ĐẶNG TIẾN - Đọc Thơ Cao Tần.
29 Tháng Giêng 20189:49 SA(Xem: 12)
Cao Tần [ i.e. Lê Tất Điều 1942 -- ]
Google image
[mục "Phê bình, biên khảo, phỏng vấn" do Lê Hoàng Tuấn Kiệt phụ trách. ]
Cao Tần là một nhà thơ di tản, rời Việt Nam tháng Tư 1975, hiện sinh sống tại Hoa Kỳ. Tác phẩm Thơ Cao Tần [1] gồm mười bảy bài thơ, không đề, có đánh số, được nhiều người chú ý, vì nghệ thuật vững chãi, diễn tả được niềm khắc khoải của người dân xa xứ. Tập thơ thỉnh thoảng có đôi câu chống cộng, điều đó dễ giải thích trong hoàn cảnh di tản của tác giả và của độc giả mà ông dự kiến. Tôi cần trình bày ngay điều đó để tránh mọi hiểu lầm từ mọi phía. Ở đây tôi chỉ ghi nhận tâm sự chua xót của người dân Việt Nam xa đất nước, còn chuyện chống cộng là của Cao Tần, tôi không bàn đến.
Tập thơ phác hoạ đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần của người di tản, từ khi còn ở các trại tạm cư: Bỗng di tản ra thân lúi xúi
Trong trại xếp hàng chầu cơm như mơ
Cho đến ngày tìm được công ăn việc làm bình thường: Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mày qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mày hay ông thượng đẳng cu ly
Ông rửa bát chỉ hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan…
Việc lao động chân tay, ngoài xã hội và nhất là trong gia đình, không có gì đáng tức tưởi. Sở dĩ Cao Tần nước mắt chứa chan là vì những lý do khác, nói chung vì cảnh sống hoàn toàn xa lạ, lạ cảnh, lạ người. Cuộc sống do đó, trở thành cạn hẹp nếu không phải là vô nghĩa: Chiều đi bát phố gặp toàn Tây
Bỗng tiếc xưa không làm quen cả xóm (…)
Chỉ gặp toàn Tây một chiều bát phố
Tiếc sao xưa cả nước chẳng quen nhau
Quen cả nước? Ra đường chào gãy cổ
Và chắc gì nay nghĩ lại không sầu.
Về lý luận thì Cao Tần quả là lẩm cẩm. Ở Tây mà không gặp Tây thì gặp ai. Đòi quen cả nước Việt Nam thì quen sao được. Nhưng trong mỗi người Việt Nam xa xứ thỉnh thoảng vẫn có những cái lẩm cẩm như thế! Lãnh lương Tây, ăn cơm Tây, mà gặp nhau thì cứ chửi "Tây ngu", "ngu nhu Tây". Cho hả lòng nhớ nước mà thôi. Cái lẩm cẩm nói được thành thơ, có phần cảm động của nó.
Cao Tần vẽ lại một ngày lao động của mình: Nhà tôi ở toòng teeng đỉnh đồi
Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc
Sau lưng sương ngập cao lưng trời
Trước mặt thông sầu reo đáy vực (…)
Tiếng Việt trong ta ngày mỗi héo
Hồn Việt trong ta ngày mỗi khô
Dốc mở ra như đời ta trước mặt
Sương kín như đời ta hôm xưa (…)
Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn
Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
Nặng chĩu nghìn cân nhớ nước non.
Trong làng văn, Cao Tần là một cái tên lạ. Nhưng người quen đọc thơ thì nhận ra bút pháp già dặn của một người có kinh nghiệm về ngôn ngữ. Đoạn trên cho thấy Cao Tần kết hợp rất khéo những hình ảnh ẩn dụ sau lưng sương ngập, nước mắt thông sầu reo đáy vực, lối ví von bình dân đời xuống dốc, những chữ thông thường toòng teeng, hình ảnh đơn giản tiếng Việt héo, hồn Việt khô… Sự điều chế ngôn ngữ ấy tạo cho toàn tập thơ Cao Tần cái khí hậu vừa lạ vừa thân: tác giả rất có ý thức về kỹ thuật và mục tiêu của mình. Và ông đã đạt mục tiêu đó.
Nỗi niềm xa xứ trong mỗi chúng ta là một tình cảm cụ thể, làm mình đau nhói. Nhưng nói ra, nó trở thành trừu tượng, chung chung. Cao Tần khéo léo đi từ những hoàn cảnh cụ thể, ví dụ như chuyện một người đi di tản ông đặt tên là Cù Lần:
Chàng Cù Lần có cái túi nhỏ
Suốt bốn mùa giấu giếm như điên
Anh em sùng nghĩ thằng này chơi khó
Thủ cẳng tí tiền len lén tiêu riêng.
Một hôm, anh em bèn đè Cù Lần cướp túi coi chơi, thì khám phá ra một kho tàng vô giá: Một chiếc khăn tay cũ xì cũ xịt
Màu nâu già thêu mấy chữ xanh xanh
Giẻ rách gì đây hở thằng chết tiệt?
"Khăn vợ trao ngày khoác áo nhà banh".
Đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ
Những tên người tên tỉnh đã xa xưa
Những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ
Những đường quen không trở lại bao giờ.
Khi nhắc đến tình cảm riêng, Cao Tần cũng biết chọn khung cảnh chung để người đọc có thể cùng rung cảm với ông. Nhớ bạn thì ông gợi ra một hình ảnh rộn rã: Quán cóc sở ta bạn bè đã đợi
Rất tưng bừng đấu hót những buồn vui Nhớ mẹ thì sâu lắng, kính cẩn: Gửi cho anh vài sợi tóc mẹ già
Rụng âm thầm trên hiên chiều hiu quạnh
Nhớ vợ thì thực tế, tếu một chút: Giờ nghĩ thân ta chỉ còn có vợ
Vợ chót bỏ quên bên kia bán cầu
Ngày ngày phất phơ giữa rừng mũi lõ
Tìm người tình Việt chưa biết tìm đâu
Cao Tần nắm vững quy luật của ngôn ngữ và sành tâm lý. Người Việt dù có thương yêu, quý trọng vợ đến đâu, khi nhắc đến "bu nó" vẫn có cái giọng rẻ rúng vờ như thế. Chuyện tưởng người dưới nguyệt chén đồng chỉ hay cái hay văn chương.
Từ một chi tiết rất cụ thể, một thẻ căn cước còn sót lại trong đáy ví, tác giả cũng đựng được những câu thơ cảm động: Quanh mình xôn xao chuyện thay quốc tịch
Ngậm ngùi bày dăm giấy cũ coi chơi
Thời cũ ố vàng rách rơi mấy mảnh
Xót xa đau như mình bỗng qua đời
Hỡi kẻ trong hình mặt xanh mày xám
Ngươi sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư
Hỡi thằng chiến binh một thời dũng cảm
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ Trước những câu thơ như thế, phản ứng đơn thuần của tôi là cảm động. Cảm động vì tình người. Tình người trong con người. Sau đó mới ưu ái với tình Việt. Tình Việt trong người Việt. Còn chuyện văn chương là cái còn lại. Hay là cái qua đi. Cao Tần nắm vững kỹ thuật. Nhưng thơ ông thành công không phải chỉ vì kỹ thuật, và cũng không phải chỉ vì niềm nhớ cố hương. Bao nhiêu người đã làm thơ nhớ nước trước đây. Tôi nghĩ ông rung cảm được người đọc vì cái tình người. Tôi nghĩ thầm: phải yêu người mới nhớ nước, mới nói được một câu rất thực và rất thật: Bài học lớn từ khi đến Mỹ
Là ngày đêm thương nước mênh mang Câu thơ cho ta thấy rằng, vì một lý do nào đó, con người có thể bứt bản thân ra khỏi quê hương, nhưng vẫn không thể bứt quê hương ra khỏi bản thân. Ở niềm nhức nhối sâu xa đó, người Việt kiều đều gặp nhau, dù chính kiến có đối lập. Mà gặp nhau đã là chuyện quý hiếm.
Để xoa dịu nỗi đau nhức trong cuộc sống, con người tìm quên, hay che giấu. Bằng cách pha loãng cô đơn của mình trong cô đơn của bạn bè, qua chén rượu, qua câu chuyện ngông: Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai (…)
Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc
Thấy chiến trường la liệt xác anh em
Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm
Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới
"Ta làm chi cho hết nửa đời sau?" Câu cuối cùng thật là cay đắng, thê thiết. Thơ Cao Tần lay động người đọc vì nó không sướt mướt, không bi lụy. Tâm tình bi thiết của mình, và của cả một cộng đồng đông đảo người Việt xa quê. Cao Tần đem ra nói chơi chơi, nói khơi khơi. Câu thật xen kẽ với câu đùa, chữ thanh lẫn giữa chữ thô, nụ cười tiếp theo tiếng nấc, câu tâm sự tái tê lạc giữa cái giọng kiêu bạc, bơ vơ. Toàn tập gợi ra cái vẻ phúng thế, khinh đời: Ông học được Mỹ đất trời bát ngát
Nhưng tình người nhỏ hơn que tăm Chữ "ông" Cao Tần sử dụng thường xuyên, bề ngoài tuy ngông nghênh, bên trong là trống rỗng và thảm hại. Xưng ông là để quên mình đi, chứ không phải để tôn mình lên cao.
Cái nghênh ngang trong thơ, thường che giấu một tâm hồn bất đắc chí. Do đó người ta dễ yêu vẻ kiêu bạc, khinh người trong thơ hơn là ngoài đời, tuy trên thực tế, trong thơ hay ngoài đời, sự kiêu bạc chắc cùng chung một động cơ tâm lý. Cao Tần tự xưng là "ông" và gọi thiên hạ là chú: Chú nào ngồi trước hiên ta chiều nay
Nghe mưa Sài Gòn rạt rào thơm ngát
Sau một ngày nắng lóa chín từng mây
Những mái tôn mưa cười ran hạnh phúc…
Độc giả cười xòa mà nhận cái ngông nghênh đó, vì nó chỉ phản ảnh một tâm trạng bi thương! Đời đang bão khi không chìm lặng ngắt
Như cành khô nằm chết đáy sông sâu (…)
Tuổi chưa nặng hồn đã chừng ngớ ngẩn
Lòng vàng khô hơn chiếc lá đưa vèo. Qua những đoạn trích dẫn, độc giả cũng thấy được cấu trúc trong từng bài thơ Cao Tần. Đoạn đầu, hoặc chỉ câu đầu, nói lên một hoàn cảnh cụ thể hiển nhiên, để lôi cuốn óc tò mò của người đọc. Sau đó, tác giả tổ chức ý thơ, lời thơ của toàn bài để đưa dẫn tới câu cuối, thường thường rất cô đúc.
Giọng thơ già dặn tỉnh táo, chừng mực cho ta cái cảm giác Cao Tần chỉ là bút danh của một tác giả đã giàu kinh nghiệm diễn đạt. Cao Tần là ai, kể ra biết cũng vui, không biết cũng không sao. Điều quan trọng là ông đã nói lên một cách hiệu lực niềm nhớ nước đau nhức trong nhiều người Việt, vì lý do này hay lý do khác, phải sống lưu đày nơi đất khách.
Người Việt ở nước ngoài, rời đất nước vào những giai đoạn và cảnh ngộ khác nhau. Do đó, cùng nhớ chung một đất nước, nhưng niềm ray rứt cũng khác nhau. Buộc mọi tình cảm phải giống nhau, là chuyện viễn vông. Niềm nhớ nước của Cao Tần bi thảm vì nó tuyệt vọng, bế tắc. Dĩ nhiên ta không nên đơn điệu suy ra rằng: trong hoàn cảnh này, hoàn cảnh nọ, thì phải nhớ nước thế nọ, thế kia. Người này thế này thì phải nhớ nước thiết tha hơn người nọ thế kia. Cuộc sống nội tâm không đơn giản như vậy.
Điều ta có thể nhận thấy là niềm nhớ nước ở Cao Tần đằng sau cái kiêu bạc bên ngoài, nó thê thiết, thê thiết như ít khi ta được thấy ở văn thơ người Việt nước ngoài. Chỉ có điều đó thôi cũng đáng cho tôi ghi nhận và giới thiệu với bạn đọc. Vấn đề tôi muốn nêu lên là: chúng ta có nhớ nước thật tình, nhớ đến cái độ chấp nhận, đùm bọc nhau, khai thông cho nhau những bế tắc hay không. Dĩ nhiên là còn nhiều vấn đề khác có thể nảy ra, còn nhiều kết luận khác còn có thể tỉa ra, còn nhiều suy nghĩ khác có thể bừng sáng, về trách nhiệm chung của chúng ta về sau.
Còn chuyện văn chương, chỉ là lời chào qua đường . ./.11-1982
Google image
[mục "Phê bình, biên khảo, phỏng vấn" do Lê Hoàng Tuấn Kiệt phụ trách. ]
Cao Tần là một nhà thơ di tản, rời Việt Nam tháng Tư 1975, hiện sinh sống tại Hoa Kỳ. Tác phẩm Thơ Cao Tần [1] gồm mười bảy bài thơ, không đề, có đánh số, được nhiều người chú ý, vì nghệ thuật vững chãi, diễn tả được niềm khắc khoải của người dân xa xứ. Tập thơ thỉnh thoảng có đôi câu chống cộng, điều đó dễ giải thích trong hoàn cảnh di tản của tác giả và của độc giả mà ông dự kiến. Tôi cần trình bày ngay điều đó để tránh mọi hiểu lầm từ mọi phía. Ở đây tôi chỉ ghi nhận tâm sự chua xót của người dân Việt Nam xa đất nước, còn chuyện chống cộng là của Cao Tần, tôi không bàn đến.
Tập thơ phác hoạ đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần của người di tản, từ khi còn ở các trại tạm cư: Bỗng di tản ra thân lúi xúi
Trong trại xếp hàng chầu cơm như mơ
Cho đến ngày tìm được công ăn việc làm bình thường: Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mày qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mày hay ông thượng đẳng cu ly
Ông rửa bát chỉ hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan…
Việc lao động chân tay, ngoài xã hội và nhất là trong gia đình, không có gì đáng tức tưởi. Sở dĩ Cao Tần nước mắt chứa chan là vì những lý do khác, nói chung vì cảnh sống hoàn toàn xa lạ, lạ cảnh, lạ người. Cuộc sống do đó, trở thành cạn hẹp nếu không phải là vô nghĩa: Chiều đi bát phố gặp toàn Tây
Bỗng tiếc xưa không làm quen cả xóm (…)
Chỉ gặp toàn Tây một chiều bát phố
Tiếc sao xưa cả nước chẳng quen nhau
Quen cả nước? Ra đường chào gãy cổ
Và chắc gì nay nghĩ lại không sầu.
Về lý luận thì Cao Tần quả là lẩm cẩm. Ở Tây mà không gặp Tây thì gặp ai. Đòi quen cả nước Việt Nam thì quen sao được. Nhưng trong mỗi người Việt Nam xa xứ thỉnh thoảng vẫn có những cái lẩm cẩm như thế! Lãnh lương Tây, ăn cơm Tây, mà gặp nhau thì cứ chửi "Tây ngu", "ngu nhu Tây". Cho hả lòng nhớ nước mà thôi. Cái lẩm cẩm nói được thành thơ, có phần cảm động của nó.
Cao Tần vẽ lại một ngày lao động của mình: Nhà tôi ở toòng teeng đỉnh đồi
Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc
Sau lưng sương ngập cao lưng trời
Trước mặt thông sầu reo đáy vực (…)
Tiếng Việt trong ta ngày mỗi héo
Hồn Việt trong ta ngày mỗi khô
Dốc mở ra như đời ta trước mặt
Sương kín như đời ta hôm xưa (…)
Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn
Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
Nặng chĩu nghìn cân nhớ nước non.
Trong làng văn, Cao Tần là một cái tên lạ. Nhưng người quen đọc thơ thì nhận ra bút pháp già dặn của một người có kinh nghiệm về ngôn ngữ. Đoạn trên cho thấy Cao Tần kết hợp rất khéo những hình ảnh ẩn dụ sau lưng sương ngập, nước mắt thông sầu reo đáy vực, lối ví von bình dân đời xuống dốc, những chữ thông thường toòng teeng, hình ảnh đơn giản tiếng Việt héo, hồn Việt khô… Sự điều chế ngôn ngữ ấy tạo cho toàn tập thơ Cao Tần cái khí hậu vừa lạ vừa thân: tác giả rất có ý thức về kỹ thuật và mục tiêu của mình. Và ông đã đạt mục tiêu đó.
Nỗi niềm xa xứ trong mỗi chúng ta là một tình cảm cụ thể, làm mình đau nhói. Nhưng nói ra, nó trở thành trừu tượng, chung chung. Cao Tần khéo léo đi từ những hoàn cảnh cụ thể, ví dụ như chuyện một người đi di tản ông đặt tên là Cù Lần:
Chàng Cù Lần có cái túi nhỏ
Suốt bốn mùa giấu giếm như điên
Anh em sùng nghĩ thằng này chơi khó
Thủ cẳng tí tiền len lén tiêu riêng.
Một hôm, anh em bèn đè Cù Lần cướp túi coi chơi, thì khám phá ra một kho tàng vô giá: Một chiếc khăn tay cũ xì cũ xịt
Màu nâu già thêu mấy chữ xanh xanh
Giẻ rách gì đây hở thằng chết tiệt?
"Khăn vợ trao ngày khoác áo nhà banh".
Đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ
Những tên người tên tỉnh đã xa xưa
Những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ
Những đường quen không trở lại bao giờ.
Khi nhắc đến tình cảm riêng, Cao Tần cũng biết chọn khung cảnh chung để người đọc có thể cùng rung cảm với ông. Nhớ bạn thì ông gợi ra một hình ảnh rộn rã: Quán cóc sở ta bạn bè đã đợi
Rất tưng bừng đấu hót những buồn vui Nhớ mẹ thì sâu lắng, kính cẩn: Gửi cho anh vài sợi tóc mẹ già
Rụng âm thầm trên hiên chiều hiu quạnh
Nhớ vợ thì thực tế, tếu một chút: Giờ nghĩ thân ta chỉ còn có vợ
Vợ chót bỏ quên bên kia bán cầu
Ngày ngày phất phơ giữa rừng mũi lõ
Tìm người tình Việt chưa biết tìm đâu
Cao Tần nắm vững quy luật của ngôn ngữ và sành tâm lý. Người Việt dù có thương yêu, quý trọng vợ đến đâu, khi nhắc đến "bu nó" vẫn có cái giọng rẻ rúng vờ như thế. Chuyện tưởng người dưới nguyệt chén đồng chỉ hay cái hay văn chương.
Từ một chi tiết rất cụ thể, một thẻ căn cước còn sót lại trong đáy ví, tác giả cũng đựng được những câu thơ cảm động: Quanh mình xôn xao chuyện thay quốc tịch
Ngậm ngùi bày dăm giấy cũ coi chơi
Thời cũ ố vàng rách rơi mấy mảnh
Xót xa đau như mình bỗng qua đời
Hỡi kẻ trong hình mặt xanh mày xám
Ngươi sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư
Hỡi thằng chiến binh một thời dũng cảm
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ Trước những câu thơ như thế, phản ứng đơn thuần của tôi là cảm động. Cảm động vì tình người. Tình người trong con người. Sau đó mới ưu ái với tình Việt. Tình Việt trong người Việt. Còn chuyện văn chương là cái còn lại. Hay là cái qua đi. Cao Tần nắm vững kỹ thuật. Nhưng thơ ông thành công không phải chỉ vì kỹ thuật, và cũng không phải chỉ vì niềm nhớ cố hương. Bao nhiêu người đã làm thơ nhớ nước trước đây. Tôi nghĩ ông rung cảm được người đọc vì cái tình người. Tôi nghĩ thầm: phải yêu người mới nhớ nước, mới nói được một câu rất thực và rất thật: Bài học lớn từ khi đến Mỹ
Là ngày đêm thương nước mênh mang Câu thơ cho ta thấy rằng, vì một lý do nào đó, con người có thể bứt bản thân ra khỏi quê hương, nhưng vẫn không thể bứt quê hương ra khỏi bản thân. Ở niềm nhức nhối sâu xa đó, người Việt kiều đều gặp nhau, dù chính kiến có đối lập. Mà gặp nhau đã là chuyện quý hiếm.
Để xoa dịu nỗi đau nhức trong cuộc sống, con người tìm quên, hay che giấu. Bằng cách pha loãng cô đơn của mình trong cô đơn của bạn bè, qua chén rượu, qua câu chuyện ngông: Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai (…)
Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc
Thấy chiến trường la liệt xác anh em
Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm
Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới
"Ta làm chi cho hết nửa đời sau?" Câu cuối cùng thật là cay đắng, thê thiết. Thơ Cao Tần lay động người đọc vì nó không sướt mướt, không bi lụy. Tâm tình bi thiết của mình, và của cả một cộng đồng đông đảo người Việt xa quê. Cao Tần đem ra nói chơi chơi, nói khơi khơi. Câu thật xen kẽ với câu đùa, chữ thanh lẫn giữa chữ thô, nụ cười tiếp theo tiếng nấc, câu tâm sự tái tê lạc giữa cái giọng kiêu bạc, bơ vơ. Toàn tập gợi ra cái vẻ phúng thế, khinh đời: Ông học được Mỹ đất trời bát ngát
Nhưng tình người nhỏ hơn que tăm Chữ "ông" Cao Tần sử dụng thường xuyên, bề ngoài tuy ngông nghênh, bên trong là trống rỗng và thảm hại. Xưng ông là để quên mình đi, chứ không phải để tôn mình lên cao.
Cái nghênh ngang trong thơ, thường che giấu một tâm hồn bất đắc chí. Do đó người ta dễ yêu vẻ kiêu bạc, khinh người trong thơ hơn là ngoài đời, tuy trên thực tế, trong thơ hay ngoài đời, sự kiêu bạc chắc cùng chung một động cơ tâm lý. Cao Tần tự xưng là "ông" và gọi thiên hạ là chú: Chú nào ngồi trước hiên ta chiều nay
Nghe mưa Sài Gòn rạt rào thơm ngát
Sau một ngày nắng lóa chín từng mây
Những mái tôn mưa cười ran hạnh phúc…
Độc giả cười xòa mà nhận cái ngông nghênh đó, vì nó chỉ phản ảnh một tâm trạng bi thương! Đời đang bão khi không chìm lặng ngắt
Như cành khô nằm chết đáy sông sâu (…)
Tuổi chưa nặng hồn đã chừng ngớ ngẩn
Lòng vàng khô hơn chiếc lá đưa vèo. Qua những đoạn trích dẫn, độc giả cũng thấy được cấu trúc trong từng bài thơ Cao Tần. Đoạn đầu, hoặc chỉ câu đầu, nói lên một hoàn cảnh cụ thể hiển nhiên, để lôi cuốn óc tò mò của người đọc. Sau đó, tác giả tổ chức ý thơ, lời thơ của toàn bài để đưa dẫn tới câu cuối, thường thường rất cô đúc.
Giọng thơ già dặn tỉnh táo, chừng mực cho ta cái cảm giác Cao Tần chỉ là bút danh của một tác giả đã giàu kinh nghiệm diễn đạt. Cao Tần là ai, kể ra biết cũng vui, không biết cũng không sao. Điều quan trọng là ông đã nói lên một cách hiệu lực niềm nhớ nước đau nhức trong nhiều người Việt, vì lý do này hay lý do khác, phải sống lưu đày nơi đất khách.
Người Việt ở nước ngoài, rời đất nước vào những giai đoạn và cảnh ngộ khác nhau. Do đó, cùng nhớ chung một đất nước, nhưng niềm ray rứt cũng khác nhau. Buộc mọi tình cảm phải giống nhau, là chuyện viễn vông. Niềm nhớ nước của Cao Tần bi thảm vì nó tuyệt vọng, bế tắc. Dĩ nhiên ta không nên đơn điệu suy ra rằng: trong hoàn cảnh này, hoàn cảnh nọ, thì phải nhớ nước thế nọ, thế kia. Người này thế này thì phải nhớ nước thiết tha hơn người nọ thế kia. Cuộc sống nội tâm không đơn giản như vậy.
Điều ta có thể nhận thấy là niềm nhớ nước ở Cao Tần đằng sau cái kiêu bạc bên ngoài, nó thê thiết, thê thiết như ít khi ta được thấy ở văn thơ người Việt nước ngoài. Chỉ có điều đó thôi cũng đáng cho tôi ghi nhận và giới thiệu với bạn đọc. Vấn đề tôi muốn nêu lên là: chúng ta có nhớ nước thật tình, nhớ đến cái độ chấp nhận, đùm bọc nhau, khai thông cho nhau những bế tắc hay không. Dĩ nhiên là còn nhiều vấn đề khác có thể nảy ra, còn nhiều kết luận khác còn có thể tỉa ra, còn nhiều suy nghĩ khác có thể bừng sáng, về trách nhiệm chung của chúng ta về sau.
Còn chuyện văn chương, chỉ là lời chào qua đường . ./.11-1982
ĐẶNG TIẾN
-----------------
Chú thích: [1] Người Việt xuất bản, không ghi nơi và năm in. Theo chúng tôi thì in tại California, 1978, sách gồm 56 trang khổ nhỏ.
-----------------------------
trích từ Du Tử Lê's Blog
-----------------------------
-----------------
Chú thích: [1] Người Việt xuất bản, không ghi nơi và năm in. Theo chúng tôi thì in tại California, 1978, sách gồm 56 trang khổ nhỏ.
-----------------------------
trích từ Du Tử Lê's Blog
-----------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét