong đợi? Bao nhiêu con người cách mạng, kháng chiến mà vào trong thơ Văn Cao chỉ có những cái mặt tan rã, chập chờn như mặt nạ, Văn Cao hai lần hỏi: 

Những người đi buổi ấy 
Bây giờ còn lại bao nhiêu? 

Nghĩa là thế nào? Họ mỗi người một việc, đi có chỗ, về có nơi, trong bộ đội, vào nhà máy, ở công trường, tại nông thôn đổi mới; đến như các liệt sĩ, dù có chết, vẫn thơm mình Tổ quốc; thế mà Văn Cao kể: 

… Những nét mặt gặp trong đêm tối 
Những ánh đuốc in nửa má nghiêng nghiêng 
Những cặp mắt nhìn lặng lẽ 
Những bàn tay che nửa mặt im lìm… 

rồi lại hỏi một lần thứ ba, để kết luận: 

Những người đi buổi ấy 
Còn lại bao nhiêu suy nghĩ những gì 

Họ là những con người có Đảng lãnh đạo chứ có phải là mây đâu! Sở dĩ Văn Cao hỏi như người ngái ngủ vậy, là vì “chơi” mặt người như chơi những chất liệu màu sắc, hình dáng, chứ không thấy họ cụ thể ở trong xã hội. 

Cuộc đấu tranh tư tưởng chống chủ nghĩa xét lại ở trong văn nghệ hiện nay cũng mới chỉ là một bước đầu. Chúng ta cần phân biệt cho rõ giả chân, không cho những thứ tư tưởng nghệ thuật kiểu Văn Cao trá hình, tác quái! 

7/1958 


[1]Trong bài thơ "Gửi những người mai sau". Bài thơ này, và nhiều bài khác, đã bị nhóm Nhân văn-Giai phẩm dịch ra mà cố tình không chú thích thời gian, hoàn cảnh để dùng vào mục đích “biểu hiện hai mặt" trong tập thơ dịch Gửi người mai sau (nguyên chú của Xuân Diệu)
[2]Xem “Tự kiểm thảo của nhạc sĩ Văn Cao”, báo Văn học số 3 (15/6/1958) (nguyên chú của Xuân Diệu) 
[3]“Những ngày báo hiệu mùa xuân” (trích tập thơ Cửa biển) đăng báo Nhân văn (nguyên chú của Xuân Diệu) 
[4]Xem bài “Thế nào là cái mới”, Văn nghệ số 4 (nguyên chú của Xuân Diệu) 
[5]“Tự kiểm thảo của nhạc sĩ Văn Cao”, Văn học số 3 (nguyên chú của Xuân Diệu) 


nguồn: Dao có mài mới sắc (tập bút ký, tiểu luận và phê bình của Xuân Diệu), Nxb. Văn học, Hà Nội, 1963, tr. 101-114. Bản điện tử do Lại Nguyên Ân cung cấp.
























































Nỗi khổ "tình trai" của nhà thơ Xuân Diệu





















trích "Cát Bụi Chân Ai" của nhà văn Tô Hoài






“…Tôi quen Xuân Diệu trước 1945. Tôi cũng là người Xuân Diệu rủ đi nghe và cổ vũ Xuân Diệu lần đầu tiên thuyết đề tài Thanh niên với quốc văn ở giảng đường trường đại học Hà Nội. Xuân Diệu nói “Hoài đi ủng hộ Diệu”. Anh Hiến sinh viên mặt tái xanh nhút nhát ra giới thiệu lúng túng. Không sao, Xuân Diệu áo tuýt so lụa mỡ gà, cà vạt lấm tấm vàng sẫm, làn tóc rậm đen loăn xoăn trên đài trán đã thu hút người nghe vào ngay câu chuyện. Đột nhiên Xuân Diệu nói nhịu chữ “tâm hồn”- như một bà già trong làng bán bánh đúc có tật nói nhịu nhảm. Nhưng Xuân Diệu vẫn tiếp tục sang sảng hùng biện, không ai kịp sửng sốt.


Xuân Diệu và Huy Cận lên Nghĩa Đô, ở chơi cả buổi và ăn cơm. Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối. Xuân Diệu gắp thức ăn cho tôi. Cử chỉ thân thiết quá, hơi lạ với tôi, nhưng mà tôi cảm động. Tôi sướng mắt nhìn tập thơ, thơ khổ rộng nhà in Trung Bắc phố Hàng Buồm. Hai chữ Xuân Diệu nét chì sắc gợn, không phải chữ gỗ dẹp đét.

Thỉnh thoảng, Xuân Diệu lại lên nhà tôi. Vẫn nắm tay cả buổi, nhìn tha thiết. Xuân Diệu yêu tôi. Nhớ những tình yêu con trai với nhau, ở trong làng và ở lớp, khi mới lớn. Học lớp nhất trường Yên Phụ, nói vỡ tiếng ồ ồ, mặt xùi trứng cá, chúng nó cứ bảo tôi là con gái. Nhiều thằng cặp đôi với tôi, đòi làm vợ chồng. Có hôm chúng nó tranh vợ đánh nhau lung tung. Có đứa xô vào ôm chặt, sờ soạng toạc cả đũng quần tôi. Nhiều hôm đi học không dám đến sân trường sớm. Phải lẩn vào trong ngõ Trúc Lạc, nghe trống mới chạy ù đến xếp hàng vào lớp.

Đường cứ mưa rào. Trong thung lũng, có khi cơn nước mù mịt trắng xoá cả ngày. Ở Yên Dã, đi chợ Lục Ba, Ký Phú nhỡ gặp cơn lũ lên phải ngủ nhờ qua đêm bên này suối. Hết mưa rào xối xả, đến mưa dầm tả tơi, còn buồn hơn. Triền Tam Đảo cao ngang đầu đổ bóng tối sầm. Nước mưa giọt ngắn giọt dài, đêm ngày mái nứa rả rích không lúc nào dứt hạt. Dường như trong trời đất chỉ còn cái xóm núi này xót lại chưa bị nạn hồng thuỷ. Có uống cả vò rượu nếp nhà kiến trúc sư Võ Đức Diên cũng không vơi được cái hiu hắt và nỗi nhớ phố phường, chốc chốc lại giơ đếm ngón tay nhớ kể tên những ai ai.

Mới xế chiều đã chập tối, chẳng còn ai thò chân ra đường xóm đá tảng lầy lội. Cơm xong, nhà ăn đóng cửa, mái rạ lẫn vào sườn đồi chơ vơ. Mấy cậu văn phòng ở một mình, xong bữa lại quẳng bát đũa đấy, vào chơi ngủ luôn tại các nhà trong xóm. Có cậu việc gấp, đánh máy đêm xong cũng chuồn mất. Dãy buồng ở tập thể không đèn đóm, tối thui. Không nghe tiếng người trở mình, giát giường không ken két, im như đất hoang. Nhà tôi ở ngoài ven gò giữa đồng. Rượu khuya, đường mưa lội tôi ngủ lại.

Chúng nó sợ, đi bỏ trống cả cơ quan. Cả dạo mưa gió, Xuân Diệu ở lại u tỳ quốc không ra ngoài. Giọt gianh lách tách mái nứa gọi về những đêm ma quái, rùng rợn, say đắm. Bàn tay ma ở đâu sờ vào. Không phải. Tay người, bàn tay người đầy đặn, ấm ấm. Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên cổ rồi xuống dần khắp mình trần truồng trong mảnh chăn dạ. Bóng tối bập bùng lên như ngọn lửa đen không có ánh, cái lạnh đêm mưa rừng ấm dần lên. Chẳng còn biết đường ở đâu, mình là ai, ta là ai, hai cơ thể con người quằn quại, quấn quýt, cánh tay, cặp đùi thừng chão trói lại, thít lại, dằng ra. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra, dữ dội dằn ngửa cái xác thịt kia.

Rồi như chiêm bao, tôi ngã ra, thống khoái, im lặng. Nghe mưa rơi xuống tàu lá chuối trong đêm và cái mệt dịu dàng trong mình. Giữa lúc ấy, hai bàn tay mềm như lụa lại vuốt lên mặt. Làn môi và hơi thở nóng như than bò vào mắt, xuống vú, xuống rốn, xuống bẹn… Cơn sướng lại cồn lên cho đến lúc ngã cả ra, rúc vào nhau. Rồi bàn tay dịu dàng lại vuốt lên mặt. Lần này thì tôi lử lả, tôi nhuôi ra rên ư ử, như con điếm mê tơi không nhớ nổi người thứ mấy, thứ mấy nữa. Trời rạng sáng. Xuân Diệu trở về màn mình lúc nào không biết. Tôi he hé mắt nhớ lại những hứng thú khủng khiếp. Những cảm giác nồng nàn kích thích trong bóng tối đã trơ ra khi sáng bạch. Tôi chạy xuống cánh đồng giữa mưa. Nhưng đêm mai lại vào cuộc dữ dội. Trong đêm quái quỷ lại thấy hình như không phải mình mọi khi, cũng không biết rồi trời lại sáng. Cho đến khi thật thấy rạng sáng mới rờn rợn.

Mọi công việc cơ quan lặng lẽ, nhưng tối đến thì cứ nháo lên, nháo lên một cách âm thầm. Các chàng trai trẻ vào ngủ lang trong xóm. Thằng Đại trắng trẻo, mũm mĩm thì biến là phải. Nhưng cả đến thằng Nghiêm Bình cao to hiên ngang thế, rồi cũng lẳng lặng vác cái ghi ta đi. Bốn bên lặng như tờ. Chỉ còn cái màn đã buông sẵn của lão trai già Văn Hiến - một tay bốc trời khoe trước kia đã nhẵn mặt ăn chơi xóm Mông – mác bên Paris. Không biết lưu lạc ở đâu vào cơ quan, lão Hiến quần nâu vá gối, vá hai bả vai to bằng cái quạt mo, không biết ai mách đến cơ quan công tác giữ sổ công văn đi đến. Có những đêm quanh đống củi sưởi, Trọng Hứa nhún nhẩy gãi ghi ta một ca khúc Phần Lan, Đào Vũ dịch lời Trung Quốc: Đây, gió, đây trong rừng… thì lão nghệ sĩ Văn Hiến bỗng trợn mắt uốn tay vờn cái ống quần rách nhảy quanh ánh lửa một mình một điệu vanxơ uyển chuyển tả tơi, chiếc màn một trơ trọi của lão Hiến, đôi khi cả màn của Kim Lân, của Nguyên Hồng ở Bắc Giang sang, ngủ tạm đấy.

Chẳng biết đêm hôm có ông kễnh nào bị bàn tay nhung sờ vào rốn không. Cuộc kiểm điểm Xuân Diệu kéo liền hai tối. Hồi ấy chưa biết phương pháp chỉnh huấn, nhưng hàng ngày chúng tôi làm việc giờ giấc nghiêm ngặt, mỗi tổ buổi chiều trước giờ tăng gia lại hội ý rút kinh nghiệm, hướng sửa chữa và công việc ngày mai từng người. Cả cơ quan họp đến khuya. Chỉ có ông Phan Khôi lên buồng vẫn mắc màn sẵn đi ngủ từ chập tối, bỏ ngoài tai mọi việc.

Xuân Diệu chỉ ngồi khóc, chẳng biết Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Trọng Hứa, Nguyễn Văn Mãi, cả lão Hiến, thằng Nghiêm Bình, thằng Đại và mấy thằng nữa, có ai ngủ với Xuân Diệu không, nhưng cũng không ai nói ra. Tôi cũng câm như hến. Lúc rồ lên, trong đêm tối quyến rũ, mình cũng điên kia mà. Không nói cụ thể việc ấy, nhưng ai cũng to tiếng gay gắt “tư tưởng tư sản, phải chừa đi”. Xuân Diệu nức nở “tình trai của tôi…tình trai…” rồi nghẹn lời, nước mắt lại ứa ra.

Ít lâu sau, trong một cuộc họp ban chấp hành, Xuân Diệu bị đưa ra khỏi ban thường vụ. Và cũng thành một cái nếp kéo dài, từ đấy không ai nhắc nhở đến những việc chủ chốt trước kia Xuân Diệu đã phụ trách. Bỗng dưng, Xuân Diệu thành một người hiếm thì giờ chỉ chuyên đi viết. Mà Xuân Diệu cũng tự xa lánh mọi công tác.

Mỗi khi nhớ, chuyện về Xuân Diệu chỉ buồn thương, buồn cười và đáng yêu. Xuân Diệu tính đếm cẩn thận, từ chi tiêu đến sáng tác, cẩn thận một cách lờ khờ, có khi tưởng kín bưng, kỳ tình ai cũng biết.

Đặt kế hoạch hẳn hoi chứ. Xuân Diệu hay đi nói chuyện văn thơ. Xuân Diệu chăm chút bảy, tám bài nói, nói khắp nước cũng chuyện mấy tủ ấy. Đã trau dồi đến thuộc làu, chỗ nào giơ tay, chỗ nào nghiêng phải, nghiêng trái, lên giọng và nhấn mạnh, chỗ nào đợi vỗ tay, đợi cười và mỉm cười. Xuân Diệu xuýt xoa thú vị: “Nước ta rất chuộng văn học và cũng là cái mốt. Phục vụ không bao giờ xuể được, nói suốt tháng vẫn kín chương trình”. Thời chống Mỹ, tôi đi với Xuân Diệu lên nói chuyện ở trường đại học sư phạm Vinh sơ tán trên huyện Thạch Thành, Thanh Hoá. Mỗi bữa ăn, Xuân Diệu săn sóc thực đơn lấy – Xuân Diệu nói – như thế không làm chủ nhà tốn kém, lại hợp sự cần thiết của mình, không sang trọng đâu, toàn những thứ cần thiết, mấy quả trứng, thịt bò hay thịt gà, canh măng hay canh cà chua, cho nhiều hành và nhớ đậm một chút. Với ngày hai buổi, lại tối nữa, phải thế mới có sức.

Cả đến viết, Xuân Diệu cũng tính chi ly tức cười, mỗi bài đều để làm hai việc một lúc. Bài nói ở đài hoặc đăng báo rồi in sách. Nếu không, không viết. Không bao giờ viết bài đăng báo rồi không in vào sách. Xuân Diệu chê tôi viết lung tung, phí chữ. Năm tháng qua, quyển sách thành hình trong đầu, các bài viết lắp dần vào. Lại từ đấy tính ra sự tiêu pha. Ở Yên Dã, cái quần kaki vàng nhạt của Xuân Diệu đã bợt cả hai bên mông. Hỏi sao để trễ tràng thế, sắm cái quần khác đi. Bảo: “Không ngờ cái kaki này mau rách, thành thử lỡ kế hoạch. Đáng lẽ cuối năm mới đến hạn thay quần mới. Chán quá”. Chúng tôi đi công tác “thuế công thương” ở trung du. Xuống tận Lâm Thao, cách bốt Việt Trì không mấy chốc. Đã được trên tỉnh dặn phải gọn. Gọn, nhưng ba lô Xuân Diệu vẫn đủ thứ dự trữ, mỗi chuyến đi công tác đều sắp sẵn thế. Lọ nước mắm kem đặc sệt. Một túi củ hành tỏi đã bóc bớt vỏ cho nhẹ đem từ khu bốn ra. Hộp thịt bò khô ướp lá sả. Cái thịt bò khô khan ấy xào nấu ở nhà tôi, hôm chúng tôi tạt vào Thinh Cù trước khi xuống Lâm Thao.

Lúc đi, tôi chỉ đeo ba lô con cóc, có cái màn và quần áo. Xuân Diệu cằn nhằn: cậu này, có cái ăn mà cũng ẩu. Thế thì cậu quý cái gì? Nói thế, nhưng xuống bếp tập thể vẫn chia cho tôi miếng thịt và củ tỏi, cho đấy, ăn nữa cũng được. Nhưng cứ phàn nàn, càu nhảu. Tôi cười và chén tự nhiên.


Suốt đời thương nhớ trong thơ đồng giới

Xuân Diệu cho tôi là một đứa khinh bạc. Nhưng lại thương tôi, nên hay khuyên bảo, nhiều khi từ những việc nho nhỏ. Xuân Diệu khuyên tôi phải biết quý miếng ăn. Xuân Diệu dậy tôi khi nào đứng đái thì cắn chặt hai hàm răng lại, như thế sẽ ăn khoẻ chẳng kém hàng ngày uống vitamin B. Xuân Diệu bảo bí quyết dưỡng sinh gia truyền ấy, ông thân sinh đã dạy từ khi còn bé. Tôi có cảm tưởng Xuân Diệu ăn uống chẳng bao nhiêu, nhưng ăn cố. Không phải Xuân Diệu ăn, mà một người nào khoẻ lắm gắp hộ, biến Xuân Diệu thành con ma ăn, trông đến thương.

Một chuyến cùng nhau đi nước Lào chúng tôi ở khách sạn Apôlô, mỗi sáng Xuân Diệu nhắc: không ăn sữa thì để riêng đấy cho mình, không ăn hết bánh cuốn thì lấy đĩa sẻ sẵn ra cho vệ sinh. Cố lên, ăn phất phơ như cậu không được. Nhà bàn bưng ra nhiều món, Xuân Diệu cứ thong thả vừa nhai vừa ngắm từng miếng đến hết. Đêm ấy đau bụng, phải đi cấp cứu. Ở bệnh viện về, Xuân Diệu thở dài: “Cái miệng làm khổ cái bụng, mình phải tính tham ăn”. Nhưng rồi lại vẫn thong thả quét sạch mâm, như mọi khi.

Tuy vậy, ăn phung phí Xuân Diệu không chịu. Tôi rủ Xuân Diệu đi nhà hàng Phú Gia, đầu bàn đặt chai bọc rơm rượu Ý Chianti. Có cả Nguyễn Tuân và Huy Cận. Tôi nói đùa với Nguyễn Tuân: “Phải lên cao lâu để xem ông ấy ăn cho thích mắt”. Nhưng Xuân Diệu chỉ gọi có một món bít tết. Xuân Diệu bảo tôi: “Bao nhiêu đứa đứng xung quanh rình chọc tiết cậu, giết tiền của cậu. Ăn làm gì ! Một món ở đây nó thiến bằng cả tháng thịt chó. Thịt chó bổ nhất các thứ thịt”.

Thịt chó, nhưng Xuân Diệu cũng không đụng đến thịt chó hàng. Xuân Diệu mua thịt chó sống, mỗi tuần lễ đánh chén vào hai lần nhất định. Trong thành phố nhiều quán thịt cầy, mà không có hiệu bán thịt chó sống. Xuân Diệu đã có thổ mua quen. Xuân Diệu mách tôi “cái cô bé quang gánh ngồi chỗ cửa sau chợ hàng Da”. Tôi đã đến mua của cô hàng thịt chó sống bên cái sân bán cua ốc nhớp nháp cạnh nhà vệ sinh khai nồng nặc. Bây giờ chợ hàng Da mới, cô hàng thịt chó sống ra đứng bán rong ngoài vỉa hè. Chẳng biết ngày trước cô hàng có biết ông khách quen ấy là nhà thơ của ta không.

Một dạo, tôi làm đối ngoại ở cơ quan. Thỉnh thoảng, Xuân Diệu cho tôi chiếc mùi xoa, đôi bít tất, đem đến tận nhà. Tôi cười: “Hối lộ à?” Xuân Diệu nói: “Thằng này cái gì cũng đoán được, mà nói ác. Ừ, để nhớ đến nhau thôi”. Có gì đâu mà tinh quái, chỉ hồn nhiên như Xuân Diệu mới lấy làm lạ.

Từ thuở trẻ, cái bắt tay như vồ lấy, trán đụng vào nhau, bốn con mắt vuốt ve nhau nghiêng ngả. Ở đâu Xuân Diệu cũng đào hoa mối tình trai. Buổi chiều trong kháng chiến, đã hết lo máy bay lên đánh bom, chúng tôi đặt ba lô nghỉ chân ở Ấm Thượng xuống sông tắm táp xong, lên dạo phố. Đêm nay thị trấn mời Xuân Diệu nói chuyên thơ. Bọn con trai choai choai kháu khỉnh xúm xít quanh nhà thơ. Tuổi trẻ, trai gái thấy nhau như có điện, dù điện yêu hay điện ghét, thái độ hiện ngay ra con mắt, nụ cười, cái bĩu môi, dáng xóc cổ áo, bãi nước bọt. Đằng này, con gái đi ngang mặt dửng dưng như không, nhưng con trai xoắn xuýt vòng trong vòng ngoài. Sáng hôm sau còn đến chơi. Xuân Diệu nắm cổ tay từng đứa, nhìn dõi vào mắt, mân mê như chọn đẵn mía. Các cậu còn đeo ba lô hộ, tiễn chúng tôi một quãng xa.

Chiều hôm ấy ở Viêng Chăn bên cửa sổ buồng khách sạn Apôlô bờ sông Mêkông trông sang lưng phố bến Nọng Khai bên kia. Rặng cây “mạy sắc”, những chòm hoa đùn lên như giải mây vàng phủ dài.

Chúng tôi trầm ngâm cả giờ nhìn sông lũ đỏ ngầu – cách một mảng nước đã là Thái Lan. Mai mốt dòng sông xuống dưới kia qua chín cửa ra biển Đông. Thời gian, xa cách và sông nước lúc nào cũng không cùng.

Tự dưng, Xuân Diệu nắm tay tôi:

- Chúng mình già rồi.

Nhớ những đêm man dại ở Yên Dã, nhớ như in hơn bốn mươi năm trước, cũng tay tôi đây, Xuân Diệu vuốt lên, đắm đuối. Bây giờ nhìn nhau lặng yên. Tôi chợt buồn hơn cả câu Xuân Diệu nói. Xuân Diệu không già mà tôi mới là ông lão. Xuân Diệu có một tình yêu riêng không biết bao nhiêu tuổi, từ xa xưa đến bây giờ vẫn tơ vương, vẫn thanh xuân, vẫn thiết tha. Ở Đan Mạch mới có luật cho người cùng giới lấy nhau. Lão Axen 72 tuổi yêu lão Alyxin 70 tuổi đã trên bốn mươi năm, bây giờ được ra toà thị chính Thủ đô Côpenha làm đăng ký kết hôn. Nhưng chàng Xuân Diệu không thuỷ chung như hai lão kia. Xuân Diệu đào hoa và đam mê, cả đời đuổi theo mộng.

Một bài thơ, những bài thơ, những mối tình trai, tình gái. Thơ tình Xuân Diệu gửi một người lính trẻ rời thành phố vào chiến trường.


EM ĐI
(Tặng Hoàng Cát)

Em đi, để tấm lòng son mãi
Như ánh đèn chong, như ngôi sao
Em đi, một tấm lòng lưu lại
Anh nhớ thương em, lệ tuôn trào
Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga
Chưa chi ta đã phải chia xa!
Nụ cười em nở, tay em vẫy,
Ôi mặt em thương như đoá hoa!
Em hỡi! Đường kia vướng những gì
Mà anh mang nặng bước em đi!
Em ơi, anh thấy như anh đứng
Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa.
Nhưng bóng em đi khuất khuất rồi,
Đứt lìa khúc ruột của anh thôi!
Tình ta như mối dây muôn dặm
Buộc mãi đôi thân, dẫu cách vời
Em hẹn sau đây sẽ trở về
Sống cùng anh lại những say mê…
Áo chăn em gửi cho anh giữ,
Xin gửi cùng em cả hẹn thề!
Một tấm lòng em sâu biết bao
Để anh thương mãi, biết làm sao!
Em đi xa cách, em ơi Cát
Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ, yêu…

(đêm 11/7/1965 23 giờ 30)


Ai yêu thơ Xuân Diệu, hiểu được thơ tình não nùng của Xuân Diệu, không phân biệt trai gái, phải thấu nỗi niềm và duyên nợ của nhà thơ, suốt đời nhớ thương và chờ đợi. Không bao giờ sầu não thất vọng, không bao giờ già, mãi mãi ban đầu ...






Tô Hoài 






































































Xuân Diệu & Bạch Diệp 
(người vợ duy nhất trong đời của nhà thơ)

































Tiếng thơ bi thương
Cho cuộc tình tan vỡ
_______________________________
Nhất Uyên- Phạm Trọng Chánh

Di cảo thơ Xuân Diệu

Cuộc đời có muôn màu, muôn sắc, có đam mê, yêu đương, dỗi hờn, ghen tuông.. và có cả tan vỡ, bi thương. Xuân Diệu cho rằng ông đã sống trọn vẹn cuộc đời và ước mơ thơ mình được soạn thành Tự Điển Tình Yêu Bằng Thơ Tình Xuân Diệu, để thế hệ mai sau khi có một tâm sự gì trong tình yêu, mở Tự Điển Tình Yêu ra đều tìm thấy những nguồn an ủi lòng mình trong đó. 
Tháng 10 năm 1981, Việt kiều tại Paris mời ông sang chơi và nói chuyện thơ tại các trường Đại Học, tôi được hân hạnh tiếp đón ông và đưa ông đi thăm các danh lam thắng cảnh trong một tháng, ông rất thú vị tâm đầu ý hợp và  xem tôi như người bạn thơ tri kỷ tri âm, ngày chia tay ông trao hết cả di cảo và việc soạn thảo Tự Điển Tình Yêu cho tôi.  Ông còn chép tay tặng tôi một tập thơ ông đóng và khâu cẩn thận và  ghi cảm tưởng khi đọc thơ tôi:  
Bàn chuyện thơ cùng bạn Nhất Uyên,
Ngỡ hồn đất nước đến gần bên.
Đọc Vùng lửa đỏ, Công như núi,
Cảm tấm lòng son từ thanh niên.
Xuân Diệu. X-1981.

Vùng lửa đỏ và Công như núi, ông gọi tắt hai tập thơ của tôi, Cánh chim từ vùng lửa đỏ là tập thơ tôi in chung với nhạc Tôn Thất Lập xuất bản năm 1974. Và Công cha như núi Trường Sơn là tập thơ tôi in năm 1975. Cả hai tập do Hội Sinh Viên Sáng Tác tại Hải Ngoại xuất bản.
Về Hà Nội ông viết bài thơ gửi tặng

THƠ  TẶNG NHẤT UYÊN
Bỗng nhiên ào tới nỗi thương Uyên,
Thương Nhất Uyên ta, nhớ bạn hiền.
Thắm thiết niềm son thơ tuổi trẻ,
Đáy hồn Trọng Chánh vẫn gìn nguyên.
Ôi ! niềm thanh quí trong hồn bạn,
Bạn đã đem mà tiếp đãi ta,
Ta nhận mến thương, nâng rất khẽ,
E tay nhàu chạm cánh bông hoa.
Nâng khẽ mà lòng nhận rất sâu.
Nhất Uyên ơi, đời vẫn nhiệm mầu !
Ta về muôn dậm, xin gìn giữ
Tình bạn thơm tho ta thấu nhau.
Hà Nội 25X,30XI.81

Từ năm 1981 cho đến năm 1985, mỗi lần nhà thơ Huy Cận sang Paris, ông Xuân Diệu thường gửi quà cho tôi, là những quyển sách mới, cũ ông ký tặng và có khi là một gói cốm xanh, một bao bột.. Các tập thơ cũ ông sửa chữa cẩn thận từng dấu phẩy, và các chữ in sai.
Trong di cảo  thơ Xuân Diệu có nhiều bài thơ ông viết về mối tình  ông và bà Bạch Diệp, nhiều bài thơ không tiện in khi ông còn sống, nhất là những bài thơ đau đớn cho mối tình tan vỡ không thích hợp với không khí  đương thời. Trong bài viết này tôi viết về những bài thơ tình tan vỡ của Xuân Diệu.   
 Trong Tự Điển Tình Yêu tôi tập hợp, tổng kết khoảng 600 bài thơ tình Xuân Diệu làm 65 đề mục theo chủ đề và nội dung các bài thơ Xuân Diệu, mỗi chương có một bài dẫn tóm lược:  Tình thi sĩ, Tình học sinh, Tình yêu, Tình Thơ, Tình mộng, Tình tương tư, Tình câm, Tình Xuân, Tình Hạ, Tình Thu, Tình Đông, Tình trăng sao, Tình chim bướm, Tình hoa lá, Tình cây, Tình quả, Tình nhạc, Tình họa, Tình điêu khắc, Tình thời gian, Tình không gian, Tình đất, Tình ánh sáng, Tình âm thanh, Tình Hồ Tây, Tình núi, Tình gió, Tình mây, Tình cái quạt, Tình sương tuyết, Tình gặp gỡ, Tình trao tặng quà, Tình nước, Tình thư, Tình chờ, Tình trách, Tinh ghen, Tình xa, Tình hạnh phúc, Tình hôn, Nhìn, Tình san sẻ, Tình gầy, Tình gặp lại. Tình cơm nước, Tình kỷ vật, Tình sầu, Tình điên dại, Tình biệt, Tình tan vỡ, Tình lưu đày, Tình đơn, Tình kỷ niệm, Tình không phai, Tình đời, Tình dối trá, Tình nhà, Tình bạn, Tình sử, Tình mai sau Di Chúc… Tóm lại tất cả những trạng thái, hoàn cảnh tình yêu đều có trong thơ Xuân Diệu, bạn đọc đang ở tâm sự gì xem mục lục đều tìm thấy những bài thơ tình tuyệt tác của Xuân Diệu tả tâm sự mình đang có.

Ngô Xuân Diệu sinh ngày 2-2-1916 tại Vạn Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha Ngô Xuân Thọ, ông đồ Nghệ lấy cô làm nước mắm, quê xã Trảo Nha, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tỉnh, đỗ Tú Tài Kép Hán Học, vào dạy học tại Bình Định kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Hiệp. Thuở nhỏ học chữ nho, chữ quốc ngữ và tiếng Pháp với cha, đỗ bằng Thành Chung năm 1934 tại Quy Nhơn, say mê Tản Đà và bắt đầu làm thơ, năm 1935-36 ra học Trường Bảo Hộ Hà Nội, Tú Tài toàn phần thứ I và bắt dầu làm thơ đăng các báo của Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh Nguyễn Tường Tam chủ trương. Năm 1936-1937 vào học Tú Tài toàn phần II trường Trung Học Khải Định Huế, nơi đây ông gặp Huy Cận, hai bạn thơ kết nghĩa với nhau. Năm 1938 cho ra đời tập Thơ Thơ, năm 1945 tập Trường Ca và Gửi hương cho gió. Xuân Diệu đã lấy cảm hứng từ Thi Ca lãng mạn Pháp, thổi vào Văn chương Việt Nam một luồng sinh khí. Xuân Diệu được xưng tụng là Hoàng Tử Thi Ca Việt Nam. Từ năm 1958 Xuân Diệu còn là một nhà nghiên cứu về Văn Học Cổ Điển Việt Nam ông viết giới thiệu nghiên cứu về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Đào Tấn, Á Nam Trần Tuấn Khải.. Ông đi khắp nơi trong nước và ngoài nước diễn thuyết về Thi Ca Việt Nam hơn 500 lần. 
Xuân Diệu mất ngày 18-12-1985 tại Hà Nội trong một cơn dồi máu cơ tim.. Xuân Diệu để lại một khối lượng sáng tác , nghiên cứu đồ sộ, ông là nhà thơ hàng đầu thi ca Việt Nam thế kỷ 20, tinh hoa thi ca ông là thơ tình. Tôi tổng kết sắp xếp lại toàn bộ thơ tình Xuân Diệu, bước đầu hình thành một bộ môn mới: Xuân Diệu Học.
Những bài thơ tình về cuộc tình tan vỡ  tôi xếp vào Chương 55. Tình Tan vỡ.
Trong văn học Pháp,  Tình tan vỡ là một đề tài lớn của thi ca. Thơ tình Xuân Diệu ảnh hưởng nhiều thi ca lãng mạn Pháp, ông chịu ảnh hưởng từ khi học Trung Học thời Pháp thuộc, ảnh hưởng thi ca đó vẫn in đậm trong ông những bài thơ vào cuối đời.
Tháng 3-1885 , George Sand cương quyết rời bỏ Paris để trở về quê hương Rouen, cắt đứt vĩnh viễn với Alfred de Musset và kết thúc tấn bi kịch lãng mạn nổi tiếng nhất thế kỷ 19. Sau khi bị George Sand rời bỏ Musset đã viết bốn bài thơ Đêm, được xem như những bài thơ trữ tình hay nhất của ông:
“Những vần thơ tuyệt vọng là những vần thơ tuyệt mỹ,
Và có những lời ca bất tử nguyên là tiếng nấc của lòng.”
“Những lời than thi sĩ giống như lưỡi kiếm,
Vạch trên không một vòng tròn sáng rực,
Nhưng bao giờ cũng vương vài giọt máu long lanh.”..
“Người là thợ học việc nỗi đau là thầy dạy,
Ai chưa từng khổ đau, sẽ chẳng hiểu hết mình.”
Musset đã diễn tả hình tượng thi sĩ làm thơ như con chim bồ nông móc ruột cho con ăn,  thi sĩ giống như  thế : nhà thơ đem tâm can mình dọn cho đời bữa tiệc trần thế.
Đã hơn ba mươi năm rồi, nhà thơ Xuân Diệu đã ký thác cái tâm sự ấy cho tôi. Mối tình đau khổ tan vỡ tuyệt vọng của ông để tôi viết Tình Sử Xuân Diệu: “Tháng 10-1958, Nữ Đạo diễn Bạch Diệp dứt khoát giã từ Xuân Diệu, mối tình tan vỡ đã để lại những vần thơ đau khổ bi thương.” Tâm tình ấy Xuân Diệu không thể thổ lộ lúc ông còn sống, trong thời đại tình cảm khổ đau riêng tư đi ngược chiều với hoàn cảnh chiến tranh một dân tộc.
Bây giờ, cái đau khổ ấy trở thành di sản văn chương của văn học Việt Nam, nó không còn riêng của hai người, hay một thể chế độ nào, cái đau khổ của mọi tâm hồn khi diễn tả thành văn chương, nó đều trở thành di sản văn chương cả dân tộc. Người yêu thơ đã yêu thích một Xuân Diệu say mê nồng nàn với tình yêu, một luồng gió mới thổi qua văn học Việt Nam từ những năm 1930, 1940 trong Phong Trào Thơ Mới, nhưng ít ai biết đến khi Xuân Diệu thành công trong cuộc đời với những nhiệm vụ, trách nhiệm, trên đỉnh cao danh vọng, được mời vào Viện Hàn Lâm các nước, một bậc thầy của thi ca thời đại, lại là lúc ông đau khổ, bi thương với tình yêu. Khác với Hàn Mạc Tử đau khổ bi thương vì bệnh phong cùi, người yêu, người đời xa lánh :
« Trời hỡi làm sao khi khát đói,
Gió  trăng sẵn có làm sao ăn ?
Làm sao giết được người trong mộng,
Để trả thù duyên kiếp bẽ bàng. »
Xuân Diệu vẫn sống , vẫn ăn, vẫn thở, vẫn nói chuyện thơ, vẫn viết văn, được mọi người kính trọng, nhưng ai biết đâu, lòng Xuân Diệu tan nát :
« Con dao cắm giữa lòng,
Đau đớn buồn không xiết.
Vết thương lớn ngang hông,
Anh sống và làm việc. »
(Con dao)
Con dao cắm giữa lòng là một hình ảnh từ Thi Ca lãng mạng Pháp. Thơ Alfred de Musset: Si jamais, par les yeux d’une femme sans cœur. Tu peux m’ entrer au ventre et m’ empoisonner l’âme, Ainsi d’une plaie on arrache une lame (Nếu có bao giờ trong mắt người nữ không tim, Nàng đưa tôi vào lòng và đánh thuốc độc hồn tôi, Cùng trên vết thương người ta rút ra một ngọn dao)
Xuân Diệu cả đời sống vì thơ tình, nhưng than ôi, mối tình duy nhất Xuân Diệu yêu đương có cưới hỏi lại là một bản án tử hình:

Cùng giường khác mộng sao em ?
Tình ta đau đớn hơn đem tử hình !
(Khác mộng)

Xuân Diệu đã đau khổ vì người yêu đã ra đi, và yêu một người khác:

“Giã từ thân thể muôn yêu dấu.
Người sẽ về tay ai biết đâu.
Chớ mộng cánh tay cành chuốt ngọc.
Mơ chi con mắt lặng gieo sầu.”
(Giã từ thân thể)
Và không còn gì để trách nhau :
“Thôi đừng trách hận chi nhau,
Lỗi lầm anh trả bằng đau đớn rồi.
Tan đi nát lại bao hồi,
Yêu em ai khổ trên đời bằng anh.
(Em đọc lại thơ)
Xuân Diệu đau đớn:
“Ai lấy cưa ngàn răng vạn răng.
Cưa đôi ta thành hai mảnh.
Cưa tan nát anh làm vạn mảnh.
Để trong đời một mảnh đau thương.
(Vội gì vội)
 « Anh đã giết em, anh chôn vào trái tim,
Từ nay anh không thể yêu em trong sự thật..
Anh giết em rồi anh vẫn ngay đêm yêu mến,
Em giết anh rồi, em vất xác anh đâu ? » 
(Anh đã giết em) 
Giết người trong mộng là một đề tài mới xuất hiện từ Thi ca lãng mạn Pháp. Trong thơ Alfred de Musset trong Marrons du feu có những câu : J‘ ai tué mon ami,  j’ ai mérité le feu. J’ai taché mon pourpoint  et l’on me congédie (Tôi giết bạn tôi, tôi xứng đáng bị bắn, vết nhơ thấm áo ngắn, người ta đuổi tôi đi.).  Trước đó các tôn giáo từ Đông sang Tây đều nghiêm cấm ý tưởng giết người. Trong Thi Ca cổ điển Việt Nam hoàn toàn không thấy chuyện giết người trong mộng. Phật Giáo quan niệm : Tội lỗi con người dù : thân, miệng, ý đều tội lỗi. Hành động giết người, Miệng hăm dọa giết người, hay có ý tưởng giết người đều có tội. Các tôn giáo khác đều có những tương đồng. Nhưng luật pháp ngày nay chỉ có thể xử khi có người chết, có chứng cớ hay chỉ răn đe khi có bằng chứng lời hăm miệng. Còn ý tưởng giết người yêu phụ tình mình trong mộng thì không thể bắt tội bỏ tù người thi sĩ đau khổ dù có bài thơ làm chứng cớ.

 « Cái dầm xuyên giữa đôi ta,
Còn hơn đau đớn thịt da mấy lần.
Vết thương trong cả tinh thần.
Đã đau một lúc lại dần dần đau.”
(Cái dầm)
“Ôi bởi vì sao đau đớn em,
Như bỗng ai lay mất trái tim.
Anh tìm một cây thương mến yêu,
Mọc trong lòng anh chăm sớm chiều.
Rễ đâm trong máu ăn trong xương.
Sao bàn tay em lại nhổ lay,
Đừng thế em ơi đau ngất ngây.”
(Hướng về gió thu)

Nhìn dưa hấu, Xuân Diệu thấy lòng mình như máu tuôn ra, nhìn thạch lựu như hạt máu sa, những hình ảnh Xuân Diệu sáng tạo từ thực tế Việt Nam :

“Đau lòng dưa hấu máu tuôn ra.
Đau lựu cười như hạt máu sa.
Anh những đau nhìn muôn cảnh sắc.
Héo chìm như vỡ trái tim hoa.”
(Đau lòng dưa hấu)
Lẽ thường yêu dấu xưa nay.
Gai đâm rách toạc tim này chớ than.”
(Trăm ba mươi đóa)

Ở đây Xuân Diệu dùng hình ảnh gai đâm vào tim, mà không dùng hình ảnh tên bắn xuyên qua tim.
Xuân Diệu tan nát còn muốn hỏi người yêu :

“Còn muốn thế nào nữa hỡi em ?
Muốn anh không còn một trái tim để đập ?
Muốn nước mắt anh ngập thành sóng.
Muốn lòng anh thành một núi đau thương.
.. Ôi cái lẽ đời người ta nhất yêu thương.
Lại là kẻ với ta tàn sát nhất.
Cũng chẳng nới tay như cầm gươm sắt.
Cũng chẳng mũi lòng nghe tiếng khóc của ta. »
(Còn muốn thế nào)

- ngày Xuân Diệu qua đời năm 1985 tại Hà Nội. 
- ngày 18-12-1985 Nhà thơ Huy Cận đang ở Paris, ông báo tin tôi nhà thơ Xuân Diệu mất sau một cơn đau tim, tôi và ông gặp nhau cùng khóc, cùng thấy hụt hẫng, một khoảng trống lớn tâm hồn. ---tôi viết bài thơ gửi ông đem về nước đăng trong tuyển tập Tưởng niệm Xuân Diệu.

TƯỞNG NHỚ 
 Xuân Diệu

Hỏi trăng từ độ chiêm bao,
Hỏi hoa từ độ ngọt ngào dấu yêu.
Lời Thơ Thơ bỗng quạnh hiu,
Mây trôi bèo dạt trong chiều tiếc thương.
Gửi hương cho gió trên nguồn,
Hạc vàng đã khuất, bên cồn đứng trông,
Phấn thông vàng, gió phiêu bồng
Hồn tôi đôi cánh bay cùng xót xa,
Cầm tay đau những ngày xa,
Người đi còn tiếng Thanh Ca giữa đời.
Hỏi em từ độ yêu tôi,
Tình ta còn đọng thơ người trong tim.
Nhất Uyên

- các chữ đứng là tên các tập thơ Xuân Diệu.
-sau đây là các bài thơ  về cuộc tình tan vỡ của Xuân Diệu.

GIÃ TỪ THÂN THỂ
Giã từ thân thể muôn yêu dấu !
Người sẽ về tay ai biết đâu !
Chớ mộng cánh tay cành chuốt ngọc,
Mơ chi con mắt lặng gieo sầu.

Thôi nhé từ đây thôi bén hương,
Bên nhà rào giậu chắn yêu đương.
Thôi nhé, lòng ơi, thôi hết nhé,
Hết mà ! ly biệt giữa tình thương.
Người sẽ nằm êm không nhớ tôi,
Đêm đêm hoa biếc nở đôi hồi,
Trong màn hoan lạc – tôi mơ thức,
Ở phía trời này, không một ai.
Nhớ, nhớ làm chi xin ngủ yên !
Cho tôi tất cả gánh thương phiền
Kho sầu không muốn chia đôi nữa,
Tôi giữ mình tôi – em cứ quên.

Giã từ thân thể, thôi từ giã !
Ly biệt linh hồn đã biệt ly !
Trên giấy này đây hôn cuối chót
Nhận chăng, môi lạnh tiễn tình đi ?

EM ĐỌC LẠI THƠ...
Mai sau dù có bao giờ,
Em ngồi đọc lại chùm thơ đắng này .
Có ai trên trái đất này
Yêu em sâu thẳm như ngày anh yêu.

Thôi đừng trách hận chi nhau
Lỗi lầm anh trả bằng đau đớn rồi.
Tan đi nát lại bao hồi,
Yêu em ai khổ trên đời bằng anh.
21-9-1967 Trên máy bay đi Liên Xô 

Vội Gì Vộì..
Vội gì vội lấy ai bỏ anh
Vội gì vội để anh đau khổ ?
Vội gì em có hai mình
Vội gì vội bỏ một mình anh.

Ai lấy cưa ngàn răng vạn răng
Cưa đôi ta thành ra hai mảnh
Cưa tan nát anh làm vạn mảnh
Để trong đời một mảnh đau thương.

Chúng ta rồi cũng phải xa nhau
Nhưng xa sau vẫn hơn xa trước.
Những ngày tháng bên em hạnh phúc
Không dễ dàng anh dứt được ra.

Vội gì vội nát bóng tan gương
Vội gì vội đôi đường rẽ biệt !
Vội gì vội non cùng nước kiệt
Vội gì em ly biệt đôi ta.
Thái Bình 24-4-1967

KHÁC MỘNG
Cùng giường khác mộng sao em ?
Tình ta đau đớn hơn đem tử hình !
Trăm muôn mơn trớn dục tình
Bằng sao được bóng in hình trong tim !
Nếu anh lạc mất hồn em,
Thì ôm thân thể khôn tìm tình yêu !
Ấm là tim bạn dõi theo
Khi xa, biết có người yêu nhớ mình;
Vui là trong dạ đinh ninh
Hai ta, ta chẳng một mình đơn cô.
Buồn là một trái tim trơ
Phía sau không hậu phương chờ đợi ta !
Giữa khi hạ nắng, lạnh là
Biết ai tin cậy để mà mến yêu !
Anh không muốn mộng phiêu diêu
Muốn yêu em, được em yêu suốt đời !
Hỡi em anh nhớ thương hoài,
Kề nhau, mộng đã xa rồi hay sao ?
9-3-66 - 25-3-1966

ANH ĐÃ GIẾT EM…
Anh đã giết em anh chôn vào trái tim anh
Từ đây anh không được yêu em ở trong sự thật
Một cái gì đã qua, một cái gì đã mất
Ta nhìn nhau bốn mắt biết làm sao.

Ôi ! em mến yêu
Em vẫn là người anh yêu mến nhất !
Cho đến bây giờ ruột em vẫn thắt
Tim anh vẫn đập như vấp thời gian,
Nhớ bao nhiêu yêu mến nồng nàn ;
Nhớ đoạn đời hai ta rạng rỡ
Nhớ đất trời em cho anh mở
Nhớ muôn thuở thần tiên.

Ôi !  Xa em anh rơi vào vực không cùng
Đời anh không em lạnh lùng tê buốt
Nhưng còn anh, còn em mà đôi ta đã khác
Ta : hai người xa lạ phải đâu ta !
Anh đã giết em, anh chôn em vào trái tim anh
Đêm nào anh cũng đi quanh em mà khóc
Anh vẫn ước được em tha thứ
Anh vẫn yêu em như thuở ban đầu.

Thế mà tại sao ta vẫn xa nhau ?
Tại em cố chấp
Tại anh đã mất
Con đường đi tới trái tim em.
Anh đã giết em rồi, anh vẫn ngày đêm yêu mến
Em đã giết anh rồi, em vất xác anh đâu ?
12-1969

CON DAO
Con dao cắm giữa lòng
Đau đớn buồn không xiết
Vết thương lớn ngang hông
Anh sống và làm việc.

CÁI DẰM
Em ơi, có biết cho tình,
Lòng anh vò xé tan tành vì em.
Mới vừa xa khuất mắt đen,
Nỗi đau lòng đã tràn lên tấm lòng.

Cái dằm xuyên giữa đôi ta
Còn hơn đau đớn thịt da mấy lần.
Vết thương trong cả tinh thần
Đã đau một lúc, lại dần dần đau.

Em là nhân của hồn anh,
Trong nhân ai nỡ để cành gai đâm.
25-12-61

HƯỚNG VỀ GIÓ THU
Hướng về gió thu nghe hơi thu
Không khí dịu mát như là ru.. 
Ôi bởi vì sao đau đớn em
Như bỗng ai lay mất trái tim.
Anh tìm một cây thương mến yêu
Mọc ở trong lòng chăm sớm chiều
Rễ đâm trong máu, ăn trong xương,
Vào ruột  vào gan, ra sắc hương.
Sao bàn tay em lại nhổ lay
Đừng thế em ơi ! đau ngất ngây !
Chớ rứt lá cành, đừng đụng gốc
Đừng bẻ hoa đi, đau đầu óc.
21-8-62

ĐAU LÒNG DƯA HẤU MÁU TUÔN RA
Đau lòng dưa hấu máu tuôn ra,
Đau lựu cười như hạt máu sa.
Anh những đau nhìn muôn cảnh sắc,
Héo chìm mà vỡ trái tim hoa.
 Sau khi tình đến, chiều như mọc,
Mà lúc tình đi sớm cũng tà !
Tiếng nói trái tim sao bỗng đục,
Nghẹn ngào anh muốn hỏi đôi ta.

Hỏi em sao tối giao thừa ấy
Em chẳng đi chơi trở lại nhà,
Chỉ bởi không anh cùng dạo bước
Mà em thấy nhạt hết màu hoa.

Sao em - vẫn một con người ấy,
Giờ cách xa anh cũng dễ dàng,
Giờ chẳng nhớ nhung, không ngóng đợi,
Mặc dù rét lại với đông sang.

Anh như một kẻ mất đường tiên,
Đi đất lang thang nhớ nhạc huyền !
Có phải đôi ta như cửa chận,
Thấy em, mà vẫn phải tìm em.
27-1-65

TRĂM BA MƯƠI ĐÓA..
Anh vừa dạo khắp vườn hoa
Vì em tháng lại ngày qua anh trồng.
Sáu năm lệ tưới đôi tròng,
Lệ cười tươi với não nùng lệ đau.
Rễ ăn huyết lệ từ sâu
Màu hoa mới được bền lâu thế này.
Lẽ thường yêu dấu xưa nay,
Gai đâm rách toạc tim này - chớ than ?
Ba trăm mươi đóa thời gian,
Chim muôn tiếng nhạc, gió ngàn lời ca.
Máu xuân đã cạn đâu mà !
Nếu cần, tưới nữa cho hoa rực hồng !
đêm 25-7-1967

THÁC
Như nước dòng lao gặp đá ngăn
Cuộn từ đáy vực tỏa băn khoăn,
Chưa vần được đá nên tung sóng
Ức mãi ngàn năm vẫn thét gầm.

Thắm thiết tình anh gặp cách xa
Cuộn tròn đau khổ sóng tung hoa !
Cuốn êm đi đấy ! em yêu hỡi !
Cuốn mãi ngàn năm chẳng thả ra.
9-6-1967

SỐ PHẬN HAI TA
Đó là số phận của  hai ta
Em ở gần bên, em cách xa,
Anh ở bên gần, anh cách biệt,
Đó là số phận của hai ta.
đêm 25-1-1969

AI ĐÁNH ANH
Những tình mến ấy, tình thương ấy
Sao chẳng vừa cho chẳng đủ cho.
Ai đánh anh mà đau đớn suốt ngày ?
Ai cắt thân anh mà ngày đêm máu chảy ?
Ai đốt ruột anh mà phút giây đều bỏng cháy ?
Ai sầu anh thế, ai để anh thương..
Ai giăng mối tơ mà tội anh vương ?
Càng quẫy lại càng tim gan thắt lại
Những đám mây buồn đang dồn dập tới
Ai gạt giùm anh, ai cởi cho anh.
sáng 7-6-68 

KHO VÀNG
Anh có kho vàng ở tận xa
Kho vàng yêu dấu ở xa ta
Nên anh là kẻ giàu muôn triệu
Mà hóa nghèo như bọc xương da.
Em cũng như anh đôi lứa giàu
Nhưng em nghèo bởi ở xa nhau.
5-1966

VẾT THƯƠNG

Nhạc ơi, ở trong đài,
Ai mượn đàn réo rắc
Ai đang nhớ thương ai,
Mà đậm đà tha thiết.

Ai bảo đàn run rẩy
Chi dậy cả phòng tôi
Chúng ta là nghệ sĩ
Mang cái hồn không nguôi.

Mang vết thương trong lòng
Để yêu mê cuộc sống
Ôi nhạc sĩ, thi nhân
Cũng một loài đắm mộng.

Cảm nghĩ gì sâu sắc
Nếu không có vết thương ?
Cho nên, đừng hối hận,
Hỡi khúc nhạc tơ vương.

Sáng nay anh nhớ em
Chỉ bạn bầu với nhạc
Em trái cấm trên trời,
Anh chớ lòng hái được.
Cho nên anh một mình
Với vết thương muôn thuở
Vẫn làm tội làm tình
Những tấm lòng trăn trở.

10-8-1973.





trích trong Chương Tình Tan Vỡ trong Tự Điển Tình yêu bằng thơ tình Xuân Diệu, Nhất Uyên biên soạn. Khuê Văn Paris xuất bản





Xuân Diệu & Nhất Uyên 
(Chateaux de la Loire, 1981)
Ảnh: Đặng Tiến


















Xuân Diệu













Xuân Diệu và Tự Lực Văn Đoàn



từ phải sang :
 đứng: Hoàng Đạo, ..........?
ngồi: Khái Hưng+ Thế Lữ+ Xuân Diệu, .......? 
1938















Nguyễn Đình ThiThôi Hữu+ Xuân Diệu+ Huy CậnNguyễn Huy Tưởng 
1946















Xuân Diệu+Huy Cận+ Thế Lữ . 
1985
















- bia mộ nhà thơ Xuân Diệu











Trở về 













Chân dung Văn nghệ sĩ










MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.

MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.


[]


-------------------------------
trích từ blog Phan Nguyên
=================

















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét