Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

về tác giả hoàng trúc ly [ i.e. đinh đắc nghĩa 1933- 1983 saigon.] -- blog phan nguyên




Sunday, 28 February 2016

Hoàng Trúc Ly (1933 - 1983)






















Hoàng Trúc Ly


Tên thật: Đinh Đắc Nghĩa
(1933 - 1983) 
Bình Định
Hưởng dương 50 tuổi

nhà thơ











Hoàng Trúc Ly (1933-1983) tên thật là Đinh Đắc Nghĩa, sinh ngày 14 tháng 4 năm 1933 tại Bình Định. Sau khi đậu bằng tú tài Pháp, ông đã ghi danh vào trường Luật, nhưng chẳng được bao lâu thì bỏ học vì không khí chật hẹp, nóng bức, chẳng thoải mái của các giảng đường. Ông mất vì tai nạn giao thông khi đang băng qua đường vào ngày 23 tháng 12 năm 1983 tại Sài Gòn.
Thơ Hoàng Trúc Ly có nhiều bài sáng tạo mang sắc thái tuyệt mỹ, xuất thần với những ngôn ngữ, thi ảnh tinh khôi, đầy rung cảm, trữ tình và tiềm tàng ‎‎‎ý niệm huyền học, triết học.
Phạm Công Thiện đã phát biểu: "Thơ Hoàng Trúc Ly có ma lực kỳ quái của những câu phù chú. Đối với Hoàng Trúc Ly, ngôn ngữ hãy còn mới tinh. Mỗi chữ đều mang một linh hồn, mỗi chữ là một sinh vật. Tôi gọi Hoàng Trúc Ly là thi sĩ lớn, là nhà thơ bậc thầy của thi ca hiện đại".
Tác phẩm tiêu biểu: tập thơ duy nhất "Trong cơn yêu dấu" (1963) và một số thi phẩm khác đăng rải rác trên các báo, tạp chí, tập san ở miền Nam Việt Nam.

























CẢM ĐỀ THƠ HOÀNG TRÚC LY 


Tam Ích 
 




Mỗi một cuộc chiến tranh đều gây nhiều đổ vỡ lớn và nhỏ. Đồng thời nó kết thúc một số vấn đề và đưa lên thảm xanh một số vấn đề… Nó làm một việc khác nữa: vạch ra một biên giới – biên giới vừa làm tiêu chuẩn để mọi người tính sổ thời đại, vừa làm vị trí cho mọi người từ đó nhìn trước và nhìn sau. Nhìn sau coi những gì đã xong đi những quá trình… nhìn trước coi những gì sắp ra đời, sắp có mặt…
Trạng thái ấy có thể nói về văn nghệ nữa – về thơ chẳng hạn…
Thơ có khi như gấm vóc: gấm vóc Á đông với tất cả những màu sắc cổ truyền thấp thoáng những màu sắc mới – mơ hồ, kín đáo, thoả mãn thị giác của những người đương hoài niệm và cũng đương hướng thượng… Đó là chuyện đã qua…
Thơ có khi là những thử thách nhiều hứa hẹn mà tương lai chờ đợi: một chân trời mới, một chân trời lạ. Muốn cho người đương thời và người đời sau khỏi lẫn sau và trước trong thời gian, và bộc lộ tính chất đối kháng của cá tánh con người thời đại muốn li khai với quá khứ, thi nhân hiện đại gọi thơ họ là thơ tự do… Đây là chuyện bây giờ…
Vì vậy, bên này và bên kia biên giới có những người nhìn một số người – đồng thời đương định vị trí cho người và cho mình trong thi giới. Cũng có khi họ quên ý thức về vị trí của mình, của người, vì chiến tranh thường kết thúc mà cũng thường xoá thứ tự…
Có lẽ mọi thứ tự, mọi sự còn mất, mọi sự nên chăng trong văn nghệ sẽ ngã ngũ trong những giáo đường văn học. Nhưng đôi khi những giáo đường văn học trong lịch sử lại dựng lên ngoài tầm cân nhắc và tính toán của thông minh… hoặc sớm quá mà bỏ sót, hoặc trễ quá nên dư…
Nhưng – cũng lạ! – lại có người: một người thôi… một vài người thôi… làm thơ hay mà không kể đến sự có mặt của biên giới thời gian: biên giới không vạch được đường chân trời mà cũng mất tính chất một tiêu chuẩn. Nói một cách khác: thơ họ hay trong thời gian, thơ họ từ chối sự nghiệt ngã của sổ kế toán lịch sử, từ chối thế lực… xuyên tạc của danh từ…
Một trong vài người đó là Hoàng Trúc Ly.
Đọc thơ Ly, người ta không hiểu Ly có vị trí bên Hàn Mặc Tử với nhiều mẫu tượng trưng của Xuân Diệu, Huy Cận cũ – hay Ly có vị trí đặc biệt bên một vài nhà thơ tự do nổi tiếng nhất hiện thời.
Và thơ lục bát của Ly sẽ làm Nguyễn Bính chẳng hạn ngạc nhiên lắm: một bút pháp mới, một nhạc tính mới, kể cả một dân tộc tính mới – một thứ gấm vóc từ những chân trời xa lạ Á đông rất mới đượm một hương vị trừu tượng táo bạo của nhạc tính Âu tây đầy màu một nghìn lẻ… một hương vị siêu thực… xưa và bây giờ.
Nhà thơ ấy – xin nhắc lại – tên là Hoàng Trúc Ly. Nhà thơ ấy đã có mặt, đương có mặt, sẽ có mặt… Người thanh niên trí thức ấy một sớm từ chối vài cơ hội tiến thân thông thường… để say mê làm thơ và “giang hồ mê chơi quên quê hương”.
Thiên hạ sao, Ly vậy: khóc cho thân phận, khóc cho con người của riêng mình, của chung mình, khóc suốt đêm dài, đằng đẵng, không khô ráo…
Và một thiên tài trưởng thành đương đòi vị trí xứng đáng của mình trong thi giới hiện đại.
Hoàng Trúc Ly chưa làm khác, cũng chưa làm khác, vẫn chưa làm khác… Và kiên tâm.
Tôi thường nói về Ly rằng Ly còn trong tâm hồn một-cái-gì-đương… chưa vỡ: portent en lui un “abcès” qui devrait crever! Ngày nào có sự đổ vỡ trong tâm hồn con người ấy, chúng ta sẽ thấy một người đi một giai đoạn dài nữa trong văn thi giới. Ngày đó, nước mắt sẽ khô ráo: Ly sẽ chịu đựng thân phận mình, thân phận người. Rất can đảm. Ô Sisyphe!
Tôi tin thơ Ly lại sẽ có một nhạc tính mới nữa, và sẽ làm mọi người ngạc nhiên.
Hình như Baudelaire nói rằng đối tượng của văn nghệ là làm cho mọi người… nhạc nhiên. Le but essential de l’oeuvre-d’art est d’étonner… Ý của Baudelaire là như vậy.
Hoàng Trúc Ly đã và đang làm mọi người ngạc nhiên. Họ Hoàng sẽ còn làm mọi người ngạc nhiên – ít nhất là một lần nữa – về thiên tài của mình.
Tôi dùng danh từ “thiên tài” không dè dặt chút nào. Ly vốn khiêm tốn; nhưng cách đây gần mười năm, một trong những người bạn đường văn nghệ đầu tiên của Ly – là tôi – là người có quyền hãnh diện với chính mình, và hãnh diện cho cả văn và thơ hiện đại.

TAM ÍCH
(đọc tại Đài Phát thanh Sài Gòn, tháng 12 năm 1962)













tác phẩm đã xuất bản:












1
Trong cơn yêu dấu
 

(thơ, NXB Hướng Dương, 1963)







2
Tiếng hát lang thang
(1967




3
Huyền sử một kiếp hoa
(1967)




4
Trạng Quỳnh




5
-Từ em đến anh-




6
Truyện truyền kì Việt Nam




7
Cổ tích Việt Nam




 8
Người lớn từ biệt trẻ con


















1
Áo hoa phơi

Long lanh từng giọt trắng da trời
Bàn tay rất trắng áo hoa phơi
Mỗi lần nắng trắng em phơi áo
Vô tình phơi nắng cả hồn tôi.

Đời còn kẹp tóc tuổi trăng tròn
Miệng còn ngọt sữa lúa đang non
Mềm môi em thở hương lùa nhạc
Ngày sẽ dài như một nụ hôn.

Đường vào quên lãng cõi người ta
Vừng trán tôi nhăn trước tuổi già
Áo nắng hoa phơi ngoài thiên hạ
Ngày sẽ mờ như mộng chảy qua.

Đâu bàn tay sữa đọng da trời
Người yêu áo mỏng nắng thu phơi
Van em một nụ hôn thơm nhạc
Từ tay lên môi còn xa xôi.

Đường xa như từ tay lên môi
Xa hơn chân mây hơn mặt trời
Áo hoa thấp thoáng người thiên hạ
Ngày sẽ đêm đen lửa tắt rồi.









2
Bên sông


Đêm nay chở hồn ra Huế
Nghe ngàn thông reo mùa Trọng Thể
Lời xuân gọi gió quạt mênh mông
Đỉnh Ngự trăng treo dải yếm hồng.
Nhịp hò khoan trải trên sông
Mái chèo khua nhạc phiêu bồng thuyền trôi
Trăng đêm mưa gió sụt sùi
Hồi chuông Linh Mụ chôn vùi hồn ta.
Ai về Gia Hội
Với bóng trăng tà
Ai qua Thành Nội
Xa vút lan xa
Theo dòng còn chảy tiếng ca
Hát lên rung động canh gà sương khuya
Miệng cười gió thổi
Ôi mái tóc thề
Ngày đi mộng mị người về
Trên sông
Ạ ơi thuyền xuôi nước
Ạ ơi nước xuôi dòng.









3
Cõi nghìn trùng


Mai mốt em về, em về đâu?
Con sông nước chảy trắng chân cầu
Tiếng hát già nua người bạn cũ
Đêm dài muôn thuở buộc lòng nhau

Ngoài kia trời mưa buồn không em
Xa hỡi ngàn xa bóng nhạn chìm
Thương nhau ái ngại tìm đôi mắt
Chưa biết đêm nào thức trắng đêm

Mái tóc em bồng bềnh bể khơi
Áo mỏng vì em nằm đây nhớ đời
Chiêm bao nửa giấc trời mưa bụi
Thấp thoáng em về như lá rơi...

- bài thơ này đã được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng
 phổ nhạc thành bài hát 'Bên kỷ niệm.'









4
Cơn mê
 
Có phải vì em đang gỡ tóc
Cho mây từng sợi rối chân chim
Có phải hoa bay đầy cánh bướm
Vì em khua gió áo bay lên

Ôi mới hôm nào như hôm qua
Tay ai bùa phép nắm đôi ta
Như nắm mùa đông hơ ngọn lửa
Cho tuyết đầu non chảy máu ra

Ôi mới hôm nào như hôm kia
Con đường chở nặng những đêm khuya
Cho nên bóng tối bay thành khói
Ánh mắt mờ sương lạc lối về

Ôi có hôm nào là hôm nay
Anh ghen vì gió đã choàng vai
Em đi như vẽ trên đường nắng
Em nói như đàn trong miệng ai

Anh là dòng sông mê chín suối
Em là mặt trăng thèm mặt trời
Cách trở bốn mùa vây trái đất
Còn nghe chua xót thuở nào nguôi

nguồn: Mười hướng sao (thi tuyển của 10 tác giả)
 Nhân Chứng xuất bản, 1971








5
Gởi người em


Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng
Thương về con nước ngại ngùng xuôi
Những người em nhỏ bên kia ấy
Ai biết chiều nay có nhớ tôi?

Tôi muốn hôn bằng môi của em
Mùa xưa thao thiết nắng hoe thềm
Lòng trong đã trắng tình nguyên thuỷ
Nghe bước xuân về êm quá êm

Em lắng tai đâu?... Chiều lững lờ
Thơ tôi vừa hát khúc ban sơ
Lòng chưa tội lỗi mà vô cớ
Bỗng muốn gục quỳ bên tuổi thơ

Em là em - tôi có là tôi?
Dù nghĩa thời gian ngăn cách rồi
Tôi đứng bên này lưu luyến quá
Những người em nhỏ của tôi ơi!

1953
nguồn: Phạm Thanh/ Thi nhân Việt Nam hiện đại
nxb Sống Mới, 1959


 






6
Mùa xuân nằm mộng thấy Tam Ích


Người về cát bụi như giun dế
Hồn gặp linh hồn không nói năng
Người quàng khăn đỏ như em bé
Trong truyện thần tiên bị sói ăn

Tôi hôn khô héo bờ môi chết
Da thịt mồ hoang không máu tươi
Nắm tay tê tái bàn tay chết
Áo khói sương khuya hỡi dáng người

Tôi thấy người nhìn le lói quá
Ánh trăng vừa rụng một hồn ma
Tôi biết người cười chua xót quá
Vui đời, ai nhắc bạn hôm qua?

Trừng mắt đau theo chân người đi
Lòng nghe vô tận một chia ly
Xiết bao ngày tháng căm căm nhớ
Buồn dựng ngang mày một tử thi.






7
Mưa chiều nay


Mùa mưa nghe trời ướt mắt xanh
Gió thổi mưa xưa hờn kinh thành
Hôm nay lưu luyến về bên ấy
Em lạnh lùng không khi nhớ anh

Ngày quen em phượng nở môi son
Chiều tiễn đưa lá rụng dép mòn
Từ mang ly biệt vào năm tháng
Thao thức cho bằng mấy núi non













Hoàng Trúc Ly 
tranh Đinh Cường








Trong cơn yêu dấu

tập thơ

(1963)



1
Tự thán

Đời biết anh là kẻ hào hoa 
riêng gởi anh lời tao nhã 
sao em không mê anh? 

Đời biết anh là kẻ tình si 
riêng gởi anh niềm chung thủy 
sao em không hôn anh? 

Đời biết anh là kẻ quyền uy 
riêng gởi anh hồn thi sĩ 
sao em không quỳ bên anh?

Nguồn: Hoàng Trúc Ly, Trong cơn yêu dấu, Nxb Hướng Dương, 1963

















2
Ca sĩ

từ em tiếng hát lên trời 
tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh 
sợi buồn chẻ xuống lòng anh 
lắng nghe da thịt tan tành xưa sau 

trời em tiếng hát lên từ 
âm ba tóc rối lững lờ vòng tay 
áo dài lùa nắng vào mây 
dấu chân hồng nhạn rụng đầy gió sương 

(nghĩ về tỳ bà hành) 
mùa xuân còn gì thưa em? 
sáu dây rét mướt chưa mềm trăng khơi 
cô đơn đỉnh núi gần trời 
nghiêng vai xin khoác nụ cười áo xanh















3
Hành trình



1. 

tôi nay đi giữa hoang đường 

niềm đau thân thể tuổi buồn hai vai 

giật mình nước mắt tương lai 
ngày qua và tiếng thở dài xuống thu 

2. 
toa xe cửa khép khung trời 
người đi môi đỏ run lời tiễn đưa 
tóc dài xõa mộng ngày xưa 
vết thương kỷ niệm bây giờ lại đau 

3. 
khuya đi dù biết về đâu 
nghiêng vai còn mãi tiếng sầu vọng âm 
đường xưa trải nhớ nhung thầm 
ngôi sao yểu mệnh căm căm cuối trời 

4. 
qua đây từng giọt buồn phiền 
mắt em cổ thụ thâm xuyên gọi mời 
bãi hoang cồn dựng bể khơi 
xuôi tay xuống gởi miệng cười mộng du 

5. 
tôi ơi tôi mãi tôi còn 
trái tim bé nhỏ nỗi buồn chung thân 
nhớ gì vết cỏ bàn chân 
lối đi thơ dại đêm gần tịch liêu












4
Đối thoại


đêm tàn rồi em ngủ bên anh
tình yêu là chim non
và người yêu vừa mọc cánh
em là người yêu em là tình yêu
khi tình yêu đang là chim non
người yêu bắt đầu mọc cánh
chim chắp cánh chim nhớ trời xanh
nhớ trời xanh và em quên anh
đêm tàn rồi không thấy trời xanh
chim bay về đâu em không biết












5
Đêm


thành phố lên đèn chiều thứ bảy
anh chết vì yêu em
đêm vũ trường khép mở
buồn ơi rát cổ giọng kèn
dải lầu cao che kín mặt trời
ban ngày không nắng sưởi
đèn đỏ đèn xanh bưng bít cuộc đời
ban đêm không trăng soi
xin vỗ tay đưa tiễn giọng kèn
thành phố lên đèn chiều thứ bảy
thành phố tắt đèn sáng thứ hai











6
Chắp nối

 
Thái Bình Dương Thái Bình Dương sóng vỗ
tôi thương tôi nhớ là đây
ôi máu người hòa nước mắt trời mây
tim biển cả bao giờ nguôi thổn thức?
tôi nghe bao la
nghìn năm mây trắng quyện Hồng Hà
vết sẹo linh hồn trong lịch sử
rượu Đường Thi mềm môi Trang Tử
đêm Á châu huyền diệu trăng sao
cánh sen bừng nở
một sớm hoa đào...
mùa đông hè phố cũ
tuổi tình yêu ban đầu
em ơi em về đâu?
ân tình đi rải rác
còn chi một nhịp cầu
hai mùa duyên chắp nối
ngàn xưa qua ngàn sau
là nghĩa đời lên ve vuốt quá
người yêu ơi! mấy thuở mong chờ
chín mươi dòng chữ bằng thanh sắc











Gặp người em


Những người xưa đi rồi không về nữa
Một mình anh lại gặp một mình em
Chiều lửng lơ nghe nắng rụng bên thềm
Em cúi mặt mắt buồn ươn ướt đỏ

Nhà anh nghèo, anh đau tim anh yếu phổi
Đời anh lạnh lùng bốn hướng gió và mưa
Ta lạc nhau từ em còn bé nhỏ
Anh thương em câm nín đến bao giờ

Bởi vì đâu da em xanh giá rét?
Nắng rưng vàng lên mái tóc mồ côi
Ngày giặc giã quê hương mình mỏi mệt
Mười năm qua hình ảnh có ngậm ngùi

Nhà anh nghèo, anh đau tim anh yếu phổi
Em bềnh bồng, anh phiêu lãng về đâu
Không dĩ vãng cho đêm dài đợi sáng
Không mai sau cho nước chảy qua cầu

Em bảo anh người đi không trở lại
Nấm mồ ai như giọt lệ chưa tan
Ngọn gió nào mang anh vào mộng mị
Em giang hồ làm tiếng hát lang thang

Ta đến bên nhau sao chùng bước mỏi
Lời sắp xé môi sao bỗng nghẹn lời
Anh nhớ em: núi cao càng hiu hắt
Anh thương em: máu vọt bốn phương trời...






8
Về xuân

bây giờ ngày mai chưa đến
và những ngày xưa qua đi 
thơ anh là thuyền nhớ bến 
đố em thuyền cập bến gì? 

bây giờ mùa xuân sẽ đến 
trên môi trên má em hồng 
lửa ở lòng anh lạnh quá 
làm sao sưởi ấm mùa đông 

em có còn đau nét mặt 
những đêm mưa đạn trắng rừng 
em có vàng hoe nước mắt 
những hoàng hôn khóc rưng rưng 

anh sẽ viết lời thương nhớ 
trên môi trên má em hồng 
anh sẽ si tình trọn kiếp 
ơi mùa gạo chợ nước sông













9
Hàng cây bên đường
 
người yêu tóc xõa tròn vai
nửa đêm da thịt quên cài áo khuya
xác thân rã mục lời thề
mùa đi lá rụng đường về xuân thu













10
Lá hoa duyên

1.
xin em dừng lại môi mềm
giấc mơ thê thảm bóng chìm đêm sâu
tay xuôi mười ngón rụng sầu
xa nhau năm tháng cúi đầu nhớ nhau

2.
về đâu hoa nở má hồng
mùa xuân tiếng nhạc nửa vòng tay ôm
với em xa cách thêm buồn
trời cao bóng nhỏ dặm buồn chân đi

3.
mùa này em lắng tai đâu?
hoàng hôn có nghĩa là màu nhớ nhung
cô đơn tiếng gọi nửa chừng
áo em trắng quá ngập ngừng vòng tay...

4.
ra về tiếng hát thuỳ duyên
lời ru sầu muộn con đường tình duyên
thôi em người bệnh tàn dần
ngủ yên hơi thở hai lần hồi sinh

5.
nhìn lên cửa khép lầu cao
bóng em chảy xuống vực sâu mắt buồn
về đêm khuya khoắt nhớ thương
mưa bay trước mặt, tủi hờn giăng ngang










11
Tiếp theo và hết

anh sẽ bình yên mà chờ đợi
từ đau thương ấy đến bây giờ
từ mùa xuân rụng trên vừng trán
có phải tên người yêu là Thơ?
hay là, hay là, hay là, ai?
trong em: thú vật và thiên thần
anh mơ thượng đế khi yêu dấu
thể xác linh hồn không nói năng
anh sẽ vì em anh sẽ yêu
hai tháng hai năm hai buổi chiều
khi ngất ngư rồi anh sẽ chết
nhớ gì như nhớ bóng người yêu
và còn các anh còn các em
hoa ngón tay còn níu tóc thề
dâng em tất cả ôi hoàng hậu
ta biết còn gì trong cuộc mê?













12
Nhìn

cô dâu đêm tân hôn
trong vòng tay chú rể
trong tình yêu trong sức khỏe
nhìn lên
ngực mẹ căng tròn hai vú sữa
lời ru lênh đênh
giấc mơ trẻ dại
nhìn lên
xa nhà người trai
không cơm ăn không nước uống
nhìn về ngày mai
gục xuống













13
Đường tình

tháng chín ban mai cười gió thổi 
anh đi nắng đậm bờ anh 
em ơi đau đứt ruột 
hai bàn tay tù đày 
đã đi rồi anh muốn nhảy anh muốn bay 
cho khăng khít nhịp chân trời đất 
mộng vừa nghiêng mắt 
quê em ngày đẹp vàng son 
đường xa mờ nhảy múa núi non 
ơi những cô mình bàn tay sữa đọng 
khi gió mùa lên ngực vừa căng mọng 
đa tình đuổi bướm lang thang 
sớm mai nào bên bông lúa trẻ măng 
anh nghe tiếng đời kêu quen biết quá 
nghe mến thương như thời gian phép lạ 
rót vào ta từng giọt sữa... xưa kia 
anh nằm nhay vú mẹ mà mắt đầm đìa 
và anh đi 
qua bóng ngày hấp hối 
đại lộ cuộc đời buồn như ngõ tối 
ngại ngùng mái lá mưa khuya













14
Chứng tích

gởi vì sao khuya cô độc
đêm đêm rưng lệ nguyện cầu
lòng tôi không muốn khóc
nước mắt có gì đâu?
từ lớn khôn rồi yêu không dám nói
dạ chỉ bồi hồi lòng chỉ sắt se
hình ảnh người em mái tóc quên thề
cát bụi chìm chân nhỏ bé
ngày mẹ thương con ngày con nhớ mẹ
tôi có bao giờ tôi còn trẻ thơ
giọt nước mắt chưa hề được khóc
những tiếng nói chưa hề được nói
tôi có bao giờ là tôi-muôn-năm?













15
Tuyệt bút

mai này tôi chết đi 
nằm nghe hồn cô độc 
trời chiều không nói năng chi 
em ơi sao em không khóc 
mai này tôi chết đây 
vì sao em không khóc 
vết thương mửa máu tôi nào hay 
như xế chiều nay như sáng nay 
tôi viết từng trang tuyệt bút 
mai này tôi chết đây 
nắng ơi trời ơi nắng 
nửa đêm sáng quá tôi nào hay 
mùa xuân vừa nguôi cay đắng 
xin rũ tóc dài lên gối trắng 
người yêu nằm mộng thấy tôi về 
xin gọi tên tôi dù xa vắng 
thịt da người ánh lửa tình khuya 
mai này tôi chết đi mai này tôi chết đi 
mai này tôi chết đi 
em bé mười lăm năm tóc xoã xuân thì 
đời lên mấy vạn lần nhan sắc 
đau đớn vô cùng đêm biệt ly













16
Hoàng Lan

Có phải vì em đang gỡ tóc
Cho mây từng sợi rối chân chim
Có phải hoa bay đầy cánh bướm
Vì em thay áo mái tây hiên

Ôi mới hôm nào như hôm qua
Tay ai bùa phép nắm đôi ta
Như nắm mùa đông hơ ngọn lửa
Cho tuyết đầu non chảy máu ra

Ôi mới hôm nào như hôm kia
Con đường chở nặng những đêm khuya
Cho nên bóng tối bay thành khói
Ánh mắt mờ sương lạc lối về

Ôi có hôm nào là hôm nay
Anh ghen vì gió đã choàng vai
Em đi như vẽ trên đường nắng
Em nói như đàn trong miệng ai

Anh là dòng sông mơ chín suối
Em là mặt trăng thèm mặt trời
Cách trở bốn mùa vây trái đất
Còn nghe đau xót thuở nào nguôi?













17
Gọi một mình

Bếp lửa nhà ai lên khói sương
Người yêu mường tượng mắt u buồn
Buổi chiều rét mướt vào chăn gối
Sao em không về tôi mến thương?

Thơ mà huyền hoặc núi non ơi!
Lửa thép cuồng lên giữa mộng đời
Qua thoáng qua rồi mơ ước cũ
Máu nghẹn đôi đường vơi lệ vơi...

Em ơi! Vì sao em vô tình
Anh ơi! Vì đâu anh lặng thinh
Đây chớm thu về đau đớn lắm
Tôi gọi hồn tôi gọi một mình

Từ buổi so le đến lứa đôi
Bao nhiêu mắt biếc lãng quên đời
Tôi thương tôi nhớ, tôi thương nhớ
Nhân loại nỡ nào xa lánh tôi?










18
Nằm mộng thấy nữ sinh

tặng HOA của trăm hoa 

Ta từ giấc mộng bước gần em
Đường phố đầy trăng hay mặt trời chìm
Ô hay con gái bay nhiều quá
Hai cánh tay mềm như cánh chim

Như cuống của hoa như cội của cành
Em đến bao giờ là em của anh
Thôi đã vô cùng cô liêu bóng cả
Như chim xa rừng tội nghiệp rừng xanh

Tuyệt mù giấc mộng mỏng như sương
Vai áo hào hoa tê tê bụi đường
Ra đi ta đắp lên sông núi
Trời rộng sông dài nỗi nhớ thương















19
Nhân dạng


Tôi còn yêu cho biển còn xanh
Mây còn bay cho chim chấp cánh
Ngựa què rồi em cỡi lưng anh
Tôi cứ yêu, khốn nạn, cứ cười
Chim cứ bay cho mây gãy cánh
Em chết rồi ai ám sát tôi


(...)









21
Vĩnh Biệt

Rồi mai khởi sự xa đời
Chuyến xe trăm tuổi đưa người nghìn năm
Trăng sao bốc cháy chỗ nằm
Áo xanh mây lá vết bầm núi non













22
Mật ong

Lối cũ cô liêu niềm gió thoảng
Cỏ gai sướt nhẹ dấu chân mềm
Thèm đau một chút da con gái
Cho máu xuân đời dậy sóng lên

Chim biết đường về mái ngói cong
Tôi quên không được má em hồng
Bên nhau nhìn trộm chim trai gái
Hơi thở người xưa ngọt mật ong

Sáng soi tiếng sáo thổi đêm dài
Mùa rụng cành sương trắng ghé vai
Cho em rẽ tóc dòng sông lẻ
Mộng thả trôi thuyền như mắt ai


Ô hay! Hạnh phúc mờ tay vẫy
Cho vội mười năm bóng nhạt nhòa
Cơn mê tôi vẽ bằng lưu luyến
Trong lòng bạc xóa cõi người ta



















(...) 

---------------------------------
trích một phần từ blog phan nguyên
-------------------------------------------------








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét