về nhà thơ nữ huyền chi [ i.e. hồ thị ngọc bút 1934- ] -- blog phan nguyên
Tuesday, 28 February 2017
Huyền Chi
Huyền Chi
bút hiệu khác: Khánh Ngọc
(1934) Sài Gòn
bút hiệu khác: Khánh Ngọc
(1934) Sài Gòn
tên thật: Hồ Thị Ngọc Bút
nhà thơ
nhà thơ
Tiểu sử
Nhà thơ Huyền Chi tên thật là Hồ Thị Ngọc Bút, sinh năm 1934 tại Sài Gòn . Quê nội ở Từ Sơn, Bắc Ninh.
Theo gia đình vào Nam từ trước năm 1954.
Khoảng những năm 1948, bà sống cùng chị gái tại Đà Lạt đến năm 1950 rồi về Sài Gòn, vừa đi học vừa phụ mẹ trông nom sạp vải ở chợ Bến Thành.
Khoảng những năm 1948, bà sống cùng chị gái tại Đà Lạt đến năm 1950 rồi về Sài Gòn, vừa đi học vừa phụ mẹ trông nom sạp vải ở chợ Bến Thành.
Thời gian ở Sài Gòn, Huyền Chi sinh hoạt với một nhóm văn nghệ sĩ trẻ và làm thư ký tòa soạn chuyên trách mục thơ cho Tạp chí Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Lan Phương.
Năm 1952, bà xuất bản tập thơ Cởi mở gồm 22 bài sáng tác từ năm 16 tuổi, trong đó có bài Thuyền viễn xứ đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành một nhạc phẩm nổi tiếng.
Huyền Chi lập gia đình với giáo sư Trần Phụng Tường năm 1954, và theo chồng ra Phan Thiết, nơi ông dạy Pháp văn ở Trường trung học Phan Bội Châu. Lúc này, bà mở một hiệu sách mang tên Bút Hoa, đồng thời dạy Anh văn tại nhà và vẫn cộng tác thơ với tạp chí Tiền Phong ở Sài Gòn.
Nhưng một thời gian sau bà ngừng viết.
Tập thơ Cởi mở đã bị thất lạc khi gia đình bà dọn về sinh sống ở Sài Gòn năm 1975.
Hiện nay chồng bà đã qua đời, bà sống với các con ở Sài Gòn, hằng ngày dạy kèm tiếng Anh cho trẻ em trong xóm.
Sáng tác mới
THƠ HUYỀN CHI
TẠ ƠN
Tặng một người bạn cũ vừa trở lại quê hương
Tạ ơn
Anh vẫn còn đây
Dù mưa gió
Đã phủ đầy
Xuân xanh
Dù trăm cát bụi vây quanh
Ngàn trùng dâu bể
Ngọn ngành phận tôi
Bốn hai năm
Đã qua rồi
Những ngày khói lửa
Một đời bỏ quên!
Quên cha
Quên mẹ
Quên tên
Quê hưong không biết
Phận hèn không hay
Ngục tù
Chua xót
Đắng cay...
Người yêu
Một tiếng thở dài
Để quên!
Xác xơ
Bão tố triền miên
Ra đi
Buông bỏ
Muộn phiền
Nhân gian...
Dù cho cát bụi
Sương tan
Trở về
Sau
Những bàng hoàng
Xót đau...
Tạ ơn
Vì vẫn còn nhau
Đắng cay có lúc
Ngọt ngào đôi phen
Tạ ơn khắp cả mọi miền
Tạ ơn bạn hữu
Lòng triền miên say
Trở về
Sau chuyến đi dài
Quê hương ôm ấp
Một đời lãng du...
MỘT LẦN LỠ YÊU
Năm mươi năm bỏ làm thơ
Năm mươi năm bỗng dại khờ một tôi
Con đom đóm chớp xanh ngời
Mắt tôi chơm chớp một đời nhớ thơ
Vì chồng, tận tuỵ rau dưa
Áo cơm như cũng bơ phờ sắc xuân!
Vương thơ, dù chỉ một lần,
Năm mươi năm biết gỡ chừng nào ra?
&
Mà sao ta lại mất ta?
Ô hay! THƠ VẪN CHÍNH LÀ TÌNH YÊU!
(11/02/2017)
GIẬN NHAU
Thứ hai không thèm nhớ!
Cũng chẳng thèm ngóng trông
Có tiếng động ngoài cửa
Ồ! Tiếng lá bên song
Thứ Ba không thèm nhớ!
Bảo rồi, nhớ làm chi?
Mở sách chăm chỉ học
Sao sách bỗng dị kỳ?
Thứ Tư không thèm nhớ!
Ngồi quay lưng ra đường
Có đến chẳng thèm ngó
Hình như... có mùi hương?
Thứ Năm không thèm nhớ!
Kỳ này đoạn tuyệt luôn
Con người sao đáng ghét
Nhưng có gì... thương thương!
Thứ Sáu không thèm nhớ!
Lòng bỗng thấy nôn nao
Đứng dậy ra đóng cửa
Nhất định không cho vào!
Thứ Bảy không thèm nhớ!
Trời bỗng chuyển mưa mau?
Thời tiết như thay đổi?
Có cái gì quặn đau!
Chúa Nhật không thèm nhớ!
Ý nghĩ bỗng ngập ngừng...
Nhớ hay không thèm nhớ?
Dù sao cũng người dưng!
Cửa mở, anh đứng đó
Mắt nhìn nhau... rưng rưng!
HUYỀN CHI
Thà rằng
Thà rằng trời cứ đổ mưa
Tay che nón lá, hững hờ bước qua
Thà rằng em cứ cách xa
Mắt như có thấy, giả vờ như không
Thà rằng nước mắt lưng tròng
Lửng lơ nhìn đám mây hồng bơ vơ...
Thà rằng một phút ngẩn ngơ
Còn hơn trọn kiếp vẫn là hư không...
KHÁNH NGỌC [ Huyền Chi]
Quê hương là gì?
Quê hương: một tiếng rao đêm
Buồn hiu trong con hẻm nhỏ.
Quê hương: một suối tóc mềm
Mắt răm, qua vành nón ngó
Quê hương: con đường me rụng
Những tà áo bướm thu bay
Quê hương: màu hoa tím súng
Bờ tre xao xác cỏ may
Quê hương: êm tiếng bà ru
Thơm thơm mùi rơm rạ cháy
Chen với gà eo óc gáy
Trưa hè diều sáo vi vu
Quê hương: là tiếng mẹ kêu
Ngọt ngào khi con dậy muộn
Quê hương là tô cháo nóng
Mẹ đưa thơm ngát hành tiêu
Quê hương, những chiều tan học
Đón nàng trước cổng trường xưa
Nhưng khi nàng ra bỗng trốn
Mặt như phượng vỹ vào hè
Tình yêu trong tim giấu kín
Và nàng ở lại quê hương
Quê hương bỗng thành tiếng gọi
Quê hương cùng nghĩa yêu thương
Dù xa trăm năm vẫn nhớ
Quê hương và tuổi ngây thơ
Tình yêu như trang giấy trắng
Chưa hề viết chữ bao giờ
Cuộc đời đã nhiều cay đắng
Nhưng lòng anh vẫn êm đềm
Người đã cho anh sức sống
Quê Hương và cũng là em.
KHÁNH NGỌC [Huyền Chi]
Huyền Chi năm 18 tuổi
Thuyền viễn xứ
Ra khơi sương khói một chiều
Thùy dương rũ bến tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà Giang
Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa
Hò ơi! Câu hát ngàn xưa
Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
Đường về cố lý xa xôi
Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang
Sau mùa mưa gió phũ phàng
Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa
Lệ nhòa như nước sông Đà
Mái đầu sương tuyết lòng già mong con
Chiều nay trời nhẹ xuống hồn
Bao nhiêu sương khói chập chờn lên khơi
Hai bờ sông cách biệt rồi
Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh
Ngàn câu hát buổi quân hành
Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa
Biết bao thương nhớ cho vừa
Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường… lại đi…
-bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy đổi lời nhưng vẫn giữ ý và phổ nhạc thành nhạc phẩm nổi tiếng dưới đây.
Thuyền Viễn Xứ
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà giang, thuyền qua xứ người
Thuyền ơi, viễn xứ xa xưa
Một lần qua dạt bến lau thưa
Hò ơi, giọng hát thiên thu
Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về
Nhìn về đường cố ly, cố lý xa xôi
Đời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi
Quay lại hướng làng, Đà giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng
Nỗi tiếc thương mong con bạc lòng
Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết bao là thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người
Mịt mờ sương khói lên hương
Lũ thùy dương rũ bóng bên sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường.
Quang Dũng
Khánh Hà
Tập thơ Cởi Mở
(1952)
(1952)
1
Bài đầu tiên của tập thơ Cởi Mở
ĐỘC TẤU
Có những bài thơ như gió trăng,
Xa vời, lồng lộng ánh sao băng…
Lời trên trang giấy nghe xô xác,
Nhạc réo bên tai những cánh bằng!
Có những bài thơ như bướm hoa,
Lung linh, gờn gợn ánh trăng tà;
Lời trên trang giấy nghe lưu luyến,
Nhạc rót xuân hồng xuống tiếng ca…
Có những bài thơ đến não nùng,
Thẫn thờ nhắc lại chuyện mông lung…
Lời trên trang giấy nghe xao xuyến,
Nhạc mắc trên tơ những phím chùng!
Có những bài thơ tráng khi ca,
Những trang hùng sử bọc san hà;
Lời trên trang giấy như giông bão,
Nhạc thúc trong hồn vạn tiếng loa…
Có những bài thơ viết suốt đêm,
Để rồi không gửi một người xem;
Lời trên trang giấy nghe rưng rức,
Nhạc vọng đầu tay mộng ảo huyền!
Nhưng những bài thơ đau xót nhất,
Nhạc lời như lịm dưới đôi chân;
- Là không viết được trên trang giấy
Muôn tiếng đau buồn của thế nhân…
Và những bài thơ vô nghĩa lý,
Bút cùn viết mãi chuyện cuồng điên!
- Đây những bài thơ vô nghĩa lý,
Bút cùn thừa thãi chuyện vô duyên!
Thơ Huyền Chi - Tập thơ Cởi Mở
2
ÁM ẢNH
Lẻ loi gió lạnh vàng khung cửa,
Thờ thẫn tay gầy buộc héo hon!
Bỡ ngỡ trời ơi! Mây bốn hướng,
Vàng son chưa thắm được vàng son!
Lòng tôi đọng lại nghìn sa mạc,
Ám ảnh mùa thu sắc áo rờn!
Một ngàn lẻ một triều hưng thịnh,
Đổ cả tâm tình xuống tóc đơn.
Tóc nõn măng tơ đàn trẻ nhỏ,
Kề nhau rưng rức chuyện hoàng hôn!
Não nùng cô phụ in rèm lạnh,
Nghe vỡ mùa trăng giữa đáy hồn!
Tóc bạc phơ phơ cười tiết tháo:
Sống thì tiết liệt, chết thì chôn!
Bàn tay nứt nẻ vì giông bão,
Run cả trang thơ một nỗi hờn!
Áo trắng lời ai qua nước mắt:
Kinh thành chân lạnh bé con con!
Ngỡ ngàng có kẻ cười ghê rợn:
Hãy gẩy giùm ta một khúc đờn!
Nức nở đêm nao bao mái tóc,
Hướng về cố quận mấy quan sơn…
Nức nở đem nao bao mái tóc:
- Giờ đây không biết mất hay còn?
Thẫn thờ trăng lạnh ngoài khe liếp,
Rời rợi vàng rây trăng héo hon!
Thơ Huyền Chi - Tập thơ Cởi Mở
3
THAO THỨC
Đêm lặng lờ trôi vương song thưa,
Tiếng gió từ đâu qua cơn mưa.
Bờ lau nghiêng mình trong sương tàn,
Bâng khuâng nghe hồn giăng hoa tang.
Đầu nghiêng trong tay, sầu trong tay.
Lời ca trên môi, lời thêm cay!
Người đi đêm nào ta đưa người,
Ly bôi khà say vương trên môi.
Đàn ai trôi về sao lưng chừng;
Từng cung từng cung sao rưng rưng…
Xa xôi đêm nao chờ trăng lên;
Đêm nay cô liêu mà nghe đêm!
Giai nhân cười say qua cung đàn,
Thành đô cười say trên tan hoang!
Thuyền ai lênh đênh mờ trên sông,
Lời ca ai ngâm sầu gia vong…
Có người đêm nay dừng bên đường,
Mượn lời thơ sầu quên ly hương!
Kinh đô đêm nay sầu sao sầu,
Ngày mai nắng về ta yêu nhau…
Thơ Huyền Chi - Tập thơ Cởi Mở
4
ÁO BẠC MÀU ĐƠN
Rưng rưng bút lạnh cùn rồi,
Mênh mông lá lụt, bồi hồi nắng đen!
Mắt ngầu cát bụi vô duyên,
Chân hèn lạc ngõ, tóc viền ngày tang!
Cổ bồn ca, hát huênh hoang!
Mưa ngâm đầy mắt, gió hàn đầy môi!
Chênh vênh bóng tối lên rồi,
Thẫn thờ chim dại tả tơi cánh mòn.
Não nùng vó ngựa hoàng hôn,
Áo đơn màu bạc, gót chồn thương thương!
Tình tha hương, người tiêu tương,
Vàng son cởi mở, lạnh đường cô liêu.
Ngại ngùng chân bước xiêu xiêu,
Nhìn nhau mắt lạc, ý chiều không đi…
Rừng cây lên điệu cuồng si,
Áo may bằng lệ kinh kỳ phải không?
Ra gì cái gió mùa đông,
Chăn cừu, áo lạnh mà không ấm lòng!
Lạc loài dăm đứa long đong,
Lìa cha, xa mẹ xuôi dòng ưu tư…
Loạn lên, đổi bạn ra thù,
Tay run cán lạnh nghe chừ, hồn đau!
Giang hồ thơ viết vài câu,
Tỉ tê kể lại những màu đế kinh!
Tóc xanh vò rối cho đành,
Hãi hùng giấc mộng ngày xanh một mùa!
Nằm đây ướt áo ngày mưa,
Nghe mùa điên dại lên thừa mắt điên!
(thơ Huyền Chi / tập thơ 'Cởi Mở '.)
5
ĐẤT LẠNH
Bình minh về trên đồi,
Tiếng người ca khắp nơi.
Thơm thơm mùi lúa mới,
Đời lên mùa vui tươi.
Gã trai làng dắt trâu,
Đưa mạnh lưỡi cày sâu.
Đất màu tung toé vỡ,
Nức nở như nhìn nhau.
Vài ba thằng cu con,
Cầm diều chạy lon ton:
Mẹ ơi! Mẹ đi chợ,
Nhớ mua quà cho con!
Chạy dài theo đường làng,
Dăm cô gái gọn gàng:
Áo nâu non thắt vạt,
Đứng gọi đò sang ngang.
Nắng mới về rực rỡ,
Mấy cụ già che tay:
- Đem phơi cau đi nhá,
Kẻo hết nắng, chúng bay!
Đường làng ngõ đi vào,
Tiếng trẻ học nghêu ngao:
Những mái đầu nghiêng thấp,
Tay cầm bút thao thao…
Rồi trong luỹ tre xanh,
Chốn đồng nội hiền lành,
Một mùa thu súng nổ
Vỡ nát cả thanh bình…
Rưng rưng bờ thanh mi,
Mỉm cười ngày chia ly.
Luỹ tre già chứng kiến:
Bao nhiêu lần ra đi…
Những gót giày khát máu,
Chà đạp lúa đang lên:
Đất màu rên xiết nhớ
Vạn lưỡi cày thân quen!
Mạ đốt thành tro bụi,
Vùi dưới mầm đất nâu
Những ruộng vườn hấp hối,
Rưng rức mà trông nhau!
Từng hạt đất quê hương,
Là những nguồn an ủi.
Máu chảy từ châu thân,
Xuôi về theo đồng nội…
Thấm vào lòng đất lạnh
Vùi giữa mạch đồng quê,
Dâng cho đời kiếp sống,
Cho những người xa quê…
(hơ Huyền Chi - tập thơ 'Cởi Mở'.)
6
GIÓ VỀ
Gió về trút lá phân vân,
Hoàng hôn mờ toả ngập tầng trời cao.
Đêm về trong gió nao nao,
Vi vu kẽ lá, rì rào rừng cây…
Có người đầu gối vào tay,
Nằm nghe tiếng gió về lay lá vàng.
Bên sông một mái đò ngang,
Tiếng hò thổn thức dưới màn trời sương.
Đêm nay có kẻ tha phương,
Dừng chân rủ áo phong sương cuối mùa.
Vương trong sương, tiếng chuông chùa,
Ngân lên lành lạnh gió lùa trong đêm…
Lạc loài có một cánh chim,
Kêu lên thảm thiết lẫn chìm trong sương.
Tiếng chân ai bước trên đường,
Bâng khuâng vang giữa phố phường ngủ say.
Có người đầu gối vào tay,
Nghe lòng nổi gió heo may cuối mùa.
(hơ HUYỀN CHI - tập thơ 'Cởi Mở'.)
7
MÙA HƯƠNG
Hãy giăng đôi bàn tay lên vũ trụ,
Nghe tình thương trỗi dậy giữa lời ca.
Gió bốn phương bừng nở khắp lòng ta,
Hoa bác ái hoa tưng bừng hạnh phúc.
Rực ánh sáng khắp cuộc đời chui rúc,
Lành da non những vết lở lầm than.
Nhoẻn môi cười xây dựng trên tan hoang,
Tôi cày xới và anh trồng lúa mật.
Vun tất cả những tình thương xuống đất,
Đem lúa vàng nặng trĩu cho quê hương.
Tay nắm tay cùng ca ngợi tình thương,
Nắng lại đến sau những ngày thoi thóp.
Những mái tóc bạc phơ và má cóp,
Không bao giờ còn đợi cửa nâng khăn.
Tre tàn đi và thay thế cho măng:
Những búp lộc nở bừng căng sữa mộng.
Gió quê hương, nắng quê hương lồng lộng,
Đất rộng ra, trời cao mãi xanh xanh!
Tôi yêu anh, anh yêu nó, loanh quanh,
Tình chan chứa và môi lành ngọt đậm.
Thanh bình nở giữa ngày mai đỏ thắm,
Chúa xuân về duyên dáng cả làn mi;
Từng bước chân vang dậy khắp kinh kỳ,
Tưng bừng đón nàng tiên yêu dấu ấy.
Chìa phần thưởng những bông vàng đã cấy,
Ra mười phương cho đất nước tương lai.
(hơ Huyền Chi - tập thơ 'Cởi Mở')
8
LẠC LOÀI
Bơ vơ quá giữa kinh thành,
Có ai may áo viễn hành nữa đâu?
Lạc loài từ độ xa nhau,
Đường phai dấu cũ, nhạt màu thời gian.
Ở đây, nhung lụa bạc vàng,
Trăm màu xa mã, muôn ngàn phồn hoa.
Giá băng cạn chén quan hà,
Giang hồ chỉ có mình ta với người!
Bụi đời mờ nẻo ngược xuôi,
Năm năm tháng tháng ngâm lời thơ điên!
Sang ngang lỡ một mái thuyền,
Để về đây sống giữa miền hoang vu!
Mấy mùa khói lửa âm u
Mấy mùa ly loạn mịt mù muôn nơi…
Đêm đêm ra đứng nhìn trời,
Đêm đêm nghe gió vọng lời muôn phương
(Có trăm cánh gió điên cuồng,
Về đây giữa lúc phố phường tối đen)
Dập dìu ong bướm đua chen,
Riêng mình ta chẳng người quen, lạ nhà.
Lạc loài giữa xứ tha ma,
Sống bơ vơ quá, nghĩa là… thế thôi!
(thơ Huyền Chi - tập thơ 'Cởi Mở'.)
9
RỚM MÁU
Đây kinh thành bốc khói,
Một tối nồng men say.
Giữa kinh kỳ đại hội,
Vị đời thêm chua cay!
Những mái đầu hoan lạc,
Kề sát mãi bên nhau.
Những thân hình phóng lãng,
Môi cười trong thương đau.
Lạnh người men rượu đắng,
Áo màu xanh hân hoan,
Hỡi ơi! Trời khép, mở?
Đâu? Tiếng hát dân Chàm?
Ai ca tình chơi vơi,
Trong muôn lòng cửa khép.
Máu quại quằn đang sôi.
Giam gì thân ngõ hẹp?
Mắt xanh mờ ngấn rượu
Môi tái màu say sưa
Nghe gì trong đắm đuối
Còn đâu mà mong chờ?
Hờn vạn đường cố lý
Xếp về đây đêm nay
Hai biên thuỳ rớm máu
Chất trong ngàn ngày say…
Ôi! Cung đàn vong quốc!
Ôi! Tiếng hát dân Chàm!
Lên giữa đời nhơ nhuốc,
Nói gì? Buồn tan hoang!
Máu pha làm rượu đắng,
Dâng cho hồn men xanh?
Đây kinh kỳ nẻo chắn,
Tràn muôn màu hôi tanh.
(thơ Huyền Chi - tập thơ 'Cởi Mở'.)
10
VE VỠ
Thân tặng chị Tường Vi
Vỡ một tiếng cười hoe nước mắt,
Nắng hè rung nắng, nắng hè ơi!
Căm căm phượng đỏ bầm da thịt;
Nức nở mùa ve nức nở cười!
Tay bút cuồng lên, thơ nhạt lắm!
Sầu ngâm mắt lạnh, sầu chơi vơi!
Nắng Hạ quay tròn như ảo ảnh,
Những bàn tay nhỏ biệt tay rồi.
Đêm qua đốt lửa nghe trời chuyển,
Mưa gió theo về cánh cửa… rơi.
Hàng xóm có người ngâm khúc hát: -
Mùa ve tâm sự nát lòng tôi!
Mùa ve thưở ấy, nắng đầy hương,
Phượng đỏ triền miên mái học đường.
Có những bàn tay thơ dại nắm,
Ngậm ngùi xiết chặt những tình thương!
Rồi loạn mùa hoa, phượng xác cành,
Lửa về thiêu huỷ những ngày xanh.
Đàn ve im giọng, điêu tàn đến,
- Gió bốn phương bừng giữa nắng hanh.
Rồi một mùa ve, hai mùa ve…
Bao nhiêu lần phượng nở sau hè.
Lòng tôi giam kín mùa hoa cũ,
Một mái trường xưa ngói đỏ hoe.
Đã chết lâu rồi, nắng ấm ơi!
Chiều nay tàn lịm giữa đôi môi.
Lòng tôi chôn xác muôn mùa phượng,
Thơ viết làm sao? Mắt lạnh rồi!
(thơ Huyền Chi - tập thơ 'Cởi Mở'.)
11
XUÂN NHỚ
Giá băng xuân đến thành đô,
Đêm nay không rượu giang hồ mà say!
Có nghìn tay nắm nghìn tay,
Lòng đang trĩu nặng một ngày xuân sang.
Ai xây trên cảnh hoang tàn,
Máu xương trên những mộng vàng mà vui!
Hương thề chưa cạn ly bôi,
Vội gì khi xếp những lời sắt đanh.
Mái đầu trai tráng đương xanh,
Có ai nỡ sống yên lành được đâu?
Gái lành đóng cửa vườn dâu,
Trai lành tô lại những màu sắc xưa...
Súng che tiếng pháo giao thừa,
Nửa đêm trừ tịch nghe mưa mái ngoài.
Đêm nay có vạn hồn trai,
Lắng mùa xuân đến lạc loài mà đau!
A ha! Mấy vận thơ sầu,
Vẫn không lấp được ngàn câu tâm tình.
Nghe đời réo khúc điêu linh,
Cười vang nuốt một bất bình xót xa.
Xuân về huyên náo phồn hoa,
Đào tươi như máu người ra sa trường.
Tanh tanh ly rượu đầy hương,
Có ai hiểu được nỗi buồn thiên thu?
Cố nhân đâu? Cố nhân chừ!
Mắt xanh đã nhắm ưu tư giữa đời.
Áo cơm chưa tủi kiếp người,
Thơ chưa chắc tả hết lời người xưa.
Mấy năm ly loạn chưa mờ,
Đời người không khác nước cờ đổi thay.
Lấy gì đã gọi là say,
Dăm ba đứa bạn của ngày ra đi...
Mấy năm xuân đến kinh kỳ,
Đứa xuôi, đứa ngược, nghĩa gì, chao ôi!
Giờ đây có lẽ xa xôi,
Bao nhiêu lòng vọng về tôi phút này,
Cười lên tan vỡ đêm nay,
Quay về quá khứ đón ngày xuân xưa...
Trầm hương toả đón giao thừa,
Chua cay nâng chén say mùa chiến chinh.
thơ HUYỀN CHI
(Trích 'Cởi Mở', xuất bản năm 1952.)
12
RƯỢU TIỄN
Ta không có rượu mà đưa tiễn,
Như vạn ngày xưa, vạn kẻ hùng!
Chẳng có sông nào kêu Dịch Thuỷ,
Không gươm, không ngựa, không đao cung!
Ta tặng cho ngươi gáo nước lã,
Uống cho cạn hết tình long đong!
Áo bào chiến quốc ta không có,
Nghèo đến không đưa được nửa đồng!
Mắt đỏ nhìn nhau mà muốn nói,
Xác mùa lá rụng đau ba đông.
Tay xiết tay rồi, binh biến đến,
Đợi nhau trong một buổi tương phùng!
Hoàng hôn u tịch về trong mắt,
Ngươi ở đâu rồi? Ngươi nhớ không?
Áo nâu một chiếc mà vai rách,
Ngươi phải đi rồi, làm sao khâu?
Một gói hành lương nhỏ
Của mẹ già gói cho.
Không cao lương mĩ vị,
Cơm đỏ nắm một mo.
Đôi bàn tay buộc kỹ,
Rớm lệ cười trao cho…
Ta không là thi sĩ,
Cố tặng một bài thơ,
Một bài thơ uỷ mị,
Giam muôn ngày vu vơ!
Mấy mùa mưa lụt về sông nước,
Vàng võ ngùi sa chuyện hải hồ!
(thơ HUYỀN CHI - tập thơ 'Cởi Mở' /1952.)
13
BÀI THƠ VIẾT ĐẦU MÙA THU
Huyền diệu đường tơ giăng biếc xanh,
Thu về! Loảng ướt nắng kinh thành.
Thu về! Cả một trời tang tóc,
Có kẻ chờ thu đón gió lành.
Tình chỉ bâng khuâng hé nắng đào,
Vườn xưa hội ngộ có làm sao?
Phong ba một thuở hờn sông núi,
Rào rạt nghìn phương bọt bể trào.
Mây lặng vời xa muôn cánh chim,
Biết đâu mà kiếm, biết đâu tìm.
Nơi đây chỉ thấy đời hoang dại,
Mặn nhạt phồn hoa im vẫn im.
Ta biết lâu rồi một sớm kia,
Đường đi cách biệt chẳng quay về,
Biên thuỳ hai ngả chia bằng máu,
Dâu bể hai đường không đủ che.
Có những chiều tang vắng bóng người,
Mây tần giăng mắc ngập muôn nơi.
Có người đếm mãi mùa thu rụng,
Hoen ố vườn xuân của cuộc đời.
Chia biệt từ lâu mấy độ thu,
Hiên ngang dấn bước nẻo sương mù.
Bao nhiêu lần gió mùa thu tới,
Đem mộng quan hoài khóc viễn du.
Ta biết lòng ta chẳng có gì,
Chỉ là luyến tiếc buổi chia ly.
Mỗi lần thu đến trong mùa nắng,
Thu đến trên môi gái dậy thì.
Phong châu mấy thuở từ kinh Bắc,
Đã rộn biên thuỳ gây lửa binh.
Giang nam rẽ bước về thôn hạ,
Xương ngập vườn hoang, máu ngập đình.
Thôi nhé, từ nay hết thật rồi,
Ngàn thu cũng chỉ thế này thôi.
Mây Yên nếu lạc về phương ấy,
Nhắn nhủ cho ta gửi ít lời:
Ngày mai thu lại đến tươi vui,
Có những lời ca dậy khắp trời.
Muôn tiếng hò reo mùa ánh sáng,
Đời lên đổi lốt sống: Anh, Tôi...
(thơ Huyền Chi - tập thơ 'Cởi Mở', xuất bản năm 1952.)
14
MẸ HIỀN
Kính dâng mẹ Việt Nam
Mẹ đem reo rắt tình thương mến,
Xuống những lòng con vạn ngả đường...
Tả làm sao đôi mắt,
Tình mẹ Thái Bình Dương;
Những bàn tay thân mật,
Thơm ngát mùi quê hương!
Hàng dừa cao soi mình trong bóng nước,
Những mái lều cô quạnh đứng tang thương!
Mái tranh vàng, con đường đê quen thuộc,
Vẫn mỗi chiều chờ đón khách tha phương.
Con run rẩy đón tình thương của mẹ,
Lòng rợn nhiều cảm giác nhớ nhung xa;
Tay ve vuốt trên mái đầu con trẻ,
Môi mẹ hiền vang giọng nói như ca...
Đặt bước lại trên đường quê thuở bé,
Nhìn chung quanh vườn ruộng quá điêu tàn.
Mắt nhoà đi, con nhìn lên thỏ thẻ:
Mẹ hiền ơi! Lòng mẹ có tan hoang?
Con đau xót! Tình thương con rộng lớn,
Mẹ yêu con, chăm chút biết bao nhiêu.
Đền đáp lại, con làm gì để trả,
Bao công ơn mẹ ấp ủ nâng niu?
Ra đi mất vào một mùa thu xám,
Khi bóng chiều đã tắt ở cô thôn.
Con ra đi hai bàn tay can đảm,
Tình mẹ hiền ấp ủ phút cô đơn!
Rồi lạc bước cuối một mùa đông rét,
Trở về đây con lại trở về đây;
Mắt nhoà đi, những thân tàn giá rét.
Mẹ ôm con trên những cánh tay gầy.
Môi ấp úng và lòng con sợ hãi,
Tràn dâng lên, niềm hối hận vô biên.
Mẹ Việt Nam, người mẹ hiền Nhân Loại.
Đến lòng con muôn nhịp sống u huyền.
Tay ve vuốt và đôi mi mở rộng,
Nhủ vào tai nguồn sinh lực Thanh Xuân:
"Con mẹ ơi! Hãy đi tìm lẽ sống,
Yếu mền chi, đừng thương nhớ phân vân."
(thơ Huyền Chi ,trong tập thơ 'Cởi Mở' xuất bản năm 1952.)
15
RU EM
À ơi... em ngủ đi em,
Mẹ đi gặt lúa đồng chiêm chưa về.
Sáo diều cao vút trên đê,
Âm vang dăm khúc đồng quê ngọt ngào.
Vó câu dồn bước nao nao,
Bóng người mang kiếm khuất vào rặng tre.
Năm năm bao chuyến đi, về
Năm năm chưa vẹn lời thề non sông...
Ngủ đi chị bế, chị bồng
Nín đi, đừng khóc cho lòng chị vui!
Giang sơn còn bị tôi đòi,
Chiến chinh còn ngập bốn trời đau thương.
Cha ta một sớm lên đường,
Bỏ thây chiến địa, sa trường, em ơi!
Từ ngày tang tóc lên ngôi,
Tám năm xương máu chưa rồi lửa binh.
Quê hương mơ một thanh bình,
Cây da rủ bóng đượm tình yêu thương.
Mẹ già tóc trắng như sương,
Bán buôn tần tảo trăm đường nuôi ta.
Em ơi! Chị thấy như là
Bên sông có tiếng ai ca Khải Hoàn!
(thơ Huyền Chi trong tập thơ 'Cởi Mở' ,xuất bản năm 1952.)
16
GIÃ BIỆT
Tặng một người miền Bắc
Mai này gió sớm ngươi đi ,
Tiễn nhau không một chút gì làm tin.
Ngậm ngùi nhớ một cánh chim,
Giang hồ ngươi uống, ta tìm quên say.
Luyến lưu gì nữa chia tay,
Nào đâu dám hẹn một ngày gặp nhau.
Tặng ngươi một ít thơ sầu,
Đôi giòng tâm sự, vài câu ân tình.
Đêm nay đèn thắp một mình,
Đời ta mấy mái trường đình tiễn đưa?
Một đi không hẹn, không chờ,
Ta còn đâu nước mắt thừa khóc ngươi?
Cố nhân lỡ cố nhân rồi,
Chợ đời ba vạn tiếng cười khác nhau.
Bắc Nam là một nhịp cầu,
Giữa ta là một chuyến tàu ra đi.
Ngày mai! Ừ buổi chia ly,
Ngày mai! Hừ, lại kinh kỳ tiễn nhau.
Này đây tâm sự một câu,
Món quà giã biệt, ta cầu cho ngươi:
Vui chân đất khách quê người,
Lòng không lạnh nữa, chợ đời đầy hoa.
Đừng bao giờ nhắc đến ta.
Nghĩa là ngươi hãy… nghĩa là… quên đi!
Bụi còn phai được kinh kỳ,
Lòng người mà có ra gì hử ngươi?
Thơ Huyền Chi trích tập thơ Cởi Mở xuất bản năm 1952
17
HƯƠNG QUÊ
Ngày tan thành khói thành mây,
Thơm thơm lúa chín say say rạ vàng.
Tầm xuân nở mộng vinh quang,
Dăm cây lá ngót, đôi giàn mồng tơi.
Những nàng cắn chỉ đôi môi,
Lá răm đôi mắt, duyên cười răng đen.
Cuộc đời một giấc mơ hiền,
Lành như mặt nước bên miền Hà Nam.
Những chàng trai tráng hiên ngang
Quanh năm đồng ruộng quê làng chăm lo;
Yên vui chẳng chút mong chờ,
Đời êm dịu ngọt như tờ giấy trinh.
Ngàn cây rủ nắng thanh bình,
Hương quê toả ngát trên tình yêu thương.
Một lần tiếng súng muôn phương,
Loạn ly ồ ạt đến làng đổi thay.
Chuyện đời như một lần say,
Bể dâu không nhớ những ngày tang thương.
Buông cày trai tráng lên đường,
Bỏ khung cửi, gái thập hường ra đi.
Ly bôi nhấp lúc phân kỳ,
Lời hùng vang dậy nhủ ghi đáy lòng.
Năm mùa rồi sáu mùa mong,
Máu xương vẫn chảy lửa hồng vẫn cao.
Xa xưa lắm những ngày nào,
Đếm bao nhiêu lượt trúc đào nở hoa.
Rưng rưng đôi mắt lệ nhoà,
Chiều chiều tựa cửa lòng già mong ai?
Nhìn hoàng hôn ngập u hoài:
Bao giờ mới đến ngày mai, hở trời?
Từ ngày lấp nẻo ngược xuôi,
Quê hương chẳng có ai người viếng thăm…
(thơ Huyền Chi - tập thơ 'Cởi Mở', xuất bản năm 1952.)
18
HƯỚNG GIÓ
Thắp ngọn đèn khuya để sáng đêm,
Thơ sầu tôi viết gửi anh xem.
Chông chênh ngoài ấy ra sao nhỉ?
Mây lạc không về trong mỗi đêm.
Bận bịu trăm nghìn chuyện áo cơm
Kinh thành môi lạnh nhạt màu son
Đường đi trăm hướng chưa tìm thấy,
Vẫn cứ loanh quanh nẻo cỏ mòn.
Từ thuở nào kia nắng chửa về,
Lòng hoang vẫn ngập bốn tường the.
Chiều nay gió bấc lên cơn lạnh,
Mùa cũ vừa qua theo bánh xe…
Thơ vẫn vu vơ chuyện đất trời,
Viết trong tưởng tượng thế mà thôi.
Tôi chưa hề thấy như anh thấy
Bốn vách tường vôi che mắt tôi.
Tay viết bâng khuâng lòng ngập ngừng,
Nơi đây anh đọc thấy gì không?
Vẫn trang giấy trắng là trang giấy,
Nào có ra gì chuyện thế nhân!
Anh đã đi qua mấy đoạn đường?
Những tầng cao cửa kín phong sương?
Những miền hoang rộng trong thiên hạ?
Những cảnh xa hoa của phố phường?
Hãy đọc nhiều đi, nhớ đến tôi
Thế là an ủi đấy anh ơi!
Hôm qua vừa gặp người năm trước,
Áo trắng màu tang duyên biếng tươi.
Kể chuyện năm xưa mãi ích gì!
Từ mùa thu lạnh ấy anh đi…
Người kia đã có lần qua bến,
Đò đắm dòng sông tuổi giở thì…
Tôi biết rằng anh sẽ bảo tôi
Đừng bao giờ nhắc đến. Anh ơi!
Bảy năm lâu đấy nhưng tôi chắc
Anh vẫn chưa quên được bóng người.
Đừng dối lòng đi, thôi nhé anh!
Mưa thì cỏ mọc lại tươi xanh.
Chiều nay mây xám về ngang ngõ,
Biết đến bao giờ hết chiến tranh.
(thơ Huyền Chi, trong tập thơ 'Cởi Mở' xuất bản năm 1952.)
Tham khảo thêm về Tác giả Huyền Chi
Huyền Chi
tác giả bài thơ "Thuyền Viễn Xứ" là ai ?
Nguyễn Phước Thị Liên
(Để tưởng nhớ các thầy cô Trường Trung học Phan Bội Châu-Phan Thiết, niên khóa 1954-1957).
Ở đây chúng tôi không đề cập đến kỹ thuật âm nhạc và kết cấu bài thơ Thuyền Viễn Xứ, chỉ nên một chi tiết chưa minh bạch về tác giả bài thơ.
Tạp chí Sông Hương số 273 tháng 11-2011, trang 62-69 có bài "Phạm Duy: thơ phổ nhạc" của Đặng Tiến. Tác giả có nói đến bài thơ Thuyền Viễn Xứ của Huyền Chi nhưng chỉ với vài lời, vừa thuật, vừa trích lẫn lộn:
... ”…khi Phạm Duy phổ nhạc bài Thuyền Viễn Xứ, 1953, thuyền ơi viễn xứ xa khơi…sóng Đà giang…thơ của Huyền Chi, một cô hàng vải trong chợ Bến Thành không mấy ai biết đến”.
Như vậy, tác giả chứng tỏ không biết Huyền Chi là ai, lại còn có ý chê thể thơ lục bát khi ông viết :
” Anh (tức Phạm Duy) đã biến nhịp lục bát đơn điệu, tẻ nhạt thành những tiết tấu sinh động, tha thiết, phong phú”.
Để bạn đọc biết thêm Huyền Chi là ai, ở đây chúng tôi xin phác họa đôi nét về tác giả:
"Vào khoảng trước và sau 1954-1957, hầu hết học sinh, sinh viên miền Nam đều thích nhạc của Phạm Duy, trong đó có bài Thuyền Viễn Xứ, loại thơ phổ nhạc. Bài này được các ca sĩ nổi tiếng như Thái Thanh, Lệ Thu…thể hiện rất truyền cảm. Bọn trẻ chúng tôi lúc đó đang học Trường Trung học Phan Bội Châu - Phan Thiết. Không ai bảo ai. Đứa nào cũng “mê “, cứ lải nhải hát Thuyền Viễn Xứ, như ngầm chứng tỏ với nhau ta đây là dân…sành điệu.
Dần dần, tác giả bài thơ là Huyền Chi trở thành thần tượng của tuổi trẻ trường Phan Bội Châu - Phan Thiết. Không đứa nào không biết Huyền Chi bằng xương, bằng thịt, chính là vợ của thầy giáo dạy tiếng Pháp cho mình. Và tất nhiên, chúng tôi phải gọi nhà thơ, vợ của thầy mình bằng cô. Hơn nữa, cô Huyền Chi là người phụ nữ đẹp, tài sắc vẹn toàn. Cô có nước da trắng khỏe, dáng người cao, gương mặt tươi, miệng cười hiền hậu, dễ mến, tà áo dài màu thiên thanh đài các trong những chiều lộng gió, khi thầy cô sánh đôi giữa thành phố Phan Thiết, đã làm xao xuyến tâm hồn bao nữ sinh thời bấy giờ. Dưới mắt họ, đó là cặp đôi hoàn hảo.
Chúng tôi còn biết cha chồng của cô - cụ Đức Huy -, cũng là một người yêu văn thơ trong nhóm Liên Thành Thi xã, đã cùng các cụ Phú Khê, Phú Sơn, An Bình…xướng họa. Nhóm của các cụ cùng với nhóm Hương Bình Thi xã ở Huế thường trao đổi thi bài.
Cô Huyền Chi tên thật là Hồ Thị Ngọc Bút, sinh năm 1934, quê ở Bắc Ninh. Năm 1948-1949, cô ở Đà Lạt với người chị ruột. Năm 1950, 16 tuổi, cô về Sài Gòn ở với mẹ. Mẹ cô có sạp vải bán ở chợ Bến Thành, mỗi sáng cô thường giúp mẹ dọn hàng. Dọn hàng xong mới về đi học, có lúc vừa đi học vừa đi làm.
Năm 1950-1952, cô làm thư ký tòa soạn tạp chí Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Lan Phương, chuyên trách mục thơ, cũng là phó nhóm Thơ-Văn-Nhạc Chim Việt. Cũng năm này, cô in tập thơ đầu tiên của mình là tập Cởi Mở tại nhà in Sống Chung của bà Đào. Theo lời cô kể:
“Khi tập thơ mới hoàn thành, tôi đang giở xem bản in đầu tiên thì ông Phạm Duy đến. Có lẽ ông này quen biết với chủ nhân nhà in. Qua lời giới thiệu của bà Đào, ông biết tôi là tác giả tập thơ, ông đến bên tôi và nói:
“Tôi là nhạc sĩ Phạm Duy, có thể nào cô cho tôi một quyển, nếu tôi thấy có bài nào hay, tôi sẽ phổ nhạc“.
Ông còn yêu cầu tôi viết lời ký tặng. Đó là lần duy nhất tôi gặp nhạc sĩ Phạm Duy“.
Sau này, dường như năm 1953, bản nhạc Thuyền Viễn Xứ được in ra, thâu băng và phát hành ra nước ngoài. Thời ấy, cô Huyền Chi có người anh là một kỹ sư hàng không ở Pháp, có lúc ông anh gởi thơ nói với cô:
“Anh không ngờ thơ em qua tận Paris”.
Năm 1954, Huyền Chi lấy chồng. Chồng cô là người Huế, dạy học ở Phan Thiết. Lúc này, cô có mở một hiệu sách mang tên Bút Hoa tại nhà và vẫn cộng tác thơ với tạp chí Tiền Phong ở Sài Gòn. Nhưng về sau, cô không còn tiếp tục nữa. Tập thơ Cởi Mở bị thất lạc vào năm 1975, khi cô dọn nhà về Sài Gòn, do cuộc mưu sinh.
Trở lại câu chuyện hiện nay. Năm 2005, chúng tôi được biết nhạc sĩ Phạm Duy về nước và qua anh bạn Linh Phương, - tác giả bài thơ Kỷ Vật Cho Em cũng được Phạm Duy phổ nhạc - chúng tôi mới gợi ý với cô: nên chăng, cần cho Phạm Duy và bạn đọc hiện nay biết về tác giả Thuyền Viễn Xứ. Sau đó, chúng tôi và Phạm Duy trao đổi vắn gọn bằng thư. Nhạc sĩ Phạm Duy có trả lời, nhưng riêng Huyền Chi thì giữ ý không muốn gặp nhạc sĩ. Những năm gần đây, cô gởi cho chúng tôi một số bài thơ cô mới sáng tác.
Bây giờ tác giả Thuyền Viễn Xứ chẳng còn trẻ. Chồng nữ sĩ đã mất, nữ sĩ đang sống với các con ở Sài Gòn, hằng ngày dạy kèm tiếng Anh cho các cháu trong xóm. Nhạc sĩ Phạm Duy vừa ăn mừng lễ khánh thọ cửu tuần. May mắn là những người trong cuộc vẫn còn tại thế, nhưng hai người gặp nhau chỉ một lần qua tinh thần tập thơ Cởi Mở, chứng tích là bài Thuyền Viễn Xứ.
Nhắc lại chuyện này chỉ để giúp bạn đọc biết thêm đôi nét đan thanh của một tác phẩm, qua hơn nửa thế kỷ chưa nhuốm bụi thời gian.
Nhân đây, chúng tôi cần xác minh: Huyền Chi và Hà Huyền Chi là hai nhà thơ riêng biệt. Người ta hay nhầm lẫn vì trong bút danh, có trùng hai chữ “Huyền Chi“. Ông Hà Huyền Chi là tác giả nhiều bài thơ trong quân đội Sài Gòn, thuộc chế độ cũ. Còn Huyền Chi, tác giả bài thơ Thuyền Viễn Xứ là phụ nữ.
Vừa qua, có người nghe ca sĩ Ánh Tuyết hát bài Thuyền Viễn Xứ, mà MC giới thiệu là thơ của Hà Huyền Chi (!).
Bài viết này đã được tác giả Thuyền Viễn Xứ thông qua và nhất trí. Xin cám ơn nữ sĩ Huyền Chi."
Nguyễn Phước Thị Liên
Nguồn: "Nguyễn Phước Thị Liên, My.Opera.Com"
_http://hoiquanphidung.com/showthread.php?7036-Huy%E1%BB%81n-Chi-t%C3%A1c-gi%E1%BA%A3-b%C3%A0i-th%C6%A1-quot-Thuy%E1%BB%81n-Vi%E1%BB%85n-X%E1%BB%A9-quot
***
PHẠM DUY viết:
"Trước khi gần một triệu người sẽ di cư vào miền Nam và ai cũng sẽ đều nhớ tới cảnh vật, sự việc và con người của thôn quê miền Bắc, tôi làm quen với một cô em bán vải ở Chợ Bến Thành tên là Huyền Chi. Cô ''Bắc Kỳ nho nhỏ'' này có một bài thơ nhớ quê hương cũ nhan đề THUYỀN VIỄN XỨ và đưa cho tôi phổ nhạc...
Bài thơ này nói lên tâm trạng một người phải rời bỏ bến Đà Giang ở miền Bắc để đi vào miền Nam và nói lên sự hoài hương, nhớ miền viễn xứ... Bài thơ trở thành bài hát và được phổ biến trong thời gian người Bắc ùn ùn di cư vô Nam nên ai cũng muốn hát nó, muốn nghe nó..."
Phạm Duy
(source: "phamduy.com")
Thuyền Viễn Xứ
Nhạc: Phạm Duy
Thơ Huyền Chi
Trình bày: Lệ Thu
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà giang, thuyền qua xứ người
Thuyền ơi, viễn xứ xa xưa
Một lần qua dạt bến lau thưa
Hò ơi, giọng hát thiên thu
Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về
Nhìn về đường cố ly, cố lý xa xôi
Đời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi
Quay lại hướng làng, Đà giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng
Nỗi tiếc thương mong con bạc lòng
Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết bao là thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người
Mịt mờ sương khói lên hương
Lũ thùy dương rũ bóng bên sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường.
Huyền Chi
tác giả bí ẩn của ca từ Thuyền viễn xứ
tác giả bí ẩn của ca từ Thuyền viễn xứ
Phạm Công Luận
Trong một tập sách in những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, ông có đưa vào một câu dưới bài Thuyền viễn xứ: “Huyền Chi, cô ở đâu?”. Đó cũng là câu hỏi của tôi khi nghe lại ca khúc đầy ắp cảm xúc này.
Huyền Chi và chồng - ảnh: tư liệu gia đình
Huyền Chi là ai? Ít thông tin trên mạng cho biết cô là một cô gái phụ mẹ bán vải ở chợ Bến Thành. Cơ duyên nào khiến bài thơ của cô được nhạc sĩ danh tiếng Phạm Duy phổ nhạc?
Đầu năm 2016, tôi xem được những tấm ảnh của Huyền Chi và biết thêm nhiều thông tin về cô. Trong ảnh, Huyền Chi là một cô gái có nét đẹp của một diễn viên điện ảnh với dáng cao, cân đối và trắng trẻo. Cô gái ấy sinh ra ở vùng Tân Định, Sài Gòn, có lúc ra định cư tại Phan Thiết rồi quay về sống ở thành phố này tới nay.
Cô học tiếng Anh từ trước năm 1954 khi tiếng Pháp là ngoại ngữ phổ biến, đang được học hằng ngày ở các trường Tây tại Sài Gòn. Cô làm thơ khi còn rất trẻ, ra tập thơ duy nhất năm 18 tuổi rồi để thất lạc. Cô có một bài thơ được phổ thành ca khúc Thuyền viễn xứ của nhạc sĩ Phạm Duy dù chỉ gặp ông lần duy nhất trong đời.
Bài thơ buồn của cô gái trẻ
Tôi gặp bà Hồ Thị Ngọc Bút tại quận 2, trước giờ bà dạy tiếng Anh tại nhà. Không thể nghĩ rằng bà đã 82 tuổi. Trước mặt tôi là một phụ nữ trắng trẻo, vóc dáng cao, khỏe mạnh.
Bà Ngọc Bút chính là nhà thơ Huyền Chi của những năm đầu thập niên 1950.
Đầu thập niên 1930 có một kỹ sư Hỏa xa (Ingénieur technique adjoint) tên là Hồ Văn Ánh, từng được đào tạo tại Pháp trong những khóa đầu tiên cho thuộc địa.
Năm 1940, ông làm giám đốc Hỏa xa các tỉnh Phan Thiết, Phan Rang và Nha Trang, có ngôi nhà riêng hai tầng khang trang ở Phan Thiết, một “wagon” riêng trên tàu hỏa đặc biệt cho gia đình tùy nghi sử dụng miễn phí.
Công việc của ông là tổ chức, đào tạo, kiểm soát và duy trì hệ thống Hỏa xa toàn quốc. Vì công việc, ông di chuyển và ở lại nhiều thành phố nên vợ ông lần lượt sinh sáu người con ở các nơi trên đường công tác.
Con gái út Ngọc Bút được sinh ra tại Sài Gòn khi ông làm việc tại đây. Khi ông đến Phan Thiết, Ngọc Bút được đi học tại Trường nữ tiểu học Phan Thiết.
Cuộc sống đang êm đềm thì biến cố xảy ra, bà nội của cô ở quê nhà Bắc Ninh bệnh nặng. Đáng lẽ cả gia đình đều phải về, nhưng trong nhà có một người con cũng đang bị bệnh nên chỉ có ba cô và hai anh chị cô về Bắc trước.
Dự tính khi con bớt bệnh, mẹ cô sẽ dẫn tất cả về luôn. Không ngờ đó là lần cuối cùng cô gặp cha, rồi do bom đạn, loạn lạc, tản cư và cuối cùng là cuộc chia đôi đất nước khiến gia đình cô phân cách vĩnh viễn.
Mẹ cô mở sạp bán vải tại cửa Nam chợ Bến Thành để sinh sống. Cô ở với mẹ, vừa đi làm vừa đi học, vừa dọn hàng giúp mẹ.
Trong thời gian hai miền Bắc - Nam được tự do thông thương năm 1954, mẹ đã trở về Bắc với cha cô, nhưng bốn người con vẫn ở lại miền Nam vì lúc ấy ai cũng đã có công ăn việc làm và cô cũng sắp kết hôn.
Những năm tuổi nhỏ được theo cha mẹ về thăm quê mỗi năm và đi đây đi đó, Ngọc Bút có nhiều cảm xúc về quê hương xứ Bắc. Hơn nữa, sự phân ly, chia cắt gia đình quá sớm khi còn bé đã để lại một ấn tượng sâu trong lòng cô.
Vì vậy cô đã tưởng tượng ra một cuộc chia ly trên quê hương trước khi nó biến thành sự thật. Đó là lý do ra đời của bài thơ Thuyền viễn xứ.
Nhiều người hỏi: “Vì sao cô còn trẻ mà làm thơ buồn thế?”, cô trả lời: “Tôi tưởng tượng thôi mà!”. Nhưng thật ra nỗi đau âm ỉ trong lòng cô trong nhiều năm đã tạo nên những vần thơ ấy.
Huyền Chi năm 1967 - ảnh: tư liệu gia đình
Huyền Chi, cô ở đâu?
Năm 1952, Ngọc Bút đến nhà in báo Sống Chung trên đường Trần Hưng Đạo, quận Nhứt xem tập thơ vừa in xong của mình. Tập thơ mang tên Cởi mở, gom lại 22 bài thơ do cô viết từ năm 16 tuổi.
Lúc đó tuy mới 18, cô đã tham gia biên tập thơ cho báo Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Lan Phương và gia nhập nhóm thơ - văn - nhạc lấy tên là Chim Việt. Những bài thơ trong tập đã được đăng rải rác trên một số báo, cô dùng bút danh Khánh Ngọc, rồi sau đó là Huyền Chi.
Buổi đó, nhạc sĩ Phạm Duy vừa đến và được bà Đào, chủ nhà in, giới thiệu về cô. Phạm Duy khi ấy còn trẻ, mới 32 tuổi nhưng đã nổi tiếng.
Ông vừa đưa gia đình vào Nam và đang thu xếp cuộc sống ổn định ở quê hương mới cho gia đình. Biết cô vừa in xong tập thơ, ông mượn xem và xin cô một tập để nếu có bài nào hay thì xin được phổ thành ca khúc.
Một thời gian sau, cô nghe được ca khúc Thuyền viễn xứ do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ lục bát của cô trên sóng phát thanh và thấy ca khúc này được in thành tờ nhạc khổ lớn rất thịnh hành lúc đó của hai nhà xuất bản Tinh Hoa và Á Châu. Trên bìa hai ấn phẩm này ghi rõ: Nhạc: Phạm Duy, ý thơ: Huyền Chi.
Đó là khoảng thời gian cô vừa lập gia đình với ông Trần Phụng Tường, giáo sư trung học. Cô rời khỏi công việc biên tập thơ, theo chồng về Phan Thiết. Cô hầu như không tiếp tục làm thơ, lo toan làm ăn, mở hiệu sách, dạy tiếng Anh và chăm sóc tới bảy người con. Có lần trong tờ giấy in ca khúc Thuyền viễn xứ, cô thấy lời nhắn của nhạc sĩ Phạm Duy: “Huyền Chi, cô ở đâu?”.
Thỉnh thoảng, cô vẫn nghe trên sóng phát thanh giọng hát Lệ Thu. Cô nhận thấy nhạc sĩ Phạm Duy rất tài tình, dùng ý bài thơ lục bát với nhịp điệu chậm rãi, đều đặn của cô viết thành một ca khúc đầy cảm xúc. Ông chắt lọc ngôn ngữ trong thơ, thêm thắt và tạo nên một tác phẩm âm nhạc hoàn hảo.
Năm 1975, bà Ngọc Bút cùng gia đình về lại Sài Gòn, nơi chôn nhau cắt rốn của bà và sống ở đây đến nay. Phu quân của bà đã tạ thế năm 2010 sau mười năm nằm một chỗ vì bệnh.
Trong khoảng thời gian này, bà được tin nhắn mong có cuộc gặp của nhạc sĩ Phạm Duy sau khi ông hồi hương về Việt Nam, nhưng bà xin từ chối vì bận chăm sóc chồng. Sau đó, bà có nhận được khoản tiền tác quyền từ lời của ca khúc Thuyền viễn xứ từ nơi sở hữu tác quyền ca khúc này.
Huyền Chi năm 16 tuổi - ảnh: tư liệu gia đình
Đọc lại bài thơ Thuyền viễn xứ của bà Ngọc Bút, thấy thơ của một cô gái mới 16, 17 tuổi đã rất đằm sâu và mênh mang với giọng điệu và ngôn ngữ phóng khoáng:
“...Có thuyền viễn xứ Đà Giang / Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa / Hò ơi! Câu hát ngàn xưa / Ngân lên trong một chiều mưa xứ người / Đường về cố lý xa xôi / Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang / Sau mùa mưa gió phũ phàng / Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa / Lệ nhòa như nước sông Đà / Mái đầu sương tuyết lòng già mong con...”.
Gặp tài năng của nhạc sĩ Phạm Duy, lời trong ca khúc mang sắc thái khác: “Chiều nay sương khói lên khơi. Thùy dương rũ bến tơi bời. Làn mây hồng pha ráng trời. Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người. Thuyền ơi, viễn xứ xa xưa. Một lần qua dạt bến lau thưa. Hò ơi, giọng hát thiên thu. Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về...”.
Như một sự đồng điệu đồng cảm của người phổ nhạc. Có thể vì Phạm Duy cũng là một người xa xứ, khi đọc được bài thơ cũng là lúc ông vừa giã từ quê hương miền Bắc để trở thành cư dân của Sài Gòn, nơi ông có thời hoạt động âm nhạc sôi nổi nhất.
Đến nay, ca khúc này rất gắn bó với người Việt hải ngoại. Họ thấy mình trong đó, như vẫn đang đi trên con thuyền viễn xứ.
PHẠM CÔNG LUẬN
Trở về
Chân dung Văn nghệ sĩ
Danh sách Tác giả
Emprunt Empreinte
MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.
-------------------------------
trích từ blog phan nguyên
--------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ