Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

'binh nghiệp& nhạc nghiệp nguyễn văn đông / du tử lê -- source: nguoi-viet.com



https://phannguyenartist.blogspot.com

Nguyễn Văn Đông [15/ 03/ 1932-- 26/ 02/ 2018]
nhạc sĩ, cựu quân nhân Quân lực VNCH 
ảnh: www.sbtn.tv



 Nguyễn Văn Đông

( saigon 15/03/ 1932  -- 26/ 02/ 2018 saigon.]
nhạc sĩ, cựu quân nhân Quân lực VNCH


Binh nghiệp & nhạc nghiệp của Nguyễn Văn Ðông
Du Tử Lê





một vài tài liệu ghi nhận rằng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông sinh năm 1934. Nhưng theo sự xác nhận của họ Nguyễn thì, ông sinh năm 1932 tại quận Nhất, thành phố Saigon. Nguyên quán của ông là tỉnh Tây Ninh, huyện Bến Cầu. Thuở bé Nguyễn Văn Ðông học trường Huỳnh Khương Ninh, phường Ðakao, Tân Ðịnh, Saigon. Năm 1945- 1946 loạn lạc, trường Huỳnh Khương Ninh đóng cửa.

Gia đình gửi ông vào trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, ở thành phố Vũng Tàu, khi ấy ông mới 14 tuổi. Và, con đường binh nghiệp của ông, chính thức khởi đi từ đấy.

Năm 1950 Nguyễn Văn Ðông tốt nghiệp trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, cũng là nơi xuất thân của trên dưới 30 tướng lãnh thuộc quân lực VNCH cũ. Trong đó, có Thống Tướng Lê Văn Tỵ, Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của QL/VNCH, người được coi là anh cả của Thiếu Sinh Quân Việt Nam.

Năm 1951, Nguyễn Văn Ðông được cử theo học khóa 4 trường Võ Bị Sĩ Quan Vũng Tàu. Họ Nguyễn tốt nghiệp thủ khoa với cấp bực thiếu úy năm 1952. Tưởng cũng nên nói thêm rằng, Ðại Tướng Cao Văn Viên, người giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH sau cùng của miền Nam Việt Nam, cũng tốt nghiệp Thiếu úy khóa 1 của trường này.

Năm 1953, Thiếu Úy Nguyễn Văn Ðông tốt nghiệp khóa “Ðại Ðội Trưởng” tại Trường Võ Bị Ðà Lạt. Cũng năm này, ông có chân trong ban giám khảo chấm thi Khóa Võ Bị Ðà Lạt 1953 do Quốc Trưởng Bảo Ðại chủ tọa lễ bế giảng khóa.

Năm 1954, họ Nguyễn lại được gửi ra Hà Nội theo học khóa “Tiểu Ðoàn Trưởng” tại Trường Chiến Thuật Hà Nội. Ra trường, ông được chỉ định vào chức vụ Tiểu đoàn trưởng Trọng Pháo 553. Ðó là năm 1955, khi họ Nguyễn mới 24 tuổi, một Tiểu đoàn trưởng trẻ nhất của quân đội.
Trải qua nhiều chức vụ, nhiều đơn vị và đồn trú ở nhiều nơi chốn khác nhau, trước khi được đưa về Saigon, giữ những chức vụ tương đối quan trọng; cấp bực sau cùng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông là Đại tá, Trưởng khối lãnh thổ Bộ Tổng Tham Mưu. Ông cũng từng được trao tặng huân chương cao quý nhất; đó là Bảo Quốc Huân Chương.

Khi biến cố Tháng Tư, 1975 xảy ra, như tất cả những sĩ quan QLVNCH khác, Nguyễn Văn Ðông bị tù cải tạo. Sau 9 năm 6 tháng, ông được trả về ngày 01 Tháng Giêng, 1985 với lý do:
“Ðương sự bị bệnh sắp chết, nên cho phép gia đình đem về nhà chôn cất!”

Tuy thuộc diện HO, đủ điều kiện để xin định cư tại Hoa Kỳ, nhưng gia đình thấy họ Nguyễn đau bệnh quá nặng, không biết chết lúc nào, nên đã giữ ông ở lại, thể theo ước nguyện của ông là, khi chết xin được chôn tại quê nhà.

Về sự kiện này, tác giả “Về Mái Nhà Xưa” cho biết, ông cũng không hiểu do đâu, mà Trời Phật đã nhìn lại ông và, cho ông sống, dù là một đời sống “rất lê lết” (chữ của ông), cho đến ngày hôm nay.

Về cái mà tôi muốn gọi là “nhạc nghiệp” của nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Ðông, theo một số tài liệu đã được phổ biến ở hải ngoại cũng như tại Việt Nam thì: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông chính thức tham dự vào sinh hoạt âm nhạc ở miền Nam Việt Nam vào khoảng giữa thập niên 1950. Ông nổi danh ngay với những ca khúc đầu tay như “Chiều Mưa Biên Giới,” “Phiên Gác Ðêm Xuân,” “Súng Ðàn”... là ba ca khúc ra đời trong năm 1956 và được phổ biến rất rộng rãi. Nhưng ca khúc “Thiếu Sinh Quân Hành Khúc” bài hát được công nhận là ca khúc chính thức của trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu, Nguyễn sáng tác năm 1948, khi mới 16 tuổi, mới thực sự là sáng tác đầu tay của người nhạc sĩ đa tài này.

Ngoài bút hiệu và cũng là tên thật, Nguyễn Văn Ðông, họ Nguyễn còn dùng nhiều bút hiệu khác như Phượng Linh, Phương Hà, Ðông Phương Tử, Vì Dân, Hoàng Long Nguyên.
Cũng ngay từ giữa thập niên 1950, trong vai trò trưởng đoàn văn nghệ Vì Dân ở Saigon, Nguyễn Văn Ðông đã nhận được sự hợp tác của rất nhiều ca, nhạc sĩ tên tuổi thời đó, như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Ðàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc và các nghệ sĩ thuộc lãnh vực kịch nghệ, điện ảnh, cải lương danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch... Ông cũng cho thấy tài tổ chức và điều khiển các chương trình đại nhạc hội lớn, rất thành công tại Saigon, cũng như các tỉnh.

Về sinh hoạt liên quan tới đài phát thanh thì, ngay từ năm 1958, nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông đã là trưởng ban nhạc “Tiếng Thời Gian” của đài Saigon. Ban nhạc của ông quy tụ những tên tuổi như Lệ Thanh, Anh Ngọc, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Ðàm...

Ở cấp độ quốc gia thì, năm 1959, họ Nguyễn được chọn làm trưởng ban tổ chức “Ðại hội thi đua Văn nghệ toàn quốc,” tập hợp hơn 40 đoàn văn nghệ, đại diện cho toàn miền Nam; tranh giải liên tiếp 15 ngày đêm tại Saigon. Với tất cả những thành tích kể trên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông đã được trao tặng “Giải Âm Nhạc Quốc Gia.” Bà cố vấn Ngô Ðình Nhu là người trao tặng giải thưởng này cho họ Nguyễn.

Nói tới nhạc nghiệp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông mà, không nói tới thời gian họ Nguyễn làm giám đốc hãng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, nổi tiếng một thời ở miền Nam, tôi cho là một thiếu sót quan trọng.

Ở vai trò này, với sự hợp tác tích cực của những nhạc sĩ như Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng, Y Vân, Lê Văn Thiện... Hai hãng đĩa của ông đã đem sự giầu có, phong phú cho sinh hoạt tân nhạc cũng như cổ nhạc miền Nam, 20 năm; với những album riêng cho từng ca sĩ.

Quay lui lại thời điểm đầu thập niên 1960, sự kiện trung tâm băng nhạc Sơn Ca cho ra đời những băng nhạc chỉ với một tiếng hát như Sơn Ca 6, tiếng hát Giao Linh; Sơn Ca 7, tiếng hát Khánh Ly; Sơn Ca 8, tiếng hát Lệ Thu; Sơn Ca 9, tiếng hát Phương Dung; Sơn Ca 10, tiếng hát Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long... cùng một số băng nhạc riêng, dành cho nhạc Trịnh Công Sơn, là một sáng kiến cực kỳ mới lạ. Nó mở đầu cho những album sau này, với một tiếng hát, của nhiều trung tâm băng nhạc khác.

Lại nữa, tôi cho rằng chúng ta cũng sẽ không phải với nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông, một người, không chỉ tận tụy cống hiến trọn cuộc đời mình cho nền tân nhạc miền Nam, 20 năm; mà ông còn là người có công đầu trong nỗ lực khai sinh, hình thành rồi phát triển một hình thái nghệ thuật mà, sau này chúng ta quen gọi là hình thái âm nhạc “Tân Cổ Giao Duyên.”

Trước khi đi sâu vào lịch sử hình thành của hình thái nghệ thuật từng được chào đón tại miền Nam Việt Nam, tính đến Tháng Tư, năm 1975, chúng tôi muốn nhắc tới bài “Tân cổ giao duyên” đầu tiên của hình thái phối hợp nghệ thuật đặc biệt này. Ðó là bài “Khi Ðã Yêu” sáng tác của Phượng Linh và soạn giả Ðông Phương Tử. Do 2 nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu cải lương là Thanh Nga, Minh Phụng thu âm lần đầu, năm 1963, tại Saigòn. Bài “Tân cổ giao duyên” này, sau đó, đã được nhà xuất bản Hồng Hoa ấn hành thành nhạc bản.

Tuy là hai bút hiệu khác nhau, nhưng sự thực, chỉ là một.

Những người yêu nhạc Nguyễn Văn Ðông hẳn không quên, với bút hiệu Phượng Linh, ông là tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Bóng Nhỏ Giáo Ðường,” “Niềm Ðau Dĩ Vãng,” “Ðom Ðóm,” “Khi Ðã Yêu,” “Thương Muộn,” “Lời Giã Biệt” v.v... Và, bút hiệu Ðông Phương Tử họ Nguyễn dùng cho tất cả những sáng tác liên quan đến phần cổ nhạc.

Nhưng phải đợi tới sáng tác “Tân cổ giao duyên” thứ hai, cũng của Nguyễn Văn Ðông, đó là bài “Mùa Sao Sáng,” do Mộng Tuyền trình bày, thì phong trào “Tân cổ giao duyên” mới thực sự rộ lên, không chỉ tại Saigon mà, khắp mọi miền đất nước.

Vì ca khúc “Mùa Sao Sáng” ký tên Nguyễn Văn Ðông, nên bài Tân cổ giao duyên “Mùa Sao Sáng” được phổ biến với hai tên: Nhạc Nguyễn Văn Ðông, Soạn giả Ðông Phương Tử. Bài tân cổ giao duyên này, theo thiển ý của chúng tôi, rất thích hợp cho những mùa Lễ Giáng Sinh của người Việt Nam, nơi quê người.  ./.

Du Tử Lê 


-----------------------------------
trích lại từ blog phan nguyên
=====================


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét